Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Tìm Nụ Cười - Thơ: Tuệ Nga - Nhạc: Nguyễn Tuấn - Trình Bày: Tuyết Mai


Thơ: Tuệ Nga
Nhạc: Nguyễn Tuấn
Trình Bày: Tuyết Mai

Tám Mươi, Ba Phải Tự Trào

 

Đã tám mươi rồi thực vậy ư
Nhân, chia, trừ, cộng một đời hư!
Vướng thân nhà giáo còn vương vấn
Cam phận cỏ bồng đã ngất ngư
Mây trắng đẩy đưa đời lữ thứ
Áo xanh ràng buộc nếp thi thư
Thị phi phải quấy như đen trắng
Sao đúng, sao sai, sao cũng ừ? 

 Phạm Khắc Trí
(10/10/2013)
***
Gìn Vàng Giữ Ngọc

Giật mình cũng sắp tám mươi ư
Gẫm kiếp phù sinh thực lẫn hư p
Cửa Khổng những mong đề bảng hổ
Vũ môn há để thẹn thân ngư
Một đời giữ lấy dòng khoa cử
Trọn kiếp nào quên nghiệp giáo thư
Bóng xế bể dâu bền chặt dạ
Trải bao cám dỗ vẫn chưa ừ.

Quên Đi
***  
Ba Phải Tự Trào


Ối chà !đã tám mốt rồi ư!?
Trọn kiếp nhân sinh quá ảo hư!
Theo lệnh điều nghiên tìm chiến thuật
Làm quan chịu khó đọc binh thư
Bá Hề đợi thế làm già mục ( chăn dê)
Khương Tử chờ thời giả lão ngư
Lịch sử ngàn sau rồi phán xét
Thì thôi, sai đúng cũng xin ừ!


songquang
20230722
***
Ba Phải Tự Trào

Bác Tri chín chục tuổi rồi ư?
Nhưng thấy đâu nào có vết hư?
Đứng bục hăng say vì lớp trẻ
Về nhà bận rộn với đàn ngư
Không quên góp sức cùng bà xã
Rồi chẳng rời tay khỏi án thư
Thơ Thẩn vẻ vui cùng bạn hữu
Rượu dùng khỏi hứng khỏi chê- Ừ!


Thái Huy
7/21/23

Tháng 10 Mong Đợi

 


Thơ & Trình Bày: Kim Quang

Sinh Nhật 77

  

Sinh Nhựt năm nay bảy bảy rồi
Soi gương, tóc bạc với da mồi.
Màu cờ nếp cũ hằng gìn giữ
Sắc áo nền xưa khó để trôi.
Xứ Mẹ buồn thay...xây chẳng đắp
Quê Cha tiếc lắm...lở không bồi.
Đất lành chim đậu, gia đình ấm
Trời đãi an vui cứ nhận thôi!

Duy Anh
Orlando Florida
10/19/2023

Tình Si

 

Thương ai khổ hạnh ở trên sông
Gió lộng thuyền chao nước ngược giòng
Đợi dáng cô đơn chiều quạnh vắng
Chờ người lẻ bóng biển mênh mông
Nhấp nhô làn nước lòng xao xuyến
Sóng gợn vô tình dạ nhớ trông
Đêm xuống âm thầm trong tĩnh lăng
Thơi gian hờ hững tiếc môi hồng

Mặc Khách

  

 

Les Feuilles Mortes (Jacques Prevert) - Lá Thu (Mỹ Ngọc)

 

Les Feuilles Mortes
(Texte intégral)

Oh! Je voudrais tant que tu te souviennes
des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle
et le soleil plus brûlant qu'aujourd'hui
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle... (5)
Tu vois je n'ai pas oublié
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
les souvenirs et les regrets aussi
et le vent du nord les emporte
dans la nuit froide de l'oubli (10)
Tu vois je n'ai pas oublié
la chanson que tu me chantais

C'est une chanson qui nous ressemble
Toi qui m'aimais
et je t'aimais (15)
Et nous vivions tous deux ensemble
toi qui m'aimais
et que j'aimais (*)
Mais la vie sépare ceux qui s'aiment
tout doucement (20)
sans faire de bruit
et la mer efface sur le sable
les pas des amants désunis
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
les souvenirs et les regrets aussi (25)
Mais mon amour silencieux et fidèle
sourit toujours et remercie la vie
Je t'aimais tant tu étais si jolie
Comment veux-tu que je t'oublie
En ce temps-là la vie était plus belle (30)
et le soleil plus brûlant qu'aujourd'hui
Tu étais ma plus douce amie...
Mais je n'ai que faire des regrets
Et la chanson que tu chantais
toujours toujours je l'entendrais (35)

C'est une chanson qui nous ressemble
Toi tu m'aimais
et je t'aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
toi qui m'aimais (40)
et que j'aimais (*)
Mais la vie sépare ceux qui s'aiment
tout doucement
sans faire de bruits
et la mer efface sur le sable (45)
les pas des amants désunis.

 Jacques Prevert
-----
(Jacques Prevert: Œuvres complètes Tome II – Textes inédits
pp. 785-786, Bibliothèque de la Pléïade, Editions Gallimard 1966)
(*) Prévert avait écrit dans un manuscrit (Ms 3) : " Toi qui m'aimais moi qui
t'aimais " avant de s'arrêter à cette version définitive. (op. cit. pp 190-191)
Cette variante veut-elle dire quelque chose?

***
Dịch Thơ:

Lá Thu

1-Ước em nhớ kỷ niệm xưa,
Những ngày tình bạn như mơ đôi mình.
Thời gian xinh quá là xinh,
Mặt trời rực lửa hữu tình hơn nay.

2- Lá vàng chất đống vẫn bay,
Còn Anh nhớ mãi tháng ngày không quên.
Lá rơi từng đống chất lên,
Như bao kỷ niệm nỗi niềm dần cao.

3- Mặc cho gió bấc lao sao,
Cuốn vào đêm lạnh bay vào lãng quên.
Làm sao quên được mà quên,
Những lời em hát êm đềm bên anh.

4- Đôi ta say đắm nhạc tình,
Yêu nhau là chuyện chúng mình cùng yêu.
Cùng vui cuộc sống dập dìu,
Em yêu, Anh cũng thật nhiều yêu em.

5- Đời sao nỡ rẽ lương duyên,
Âm thầm lặng lẽ thản nhiêm tách rời.
Như làn sóng dạt biển khơi,
Xóa mau những dấu chân người ly phôi.

6-Lá rơi chất đống còn rơi,
Như bao kỷ niệm tuyệt vời chưa phai.
Tình si ấp ủ mê say,
Mỉm cười đa tạ đắng cay số phần.

7-Anh yêu em đẹp vô ngần,
Làm sao quên được thiên thần của anh.
Thủa nào đời đẹp như tranh,
Mặt trời ấm áp long lanh hơn giờ.

8- Em như người bạn ngây thơ,
Nào ngờ là mối tình hờ thoáng qua.
Ngày xưa bài hát em ca,
Vẫn còn vang vọng ngân nga suốt đời.

9- Âm thanh tình tự tuyệt vời,
Yêu nhau là chuyện của đôi chúng mình.
Và em vui sống bên anh,
Chúng ta tha thiết cuộc tình mộng mơ.

10- Đời thương muốn rẽ duyên tơ,
Nhẹ nhàng êm thấm lặng lờ chia phân.
Như trên bãi cát trắng ngần,
Sóng sô xóa vội vết chân tình buồn.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.

Jan. 22/2017



Đi Dự Tiệc Cưới


Hồi đầu tháng, ông xã tôi nhắc:
- Cuối tháng này tụi mình đi đám cưới nhé em.
- Em biết rồi, đám cưới cậu pharmacist trong tiệm anh chớ gì, mà em quên hỏi, cậu ấy người Việt hay Tây?
- Cậu ấy là dân gốc Afghanistan, lấy vợ là người da trắng, cũng là nhân viên trong tiệm, nói chung đây là đám cưới mà cả cô dâu chú rể đều là “lính” của anh, cho nên vợ chồng mình cố gắng đi chung vui với họ. Mà em hỏi chi vậy?
- À, nếu là đám cưới người Việt thì mình sẽ... thong thả chút xíu.
- Đây là đám cưới Tây, hơn nữa anh là boss của họ, mình không những đến đúng giờ mà nên đi sớm để bày tỏ sự quan tâm, trân trọng ngày vui của hai đứa.
- Em biết rồi, anh khỏi phải nhắc.

Thật ra, anh ấy nhắc không thừa và không oan tí nào, mà cũng đâu phải lỗi tại tôi, chỉ tại các tiệc cưới Người Việt Nam luôn luôn trễ giờ hơn cả tiếng so với giờ mời trên thiệp, đã từng làm bụng tôi đói cồn cào, choáng váng mặt mũi xanh lè như tàu lá chuối. Từ đó, hễ đi ăn cưới dân Việt là tôi ăn trước chút snack, và đến trễ khoảng mười lăm phút hoặc nửa tiếng. Chồng bảo tôi qua xứ này rồi mà chưa học hỏi thói quen đúng giờ của người ta, nhưng khổ quá, dù tôi đã vài lần đến đúng giờ thì tình trạng là “vũ như cẩn”, ngồi ngáp dài ngáp ngắn mỏi cả lưng, nên tôi chọn kiểu “lưng chừng”, đi trễ chút xíu nhưng vẫn trong nhóm đến sớm, đợi chờ những người đến sau.

