Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Mẹ - Thơ PhamPhanLang - Nhạc Mộc Thiêng - Ca Sĩ Đông Nguyễn


Thơ: PhamPhanLang
Nhạc: Mộc Thiêng
Ca Sĩ: Đông Nguyễn

Lời Ru Của Má


Má ơi ... con nhớ năm xưa
Ầu ơi Má hát ru trưa nắng hè
Ngoài hiên âm ỉ tiếng ve
Vỏng đưa gió mát măng tre giấc nồng
Bây giờ con đã có chồng
Ầu ơ ru trẻ mà lòng không quên
Vu Lan xứ lạ buồn tênh
Cài bông hồng trắng chông chênh cuộc đời


Trúc Lan KTP

Lên Chùa Nhớ Mẹ



Kính tặng Mẹ tôi.
Kính tặng những ai đã mất mẹ để cùng cảm thông.

Đường dẫn đến chùa xa thật xa
Quanh co muôn nẻo cõi Ta Bà
Chiều nay gió nhẹ, mây lờ lững
Nhẹ bước tìm về dấu vết xa

Nhớ thuở Mẹ còn, mẹ dắt con
Ngày Rằm Tháng Bảy lúc trăng tròn
Đến chùa lạy Phật, Vu Lan lễ
Cúng lễ cầu siêu, đạo hiếu tròn

Thuở ấy con thơ chẳng biết gì
Lên chùa vui lắm! Cứ theo đi
Mẹ cha quỳ lạy, con quỳ lạy
Mà thật trong lòng chẳng biết chi

Phật Tổ Trên cao ngó xuống cười
Nhìn con bé bỏng tuổi xuân tươi
Cũng ngồi kính cẩn hai tay chấp
Cũng niệm Nam Mô! Phật mỉm cười!

Mẹ bảo: "Hôm nay có cúng chay
Thức ăn thức uống Lễ Rằm này
Tương rau mọi thứ đều thanh đạm
Con được ăn chay! Phước lắm thay!"

Đậu hủ canh chua, chùa nấu ngon
Món kho, bì cuốn, chả giò dòn
Thức ăn hương vị! Ôi! Ngon lạ!
Thuở bé ăn chay! Con thấy ngon

Bây giờ Mẹ đã khuất ngàn xa
An nghỉ rời xa cõi Ta Ba
Con đã lớn khôn, đầu đã bạc
Mẹ còn đâu nữa! Ôi! Xót xa!

Lên chùa con nhớ chuyện ngày qua
Dáng Mẹ thân yêu nét dịu hòa
Nhắc nhở đàn con Rằm Tháng Bảy:
"Đi chùa lễ Phật gia đình ta!"

Bông hồng cài áo! Hoa màu trắng
Nhắc nhở con đây mất Mẹ rồi
Lại đến Vu Lan, Mùa Đại Lễ
Lên chùa nhớ Mẹ thuở xa xôi!

Sương Lam

Cầu Cho Cha Mẹ


(Ảnh - Nguyễn Thành Tài)̣

Vu Lan nhớ Mẹ thương Cha,
Nhớ ơn công đức Mẹ Cha cao dày.
Nuôi con tần tảo tháng ngày,
Ru con, con ngủ cho say giấc nồng.
Trắng đêm Mẹ thức vì con,
Vì con Mẹ đã tay bồng tay mang.
Gánh gồng lên dốc xuống ngàn.
Oằn đôi vai Mẹ nhọc nhằn thân Cha.
Con giờ nương náu phương xa,
Về thăm mồ mã quê nhà khó khăn.
Nơi này con đốt nén nhang,
Quỳ xin Phật Tổ Vu Lan nhiệm mầu.
Vong Linh Cha Mẹ nơi đâu.
Làm con báo hiệ́u ân sâu nghĩa từ.
Nghiệp kia Phật độ tiêu trừ,
̣Luân hồi thoát khỏi, đường tu sáng ngởi.
Kính lạy Mẹ, Kính lạy Cha
Con quỳ xin Phật Thích Ca dẩn đường.

Nguyễn Thành Tài
Montréal, Québec.

Thương Nhớ Mẹ



Bao nhiêu bài thơ con làm
Chưa bài nào con làm cho mẹ
Hôm nay đọc những bài thơ về mẹ,
Của bạn bè, con cảm thấy xót xa
Đúng quá đúng những bài thơ ngợi ca
Nước mắt con tuôn trào
Thấy thổn thức, thấy nhớ thương vật vã!

Hai mươi năm kể từ ngày mẹ mất
Con lạc loài, hụt hẫng lắm mẹ ơi
Không còn mẹ, ai dậy dỗ trên đời
Những lúc khổ chẳng còn ai tâm sự
Ai khuyến khích, ai mừng con khá giả
Ai nghe con chia sẻ chuyện âu sầu..
Khi quấn khăn tang mầu buồn trắng lên đầu,
dẫu vẫn biết.. từ đây mình mất mát
Đâu ngờ rằng mất nhiều quá mẹ ơi!

Không có ai hiểu con bằng mẹ hiểu
Mất mẹ rồi, trống vắng biết bao nhiêu
Thèm mẹ mắng, nghe mẹ cười hớn hở
Mất thật rồi… ai nâng đỡ, thương yêu
Mẹ thương con, tình thương vô điều kiện
Mẹ thương con tình mẹ chẳng bến bờ

Bao nhiêu tuổi vẫn là con của mẹ
Mẹ mất rồi con bé bỏng với ai
Bao nhiêu tuổi vẫn là con gái mẹ
Thèm dụi đầu vào nách mẹ, ôm vai

Hoa hồng trắng con ngậm ngùi cài áo
Cài hàng năm vào ngày lễ Vu Lan
Nhớ mẹ yêu con đã khóc nghẹn ngào
Tháng Bẩy ta mùa Vu Lan báo hiếu
Mẹ còn đâu mà đền trả, mẹ yêu…
Mẹ yêu ơi hôm nay con nhớ quá
Nhớ mẹ hiền, con nhớ quá mẹ ơi?
Ngày hiền mẫu không còn mẹ trên đời
Thương nhớ mẹ, mẹ của con, mẹ hỡi…

Q. Như Nguyệt
May 7th, 2015




Mai Vàng Tưởng Nhớ


        (Ảnh: Kim Phượng)

Mai vàng rộ nở ngoài sân
Nhìn hoa tưởng nhớ song thân của mình
Một đời vất vả hy sinh
Bao năm dưỡng dục nặng tình khắc ghi
Vu lan lệ đẫm bờ mi
Công ơn trời biển lấy chi đáp đền

Thơ: Huỳnh Phương Trạch
Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long

Ơn Má!

(Reservoir, Úc Châu 2/8/1993) 

    - Má! Sao hồi đó má cắt tóc con trai cho con vậy má?
    - Tại con muốn. 
    - Lúc đó con được bao nhiêu tuổi vậy má?
    - Con được ba tuổi?
    - Ba tuổi! Chỉ ba tuổi, sao con muốn mà má cho?
    - Con không biết đâu! Vì tính con cương nghị, nói một là một hai là hai. Con biết hôn, lúc con học lớp Năm, dượng Bảy bảo má cho con nghỉ học, giúp má lo công việc nhà. Nhưng má không chịu, đời của má, má không được học nhiều, còn tụi con, muốn học đến đâu má cho học đến đó.
    - Sao dượng Bảy lại chọn con, bắt con nghỉ học hả má?
    - Vì anh chị con đã đi học xa hết rồi. Với lại, con là đứa chịu cực, chịu khổ.

    Đó là cuộc đàm thoại ngắn ngủi của hai má con, trong những ngày cuối đời của má. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe qua về cá tính của mình lúc còn nhỏ và sự quyết định cao cả của má. Nhờ quyết định sáng suốt đó, tôi có được như ngày hôm nay.

    Hai má con chỉ nói được chừng ấy, má trở mệt, thở gấp, hổn hển, yếu dần rồi im lặng. Trong im lặng xót xa đó, tôi thấy má đưa mắt nhìn lên bức ảnh má chụp chung với ba lúc sinh thời. Rồi má hướng về cây thánh giá gỗ đặt cạnh khung ảnh, được ông anh rể mang từ Gia Nã Đại sang. Lặng người đi một lúc, lòng tôi chùng xuống như thể vượt quá sức chịu đựng. Một cảm xúc bật trào dâng, thôi thúc, tôi đưa tay nắm lấy bàn tay gầy xương của má và vuốt nhẹ lên lưng bàn tay. Cử chỉ ve vuốt, cứ thế được lặp đi lặp lại. Vẫn giữ chặt bàn tay xanh xao, lạnh giá của má... “ Con cám ơn, vì má không nghe lời dượng Bảy. Má mà cho con nghỉ học, giờ này con dốt, chắc con tức chết.”
Những ngày liên tiếp, bao câu chuyện xa xưa, hằng đêm được tôi gợi lại. Về phần má, được nhắc nhớ, nên say sưa kể và hình như má quên cơn đau. Cảm giác được nằm cạnh má thủ thỉ, đưa tôi trở về thời bé dại. Hạnh phúc dù muộn màng, đau thương, nhưng đã đưa hai má con êm ả đi vào giấc ngủ.

    Một người ngoại đạo như má,, giữ việc thờ cúng tổ tiên làm trọng. Vậy mà, má bảo tôi thưa với Cha, một vị linh mục, cho câu kinh để má học. Cha biết thời gian còn lại của má không bao lâu, chỉ một tuần nữa thôi, nên Cha chọn lời kinh thật ngắn. Đồng thời chuẩn bị tâm lý cho má, hàng đêm tôi cùng má nghe đài phát thanh Việt Ngữ SBS lúc 7 giờ. Đến 8 giờ, má lắng nghe lời giảng về lý vô thường trong cuộn băng được thu lại. Mười lăm phút sau, má bắt đầu học kinh… “ Lạy Chúa con xin ký thác…”. “Má có tiền không mà ký thác?” Mỗi lần má đọc sai như thế, tôi thường trêu ghẹo cho má vui. Má vui thật! Tiếng cười trong như trẻ thơ của má vang lên. Tôi cười theo, không quên dặn dò “ má cố gắng thuộc để đọc cho Cha nghe nhe má.” Như bỏng phải nước sôi “ ý…ý Cha đến con đừng nhắc nghe, chừng nào má thuộc kinh, má sẽ đọc cho Cha nghe. Không biết Cha có biết thầy giáo Phụng không? Hồi đó má đi học, đứa nào không thuộc bài bị thầy đánh dữ lắm.” Kể từ đó, sau mỗi lần đọc xong câu kinh má tôi ngủ trong bình yên mà không dùng đến thuốc an thần như trước đây.

    Hồi tưởng như đang trở về, nét mơ màng được hiện rõ trên khuôn mặt má. Bà đang sợ Cha!? Thật ra, Cha chỉ vào tuổi con trai út của má thì cách chi Cha biết đến thầy giáo Phụng. Ba hôm sau, má đã thuộc lào “Lạy Chúa con xin phó thác hồn xác trong tay Ngài”. Chỉ mỗi việc thuộc bài thôi mà mắt môi má trở nên rạng rỡ. Má xin thêm lời kinh thứ hai để học tiếp. Nhưng rất tiếc, má chỉ thuộc một nửa và muôn đời không còn cơ hội để học tiếp một nửa còn lại. Tuy nhiên, má ra đi chậm hơn một tuần, không như lời dự liệu của bác sĩ.

    Trong những ngày cuối đời của má, hằng đêm sau lời kinh má đọc, tôi thường hay ve vuốt bàn tay má. Bởi vì, lần đầu tôi cảm nhận được, khi tôi xoa xoa bàn tay gầy guộc. Những lúc ấy, má im lặng, nhưng hình như có một sợi dây thiêng liêng nồng nàn yêu thương nào đó, kết chặt qua sự tiếp xúc của “tay trong tay”. Điều đó muôn đời, tôi khó mô tả hết cảm xúc. Thật ra, sự ve vuốt này, tôi lấy từ bài học Hướng Dẫn Con Vào Đời, về phương cách dạy con đã học được và đem áp dụng với má. Qua bài học yêu thương trẻ con mà tôi học được ..."Thương con không phải chỉ bằng lời nói mà còn cần cử chỉ âu yếm vuốt ve..."
"Tay má đẹp quá hà…vừa thon lại vừa mềm. Còn tay con, ngón cứng ngắt.” Má mỉm cười, “Tại con cực quá!" nhưng " má còn cực hơn con nữa, mà tay má mềm xèo”, giọng nói nũng nịu của tôi và má hòa đồng nên đáp lại bằng tiếng cười khúc khích trẻ thơ.

    Đến khuya, má lên cơn đau dữ dội, hết ngồi lên rồi lại nằm xuống, trăn trở. Tôi ứa lệ, câm lặng và cùng đồng hành với những động tác của má. Má đau thân xác, còn tôi, một tâm hồn tan nát, không gánh giùm được nỗi đau cho má. Trong cơn đau đớn thế kia, má vẫn không quên lo lắng cho con gái mình “Con thức như vầy rồi làm sao sáng mai đi làm cho nổi!”

