Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Chuyến Đò Vĩ Tuyến - Sáng Tác Lam Phương - Kim Trúc Trình Bày


Sáng Tác Lam Phương 
Kim Trúc Trình Bày

Tháng Tư Và Những...

Tháng Tư và những cơn mưa cũ
Thắm giọt buồn rơi một cuối trời
Bốn mươi năm lẻ chừng như đã
Theo nhánh sông đời lặng lẽ trôi

Tháng Tư và những bàn tay mỏi
Tiễn biệt người đi ngón vẫy mòn
Sắc nhạt bờ môi sầu gương hỏi
Đâu hởi mùa em hương phấn soi?

Tháng Tư và những ngày hiu hắt
Đứng dựa bờ tây nhớ cội nguồn
Ngóng theo bóng nhạn về bên ấy
Chắc đẫm mùa trăng tiếng gọi sương?

Tháng Tư và những buồn vui lẫn
Mấy ai còn nhắc chuyện hoang đường
Một thời cây trút từng thân phận
Như lá trên rừng phủ vết thương…

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam


Xích Lại Đi Em

 

Xích lại đi em cho mùa thôi gió
Cát bụi đời nằm yên nghỉ bờ vai
Con chim nhỏ vẫn hát bài tình nhỏ
Lời bâng quơ như thuở đó ngậm ngùi...

Xích lại đi em cho ngày kề tháng
Những vui buồn về đậu lại môi ngon
Đêm mắt nhắm trao nhau từng hơi thở
Một đời sau mùi da thịt vẫn còn!

Xích lại đi em cho mây về núi
Mưa tắm trần từng con suối quanh đây
Anh vẫn đứng bên chân bờ dĩ vãng
Con nước đầy soi kỷ niệm còn ai..?

Xích lại đi em bóng đời sắp cạn
Ngày thôi mong và tháng sẽ thôi chờ
Tim thôi đập và môi không còn đợi
Một đời trôi sao quá đổi tình cờ...

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng


Thuyền Trăng

 

Thơ Xướng:

Thuyền Trăng

Đêm hè tĩnh lặng mặt hồ trong
Gác mái thuyền con thả giữa dòng.
Thăm thẳm gương trăng lồng đáy nước
Mơ màng ánh nguyệt bủa trời không.
Bờ lau lặng lẽ vi vu gió
Tiếng cuốc buồn tênh khắc khoải hồn.
Nhớ mãi những ngày thơ mộng cũ
Tình xưa sóng dậy sắt se lòng!

Mailoc
04-11-21
***
Thơ Họa:

Đêm Trăng

Bến nước mười hai biết đục trong
Thuyền hồn lơ lửng ngược xuôi dòng
Nghe tim xao xuyến x
ây vườn mộng
Thả mắt mơ màng hướng khoảng không
Nỗi nhớ dịu dàng thêm lãng mạn
Gương trăng vằng vặc đến mê hồn
Tơ duyên năm cũ xa xôi quá
Đáy nước lồng trăng dậy bão lòng

Kim Phượng
 ***
Đêm Dài

Đêm buồn lặng ngắm ánh trăng trong
Mượn chữ đôi câu tỏ chút lòng
Bạn hữu ngày nao đà lặn mất
Nhân tình một thuở có như không
Bao năm đèn sách tàn theo mộng
Một thoáng nhân sinh đã đổi dòng
Mơ ước qua đêm trời lại sáng
Để cho mặt nhật sáng soi hồn.

Quên Đi
***
Vàng Rơi Đáy Nước

Bến cạn trăng vàng đáy nước trong
Sông sâu ngư phủ thả câu dòng
Chim trời én liệng mây lơ lửng
Cá nước hồ bơi khoảng trống không
Xướng họa tìm câu văn chí khí
Gieo vần chọn chữ nghĩa tâm hồn
Yêu nhau chiếc bóng kia khuê cát
Chung thủy đôi ta nọ tấm lòng...

Mai Xuân Thanh
April 12, 2021
***
Dấu Trăng

Lênh đênh thuyền đã cập bờ trong
Bỏ lại vầng trăng lẻ cuối dòng
Ánh nguyệt chan hoà trên cõi vắng
Tơ sương vương vấn khắp đồng không
Sóng đầy đón gió về hoang đảo
Biển cạn chờ mây tản lạnh hồn
Thêm một chút buồn ngoài bến giác
Người đi, sông nước có yên lòng...

 Hawthorne 12 - 4 - 2021
Cao Mỵ Nhân

The Woman On The Night Of 29th April 1975 - Người Đàn Bà Trong Đêm 29 Tháng Tư Năm 1975


The Woman On The Night Of 29th April 1975

In my younger years, I did not believe in any particular religion whether it was Buddhism or Christianity. However, there was an incident that made me change my mind. This story takes place on the night of April 29, 1975. Since then, as April approaches each year, Minh Ha and I have always reminded each other of the significance of this meaningful day.

I graduated from the Faculty of Medicine at University of Saigon and the 21st session of Active Military Medical Army Doctors in 1974. After graduation it was time for the army division to recruit its conscripts. In March 1975, I moved to central Vietnam to be an Army Medical Doctor for The Third Infantry Division. This was my first and last time serving in the army as a soldier. Approximately two weeks later, Da Nang was taken over by the Vietnamese communists on the 29th March 1975. Fortunately I was able to flee the city on a small boat before the communists took over.

Looking back at Saigon, I could see a capital city of tension and confusion where everyone was desperate to find a way out of the country. After discussing it with Minh Ha, I asked for permission from our parents to get married and to flee together when the moment arose.

After a very small and simple wedding, I went to Ba Ria in accordance with the redistribution of Division 3 Infantry. However, I couldn’t meet up with any other army dentist, pharmacist or medical doctor of the Medical Battalion of the Third Infantry Division. I then decided to return to Saigon and on the way met a number of soldiers from Division 18 from Xuan Loc who also happened to be traveling to Saigon. My last bit of hope was beginning to run out.

On the evening of 29th April 1975, with nobody to guide us, I took Minh Ha to the bank of Bach Dang River. No other family members were courageous enough to go with us as the Navy Base was closed off with barbed wire. Night fall came shortly. It was then gunshots rang out putting everyone and everything into chaos - there was no way out.

Later that night, Minh Ha and I came across a lady who we had never met. We had no idea where she came from but she called to us to inform us that the Navy Base gate had been opened. The three of us immediately walked faster and faster and eventually built up to a sprint towards the gate. We made it through the gate and gained access to the Navy Base.

HQ-1 was the first ship we saw, however we were waiting in line for it with thousands of people in front of us. They were lined up in front of a ladder for boarding, and we were in the last row. At this stage we had no hope or chance. The lady who led us to the Navy Base then told Minh Ha that“at the back of the ship there were people climbing up via a rope.”

The three of us headed to the back of the ship. But when we arrived at the location where people were climbing up, the lady was nowhere to be seen.

I took a hold of the rope and pushed Minh Ha up with the help of a man on the ship. I proceeded to climb after Minh Ha. Just two minutes after we were on the ship, a naval soldier cut the rope connected to the ladder. On 30th April 1975, while drifting along the ocean, we couldn’t help but think about the fall of Saigon, our home. Until now I still have no idea who the lady that helped us was. Minh Ha believes (and I agree for sure) that the lady was Quan Yin Bodhisattva or Our Lady The Blessed Virgin Mary, mother of Jesus, who saved us during our desperate state of affairs.

Phạm Anh Dũng written in April 2013
(Translated by Mai Tuyết Ánh 20015
Edited by Phạm Anh Lê Bách 2016)
===============================
Người Đàn Bà Trong Đêm 29 Tháng Tư Năm 1975

Tôi, ngày xưa vẫn không bao giờ tin vào tôn giáo, Phật hay Chúa. Nhưng rồi có một chuyện xảy ra trong đời làm thay đổi cả ý đó. Chuyện xảy ra vào đêm 29 tháng Tư năm 1975 và sau đó năm nào đến những ngày tháng Tư, tôi và Minh Hà vẫn nhắc lại cho nhau.

Năm 1974, ra trường Y Khoa Sài Gòn và khóa 21 Quân Y Hiện Dịch, sau khi học khóa huấn luyện sau cùng ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, đến lúc chọn đơn vị. Tháng Ba năm 1975, tôi ra miền Trung làm y sĩ cho Sư Đoàn 3 Bộ Binh, đơn vị đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời quân đội. Chỉ khoảng hai tuần sau, ngày 29 tháng 3, 1975 Đà Nẵng mất và may mắn tôi thoát được bằng đường biển.

Về đến Sài Gòn, tình hình căng thẳng, thành phố rối loạn, dân chúng tìm đường đi. Tôi bàn với Minh Hà và xin phép bố mẹ hai bên làm một đám cưới, để khi cần, có thể cùng chạy với nhau.

Sau đám cưới, thật nhỏ và thật đơn giản, tôi trở ra Bà Rịa để theo lệnh "tái phối trí" Sư Đoàn 3 Bộ Binh, nhưng không gặp một quân y dược hay nha sĩ nào trong Tiểu Đoàn Quân Y. Đành quay về lại Sài Gòn và trên đường về, tôi gặp một số quân lính của Sư Đoàn 18, từ Xuân Lộc cũng đang thoái lưu về hướng Sài Gòn. Niềm hy vọng cuối cùng coi như sắp chấm dứt.

Chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975, không có phương tiện và cũng chẳng có quen ai, tôi dẫn Minh Hà ra bến sông Bạch Đằng ở Sài Gòn. Không ai trong gia đình hai bên có can đảm đi theo. Căn cứ Hải Quân đóng kín bằng hàng rào kẽm gai. Chẳng mấy chốc đêm tối đổ xuống, vài tiếng súng nổ đâu đó và dân chúng hỗn loạn, không có đường thoát.

Trong đêm lúc tôi và Minh Hà vẫn đi loay hoay quanh bến tàu, có một người đàn bà không hiểu ở đâu ra, gọi với tôi cho biết cổng vào của Hải Quân đã mở. Cả ba chúng tôi cố đi thật nhanh như chạy và len thoát qua được cổng, vào trong căn cứ Hải Quân.

Tàu đầu tiên gặp là HQ-1 nhưng hàng ngàn người đã đứng xếp hàng đợi lên tàu ở chỗ thang lên tàu và chúng tôi những người ở hàng cuối cùng, đứng đợi không có hy vọng đến lượt. Tự nhiên người đàn bà đã dẫn dắt chúng tôi nói với Minh Hà, cho biết đằng sau tàu có người đang leo dây lên tàu.

Thế là cả ba người đi ra phía sau của tàu. Nhưng khi đến chỗ có người leo dây lên tàu thì tôi và Minh Hà không còn thấy người đàn bà đó nữa.

Tôi nắm dây, từ dưới đẩy Minh Hà, nhờ người ở trên kéo lên trước và chính mình leo dây theo sau. Lên được tàu thì chỉ độ hai phút đồng hồ sau lính Hải Quân chặt dây ở thang lên tàu để tàu ra khơi.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975, lênh đênh trên biển chúng tôi được tin Sài Gòn đã mất.

Đến bây giờ tôi vẫn không biết người đàn bà dẫn dắt chúng tôi là ai. Minh Hà tin và tôi đồng ý, chắc chắn là Phật Bà Quan Âm hay Đức Mẹ, đã đến với chúng tôi trong lúc tuyệt vong.

Phạm Anh Dũng 
Tháng Tư năm 2013

Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Mạch Sầu Tháng Hạ

 


Thơ &Thơ Tranh:Kim Oanh

Thương Cảm

Nắng tháng Tư ừ hoa phượng đỏ
Đong đưa cành mở ngõ bâng khuâng
Chân trời xa lững lờ mây trắng
Ửng sắc màu hoa nắng rưng rưng

Lời mộng đầu tràn dâng bút mực
Ghi thành dòng nhật ký ngu ngơ
Đôi dăm câu tỏ thư chờ đợi
Lòng Phượng ơi! Hoa rộn hạ về

Mờ lệ nhớ ai xui bối rối
Tim học trò thôi hết vô tư
Đời cuồng nộ chẳng tròn như ý
Cay nghiệt lần tan biến ước mơ

Nắng tháng Tư vuông thơ phượng đỏ
Từ Ba Mươi đó sắc phân ly
Cánh thiên di lạc đàn tìm lối
Phượng máu người hoa rụng tả tơi

Thời mực tím vun lòng kỷ niệm
Khúc nồng nàn đứt đoạn trường ca
Phượng mơ phượng nhớ lời thương hận
Ray rức buồn mỗi nắng tháng Tư

Kim Phượng
 

Nhớ Tháng Tư


Tháng tư mưa đổ trên thành phố
Lính cũ không nhà vai áo xưa
Lòng như sông nhỏ thèm ra biển
Mơ thấy trường giang sóng chuyển mùa
Bao năm trận mạc theo triều xuống
Khói nhạt bay. Sờ bạc tóc xanh
Bạn bè hiu hắt tàn chung rượu
Quân về gác trọ buồn thâu canh
Gặp được cô em cùng xa xứ
Cà phê đáy cốc tháng tư đen
Kể chuyện nhà quê anh lính trận
Yêu người chưa dám gọi tình nhân

Quán không tên nép sau hè phố
Chiều đang um khói nhớ vô cùng
Lính cũ ngồi bên người viển xứ
Mưa thành phố đỏ ngập mênh mông
Cười chi người khách như mây núi
Áo bạc như mùa sắp trắng hoa
Được thua những ván cờ kim cổ
Như trăng tròn khuyết tháng năm qua
Tháng tư thức dậy mau thành phố
Đem lòng đi gởi cuối chân mây
Rừng thâm heo hút từng binh lửa
Bao hồn lính cũ ẩn đâu đây…!

