Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Biển Vắng - Ái Hữu 72


 
Dưới ánh trăng thanh trên biển vắng
Dư âm tiếng nhạc lẫn lời ca
Của loài chim nhỏ vang trong tiếng
Hút gió ra khơi rửa vết sầu

Dư âm vang dội trong lòng biển
Ngọn gió ba đào lại nỗi lên
Tâm sự trào dâng theo nước biếc
Hỡi loài chim nhỏ thấu lòng ta

Sóng vỗ tràn bờ trên biển vắng
Bấp bênh ngã ngốn dưới trăng sầu
Phải loài chim nhỏ cùng tâm sự
Thức trắng đêm thâu đáp biển lòng?

Hồn say trước gió lòng thêm nhớ
Biển vắng đêm ngày vẫn đợi mong
Lạnh buốt chim ơi ! lòng của biển
Hỡi loài chim nhỏ thấu lòng ta?

(Đêm 15/10/73 - Hồi Dương Hải thương tặng …)

Nguyễn Hữu Hải

Melbourne Vào Thu

   Melbourne bước vào Thu từ đầu tháng Ba và tùy theo thời tiết thay đổi mỗi năm, lá sẽ trở mình sớm hoặc muộn.
      Hàng năm khoảng tuần lễ thứ nhì của tháng Năm, đại gia đình chúng tôi thường tìm đến Bright. Lưu lại nơi này đôi ba ngày để đón nắng Thu và nhặt lá vàng bay. Cái lãng mạn, sức quyến rũ của lá Thu, khiến tôi chao đảo đến mấy ngày, sau khi rời khỏi nơi đây. Và lòng tự nhủ "Sẽ đem mùa Thu của Bright về sân sau nhà mình!". 
      Ước mơ đã thành hiện thực!

 Nghệ sĩ ơi! Lơi cung trầm bổng
Hồn thu trở giấc họa thanh âm









Kim Phượng
Thu Melbourne

Tình Thơ



 
Tương tư chiều tắt nắng
Mùa cũ tôi xa người
Lối hẹn hò xóm vắng
Nhớ người về tôi thương
Ngày ấy tôi lên đường
Hàng phượng thắm sân trường
Một thời thơ hoa bướm
Với mối tình tơ vương
Hẹn gặp người trong mơ
Còn đâu mà đợi chờ
Tóc xanh giờ đã trắng
Kỷ niệm mối tình thơ

Biện Công Danh
4/4/14

Cây Trứng Cá


Có những trưa hè nắng chói chang
Tôi buồn thơ thẩn dạo lang thang
Quanh cây trứng cá chân lần bước
Nghe tiếng ve sầu ca hát vang!

Nhớ về bạn dạ nao chi lạ
Thuở thiếu thời hai đứa thiết thân
Chung lớp học, chia nhau sách vở
Nô đùa tranh hái trái ngoài sân.

Đường đời sớm rẽ chia hai ngả
Bạn ở phương nào? Tôi vẫn đây.
Cây trứng cá chờ ai úa lá
Mỏi mòn mong có dịp sum vầy.

Anh Tú (AD)
August 2012

Thơ Tranh: Chiều Hậu Giang


Thơ: Chân Diện Mục
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thanh Minh



Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...

Trên đây là những câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đề cập đến Thanh Minh của Người Trung Hoa chớ không phải Việt Nam chúng ta. Vì nguyên bản là " Kim Vân Kiều Truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân. Do ở Việt Nam ngày Tảo Mộ chính thức là ngày 25 tháng Chạp Âm Lịch mỗi năm. 
Tuy nhiên với truyền thống Hiếu Nghĩa, dân tộc ta vẫn hoà đồng với dân tộc Hoa trong ngày lễ Thanh Minh.
Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Nó là một trong số hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.
Tết Thanh minh Là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Ðông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh Minh
.