    Má lại ngồi bật dậy và thều thào “ôm má đi con”. Tôi ôm má với đôi mắt ứa lệ, vòng tay tôi siết nhẹ, từ từ chặt hơn. “ Má có sợ chết không má?”. Bằng một giọng cố gắng bình thản, nhẹ như hơi sương, tôi hỏi má. Thật ra hơn tuần nay, tôi biết rõ, ngày này sẽ không tránh khỏi, nên tôi đã cùng má thực tập an lạc, hầu giúp má thanh thản trong lúc ra đi. Với giọng bình thản " Má không sợ chết. Má chỉ sợ không ai lo cho con Ngân”. Ngân là đứa cháu nội đi du học, đang ở chung với má. Trong im lặng, tôi đứng yên và ôm má, siết nhẹ thật lâu. Được một lúc, má lại thều thào “ Má hơi mệt, cho má nằm xuống đi con và con cũng ngủ đi để ngày mai còn đi làm.” Đến 6 giờ sáng, em tôi đến thay phiên để tôi đi làm. Nội nhật hôm đó, má được đưa vào bệnh viện trở lại, khi cơn đau dữ dội hơn.

    Đến chiều về, tôi vào thăm má, thoáng chút ngạc nhiên khi anh chị em tôi yên lặng quá. Bước vào phòng bệnh, tôi nghiêng mình hỏi “ Má biết ai đây không má?”, bằng giọng thật yếu ớt: “Con Phượng chớ ai”. Tôi nhoẻn miệng cười và vờ vô tư trò chuyện, nhưng má im lặng. Tôi nghĩ có lẽ má cần nghỉ ngơi. Bỗng chốc, tôi thấy mắt má nhướng lên, rồi chìm sâu, khép nhẹ. Một phản ứng tự nhiên, tôi gọi với ra ngoài “vào nhanh…nhanh lên”.

    Các con má đang đứng đó, má đã thanh thản ra đi đúng 8giờ 30 tối ngày 24 tháng 9 năm 2002. Và “con Phượng chớ ai” là lời nói cuối cùng của má.

    Bao năm trôi qua, mỗi lần đến má, như một thói quen cố hữu, tôi lại nhìn xuống đôi bàn tay mình, rồi hướng tầm mắt xa xăm, như tìm kiếm trong cõi mênh mông kia một bóng hình…muôn đời có nhau. Má qua đời, tôi còn rất nhiều điều để nuối tiếc. Nhưng tôi không hối hận hay đau lòng, ngược lại rất hài lòng về cách ứng dụng bài học hướng dẫn cho con mà tôi đã học từ một vị Linh Mục và đem áp dụng với má. Yêu thương không phải chỉ bằng lời... Thương má không phải là một bổn phận, ngọt ngào tình thương cho và nhận bằng cử chỉ âu yếm vuốt ve. Tôi đã ve vuốt được đôi bàn tay má khi bà còn sống, còn biết, còn nghe được…

    “ Tay của má đẹp quá hà…!”

(Má năm 16 tuổi)
Kim Phượng

Mẹ


Cha tôi mất lúc tôi lên ba tuổi
Sau một đêm buôn muối ở Phòng về (Hải Phòng).
Còn nhỏ nhoi nên tôi chẳng biết gì
Chỉ oà khóc lúc mẹ tôi nức nở...


Mưa xối xả,gió gào man rợ,
Chớp liên hồi rạch vỡ vũng trời đen.
Từ ấu thơ đêm ấy đêm đầu tiên
Tôi biết sợ,lớn lên trong lo sợ.
Thân góa bụa,mình mẹ tôi soay sở,

Không bước thêm,không nỡ xa tôi.
Hai mẹ con heo hút sống lần hồi.
Bữa khoai sắn cho qua thời kinh tế
Nạn đói tràn lan Đê Đông Lao bể

Cả hoa màu đành để cuốn ra sông.
Tưởng tầm tang cho bớt cảnh long đong
Bỗng giáp tết Thăng Long bùng khói lửa:
Làng tôi kia bom thù gieo đổ vỡ

Khắp xóm giềng vội vã tản cư,
Đồng chiêm sâu,Con gái lúa ôm bờ
Mẹ chập choạng gánh tôi trong thúng gạo.
Xếp Vĩnh Phúc bữa ngô bữa cháo,

Rau khúc tười rào rạo độn xanh cơm.
Tản cư về mưa gió mẹ đi buôn
Khắp La Cả La Khê, Hà Đông,Hà Nội.
Bút máy, đồng hồ, vải bông, vải sợi 

Một thân cò lặn lội vạn gian truân.
Khóc thầm luôn mắt mẹ tối tăm dần,
Tôi mải sống chưa một phần an ủi.
Xuống Hải Phòng vẫn một thân thui thủi 

Gắng nuôi tôi học hỏi bằng người.
Nước mặn đồng chua nhuốm tóc màu vôi
Da trứng bóc nắng phơì thành mai mái.
Bao đêm lạnh bỗng dưng lòng tê tái.

Ôm mẹ già tôi lại trách thầm tôi
Lòng bùi ngùi răng bập cắn làn môi,
Tủi thân phận chẳng hề nguôi tấc dạ.
Tôi tự hứa dù nắng mưa vất vả,

Phải hy sinh tất cũng không lui...
Tôi chỉ cầu chỉ muốn mẹ tôi vui...
Định mệnh hỡi! Mấy ai trọn ước?
Hiệp Định Genève Chia đôi đất nước,

Hàng triệu người bắt buộc phải ra đi
Khắp ruộng đồng thổn thức điệu từ ly,
Mẹ lo lắng bắt tôi di tản trước,
Mẹ ra lệnh làm sao tôi cưỡng được 

Lìa mẹ hiền liều cầt bước suôi Nam
Tiễn đưa con mẹ dặn:"Cứ an tâm,
Mẹ quyết định về thăm mộ bố
Và thu sếp việc nhà việc cửa,
Chừng độ năm ba bữa mẹ vào ngay! 

Tàu Há mồm, nghiện lái nặng chua cay;
Đôi tay vẫy đôi tay cùng gạt lệ
Đã bao phen toan nhào xuống bể,
Bơi trở vào theo mẹ viếng mồ cha.

Sợ mẹ buồn con gạt lệ xót xa
Dõi bóng mẹ nhạt nhòa trên bến Muối...
Buổi chia tay có ngờ đâu buổi cuối.
Mấy năm trời chờ đợi bạc đầu con 

Ba ngàn ngày đằng đẵng héo hon.
Có ai biết mẹ còn hay đã khuất
Gối mẹ thêu ố hoen vì nước mắt
Áo mẹ may con vẫn cất trong dương 

Màn mẹ khâu con chưa mắc lên giường.
Con chỉ sợ hơi hương tàn rã hết.
Đêm đêm ngắm trăng tàn sao khuyết,
Tưởng nhớ ngày ly biệt nặng lòng đau

Ôi Hiền Lương ai nỡ ngăn cầu?
Cho mẹ tủi con sầu khóc hận.
Chiến tranh ơi! Chiến tranh ơi! Tàn nhẫn!
Mẹ hiền ơi con lỗi phận làm con!

Mẹ tôi già bóng Ác xế đầu non,
Sao nỡ để hao mòn trong tưởng nhớ?
Sao nỡ bắt đêm đêm nức nở?
Liệu tôi còn gặp gỡ mẹ tôi không? 

Tôi có còn được thấy mái đầu bông?
Có thấy lại chiếc lưng cong chờ đợi?
Có được nghe mẹ tôi trăn trối?
Được giơ tay vuốt vội lớp mi sâu? 

Hão huyền thôi! mất cả còn đâu?
Mẹ ôi mẹ!Gập nhau đành kiếp tới!
Trời cao! Trời cao ôi! mẹ tôi vô tội
Đừng bắt người hấp hối vắng con yêu!

Tôi chẳng cầu chẳng dám xin nhiều
Chỉ mong được chiều chiều thăm mộ mẹ,
Ôm mộ chí giữa tha ma quạnh quẽ
Mà thở than lặng lẽ với trăng trong:

“Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Sô tang nuôi cái nuôi con
Bao phen xa cách héo hon lòng già"


 Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Tạ Ơn Mẹ - Nhạc Sĩ: Lam Phương - Kim Trúc Trình Bày



Nhạc Sĩ: Lam Phương
Trình Bày: Kim Trúc

Vu Lan Nhớ Mẹ Hiền


Vu Lan báo hiếu đến rồi
Người cài hoa đỏ tiếng cười ngát thơm
Bởi vì mẹ vẫn đang còn
Tai vương tiếng mẹ ru con dịu dàng

Mình cài hoa trắng đa đoan
Nỗi buồn giăng khắp suối vàng mẹ ơi
Chắp tay lạy mẹ trên trời
Mà lòng quặn thắt lệ rơi muộn phiền

À ơi tiếng mẹ ru êm
Ru con yên giấc qua miền chiêm bao
Gánh bao khổ cực gầy hao
Nuôi con khó nhọc mẹ trao tấm lòng

Bàn tay âu yếm ẵm bồng
Yêu thương tha thiết từ trong tới ngoài
Bao năm nhớ chẳng nguôi ngoai
Vu Lan tháng Bảy trôi dài xót đau

Nén nhang thắp khấn nguyện cầu
Mẹ nơi Tiên Cảnh nhiệm màu an vui
Công ơn mẹ nhớ suốt đời
Làm sao đền đáp đắp bồi ơn sâu?

Trầm Vân

Con Thương Mến Mẹ



Đọc Xuôi:

Con thương mến Mẹ đức tâm hiền,
Khéo dạ lòng ngay chính mẫu tiên.
Son sắt mãi gìn không hiểm độc,
Tảo tần luôn giữ chẳng đa phiền!
Tròn duyên nghĩa vững bền gia thất,
Đẹp ý chồng vui thuận mối giềng.
Ngon ngọt thảo dâu tình nghĩa nặng…
Con thương mến mẹ đức tâm hiền!

Đọc Ngược:

Hiền tâm đức Mẹ mến thương con,
Nặng nghĩa tình dâu thảo ngọt ngon.
Giềng mối thuận vui chồng ý đẹp,
Thất gia bền vững nghĩa duyên tròn.
Phiền đa chẳng giữ luôn tần tảo,
Độc hiểm không gìn mãi sắc son.
Tiên mẫu chính ngay lòng dạ khéo…
Hiền tâm đức Mẹ mến thương con!

Liêu Xuyên

Vu Lan Nhớ Mẹ Hiền



Vu Lan đại lễ Mẹ về không !
Con kính dâng lên búp nụ hồng 
Dưỡng dục ơn dày cao chất ngất
Sinh thành nghĩa cả rộng mênh mông
Thờ Cha hiếu thảo luôn toàn ý
Kính Mẹ yêu thương mãi trọn lòng
Nạn dịch lây tràn sao gặp gỡ
Vu Lan đại lễ Mẹ về không!

Mai Xuân Thanh
Ngày 01/09/2020

Trăng Vu Lan



Trăng rằm lễ hội Vu Lan
Lòng con dạ cảm miên man nỗi buồn
Còn Cha còn Mẹ thì hơn
Hôm nay mất cả ...như chôn cuộc đời
Hoa Hồng trắng sẽ cài thôi
Cho mình đã biết mồ côi kiếp người
Ví mà...sống lại thuở thời
Được Cha bồng ẩm, dạy lời đầu tiên
Ru con an giấc ngoan hiền
Miếng cơm manh áo Mẹ chuyền cầm tay
Ân nầy đền đáp sao đây?
Cho tròn chữ hiếu nào phai tấm lòng

songquang

Vu Lan Nhớ Mẹ



Hôm nay ngày lễ Vu Lan
Mẹ bỏ con - bốn mươi năm xa rồi
Vì cách trở - quá đơn côi
Không về viếng mẹ bồi hồi xót xa.

Đi lễ chùa, con cài hoa
Bông hồng màu trắng mặn mà tiếc thương
Bạn con cài một đóa hồng
Vì còn có mẹ đèo bồng lắm khi.

Từ ngày mẹ bỏ con đi
Về miền cực lạc từ bi lánh trần
Vu Lan tháng Bảy cô hồn
Là con tưởng mẹ cô đơn cõi nào.

Đêm nay trời đổ mưa ngâu
Gió hiu hắt thổi tưởng đâu mẹ về
Mẹ ơi con buồn lê thê
Mỗi đêm nhớ mẹ mắt nhòe lệ cay...

Dương hồng Thủy
02/09/2020
(Viết thay con gái Út V. t. Thu Thảo)

Chuyến Xe Cuối Cùng


(Cây kiểng Ba Má để lại)

Hai năm qua rồi mà sao lòng tôi vẫn chưa nguôi, cũng giờ này ngày ấy chiếc xe nhè nhẹ lăn trong khu phố nhỏ.

Má tôi muốn được nhìn những cánh hoa muôn màu của những căn nhà chung quanh trong khu phố, má đau nhiều lắm không biết sẽ ra đi lúc nào nhưng sao má vẫn thấy cuộc đời muôn sắc thắm vậy hở má? Ước gì con cũng được an vui, hạnh phúc như cuộc đời má dù chỉ là một góc nhỏ thôi. Ước thế thôi chứ má có biết con đang an lành bên má không hỡi má ?!.