Lâm Hảo Khôi


Nhớ Về Phú Giáo



Ôi, nhớ vô cùng Phú Giáo ơi!
Giờ đây hun hút một phương trời
Sông xưa chắc vẫn êm đềm nhỉ ?
Đồn cũ từ lâu sập nát rồi
Ta nén lòng đau ngày uất hận
Em nhòa mắt biếc buổi chia phôi
Lênh đênh ở cuối trời phiêu lãng
Một mảnh tình ta đã rách rời ....

Nguyễn Kinh Bắc

Bức Tượng Trong Viện Bảo Tàng Witte


Tôi chụp bức hình này
Nơi hành lang một viện bảo tàng
"Witte Museum" San Antonio Texas

Bức tượng cũ mèm cô độc
Mà sao tôi đứng lại ngẩn ngơ
Bức tượng lấm lem nhiều chỗ.
Những vết tàn phai thương quá đi thôi

Người mẹ tội nghiệp đang ngồi.
Ôm lấy đầu muôn vàn đau khổ
Đứa con trần truồng vòng tay ôm mẹ
Bàn tay khẳng khiu bấu víu tội tình

Bức tượng là câu chuyện hy sinh
Hay tình tiết thương đau tị nạn
Hoặc mẹ chịu trăm ngàn cay đắng
Đời đứa con bi đát thê lương.

Là một bức tượng trong công viên.
Viện bảo tàng Witte uy nghi tầm cỡ
Tôi muốn lật ra trang chuyện cổ
Để cúi đầu truy niệm người xưa.

Trời San Antonio vào một buổi trưa
Nắng hừng hực, chói chang rất dữ
Tôi đứng im, nghĩ ra nhiều thứ
Lòng dạt dào cảm xúc yêu thương

Chào hai mẹ con đứng ở bên đường
Một biểu tượng tình yêu mẫu tử
Vẫn mãnh liệt, bao la, tha thứ
Trong trái tim người phụ nữ muôn đời.

Nguyễn Thị Thêm

Cố Quận Hà Phương 故 郡 何 方 - Trần Văn Lương


Dạo:
Bên đường xương đã trổ hoa,
Lênh đênh bước lẻ, quê nhà chốn nao.


Cóc cuối tuần:

故 郡 何 方


日 沉 霡 霂 浥 寒 沙,
踽 踽 亡 魂 覓 舊 家.
暴 海 褊 舟 皤 浪 哭,
深 林 孤 影 毒 蟲 歌.
巍 峨 廟 殿 神 仙 少, 
炫 耀 市 城 鬼 怪 多.
四 十 六 年 嗟 故 里!
路 旁 朽 骨 已 開 花.

陳 文 良

Âm Hán Việt:

Cố Quận Hà Phương


Nhật trầm, mạch mộc ấp hàn sa,
Củ củ vong hồn mịch cựu gia.
Bạo hải, biển chu, bà lãng khốc,
Thâm lâm, cô ảnh, độc trùng ca.
Nguy nga miếu điện, thần tiên thiểu,
Huyễn diệu thị thành, quỷ quái đa.
Tứ thập lục niên, ta cố lý!
Lộ bàng hủ cốt dĩ khai hoa.

Trần Văn Lương
***
Dịch nghĩa:

Quê Cũ Chốn Nào


Mặt trời chìm, mưa phùn thấm ướt bãi cát lạnh,
Hồn người chết lủi thủi đi tìm nhà cũ.
Biển dữ dằn, thuyền nhỏ, sóng bạc đầu khóc to,
Rừng sâu, một bóng lẻ loi, (các) con vật độc ca hát.
Đền miếu nguy nga, (nhưng) thần tiên ít,
Phố xá huênh hoang, ma quỷ yêu quái (lại) nhiều.
Bốn mươi sáu năm (rồi), than ôi quê cũ!
Ven đường (đống) xương mục nát đã nở hoa.

Phỏng dịch thơ:

Quê Cũ Chốn Nào


Cát lạnh, mưa đêm tỏa nhạt nhòa,
Vong hồn lủi thủi vọng quê cha.
Thuyền con, biển dữ, ba đào thét,
Bóng lẻ, rừng sâu, rắn rết ca.
Đền miếu nguy nga, thần trốn biệt,
Thị thành náo nhiệt, quỷ lê la.
Bao năm chốn cũ nhà tơi tả,
Xương rã ven đường đã trổ hoa.


Trần Văn Lương

Cali, ngày Quốc Hận 2021

Lời than của Phi Dã Thiền Sư:
Bốn mươi sáu năm rồi, quê nhà đâu tá?
Xương trắng dọc đường di tản năm xưa
giờ hoa dại đã mọc đầy che phủ.
Than ôi, khách qua đường ngày nay chỉ thấy toàn
hoa nở, rừng xương trắng ngày xưa mấy ai còn nhớ!
Mịt mù chốn cũ, mảnh hồn lữ thứ sẽ phải lang thang
đến bao giờ?
Hỡi ơi!

***
Bài Họa:

Làng Cũ Nơi Nao

Đêm lạnh mưa phùn ngấm cát nhòa
Cô hồn một bóng kiếm làng cha ....
Thuyền nan sóng cả phong ba dữ!
Bóng chiếc non sâu độc vật ca
Chùa miếu huy hoàng thần thánh vắng
Điện đền đông đúc mị ma la!!
Bốn mươi năm lẻ làm sao tả ?
Quang cảnh hoang tàn lại nở hoa?

Lạc Thủy Đỗ Quý Bái

April Flower

31/3/1980 nhằm ngày rằm tháng hai âm lịch năm Canh Thân, ngày giỗ mãn tang của bà nội các cháu.  Chúng tôi làm cỗ cúng xả tang.  Sáng hôm sau, bác Phú, một khách hàng rất quen thuộc sang nhà tôi để lấy hàng đặt thêu may,khi nhìn lên bàn thờ của cụ, bác đã kêu lên:

- Hoá bát nhang! Điềm lành lắm đây!
Bác hạ giọng:
-Cô có tính gì không?  Nếu định việc gì thì tính đi. Cụ hoá bát nhang là điềm tốt lắm.

Tôi nhìn lên bàn thờ thấy các chân nhang trong bát nhang xoè tròn ra như một bông cúc lớn, thật lạ!

Đúng dịp đó nhờ sự giới thiệu của Bác Thanh, cũng là một khách quý cuả tôi, chúng tôi đã quyết định nộp vàng để xuống tầu vượt biên theo tổ chức của ông HD, nơi người quen và các con của bác đã đi trót lọt mấy chuyến, một số đã định cư ở Tây Đức, Úc, Mỹ, Canada.  Bác cho biết đường dây này rất chắc chắn và đây là chuyến chót mà chính vợ chồng chủ tầu sẽ cùng đi.

Trước ngày ra đi khoảng một tuần lễ,chủ tầu hẹn chúng tôi đến gặp vợ chồng ông tại lầu hai của một cửa tiệm ở đường Tự Do để đóng nốt số vàng còn lại và giới thiệu một người dẫn đường cho chúng tôi biết mặt, hẹn hôm sau sẽ đi cùng với tôi và vài người nữa xuống chợ Vĩnh Long để hướng dẫn chúng tôi đường ra bến đò, nơi ghe taxi sẽ đón chúng tôi để đưa ra tầu lớn ở cửa biển Trà Vinh. Đến ngày đi thì cũng chính người  này sẽ đón tại bến đò đó để đưa chúng tôi xuống ghe Taxi. Ông HD còn dặn là trên tầu có củi lửa, gạo nước, mắm muối, lương thực đầy đủ cho khách, ngoài ra nếu có hành lý đem theo thì nên sắp xếp cho gọn đưa ông ta đem xuống tầu trước để khi đi đường khỏi phải đem theo đồ đạc cồng kềnh dễ bị lộ. 

Hôm đi dò đường tôi đi với em gái TH, nhà tôi đi học tập về mới được dậy học lại nên không dám xin nghỉ. Hai chị em tôi mặc quần áo bà ba đen cũ, đầu đội nón lá, tay xách chiếc giỏ cói đem theo một chiếc khăn tay nhỏ và vài món đồ ăn vặt.  Theo lời dặn dò của người tổ chức chúng tôi đến bến xa cảng miền tây, trạm xe đi Vĩnh Long. Đảo mắt tìm người dẫn đường, sau khi đã nhận diện nhau, hai chị em lẳng lặng lên xe. Ngồi trên xe đò lòng tôi nặng trĩu lo âu. Ba cô em tôi đã vượt biên năm trước, đứa nào khi đi cũng được mẹ đưa xuống Rạch Giá, đưa đến tận bến, xuống tầu chắc chắn rồi mẹ mới về. Mấy cô em tôi đi theo đường bán chính thức nên bảo đảm an ninh hơn còn lần này chúng tôi đi chui hoàn toàn, không biết có gặp những tai ương, sóng gió nguy hiểm gì  không. Tôi chỉ biết niệm Phật và cầu xin tổ tiên, ông bà hai bên nội ngoại phù hộ.  Nghĩ đến mẹ chồng tôi,cụ mới quy tiên và bát nhang nở tròn như hoa cúc!Mấy đêm cuối cùng trước khi cụ mất tôi và con bé Quyên đã sang nhà bà, kê cái giường vải nằm cạnh giường bà.  Ban đêm khi dìu cụ đi nhà vệ sinh cụ đã cầm tay tôi mà nói “Mẹ sẽ phù hộ cho các con, mẹ sẽ phù hộ cho các cháu!”  Mẹ ơi... Xin Mẹ linh thiêng phù hộ cho chúng con tai qua nạn khỏi, mẹ ơi! Tôi khấn thầm trong đầu và bỗng dưng muốn khóc.

Đến chợ Vĩnh Long, khi xuống xe tôi thấy có mấy người cùng lặng lẽ theo sau người dẫn đường ra đến bờ sông, nơi những chiếc thuyền con cập bến đưa hàng hoá và hành khách lên, xuống.
Sau khi ghi nhận địa điểm,chị em tôi vội vã quay lại bến xe để về Sài gòn ngay cho kịp chuyến cuối.  Tôi không muốn ở trễ để phải ngủ lại qua đêm ở nơi xa lạ.

Khi về đến nhà tôi lo sắp xếp thu dọn đồ đạc, mấy cuốn nhật ký thời con gái tôi đem ra đốt hết, mấy cuốn lưu bút ngày xanh và hình ảnh tôi đem sang gửi nhà bà ngoại. Hai chiếc giỏ đệm nhẹ tênh, chỉ đem theo vài bộ quần áo vải, mỗi người một cái áo lạnh, một ít thuốc men, dầu gió, một số lương khô và một ít kẹo bánh.  Cũng may khi bác Phú biết chúng tôi quyết định vượt biên bác có gửi một thằng cháu đi cùng nhờ trông nom hộ và bác mua giùm một gói cao cắt ra thành những viên vuông nhỏ và một túi sâm cắt lát mỏng sẵn để đem theo.  Hành lý tương đối gọn vì tất cả quần áo tốt, đồ ăn và đồ dùng cần thiết đã gói ghém chặt chẽ trong một giỏ, thêm hai giỏ chất đầy vải thêu và quần áo thêu cùng mấy bộ khăn bàn thêu thật đẹp tôi đã gửi trước cho chủ tầu để đem theo làm vốn.

Mấy ngày trước khi lên đường tôi như bị kiệt sức, nằm ngủ mê man, ngủ li bì, thức dậy ăn uống qua loa rồi lại ngủ vùi. Đúng ngày trước khi đi thì tôi khỏe hẳn như Phù Đổng mới vươn vai, ăn uống đàng hoàng, tắm rửa sạch sẽ để hôm sau sẵn sàng ra đi.
Nhóm chúng tôi gồm tám người, hai vợ chồng tôi, hai đứa con, hai đứa em,Thiên Hương, Minh Duy và hai đứa cháu, cháu Tuấn nhà bác Phú và cháu Quân nhà bác Quốc Thái.  Hai đứa con tôi, Hạnh Quyên mới lên bẩy, Thiên Khôi mới lên năm, chúng tôi không dám cho các cháu biết là đi vượt biên, chỉ nói là cả nhà đi thăm dì Hạnh, nhà dì Hạnh có cây táo thật to, trĩu trịt trái trong hình ở nhà bà ngoại.

Hôm ấy, ngày 10/4/1980, sáng sớm tinh mơ chúng tôi lên đường, ăn mặc xuềnh xoàng,quần áo cũ kỹ trộn lẫn với dân bán buôn xuôi ngược trên xe đò. Qua hai lần xuống phà, qua bắc bình yên. Đến chợ Vĩnh Long còn sớm, để mọi người vào một tiệm hủ tíu ngồi ăn, hai chị em tôi vào chợ mua một giỏ đầy củ sắn, một giỏ quít và một xâu bánh tét để đem theo. 