Thiệp mời cocktail 6 giờ và tiệc chính thức 7 giờ, vì chồng tôi còn bận làm việc nên chúng tôi chọn giờ vào tiệc, có mặt lúc 6 giờ 45 phút, khi mọi người đã xong phần cocktail đang ngồi yên vị nhỏ to chuyện trò trong tiếng nhạc dịu êm chờ giờ khai mạc. Chúng tôi chào hỏi vài người xung quanh, quan sát không gian nơi tổ chức tiệc, được một lúc thì người MC bước lên podium thông báo, giờ khắc quan trọng đã đến, đôi tân lang sẽ xuất trong giây lát. Mọi người cùng im lặng, hướng ra ngoài cửa, tôi nhìn đồng hồ, đúng 7 giờ, hay nói chính xác hơn là còn 3 phút nữa mới đúng 7 giờ!

Tôi nhớ có lần đi dự một đám cưới người Việt trong cộng đồng, vợ chồng tôi như thường lệ rời nhà đúng giờ ... mời trên thiệp (nghĩa là sẽ đến nơi trễ mười lăm, hai mươi phút). Ra đường chồng tôi mới nhớ xe gần hết xăng, tôi bảo:
- Còn sớm mà anh, cứ từ từ đi đổ xăng cho đầy.
Đổ xong xuôi, xe chạy bon bon hướng ra high way về dưới phố, tôi nhẩn nha nghe nhạc và soi gương trên xe, bỗng phát hiện ra tôi đã quên tô son môi, vì trước đó bận rộn thử đi thử lại mấy cái áo đầm để chọn một cái ưng ý, rồi chồng tôi thúc giục sợ trễ nên tôi sơ sót trong lúc trang điểm chăng? Bình thường trong bóp tôi luôn có cây son, và chai nước hoa nhỏ, vậy mà bữa đó trời xui đất khiến tôi đổi chiếc bóp khác, rồi lại quên bỏ son vào, báo hại tôi phải năn nỉ chồng:
- Anh ơi, làm ơn quay về nhà, em quên cây son rồi.
Chồng tôi cằn nhằn:
- Mình đã trễ 15 phút rồi đấy.
- Ôi, chay về nhà thì mình trễ nửa tiếng, cũng vẫn là ... sớm, anh tin em đi.
- Anh biết, nhưng thà mình đến đó ngồi chờ, còn hơn là vác cái mặt đến quá trễ, anh không làm được.
- Thì dù sao cũng chỉ trễ... nửa tiếng thôi mà, đôi môi em tái nhợt thế này thà em chết còn sướng hơn đó.

Chồng đành phải đưa tôi về, tôi chạy lên phòng tô son, cẩn thận bỏ cây son vào bóp, rồi vội vàng ra xe, trực chỉ đến tiệc cưới. Nhưng thật không ngờ, “họa vô đơn chí” là có thật, nghe nói ngay trên giữa highway vừa có một tai nạn, hai xe tông ngược chiều vào nhau, đầu xe bể tan tành, xe cứu hỏa, ambulance và xe cảnh sát nhốn nháo chặn đường chỉ còn 1 lane cho mỗi bên. Chúng tôi khổ sở nhích từng đoạn đường, cuối cùng đến nơi parking trễ 1 tiếng 15 phút. Hai vợ chồng hối hả đi vào nhà hàng tiệc cưới, chẳng dám nhìn ai vì xấu hổ, nhưng ô kìa, tiệc vẫn chưa bắt đầu, người ta vẫn đứng ngồi lai rai cụng bia, tán dóc. Chị Bảy, được nhiều người Việt ở thành phố tặng cho danh hiệu “chuyên gia đi trễ” của cộng đồng, luôn luôn có mặt sau cùng ở các buổi tiệc, thấy tôi liền chạy đến chào rồi mỉm cười:
- Chị tưởng chị là “nữ hoàng đến muộn” mà hôm nay vẫn ... sớm hơn em.
Tôi lí nhí:
- Bị kẹt xe, tai nạn trên highway chị ơi.
- Vậy à, nhưng em yên tâm, em vẫn còn sớm hơn ... nhơn vật chính là cô dâu.
- Có chuyện gì hở chị?
Chị Bảy lắc đầu, thở dài:
- Thiệt là xui xẻo tận mạng, hồi trưa đi chụp hình cưới ngoài park , cô dâu vướng víu đuôi áo soa rê và giày cao gót, bị té dập mặt xuống bãi đá nhọn, máu me lênh láng, đưa đi cấp cứu, mới được xuất viện cách đây một giờ, đang đi tiệm make up và làm tóc lại toàn bộ.
Dù chúng tôi thoát nạn vươt qua “danh hiệu nữ hoàng” đi trễ của chị Bảy, ông xã nhất quyết từ nay phải luôn đến đúng giờ, dù là tiệc của người Việt, người da trắng da đỏ hay da màu.

Tiếng nhạc xập xình đưa tôi về với tiệc cưới hiện tại. Ôi, đám cưới Tây có khác, ngoài việc giờ giấc y boong, là những thủ tục giới thiệu cha mẹ hai bên rất gọn gàng (không dài dòng, diễn văn lê thê), và tuyệt nhiên không có tiếng cụng ly ồn ào “dzô dzô chăm phần chăm”, nhất là khi cô dâu chú rể cùng đại diện hai họ lên phát biểu, cả gian phòng chăm chú lắng nghe, cùng những tràng vỗ tay không dứt mừng cho đôi uyên ương.

Đến lúc xếp hàng đi lấy thức ăn kiểu buffet, ông xã tôi dừng lại nói chuyện với ba má chú rể, họ mặc trang phục Afghanistan trang trọng, vui vẻ đưa dĩa cho từng vị khách, nhưng lại đượm buồn khi nói về sự thiếu vắng một số thân nhân còn ở lại Afghanistan kể từ ngày quân Taliban tiến về “giải phóng Kabul” cách đây hơn hai năm.

Làm sao tôi quên được ngày đó, vì cũng là ngày funeral của Ba tôi. Ngày 16 tháng 8 năm 2021 khi đại gia đình chúng tôi trở về nhà ăn tối sau khi an táng Ba yên nghỉ tại nghĩa trang Arlington, Texas, vừa xem tin tức nóng hổi những hình ảnh quân Taliban tràn ngập thủ đô Kabul trong khi nhiều người dân hoảng hốt “chạy giặc”, cố bám theo chiếc máy bay sắp cất cánh đưa những người Afghan tỵ nạn rời khỏi quê hương .

Có khác gì sư hỗn loạn ngày 30 tháng 4 năm xưa khi Sài Gòn bị “giải phóng”? Những khuôn mặt căng thẳng, lo sợ, bằng cả mạng sống muốn chạy khỏi quân khát máu đang thâu tóm quê hương. Rồi hình ảnh đám quân Taliban ùa vào dinh Tổng Thống Ashraf Ghani (lúc ấy đã bay ra khỏi nước, hiện đang tỵ nạn ở Ả Rập), chúng sờ mó chiêm ngắm các vật dụng sang trọng trong dinh cũng như những máy móc hiện đại tối tân với những cặp mắt ngưỡng mộ đầy kinh ngạc (tội nghiệp chúng bao năm ở rừng rú hang động, nào được tiếp xúc với văn minh loài người). Cũng y chang như những câu chuyện chúng ta thường nghe dân Sài Gòn truyền tai nhau về sự ngây ngô (mà khoái nổ) của các anh cán ngố Cộng Sản Việt Nam.

Lúc ấy, tôi đang học tiểu học trường Đồng Tháp, trước đây là khu quân đội của chính quyền VNCH, xung quanh trường học là những khu cư xá sỹ quan, các ngôi nhà lầu đúc một tầng, có lan can xinh xắn trước nhà, và mảnh sân nhỏ trồng cây tỏa bóng mát rất đẹp. Sau 1975, các gia đình cán ngố dọn vào ở. Chèn đéc ơi, sân trước chúng rào lại, chặt bỏ những cây điệp, cây trứng cá, thay vào đó là trồng rau muống, nuôi lợn “cải thiện đời sống”. Chưa hết đâu nhé, balcony thơ mộng với những chậu hoa leo cũng bị chúng vứt bỏ, rồi giăng dây kẽm phơi quần áo màu xanh ...“bộ đội”, đôi khi còn treo cả nón cối và dép râu ở ngoài hiên nữa cơ, cứ như sợ người ta không nhận ra “bố mày là ai” hay sao á!

(Ủa, hình như tôi đang đi ... lạc đề!? Thôi dừng lại ở đây, kẻo viết nữa thì bài này sẽ bị/được xếp qua bài chủ đề tháng4 Đen năm tới)

Nhạc lại đươc trỗi dậy, đèn trong khán phòng tắt hết, mọi người ra sàn nhảy theo điệu nhảy truyền thống của Afghanistan rộn ràng. Các chàng trai và thiếu nữ múa xung quanh dàn trống, dâng các rổ quà cho đôi uyên ương theo đúng phong tục. Vợ chồng tôi cũng bước ra tham gia, gia đình bạn bè da trắng phía bên cô dâu cũng hòa vào đám đông nhảy nhót, khung cảnh “đa văn hóa đa màu da” thật đẹp. Chúng tôi ngắm các em gái nhỏ mặc đầm kiểu Afghan sặc sỡ, các em thiếu niên hớn hở rạng ngời, các bà các cô và các người lớn tuổi nhìn đám con cháu cũng vui lây, và trong khóe mắt của họ thỉnh thoảng chợt rươm rướm nỗi sầu vì thương nhớ những thân nhân, đồng bào máu mủ còn kẹt lại quê nhà với chế độ độc tài Taliban.