- Hoa này đẹp không má?
- Hoa nào cũng đẹp cả con, mỗi hoa có vẻ đẹp riêng, giống như sáu đứa con gái của má, mỗi đứa có một vẻ đẹp khác nhau vậy.
Má thế đó, cho dù ngày nay tuổi các con đã bước qua con số bốn đầu cả rồi, má lúc nào cũng ước ao, con mình như những đóa hoa còn xuân sắc.

- Oanh ơi, dừng xe lại đi con.

Xe dừng lại, má nhìn cánh hoa tươi cười rạng rỡ:
- Con thấy không, người ta nói hoa búp là hoa đẹp vậy mà hoa này nở rộ rồi mà có thua gì hoa búp đâu hở con!

Má ơi, con hiểu má muốn nói gì với con rồi, nhưng con làm sao xoay chuyển được cuộc đời của con đây hở má! Tôi vờ vô tình như không hiểu những gì má muốn nhắc nhở cùng tôi..

- Đi nhe má?

Không đợi má trả lời tôi tiếp tục cho xe lăn đi.
Đi bên má chiều nay sao tâm hồn tôi đau xót quá, chưa hết vòng khu phố nhỏ má dường như sắp mệt, nhưng tôi cố gắng tìm những cánh hoa khác để xua tan đi cơn mệt, đang hằn lên gương mặt má tôi.

- Oanh ơi, cái cổ má mỏi quá con, thôi về đi con.

Tôi tựa sát vào thành xe lăn.
- Má tựa đầu vào ngực con nè.

Thế là vừa đi tôi vừa nương theo xe má.

- Con nhỏ này nhanh trí, má thấy đỡ rồi đó. Bởi vậy má nói với ba con hoài “Con Oanh nó giống Mình lẹ làng” và suốt con đường đi hôm ấy hình ảnh ba lại được má nhắc hoài…

- Con biết không, hồi xưa má về với ba con, má chỉ là cô gái mới vừa 15 tuổi cái tuổi còn ngây thơ khờ dại, chưa biết gì là khôn khéo với người ngoài. Vậy mà ông bà nội của con thương yêu dạy bảo má, với lời nói nhẹ nhàng, má còn nhớ có hôm nọ má nấu canh, ông nội ăn xong khẽ nói:

- Con ơi, canh hơi cứng.
- Thưa tía, con hầm lâu lắm sao còn cứng hở tía?

Ông nội cười xòa và bảo:
- Tía nói cứng nghĩa là mặn đó con, thôi không sao đâu.

Và xoay qua bà nội, ông con nói:
- Con nó còn nhỏ, từ từ tía má sẽ chỉ dạy thêm.

Ông bà con là người nhân từ đức độ, kẻ trên người dưới đều một lòng quý mến.Trong gia đình ông bà không cho gọi người giúp việc là “Người làm” mà gọi là “Anh em bạn”, cho dù ông đang ăn cơm mà tá điền đến nhà, ông con bỏ đũa đứng lên, hai tay chấp trước ngực để chào đáp lại. Ông bà con là điền chủ giàu có lắm ruộng vườn cò bay thẳng cánh ở vùng Phú Hữu. Năm nào thất mùa lúa là năm đó ông bà nội không thu một hột lúa nào của tá điền, mà còn trích ra thóc gaọ để giúp đỡ dân nghèo qua cơn khốn khó. Ngoài ra ông còn học về thuốc Nam để trị bệnh cho dân nghèo những khi đau yếu, bệnh tật. Ruộng vườn bao la bao nhiêu thì tình thương nhân ái của ông bà nội con cũng bao la bát ngát bấy nhiêu. Cũng vì được trọng nể đức độ ấy mà dân làng đã bầu ông con là ông Bang Biện trong làng.

Thời ấy dân làng phải băng đồng lội ruộng đi dự phiên chợ Giồng Ké, thuộc xã Trung Ngãi, Quận Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long, thấy dân làng quá cơ cực trong hai buổi đi chợ về, ông đã cho đấp con đường với hai hàng cây trâm bầu thật mát để người dân đỡ vất vả. Nhớ ơn ông, người dân làng đã gọi đó là Lộ Ông Bang, trong truyện Hồ Biểu Chánh đã có lần nhắc đến đó con biết không.

Các con ngày nay được no cơm ấm áo, nhờ vào phúc đức của ông bà để lại nhe con, hãy cố gắng sống ”Mình ăn hết người ta ăn còn”.

Tiếp nối ông nội, thì ba con là người con hiếu thảo, một người chồng chung thủy, một người cha mẫu mực, đối với bà con lối xóm tốt bụng hiền lương y như ông bà con vậy.

Ba con thương yêu má hết lòng. Năm ông ngoại con mất sớm, bà ngoại con mới vừa 40 tuổi, má là chị hai trong gia đình, có năm đứa em thơ dại, ba con đã bảo bộc, hiếu thảo với bà ngoại và thay mặt má nuôi dưỡng chăm lo sự nghiệp cho dì và các cậu con nên người. Ngày đầu tiên về làm vợ, ba con để trên đầu giường quyển sách “Cách học làm vợ và nuôi dạy con”. Bao nhiêu đó má biết ba con là người chồng rất tế nhị. Ba con chưa một lần la rầy má, chuyện gì không vừa ý ba con luôn lựa lời nhỏ nhẹ bảo khuyên. Ai nói gì oan ức má nói ba sao không đính chính, ba mỉm cười nói: “ Chỉ cần một mình Mình hiểu anh là đủ rồi”.Má vừa kể chuyện, tay vừa xoay xoay chiếc cà rá một cách âu yếm thiết tha. Má cười nói:

- Con có biết, chiếc cà rá này là kỷ vật của ba tặng kỷ niệm khi má mang thai con, con là đứa con thứ chín trong gia đình đó con. Ba con là người cha chu toàn, hết lòng dạy dỗ các con nên người. Không có ba thì mười đứa con không được như ngày nay đâu con.

(Di vật của Ba Má)

Ba thế này ba thế đó… và trong ánh mắt má chan hòa, thương nhớ xa xăm, tôi đã nghe nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Vậy mà lần nào nghe, tôi vẫn thấy thật hay như câu chuyện cổ tích diệu kỳ và má tôi là Nàng Tiên trong chuyện thần tiên đời nay của thế giới mới mẻ này.

Ba đã mất đi năm năm rồi, má vẫn còn thấy như ba đang bên cạnh má, má nói chuyện với tôi mà tâm hồn như đang trò chuyện cùng ba.
- Ba má về với nhau hơn sáu mươi năm rồi chứ ít ỏi gì, thế mà như còn xuân vậy hở má!.

Má nghe tôi nói má cười sung sướng:

- Ờ ba con ổng tốt lắm, trọn đời này không có người thứ hai, ổng thương má đến ngày nhắm mắt. Trước khi nhắm mắt ba con còn lo cho má: “Ba đi rồi má con ở với ai?” Chị Phượng con trả lời: “Ba đừng lo chúng con đông mà ba”. Ba vẫn chưa yên lòng: “Nhưng má con ở với đứa nào?” Chị con vội nói: “Ba yên tâm má ở với con”, Ba con yên lòng nhắm mắt ngủ… và ngủ bình yên trong yêu thương an lạc. Ba con là một người chồng trọn tình trọn nghĩa.

Thật vậy, đó là sự thật! Sống với gia đình suốt hai mươi hai năm, tôi chưa một lần nghe ba má cãi nhau, tôi rất tự hào về ba má tôi. Người đã cho tôi một tuổi thơ tràn đầy thương yêu và thật đẹp, thật hiền hòa như bài hát Kỷ Niệm của nhạc sĩ Phạm Duy, mà mỗi lần nghe ca sĩ Thái Thanh hát, lòng tôi mãi dạt dào hoan ca, hạnh phúc:

Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Mẹ tôi ngồi đan áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng im im
Trong đêm mùa khô ráo….

Những lời ca này, tôi có thể hình dung lại được một mái gia đình đầm ấm, điển hình là mái ấm của gia đình tôi, khi tôi còn bé tí teo.Tuy giờ đây lưu lạc phương này, tôi vẫn sống mãi trong niềm hạnh phúc vô biên mà ba má đã ban tặng cho cuộc đời tôi.

Xe lăn về gần đến nhà, tôi không muốn đi nhanh, từ từ cho xe chậm lại để được nghe những lời thiết tha của một mối tình già thủy chung son sắt, mỗi lần nhắc đến đôi mắt má vẫn còn long lanh, tha thiết, chẳng hề phai.

- Thôi đẩy má về đi con má mệt rồi.
- Mai đi nữa nhe má?
- Ờ, để coi mai má khoẻ thì đi.

Đưa má vào nhà, nhìn má ăn cơm khi ánh nắng chiều xuyên qua khung cửa tạo một vệt nắng hắt lên mái tóc bạc phơ, tôi thấy tâm hồn mình quặn thắt, ánh nắng yếu ớt, má tôi giờ cũng yếu ớt và tâm hồn tôi cũng chẳng khác gì ánh nắng kia. Nhưng tôi cố tạo một vẻ bên ngoài cứng cỏi lắm. Nhưng má ơi, má có biết từ lúc đẩy má trên chiếc xe lăn, nước mắt con đã chực ứa rồi, con không biết hai mẹ con mình có còn được dạo phố ngắm hoa nữa không hỡi má?

Hôm sau ngày 24 -9 -2002 tôi đi làm lại, sau những ngày xin nghỉ phép để chăm sóc má. Nhưng má lại lên cơn đau, hai em tôi đưa má vào bệnh viện, tôi rời sở làm về thẳng bệnh viện thăm má.

- Oanh về rồi hả con?
- Dạ, con mới về.
- Xoa lưng cho má được không con, má mỏi quá!

Tôi xoa nhè nhẹ lưng cho má, nhưng mắt má thất thần, gương mặt hằn nét đau đớn, nhưng má vẫn chờ tôi về, muốn tôi vuốt ve lần cuối cùng trên chiếc lưng má. Ngày nào rời quê nhà, tôi là người cuối cùng xa ba má, rồi giờ đây tôi lai là người cuối cùng má xa rời tôi. Con cháu đến đông đủ bên cạnh má, lo âu vì Bác sĩ cho biết là má sẽ ra đi bất cứ lúc nào.

Má nói đêm qua nằm mơ thấy ba cất nhà mới và đón má về với ba. Thế rồi má nhắm mắt ngủ…và từ từ ngủ …bình yên trong niềm đau đớn vô cùng của chúng tôi.

Nước mắt chúng tôi rơi…nhưng không thành tiếng vì muốn má được ngủ thật bình yên, ngủ giấc ngủ ngàn thu….trong tĩnh lặng và cùng ba đi tiếp con đường mới đầy yêu thương vĩnh cữu như kiếp này ba má nhé !!!

Lời trăn trối cuối cùng trước khi nhắm mắt, má tha thiết ước mong một điều: “Các con phải thương yêu đùm bọc cho nhau,và ba đâu má đó, hãy chôn ba má cùng một nấm mồ”.

“ Sống đồng tịch đồng sàn, chết đồng quan đồng quách”. Ba má tôi đã trọn đời thủy chung và một lòng tôn kính lẫn nhau, từ khi gặp gỡ cũng như lúc qua đời.

Ngày cùng má đi dạo phố cũng là ngày cuối cùng tôi được hạnh phúc bên má, cũng là chuyến xe cuối cùng tôi được cùng má ngắm hoa.

(Ba Má ngắm sen)

Má ơi! Đêm nay con viết những dòng chữ này gửi đến má với tất cả niềm thương nhớ sâu thẳm của con…Má ơi, vườn con giờ nhiều hoa nở lắm, và má có biết chăng có một đóa hoa vừa sống lại trong khu vườn của con không?! Một đóa hoa héo tàn mấy mươi năm, một đóa hoa mà má hằng mong ước nó sẽ xinh tươi rực rỡ dù bao bão tố phong ba. Hoa đã được hồi sinh đó là một trong sáu đóa hoa xinh tươi của má, má có biết chăng hỡi má?! Xin má hãy giúp con tưới đóa hoa này để mãi mãi nó luôn tươi đẹp nhe má!

Thương yêu tha thiết gửi về má đêm nay. Đêm nay chính là ngày cách đây hai năm má đã ngủ yên, giấc ngủ êm đềm để gặp lại ba nơi miền cực lạc.

Phúc cho con một đời được làm con của ba má!

Kim Oanh 

Kỷ niệm ngày giỗ thứ hai của má
Úc Châu 24-9-2004

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Tình Mẹ - Thơ Chúc Anh - Nhạc Nguyễn Hữu Tân - Tiếng Hát Diệu Hiền


Thơ: Chúc Anh 
 Nhạc: Nguyễn Hữu Tân 
Tiếng Hát: Diệu Hiền

Má Ơi Cái Này Làm Sao ...