Thoáng thấy bóng người dẫn đường chúng tôi vội vã đi theo ra bờ sông,  giờ đó bến đò đông người lên xuống, kẻ đến ngườiđi nên chẳng ai để ý đến ai.  Ông ta đưa toàn bộ nhóm chúng tôi xuống một chiếc xuồng máy đuôi tôm nhỏ có mui.  Một chú thanh niên cỡ mười sáu, mười bẩy tuổi điều khiển con thuyền.  Tôi thở phào, đã thoát được một chặng đường!

“Ra sông... biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viển vông, biết ta hãi hùng...” (Vin Du – Phạm Duy)


Lênh đênh trên chiếc thuyền con trôi giữa dòng sông Cửu Long lồng lộng gió, trời nước mênh mông, bao la, bát ngát. Quê hương tôi đẹp thế này đây nhưng trong lòng ngổn ngang trăm mối. Bất trắc nào cũng có thể xẩy ra, tai ương nào cũng có thể ập đến. Sẵn có hai giỏ trái cây và ít quà bánh thế là cứ việc chia nhau ăn, tám miệng ăn nên hết vèo mỗi thứ nửa giỏ. Buổi chiều chạng vạng hai đứa trẻ mệt nên nằm ngủ say sưa. Chú lái thuyền nói phải đánh thức hai đứa dậy, chiều tà con nít ngủ không tốt, bà Thủy quở ngủ dậy sẽ mệt lắm. Thế là phải lay hai đứa dậy. Hoàng hôn trên sông đẹp tuyệt vời nhưng không có tâm trạng nào mà thưởng thức. Mặt trời lặn thật nhanh và màn đêm cũng đổ ập xuống bao phủ cảnh vật. Đêm không trăng. Từ lúc ấy cứ khoảng một quãng đường trong bờ xa lại có ám hiệu bằng những điệu múa của mấy cây đuốc, chú lái tầu cho biết đó là dấu hiệu bình yên. Đi một khúc lại có người trên bờ đứng quơ đuốc. Chúng tôi mệt ngất ngư chỉ mong mau lên tầu lớn cho yên tâm.

Cuối cùng chiếc thuyền con cũng gặp “cá lớn”.  Ông HD đã đứng sẵn ở đó trên một chiếc ghe nhỏ ở sát mạn thuyền.  Con cá lớn mà nhỏ xíu, một chiếc thuyền gỗ mong manh như những chiếc ghe bầu thương hồ xuôi ngược trên sông. Mũi tầu bầu tròn chứ không nhọn như những chiếc tầu đi biển.  Đêm tối âm u, trên tay ông chủ tầu chỉ có một cây đèn bão.  Bước vào cá lớn cũng chỉ một ngọn đèn tù mù rọi xuống chiếc hầm tầu lúc nhúc người đã đến trước đang nằm ngồi ngổn ngang. Trong đầu tôi lóe lên: “Phải chăng đây là chốn âm ti!”.  Ông chủ tầu là người cuối cùng bước vào cá lớn. Đứng trong gian buồng lái hình vuông mỗi chiều chỉ khoảng chừng hai mét ông thò đầu xuống phân trần với những người trong khoang: Ghe tài công đi lạc, ghe vợ ông không thấy tới nên ông không đi được, ai biết chạy Honda lên ông chỉ cho lái tầu! Có mấy chú thanh niên dân chài lưới ở Trà Vinh bước lên, ông lấy chiếc la bàn, đặt cái kịck lên mặt bàn trước chiếc cần lái,cần lái cũng chỉ là một chiếc gậy dài kéo qua phải, qua trái chứ không phải là bánh lái tròn.  Ông tỉnh bơ nói“Ngày đầu đi hướng này, ngày thứ nhì đi hướng này, ngày thứ ba tới!”

Trời đất! Vượt đại dương trên một chiếc ghe bầu mong manh mà không chủ tầu, không tài công, không thợ máy!  Đi theo hướng này, hướng này...!!!! Làm sao bây giờ đây!  Ông nói tiếp: “Đến giờ phải đi rồi, không đợi mấy ghe đi lạc được nữa, ai muốn về thì đi theo tôi, nhưng nếu về mà bị bắt thì ráng chịu!”  Tôi không tin ở tai tôi, tôi không tin ở mắt tôi.  Tính sao đây?! Ông đã nói vậy thì chắc chắn là về sẽ bị bắt.  Người ta nói khi đi chui khó nhất là đoạn đường ra bãi, tới bến và lên được tầu lớn mà bây giờ chúng tôi đã lênh đênh trên sông một ngày bình an.  Đi tiếp hay bỏ cuộc?!

Tôi hỏi ý kiến nhà tôi, hỏi các em, các cháu.
- Sống chết có số, đi vượt biên là chấp nhận!
- Đến nước này thì liều đi!Cứ đi!Tới đâu thì tới!

Bây giờ cả con tầu phó mặc vào tay nhóm thanh niên Trà Vinh, họ biết lái tầu đánh cá nhưng chưa bao giờ ra tới đại dươngđể đi tớinước ngoài.

Dưới hầm tầu đã có người bắt đầu nôn oẹ vì chiếc tầu đã dập dình, đã có tiếng sóng vỗ vào thành tầu.  Những người ở gần hay đến tỉnh từ hôm trước đã xuống tầu sớm.  Có lẽ thuyền chúng tôi đi là chiếc ghe taxi cuối cùng. 

Một số người sợ hãi đã theo ông HD trở về. Tôi đành chấp nhận chui xuống hầm tầu đi vào cõi âm u.  Đóng nắp hầm, tầu ra khơi!  Cả tầu vang lên những tiếng nôn thốc tháo, gần như ai cũng ói. Không khí như đặc quánh, ngộp thở.  Ngạc nhiên thay tôi không bị say sóng mà tỉnh như con sáo sậu.  Lăng xăng thu dọn, lau chùi, lo cho cả nhà nôn oẹ.  Sau một lúc ói mửa thì mọi người mệt lả nằm im. Chiếc tầu nhỏ sau một hồi bị sóng nhồi cũng như đã mệt mỏi chỉ còn tiếng phạch phạch của máy tầu. 

Trong đêm đen tôi ngồi yên lặng bên ô cửa sổ độc nhất hình vuông mỗi bề chỉ khoảng hơn hai gang tay nhìn ra màn đêm tối đen mong trời mau sáng.  Khi mặt trời chưa lên nhưng mầu đen đã loãng ra, đã nhìn thấy mặt người tôi mới thấy rõ khoang tầu chật hẹp, bề ngang chắc chỉ khoảng hơn 3 mét vì hai hàng người nằm đầu dựa vào vách, chân đâu vào nhau mà cũng không đủ chỗ để duỗi thẳng chân cho thoải mái. Đúng là như những con cá xếp chặt chẽ trong hộp cá mòi. Bề dài lòng tầu chắc cũng chưa đến mười mét.  Hôm đi họp ông chủ tầu nói chuyến đi khoảng trên bẩy chục người mà hai ghe đi lạc và mấy người đi về thì không biết rõ số người còn lại là bao nhiêu mà tôi thấy chật cứng.

Con tầu lại vật vã một hồi, lại những tiếng nôn mửa, lòng tầu xông lên mùi khủng khiếp.  Mọi người như mệt lả, thiêm thiếp tiềm sinh. Tôi mở gói sâm ra nhét vào miệng cho mỗi người một miếng, cả những người nằm quanh tôi.

Hừng đông, trời sáng rõ hơn nghe mấy chú trên buồng lái nói tầu đã ra tới biển, nắp hầm mở ra để vài người thức dậy sớm lên trên thành tầu chỗ sàn nước để làm vệ sinh cá nhân. Một chút gió lùa từ khoảng trống bên trên và xuyên qua cửa sổ nên không khí thoáng mát một chút.  Nhà tôi nhận ra người bạn học cùng Đại Học Sư Phạm là anh LTV đi cùng tầu.  Gia đình anh đi đầy đủ hai vợ chồng, bốn đứa con cùng ông chú là cụ Mỹ và cô Hiền, con gái của cụ.
Hai anh họp bàn nhau, không có chủ tầu, không có tài công thì cũng phải chọn ra ban chỉ huy cho có trật tự.  Sau một hồi bàn tất cả đồng ý bầu chú Khánh, một người chững chạc nhất trong đám thanh niên làm thuyền trưởng và chú Diện làm tài công, mấy cô thiếu nữ đi theo lo về việc ăn uống.

Trời nắng lên, biển êm như mặt hồ, chiếc tầu giữa biển khơi nhỏ bé như chiếc lá tre cứ bình thản trôi. Chợt có tiếng từ buồng lái vọng xuống “Tới hải phận quốc tế rồi bà con ơi!” Niềm vui như vỡ oà, may quá tầu đi thoát, không gặp tầu quốc doanh, không gặp tầu kiểm soát biên phòng.  Tôi lại lâm râm niệm Phật.  Ngày đầu ai cũng có đồ ăn và nước uống đem theo nên ăn uống tự túc. Tôi thay quần áo sạch cho các con, lau dọn chỗ nằm, cho hết đồ dơ vào một chiếc giỏ cói.  Mới qua một ngày trên sông và một đêm ói mửa thằng bé trông gầy dộc hẳn đi, cặp mắt sâu hoắm, lờ đờ mệt mỏi.  Ôm con vào lòng mà thương xót quá, mong cho mọi sự bình an. Con chị cũng gầy đi nhưng trông khỏe hơn nên tôi cũng đỡ lo.  Nhà tôi và hai đứa em, hai đứa cháu bị say sóng nên nhìn thấy mệt đừ.
Tôi trèo lên boong tầu thở hít không khí trong lành và xem xét tình thế.

Một số người khỏe mạnh cũng trèo lên boong.  Xa xa mấy chiếc tầu  trông như những chiếc bao diêm.  Tầu tăng vận tốc đuổi theo, khi đến gần hơn, nhìn rõ hơn mọi người lấy quần áo ra vẫy gọi.  Gần hơn nữa, khi thấy rõ hơn thì tầu lớn quay đầu đi hướng khác.  Nhìn thấy chiếc tầu khác, lại đuổi theo, họ lại chạy.  Chạy đuổi một hồi và khi biết rằng dù có kêu gào, la hét cũng không mong có sự cứu giúp của họ nên đành bỏ cuộc.  Tôi thầm nghĩ cứ chạy lung tung thế này rồi có còn giữ được phương hướng không.  Ông HD nói cứ đi hướng này, hướng này là tới!

Chiếc lá tre lại lạch phạch trôi, tôi bất giác rùng mình.  Chiếc thuyền con mong manh chứa mấy chục con người giữa đại dương mênh mông, trên trời dưới nước, chẳng thấy đâu là bến là bờ.  Chỉ cần một con sóng dữ, thuyền sẽ chao đi và... biến mất.  Không dám nghĩ tiếp, tôi chắp tay niệm Phật “ Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát” và “Bà Nội ơi, Mẹ ơi, xin bà, xin mẹ phù hộ cho chúng con, phù hộ cho những người trên tầu được tai qua nạn khỏi”.  Boong tầu như một tấm phản phẳng không lan can, ngay gần mép tầu một người đàn ông ngồi kiết già cũng đang chắp tay cầu nguyện.  Mặt trời như quả cầu lửa chìm xuống nước thật nhanh để lại một đường chân trời rực sáng và phía bên kia biêng biếc tím, mầu tím của chân trời!

Sáng hôm sau mặt biển vẫn êm lặng hiền hoà, con tầu trôi nhẹ nhàng như bơi trên mặt hồ.  Bây giờ mới biết thế nào là “Tháng Ba bà già đi biển”. Tôi lấy hai bộ quần áo vải đưa cho TH, hai chị em cùng xuống chỗ sàn nước canh cho nhau thay bộ bà ba đen đi đường cứng ngắc, hôi hám vì những chất ói mửa.  Một chiếc thùng phuy rỉ sét đựng nước ngọt đã vơi gần một nửa, một hàng can nhựa đựng nước ngọt xếp sát vách.  Tôi hoảng quá nói với nhà tôi và anh V.  Hai anh nói chú Khánh phải lo kiểm soát và phân phát nước uống chứ để tự do rồi mọi người xài phung phí và không biết bao giờ mới tới nơi. Thế là bắt đầu mỗi ngày phát nước ngọt hai lần và mỗi người chỉ được một nắp nhỏ nước mà thôi. Các cô cũng nấu cháo để phát cho mỗi người một chén nhỏ.

Sang đến ngày thứ ba thùng phuy gần cạn mới khám phá ra những can nhựa đựng nước ngọt là những thùng đựng dầu hôi không rửa kỹ, nước sực mùi dầu và lờ lợ không uống được. Đáy thùng phuy thì đọng những phù sa, cặn bẩn.   Gạo còn cả bao nhưng nước không có làm sao mà nấu cháo, nấu cơm.  Thật kinh hoàng, thảm khốc!!