Trời ơi, chưa có đám cưới (không phải người Việt) nào làm cho tôi có nhiều cảm xúc vui buồn như cái đám cưới này!

Edmonton, Tháng 10/2023
Kim Loan

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

Chiều - Thơ: Lê Thị Nhị - Nhạc: Văn Duy Tùng - Tiếng Hát: Ca Sĩ Anh Dũng

 


Thơ: Lê Thị Nhị
Nhạc: Văn Duy Tùng
Tiếng Hát: Ca Sĩ Anh Dũng


Dở Dang Mộng Đầu

  

Côn trùng rỉ rả đêm thu
Mồ sâu âm khí điệu ru thảm sầu
Hồn người huyệt lạnh nơi đâu
Trời xanh chia cắt mộng đầu dở dang


Kim Phượng

Cảnh Thu

 

Trời thu xanh ngắt nước trong veo
Cây lá bao quanh mấy ngọn đèo
Phảng phất từng hồi cơn gió thoảng
Xạc xào mấy lá cuốn bay theo
Lững lờ mây trắng che đầu núi
Thong thả ngư ông đẩy mái chèo
Bảng lảng chiều hôm sương khói phủ
Thuyền ai ngoài bến đã buông neo.

Ngân Sơn

Đợi Mùa Thu Anh Hãy Tỏ Tình



Mùa thu vẫn là mùa đẹp nhất
Mùa mơ màng, lãng mạn nhất anh ơi!
Muốn tỏ tình, đợi mùa thu lả lơi
Nhận lời anh, em sẽ không từ chối
Sẽ đáp lại tình anh nhiều gấp bội

Mùa thu là mùa em yêu nhất
Mây xám buồn, mưa lất phất mưa rơi
Lòng vương vương một nỗi buồn khó tả
Lá đổi mầu thật đẹp, trăng thiết tha

Hãy tỏ tình vào mùa thu anh nha
Tặng cho em vài chiếc lá Thu vàng
Đỏ, nâu, hồng, vàng… tăng cho em nhé
Quà giản dị em chỉ cần có thế
Thêm trái tim ngoan chịu phủ phục quy hàng!

Hãy tỏ tình vào mùa Thu cô liêu
Cơ hội mình yêu nhau sẽ thật nhiều
Xin đừng chờ mùa Đông lạnh đìu hiu
Đừng nấn ná đợi Xuân hoa hàm tiếu
Cũng đừng chờ nói yêu mùa Hạ đỏ
Hạ thiết tha nhưng nóng bức tiêu điều

Nói yêu em, anh nhé, nói yêu em!
Thu này nha, mùa Thu này anh nhé
Đừng ngần ngại, xin anh đừng chờ đợi
Dẫu biết rằng mình xa nhau diệu vợi
Có lá vàng làm bằng chứng ta yêu nhau
“Anh yêu em” chẳng cần nói chi nhiều
Ba chữ thôi, hãy nói yêu em nhé


Q. Như Nguyệt
2016

Le Temps Qu'il Nous Reste(Fernand Gignac) - Thời Gian Còn Lại


Le Temps Qu'il Nous Reste

Quelle importance le temps qu'il nous reste
Nous aurons la chance de vieillir ensemble
Au fond de tes yeux vivra ma tendresse
Au fond de mon cœur vivra ta jeunesse
Comme une prière du temps de l'enfance
Ces mots sur tes lèvres me donnent confiance
Je nous imagine ta main dans la mienne
Nos moindres sourires voudront dire je t'aime
Mais l'un de nous s'en ira le premier
Il fermera ses yeux à jamais
Dans un tout dernier sourire
Et l'autre en perdant la moitié de sa vie
Restera chaque jour dans la nuit
Son cœur bien sûr battra
Mais pour qui mais pourquoi
Ton pas résonne la porte s'entrouvre
Mon cœur bat plus vite et je te retrouve
Quand nos mains se tiennent j'oublie tout le reste
J'ai l'impression même que le temps s'arrête
Mais l'un de nous s'en ira le premier
Il fermera ses yeux à jamais
Dans un tout dernier sourire
Un jour l'un de nous sera trop fatigué
S'en ira presque heureux le premier
Et l'autre s'en tarder viendra le retrouver
Je nous imagine ta main dans la mienne
Nos moindres sourires voudront dire je t'aime

Fernand Gignac
***
Thưa các anh chị

Kỳ này xin mời các anh chị đọc bài tâm sự của một bác sĩ tuổi đã cao, ngấp nghé chín chục, về cuộc sống thực của mình đối với bệnh suy thận giai đoạn cuối. Ông đã can đảm đối mặt với bệnh tật nhưng không kém cảm động và lãng mạn. Ông đã vui sống như bài thơ dẫn chứng của nhà thơ Fernand Gignac, bài Le temps qu’il nous reste.

Kèm theo bài của vị bác sĩ này là 2 bài phỏng dịch bài thơ trên của Lộc Bắc và nhà thơ Trần Kim Vân bút danh của bác sĩ Thân Trọng An. Cùng lúc xin mời thưởng thức bản nhạc có cùng tên Le Temps Qu’il Nous Reste do nữ ca sĩ Nana Mouskouri trình bày.
(LộcBắc)
-----o0o-----



Anh Nắm Tay Em

Đây là một câu chuyện có thật, chuyện của tôi đang sống thực và rồi mai đây sẽ kết thúc bởi chính tôi.

Cái chết đã được Thượng Đế xếp đặt trước cho những người mắc bệnh Suy Thận như tôi (và biết bao bệnh tật khác nữa, loài người phải cam chịu)

Nhưng nhờ khoa học, con người đã sáng chế ra cái máy Thận Nhân Tạo còn gọi là máy lọc máu, để chống đối cái kế hoạch đó của Thượng Đế.

Không nói thẳng ra song cái máy đó dường như để dành cho những người già cả được xét là không còn ích lợi gì cho xã hội nữa. Mục đích là để kéo dài đời sống của họ ra thêm một vài năm nữa, phẩm chất cuộc đời để riêng sang một bên.

Và đối với những người còn trẻ thì lọc máu chỉ là một cách chữa trị tạm thời trong khi chờ đợi ghép thận khiến họ có thể làm việc trở lại. Họ lại ít nhiều có ích cho xã hội.

Tiếc thay, người cao niên hoàn toàn không dễ chịu đựng phương pháp lọc máu. Chỉ xin kể ra đây cái mệt mỏi vô cùng tận sau mỗi kỳ lọc máu mà không nói đến cái lạnh thấu xương tủy trong khi lọc máu. Có hàng trăm tác dụng phụ khác, rất đỗi khốn khổ. Phải chịu đựng một lần lọc máu mới biết được!

Vậy chúng ta hãy quên chuyện khỏi bệnh đi và chỉ nói về chuyện kéo dài đời sống. Ngắn gọn là quãng thời gian còn lại càng đầy rẫy những buổi lọc máu thì cuộc sống càng không có phẩm chất, còn thêm vất vả nữa. Mọi sự khiến nhiều người thuộc lớp tuổi vàng bỏ cuộc đấu bằng cách tự ý thôi không lọc máu nữa hay là … nghĩ đến chuyện tự vẫn!

Đấy là sự kiện sống sượng, phũ phàng và không thương xót! Song giống như mọi việc trên đời này, phải có một mặt tích cực, nếu không kịch tính thì cũng lãng mạn. Fernand Gignac đã ca tụng hay đúng hơn vinh danh mặt an ủi đó cho những người đang chờ chết với một bài thơ thật dài và thật đẹp. Tôi mạn phép tóm tắt bài thơ đó bằng vài dòng thiết yếu, song không kém phần thương đau:

Quãng thời gian ngắn ngủi còn lại cho chúng ta…rồi một trong đôi ta phải ra đi trước.
Nhưng anh nắm tay em có nghĩa là anh yêu em đến tận ngày chót..
Về phần tôi, khi chờ chết tôi sẽ thì thầm với nhà tôi, giọng nói run rẩy đến như nghe không ra:
Cám ơn em vì hạnh phúc mà không có em, anh không bao giờ có được!
Và khi hấp hối, tôi sẽ nắm tay em, miệng ấp úng:
Vĩnh biệt em, em yêu!

Montréal, Sept 04/2023
ĐặngNgọcThuận md
***
Thời Gian Còn Lại

Thật quan trọng thời gian còn sót lại
Đôi chúng mình may mắn sẽ già chung
Trong mắt anh, em hiền dịu vô cùng
Trong tim em, anh tài hoa tuổi trẻ

Tiếng kinh chiều chậm đưa khi còn bé
Lời qua môi ta giữ vững niềm tin
Tưởng tượng lúc, tay trong tay nắm chặt
Cười nhẹ thôi ánh mắt: “mãi yêu mình”!

Rồi ra đi lần lượt
Kẻ lìa trần nhắm mắt
Nhưng mỉm cười xa nhau
Người nửa đời lạc mất
Mỗi ngày là đêm thâu
Trái tim người vẫn đập
Nhưng vì ai, tại sao?

Tiếng bước chân về, cửa sau hé mở
Tim rộn ràng rạng rỡ dáng thân quen
Nắm chặt tay nhau, quên đi tất cả
Thời gian ôi, ngưng lại thật êm đềm!

Một người phải đi trước
Thiên thu hoài nhắm mắt
Nụ cười nở sau cùng
Một ngày quá mệt, (thôi chung một đường!)
Kẻ đi trước dường như tràn hạnh phúc.
Người theo sau không chậm trễ theo tình

Luôn tưởng nhớ, tay trong tay lần đó
Cười bình an như ngỏ: “mãi yêu mình”!