(Ảnh của Tác Giả)

Má tôi vất vả sớm chiều
Bao nhiêu công việc bao điều lo toan
Luôn tươi tắn chẳng héo hon
Cùng chồng tận tụy nuôi con một đời
Vô bếp nhớ Má khôn nguôi
Bao điều má dạy trong tôi chợt về
“ Công Dung Ngôn Hạnh “ tứ bề
Lời ăn tiếng nói, đi về dạ thưa

Ra đường tề chĩnh nhớ chưa !
Về nhà bếp núc cho vừa chồng con
Sắc son một dạ nghen con
Gia đình hoà thuận làm tròn phận dâu

Nhường nhịn không thua thiệt đâu
Chỉ là để giữ dài lâu gia đình
Hạnh phúc ở trong tay mình
Khéo mà cư xử nghĩa tình trước sau

Sống giãn dị chớ trèo cao
Nếp nhà mình giữ ai sao kệ người
Đừng gian lận, chớ lộc lừa
Đừng điêu ngoa nói cho vừa bụng ta

Con giờ tóc đã sương pha
Cố gắng nhắc nhỡ lời bà với con
Nay Má khuất bóng trên non
Làm gì con cũng sắc son nhớ lời

Trúc Lan KTP

Thư Họa Vũ Hối - Thơ Luân Tâm


Thư Họa: Vũ Hối 
Thơ:  Luân Tâm

Về Thăm Mẹ


(Ảnh - Hồ Công Tâm)

Hằng năm con lại về thăm Me,
Hai bữa cơm dâng... mấy tháng Hè.
Texas xa xôi đâu quản ngại,
Cali ấm áp sá e dè.
Quê người tấp nập thưa hàng họ,
Đất khách mênh mông vắng bạn bè
Hạnh phúc thay, Me trăm lẻ bốn
Còn ngồi kể chuyện cũ cho nghe...

California, August 20th 2020
Hồ Công Tâm aka Đỗ Ngọc Minh

Lời Mẹ


Thơ & Thư Họa: Kìều Mộng Hà

Trăng Rằm Vu Lan



Bài Xướng:
Trăng Rằm Vu Lan

Trăng chìm đáy nước tận đâu đâu
Trăng nổi trôi xuôi dưới nhịp cầu
Trăng ngủ im lìm bên bãi cạn
Trăng đùa loáng thoáng giữa dòng sâu
Trăng soi lấp lánh màn vi diệu
Trăng tỏa lung linh ánh nhiệm mầu
Trăng đến Vu Lan rằm tháng bảy
Trăng mong Mẹ Việt hết u sầu!

Duy Anh
***
Rằm Vu Lan

Họa Vận

Tháng bảy đêm rằm tủi phận đâu
Vu Lan lại đến tịnh chay cầu
Dòng nuôi ái bể thâm tình đậm
Cửa dưỡng men bầu nặng nghĩa sâu
Bóng Mẹ mơ lành giăng dịu sắc
Vầng Trăng mộng đẹp tỏa xinh mầu
Nguồn thương cuộn chảy vùng thơ ấu
Lạc lõng quê ai khỏa ngập sầu

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 8/30/2020
***
Trăng Rằm Vu Lan
(Nhất Vận)

Nguyệt dõi thuyền xuôi bến ở đâu
Nguyệt nằm soi sáng nước qua cầu
Nguyệt dò biển thẳm còn chưa thấu
Nguyệt lặn dòng xanh thử cạn sâu
Nguyệt tỏa non cao rồi mất dấu
Nguyệt ru đồng ruộng thắm hoa mầu
Nguyệt rằm tháng Bảy dâng 
Từ MẫuNguyệt giúp thế nhân giảm bớt sầu

Chu Hà
***
Trăng Rằm Vu Lan


Trăng rằm theo ngọn nước về đâu
Trăng tỏa lung linh nhuộm bóng cầu
Trăng rớt giọt vàng ngời giếng thẳm
Trăng vờn bông tuyết lộng hang sâu
Trăng mơ chốn cũ hoa tươi sắc
Trăng nhớ vườn xưa bướm rực mầu
Trăng buổi Vu Lan bời tấc dạ
Trăng ơi! Thương Mẹ ngẩn ngơ sầu

Phương Hoa
Aug 30th 2020
*** 
Nàng Trăng

Trăng có buồn đâu có giận đâu,

Trăng mang ánh đuốc nhập kinh cầu.
Trăng hòa thân ái chân tâm kín,
Trăng kết tình thương nghĩa thấm sâu.
Trăng nhắc Vu Lan ân báo hiếu,
Trăng khơi Tháng Bảy phép linh mầu.
Trăng tràn khắp chốn muôn nơi chiếu,
Trăng giúp trần gian bớt thãm sầu.

Hồ Nguyễn
(31-8-2020)

Trăng Rằm  Tháng Bảy

Trăng sáng rằm kia chiếu tận đâu ?
Trăng nay ta thấy quyện chân cầu.
Trăng vàng sáng chói Vu Lan đẹp,
Trăng thắm rõ ràng núi vực sâu.
Trăng toả niềm yêu khoe vạn sắc,
Trăng soi trần thế rạng muôn mầu.
Trăng lồng mây ngát đêm huyền diệu…
Trăng Phật Như Lai giải nạn sầu!

Liêu Xuyên
***
Đêm Vu Lan


Trăng mờ ẩn khuất ở nơi đâu?
Trăng trốn trong mây dọi bòng cầu
Trăng đợi gió về nghe lá đổ
Trăng chờ nước xoáy cuốn sông sâu
Trăng rằm lễ phật cầu kinh nguyện
Trăng đón vu lan khẩn phép mầu
Trăng sáng lung linh soi trí tuệ
Trăng treo huyền ảo tỏ tâm sầu!

Bạc Liêu/31/8/2020
Hồng Vân
***
Thấy Trăng Nhớ Mẹ

Trăng hiện mỗi kỳ tận chốn đâu,
Trăng là đuốc huệ rọi hoàn cầu.
Trăng soi dìu dịu xoa trần nhẹ
Trăng chiếu trong lành ủ thiện sâu
Trăng nhắc cho đời trì mẫu mực
Trăng nhìn xuống thế, rưới thiên mầu
Trăng mong kính hiếu cùng từ Mẫu
Trăng gợi dương gian lắng khổ sầu.

Đặng Xuân Linh

Nhớ Mẹ Âm Thầm


Thân mến tặng các người con phải nhận đóa hoa màu trắng vào lễ Vu Lan.

Mẹ kính yêu,

Còn một tuần lễ nữa là đến rằm tháng 7, lễ Vu Lan. Hằng năm cứ đến ngày nầy con thường đưa Mẹ đến chùa Hoa Nghiêm để dự lễ cúng Phật ngoài trời; rồi ăn cơm chay và được gắn hoa hồng khi các em gia đình Phật tử cử hành lễ “Bông Hồng Cài Áo.” Con luôn cảm thấy vui sướng khi mình đã qua đồi “lục tuần” được người khác gọi bằng bác, bằng bà mà vẫn còn có Mẹ, để ôm má Mẹ mà hôn mỗi chiều đi làm về, để được cài đóa hoa màu hồng tươi thắm biểu lộ niềm tự hào “Mẹ tôi vẫn khỏe mạnh, Mẹ tôi vẫn còn đây.” 

Nhưng lễ Vu Lan năm nay thì khác hẳn, Mẹ đã xa con rồi! Hiện tại con đang ngồi tại bàn giấy của Mẹ, vẫn chiếc ghế nhung màu xám, chiếc bàn gỗ màu nâu, trên tường vẫn còn nguyên tấm hình hai mẹ con đứng trước hồ sen nhỏ đằng sau vườn. Con dùng căn phòng của Mẹ làm phòng làm việc cho con, suốt ngày con ngồi thiền, đọc sách, viết lách, tập thể dục nơi đây. Mẹ luôn ở bên cạnh con với nụ cười hiền hòa vì khắp nơi đều có hình Mẹ: hình Mẹ chụp với các em ở Sàigòn trước ngày qua Mỹ (1989), hình Mẹ chụp với dì Loan Anh - chắc giờ nầy Mẹ đã gặp lại dì phải không? hình Mẹ chụp với cả gia đình lễ Giáng Sinh đầu tiên tại Virginia. Con còn nhớ anh Huyền nói: "Đây là Christmas vui nhất vì đông đủ mọi người, sau nầy chưa chắc có thể họp mặt đủ các gia đình như vậy."Đúng như thế; khi mọi người đã có việc làm, rồi phân tán nhiều nơi, rồi bận bịu vướng mắc vào guồng máy sinh họat của xã hội tân tiến nầy nên cơ hội" ngồi lại với nhau, sum họp một nhà” thật quá hiếm hoi.

Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con cũng không ngờ đã 67 tuổi đầu, đã làm bà ngoại rồi mà con vẫn còn CẦN CÓ MẸ như thế nầy! Từ bao nhiêu năm nay con luôn cầu nguyện đức Phật Quán Thế Âm phù hộ cho Mẹ: "Sống thì khỏe mạnh, ra đi thì thanh thản.” Điều mong ước của con đã thành sự thật. Mẹ đã từ trần bình an, yên lặng trong giấc ngủ sáng ngày 29 tháng 3 năm nay, 2007.

Trong suốt thời gian 49 ngày sau khi Mẹ nhắm mắt, con chú tâm vào việc đọc kinh cầu siêu, nhờ các sư cô các chùa làm công tác từ thiện bố thí và góp lời cầu siêu cho hương linh Mẹ. Sư cô Minh Bảo chùa Từ An ở Huế vừa rồi có bảo con rằng: "Theo lời một nhà ngoại cảm ở chùa Từ An thì hương linh cô Đốc rất AN LẠC. Hương linh nầy thông minh, sáng suốt nên theo dõi lời kinh của các ni sư chuyên cần và vui vẻ.” Con rất mừng khi nghe Sư cô kể như vậy. Tám ngày sau khi Mẹ mất, con nằm mơ thấy Mẹ và Mẹ cười nói: "Má vui lắm con!” khi con trao Mẹ hai bao lì xì có đựng tiền mới để Mẹ cúng dường cho quý Thầy.

Con cứ ngỡ Mẹ đã già rồi, 93 tuổi; lúc sau nầy Mẹ không đi laị được vì đau chân nên phải ngồi xe lăn hoặc nằm trên giường và ngủ nhiều, việc Mẹ ra đi nhẹ nhàng, không sợ sệt, không la ré đau đớn gì cả là một phước lớn cho Mẹ và cho chúng con, nhưng thực tế thì không như vậy! Sau khi nghỉ một tuần để lo đám tang cho Mẹ, con trở lại sở làm. Con nhớ Mẹ xót xa, cơn nhớ đến thình lình khi con nhìn lên tấm hình Mẹ treo cạnh computer ở sở. Con phải cắn môi lại vì không muốn bạn đồng nghiệp biết rằng “một bà già 67 tuổi laị khóc nhớ Mẹ như đứa trẻ lên 3.” Trí nhớ của con sút kém rất nhiều! Con quên nhiều thứ đến nỗi con phải nói với ông trưởng nhóm (Team Leader) là: "Ông nên coi chừng, trí nhớ của tôi lúc nầy tệ lắm, sợ việc tôi làm không chính xác.” Ngày nầy qua ngày khác, cơn nhớ không bớt đi mà tật quên thì tăng thêm. Con quyết định hoàn tất việc nạp đơn xin hưu trí; rồi con đi nghỉ hè ở Tampa, Florida. 
Khi họp mặt với các bạn cựu học sinh Đồng Khánh, đứa nào cũng đều làm bà ngoại, bà nội cả; phần đông đã mất mẹ lâu rồi nên con cố gắng sinh hoạt bình thường, cũng cười cũng nói, cũng ăn ngủ, vui chơi như mọi người. Mỗi đêm trước giờ ngủ, con đều cầu nguyện Phật độ trì cho Mẹ, đó là lúc con nhớ Mẹ da diết! Con bây giờ làm việc gì cũng chậm chạp, ngu ngơ, vì tật hay quên. Con hy vọng những ngày họp bạn ở nhà QH tại Tampa được gặp các bạn ngày xưa (1956) của trường Đồng Khánh Huế, được nói cười xưng “mi tau” tự do, được chủ nhà thức khuya dậy sớm nấu các món Huế ngon và lành cho cả bọn thưởng thức thì con sẽ từ từ khôi phục lại trí nhớ, trở lại tình trạng hoạt bát linh động như những ngày còn Mẹ bên con.

Ngày Chủ Nhật 24 tháng 6, chúng con rời Tampa trở về Virginia, có cháu Sammy ra đón tại phi trường Dulles. Thằng bé rất ngoan, đến đón đúng giờ, lạị nhớ mua hai chai nước lạnh mát rượi để ba mẹ uống. Con thầm cám ơn Trời Phật đã cho con được hưởng đôi “Giây Phút tuyệt vời” khi nhìn thấy Sammy cười tươi xách vali của vợ chồng con bỏ lên xe rồi đưa chúng con về nhà; đây là biểu tượng của TÌNH THƯƠNG chân thật. Tuổi già của Mẹ thường vui và ấm cúng vì Mẹ rất may mắn: Mẹ được các con gái thương yêu chăm sóc, mà các chàng rể cũng thương Mẹ không kém, rồi đến con trai con dâu và các cháu ngoại, lúc nào cũng lo cho bà ngoại. Tuấn, tuy luôn bận bịu ở phòng Nha Khoa và 3 con dại vẫn hằng tuần đến thăm bà ngoại và không quên mang món bánh bèo tôm chấy của Saigon Café mà bà ưa thích. Con chỉ ước sao cho con được 1/10 của tình thân thương ấy từ gia đình lúc tuổi già cũng đã mừng rồi.