Nắng lên chói loà, nóng hừng hực. Một nắp nước nhỏ không thể nào chống được cơn khát.  Môi của em trai tôi đã phồng lên trắng xoá.  Lục trong giỏ xách, gói sâm và cao đã hết, kẹo ngọt cũng không còn, chỉ còn mấy bánh lương khô thật khô không khốc! Hỏi đến giỏ xách đã gửi ông chủ tầu đem đi thì không ai thấy có gì cả. Chủ tầu đã bỏ chúng lại không đưa xuống tầu.Bao nhiêu đồ ăn thức uống của tôi đã gói ghém trong đó! Thằng con đã mê sảng “Mẹ ơi, nhà dì Hạnh đâu, nhà dì Hạnh đâu, con muốn ăn táo!” Ôm thằng bé vào lòng mà thầm trách mình.  Đi vì tương lai của các con nhưng đi lấy sống hay đi để chết.  Người lớn đói khát vài ngày chưa đến nỗi nào nhưng trẻ con, tội nghiệp quá!  Có những người trong giỏ còn quả quít, quả cam nhưng khi đó ai cũng thủ phận mình.  Chỉ có tôi, có gói sâm, gói cao mà không biết giữ cho mình. Ngay ngày đầu thấy mọi người mệt lả tôi đã tự phân phát cho những người xung quanh tôi và chỉ hai ngày sau là hết.  Lúc đó tôi thật giận tôi! Tôi niệm Phật và cầu cứu mẹ chồng tôi, cụ có linh thiêng thì xin cụ phù hộ, xin cụ cố cứu lấy hai đứa cháu nội bé bỏng của cụ.

Không biết con tầu đang đi về đâu.  Thời gian chầm chậm trôi... Thỉnh thoảng có tiếng trẻ gào khóc vì đói, vì khát. Khóc mệt quá một lúc cũng chỉ còn rên rỉ như những tiếng mèo kêu.  Đây đó tiếng rì rầm đọc kinh cầu nguyện. Cuối cùng cả tầu chìm trong sự im lìm, tuyệt vọng. Con thuyền cứ từ từ trôi.  Bất chợt qua ô cửa sổ nhỏ tôi nhìn thấy đám mây đen từ đâu bay tới kín bầu trời rồi mưa đổ ào xuống, những giọt mưa như những giọt nước cam lồ từ những đấng linh thiêng đổ xuống cứu vớt những con người khốn khổ.  Cơn mưa rào mịt mù giữa trời đất bao la như một phép lạ.  Mưa to nhưng không có sấm chớp, không có sóng lớn. Mọi người nhắc nhở nhau phải giữ thăng bằng, đừng chạy nhốn nháo kẻo tầu bị nghiêng, bị lật.  Con thuyền nhỏ bé bình yên không chao đảo.  Mưa bóng mây chỉ ào xuống thật nhanh rồi chấm dứt thật lẹ cũng đủ cho những thanh niên được một trận tắm mát, thùng phuy thêm chút nước và tôi đã hứng được một ít nước mưa mát rợi để uống, thấm ướt chiếc khăn lông để lau mặt, lau mình cho hai đứa trẻ. Cảm tạ Trời Phật, cảm tạ các đấng linh thiêng, cảm tạ tổ tiên, ông bà đã che chở, giúp đỡ chúng tôi đúng lúc.  Trời quang mưa tạnh, thò đầu nhìn lên boong tôi lại thấy người đàn ông ngồi kiết già đang chắp tay cầu nguyện.  Sau này tới đảo tôi mới biết đó là một vị sư.  Ngày nào Thầy cũng ngồi nơi mép tầu tụng kinh niệm Phật.

Sáng tinh mơ ngày thứ tư, trên buồng lái xôn xao “Thấy đảo, thấy đất liền rồi”.  Tôi căng mắt nhìn ra xa chỉ thấy một vệt mờ mờ mầu đen xa tít tận chân trời. Con tầu cố chạy thẳng về hướng đó thì đột nhiên tiếng máy tầu nghe lạ và có người hô nước đã vào đáy tầu.  Mấy chú thanh niên lặn xuống xem thì ra máy bơm bị hư và họ phải thay nhau múc nước đổ ra ngoài, trong khi đó chú Diện vẫn lo lái tầu vào hướng đi tới hòn đảo.  Đến gần hơn đã thấy mầu đảo xanh xanh nhưng vẫn còn xa tít. Loay hoay một lúc, tầu vẫn chạy được và khoảng cách vào đất liền ngắn dần, ngắn dần.  Khoảng trưa tôi đã nhìn thấy hình dáng của những rặng cây.  Chạy thêm một lúc lâu nữa bỗng tầu như vướng phải vật gì nên dừng lại, nhóm thanh niên lại lặn xuống tìm hiểu thì chân vịt đã gẫy vì tầu bị mắc cạn.  Không hiểu từ đâu một chiếc tầu máy phóng tới thật nhanh, trên tầu có hai người cởi trần, râu tóc rậm rạp.  Tưởng gặp hải tặc mấy cô gái sợ qúa lấy lọ nghẹ trét đầy mặt, vò đầu cho tóc rối bù và kiếm chỗ đi trốn.  Nhà tôi trông thấy lá cờ hai mầu đỏ, trắng trên nóc tầu cuả họ nên lên tiếng trấn an mấy cô gái:“Tầu có treo cờ Nam Dương, đừng lo”. Hai anh giáo đứng ra tiếp xúc với hai người từ bên tầu nhẩy qua.  Nói chuyện một lúc họ biết chúng tôi là tầu tị nạn và xin tiếp tế nước uống. Thấy họ ngần ngừ và cả tầu đều ngồi lặng yên. Tôi tháo chiếc nhẫn năm phân vàng đang đeo trên tay đưa cho họ và ngỏ ý xin họ mua giùm nước uống.  Họ nhận lấy và nhẩy trở về tầu của họ đem sang ngay mấy thùng nước.  Chúng tôi hỏi làm sao lên đảo thì họ nói cứ chờ tại đây, họ phải liên lạc với chính quyền và sẽ cho biết quyết định của những người có thẩm quyền. Nhìn vào đảo đã thấy rõ những rặng dừa, những rặng dừa xanh ngát cho chúng tôi niềm hy vọng, cho chúng tôi sự sống.  Trong khi neo tầu chờ đợi và các thanh niên lo sửa chân vịt, nhiều người đã nhẩy xuống nước bơi lội thoải mái sau mấy ngày tù túng.  Công nhận nhóm thanh niên nam nữ Trà Vinh thật dễ thương.  Họ làm việc với nhau rất ăn ý, có vẻ đoàn kết, gắn bó và đối đãi rất chân tình.  Tài công là anh chàng Diện mới 15 tuổi lái tầu rất giỏi mà ai cũng quý mến.  Chú Khánh rất nhanh nhẹn nhưng điềm đạm có bản lãnh chỉ huy và tôi vẫn còn nhớ ba cô Nga, hai cô Nga lớn hiền lành, tươi vui, rất thân nhau và cô Nga nhỏ là cô Ngó thiệt ngộ, khuôn mặt thiệt là xinh, ngoài ra còn mấy cô cậu khác mà tôi không nhớ tên. Nhớ lại thời gian sống chung trên tầu, trên đảo và trong trại tị nạn, tôi thật quý mến và cám ơn nhóm các em.

Đến đất liền tầu phải có tên mà chiếc tầu chúng tôi đi không có số tầu, không có chủ tầu đi cùng và chẳng ai biết tên tầu là gì.  Hai anh giáo hội ý đặt tên. Năm 1620 xa xưa con tầu Mayflower đã chở các gia đình người Anh từ Anh Quốc vượt Đại Tây Dương đến châu Mỹ để tìm đất hứa.  Ngày nay con tầu này cũng đưa chúng tôi rời khỏi VN để đi tìm một vùng đất hứa như vậy.  Chúng tôi đi trong Tháng Tư nên tên tàu April Flower được khai sinh từ đó.
Khoảng vài giờ sau chiếc tầu máy trở lại với mấy nhân viên cuả chính quyền Indonesia, sau vài thủ tục hành chánh, trời đã chập choạng tối, họ đưa chúng tôi vào ở tạm tại đảo này có tên là Pulau Laut để chờ họ liên lạc với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xem chúng tôi sẽ được đưa đến trại tị nạn nào.

 galang 1980 2
(Tác giả 
đứng giữa mặc áo sọc xanh trắng)  

Mấy ngày sống trên tàu, bập bềnh trên nước, khi bước chân trên đất liền chúng tôi lảo đảo, liêu xiêu chỉ chực ngã. Một số dân làng ra đón chúng tôi đưa vào một gian phòng dài thông thống như quán chợ.  Họ phát cho chúng tôi mỗi người một mảnh lá chuối gói khoảng chừng một bát cơm nóng với một khúc cá luộc, không đũa không muỗng.  Cơm nóng thật dẻo với khúc cá ngừ nóng hổi, lấy tay bốc ăn mới ngon làm sao!
Ăn uống xong  chúng tôi được đưa vào một dẫy chòi lá như những sạp hàng trong chợ, mỗi nhóm được chiếm ngụ một cái chòi. Tám người chúng tôi nằm chen chúc trên nền nhà như một tấm phản.Mọi người ngủ ngon lành vì không gian thoáng mát và tương đối yên chí đã hết hiểm nguy.

Mình tôi còn thức nhìn lên trời cao, hồi tưởng lại mấy ngày qua... Con tầu nhỏ bé mỏng manh như vậy đã thật may mắn không gặp phong ba bão táp, không gặp hải tặc hung ác, bạo tàn. Đúng lúc cạn kiệt nước uống, mọi người như tuyệt vọng thì trời đổ cơn mưa rào và dun dủi làm sao lại đến được hòn đảo nhỏ này. Nếu không ai nhận ra hòn đảo từ xa mà đi quá thêm vài ngày nữa vào chốn mênh mông không bờ không bến, không nước uống, hết đồ ăn, chúng tôi sẽ ra sao. Đúng như có một sự huyền bí, một sự nhiệm mầu, một sự che chở từ các đấng linh thiêng mà không sao giải thích nổi!

 Sáng hôm sau dân làng túa ra đứng xúm quanh những chiếc chòi lá, có những người mẹ trẻ cắp nách đứa con thơ, những đứa trẻ con đứng tò mò nhìn.  Có vài người bập bẹ nói được tiếng Anh ngỏ ý muốn mua đồ, cái gì họ cũng muốn mua, đồng hồ, nhẫn vàng, vòng đeo tay, ngay cả những cái cặp tóc, cái trâm cài đầu, cái khăn quàng cổ... Một người đàn ông nói khá tiếng Anh hỏi mua chiếc đồng hồ quả quít mà nhà tôi để ở túi nhỏ ngay thắt lưng quần.  Chiếc đồng hồ anh thấy xinh xinh mua ở chợ trời đem theo để xem giờ.  Thấy ông ta thích quá nên anh đã  bán để lấy ít tiền địa phương,vào quán tạp hoá nhỏ tại đó mua ít đồ lặt vặt.  Ông ta nói Pulau Laut là một đảo nhỏ nên theo đơn vị hành chánh chỉ được tính như một làng còn những đảo lớn mới được coi như quận, huyện.  Xã trưởng Laut là một ông Trung Úy.  Toàn đảo là một rừng dừa bát ngát. Ông ta đưa chúng tôi đi xem vài sinh hoạt trong làng.  Nơi này chất cả núi dừa tươi mới hái, chỗ kia cả mấy chục người ngồi nạo dưà. Nguồn lợi chính của đảo là dừa và sản phẩmcủa họ là dầu dừa và những phó sản của dừa. Đặc biệt là cả đàn ông, đàn bà đều quấn xà rông và họ ăn bốc, họ chỉ dùng một bàn tay vét cơm và đồ ăn thật khéo.  Hèn gì khi họ phát cơm cho chúng tôi không có muỗng niã gì hết.  Chúng tôi cũng phải bốc mà ăn.

Chúng tôi ở đó hai đêm, sáng sớm hôm sau họ đưa một chiếc tầu máy đến để kéo tầu chúng tôi quađảo Sedanau.  Mới đầu họ nói chúng tôi xuống hết tầu của mình để họ kéo đi, chúng tôi hơi e ngại nếu họ cho ra ngoài biển rồi cắt dây bỏ chúng tôi bơ vơ mà tầu đã hư, nước đã hết thì không biết tính sao nên hai anh giáo đã nói khéo với họ là chia đôi số người sang bên tầu của họ một nửa, ngồi bên này một nửa cho nhẹ để dễ kéo hơn. Cuối cùng hai gia đình của hai anh giáo hy sinh xuống tầu của mình, để tất cả sang tầu của họ vì cái tầu nhỏ bé của chúng tôi lúc đó đã bốc mùi rất nặng.