Lộc Bắc
Sept23
***
Thời Gian Còn Lại

Có hề chi quãng thời gian còn lại
Ta vẫn còn lắm dịp già bên nhau
Trong mắt em tình anh nồng thắm mãi
Đáy lòng anh em vẫn thuở ban đầu

Như lời kinh ta nguyện lúc ấu thơ
Nghe em nói anh tự tin đến giờ
Anh thấy mình sánh bước tay trong tay
Mỗi mỉm cười là ngầm nói yêu say

Nhưng hai ta sẽ một người đi trước
Sẽ nhắm mắt vào ngàn thu dừng bước
Với nụ cười lần cuối nở trên môi
Người ở lại mất đi nửa lẽ sống
Ngày lại ngày chỉ thấy dài đêm thôi
Tất nhiên tim vẫn đập nhưng lạnh cóng
đập vì sao? đập cho ai?

Tiếng chân vang lên cửa hé mở rồi
Tim thêm rộn ràng ta lại có đôi
Khi nắm tay nhau là ta quên hết
Thời gian dường cũng đứng lại ngừng trôi

Trong hai ta sẽ một người đi trước
Sẽ nhắm mãi đôi mắt ngủ thật sâu
Với trên môi một nụ cười lần chót
Sẽ có ngày một người vì quá nhọc
Gần như vui khi sớm trước một bước
Để người kia chầm chậm tìm đến sau

Hình dung hai đứa âu yếm tay trong tay
Mỗi lần cười mỉm là một lần đắm say

Trần Kim Vân

Ai Kinh Cầu Hồn

 
Sông đời mấy nhánh hợp tan
Sóng xuôi gió ngược nước mang mác sầu
Đi đến đâu đi về đâu
Hai đầu địa cực kinh cầu hồn ai

Xót đá nát xa vàng phai
Ngậm ngùi lầm lủi thủi hoài còn chưa
Cao đầu nắng ngẩn mặt mưa
Đêm đưa vô tận ngày đưa lỡ làng

Đau lòng sông nhỏ lệ tràn
Đau tim đèn sách thở than não nùng
Đau đầu nguồn cạn mạch chung
Đau lưng chừng núi nghìn trùng khói mây

Bay qua đó bay lại đây
Bóng người gối tuyết hao gầy bóng ta
Nằm ôm đầu gối quê nhà
Khóc cha khóc mẹ ông bà nhừ xương...

MD.03/13
LuânTâm

Hai Ngõ Đạo Đời


Đây là chuyện thật, Người nam ( Ân) sang Mỹ nhưng không lấy vợ vừa chết hồi tháng 5 năm 2022
Tôi thương 2 bạn có một mối tình duy nhất mang xuống tuyền đài, nên tôi viết lại cho nhiều người đọc và suy gẫm
HTL

Vào năm 1940 quân Nhật đã tràn vào Đông Dương và ngự trị Saigòn, nên hằng ngày máy bay Mỹ liên tục oanh tạc, nhiều khu phố sụp đổ tan tành. Thương vong không ít. Nhiều người đem gia đình tản cư về quê. Gia đình tôi cũng ở trong trường hợp đó, chỉ có ông ngoại và dì Út tôi ở lại trông nhà. Lúc đầu ở ngay quận Đức Hòa, nhưng vào tháng 11 năm 1945 quân Pháp đánh chiếm Hốc Môn Củ Chi và kiểm soát quốc lộ 1, đám Việt Minh ở Đức Hòa ra lịnh sơ tán vào vùng sâu. Dân chúng gồng gánh chay vào khu Gò Sao , Rạch Nhum có gia đình chạy tuốt và mật khu Rừng Thơm phải bị chết chốc vì Tây oanh tạc, gia đinh tôi ngừng lại xóm Trại Bí xã Hiệp Hòa. Vào đầu năm 1946 Việt Minh rất tàn bạo họ giết đạo Cao Đài, giết các ông hội đồng, cả người trong ban hội tề xã., đốt nhà và cướp tài sản! Lúc đó thật kinh hoàng, cha tôi trước là công chức sở Công chánh nên ông sợ lắm, một đêm ông bỏ nhá lẫn qua đường Hốc Môn vào Sai gon. Thời gian sau nửa, đêm khuya má tôi dẫn chúng tôi lẫn trốn qua Củ Chi , theo quốc lộ 1 về Phú Nhuận ở nhà Ông ngoại tôi. Bây giờ tôi bắt đầu đi học lại, đã !0 tuổi rồi mà mới được học lớp hai chung lớp với mấy bạn ở bảy tuổi .May quá trong xóm gần nhà có anh bạn tên Ân cùng hoàn cảnh hồi cư như tôi, lớn đầu mà học trễ! Trường chúng tôi học rất xa, vùng Phú Nhuận chỉ có một trường Sơ Học , gồm có 3 lớp ( 1,2,3 lúc đó gọi là lớp 5 , lớp tư và lớp3 dạy nhiều tiếng Pháp) ,gọi là trường Tổng, tọa lạc khu Tổng Tham Mưu. Hai chúng tôi rất chăm học , vì cậu Mười tôi cứ hăm he rằng : hai đứa bây phải gắng lên lớp luôn, nếu rớt người ta đuổi học vì lớn tuổi chịu dốt đó!

Qua lớp tiểu học, tôi và Ân thi đậu vào trường Petrus ký, lúc dó hai đứa đã mười lăm tuổi rồi nhưng chúng tôi rất chăm học nên thi đậu trung học đệ nhất cấp rất dễ. Đến lúc học đệ nhị để chuẩn bị thi Tú tài 1 , các thầy giáo ai cũng bảo Tú Tài 1 khó đậu lắm, tỷ lệ đậu chỉ mười phần trăm Chúng tôi thật lo, đã qua 20 tuổi nếu rớt là phải đi quân dịch . Ngặt một nỗi, lúc đó khu phố tôi có một gia đình rất giàu về ở, họ có cả Ô Tô, có máy hát, hát rùm trời!... nhất là từ buổi trưa đến tối , đủ loại tuồng nào là Lan và Điệp, Phạm Công Cúc Hoa,Trần Minh Khố Chuối …, Gây xáo trộn cho sinh hoạt của cả xóm!

Một buổi tan trường về Ân hỏi tôi: hơn tháng nay bạn có học bài được không? Tổi nói: - trời ơi chỉ nghe cải lương nhức đầu lắm!
Ân đáp:- Có một chỗ yên tịnh lắm. Mình vào chùa Kim Sơn học bài.
Tôi nói đùa: vào chùa tu hả ông?
-Không phải tu hành gì cả, chùa nầy sư nữ trụ trì là Dì Hai của tôi không sao đâu hai đứa mình cứ ngồi bên hong chùa học bài, yên lắm, vả lại cảnh chùa đẹp, ông thấy là ưng ý, chắc ông sẽ viết được những bài thơ hay!

Hôm sau đi học về lối 2 giờ trưa hai đứa chúng tôi vào chùa Kim Sơn, cũng gần nhà, chỉ qua con lộ Thái Lập Thành (nay là Phan Xích Long} là tới. Trước khi vào chùa phải qua một nghĩa trang khá rộng. Chúng tôi đi men theo con đường mòn lên khu đồi thấp là sân chùa. Ôi một cảnh thật dẹp ít có tại vùng Phú nhuận . Một dãy hàng dương rì rào theo gió cạnh con rạch nhiều bông lục bình tím, bên phải là một ao sen có nhiều cá, trên bờ ao vài bụi chuối, có cây buồng chuối có trên 2 trăm nải dài thòng xuống đất thật bắt mắt. Giữa sân một gò mối to đụn trên ngọn có bụi dâm bụt bông vàng dỏ rung rinh theo gió!

Ân chợt nói nhỏ với tôi rẳng: dưới gò mối đó có hai con rắn hổ to và dài, có lẻ nó tu rồi nên nó hiền lắm, thỉnh thoảng bò vào chánh điện nghe kinh! Tôi nghe xong phát sợ hỏi lại:-bạn có lần nào thấy không?. Ân đáp : thấy nhiều lần, vì chùa nầy là chủa dì Hai tôi nên tôi hay lui tới!

Chuyện đó coi như qua đi. Thường ngày cứ độ hai giờ trưa hai chúng tôi vào ngồi học ở hiên chùa thật bình yên. Có một hôm đang ngồi học Ân vụt đứng dậy chạy băng qua nghĩa trang, tôi chòm lên nhìn theo thắy Ân đang quảy một gánh vỏ dừa vào sân chùa, đi sau là một ni cô trẻ,

Cô lấy chiếc khăn trên vai lau mồ hôi trên mặt, mặt cô ửng hồng, đôi mắt thật tinh anh. Cô nhìn tôi chấp tay khe khẻ nói: mô Phật chào huynh. Tôi nhìn cô không đáp lai, chỉ đa một tiếng. Ân dổ hai thúng vỏ dừa xuông săn. Cô vội lấy chiếc đỏn gánh trải mấy vỏ dừa ra phời, bèn nhìn Ân cười ,chấp tay nói khẻ: mô Phật, xin cám ơn Huynh, Ân không nói lời nào chỉ gật đầu!