Mẹ ơi, ngày 24 tháng 6 vừa qua con vừa thoát một tai nạn xe hơi khủng khiếp mà bây giờ nghĩ lại con vẫn không hiểu vì sao đã xảy ra cái “chớp mắt định mệnh” ấy?
Sau lúc Sammy đưa vợ chồng con từ phi trường Dulles về nhà, con ăn trưa và dọn dẹp hành lý, đến 4 giờ chiều con bảo anh Huyền: "Em đi ra Eden mua thức ăn, trái cây và gôị đầu luôn thể để ngày mai đi làm lại.” Đây là tuần cuối cùng con làm việc với IRS trước khi nghỉ hưu sau 20 năm và 6 tháng cặm cụi cần cù. Con lái xe đi trên đường Sleepy Hollow; con đường nầy rất quen thuộc con đã từng đi tới đi lui biết bao nhiêu lần. Con nhìn bảng bên lề đường phía mặt ghi “25MPH” (25 dặm mỗi giờ, tốc độ giới hạn.)

Con ngó đồng hồ xe thì nó chỉ 30 dặm. Con nghĩ thầm: "Như vậy là tốt rồi!” Ở tiểu bang Virginia sắp áp dụng luật phạt tiền rất nặng, cả ngàn đồng cho người dân Virginia nào chạy quá tốc độ. Đang nghĩ miên man như thế con không hiểu vì sao lạc tay lái và chỉ nghe tiếng RẦM rất lớn. Xe con tông vào một xe màu xanh lá cây đậu bên lề đường. Xe nầy tông vào xe đậu sau nó. Một cô người Mỹ trẻ la lên “STOP! STOP!”. Con nghe theo lời cô ấy đạp thắng và dừng xe. Cái AIR BAG (túi hơi an toàn) bung ra, bốc khói. Con nghe cô kia bảo: “Get out of the car!” (Ra khỏi xe ngay); có lẽ cô ấy sợ xe bốc cháy. Tuy nhiên con không biết làm sao để ra khỏi xe, con quên bấm dây nịt an toàn; cũng phải vài phút sau con mới ra được. Một bà Mỹ khác chắc ở gần đó chạy đến hỏi: “Are you OK?” (Bà có sao không?) Con đáp: "Yes, I am OK!” rồi được dẫn đến ngồi bên lề đường. Cô người Mỹ, chủ chiếc xe Van màu xanh lá cây bị xe con tông đã rất tử tế gọi xe cứu thương đến cấp cứu.

Khi xe ambulance đến, họ hỏi con: "Do you want to go to the hospital?” (Bà có muốn đi tới bệnh viện không?) thì con lúc đó chẳng biết gì cả. Con trả lời: "I don’t know!” (Tôi không biết!). Họ nói tiếp: “You need to make a decision right away!” (Bà phải quyết định ngay bây giờ!) Vào giờ phút cấp bách ấy giống như hương hồn của em Ý Nhi đã về ở trong con. Con nhớ lại ngày Ý Nhi bị tai nạn xe hơi năm 1993, 14 năm trước, mình mẩy em không bị trầy trụa gì cả, được đưa vào bệnh viện Alexandria, nhưng sau đó họ cho về nhà bảo là không can chi. Sáng hôm sau ngủ dậy Ý Nhi bước xuống giường đi vào phòng tắm bị té ngã, sau đó đưa vào bệnh viện Fairfax, bác sĩ bảo là bị internal bleeding (chảy máu bên trong) và em đã qua đời sau 3 ngày mê man! Hình như có tiếng nói bên tai con: "Phải đi bệnh viện!” nên con trả lời: "Please take me to the hospital!” (xin chở tôi đến bệnh viện.)

Mẹ ơi! Có phải Mẹ đã vẫn ở bên con che chở cho con và nhắc nhở con không? Khi nằm trên “băng ca” để đến nhà thương con thầm cầu nguyện Phật Quán Thế Âm và hương linh Mẹ cứu độ cho con. Không biết con có bị chấn thương ở đâu không? Lúc ấy chỉ nghe đau tức ở ngực và choáng váng, xây xẩm thôi. Một nữ cảnh sát viên theo vào bệnh viện để “hỏi cung” con vì sao gây ra tai nạn? Con trả lời: "Thật tình tôi không hiểu rõ là tôi bị ngất xỉu trong vài phút hoặc là tôi nhắm mắt vì mệt nữa.” Bà nầy đối xử rất lịch sự, chúc con được bình an và chỉ phạt lổi “Failure to control the vehicle” (không kiểm soát được xe của mình.) Con ngủ thiếp đi độ nửa giờ, khi mở mắt ra thấy Rachel (con dâu của con) mừng rỡ kêu: "Mẹ, how do you feel?” và ôm chầm lấy con, thật dễ thương! Rachel được anh Huyền chở đến bệnh viện để trông chừng con trong lúc anh ấy và Sam lo trao đổi giấy tờ bảo hiểm với hai chủ nhân của hai chiếc xe kia và lo kéo chiếc Toyota Camry về đậu tạm ở nhà mình. 
Xe nầy hư hại hoàn toàn: nắp xe phía trước cong lên, kính xe rạn nứt, hai airbags bung ra trông thật ghê sợ! Con ở lại bệnh viện ba ngày để cho các bác sĩ chuyên môn khám nghịêm bằng các phương pháp tối tân (Scan, MRI, EKG, EEG, XRay) tim, đầu, cổ, bao tử của con; con chỉ biết cầu nguyện chư Phật và mẹ độ trì cho con: "Lúc sống thì khỏe mạnh, lúc chết thì an bình.” Con rất sợ phải nằm một chỗ cần có người săn sóc đỡ đần về lâu về dài. Tình trạng nầy xảy ra rất thường chung quanh con; vừa phiền hà cho người thân trong gia đình, vừa xót xa cho chính bản thân, nhất là với bản tính thích hoạt động như con. 

Cuối cùng tối thứ ba 27 tháng 6, bác sĩ tổng kết mọi khám nghiệm kết quả BÌNH THƯỜNG (NORMAL) nên cho phép con về nhà. Con mừng đến chảy nước mắt. Xin CẢM TẠ TRỜI PHẬT và MẸ đã cứu độ con. Xin muôn vàn CẢM TẠ những thăm hỏi đầy tình thương mến của gia đình, bằng hữu. Có nằm trong bệnh viện mới thấu hiểu NIỀM VUI của mỗi buổi sáng thức dậy, khỏe mạnh an toàn đi làm việc, nói cười vui vẻ. Con cũng biết ơn các bác sĩ và y tá tại Fairfax INOVA; họ cư xử với bệnh nhân dịu dàng, thân mật. Ngày đầu tiên con nằm nơi đây có một cô y tá tên Rosie đến hỏi chuyện con để biết “trong trường hợp nguy hại đến sinh mạng thì con ước muốn gì? Tôn giáo của con là gì? Gia cảnh ra sao?” để lập hồ sơ bệnh nhân. Cô làm việc nầy lúc 2 giờ sáng mà vẫn tươi cười hòa nhã. Con rất ngạc nhiên nên bảo cô ấy: "Bây giờ đã là 2 giờ khuya, tôi không ngủ được nhưng khuôn mặt tươi cười, giọng nói nhỏ nhẹ của cô giúp tôi cảm thấy bớt lo lắng và dễ chịu hơn. Cám ơn cô!” 
Ngay sau khi cô ấy rời phòng, con vội ghi mấy giòng trên tấm giấy nhỏ để CẢM TẠ TỪ TÂM rất quí giá của Rosie.

Sáng hôm sau 6/25, có mấy bạn đồng nghiệp ở IRS (sở Thuế) vào thăm con. Bạn con bảo: "Tôi vừa đọc nét chữ của Hoa trước khi đến đây.” Con ngạc nhiên hỏi: "Ở đâu?” Bạn Susie cho biết: "Trên tường của thang máy, your thank you note to the nurse!” Như thế là cô Rosie và các bạn đồng sự đã có được đôi phút hài lòng vì sự tận tâm, lòng nhân ái trong công việc hàng ngày nhọc nhằn của họ đã được cảm nhận. Mẹ thấy chưa; dù “Mẹ đã như cánh hạc bay”, con vẫn luôn nhớ lời Mẹ dặn: 

Sớm đem cho người thêm niềm vui
Chiều giúp người bớt khổ

Mỗi ngày con đều đọc KINH PHƯỚC ĐỨC mà Mẹ đã nắn nót chép lại cho các con, các cháu 4 năm về trước (2003)

Có học có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức tốt nhất

Mẹ dấu yêu, xin phù hộ cho cơn nhớ Mẹ trong con lắng dịu, bớt xót xa để con chú tâm vào các công tác từ thiện cộng đồng con đang làm dang dở. Con nguyện luôn noi gương Mẹ cố gắng phát triển từ tâm

Tâm từ như suối triền miên
Thấm vào mạch sống, mọi miền an vui
Tâm từ làm gốc vun bồi
Cho người cao thượng, cho đời vinh hoa
Thấy người khổ nạn khó qua,
Lòng mình đau xót như là khổ chung
Thấy người hạnh phúc thành công
Lòng mình sung sướng như cùng vui theo
(Kinh Từ Bi Tâm)

Có một anh bạn của con đã viết trong bản nhạc về Mẹ : (**) 
"Nếu một mai Mẹ sẽ qua đời
Con không biết khóc ít hay khóc nhiều?"

Con đã gồng mình khóc trong âm thầm, yên lặng để làm gương cho các em các cháu. Con khuyên chúng nó: "Đừng khóc, nên niệm A DI ĐÀ PHẬT để hương linh Mẹ được siêu thoát," tuy nhiên, con lại thấy khi mình đè nén không cho niềm đau được tuôn trào thì nỗi nhớ lại mọc ra dai dẳng, xốn xang, triền miên. Mẹ ơi! Ước gì con được ôm Mẹ mà hôn như những mùa Vu Lan năm trước. Bây giờ thì con chỉ biết hôn chiếc áo len trắng cụt tay mà Mẹ thích mặc và lạy Mẹ mà thôi !

Con âm thầm nhớ Mẹ xót xa Mẹ ơi, bà Mẹ hiền hòa đặc biệt, tuyệt vời của con, mùa Vu Lan năm nay. Cầu xin chư Phật độ trì cho Hương Linh Mẹ được phiêu diêu miền TỊNH ĐỘ. 

Lê Mộng Hoàng
8/2007

** Rồi Mẹ Như Cánh Hạc Bay
     (Nghiêu Minh)

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Công Cha Nghĩa Mẹ - Thơ Trần Ngọc - Nhạc Phạm Anh Dũng



Thơ: Trần Ngọc Nhạc: Phạm Anh Dũng
Ca Sĩ: Bảo Yến
Video: H Hà

Cha Tôi



Hồ Gươm in bóng Tháp Rùa
Có cầu Thê Húc có chùa Ngọc Sơn
(Ca Dao)

Ông bà gốc nguồn đều Nguyễn Hữu
Bên nội Cựu Lâu đất Thăng Long
Bên ngoại Hải Dương phủ Nam Sách
Hồi môn mười tám gánh phủ khăn hồng.

Cha tôi trưởng tộc cả một dòng
Nhà thờ họ rộng rinh như trang trại
Giữa thủ đô quan lại mấy đời.
Khu Hồ Gươm một thời ngang ngửa

Cô đầu, quần ngựa, đăng xinh.
Vui chơi thỏa thích gia đình vợ lo
Phong lưu ăn diện ra trò
Bạn bè kính nể ban cho tước hàm

Buông bỏ hết vào Nam lập nghiệp
Tay trắng trơn làm việc nuôi con
Công tác siêng năng phận sự tròn
Thanh liêm nguyên tắc nên nghèo khó

Không cờ bạc đôi khi chơi cá ngựa
Không tiên nâu chỉ thuốc lá tiêu sầu
Không gái trai, không con hai dòng máu
Đọc Kim Dung đủ Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Sau xuân đó giặc vô con tứ tán
Bán đồ nhà sắm sửa thăm nuôi
Theo chân vợ lâu lâu đi chợ,
Xếp hàng mua phân phối lần hồi!

Cháu khóc ngặt mua đồ chơi dỗ ngọt
Con buồn phiền đưa thuốc lá cho nguôi
Vợ ốm đau, ngồi bên an ủi
Bạn bè luôn han hỏi đến chơi.

Lúc khốn khó cả đàn con khốn khó
Lúc bình yên, tuổi tác đã cao rồi
Lực cùng, sức kiệt không than thở
Một khắc đau tim…
Nhẹ qua đời!