Nguồn gốc tết Thanh minh 

Tết Thanh minh được bắt nguồn từ Trung Quốc. Có giả thuyết rằng, chuyện kể vào đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công, nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.

Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3.3 đến mồng 5.3 âm lịch hàng năm). Từ đó ngày mùng 3.3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn thực, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.

Từ thời Lý nhân dân ta đã tiếp nhận tết Hàn thực nhưng ý nghĩa của ngày tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân nước Việt. Vào ngày tết Hàn thực, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng bánh trôi - bánh chay cho tết Hàn thực với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực. Vì vậy người Việt còn gọi tết Hàn thực bằng một tên gọi khác là tết bánh trôi - bánh chay.
 


Lễ Tảo Mộ và Hội Đạp Thanh

Thời tiết do ảnh hưởng của Mặt trời, nên ngày Thanh Minh là 04-05 tháng 4 dương lịch.Chính vì thế ngày Thanh Minh theo Âm Lịch cũng thay đổi hằng năm. Như năm trước 2013, Thanh Minh vào ngày 03- tháng 03 Quý Tỵ. Nhưng năm nay 2014, ngày chính Tiết Thanh Minh  vào mùng 06 tháng 03 năm Giáp Ngọ.
Tết Thanh Minh diễn ra vào ngày tiết Thanh minh. Tại Đài Loan, Hồng Công và Ma Cao  thì tết này là một ngày quốc lễ. Còn ở các khu vực khác ở Đông Á thì không. Nói đến Tết Thanh minh thì bao giờ người ta cũng nghĩ đến lễ tảo mộ và hội đạp thanh.

1- Lễ Tảo Mộ


Nhân ngày Thanh minh, người dân các nước có nền văn hóa tương đồng và chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa đều có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.


2- Hội Đạp Thanh

Từ “đạp thanh” trong câu thơ: “Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh”. Các sách chú thích nêu trên giải nghĩa: “Đạpgiẫm lên, thanh xanh, cỏ xanh, đời Đường có hội Đạp thanh” (Nguyễn Văn Anh); “Sau tiết Xuân phân 15 ngày có tiết Thanh minh tục có hội Đạp thanh, là đi tảo mộ xéo lên cỏ xanh (Bùi Khánh Diễn); “Đạp thanh là giẫm lên cỏ xanh, người tảo mộ ở ngoài đồng cỏ đông như hội nên gọi là hội Đạp thanh” (Nguyễn Quảng Tuân) v.v…

Thật ra từ “đạp” trong tiếng Hán có 10 nghĩa thông dụng: 1) giẫm lên; 2) đập nhịp; 3) lê chân; 4) bước qua; 5) du ngoạn; 6) đi theo; 7) tìm hiểu tại chỗ; 8) đá chân; 9) áp sát; 10) thứ lót chân như thảm.

Vậy chú thích cho từ “đạp” thì nên chọn nghĩa thứ 5 là du ngoạn, thưởng ngoạn.Có vậy mới hiểu được những từ thường thấy trong thơ cổ: đạp xuân (du xuân), đạp nguyệt (ngắm, thưởng ngoạn trăng), đạp đăng (đi hội xem đèn), đạp hồng (đạp hoa – đi chơi ngắm hoa), đạp lãng (ngắm sóng, giỡn sóng)… Tất nhiên chọn nghĩa thứ nhất là giẫm lên cũng đúng nhưng kết hợp với thanh xanh để chú rằng: người đi tảo mộ xéo lên cỏ xanh (như ông Nguyễn Văn Anh chú) thì không những mất vẻ đẹp của hội du xuân mà còn “phá hoại môi trường” nữa.