Sau khi Cô khuất trong chùa thì Ân nói với tôi rằng: Ni cô nầy tội nghiệp lắm, cô pháp danh là Diệu Hạnh, cha mẹ Cô ở cùng quê với má tôi quận Cần Đước. Vào năm 1947 Tây đi bố vào xã, ba Cô trước là thầy giáo tiểu học tức nhiên là giỏi tiếng Pháp. Tây hỏi Ông trả lời ý tốt nói Tây đừng đốt nhà vì ở đây dân hiền lắm. Thế là cả xóm không bị đốt nhà! Nhưng rủi ở xóm ngoài, ba tên du kích đang núp dưới ao cá bị Tây bắn chết, thế là Việt Minh bảo thầy giáo chỉ điểm cho Tây, nên tối chúng đến nhà giết cả cha mẹ Cô .Trời ơi lúc đó Cô mới có Sáu tuổi thật bơ vơ! Má tôi hay tin xuống Cần Đước dẫn cô về cho đi học cùng trường với Kim Anh em tôi. Cô thông minh học giỏi lắm và đậu tiểu học, má tôi cho cổ cùng học với Kim Anh tại Tư Thục Tân Thịnh được đến lớp đệ ngũ ( lớp 8 ) lúc dó cô trổ mã đẹp lắm , một hôm má tôi dẫn cô và Kim Anh đi chùa nầy cô gặp Sư cô Diệu Đức là dì tôi họp ý trùng nghiệp thế nào không biết, cổ xin nghỉ học vào chùa phát nguyện đi tu. Vì là chùa của dì nên tôi thường hay lui tới, thấy cô cực khổ mà tôi tội nghiệp và thương lắm! Thật hai ngõ Đạo đời trong cõi trần gian nầy ngõ nào cũng khổ cũng cực! Nói đến đó tôi thấy Ân nhìn xuông mắt vương lệ ngậm ngùi!

Chúng tôi tiếp tục đến chùa nầy bọc bài một thời gian dài rất thuận tiện và kỳ thú: nếu trời vừa đổ mưa ni cô Diệu Hạnh ra bảo: hai Huynh vào trong kẻo ướt lanh, thường lúc đó Ân bảo nhỏ với tôi : không sao vào đi chắc dì Hai tôi bảo cô ra kêu đấy. Còn điều kỳ thú nữa là thỉnh thoảng vào buổi trưa 2 chàng rắn hổ từ gò mối chui ra lửng thửng bò vào chánh điện, thường có một con rùa thật to từ đám chuối bò ra ăn những bông sứ ( hoa đại ) rụng , từ từ lại gần chúng tôi rất thân thiện. Trên cành dương có những con chim cu gù gáy liên tục bất chợt tôi nhớ cảnh quê nhà tôi vào buổi trưa quá! Thỉnh thoảng chiếc xuồng ba lá lướt qua, các chi hay bà chấp tay hướng vào chùa xá xá biểu lộ sự tôn kính !

Một buổi trưa trước khi vào chùa để ôn bài, Ân dẫn tôi theo đường Võ Di Nguy vào tiệm giày Minh Quang anh lấy đôi dép có quay sau, anh nói là mua cho Diệu Hạnh vì anh thấy mấy ngày nay dép của Diệu Hạnh đứt quay nên cô đi chân không thật tội nghiệp.
Nghe như vậy tôi nghĩ Ân thương Diệu Hạnh biết bao!
Lần lữa chúng tôi qua hai kỳ thi Tú Tài 1 và hai, cả hai đổ được hạng bình thứ chúng tôi nghĩ chắc nhờ Cô Diệu Hạnh cầu nguyện cho chúng tôi!

Sau thời trung học có kết quả, chúng tôi nộp đơn thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh kết quả Ân rủi không trúng tuyển, tôi nghĩ Ân sẽ học ở, Đại Học Khoa Học Ban Toán,, nào ngờ Ân Vào trường Võ bị Đà Lạt . Trước ngày Ân đi nhập học, Ân rủ tôi vào Chùa Kim Sơn lễ Phật, Thật sự Ân đến để giả từ Diệu Hạnh, ở sân chùa tôi đứng cách xa bên hồ cá. Tôi thấy Diệu Hạnh khóc nhiều lắm!

Rồi hai chúng tôi xa nhau, xa ngôi chùa nhiều kỷ niệm, Ân xa một ni sư nhưng hình bóng Diệu Hạnh mãi trong lòng chàng! Lúc ra trường chiến tranh càng lúc càng ác liệt, Ân ở miền Cao nguyên còn tôi ở một quận gần biên giới Viêt Miên.Thật xa cách có nhớ về nhau đôi lúc, nhưng nhiệm vụ tất bật của đời trai thời chinh chiến nên mọi sự đều gác lại!

Có một lần cha tôi chết tôi được về phép để lo tang, gặp Kim Anh, em gái Ân, đến chia buồn. Kim Anh hỏi tôi có biết chuyện tình của Ân và ni sư Diêu Hạnh không. Tôi đáp: có biết nhưng chắc không rõ như cô trong gia đình đâu!

Tiếp đó Kim Anh nói:-“lúc anh Ân mới đậu Tú Tài 2, cả nhà vui lắm, trong bữa cơm chiều Ân nói với má tôi rằng anh nhờ má tôi nói với dì Hai

Ni sư trụ trì chùa Kim Sơn cho Diệu Hạnh hoàn tục để anh cưới Diệu Hạnh làm vợ! Má tôi nghe như vậy bà kêu trời và phản đối, Bà nói :” Ân ơi đời là bể khổ trầm luân, Diệu Hạnh thoát tục, thoát cõi mê lầm về bến giác cớ chi con kéo người ta về tục lụy khổ đau. Má thương con chìu con mọi thứ nhưng việc nầy má không bao giờ chấp nhận. Ân ơi “tu là cõi phúa tình là dây oan “ mà con! Con đậu tú tài mai mốt lên đại học thiếu gì nữ sinh đẹp để con thương, cớ chi làm bận rộn cảnh chùa, xáo trôn đời một ni cô” . Anh Ân nghe vậy không cải lại má, thật bản tánh anh hiền lắm, cả ngày sau anh chỉ ngủ trong buồng và im lặng. Sau đó anh bỏ trường Đại học Khoa hộc vào trường võ bị Đà Lạt. Nay thì anh sống cuộc đời sương gió, khói lửa, canh cánh trong lòng một mối tình. Ôi như ‘’cảnh Hồn Bướm Mơ Tiên!.” Kim Anh lúc đó là một góa phụ chồng cô sĩ quan sư đoàn 5 bị Việt cộng phục kích chết ở Lộc Ninh!

Đến sau ngày 30 tháng tư 1975 tôi và Ân bị lưu đày nơi đất Bắc miền thượng du, đến năm 1979, bị trung Cộng đánh họ đưa các trại trên đó về miền trung du nhất là trại Tân Lập Vĩnh Phú, ở đây mấy năm sau, hai phân trại K2 và K3 phải ra Bến Ngọc gánh lá cọ về sửa nhà, tình cờ gặp Ân chúng tôi mừng lắm, tôi hỏi Ân có biết tin về Diệu Hạnh không, Ân đáp :- có lần nào Kim Anh gửi quà Cô cũng cho tôi vài món chay như tương hột đậu phộng rang và một lá thơ ngắn mấy dòng, nguyện Đức Phật Gia hộ cho tôi và dặn rằng khi được về nhớ thăm chùa Kim Sơn!
Tôi đáp: tức là vào thăm cô phải không?
Ân nhìn tôi im lặng chỉ nở một nụ cười thật héo hắt!

Đến năm 1984 trại Vĩnh Phú thả nhiều đợt, tôi và Ân được thả vào tháng bảy âm lịnh, về đến nhà vào sáng rầm tháng bảy, mới 11giờ trưa Ân sang nhà tôi rủ vào thăm chùa Kim Sơn, tôi bàn với Ân:- hôm nay là lễ Vu Lan Phật tử đông lắm cô Diệu Hạnh bận, sao tiếp chuyện với mình được, rôi chúng tôi hẹn nhau 7 giờ chiều sẽ đến.

Chiều hôm đó mưa lâm râm, đến chỗ nghĩa trang thì mit mù, hai Chúng tôi lần qua nghĩa trang xa xa bên trong có bóng một ni sư , chợt nghe có tiếng nói : “hai huynh về rồi hả? Ân nói nhỏ với tôi: như tiếng của Diêu Hạnh. Hai chúng tôi không trả lời. Ở phía trong nghĩa trang nói tiếp: Hai Huynh vào lễ Phật đi.

Chúng tôi đi mau đến sân chùa và vào ngay chánh điện, lúc đó chi có khoản 15 người kể cả các ni sư. Chúng tôi ngồi sau cùng. Chừng 15 phút hết lễ, Ân và tôi liền gặp ni cô ngưng hầu chuông Ân hỏi: -sao không không thấy cô Diệu Hạnh? Ni cô trả lời vội: Diêu Hạnh viên tịch gần một năm rồi!

Nghe như vậy xương sống tôi ớn lạnh ,còn gương mặt Ân tái ngắt. Chúng tôi đi lần ra sau chánh điện thấy ảnh của cô Diêu Hạnh trên bàn vong nghi ngút khói hương. Lần đâu tiên tôi thấy Ân khóc thiệt! Ni cô trẻ vẫn đi sau lưng chúng tôi và nói: Diệu Hạnh được chôn cất trong nghĩa trang chùa mà hai huynh mới đi ngang qua….,

Ngày 20 tháng 11năm 2022
Hàn Thiên Lương

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

Tiếc Thu - Sáng Tác Thanh Trang - Trình Bày: Bích Ngọc


Sáng Tác Thanh Trang
Trình Bày: Bích Ngọc


Con Đường Nào Cho Anh?