Lộc Bắc

Đóa Hoa Báo Hiếu



Đóa Hoa Báo Hiếu


Ơn sâu nghĩa nặng đấng cao vời
Phụ mẫu ôi tình tợ biển khơi
Dìu dắt vượt qua bao sóng gió
Cưu mang dưỡng dục bước vào đời

Vườn sau sớm trổ cánh đào hồng
Phơn phớt sắc màu nọ ý mong
Thảo kính Vu Lan mùa báo hiếu
Vĩnh hằng dâng trọn đóa hoa lòng


Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Vu Lan 2020

Thơ Tranh - Má Tôi Người Vọng Phu



Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Huỳnh Hữu Đức

Cám Ơn Mẹ



Mẹ tuổi già sức yếu,
Mỗi lần đứng lên ngồi xuống thật khó khăn,
Mẹ chống gậy còn run rẩy hai chân,
Như đứa trẻ mới tập đi sợ ngã,
Nhưng mẹ ơi…
Con biết đôi chân mẹ,
Chợ sớm chợ trưa,
Đã một thời tất tả đường xa.
Đôi chân từng đứng vững với nắng mưa.

Hai bàn tay mẹ vụng về ngu ngơ,
Mẹ làm việc gì cũng đổ rơi, vương vãi,
Nhưng con biết đôi tay ấy,
Đã một thời tháo vát việc nhà,
Mẹ tuyệt vời như cô Tấm trong qủa thị bước ra,
Nấu bữa cơm ngon,
Vỗ về cho con tròn giấc ngủ,
Tấm áo con mặc mẹ vá khâu, giặt giũ,
Biết bao việc đời thường,
Con được hưởng từ hai bàn tay mẹ 

Đôi vai gìa lom khom nhỏ bé
Khóac khăn quàng, áo len,
Mẹ vẫn co ro sợ lạnh dù chỉ là chút gió bên thềm,
Nhưng con biết đôi vai này đã đi cùng tháng năm,
Che chở cho con,
Những khi ấm lạnh,
Đôi bờ vai dịu dàng mà vững mạnh,
Cho con nương tựa tuổi ấu thơ,
Con ngủ bên vai mẹ,
Con khóc dỗi hờn bên vai mẹ,
Con ngửi mùi mẹ thân quen tự bao giờ.

Đôi mắt mẹ nhăn nheo đục mờ,
Khó nhìn gần, nhìn xa,
Nhưng mẹ vẫn nhận ra con chiếc áo đứt khuy,
Hay chiếc gấu quần sứt chỉ,
Đôi mắt mẹ vẫn thế,
Chỉ thoáng qua mẹ cũng biết con vui hay buồn,
Đôi mắt mẹ cả đời hướng về con.

Mẹ tuổi gìa héo hon,
Mỗi ngày mỗi sức tàn lực cạn,
Nhưng tình mẹ không bao giờ vơi cạn,
Cám ơn mẹ….
Con muốn nói cả triệu lời,
Vì mẹ là món quà vô giá con được nhận trong đời.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Viết Về Mẹ


Quê ngoại tôi ở Ninh Bình. Ông bà ngoại tôi được ba người con: người con gái lớn tên Kinh, chúng tôi gọi là Bá, lập gia đình sớm, rồi theo chồng vào Nam. Bà mất năm 1947 tại Saigon. Người con thứ hai là bác Sử, cùng học trường Bưởi với cha tôi. Mẹ tôi tên Truyện, là con gái út. Tôi thường thắc mắc, tại sao mẹ tôi không có một cái tên đẹp, nhưng khi xếp tên ba người, KINH, SỬ, TRUYỆN, là tên các sách mà sĩ tử ngày xưa phải học để đi thi, thì tôi hiểu ngay dụng ý của ông ngoại: cụ muốn các con theo đòi nghiên bút. Không may, ông tôi mất sớm, bà tôi bệnh, nên bác Sử, dù rất giỏi, đành phải đi làm sau khi học xong trung học. Bác ở lại ngoài Bắc, có vào thăm cha mẹ tôi sau 1975, và qua đời năm 1988. Bá và mẹ tôi thời đó, chỉ được học tới khi đọc thông, viết thạo, là phải nghỉ để lo việc nhà.

Mẹ tôi chịu khó đọc sách, thơ, văn, ca dao, bà thuộc rất nhiều. Bà ru tôi bằng Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán, bằng những bài thơ mà hơn 60 năm sau, tôi còn nhớ:

Đêm khuya, ta ngủ trong màn,
Vẳng nghe tiếng muỗi kêu vang phía ngoài,
Khiến ta nhức óc vang tai,
Mẹ ta ngồi cạnh, thở dài bảo ta:
Như con có mẹ có cha,
Có anh có chị sướng là bao nhiêu,
Đêm đêm con ngủ màn điều,
Ngày ngày đi học, chiều chiều đi chơi...
Ngoài kia bao trẻ mồ côi,
Không cha, không mẹ, không người nào thương,
Ngày đi vơ vẩn trên đường,
Tối về gối đất nằm sương đầu hè,
Mùa đông, chẳng có gì che,
Mùa thu đã vậy, mùa hè làm sao?

Sang ngang nhớ lại chuyến đò,
Năm xưa, một cậu học trò sang sông,
Ngây thơ sợ cả má hồng,
Biết nay cô lái có chồng hay chưa,
Bây giờ cậu bé năm xưa,
Qua con đò cũ, lại mơ một người.

Tôi là người đọc sách khá nhiều, mà bài trước, tôi chưa từng thấy; Bài sau, mẹ tôi nói là của Nguyễn Bính, nhưng trong những tuyển tập của tác giả này, tôi cũng không tìm được.

Những nỗi vất vả, sự hy sinh của mẹ tôi trong thời kháng chiến và lúc mới di cư vào Nam, tôi đã có dịp nhắc đến trong bài “Tâm Sự” đăng trên Tập San Y Sĩ, số 132, tháng 8, năm 1996.

Khi sẩy đàn tan nghé năm 1975, cha mẹ tôi kẹt lại, tôi một mình chạy thoát từ Cần Thơ, và định cư ở Montréal. Ngày đó, tôi nghĩ rằng không còn dịp gặp lại cha mẹ, nhưng tình thế đổi thay, tôi đã đón được các người qua đây năm 1982. Lúc đó, tôi đã lập gia đình, con trai tôi gần 3 tuổi, con gái chừng 3 tháng, và mẹ tôi vừa tròn 70. Mẹ tôi có cháu ngoại từ năm 1954, lúc di cư vào Nam, khi bà mới 42 tuổi, và bây giờ, tổng cộng 6 đứa. Tụi nó đã lớn, một số có gia đình, lại ở xa, bên quận Cam, nên tình thương của bà bây giờ dồn hết cho mấy đứa cháu còn nhỏ. Con gái tôi lúc đó chưa biết gì, nhưng thằng con trai yêu bà đến độ có khi theo về ở luôn với bà cả tháng trời, không nhớ gì tới cha mẹ cả!

Cha mẹ tôi ở gần nhà thương nơi tôi làm việc, khi nào rảnh là tôi tạt qua thăm, gặp bữa thì cùng dùng cơm, không thì ngồi uống trà, nghe kể chuyện dĩ vãng. Chiều thứ tư, khi xong phòng mạch, tôi tới dùng cơm tối với song thân. Thứ Bẩy, tôi dắt theo hai con đến ở với ông bà cả ngày. Nhà tôi thì chạy tới chạy lui không có giờ giấc. Từ hơn 20 năm nay, tôi chưa hề thay đổi thói quen đó. Trong tuần, mẹ tôi lo mua sắm lỉnh kỉnh để làm những món ăn ngon cho cháu. Đó là lẽ sống của mẹ tôi. Bà nôn nao trông đợi ngày thứ Bẩy. Khi đến, mẹ tôi đã đứng chờ ở cửa sổ, khi đi, mẹ tôi lại đứng ở cửa sổ trông theo. Mỗi khi thấy bóng dáng gầy gò, nhỏ bé của mẹ sau cửa kính, tôi lại nhớ tới câu Chinh phụ ngâm mà bà ru tôi ngày xưa “lòng lão thân buồn khi tựa cửa”. Có thể lúc đó, mẹ tôi buồn, nhưng tôi thấy mình tràn trề hạnh phúc.

Thời gian êm đềm trôi, và các em tôi lập gia đình. Mỗi lần thêm một đứa cháu, mẹ tôi lại vui mừng hớn hở, dù bà mỗi năm một già đi. Tóc bà trắng như tuyết và rụng rất nhiều. Mẹ tôi không có bệnh gì nặng, chỉ bị arthrite, arthrose, các ngón tay biến dạng, mấy cục sạn trong túi mật, họa hoằn lên cơn đau vài ngày, và hay ợ chua, nhưng với Losec và Domperidone, bà không thấy khó chịu nữa. Tai bà còn thính, mắt trái rất tốt sau khi mổ cườm, nhưng mắt phải thì hầu như bị hư hẳn, vì sau khi mổ cườm và ghép giác mạc không thành công. Nhưng chỉ cần mắt trái, bà vẫn đọc sách báo và xem truyền hình được..

Hồi cuối tháng 7 năm 2003, mẹ tôi bị một crise de goutte, phải vào nhà thương ba tuần. Nhân dịp này, tôi đã làm đủ các thử nghiệm cho bà, tất cả đều tốt như những lần trước. Được xuất viện thượng tuần tháng 8, bà phải đi marchette vì chân yếu. Lúc đó, thành phố sửa đường, không cho xe chạy, tôi phải đậu cách nhà 200 thước, rồi dìu mẹ đi. Thấy bà vất vả, tôi cõng bà cho tiện. Tính tôi vốn hoạt kê,vừa cõng mẹ vừa đùa: “Vân Tiên cõng mẹ trở vô, đụng phải cái bồ, cõng mẹ trở ra”. Lúc đó mẹ tôi rất vui, cười tươi như hoa. Nhưng từ đó, hình như mẹ tôi yếu dần: bà ăn ít hơn, nằm nhiều, bớt hoạt động, và vẫn rên như thường lệ. Mẹ tôi vốn hay rên từ mấy chục năm nay, hỏi tại sao, thì bà nói nhức đầu, hoặc đau răng, nhưng thường thường thì bà cười: “Mợ không sao cả, rên như vậy, thấy dễ chịu”. Tôi hay cằn nhằn: “Lúc nào mợ cũng rên thì làm sao con biết mợ bệnh hay không bệnh”. Mẹ tôi chỉ cười!

Ngày 22 tháng 10 năm 2003, mẹ tôi bị ngã, rách da đầu, phải vào nhà thương, chụp hình đầu và may da. Lúc đó,bà sốt tới 39 độ C, bị septicemie, bắt nguồn từ nhiễm trùng đường tiểu, và hơi thiếu máu, có lẽ vì vậy mà bà yếu và bị ngã. Từ một bệnh tầm thường đó mà phát sinh ra bao nhiêu thứ biến chứng: Chữa septicemie bằng trụ sinh —>Clostridium Difficile. Flagyl không hiệu quả, dùng Vancomycine —>Suy thận. Vì có nước biển, mà suy thận, không thải đủ nước, tim chịu không nổi —>Oedeme aigu du poumon. Bớt nước, cho thuốc lợi tiểu, mẹ tôi yên được mấy hôm thì lại bị sưng phổi, bronchospasme, bác sĩ chuyên môn lại cho trụ sinh và Solumedrol. Trụ sinh làm mẹ tôi bị lại C. Difficile, Solumedrol giữ nước và làm đường trong máu lên cao, phải dùng Insuline. Chẳng qua mẹ tôi lớn tuổi, không có sức đề kháng, nên mới sinh ra nhiều biến chứng như vậy.
Trong thời gian mẹ tôi nằm bệnh viện,anh chị em chúng tôi chia nhau, khi tới bữa thì vào cho bà ăn uống. Ai cũng cố ép bà ăn nhiều, nên mẹ tôi hay cằn nhằn:"Các con nhồi mợ như nhồi vịt"
Tôi cười: “ Thì ngày xưa, mợ cũng nhồi tụi con và mấy đưa nhỏ vậy"


Trong thời gian mẹ tôi nằm bệnh viện, anh chị em chúng tôi chia nhau, khi tới bữa thì vào cho bà ăn uống. Ai cũng cố ép bà ăn nhiều, nên mẹ tôi hay cằn nhằn: “Các con nhồi mợ như nhồi vịt.”. Tôi cười: “Thì ngày xưa, mợ cũng nhồi tụi con và mấy đứa nhỏ vậy”. Cha tôi vào thăm mẹ tôi hàng ngày, bằng taxi, vì không muốn phiền con cái. Vì sợ ông yếu sức, bị ngã gẫy chân, hay bị cảm, chúng tôi hết sức can ngăn, nhưng ông nhất định không nghe. Ông rơm rớm nước mắt: “Các con đừng cản cậu nữa. Cậu ở nhà thì cũng chỉ ngồi không, thà vào đây ngồi với mợ.” Các thân hữu đến thăm mẹ tôi rất đông. Trong số này, có người mẹ tôi quen, có người bà không biết, nhưng ai cũng đem lại cho bà những giờ phút vui tươi thoải mái.