Từ “thanh” cũng có nhiều nghĩa, hàm ý rất rộng. Riêng từ “Đạp thanh” luôn gắn liền với tiết “Thanh minh” thì bao giờ cũng được hiểu là hội du xuân với nhiều hoạt động ngoạn cảnh, vui chơi rất phong phú. Giới văn nhân thi sĩ của Trung Quốc thời xưa rất thích dịp lễ hội này vì thường là dịp để khởi hứng làm thơ. Rất nhiều tác phẩm thơ hay được lưu lại. Chỉ riêng trong Toàn Đường thi Toàn Tống từ đã có 850 bài (theo Thanh minh thi ca số lượng - Phong tục võng).

Hội du ngoạn của 41 thi nhân đời Tấn với trò chơi thả thơ, từ đó ra đời bài Lan Đình tập tự với Thiếp Lan Đình nổi tiếng của Vương Hy Chi, và cuộc du chơi ăn uống xa hoa của chị em nhà Dương Quý Phi bên bờ Khúc giang mà Đỗ Phủ miêu tả trong bài Lệ nhân hành, đó đều được xem là các thi phẩm về lễ hội Thanh minh – Đạp thanh hoặc bài Thanh minh của Đỗ Mục rất nổi tiếng hầu như ai yêu thơ Đường cũng đều thích.

Trước đây, nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du xuân nên mới có tên gọi hội đạp thanh . Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này có lẽ không còn, nhưng ở Trung Quốc thì một vài nơi vẫn còn duy trì được.
***
Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn
Theo :http://honvietquochoc.com.vn-http://vi.wikipedia.org-http://danviet.vn-http://www.cinet.vn

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Cho Em Quên Tuổi Ngọc - Lam Phương - Khánh Hà

      Bài hát là một lời sám hối của một người vì lý do nào đó đã lỡ đánh mất, bỏ đi mối tình thời thơ dại..và một lần trong men rượu, trong cơn say chếnh choáng có một ước mong rằng khi nào mình sắp về cõi vĩnh hằng thì tình yêu đó được trở lại với mình, để mãi mãi yêu thương và chỉ có lúc ấy tình yêu mới vĩnh viễn, mới thật sự là của mình .
      Đó là hạnh phúc là giấc mơ cuối đời của một đời người khi nằm xuống, khi về với cát bụi. . .



Sáng Tác: Lam Phương
Ca Sĩ: Khánh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba


 
      Thanh Minh là tên một thời tiết, tức là một khoảng thời gian phân định sẵn trong lịch Tàu. Lịch cổ nước Tàu chia một năm ra làm 8 tiết, gọi là "Bát tiết": lập Xuân, lập Hạ, lập Thu, lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.
      Lịch Kim (tức là lịch đời Hán trở lại) của Tàu thì chia năm ra làm 24 Khí hoặc Tiết. Cứ ba ngày là một Hậu; 5 Hậu là một Khí hoặc Tiết. Một năm có 24 Khí hoặc Tiết. Mỗi tháng chia làm 2 Khí. Khí nhằm vào những ngày đầu tháng thì gọi là Tiết Khí. Khí nhằm vào giữa tháng thì gọi là Trung Khí. Tiết Khí và Trung Khí thường gọi tắt là Tiết và Trung. Đầu thời Hán lấy tiết Kinh trập làm "Chính nguyệt trung" (tức là khí vào giữa tháng giêng), lấy Vũ thủy làm "nhị nguyệt tiết" (tức là khí vào đầu tháng hai). Cuối đời Hán, Lưu Hầm làm Tam thống đổi Kinh trập làm "Nhị nguyệt tiết" (khí vào đầu tháng hai), Vũ thủy làm "Chính nguyệt trung" (khí vào giữa tháng giêng), Cốc vũ là "Tam nguyệt tiết" (khí đầu tháng ba); Thanh minh làm "Tam nguyệt trung" (khí giữa tháng ba). 