Mệt nhoài trước những biến đổi khí hậu, những biến động thế giới, những thảm sát khủng bố Hồi Giáo. Mệt nhoài với việc ... sở (!), chuyện nhà. Vài hoạt động thể thao, dăm ba quyển sách, 4, 5 nhạc khúc, chỉ đủ làm quên đi chán chường, buồn bã, trong một khoảng thời gian rất ư giới hạn! Cuối cùng, tôi tìm về quá khứ, lúc dưới mái gia đình, khi "pháo-phê" bè bạn, thuở ''tình yêu lên ngôi'', tình yêu người và nỗi chán đời, một đổi đời ''sau-75''!

Đã quên hết những tình - thư. Nhưng tình-thơ thì vẫn còn nhớ! Làm sao mà quên được ''thuở đó'', "thuở ban đầu'' (biết ''rung động'') đó? Cái thuở mà, cách đây gần 1 trăm năm (déjà!), Thế Lữ đã viết: ''Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy / Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên'' ?

Quãng thời gian êm-đẹp nhất đời người đó, ''hồ dễ mấy ai quên'' ?!!

Con Đường Nào Cho Anh?

con đường nào dẫn đến nhà em
đầy hoa thơm và cỏ rất mềm
nắng đầu thu lay hồn thức giấc
để ngỡ ngàng những bước chân êm

con đường nào cho ta lang thang
cho anh hôn, dù rất vội vàng
hai hàng cây thắp chiều lên ngọn
anh thắp sao trời trong mắt ngoan

con đường nào cho anh buồn vương
khi áo hoa vắng bóng sân trường
bàn tay hụt hẫng, không tay nắm
lạnh thấm từng con phố, góc đường!

con đường nào cho anh tương tư
xui anh đi lạc giữa sương mù
chiều thu thả gió mang nhung nhớ
hay nhớ nhung luồn trong gió thu?

con đường nào cho riêng anh thôi
nếu lỡ mai, người phải xa người!?
- thân nào mang nổi hồn bia mộ
trở lại con đường đã sóng đôi?!

10/1977
BP

Lá Đỏ

 

Gió thu về lá rơi

Mưa tháng mười nhẹ bay

Lá vàng, nâu, chen đỏ

Hồn thu thấm men say.


Trời hôm nay mưa bụi

Lá nằm ướt thân cây

Trông như ai trải thảm

Đón bước em gót hài.


Mùa này thương lá rụng

Hương thu thấm giọt sầu

Đường chiều xào xạc lá

Như lời tình gọi nhau.

 

Em ngẩn ngơ hỏi đời

Mùa thu nào than thở

Hỏi thăm chiếc lá rơi

Tình yêu nào bỏ ngỏ.

 

Em đi dưới chòm lá

Tháng mười cơn mưa phùn

Hỏi thăm hồn tảng đá

Hồn thu lòng có rung.

 

Thu khoác màu áo mới

Áo em vàng gió bay

Chiếc lá đỏ rơi xuống

Em cầm thu trên tay.

 

Tế Luân

Viết cho mùa lá đỏ

10-14-23


Ai Đẹp Hơn Ai?

 
(Ảnh: Nhất Hùng)

1/

Em dạo phố sớm mai
Ngắm Đào nở mãn khai
Đào đẹp hay em đẹp
Cứ ngắm mãi cả hai

Gió tung vạt áo dài
Vài cánh hoa bay bay
Như Bướm vờn trong nắng
Cuốn theo chiều gió lay

Em lướt nhẹ gót hài
Dáng gầy mỏng như mây
Chào sáng xuân rực rỡ
Phủ nắng khắp hàng cây

Tóc xỏa buông trên vai
Nhìn tôi đôi mắt nai
Ôi em tôi đẹp quá
Mắt đang cười với ai

Đào phớt ánh hồng phai
Em má đỏ hây hây
Đào đẹp hay em đẹp
Ngộ ra đẹp cả hai


2/

Đào Thủ Đô vào độ mãn khai
Em tôi ngoạn cảnh buổi ban mai
Hương trời thoang thoảng làn hương tóc
Sắc nước lung linh giải sắc mây
Nắng ngập bờ vai loang loáng tỏa
Gió lùa vạt áo thướt tha bay
Người - Hoa đọ dáng, ai hơn nhỉ
Hoa đẹp người xinh, đẹp cả hai


Nhât Hùng

Trăng

 

Đêm qua trăng sáng sao vườn
Anh đi em cũng chung đường tiễn anh
Bằng đôi mắt ướt long lanh
Trong hơi thở nhẹ vương nhành cỏ non

Quanh co theo lối đường mòn
Cùng chung nhịp đập quyện tròn tình trao
Ơ kìa trăng tắm trong thau
Đưa tay mình lượm trăng nhào vỡ mau

Giựt mình...mình ngở trăng đau
Đưa tay ôm mặt...ngẹn ngào thương trăng
Tình mình cũng đẹp như trăng
Cũng tan rồi tụ nhẹ nhàng lung linh!

Trăng tan cũng bởi tay mình
Vỡ ra cũng bởi tay mình lượm trăng...
Để yên trăng đẹp lăn tăn
Trong thau nước nhỏ ai quăng ngoài vườn

Hoàng Mai Nhất




Chicago - Thành phố Gió ( Wyndy City)

Thành phố Chicago trông thật nổi bật bên sự êm đềm của dòng sông

Đây là thành phố lớn thứ 3 ở Mỹ. Chicago là nổi tiếng vì là một trong những thành phố lớn tại Mỹ, độc đáo với kiến trúc chọc trời đầu tiên trên thế giới.

Chicago nằm ở đông bắc bộ tiểu bang Illinois, trên bờ tây nam của hồ Michigan. Đây là thành phố chính của vùng đô thị Chicago tại Trung Tây Hoa Kỳ và vùng Ngũ Đại Hồ. Chicago nằm trên một đường phân thủy lục địa tại điểm Chuyển tải Chicago, nối lưu vực sông Mississippi và lưu vực Ngũ Đại Hồ. Thành phố nằm bên hồ nước ngọt Michigan rộng lớn, và hai sông là sông Chicago qua trung tâm và sông Calumet chảy qua vùng công nghiệp South Side. Lịch sử và kinh tế của Chicago gắn chặt với hồ Michigan. Phần lớn vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy của khu vực trước đây sử dụng sông Chicago, song hiện nay các tàu to chở hàng trên hồ sử dụng cảng Lake Calumet tại South Side. Hồ Michigan giúp điều hòa khí hậu cho Chicago; khiến cho các khu phố ven hồ có chút ấm hơn vào mùa đông và mát hơn vào mùa hạ.

Từ hai thập niên cuối của thế kỷ 19, Chicago là điểm đến của các làn sóng nhập cư từ Nam, Trung và Đông Âu, như người Ý, người Do Thái, người Ba Lan, người Bosnia, và người Séc. Năm 1930, hai phần ba số người Mỹ gốc Phi tại Chicago sống tại các khu vực mà người Da đen chiếm khoảng 90% dân số. South Side của Chicago là nơi tập trung đông người Da đen đô thị thứ nhì tại Hoa Kỳ, sau Harlem tại New York.

Trên một nửa dân số của tiểu bang Illinois sống tại vùng đô thị Chicago. Chicago là thành phố lớn nhất tại siêu đô thị Ngũ Đại Hồ.

Nhiều lãnh đạo tôn giáo thế giới từng đến Chicago, bao gồm mẹ Theresa và Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Chicago vào năm 1979 trong chuyến công du đầu tiên của ông tới Hoa Kỳ sau khi được bầu làm giáo hoàng-

Ngũ Đại Hồ

Đi bộ dọc hồ Michigan


Hồ Michigan, một trong Ngũ Đại Hồ, bao la như biển

TL - trên thuyền dọc hồ Michigan

Ngũ Đại Hồ Cách thuật nhớ phổ biến để nhớ lại tên của các hồ là chữ "HOMES" (tiếng Anh: "những cái nhà"), tức là Huron, Ontario, Michigan, Erie và Superior, nhưng cách này không có thứ tự đặc biệt nào. Những cách khác, thí dụ như Sister Mary Hates Ecumenical Overtures ("Xơ Maria ghét những ca khúc khởi đầu của nhà thờ") hay She Made Harry Eat Onions ("Bà ấy bắt Harry phải ăn hành"), xếp các hồ từ phía tây đến phía đông.

Đi thuyền trên hồ

Chicago là quê hương của những tòa nhà chọc trời đầu tiên và là một trong những thành phố được xây dựng đẹp nhất trên thế giới. Nếu du khách có dịp du ngoạn đến “thành phố của gió” , thì đừng quên chiêm ngưỡng những tòa nhà lộng lẫy, nổi tiếng nhất thành phố xinh đẹp này.

Tháp Willis

Tháp Willis được công nhận là tòa tháp cao nhất ở Chicago và một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất trên toàn cầu. Hoàn thành vào năm 1973, nó đã đạt danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới cho đến năm 1998. Ngày nay nó vẫn là tòa nhà cao thứ hai tại Hoa Kỳ và trước đây được gọi là Tháp Sears cho đến hết năm 2009.