Rồi mẹ tôi càng ngày càng yếu, càng tiều tuỵ, dù bà rất tỉnh táo, minh mẫn. Chúng tôi bắt đầu thay nhau ở lại ban đêm với bà. Chị thứ hai của tôi vất vả nhất, vừa thăm nuôi mẹ, vừa lo cơm nước cho cha, chị như con thoi, không lúc nào ngưng nghỉ. Chị cả của tôi, từ Californie qua giúp các em. Chị vốn là người vui vẻ, hoạt bát, nhưng vì anh rể tôi mới qua đời hơn hai tháng, chị còn thất thần, cả ngày không nói một câu, ra vào như chiếc bóng. Em trai út của tôi, ở Ottawa, cuối tuần nào cũng về thăm mẹ, túc trực bên giường. Ngày 27 tháng 12 năm 2003, đường trơn, đóng đá, nó bị ngã, gẫy cả hai mắt cá chân trái, phải mổ, đóng 6,7 cái đinh, rồi bó bột, đi nạng. Đứa em trai kế tôi, lấy vợ hơi trễ, một nách 3 đứa con nhỏ, đi làm cách nhà 80 cây số, nhưng lúc nào rảnh là mò vào nhà thương thăm mẹ. Trong số anh chị em, tôi là người ít công trạng nhất, vì tôi làm việc tại nhà thương không phải chạy tới chạy lui, lại may mắn được gặp mẹ tôi rất thường. Cứ lúc nào rảnh là tôi lên ngồi với bà, vừa theo dõi bệnh tình, vừa quan sát những thay đổi..

Chúng tôi thường cắt, chải tóc cho mẹ, bóp tay chân cho bà đỡ mỏi, thoa kem cho mềm da, hoặc làm manicure. Mẹ tôi có vẻ thích những sự săn sóc nho nhỏ này. Cầm tay mẹ, tôi mới để ý thấy những ngón tay của bà bị méo mó, lệch lạc một cách thảm hại, chứng tích của cả một đời vất vả vì chồng, con và cháu. Ngay lúc bệnh hoạn như vậy, mà cứ mở mắt là mẹ tôi hỏi: “Cậu đâu? cậu và các con ăn uống gì chưa? Mợ mệt quá, không làm gì được” Thì ra việc lo lắng cho chồng con lúc nào cũng canh cánh trong lòng mẹ.

Ngày xưa, mẹ tôi rất sùng đạo Phật. Vì cha tôi chỉ thờ tổ tiên, nên từ khi lập gia đình, mẹ tôi ít hay hầu như không có dịp đi chùa. Trong thời gian nằm bệnh viện, ngày nào mẹ tôi cũng tụng kinh “Thiên Trúc độ giang nhân” là những câu kinh mà từ hơn 70 năm, bà không đọc lại. Phòng bệnh tối lờ mờ, tiếng kinh buồn thảm thiết, tôi nghe thấy não lòng và linh cảm tới chuyện không may.

Từ 20 tháng 01 năm 2004, mẹ tôi càng ngày càng yếu, càng tiều tụy, không ăn uống được nữa, chỉ thoi thóp nhờ chút nước biển. Ngày 22 tháng 01 năm 2004, lúc 6 giờ 45 sáng, mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng. Hôm đó là mùng một Tết Giáp Thân, mẹ tôi được 93 tuổi ta.


Mẹ tôi đi an lành như người ngủ say. Cô y tá nhờ tôi gỡ catheter veineux central ở cổ mẹ tôi. Đáng nhẽ cô không nên nhờ tôi làm việc này. Mắt nhoà lệ, tôi loay hoay mãi mới cắt được mấy mối chỉ: tôi cố làm thật nhẹ nhàng, cẩn thận, vì da mẹ còn ấm và mềm, tôi sợ mẹ còn biết đau.

Nhờ sự chỉ dẫn và giúp đỡ tận tình của các bạn, tang lễ của mẹ tôi được cử hành rất chu đáo và trọng thể. Tôi khóc thật nhiều, nhất là lúc đóng linh cữu và lúc chị tôi cùng tôi nhấn nút để bật lửa lò hỏa thiêu.

Mất mẹ thì ai chả đau. Trong lòng mỗi đứa con đều có một khoảng trống không sao lấp đầy được. Tôi khóc nhiều chỉ vì quá yếu đuối và nhậy cảm. Thật ra thì tôi còn may mắn hơn nhiều người, ngoài 60 tuổi mới mất mẹ, nhưng hình như càng ở lâu với mẹ, thì sự mất mát càng lớn.

Bây giờ, gần đến thất trai tuần của mẹ, tôi đã đi làm lại. Mỗi khi đi qua phòng 244 là nơi mẹ tôi đã nằm trong mấy tháng qua, tôi không sao nén được xúc động. Tôi nhìn vào phòng, mường tượng như mẹ còn nằm đó, và nước mắt trào ra.
Mỗi khi về thăm cha, tôi không còn thấy bóng dáng thân yêu của mẹ đứng chờ sau cửa kính.

Mẹ ơi, đây là bài thơ con làm riêng để dâng lên mẹ:

Mẹ ra đi thanh thản,
Tựa như người ngủ say,
Chúng con lòng nổi sóng,
Mẹ ơi,mẹ có hay.

Ôi cả đời lưu lạc,
Như một áng phù vân,
Nay mẹ về cõi Phật,
Rũ sạch hết bụi trần.

Mẹ đi rồi,đi thật,
Con vẫn tưởng như mơ,
Từ nay còn đâu nữa,
Người tựa cửa mong chờ.

Đây là hình tang lễ,
Con không dám mở coi,
Vết thương còn rỉ máu,
Con nhớ mẹ,mẹ ơi.

Tháng 3, năm 2004.
Nguyễn Thanh Bình

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Bông Hồng Cài Áo Trắng 1966 - Cố Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông - Tiếng Hát Tịnh Đế Liên Hoa


 Nhạc Sĩ: Nguyễn Văn Đông 
Tiếng Hát: Tịnh Đế Liên Hoa

Lời Mẹ Cha


(Mộ Phần:Phú Hữu, Xã Trung Ngãi, Quận Vũng Liêm, 
Tỉnh Vĩnh Long)

Bán anh em xa về tận chân trời
"Chôn nhao cắt rún" thảnh thơi từ giã
Tình nghĩa cũ chán chê tìm hương lạ
Cốt Mẹ Cha sớm quày quã quay lưng

Nhớ xưa mâm cơm gạo cũ thơm lừng
Đàn con trẻ còn vui mừng xúm xít
Bao mùa mưa qua thôi thời con nít
Giờ lớn khôn đâu cảnh chít khăn tang

"Anh em cốt nhục", sông ngã đôi đàng
Ngồi đếm lá vàng hoang mang thân phận
Lòng xót xa đau rơi rụng đầy sân
Mong ngày sông ngược cho lần họp mặt

Cha Mẹ dạy con nắm bàn tay chặt
Hội tụ Đông Tây Nam Bắc về tâm
Dù tình yêu thương nở muộn âm thầm
Quê Hương cũ là hạt mầm sinh tử

Mẹ Cha vui khi các con còn giữ
"Thủ túc tình thâm" câu chữ trong lòng
Tiếp đời hậu thế xây dựng trời trong
"Hợp quần xã hội" mới mong thanh bình

Mai "Quê Hương" ta còn có cái "Đình"

Pleiku 12-8-2010
Lê Kim Hiệp


Mùa Vu Lan

(Ảnh của Tác Giả)

Thấm thoát mùa trăng đã đến rồi
Mùa Vu Lan của ánh trăng soi
Buồn lên khóe mắt con thầm gọi
Tiếng Mẹ con yêu suốt một đời!

Ngày trước, khi đi con còn nhớ
Mẹ hiền đưa tiển trước bờ sông
Bóng con dần khuất con đường nhỏ
Mẹ còn đứng đấy mỏi mòn trông

Hai mươi năm lẻ con xa quê
Và mẹ ra đi cũng không về
Cỏ xanh quỳ lạy bên mồ mẹ
Thắp nén hương thơm quyện sau hè

Chiều nay đứng ngắm mưa trên bến
Chợt thấy mẹ hiền trong mắt con
Giọt mưa? ướt mắt lăn trên má
Con tưởng như xưa mẹ vẫn còn...

Biện Công Danh
26/8/17

Nhớ Mẹ



Tháng Bảy Vu Lan nhớ mẹ hiền
Một đời vất vả lắm truân chuyên
Oằn vai nặng gánh trên đường vắng
Dạ xót lòng đau vách lá nghiêng
Vấp ngã đường đời người đỡ dậy
Hanh thông vận mệnh mẹ vui liền
Quê người xứ lạ lòng con vẫn
Nhớ mẹ mưa buồn ngủ chẳng yên!

Kim Dung
(29/8/2020)

Chân Tình



Gởi đóa hoa hồng cho những ai
Dù đi khắp nẻo đoạn đường dài
Nhớ về thăm mẹ khi hôm sớm
Đừng đợi một ngày...nắng nhạt phai...

Bóng ngã hoàng hôn chiều xuống vội
Tìm đâu thấy được ánh ban mai?
Hoa hồng đã vội thay hoa trắng
Mới tiếc thương sao...những tháng ngày....

Nghi ngút khói hương qua ảo ảnh
Xót lòng se thắt chợt mi cay
Còn ai nâng bước khi lầm lỡ?
Đói lạnh đường đời lúc trắng tay...!!!

Hồng Vân
14/8/2019

Nhớ Cha



Bài Xướng:
Nhớ Cha

Đêm ngồi lặng lẽ nhớ về cha
Hẻm vắng thềm khuya nỗi nhạt nhòa
Bếp lửa than hồng tâm mãi lạnh
Khu vườn gió lộng nghĩa hoài xa
Rồi khi mẹ bỏ tình thôn xóm
Cũng lúc người quên chuyện cửa nhà
Chạnh mỗi trăng buồn treo trước cổng
Bao niềm trắc ẩn lại lùa qua.

Thạch Hãn
LCT 21/06/2020
***
Bài Họa:

Nhớ Cha

Lại ngóng đây ngày lễ của cha
Nhìn di ảnh bỗng lệ rưng nhòa
Con quỳ trước mộ mơ ngày cũ
Khói thoảng bên đồi gợi nỗi xa
Bữa đợi còn trơ phòng lẻ bóng
Người đi vẫn xót buổi đơn nhà
Cơn buồn lại đến khơi niềm tủi
Chỉ muốn cho đời sẽ vượt qua.

Nguyễn Gia Khanh

***
Bằi Hồi Họa:

Đời Cha

Chân trời góc biển một mình cha
Gánh nỗi đời đau tủi phận nhòa
Rã bước quan hà đêm trở lạnh
Yêu lòng phố thị buổi rời xa
Tình quê mãi đọng trong tiềm thức
Mộng cũ hoài lo cảnh nước nhà
Mỏi gót thăng trầm xuôi vạn ngã
Chưa hề mãn nguyện tháng ngày qua.

Thạch Hãn
LCT 21/06/2020
***
Nhân Ngày Của Cha

Đêm thường ướt đẫm mộ phần cha
Rỏ lệ vành khăn nếp cũ nhòa
Bóng ngả thềm trăng nhìn huyễn hoặc
Lòng đau nỗi mẹ nhớ vời xa
Thêm màu vẽ lại ngày xanh cỏ
Giữ lệ còn khơi lửa ấm nhà
Thiện tích về sau cành trổ mãi
Êm đời để tiếng tạ đò qua.

Nguyễn Thế An

***
Nhớ Cha

Những buổi mưa phùn lại nhớ cha
Ngày nao cũng vậy dưới đêm nhòa
Đan từng giỏ cá chiều đông lạnh
Ghép thẻ hom lồng giữa hạ xa
Ruộng cũ kia còn phai mảng nắng
Người xưa đã khuất nhạt hiên nhà
Đâu rồi cánh võng từng ru ngủ
Tủi bước con về lặng lẽ qua..!

Hữu Thiên
NL21/06/2020
***
Mãi Ước Bình Yên

Bài họa nghịch vận

Thăng trầm nếm trải những ngày qua
Cuộc sống gian lao cảnh vắng nhà
Mấy chục năm dài đi gối mỏi
Bao lần Tết lặng ngẫm đường xa
Vừa nghe buổi ấy mùi thơm thảo
Đã chuốc thời nay nghĩa nhạt nhòa
Mải ước yên bình luôn với mẹ
Mong nhiều sức khỏe đến cùng cha.

Long Văn
***
Bóng Hình Cha

Hương trầm khói tỏa bóng hình cha
Giọt lệ đang rơi khóe mắt nhòa
Sóng vỗ bờ quê trăn trở lạnh
Đường về mái rạ ngỡ ngàng xa
Luân thường cuộc sống gieo tâm khảm
Lễ giáo đời con nhận trước nhà
Cửa quạnh mây trời không thể khác
Bên thềm ngọn núi chở che qua.

TN 21-6-2020
Ngọc Tình
***
Nhớ Cha

Tủi mẹ đơn mình trỗi nhớ cha
Người đi để lại ánh dương nhòa
Đôi bờ sóng cuộn chao hình cũ
Lối ngõ đêm tàn gợi thuở xa
Mãi nhắc niềm xưa tình phụ tử
Nào quên cảnh túng nghĩa quê nhà
Bên thềm lặng lẽ con hoài ngóng
Một thoáng ai về... sẽ đảo qua.