Chỉ mất có hơn nửa ngày trên biển chúng tôi đã ghé tới cầu tầu của đảo Sedanau.  Đảo này lớn hơn Pulau Laut và có văn phòng hành chánh địa phương.  Nhân viên chính quyền và đại diện cao uỷ cho biết chúng tôi phải ở tạm đó mấy ngày để đợi tầu Na Uy sẽ đến đón chúng tôi đưa vào trại tị nạn Galang. Khu phố nơi chúng tôi ở hoàn toàn là nhà sàn, đường đi trong phố cũng là những sàn gỗ đóng trên những chiếc cọc gỗ nhô lên từ biển.  Quanh khu nhà sàn đó có những cửa hàng vải của người Ấn, những tiệm tạp hoá của người Hoa, những cửa hàng nhỏ bán quần áo, đồ đạc linh tinh và những cửa hàng ăn uống của dân bản xứ.  Chúng tôi ở đó khoảng bốn, năm ngày thì tầu Na Uy đến đón cả nhóm chúng tôi đi.

Ngày cuối cùng ở Sedanau mắt cháu Quyên bị nhiễm trùng, đỏ au như hai cục tiết.  May quá tầu Na Uy đến kịp thời.  Chiếc tầu sắt sừng sững như một cao ốc với hàng chữ to, đậm trên thành tầu “Norway Rescue Ship”.  Bước lên chiếc tầu  to lớn, vững chãi, sàn tầu sạch bóng, gặp những chàng thuỷ thủ trẻ trung, cao lớn niềm nở tiếp đón, chúng tôi cảm thấy tâm hồn phơi phới như bước vào một thế giới văn minh, được hít thở  không khí tự do, an bình. Cô em tôi đã tìm cách nhờ thuỷ thủ trên tầu gửi điện tín về nhà cho mẹ và thư báo tin cho mấy anh em tôi bên Mỹ.  Chắc mẹ tôi và cô em út mừng lắm khi nhận được điện tín vỏn vẹn mấy chữ “ Bác Dương khỏe mạnh – Khuê Lan”. Ám hiệu cho biết là đã tới Nam Dương bình yên. 
Trên tầu có phòng y tế với bác sĩ và thuốc men đầy đủ nên khi yên nơi yên chỗ nhà tôi cõng cháu Hạnh Quyên đi khám mắt ngay.  Bác sĩ đã rửa mắt và nhỏ thuốc trụ sinh để sát trùng. Nếu chậm thêm vài ngày nữa với điều kiện thiếu thốn trên đảo không biết mắt con bé sẽ ra sao.

Ngày hôm sau, sau khi xuống phòng ăn quà sáng, mấy đứa trẻ tung tăng chạy chơi trên tầu.  Tầu chạy êm ru, êm như trên đất liền, chẳng thấy ai bị say sóng hay ói mửa.  Chúng tôi đi dạo quanh tầu để quan sát thì chẳng biết sao thằng bé con năm tuổi của tôi chạy nhẩy thế nào mà rớt từ tầng trên xuống tầng dưới, bề cao hơn hai mét.  Tôi chỉ biết hoảng hốt la lên cầu cứu.  Cũng may là cháu Tuấn ở gần phóng vội xuống bế em lên đưa thẳng vào phòng y tế. Tôi chạy theo mà hồn viá lên mây.  Nhìn thẳng bé thiêm thiếp trên chiếc giường trong phòng bệnh để bác sĩ vạch mắt khám rồi nghe tim nghe phổi, nắn bóp xương cốt, chân tay.  Bác sĩ quay sang trấn an tôi:  “Tim phổi cháu bình thường, xương cốt không sao. Từ giờ đến chiều nếu cháu không ói thì bà yên chí, cháu ngủ dậy là khỏe lại thôi.  Nếu cháu ói thì mới lo sợ vì có thể bị ảnh hưởng tới óc.”  Bác sĩ cho mấy viên thuốc bảo khi cháu thức dậy thì cho uống.  Bồng thằng bé về chỗ nằm của gia đình mình, tôi chỉ biết nằm ôm con mà cầu nguyện. Một lúc sau thằng bé nôn thốc nôn tháo.  Trời ơi! Tôi điếng người khóc nấc lên.  Nếu thằng bé có mệnh hệ nào thì  làm sao tôi sống nổi đây! Nhà tôi ôm con, tôi chạy theo lên phòng y tế.  Bác sĩ khám lại, cho biết là cháu ói mửa do thức ăn sáng chưa tiêu mà thôi, óc của cháu không sao và ông chích cho cháu một mũi thuốc. Bồng con về lại chỗ nằm, thằng bé mở mắt ra và thật ngạc nhiên, cháu nói:“Khôi thấy bà nội, bà nội ôm Khôi, bà nội phù hộ Khôi!”rồi cu cậu còn nhoẻn miệng cười “ Khôi có võ... Khôi biết té!”  Tôi thở phào nhưng từ lúc ấy tôi chỉ nằm cạnh con, xoa vuốt, ôm ấp con mà chẳng dám đi đâu. Mọi người nói tầu đẹp lắm, sạch sẽ lắm, phòng khách, phòng tập, phòng chơi... rất đẹp.  Bình minh, hoàng hôn trên biển cả đẹp ra sao tôi cũng chẳng thiết ngắm.  Văn nghệ bỏ túi trên tầu vui thế nào tôi cũng chẳng thiết tham dự. Tầu ghé vào đảo Kuku để đón thêm dân tị nạn tôi cũng chẳng màng.  Cũng may chỉ ở trên tầu Na Uy vài ngày là tới trại tị nạn Galang. Thằng bé khỏe hẳn, mắt con chị đã bớt nhưng vẫn còn đỏ nên sau khi làm thủ tục nhập trại và yên ổn chỗ ở thì hàng ngày nhà tôi phải cõng con bé đến nhà thương để tiếp tục chữa trị. Hơn một tuần sau cháu mới khỏi hẳn.

Trại tị nạn Galang thật khang trang, sạch sẽ.  Những chiếc barrack cùng cỡ, cùng kiểu dựng san sát bên nhau. Mỗi barrack như một căn nhà gỗ dài, một tầng, mái tôn, hai đầu có cửa và ngay giữa có cửa.  Hai dẫy phản gỗ đóng liền nhau sát hai bên vách, giữa là một lối đi ngăn đôi.  Như vậy coi như mỗi barrack có bốn tấm phản dài ngăn cách bởi lối đi ở giữa và lối đi thông qua hai cửa chia đôi barrack. Đằng sau barrack là dãy nhà bếp và một  đầu barrack trông sang dẫy nhà tắm.  Mấy barrack chung một dẫy nhà vệ sinh ở trên sườn đồi phía xa.
Nguyên tầu April Flower của chúng tôi gồm 59 người, kể cả người lớn và trẻ em, được xếp ở chung trong Barrack 91, căn nhà cuối cùng trên đường ra bãi biển.  Anh giáo LTV tháo vát, nhanh nhẹn  nên đảm đương chức Trung Tâm Trưởng Trung Tân Văn Hóa của trại.  Mỗi sáng loa của Cao Uỷ gọi tên NKT của tầu April Flower là anh giáo nhà tôi lên văn phòng cao uỷ làm thông dịch viên cho phái đoàn các nước đến phỏng vấn dân tị nạn.  Cả tầu ghi danh đi học Anh Văn tại trung tâm văn hóa nhưng riêng chị em chúng tôi không có tên trong danh sách học viênvì hết chỗ.  Lang thang lên TT văn hoá chơi tôi gặp cô Helene, một giảng viên tại đó, tôi xin ghi danh học thì cô lại mời tôi làm giáo viên dạy lớpbeginner và đưa tôi đi một vòng thăm Trung Tâm.  Khi đến khu huấn nghệ, nhìn thấy mấy cái máy may mắt tôi sáng lên, thích quá.  Tôi đề nghị với cô thay vì dạy Anh Văn tôi xin dạy may(để được dùng máy!)  Cô đồng ý liền, thế là cô đưa tôi đến gặp chị Hòa, đang phụ trách lớp may ở đó, hai chị em chia nhau, chị dạy áo dài, áo bà ba và quần xéo còn tôi dạy may chemise và quần tây.Sau giờ dạy may ở TT tôi được phép sử dụng máy may nên đã ra tiệm của người Indo trên đảo mua vải và những vật dụng cần thiết để may vài bộ quần áo vì những quần áo tốt đẹp đã gửi cả cho chủ tầu nay đã bị mất hết. Tôi cũng sáng tạo ra những chiếc bikini cho các cô gái để bãi biển nên thơ hơn, các cô không phải mặc quần đen, áo thun xuống tắm biển.

Khi ở trên đảo nghe kể về những chuyện đau lòng như có một gia đình cha mẹ đi cùng ba cô con gái, tầu của họ gặp hải tặc và cô út bị hãm hiếp ngay trước mặt cả gia đình, đau đớn nào hơn!  Có tầu bị lạc cả tháng trời vì mất phương hướng, đói khát.  Trẻ con, người già chịu không nổi đành phải thuỷ táng.  Có tầu phải xẻ cả thịt người mới chết để ăn và bây giờ có người như ngây như dại.  Còn cả ngàn chuyện thương tâm...  Ôi những nỗi đau thương không bút mực nào tả siết! Chuyến đi của chúng tôi cũng hãi hùng nhưng so với họ vẫn là thật may mắn.  Hằng đêm tôi cảm tạ Trời Phật và các đấng linh thiêng đã phù hộ chúng tôi. Tôi có cảm giác mẹ chồng tôi vẫn quanh quẩn bên con cháu để che chở, nhất là che chở cho thằng cháu đích tôn của cụ.  Có đêm tôi nằm mơ gặp mẹ tôi, ôm mẹ mà khóc, tỉnh dậy thấy mắt còn ướt.  Xa mới thấy nhớ và những gì tưởng mất đi mới thấy quý vô cùng.  Biết bao giờ mới gặp lại bố mẹ, gặp lại em út đây!

Cuộc sống trên đảo êm đềm trôi, hai em tôi, Thiên Hương, Minh Duy  với cô Hiền con cụ Mỹ cùng đi sinh hoạt với nhóm thanh niên trên trung tâm văn hoá.  Sau đó thật vui khi gia đình của em Thanh, con gái trưởng cuả bác DQS cùng cậu út Hiển và mấy người bạn trong xóm tôi cũng được Cao Ủy đưa từ trại Kuku sang Galang và thật là tình cờ vợ chồng của T cùng em H lại ở cùng ngay barrack 91, mấy bạn kia ở barrack bên cạnh. Thế là cứ chiều tối gian nhà bếp lại có Hội Ca Cầm, có những màn văn nghệ bỏ túi rất vui.  Sau Thiên Hương cũng làm phụ giáo cho cô Helene ở TTVH. 

Tuấn và Quân gần gũi tôi hơn, hay luẩn quẩn, loanh quanh dưới bếp. Tôi cũng thương hai cháu, mới mười mấy tuổi mà vượt biên không có người thân.  Dưới bếp có giăng hai cái võng, Tuấn thường nằm võng một mình hát nghêu ngao.  Tôi hay đùa trêu gọi Tuấn là chàng Giang Tử vì Tuấn có giọng hát giống Giang Tử. Đôi khi thấy Tuấn cứ ngẩn ngơ vì nhớ cha, nhớ mẹ, thật tội nghiệp.  Quân là con trưởng, mới có 15 tuổi, rất ngoan nhưng ít nói.  Ông ngoại của Quân với ông cụ tôi là hai người bạn từ trẻ đến già nên hai gia đình rất thân nhau, tôi đi phù dâu cả mẹ và dì của Quân.Tình cờ làm sao khi bố mẹ của Q đến chơi biết là gia đình tôi tính chuyện vượt biên anh chị đã sang gửi gấm Q vì Q đã đi mấy lần rồi mà không lọt.

Sau khi được tin tức và có địa chỉ chính thức, các em tôi bên Mỹ gửi tiếp tế chúng tôi mỗi tháng $100 USD nên ngoài đồ hộp của trại phát chúng tôi có tiền mua thêm thịt, cá, rau tươi ở chợ để bữa ăn tươm tất, ngon miệng hơn.  Đi cùng tầu có hai thanh niên độc thân ăn uống lẻ loi nên tôi rủ vào ăn chung với gia đình chúng tôi cho ấm cúng.  Thế là bữa ăn nhà chúng tôi có thêm hai thành viên là chú Cường và chú Phụng.  Thêm một điều thật may mắn là tôi vừa nhập trại Galang thì gặp Phương Trà, bạn học cùng TV và trường Dược đang sưả soạn đi định cư, thế là bạn bè tíu tít mừng rỡ và PT kéo tôi sang barrack của PT giao cho tôi hết gia tài, dao thớt, nồi niêu, bát đũa, rổ giá, mắm muối... thật là khỏe re, tôi không phải sắm đồ làm bếp.

Thời kỳ đó người tị nạn quá đông, các trại tị nạn mọc lên như nấm.  Nhiều người phải sống trên đảo cả năm trời mới được đi định cư. Gia đình chúng tôi vừa được ưu tiên vì có bố là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, vừa có anh em đang sống ở Mỹ, cộng thêm một điều may mắn hơn nữa là chúng tôi đến trại đúng thời điểm “hốt rác” của phái đoàn các nước.  Trại Galang đang thời kỳ tiếp nhận dân tị nạn từ các đảo Kuku, Bidong và các đảo nhỏ chuyển sang. Có những người ở trại từ rất lâu nay cũng được cứu xét.  Vì thế chúng tôi chỉ ở trại mới khoảng ba tháng đã được gọi lên phỏng vấn.  Gia đình anh LTV được đi khám sức khỏe và dời đảo đầu tiên.  Cụ Mỹ và cô Hiền cùng gia đình tôi được khám sức khỏe và ký giấy nợ với Cao Uỷ sau gia đình anh LTV một tuần.
Trước hôm gia đình chúng tôi dời đảo có một buổi văn nghệ ca hát, chúc tụng, bắt tay nhau từ giã.