Tháp Willis nổi bật giữa thành phố Chicago về đêm

1/- Thành Phố Của Túi Gió

Một báo cáo chính xác hơn là cái tên này đã được các nhà báo thời đó từ các thành phố khác đặt ra để chỉ Chicago. Một điều cần lưu ý là những phóng viên này không sử dụng tên này như một thuật ngữ thể hiện sự quý mến. Thay vào đó, họ dùng nó với ý nghĩa rằng thành phố đầy rẫy những “túi gió”, tức là những người tham lam chỉ quan tâm đến tiền bạc. Cụ thể hơn, những kẻ túi gió này là những chính trị gia và những người nổi tiếng. Ví dụ, một phóng viên của tờ Chicago Daily Tribune tuyên bố rằng thành phố có một lực lượng cảnh sát vô dụng đang thể hiện sự phù phiếm của mình trong thành phố lộng gió. Một phóng viên khác từ Milwaukee cũng viết điều tương tự và đề cập đến đạo đức thối nát mà Chicago đã so sánh với Milwaukee. Sau khi hai nhà báo này bắt đầu sử dụng cái tên này, nhiều nhà báo cũng thúc đẩy việc sử dụng cái tên này. Đáng chú ý, hầu hết những nhà báo đó đều đến từ thành phố New York do thất bại cay đắng.


2/- Chicago được gọi là “Thành phố Gió” vì có hai lý do khả thi. Một là do những cơn gió lạnh thổi từ hồ Michigan. Hai là do các thành viên của các thành phố đối thủ đã đặt cho Chicago cái tên này để chế giễu các chính trị gia và cư dân tự mãn của thành phố này. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1856 để chỉ Green Bay, nhưng sau đó được liên kết với Chicago vào năm 1876 do sự cạnh tranh của thành phố này với Cincinnati-

Sự cạnh tranh với Cincinnati

TL- Downtown Chicago

Theo đó, rõ ràng là Chicago không tự đặt tên cho mình nhưng đây là cái tên mà thành phố đã học cách áp dụng trong nhiều năm. Như đã nói trước đó, Cincinnati cũng là nơi được sử dụng cái tên này nhiều nhất có thể do sự cạnh tranh giữa hai thành phố. Sự cạnh tranh của họ liên quan đến việc buôn bán thịt đóng gói.

Bắt đầu từ thập niên 1960, giống như hầu hết thành phố tại Hoa Kỳ, nhiều cư dân da trắng của thành phố chuyển đến vùng ngoại ô, các khu phố biến đổi hoàn toàn về phương diện chủng tộc.[38] Thay đổi kết cấu trong công nghiệp khiến những công nhân tay nghề thấp chịu ảnh hưởng nặng nề. Năm 1966, Martin Luther King, Jr. và Albert Raby lãnh đạo Phong trào Tự do Chicago, phong trào lên đến đỉnh với các hiệp định giữa Thị trưởng và các lãnh đạo phong trào. Các dự án xây dựng lớn được tiến hành trong thời gian nhiệm kỳ của Richard J. Daley, gồm có tháp Sears (nay gọi là Willis Tower), Đại học Illinois ở Chicago, McCormick Place, và Sân bay quốc tế O'Hare-

Cloud Gate -Một góc ảnh về công viên millennium park.

Cổng Mây Cloud Gate, biểu tượng tự hào của thành phố Chicago-
Quá trình hình thành Cloud Gate

Năm 1999, các nhà chức trách Công viên Millennium và một nhóm các nhà sưu tập nghệ thuật, phụ trách bảo tàng và kiến trúc sư đã xem xét những đề xuất thiết kế điêu khắc của 30 nghệ sĩ. Ủy ban này đã chọn dự án điêu khắc của nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng Anish Kapoor qua đề nghị của nghệ sỹ Jeff Koons để xây dựng một công trình 150-foot (46m) thường trực tại công viên. Hợp đồng với Kapoor cũng nêu rõ rằng tác phẩm nghệ thuật phải được thiết kế để tồn tại khoảng 1000 năm. Phương án đề xuất của ông, sau được gọi là Cloud Gate, được lấy cảm hứng từ thủy ngân lỏng và được thiết kế để phản chiếu chân trời của Chicago. Cloud Gate là công trình công cộng ngoài trời đầu tiên bằng thép không gỉ của nghệ sỹ người Anh Anish Kapoor được dựng tại Mỹ. Tác phẩm ban đầu được dự tính nằm ở góc đông nam của Vườn Lurie, nhưng các quan chức công viên cuối cùng quyết định vị trí đặt ở AT & T Plaza, vị trí hiện tại của tác phẩm điêu khắc này.

Cấu trúc thiết kế tượng đã nảy ra vô số tình huống phân vân, khó xử. Có những lo ngại rằng nó có thể giữ nhiệt và truyền nhiệt độ nóng, lạnh. Quá nóng để chạm vào nó về mùa hè và lạnh đến nỗi một cái lưỡi có thể dính vào nó vào mùa đông. Cũng đã có những ý kiến cho rằng sự thay đổi nhiệt độ trái ngược cực điểm như vậy có thể làm suy yếu cấu trúc. Rồi thì những graffiti, phân chim và dấu vân tay… cũng là vấn đề nhức nhối, vì chúng sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của tác phẩm điêu khắc. Vấn đề cấp bách nhất là việc mong muốn tạo ra một cấu trúc liền mạch duy nhất, không hàn. Norman Foster đã tính tới bao nhiêu phương án tưởng như không thể. Một vấn đề khác là tác phẩm điêu khắc ban đầu được ước tính nặng 60 tấn, vì không thể ước tính độ dày của thép tương thích với tạo hình thẩm mỹ mong muốn, nên cuối cùng, hiển nhiên, nó nặng tới 110 tấn và việc dàn dựng chịu lực phải được thực hiện sao cho nâng được nó. May mắn thay, tất cả các vấn đề đã được giải quyết.

Điêu khắc không thể tiến triển mà không có sự sáng tạo và cảm hứng. Điều thực sự rất khó đối với các nhà điêu khắc là việc đi đến có một ý tưởng hay mà chưa ai có thể tưởng tượng ra. Anish Kapoor chính là một trong số các nghệ sĩ tài năng với Cloud Gate (tạm dịch là Cổng mây), công trình nghệ thuật nổi tiếng của ông.

Cloud Gate – Khối điêu khắc hình trứng khổng lồ với trọng lượng 110 tấn, được gò tạo từ một loạt đồng nhất những tấm thép không có độ bóng cao. Bên ngoài tác phẩm điêu khắc tựa như tấm gương lớn phản chiếu bầu trời với những nóc nhà nổi tiếng của thành phố và những đám mây. Bên dưới tác phẩm điêu khắc, một vòm cầu cao chừng 3,7 mét, tạo nên “cửa” một buồng lõm, mời gọi du khách tản bộ xung quanh, chạm vào bề mặt như gương của tác phẩm và nhìn thấy muôn vàn hình ảnh phản chiếu biến dạng và kỳ thú của mình từ nhiều góc nhìn. Tác phẩm điêu khắc của Kapoor được dựng lên dựa trên nhiều chủ ý nghệ thuật, mặc dù vậy đối với nhiều khách du lịch chỉ đơn giản là xem tác phẩm điêu khắc với đặc tính phản quang độc đáo của nó là một cơ hội tuyệt vời để chụp ảnh.

Tác phẩm điêu khắc này lần đầu tiên khi ra mắt được công chúng và các phương tiện truyền thông tên là The Bean (Hạt đậu), nhiều tháng sau nó mới được Anish Kapoor chính thức đặt tên là Cloud Gate. Cái tên đến từ thực tế là ba phần tư bề mặt bên ngoài của tác phẩm điêu khắc phản chiếu bầu trời, và tác phẩm điêu khắc này trông tựa như cái cổng vào bầu trời.

Cloud Gate đã trở thành biểu tượng của thành phố Chicago. Công chúng đã ngay lập tức yêu thích nó, trìu mến đặt tên là Hạt đậu. Như có một quyền lực to lớn, nó thu hút tất cả những người dân địa phương, khách du lịch cũng như những người hâm mộ nghệ thuật. Đây là một trong những điểm thu hút việc chụp ảnh nhiều nhất trong thành phố, và hình ảnh của nó được sao chép trên các trang web internet và du lịch, các tạp chí nghệ thuật và kiến trúc.

The American Welding Society (Hiệp hội hàn của Mỹ) đã công nhận Cloud Gate, MTH Industries và PSI như một nhóm liên kết, và quyết định trao cho họ giải thưởng Extraordinary Welding Award. Tác phẩm điêu khắc tại công viên Millennium này được nêu tên là một trong 10 thành tựu kiến trúc đẹp nhất năm 2004.

Vài dòng về Anish Kapoor

Anish Kapoor sinh ra tại Bombay vào năm 1954, và hiện đang sống và làm việc tại London. Ông đã học tại Hornsey College of Art (1973-1977) và Trường Nghệ thuật Chelsea, London (1977-1978).

Kapoor là một trong một thế hệ các nhà điêu khắc người Anh, cũng như các đồng nghiệp điêu khắc Anh Tony Cragg và Richard Deacon, là những người đã đạt được sự công nhận quan trọng trong những năm 1980 và có chung mối quan tâm đến vật liệu sử dụng và hình thức nghệ thuật trừu tượng.

Trong loạt sáng tác đầu tiên (1989-1990), ông tập trung vào hình hình học và màu sắc, sắp đặt những hình nửa vòng tròn, hình máy bay và các hình dạng khác được thể hiện với bảng màu sáng. Năm 1990, ông đại diện cho nước Anh tại Venice Biennale với “Void Field”, và trong suốt thập kỷ các tác phẩm điêu khắc của ông được đầu tư với nhiều tham vọng hơn, thao tác ngày càng cao cả về hình thức và không gian. Ông đã giành giải Turner năm 1991 và vào năm 2002 đã nhận được hợp đồng đặc biệt bởi Ủy ban Unilever cho hội trường Turbine của Tate Modern ở London.