      Lịch Tàu ngày nay tức là sau đời nhà Hán thì chia Thanh minh làm Tam nguyệt tiết (khí vào đầu tháng ba). Hai mươi bốn tiết khí trong một năm là: Mùa xuân: Lập Xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ.Mùa hạ: Lập Hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử.Mùa thu: Lập Thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng. Mùa đông: Lập Đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả cảnh Thanh minh có câu:
Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
      "Thanh minh trong tiết tháng ba" là do câu "Thanh minh tam nguyệt tiết" nghĩa là: Tiết thanh minh đầu tháng ba. Theo cách dùng thuật ngữ của Tàu thì chỉ nói "Tiết tháng ba" hay "Tam nguyệt tiết" tức "Tam nguyệt khí tiết" là người ta hiểu ngay là nói đầu tháng ba. Vì tiết đây là tiết khí nói tắt, mà tiết khí nghĩa là thời tiết nhằm đầu tháng. Vậy thì "trong tiết tháng ba" có nghĩa là "vào đầu tháng ba". Tục Tàu, nhân tiết Thanh minh, người ta tổ chức lễ thăm mộ gọi là "Lễ tảo mộ", tức là lễ quét tước sửa sang mồ mả. Và, nhân lễ tảo mộ ngoài đồng, mà tự nhiên có hội gọi là "hội đạp thanh" tức là hội giẫm trên đám cỏ xanh ở ngoài đồng. Cổ thi của Tàu có bài:
Xuân du thanh thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm huỳnh hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.


Trích Điển Hay Tích Lạ của Nguyễn Tử Quang

 (Kim Phượng Sưu tầm)


Lam Phương Nhạc Và Đời


Thơ Cảm Tác: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh
 
    

Sáng Tác: Chuyến Đò Vỹ Tuyến ( Trước 1975)
Ca Sĩ: Hoàng Oanh


Tháng Ba



 Đã hay xuân chuyển sang hè
Cao nguyên vàng nắng khắt khe với người
Hoa còn một ít thơm rơi
Trái xuân khép nhụy lả lơi vin cành
Đã nghe chiều xuống thật nhanh
Ve râm ran hát quẩn quanh gọi bầy
Tình xuân nồng ấm còn đây
Tháng ba thương nhớ mãi đầy trong nhau.

3/2014
Hương Ngọc

Sợi Nhớ Sợi Thương



Lối đi em vẫn nhớ một phương
Của đôi ta đã mộng chung đường
Dìu nhau trên lối hoa cỏ nở
Mà ngỡ rằng mơ chốn thiên đường

Em đếm từng sợi nhớ , sợi thương
Hong tóc chiều nay kịp vấn vương
Ngồi bên song cửa nghe se lạnh
Đếm bước thời gian ấp ủ hương

Chút hương xin gởi đến cho người
Nhờ gởi dùm em chiếc áo nhu
Trao đôi tay ấm hương mùa cũ
Cùng nhắn đôi lời với gió thu

Anh đã về ! Ơi người tri kỹ
Cho đến hôm nay mới hội kỳ
Nếu lở ngày xưa ta không giử
Áo người nay đã thả trôi đi

Lục Lạc

Truyền Thuyết "Con Rồng Cháu Tiên"