Sáng hôm sau hầu hết mọi người ra cầu tầu tiễn chúng tôi xuống chiếc ferry của Cao Ủy đưa chúng tôi sang Singapore đợi máy bay đi Mỹ.  Cuộc chia ly nào cũng buồn.  Kẻ đi người ở cũng rưng rưng.  Có những người bạn một đời nhưng cũng có những người bạn chỉ một thời vì duyên gặp nhau một giai đoạn rồi lại chia tay. Quân và Tuấn ở lại đảo.  Quân chờ người nhà ở Mỹ bảo lãnh, Tuấn đợi giấy tờ của bác Phú bên Canada.

Gia đình tôi, hai vợ chồng, hai đứa con, hai đứa em cùng cụ Mỹ và cô Hiền tay cầm túi xách giấy tờ cuả ICM từ phi trường Singapore lên chiếc Boeing 747 của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ chở toàn dân tị nạn trực chỉ Oakland, California.  Đi đến vùng đất hưá!

Đỗ Dung


Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Có Người Nhớ Nước Thả Vần Thơ Quên -Thơ Tuệ Nga. Nhạc Vĩnh Điện - Ca sĩ Ngọc Quy


Thơ Tuệ Nga
Nhạc Vĩnh Điện 
Ca sĩ Ngọc Quy

Mỗi Tháng Tư Về

(Ảnh: Kim Phượng)

Nắng tháng Tư nhuốm màu tang tóc
Mọi nẻo đường bỗng chốc mù sương
Kiếp lưu vong nếm đủ đoạn trường
Trời đất khách bầy chim bỏ xứ

Nắng tháng Tư chập chờn mộng dữ
Len vào hồn theo giấc chiêm bao
Lòng đại dương ai nhuộm máu đào
Tràn giọt lệ không lời đưa tiễn

Nắng tháng Tư biển đời cuồng nộ
Vui thân người thú tính sài lang
Mang nỗi đau thấm nhục vượt ngàn
Hồn phiêu bạt nặng thề non nước

Kim Phượng
Tháng Tư 2021


 

Dòng Thơ Lạc Lõng


"Hạnh phúc cho nhau lúc đợi chờ" *
Còn chờ có đợi tự ban sơ
Ai người tơ tưởng bao nhung nhớ
Ai lấy âu sầu dệt khúc thơ

Ngồi đây hẳn nhớ xa ngàn dặm
Xao xuyến tâm tư rối mối tơ
Tình hỡi còn đâu nào tiếng vọng
Dòng thơ lạc lõng chẳng hồi âm

Nguyễn Cao Khải 

 (*) Thơ Kim Phượng

 

Hạ Chờ - Nỗi Nhớ Vào Hè


Xướng:


Hạ Chờ


Có phải người đi mang hạ theo
Tiếng ve rưng rức rớt qua chiều
Ngả nghiêng cánh phượng đong đưa nhớ
Đỏ mắt thời gian tiếng gió xiêu

Có phải người đi kéo nắng đi
Đổ xuống cơn mưa hạ lỡ thì
Rơi qua lối cũ mòn mong đợi
Người về ngan ngát bóng tà huy

Có phải người đi đêm khuyết trăng
Lả tả sương rơi chiếm chỗ nằm
Ánh đèn le lói trên đầu phố
Buồn bã hàng cây đứng lặng câm

Có phải người xa lạc bước chân
Kỷ niệm đong đưa nhớ rất gần
Với bàn tay chạm mùi hương cũ
Làn tóc người bay, tiếng gió thân

Thôi thì cứ đợi mòn năm tháng
Mùa hạ xa xưa lại trở về
Tà áo người bay xao xuyến gió
Cho tình se nỗi nhớ vân vê


Trầm Vân
***
Họa:

Nỗi Nhớ Vào Hè

Hạ đến người ơi kéo nhớ theo
Ve sầu não nuột xót xa chiều
Phượng hồng khoé mắt rưng rưng lệ
Gió đuổi mây ngàn lượn xiểng xiêu

Nắng lịm buồn ai đã bỏ đi
Khóc thành mưa bởi lỡ xuân thì
Núi đồi nhung nhớ hoa thôi thắm
Nhật nguyệt sầu vương lụn bóng huy

Người đã xa rồi tủi ánh trăng
Phòng loan trằn trọc gối khôn nằm
Tương tư sầu nhớ xàu hương sắc
Mắt lệ nhoà môi cũng nín câm

Nắng hạ im lìm rọi dấu chân
Lòng luôn xao xuyến nhớ khi gần
Ai trao mật ngọt rồi biền biệt
Để mảnh hồn hoang mãi dấn thân

Hạ khóc nhớ người năm suốt tháng
Thu đông mơ bóng cũ quay về
Áo xuân màu bạc chườm cung oán
Đẫm lệ tình loang loáng tái tê


Phương Hoa 
June 30th 2020



 

Cơm Chưa Chín

(Tưởng Nhớ 49 ngày của Thầy Chân Diện Mục)

Bãi Xàu hay Bai Xau có nghĩa là Cơm Chưa Chín! Quân Việt đánh tới, quân Miên nấu cơm chưa chín , bỏ chạy bê theo nồi cơm chưa chín(!)
Đây là cửa sông Hậu Giang, có cù lao Dung giữa sông, nhưng xa biển nên cửa biển chỉ có một cửa! Người Pháp gọi là cửa Bassac. Nhưng người Việt phía Trà Vinh gọi là cửa Định An, phía Sóc Trăng gọi là cửa Hậu Giang! Nơi nào tránh bão tấp vào bờ gọi là Cửa, nhưng người Pháp chỉ có một cửa mà thôi!

Nơi này có lịch sử thú vị lắm! Xưa Mạc Thiên Tứ có đóng quân ở đây: Phía Cần Thơ gọi là Trấn Giang,phía Sóc Trăng gọi là Trấn Di, rồi các cụ nói trại là Trần Đề, Tranh Đề, Chanh Đề... Thật là những người không rành sử! Những ông cướp cửa sông cửa biển, chứa bạc bầy đặt viết lách... mới là phiền cho người ta chớ! Không tin quý vị tới Hà Tiên bây giờ thì sẽ gặp Điện Cô Năm, em gái Mạc Thiên Tứ, Điện rất đắt khách thập phương. Cô Năm có thật trên đời chắc mắc cười quá.

Cái vũng Thơm làm bánh Bía bán ra tới Hà Nội và các nơi... cũng chẳng ai biết Thơm (Vũng Thơm là vũng Lớn chứ chẳng có Thơm Tho gì cả.
Tôi khoái nhất là con sông Mỹ Thạnh. Đây là con sông duy nhất đổ thẳng ra biển chứ không nằm trong số chín con sông . Trong một bài trước tôi đã nói chỉ có bẩy tám sông ... chứ chẳng có 9 đâu ??? Làm gì có rồng linh thiêng nào đâu? Cửu Long chỉ là Kroong chứ có rồng thiêng nào đâu?
Tôi đọc sử thấy có hồi cảng sông Mỹ Thạnh (Bãi Xàu) xuất cảng gạo đứng thứ nhì Việt Nam, chỉ sau Saigon. À! Thì ra cái thời Mỹ Nhật đánh nhau, không xuất cảng lên phía Bắc được, mấy chú Ba tầu bèn xuất gạo sang Singapore... là nghề của chàng mà, chỉ biết pán puôn làm giầu trên hết!
Từ hồi Tầu Cộng đầu tư vô tỉnh này... làm nhà máy điện... Huyện nghèo nhất Sóc Trăng đã lên Thị Xã Trước đây người Tầu nghe nhãn Bạc Liêu ngon nhất Việt Nam, bèn làm khô, chế biến xuất khẩu kêu là long nhãn, giá rất hời, không biết là xuất từ bạc Liêu hay Sóc Trăng!

Bây giờ Bãi Xàu là một Thị Xã phát triển rất nhanh, rất lớn. Ôi! Cái cửa sông Hậu, càng ra gần biển càng lớn! Dễ rộng đến cả cây số. Tôi đi với gia đình, lu bu không ăn trưa ở Bãi Xau sợ nó chưa chín.
Đi qua chùa Miên thấy rất đẹp rồi táp vào Trần Đề ăn trưa. Trần Đề xung lắm, có Tàu đi Côn Đảo mỗi ngày mà!

Trần Đề nhà cửa mọc lên như nấm, có hàng trăm ghe đậu!!! Tôi ăn cơm ở Mỏ Ó, nước sông Hậu tràn tới tận chân quán! Côm rất dẻo trước phong cảnh nên thơ, có lẽ chẳng thua cơm gạo nàng thơm Chợ Đào Cần Đước (gạo này mất tích rồi ,làm sao so sánh)
Dù sao các bạn cũng nên đi Trần Đề một phen, không cần nhớ đến công Trấn Di của người xưa!!!

Chân Diện Mục



Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Hạ


        (Ảnh: Kim Phượng)

Nghìn trùng khơi ấy tận phương đông
Kèm lá thư xanh ép phượng hồng 
Có phải hạ về ngàn dặm nhớ
Nhớ gì xa xứ nhớ mênh mông

Bâng khuâng giọng đấy não nề ve
Ra rả cành cao tiếng gọi hè
Thổn thức giấu mình đang núp lá
Hoa đời cánh phượng lắng lòng nghe

Kim Phượng 


Bỗng Dưng Lại Nhớ Sông Hàn

( Tranh Vẽ - Tuyết Phan)

Hôm qua sương phủ hồn thơ
Đất trời trải mộng trăng mơ nhạt vàng
Màn đêm mắc võng địa đàng
Ầu ơ như có tiếng Chàng gọi ta

Đêm Thu bóng ngả dương tà
Cỏ cây chết lặng mình ta giữa trời
Hồn thơ một góc chơi vơi
Bóng đêm phủ xuống buông lơi gót hài

Bỗng dưng lại nhớ Sông Hàn
Những chiều tắt nắng thu tàn lướt qua
Sang sông đón chuyến phà xa
Hỡi người sao nỡ bỏ ta một mình ?!

Ầu ơ ... con nước tràn biên
Khuyên kêu Sáo gọi triền miên u sầu
Lỡ thương như chỉ kim khâu
Như cau bổ miếng với trầu hương cay !

Tuyết Phan 
13 tháng 12 năm 2020
***

Đồng Cảm

Chao ơi! lại nhớ sông Hàn
Những chiều tắt nắng thu tàn lướt qua.
Bên trời nước Bỉ thật xa
Có người con gái tên là Tuyết Phan
Làm thơ như rút ruột gan
Để tôi ngơ ngẩn lệ tràn ướt mi
Yêu mà chi, khổ như ri
Nhìn trăng soi bóng xuân thì đã qua.
Gượng cười ta lại mình ta
Nhịp tim thổn thức tình xa mất rồi.
Ta ngồi nhìn ánh trăng rơi.
Trầu cau đôi lứa một trời nhớ thương.
Sông Hàn bạn nhớ bạn thương.
Ô Lâu tôi khóc nửa đường phân đôi
Bạn ơi! gượng đứng lên thôi
Bàn tay hãy nắm bạn + tôi mỉm cười
Quanh ta bạn hữu đón mời.
Thi văn, xướng họa bên trời lưu vong.
Tháng tư tim rướm máu hồng.
Thì thôi quên hết nửa vòng truân chuyên
Bạn cười cuộc sống bình yên
Hẹn ngày gặp mặt nối liền bờ vui.


Nguyễn Thị Thêm


Chung Tình

 

 Nhốt con chim Sáo vào lồng
Để cho nó hót một mình tôi nghe
Để cho Sáo khỏi sang sông
Tôi là của Sáo -Sáo là của tôi

Sáo đừng tham phú phụ bần
Bên bờ sông ấy có gì vui đâu
Sáo ơi!Sáo ở lại đây
Có tôi có Sáo -quen nhau lâu rồi-

Thôi rồi Sáo đã sổ lồng
Đoạn tình dứt nghĩa-Sáo sang sông rồi-
Sáo đi Không nói nửa lời
Bạn bè trách móc -Còn tôi-Thì buồn-

Sáo ơi!Sáo bỏ đi luôn
Bây giờ “băng rúp”-Sáo buồn hay Không?-
Bây giờ Sáo hiểu tình người
Có ai thương sáo cho bằng tôi đâu

Sáo ơi!Sáo muốn về Không?
Tôi thì Không trách-Vẫn mong Sáo về


Hoàng Long


Nhặt Lá Thời Gian - Hoài Thu Xa - Lá Thời Gian

 

(Mùa Thu Bright - Kim Oanh)

Bài Xướng:

Nhặt Lá Thời Gian

Lá mùa xào xạc ngỡ ai qua
Chờ đợi bao thu mộng ước già
Tình yêu nụ trẻ đâm chồi biếc
Thu lại trở về người vẫn xa

Thời gian nhặt lá đếm ngày mau

Chầm chậm thu đi sắc đổi màu
Tình yêu ngày cũ không nhàu úa
Lá vẫn xạc xào dạ tất đau

Kim Oanh
***
Bài Họa:

Hoài Thu Xa

Nhìn cây thay lá mấy mùa qua
Rưng rức nhớ ai bên cội già
Lạc mất tình nhau từ dạo ấy
Thu đi thu đến ... hoài thu xa!