0480 H, 21/6/2020
Thái Chung

Xóm Đùng

Sông Vu Gia

Quê hương, nơi tôi sinh ra ở một xóm nhỏ ven sông ở miền Trung Việt Nam. Con sông đi qua quê tôi là hạ lưu của một dòng sông lớn khởi nguồn từ dãy Trường Sơn ở phía tây, có tên là sông Vu Gia, đoạn chảy qua vùng trung du thì gọi là sông Yên, đến đoạn hạ lưu gần phía biển thì lại gọi tên theo địa phận nơi con sông chảy qua, như ở đoạn qua quê tôi thì có tên là sông Cầu Đỏ và tiếp theo về phía biển thì gọi là sông Cẩm Lệ; ngày nay các tên gọi này đã được ghi vào bản đồ của Goggle, có thể tra cứu trên mạng.

Trên bản đồ của Google có ghi tên quê tôi là "Thôn Tây An", đây là tên gọi hành chính, có nguồn gốc Hán-Việt, mang ý nghĩa mong ước sự bình yên. Nhưng quê tôi còn có một cái tên bình dân nghe rất lạ: Xóm Đùng. Lớn lên tôi có học ngành ngôn ngữ, đọc các sách về từ nguyên học, có ý truy tìm ý nghĩa của tên gọi này nhưng đến nay vẫn chưa hiểu được. "Đùng", không có vẻ gì Hán-Việt, cũng chưa tìm thấy mối liên hệ gần xa nào đến thổ ngữ Chăm, hay các cổ ngữ khác. Về địa hình thì xóm Đùng bao gồm cả khu vực làm nhà ở và ruộng vườn (cấu tạo chủ yếu trên nền đất sét) ở bờ đông nam sông Cầu Đỏ lẫn khu vực chuyên trồng hoa màu (cấu tạo chủ yếu là đất cát) ở bờ tây bắc con sông. Ông bà tôi khi đi trồng hoa màu bên kia sông thì nói là "qua bên đùng", khiến có lúc tôi nghĩ có thể "đùng" là một vùng đất cát trồng hoa màu chăng, nhưng rồi chẳng tìm thấy một định nghĩa chung nào như vậy. Gần đây, khi dự lễ cúng ở Miếu Xóm, tôi nghe đọc văn tế có đoạn "Quy đông, Quy tây, Đà ly, Nội đồng tứ xứ"; người xướng âm chữ "Nội đồng" nghe thoáng qua như "nội đùng", bất chợt tôi nghĩ hay là "Đùng" đơn giản chỉ là một cách phát âm địa phương của "Đồng" ở một thời nào đó, rồi lưu giữ đến nay chăng?

Xóm Đùng, hay thôn Tây An quê tôi, thuộc về làng Phong Lệ, một tên làng được biết đến nhiều từ thế kỷ 19 do gắn với sự nổi tiếng của danh nhân Ông Ích Khiêm, người quê làng Phong Lệ, và đến thế kỷ 20 thì còn được biết đến trên thế giới do gắn với các di tích của văn minh Champa được các nhà khảo cổ Pháp và Việt Nam phát hiện, viết bài nghiên cứu và đem hiện vật về trưng bày ở bảo tàng, ghi nguồn gốc xuất xứ "Phong Lệ, Quảng Nam".

Làng Phong Lệ

Tên gọi làng Phong Lệ xuất hiện từ thế kỷ 19 thay cho tên làng Đà Ly đã có trước đó. Trong sách địa bạ thời vua Minh Mạng đầu thế kỷ 19 còn ghi tên làng Đà Ly và đặc biệt trong bản đồ Hồng Đức (bản thế kỷ 17) có ghi tên "Đà Ly xã" bao trùm khu vực này. "Đà Ly" là cách dùng chữ Hán để ghi một âm địa phương nào đó có phát âm tương tự âm "Đà Ly" của chữ Hán. Cách thức này có thể nhận biết ở một số địa danh khác ở miền Trung Việt Nam, vốn xưa kia là vùng đất sinh sống của cư dân Champa. Đứng về mặt chiết tự thì trong chữ Đà và chữ Ly của chữ Hán đều dùng bộ "Mã"( con ngựa), người ta nói đây là lý do khiến cho các vị nhân sĩ Nho học thế kỷ 19 không thích tên gọi này mà đổi tên làng thành "Phong Lệ", có ý nghĩa là "tốt đẹp".

Tương truyền làng Phong Lệ (Đà Ly) xưa kia rất rộng lớn. Cho đến nay thì dấu vết còn lại cho thấy ít ra làng Phong Lệ đã bao trùm hầu hết các phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây của quận Cẩm Lệ (tên cũ gọi chung là Phong Bắc, nghĩa là khu vực bắc của Phong Lệ) và xã Hòa Châu của huyện Hòa Vang (tên cũ là Phong Nam, nghĩa là khu vực nam của Phong Lệ). Người xưa nói "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành ruộng dâu) để nói về sự chuyển dịch nhanh chóng của địa lý và sự thay đổi kinh ngạc của mọi sự trên đời. Nghe có vẻ hơi quá, nhưng chỉ nhìn ở một làng nhỏ quê tôi, làng Phong Lệ cũng đã thấy sự đổi dời nhanh chóng. Theo lời kể của ông bà tôi, mới cách đây chưa đầy 100 năm, con sông nay gọi là sông Cầu Đỏ xưa kia chỉ là con mương nhỏ được đào ở giữa xóm, nhưng rồi dòng chảy của con nước sông Vu Gia từ thượng nguồn đã nhân con mương này mà thay đổi hướng đi, xói lở tạo thành con sông lớn chia đôi xóm Đùng thành một bờ đông nam là nhà vườn và một bờ tây bắc là đất hoa màu; đến thế hệ cha mẹ tôi thì thay vì đi "qua Đùng" bằng cầu đã phải đi qua Đùng bằng thúng (thuyền thúng). Khu vực đình, miếu của làng Phong Lệ, nguyên tọa lạc ở gần bờ sông, sau do lòng sông mở rộng, và đường quốc lộ đi qua, đã phải di dời đi nơi khác. Tôi nghe cha mẹ và các anh tôi nói chuyện về nhà "cậu Đối", "dì Hốt" và nhiều bà con khi xưa ở khu vực bờ sông, nay đi qua Cầu Đỏ, nhìn phía chân cầu chỉ thấy mênh mang một bến nước.

Ông Bà Ngoại
 Làng Túy Loan

Ngôi vườn của cha mẹ và anh em tôi ở xóm Đùng nguyên là vườn của ông bà ngoại tôi. Bà ngoại tôi người họ Dương, sinh ở làng Túy Loan. Làng Túy Loan ở về phía tây của làng Phong Lệ, cách khoảng mười ngàn mét, trước kia sách vở ghi tên làng là Thúy Loan, một cái tên Hán Việt có ý nghĩa là ngọn núi tròn, xanh biếc, rất đẹp; sau có lẽ do đọc âm "túy" khỏe hơn nên người ta đọc và ghi thành "Túy Loan" như hiện nay. Túy Loan cũng là làng ven một sông nhỏ, chạy từ miền núi phía tây xuống qua khỏi làng Túy Loan thì hợp lưu với sông Vu Gia thành dòng chung là sông Cầu Đỏ/Cẩm Lệ. 

Túy Loan xưa kia cũng là một thị tứ, nơi giao lưu buôn bán giữa miền ngược, miền xuôi; nếp sống của cư dân Túy Loan vẫn còn lưu giữ những nét có khác hơn khu vực thuần túy nông nghiệp. Khi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi thấy người em trai của bà ngoại tôi từ Túy Loan xuống thăm chị, chúng tôi gọi ông là "Ông Bát", theo cách gọi của mọi người dành cho ông khi ông có tước phong của triều đình Huế vào hàng bát phẩm. Ông Bát có khuôn mặt hiền hậu, trán cao, thường nói chuyện thơ văn và nhắc nhở con cháu sống đạo đức. Anh em tôi còn nhớ một câu ca ông hay đọc "Người trồng cây kiểng người chơi, Ta trồng cây Đức để đời về sau". 

Bà ngoại tôi có khuôn mặt, dáng người hiền hậu như em trai. Khi bà ngoại đã cao tuổi, có thời gian chiến tranh sống một mình ở quê nhà; tôi lúc ấy còn nhỏ được cha mẹ cho về ở lại ngủ qua đêm với bà ngoại cho vui. Buổi tối, không đèn không điện, tôi thấy bà đem những hạt cơm nguội rải trên cái trẹt đậy miệng ảng nước; bà nói để cho lũ chuột có cái ăn. Lên giường cuộn tròn trong lòng bà, tôi nghe những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện cười, giọng bà rủ rỉ thì thầm, xen kẻ bởi những tiếng súng đi đoàng xa xa vọng lại. Tôi nghe giải thích và làm theo những tập tục như thấy bà ngoại làm. Có chuyện gì băn khoăn bà đều thì thầm khấn vái, cầu nguyện với "Ông Táo", thỉnh thoảng bà mua bát đường và chiếc bánh tráng đặt nơi bếp để cúng, tạ ơn ông Táo đã nghe và giúp đỡ chuyện bà cầu nguyện. Đêm giao thừa, bà ra giếng xách nước đổ đầy ảng nước dưới bếp, đến sáng sớm mùng một Tết, bà ra giếng xách một gàu nước đổ cho nước tràn qua miệng ảng; bà nói làm như vậy để cho quanh năm được sung túc, không bị khó khăn, thiếu thốn. Mấy ngày Tết bà không quét nhà, bà kể tôi nghe câu chuyện về hạt thóc và giải thích lý do việc không quét nhà… Nhiều câu chuyện sau này tôi đọc và cùng với ông Jim Lawson dịch ra tiếng Anh trong tập sách "Truyện dân gian Việt Nam" tôi đã được nghe bà kể ngắt quãng trong những đêm tối trời rập rình sống chết ở quê nhà.

Ông ngoại tôi người họ Lê, gốc nhiều thế hệ sinh trưởng ở làng Phong Lệ. Ông có dáng người thanh mảnh, khi tôi còn nhỏ thì râu tóc ông đã bạc. Ông hay giúp anh em chúng tôi tập làm những đồ vật khi có môn thủ công trong năm học, như đan các rổ nhỏ, dán cái quạt, làm chiếc lồng đèn hay nặn một quả cà, cái cối bằng đất sét. Tôi không biết nhiều về thời trai trẻ của ông ngoại, chỉ biết thoáng qua là ông có thời kỳ đi lính xa nhà bởi vì một lá thư của ông mà bà ngoại tôi thuộc nằm lòng. Sau này tôi hiểu rằng vào cái thời của ông ngoại, người ta viết những lá thư tâm tình ở dạng thơ ca, có thể là có sự hỗ trợ của những người có khiếu thơ; và dù thế nào thì người được nhận lá thư ấy rất xúc động và trân trọng, kể cả khi người nhận không trực tiếp đọc được mà phải nhờ có người khác đọc. Bà ngoại tôi cũng đã nhờ người đọc lá thư của ông ngoại gửi cho bà thời trai trẻ và bà nhớ mãi để đọc cho chúng tôi nghe khi ông ngoại không còn nữa. Tôi còn nhớ đoạn mở đầu của lá thư là những dòng thơ qua giọng đọc của bà:

Ngồi vườn hạnh thấy bướm ong phưởng phất,
Giục tấm lòng tả bức thơ loan
Gửi mây đưa cho tới bạn vàng
Niềm ân ái cho nàng tỏ rạng
Kể từ buổi sông Ngân ta mà gặp bạn,
Nghĩa Châu -Trần nhiều nỗi thiết tha,
Bốn phía trời mây ứng hải hà
Trong dạ ngọc lòng mà tơ tưởng
Đạo vợ chồng tình thâm nghĩa trượng
Chuyện đá vàng loan phụng vầy đôi
Đêm năm canh trong dạ bồi hồi
Nhớ ngãi nường về thăm khôn đặng
Ngày trông trời mau lên mau lặn
Đêm năm canh đốt nén hương thừa….

Những tâm hồn lãng mạn như thế nhưng cũng hết sức chu đáo, lo xa. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã thấy ở chái hiên bên hông nhà có đặt hai chiếc hòm gỗ, gỗ thô không sơn phết. Tôi tò mò tìm hiểu thì biết đó là ông bà ngoại tôi chuẩn bị cho mình mỗi người một chiếc quan tài. Xưa kia thời cuộc bất trắc, nghèo giàu bấp bênh, người ta dự phòng lúc chết, có sẵn quan tài đã chuẩn bị trước thì đỡ phần lo cho con cháu; cái "hòm gỗ thô" dự phòng ấy được gọi là "thọ đường" (ngôi nhà cầu sống lâu) chứ không gọi là "quan tài". Tuy vậy nhưng khi tôi lớn lên thì ông bà ngoại tôi vẫn con khỏe và hai cái thọ đường ấy cũng bị hư hỏng theo thời gian, khi ông bà ngoại tôi qua đời thì đều có quan tài đóng mới.

Võ Văn Thắng