Ngoài việc được đặt mua tác phẩm cố định lớn của ông là Cloud Gate (2004) cho công viên Millennium ở Chicago. Trong suốt sự nghiệp của mình nhiều triển lãm cá nhân đã diễn ra tại MAC Grand-Hornu, Bỉ (2004); Museo Archeologico Nazionale, Naples (2004); Kunsthaus Bregenz (2003); Trung tâm Nghệ thuật đương đại Baltic, Gateshead (1999); Piazza del Plebiscito, Naples (1999); Hayward Gallery, London (1998); và Fondazione Prada, Milano (1995). Kapoor được đại diện bởi Gladstone Gallery ở New York-

Sân bay quốc tế O'Hare-

HAI CHUYỆN THẬT HAY VÔ CÙNG

– O’Hare là tên phi trường quốc tế ở Chicago .
– Al Capone, 1 tên gangster khét tiếng một thời ở Mỹ.
– Easy Eddie là luật sư của Al Capone

Có rất nhiều quân nhân Mỹ can trường trong Thế chiến thứ hai. Một trong những anh hùng đó là O’Hare – Trung Tá Phi Công Hải Quân Butch. Trung Tá O’Hare là phi công khu trục phục vụ trên hàng không mẫu hạm Lexington trong vùng biển Nam Thái Bình Dương.

Câu chuyện thứ nhất

Một hôm, phi đoàn của O’Hare được giao thi hành một phi vụ quan trọng. Sau khi cất cánh, liếc nhìn bảng đồng hồ, ông nhận ra có chuyện không ổn, hoặc là đồng hồ báo xăng bị hư hoặc là ai đó đã không bơm đẩy xăng cho ông. Với tình trạng này, ông không đủ xăng để hoàn thành nhiệm vụ và trở về. Trung tá O’Hare báo với Phi Đoàn Trưởng và được lệnh phải quay về. Ông miễn cưỡng rời khỏi đội hình và quay trở lại hàng không mẫu hạm.
Trên đường về, bỗng O’Hare thấy một cảnh tượng làm ông dựng tóc gáy: Dưới thấp xa xa trước mặt ông là một phi đoàn oanh tạc cơ của Nhật đang trên đường tiến về hạm đội Hoa kỳ. Phi đoàn khu trục của Hoa Kỳ đã bay đi thi hành nhiệm vụ và hạm đội không còn bảo vệ. Dù có gọi, phi đoàn khu trục cũng không thể trở về kịp để cứu và cũng không đủ thời gian để báo về hạm đội mối nguy hiểm sắp đến. Việc duy nhất còn có thể làm là bằng bất cứ giá nào cũng phải xua đuổi, phá tan hoặc chuyển hướng đội oanh tạc cơ Nhật.
Trung Tá Phi Công Hải Quân Hoa Kỳ Butch O’Hare.

Không còn nghĩ đến an nguy cho mình, trung tá O’Hare lao thẳng vào đội hình phi đoàn oanh tạc cơ Nhật, bốn nòng súng 50 ly gắn trên cánh nhả đạn đỏ rực, ông nhắm bắn hết chiếc này đến chiếc khác. Đến khi hết đạn, ông vẫn tiếp tục tấn công, liều lĩnh đâm thẳng vào các phi cơ Nhật, cố gắng cắt đuôi chiếc này, hay cắt cánh chiếc kia mong cho họ không điều khiển và bay được. Trong đáy cùng tuyệt vọng, ông đã làm bất cứ gì có thể làm để các oanh tạc cơ Nhật không đến được hạm đội Hoa kỳ.
Cuối cùng, các phi công Nhật bối rối và chuyển hướng. Thở ra nhẹ nhõm, trung tá O’hare lê lết chiếc máy bay tả tơi của mình về lại hàng không mẫu hạm. Ông báo cáo sự việc, chiếc máy quay phim gắn trên phi cơ là bằng chứng rõ ràng nhất. Nỗ lực trong tuyệt vọng để bảo vệ hải đội Hoa kỳ, ông đã hạ 5 chiếc oanh tạc cơ Nhật.
Đó là ngày 20/2/1942. Trung tá O’Hare là phi công Hải Quân đầu tiên trong quân chủng được trao tặng Huân Chương Danh dự của Quốc Hội Liên Bang Hoa kỳ. Năm 1943, trung tá O’Hare tử trận trong một cuộc không chiến lúc ông 29 tuổi. Để không ai có thể quên được người anh hùng này, phi trường thành phố Chicago, quê hương ông, đã được đặt tên là phi trường O’Hare.

Câu chuyện thứ hai

Hơn 15 năm trước đó, tại thành phố Chicago có một người mang biệt danh là Al Capone. Trong thời gian này, Al Capone hầu như làm chủ thành phố, trở thành ông trùm mafia nổi tiếng nhất Chicago và nước Mỹ thời đó …
Easy Eddie là luật sư của Al Capone. Chắc chắn Eddie rất giỏi, tài năng của Eddie đã giúp Al Capone nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Để tỏ lòng biết ơn, Al Capone hậu đãi Eddie rất lớn. Không chỉ tiền bạc mà còn tài sản. Gia đình Eddie sống trong một lâu đài lớn, chiếm nguyên một đoạn đường của thành phố Chicago.

Edward Joseph O’Hare hay còn gọi là “Easy Eddie”, sinh ngày 5/9/1893 – 8/11/1939), luật sư ở St. Louis.
Ông trùm Al Capone (1899-1947) chỉ đạo các băng nhóm tội phạm tại Chicago suốt những năm 1920s.

Như mọi người cha khác, Eddie có một “nhược điểm”, ông có một con trai và yêu con vô cùng. Cậu bé có một cuộc sống hoàn hảo. Và mặc dù chìm ngập trong thế giới tội ác, Eddie cũng đã có những cố gắng dạy con biết thế nào là phải, trái.
Eddie đã dạy cậu con trai vượt lên từ cuộc sống nhớp nhúa của chính mình, ước mong con sẽ là người tốt … Dù giàu có và quyền thế, nhưng vẫn có một thứ Eddie không thể cho con, một thứ mà chính Eddie đã trót bán cho Al Capone: Đó chính là danh dự.
Qua nhiều đêm trằn trọc thao thức, Eddie quyết định cố gắng rửa sạch những vết nhơ dưới cái tên của mình, ngõ hầu cho con biết thế nào là trung thực và ngay thẳng.

Và cuối cùng, Eddie quyết định ra trước tòa làm nhân chứng, chống lại ông trùm, biết rằng giá phải trả sẽ không nhỏ. Trên hết thảy, Eddie muốn phục hồi tên tuổi mình, hy vọng sẽ để lại cho con tấm gương và danh dự.
Eddie đã ra trước tòa làm nhân chứng, trùm Al Capone vào tù. Vài tháng sau, Eddie gục ngã trong cơn mưa đạn trên một con đường lẻ loi ở Chicago.

Vậy hai câu chuyện này có liên quan gì với nhau?
O’Hare – Trung tá phi công hải quân Butch chính là con trai của Easy Eddie.

Tuổi thơ và tấm gương của người cha luôn để lại dấu ấn cực kỳ sâu sắc cho cả cuộc đời này!
(Sưu tầm https://en.wikipedia.org/wiki/Edward_O%27Hare)

O’Hare là tên phi trường quốc tế ở Chicago

Những thông tin thú vị về Chicago

1. Vườn thú Lincoln
Với diện tích 14 ha, Vườn thú Lincoln, nằm ở phía tây của hồ Michigan là một trong số ít các vườn thú trên thế giới cho phép du khách vào cổng miễn phí.

2. Viện bảo tàng nghệ thuật
Ngoài bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp; Viện Nghệ thuật Chicago, nằm trên South Michigan Avenue đang lưu giữ bộ sưu tập lớn nhất của những bức tranh ấn tượng nhất.

3. Sông Chicago
Đây là con sông duy nhất trên thế giới chảy ngược. Lý do là bởi vì các nguy cơ về sức khỏe của người dân, trong năm 1800 và đầu những năm 1900 người ta đã tiến hành đảo ngược dòng chảy của sông.

4. Ngân hàng máu đầu tiên
Năm 1937, Chicago là ngân hàng máu đầu tiên tại Mỹ.

5. Sự ra đời của dây kéo
Dây kéo ra đời vào năm 1851, hệ thống làm sạch chân không vào năm 1868 và các bánh xe Ferris vào năm 1893, tất cả đều được phát minh tại Chicago.

6. Truyền hình màu
Năm 1956 lần đầu tiên tất cả truyền hình màu xuất hiện lần đầu ở Chicago với WMAQ-TV, một sản phẩm của NBC.

7. Cửa hàng McDonald đầu tiên
Ray Kroc đã mở nhà hàng McDonald đầu tiên tại Des Plaines, ngoại ô Chicago, vào ngày 15/4/1955.

8. Cái nôi của Walt Disney
Walt Disney đã được sinh ra tại Chicago vào ngày 05/12/1901. Ông cũng tham dự trong việc hình thành của Viện Nghệ thuật Chicago.

9. Thư viện công cộng
Từ đống tro tàn trong trận hỏa hoạn lớn ở Chicago năm 1871 thư viện công cộng Chicago đã được xây dựng.

10. Chiếc điện thoại di động đầu tiên
Martin Cooper, một người gốc Chicago, phát minh ra điện thoại di động đầu tiên. Ngày 03/04/1973, Cooper thực hiện cuộc gọi điện thoại đầu tiên tại thành phố New York.

Thái Lan 
(Sưu tầm https://en.wikipedia.org/wiki/Edward_O%27Hare)