Xin thời gian chớ vội qua mau

Đừng nhuộm lá duyên phai nhạt màu
Chớ rót mưa thu nhoà mắt ngọc
Mơ xa mộng vỡ .... trái tim đau!!!

Yên Dạ Thảo
***

Lá Thời Gian

Thời gian dù có lướt trôi qua
Ta vẫn như Thu ...sẽ chẳng già
Để đợi để chờ người trở lại
Dù cho Thu biếc có đi xa...

Mặc lá thời gian cứ lướt mau
Làm cho Thu úa có phai màu
Tình ta vẫn vẹn như ngày trước
Lá rụng chắc làm xoá nỗi đau


Song Quang

Thủy Triều Và Con Người


Tại miền châu thổ Cửu Long, mùa cạn hay mùa lũ, mực nước các sông hằng ngày đều có dao động theo sự chi phối của thủy triều. Sở dĩ có thuỷ triều là do lực hấp dẫn của Mặt Trăng trên đại dương. Do đó, trước hết, ta hãy tìm hiểu vài ý niệm về mặt trăng và tác động của Mặt Trăng trên nước đại dương.

1. Tổng quan

Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời. Nếu Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời hoàn tất chu kỳ trong 365 ngày thì Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất và hoàn tất một vòng trong 30 ngày .Chính vì Mặt Trăng quay quanh Trái Đất nên vị trí tương đối của Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thay đổi luôn luôn nên ta có trăng non, trăng già:

Em đi qua chuyến đò (ôi a) con trăng còn trẻ
Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già


Chúng ta đều biết rằng, mặt trăng là một tinh cầu không tự thân phát sáng hay cũng không phát nhiệt. Trong màn đêm của vũ trụ, chúng ta quan sát được mặt trăng là do sự phản xạ ánh sáng chiếu từ mặt trời.

Mặt trăng luôn được mặt trời chiếu sáng toàn bộ 100% ở phía hướng về mặt trời.
Khi vị trí là Trời-Trăng-Đất thẳng hàng thì toàn bề mặt chiếu sáng hướng khỏi trái đất, kết quả là chỉ có mặt tối hướng về trái đất: đây là đêm ba mươi âm lịch.
Khi vị trí là Trời-Đất-Trăng thì bề mặt chiếu sáng của trăng hướng toàn bộ về trái đất: đây là trăng rằm.
Còn những vị trí trung gian thì chỉ có một phần của bề mặt chiếu sáng hướng về trái đất: đây là trăng thượng tuần, hạ tuần.
Hiện tượng Trái đất che khuất Mặt Trăng là Nguyệt thực (lunar eclipse); chỉ xảy ra ngày rằm. Hiện tượng Mặt Trăng che khuất Mặt Trời là Nhật thực (solar eclipse), chỉ xảy ra ngày không trăng.
Trăng còn trẻ nghĩa là trăng non, vào những ngày đầu tháng âm lịch. Lúc đó, Mặt Trăng nằm chính giữa Mặt Trời và Trái Đất: Mặt Trời-Mặt Trăng-Trái Đất . Lúc đó ta không thấy trăng về đêm

Trăng tròn. Nếu vị trí là Mặt Trời-Trái Đất-Mặt Trăng, nghĩa là khi Mặt Trời và Mặt Trăng ở hai phía đối diện của Trái Đất (xem hình 1) thì 100% bề mặt chiếu sáng của trăng thấy được, đó là Trăng Rằm, với trăng tròn. Đã có phi hành gia đặt chân lên Mặt Trăng thì thấy toàn những ngọn núi đá nhưng nhìn từ Trái Đất lên, nhiều chỗ giống cây đa to nên có bài hát:

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ

Dân ca Việt ngợi ca tình yêu trong đêm trăng rằm:

Trèo lên quan dốc ngồi gốc ối a cây đa
Rằng tôi lý ối a cây đa
Ải a, ôi à tính tang tình rằng
Cho đôi mình gặp
Xem hội cái đêm trăng rằm
Rằng tôi lý ối a tháng giêng


Trăng già. Khi Mặt Trời-Mặt Trăng-Trái Đất thẳng hàng, và vì Mặt Trăng nằm giữa Mặt Trời và Trái Đất nên 0% bề mặt chiếu sáng của trăng không thấy được ở trái đất: ban đêm trời tối om như đêm ba mươi âm lịch.
Đêm ba mươi cũng đã gợi cho nhà thơ Nguyễn Đình Toàn viết bài thơ được phổ nhạc:

Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em


Trăng lưỡi liềm, trăng bán nguyệt

Nếu 3 thiên thể ở vị trí cùng thẳng góc thì 50% bề mặt chiếu sáng của trăng thấy được, ta thấy trăng hình bán nguyệt: đó là trăng thượng tuần hoặc trăng hạ tuần
Nhờ có lực hấp dẫn từ Mặt Trăng trên Trái Đất nên nước bao quanh Trái Đất cũng bị Mặt Trăng hút và do đó ta có thuỷ triều .
Thuỷ triều đã tạo nên hiện tượng nước lên và nước xuống, có chỗ thì một lần triều lên, một lần triều xuống trong ngày, nhưng cũng có chỗ triều lên và triều xuống 2 lần trong ngày.

 

Vị trí của Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng ở các mùa trăng khác nhau.

Những biến đổi thủy triều trải qua các giai đoạn sau:

Mỗi tháng hai lần, vào ngày trăng non (đầu tháng âm lịch) và ngày trăng tròn ( trăng rằm), ta có triều cường (Spring tide) vì lúc đó, Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời cùng trên một đường thẳng (Hình 2) nên tác động kéo nước trên Trái Đất mạnh hơn vì hỗ tương lên nhau.

Triều cường là lúc có sai biệt lớn giữa triều cao nhất và triều thấp nhất. Triều cường còn gọi là nước lớn như trong ca dao:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê




Triều cường lúc cả ba thiên thể Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất cùng nằm trên đường thẳng.



Còn lúc trung tuần và hạ tuần, ít có khác biệt giữa triều cao và triều thấp vì lúc đó, Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng tạo thành một góc vuông. Ta có lúc đó triều yếu (neap tide) là lúc biên độ triều (khác biệt về độ cao giữa triều cao nhất và triều thấp nhất) nhỏ nhất

Thủy triều cực đại đạt được khi mà cả Mặt Trăng và Mặt Trời cùng nằm về một phía với Trái Đất – lực hấp dẫn đạt cực đại, còn khi Mặt Trăng và Mặt Trời nằm đối diện nhau so với Trái Đất thì mức triều lên đạt cực tiểu.
Trong mỗi chu kỳ nửa tháng, bắt đầu là 1,2 ngày triều yếu, đến giữa chu kỳ là triều cường, cuối chu kỳ là 1,2 ngày triều yếu. Triều cường thường xảy ra sau ngày không trăng (đầu tháng âm lịch) hoặc ngày trăng tròn (rằm, khoảng 2 ngày).

Hình 3. Triều yếu khi cả ba thiên thể làm thành góc vuông

Tại miền châu thổ Cửu Long, mùa cạn hay mùa lũ, mực nước các sông hằng ngày đều có dao động theo sự chi phối của thủy triều. Những biến đổi thủy triều trải qua các giai đoạn sau:

– Mực nước biển dâng lên trong vài giờ, ngập vùng gian triều (intertidal zone), gọi là ngập triều (flood tide).
– nước dâng lên đến điểm cao nhất của nó, gọi là triều cao (high tide), còn gọi là nước lớn.
– mực nước biển hạ thấp trong vài giờ làm lộ ra vùng gian triều, gọi là triều rút (ebb tide).
– nước hạ thấp đến điểm thấp nhất của nó, gọi là triều thấp (low tide), còn gọi là nước ròng:

Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâ
u (Kiều)

Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng
Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều
Như từng con nước ròng xoá một ngày đìu hiu
(Tình nhớ Trịnh Công Sơn )

Nước ròng, ngọn nước mới sa là nói khi thủy triều xuống, nhưng thuỷ triều cũng dâng lên như trong đoạn thơ sau:

Bốn bề bát ngát mênh mông
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau


Vùng nước dao động do thuỷ triều lên xuống giữa mức nước lớn (flood current) và nước ròng (ebb current). Những bãi biển xoải cát, cửa sông hoặc những mỏm đá thấp thường được gom vào khu vực này.
Nhìn nước lớn, nước ròng, nhìn cuộc đời sớm còn, tối mất, người ta ca rằng:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê


Thời điểm mà dòng triều dừng chuyển động được gọi là nước đứng (slack water) Thủy triều sau đó đổi hướng thì ta có sự biến đổi ngược lại. Nước đứng thường xuất hiện gần lúc mực nước triều cao hoặc triều thấp:.

Nước không chưn sao kêu bằng nước đứng
Cá không giò sao gọi con cá leo?


Một chu kỳ biến động của mực nước, từ lúc nước biển rút xuống mức thấp nhất, đến lúc nước biển lên cao đến mức cao nhất, kéo dài 15 ngày , có tên là một con nước ; như vậy mỗi tháng có 2 con nước . Nước lên-nước xuống chi phối đời sống dân ven biển.

-Trông về con nước vơi đầy
Nỗi sầu xa cách biết ngày nào vơi

-Lênh đênh duyên phận bọt bèo
Đành cho con nước thuỷ triều đầy vơi

-Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
(Huy Cận)

–Trông vời con nước mênh mông
Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang (
Truyện Kiều)

-Trăng lên con nước rong đầy
Anh đừng đến nữa, má rầy khổ em


Mực nước thủy triều có ảnh hưởng lớn đến đồng bằng, từ chuyên chở trên sông rạch đến nông nghiệp.

Đám cưới nơi nông thôn này thì tôi biết rồi. Tội nghiệp, các cô con gái hầu hết đều cưới về đêm. Cưới theo con nước bởi vì đi toàn bằng ghe, xuồng, lúc 2 hay 3 giờ sáng hoặc 4 hay 5 giờ sáng đều tùy theo con nước. Đưa cô dâu tới nhà chồng xong, họ hàng nhà gái mau mau ra về kẻo sợ nước rút..
( Đoàn Dự trong truyện ngắn Câu chuyện quê nhà)

Thuỷ triều có thể rất mạnh:

Triều đâu nổi sóng đùng đùng
Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường
(Kiều)

Sông Tiền Đường là con sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang bên Trung Quốc, bắt nguồn từ tỉnh An Huy, và đổ vào vịnh Hàng Châu.Thủy triều lớn khác thường trên sông Tiền Đường do hình thể địa lý và điều kiện thủy văn đặc biệt ở cửa sông gây nên. Lực ly tâm xuất hiện khi trái đất quay, cộng với hình dạng nút thắt cổ chai của vịnh Hàng Châu khiến thủy triều dễ lên nhưng lại rất khó rút. Độ lớn của các con sóng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như vị trí của Mặt trăng, nhiệt độ, mực nước và gió.

2. Hai chế độ triều tại Đồng Bằng Sông Cửu Long

Miền Châu thổ sông Cửu Long có hai chế độ triều khác nhau vì:

2.1. Vùng duyên hải Biển Đông, từ Vũng Tàu đến mũi Cà Mau, dài 400 km chịu ảnh hưởng rõ rệt theo chế độ bán nhật triều không đều (semi diurnal): mỗi ngày có 2 lần triều lên (1 thấp, 1 cao) và 2 lần triều xuống, còn gọi là chân triều (cũng 1 thấp, 1 cao) nhưng biên độ triều trong 2 lần khác nhau. Thời gian triều lên kéo dài khoảng 6 giờ và thời gian triều xuống khoảng 6 giờ 45 phút đến 7 giờ (Đó là lý do tại sao thủy triều ngày hôm sau lên trể khoảng 50 phút).

Trong tháng có 2 lần nước lớn ( ngày rằm và mồng một âm lịch) và 2 lần nước kém (triều kém, xảy ra vào thời gian giữa 2 kỳ nước cường (ngày mồng 7 – 8 âm lịch hoặc 20 – 21 âm lịch).

Sông Tiền và sông Hậu chảy ra Biển Đông nên chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều của Biển Đông.

Biên độ triều (tidal range) trung bình tại cửa biển khoảng 3.0 – 3.5 m trong kỳ thủy triều lớn. Vùng đồng bằng ở tả ngạn sông Hậu và các cù lao trên sông Hậu thì hoàn toàn chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều của Biển Đông.

Thủy triều cao (triều cường) ở cửa biển Vũng Tàu là 4,00 m (lớn nhất ở Việt Nam). Càng vào nội địa, thủy triều thấp dần. Phạm vi truyền triều của Sông Cửu Long rất lớn: Tại Nam Vang (cách cửa sông 390 km) ảnh hưởng của thủy triều còn rất rõ, biên độ triều vào mùa hạn có lúc đạt đến 0.50 m.
Chẳng thế mà có ca dao sau đây trong đó chàng trai dặn người yêu:

Nước ròng chảy đến Nam Vang,
Làm thơ để lại, em khoan lấy chồng


Người thiếu nữ không chịu và trả lời:

Tay bưng chậu cúc trăm bông,
Chờ anh chẳng đặng, em trồng xuống đây


Tại Tân Châu (cách cửa sông 220 km) biên độ triều thường từ 5 cm (mùa lũ) đến 100 cm (mùa cạn) . Tại Mỹ Tho (cách biển 49 km), biên độ lớn nhất vào kỳ triều cao là 3.50 m và vào kỳ triều kém là 1.50 m. Biên độ mực nước triều lớn nhất trung bình tại Mỹ Thuận khoảng 1.80 – 1.90 m; tại Cần Thơ khoảng 2.20 –2.30 m; tại Tân Châu 0.95 – 1.05 m và tại Châu Đốc 1.1 – 1.2 m.

Tất cả kinh, rạch trong các tỉnh duyên hải đều chịu ảnh hưởng thủy triều, tuy nhiên càng truyền sâu vào nội đồng, biên độ triều càng giảm. Vào mùa lũ, ảnh hưởng của thủy triều tại khu vực xa Sông Tiền không còn nữa nhất là khi có lũ lớn.

Trong thời gian mùa cạn, dòng chảy ở thượng nguồn Cửu Long về không nhiều, nên chế độ dòng chảy của sông Tiền và sông Hậu hoàn toàn bị chi phối bởi chế độ thuỷ triều ở biển Đông.

Vào mùa kiệt Sông Vàm Cỏ hoàn toàn bị thủy triều bán nhật của biển Đông chi phối; nước biển dễ dàng xâm nhập sâu vào nội địa. Vào cùng thời điểm và đồng khoảng cách tới biển, độ mặn trên Sông Vàm Cỏ lớn gấp nhiều lần trên Sông Tiền.

Giống như Sông Tiền, mực nước đỉnh triều trên Sông Vàm Cỏ thường xuống thấp vào tháng 6 và 7 và lên cao nhất vào tháng 10 và 11 hàng năm. Mực nước cao nhất đo được tại Tân An là + 1,78 m ngày 17/10/1978 và mực nước thấp nhất là – 1,84 m ngày 07/8/1964.

Thời gian truyền triều từ cửa biển đến Tân Châu, Châu Đốc khoảng 7- 8 giờ. Tốc độ truyền triều trung bình trên sông Tiền đến Tân Châu, khoảng 25 – 30 km/giờ; trên sông Hậu đến Châu Đốc, chậm hơn, khoảng 22 – 24 km/giờ. Tuy nhiên, kể từ vùng Cần Thơ xuống hạ lưu, trong dịp rằm và mồng một âm lịch, nhất là vào dịp xuân phân (22/3 dương lịch), nước thủy triều dâng cao hơn mặt ruộng, nông dân thường tích trử nước trong ao và mương riêng để tưới chảy vào ruộng vườn.

Trên sông Tiền, thời gian truyền triều từ Vàm Kinh (cách biển 2 km) đến Mỹ Tho (cách biển 49 km) từ 90 đến 120 phút, và tốc độ truyền từ 24 km/h đến 36 km/h. Vận tốc dòng chảy cũng bị ảnh hưởng thủy triều: Vào mùa lũ vận tốc chậm khi triều lên, nhanh khi triều xuống (lần lượt 1.2 m/s và 1.8 m/s); vào mùa kiệt, vận tốc khi triều xuống trong khoảng 0.70 m/s đến 1 m/s.

Mực nước đỉnh triều lớn nhất trung bình tại Tân Châu khoảng 1.70 m; tại Châu Đốc (cách biển 190 km) khoảng 1.50 m và tại Cần Thơ (cách cửa biển 123 km) là 1.24 m.

Mực nước chân triều thấp nhất trung bình tại Tân Châu là – 0.35 m; tại Châu Đốc là – 0.55 m; tại Mỹ Thuận là –1.37 m; tại Cần Thơ là – 1.60 m và tại Mỹ Tho là –0.95 m.
Nói chung, ảnh hưởng triều trên sông Hậu mạnh hơn so với sông Tiền.

Trong mùa cạn, triều lên làm xuất hiện dòng chảy ngược từ biển vào sông trong những thời gian nhất định:
Trong số các nhánh của Sông Tiền, phân phối lưu lượng qua nhánh Cửa Tiểu là thấp nhất cả vào mùa cạn lẫn mùa lũ. Theo tài liệu đo từ năm 1924 đến nay, lưu lượng tại Phnom Penh ít khi thấp hơn 2,385 m3/s, ngoại trừ tháng 4 trong khoảng 2,000 m3/s đến 2,300 m3/s. Như vậy trong tháng 4, Sông Cửa Tiểu gần như hoàn toàn bị thủy triều Biển Đông chi phối, nước biển dễ dàng xâm nhập sâu vào nội địa khiến độ mặn cao hơn hẵn so với các tháng khác trong năm.

Lưu lượng Sông Tiền cũng chịu ảnh hưởng thủy triều, khi triều lên sẽ tạo dòng chảy ngược về phía thượng lưu và ngược lại.

Tại Cần Thơ, tốc độ dòng chảy ngược trung bình từ 0.60 –0.80 m/s, lớn nhất có thể đạt 1.25 m/s (ngày 18/4/1988);
Tại Mỹ Thuận, tốc độ chảy ngược lớn nhất có thể đạt 1.12m/s (ngày 24/4/1978).
Tại Tân Châu, tốc độ chảy ngược trung bình từ 0.2 – 0.3 m/s, tốc độ chảy ngược lớn nhất là 0.395 m/s với lưu lượng 3,290 m3/s (ngày 12/4 /1987).
Tại Châu Đốc, tốc độ chảy ngược trung bình khoảng 0.30 –0.50 m/s, lớn nhất là 0.526 m/s (ngày 5/3/1979). Như vậy, tốc độ chảy ngược lớn nhất tại Châu Đốc luôn luôn lớn hơn tại Tân Châu trong cùng thời điểm. Điều này một lần nữa chứng tỏ ảnh hưởng của thuỷ triều đến Châu Đốc trên sông Hậu mạnh hơn so với Tân Châu trên sông Tiền.

Trong một con triều, tốc độ chảy ngược lớn nhất thường xuất hiện sau khi xuất hiện mực nước đỉnh triều khoảng 2 giờ.
Do ảnh hưởng của thuỷ triều, trong thời gian mùa cạn, vào thời kỳ kiệt nhất (tháng 3 và 4), lưu lượng chảy ngược tại Tân Châu có thể đạt 3,290 m3/s (ngày 12/4 – 1987) và 1,700m3/s tại Châu Đốc (ngày 6- 4 – 1978).

Trên quan điểm sử dụng nước trong nông nghiệp, việc đánh giá dòng chảy mùa cạn được căn cứ chủ yếu vào giá trị của lưu lượng nước chảy xuôi.
Mực nước và lưu lượng (chảy xuôi) trung bình tháng giảm dần từ đầu mùa cạn và giá trị thấp nhất thường trong tháng 4, sau đó tăng dần. Vì vậy, tháng 4 được xem là tháng cạn nhất trong năm. Mực nước trung bình tháng nhỏ nhất trung bình nhiều năm tại Tân Châu là 0.42 m, tại Châu Đốc là 0.38 m (thấp hơn tại Tân Châu 4 cm).

2.2. từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên dài 250 km. Bán nhật triều từ Biển Đông khi vào biển cạn và hẹp của Vịnh Thái Lan và Biển Tây mất dần năng lượng biến thành triều toàn nhật (diurnal), trong một ngày đêm chỉ có một lần nước dâng cao và một lần nước thấp và càng đi sâu vào tới Vịnh Rạch Giá và Hà Tiên thì thời gian triều lên càng trể đi. Triều phía Tây tiến vào đất liền qua các sông thiên nhiên như sông Bảy Háp, sông Ông Đốc, sông Cái Lớn, sông Cái Bé, … và một số kênh đào.

Biên độ trung bình triều phía Tây nhỏ hơn 1 m, tối đa không quá 1,1 – 1,2 m., trung bình khoảng 0,7 – 0,8 m, đồng thời cũng ít chênh lệch giữa các vùng về biên độ, song tính chất thủy triều lại có một số điểm khác nhau về cơ bản ở một số vùng:

Ví dụ:
như khu vực Rạch Giá là dạng triều hỗn hợp thiên về bán nhật triều với số ngày trong tháng có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống là chủ yếu (tức chịu ảnh hưởng chế độ nhật triều không đều, thiên về bán nhật triều),
từ Rạch Giá đi về phía Hà Tiên thì triều hỗn hợp lại thiên về nhật triều.

Vùng ảnh hưởng thủy triều toàn nhật của Biển Tây không lớn lắm, chỉ vài chục cây số từ bờ biển.
Ngược lại phía hữu ngạn sông Hậu, gồm khu tứ giác Long Xuyên, U Minh và vùng Cà Mau thì chịu ảnh hưởng tổng hợp của triều Biển Đông và Biển Tây, rất phức tạp.
Ngọc Hiển (Năm Căn, Cà Mau) chịu ảnh hưởng phức tạp của 2 chế độ thủy triều.

2.3. Nơi tiếp giáp của hai chế độ thủy triều là vùng nước ứ động, nước sông hay kinh rạch không lưu thông – nước đứng– làm lắng tụ nhiều phù sa.

3. Tác động của thuỷ triều

Triều cường làm các vùng thấp duyên hải bị ngập, làm hư hại các đê bao ngăn mặn, gây ngập úng các đầm nuôi tôm, các vườn cây ăn trái, các nhà cửa ven kinh rạch, gây ùn tắc giao thông đô thị.

Triều cường và sóng lớn làm phá vỡ bờ cây xanh chắn sóng dọc theo bờ biển, lấn sâu vào đất liền. Khi triều cường vào cửa sông thì độ mặn lan truyền, khuyếch tán vào trong sâu nội địa, nhất là lúc cao điểm đỉnh triều cường vào con nước rằm và ba mươi tháng Giêng âm lịch, thì sẽ gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. 

TP. Cần Thơ bị ngập lụt do triều cường.
Khi nưóc mặn xâm nhập vào cửa sông thì đất bị nhiễm mặn và năng suất lúa bị giảm và không trồng lúa được vào mùa khô.

Mực nước thủy triều có ảnh hưởng lớn đến đồng bằng, từ chuyên chở trên sông rạch đến nông nghiệp. Nước triều cao sẽ dễ dàng lấn sâu vào nội địa và làm nhiễm mặn nước sông và đất đai còn nước mặn ảnh hưởng nhiều vùng duyên hải như Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Soc Trăng, Cà Mau…

Tốc độ truyền sóng triều trong sông.


Sóng triều truyền vào sông với tốc độ trung bình trên dưới 30 km/giờ đối với các sông lớn. Còn đối với những sông nhỏ, hoặc màng lưới kênh rạch, sự truyền triều diễn ra phức tạp hơn. Lại còn có hiện tượng giao thoa sóng triều tại những con sông có sự truyền triều từ hai phía.

Sự truyền triều vào trong sông tuy có gây một số khó khăn như đưa nước mặn vào nội địa, khiến cho vùng cửa sông thiếu nước ngọt nghiêm trọng vào mùa khô. Những ngày lũ lớn, nếu gặp kỳ triều cường, nước dâng to sẽ gây ngập lụt v.v… Song với vùng xa cửa sông, mặn không tới được thì dao động thủy triều trong ngày có tác dụng không nhỏ cho công việc tưới tiêu, thau chua, rửa mặn. Khi triều dâng, mực nước ngọt trong sông được đẩy lên cao, người ta có thể lợi dụng để lấy nước vào ruộng. Ngược lại, khi triều rút, mực nước xuống thấp, có thể xả nước, thau chua từ ruộng ra sông. Nông dân Việt thường dùng những thân cây dừa làm ‘bọng’, trong đó có gắn cái ‘hom’ như một hình thức van (valve), với mục đích khi nước sông dâng cao vói thuỷ triều lên thì nước ngoài sông tự động vào ruộng qua cửa bọng và khi thuỷ triều hạ xuống thì nước trong ruộng tự động rút ra qua cửa bọng và cái hom tự động khép kín . Cũng xin mở dấu ngoặc ở đây: khi người Pháp qua đây đầu tiên ở miền New Brunswich, cách nay chừng 400 năm, ở gần các vùng biển, chính các sắc dân da đỏ vùng này đã hướng dẫn cho đám dân lưu lạc cách làm cửa bọng để cho nước thuỷ triều vào ra trên đất gần biển để trồng trọt!

4. Kết luận

Thủy triều còn đóng góp môt phần lớn là làm nên các chiến thắng trên sông Bạch Đằng vào năm 938 của Ngô Quyền trước quân Nam Hán và năm 1288 của nhà Trần trước quân Nguyên-Mông. Cho đến ngày nay thì con người đã biết sử dụng thủy triều để phục vụ cho công nghiệp (như sản xuất điện), ngư nghiệp, như trong đánh bắt hải sản.


Thái Công Tụng