      Thuở xa xưa, cách đây lâu đời lắm, ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương, sức khoẻ tuyệt trần, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Ðộng Ðình, gặp Long Nữ là con gái Long Vương, hai người kết thành vợ chồng và ít lâu sau sinh được một trai, đặt tên là Sùng Lãm.
      Lớn lên Sùng Lãm rất khoẻ, một tay có thể nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm. Cũng như cha, Sùng Lãm có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Khi nối nghiệp cha, chàng lấy hiệu là Lạc Long Quân.
      Lúc bấy giờ ở đất Lĩnh Nam còn hoang vu, không một nơi nào yên ổn, Lạc Long Quân quyết chí đi du ngoạn khắp nơi.
      Ðến vùng bờ biển Ðông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn. Con cá này đã sống từ lâu đời, mình dài hơn năm mươi trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng mười người một lúc. Khi nó bơi thì sóng nổi ngất trời, thuyền bè qua lại đều bị nó nhận chìm, người trên thuyền đều bị nó nuốt sống. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Họ gọi nó là Ngư tinh.
      Chỗ ở của Ngư tinh là một cái hang lớn ăn sâu xuống đáy biển, trên hang có một dãy núi đá cao ngăn miền duyên hải ra làm hai vùng.
      Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân, Lạc Long Quân đóng một chiếc thuyền thật chắc và thật lớn, rèn một khối sắt có nhiều cạnh sắc, nung cho thật đỏ, rồi đem khối sắt xuống thuyền chèo thẳng đến Ngư Tinh, Lạc Long Quân giơ khối sắt lên giả cách như cầm một người ném vào miệng cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng đón mồi. Lạc Long Quân lao thẳng khối sắt nóng bỏng vào miệng nó. Ngư Tinh bị cháy họng vùng lên chống cự, quật đuôi vào thuyền của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân liền rút gươm chém Ngư Tinh làm ba khúc. Khúc đầu hoá thành con chó biển. Lạc Long Quân lấy đá ngăn biển chặn đường giết chết con chó biển, vứt đầu lên một hòn núi, nay gọi hòn núi ấy là Cẩu Ðầu Sơn, khúc mình của Ngư Tinh trôi ra xứ Mạn Cẩu, nay còn gọi là Cẩu Ðầu Thủy, còn khúc đuôi của Ngư Tinh thì Lạc Long Quân lột lấy da đem phủ lên hòn đảo giữa biển, đảo ấy nay còn mang tên là Bạch Long Vĩ.
      Trừ xong nạn Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến Long Biên. ở đây có con cáo chín đuôi sống đến hơn nghìn năm, đã thành tinh. Nó trú trong một hang sâu, dưới chân một hòn núi đá ở phía Tây Long Biên. Con yêu này thường hoá thành người trà trộn trong nhân dân dụ bắt con gái đem về hang hãm hại.
      Một vùng từ Long Biên đến núi Tản Viên, đâu đâu cũng bị Hồ Tinh hãm hại. Nhân dân hai miền rất lo sợ, nhiều người phải bỏ cả ruộng đồng, nương rẫy, kéo nhau đi nơi khác làm ăn.
Lạc long quân thương dân, một mình một gươm đến sào huyệt Hồ tinh, tìm cách diệt trừ nó.
      Khi Lạc Long Quân về đến tới cửa hang, con yêu tinh thấy bóng người, liền xông ra, Lạc Long Quân liền hoá phép làm mưa gió, sấm sét vây chặt lấy con yêu. Giao chiến luôn ba ngày ba đêm, con yêu dần dần yếu sức, tìm đường tháo chạy, Lạc Long Quân đuổi theo chém đứt đầu nó. Nó hiện nguyên hình là một con cáo khổng lồ chín đuôi. Lạc Long Quân vào hang cứu những người còn sống sót, rồi sai các loài thuỷ tộc dâng nước sông Cái, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo, đời sau mới gọi là Tây Hồ.
      Dẹp yên nạn Hồ Tinh nhân dân quanh vùng lại trở về cày cấy trên cánh đồng ven hồ, và dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi là làng Hồ, đến nay vẫn còn.
Thấy dân vùng Long Biên đã được yên ổn làm ăn Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi đến đất Phong Châu. ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây chiên đàn, cao hàng nghìn trượng, trước kia cành lá sum suê tươi tốt che kín cả một khoảng đất rộng, nhưng sau nhiều năm, cây khô héo, biến thành yêu tinh, người ta gọi là Mộc Tinh.

      Con yêu này hung ác và quỷ quyệt lạ thường. Chỗ ở của nó không nhất định, khi thì ở khu rừng này, khi thì ở khu rừng khác. Nó còn luôn luôn thay hình đổi hạng ẩn nấp khắp nơi, dồn bắt người để ăn thịt. Ði đến đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than thảm
thiết, Lạc Long Quân quyết ra tay cứu dân diệt trừ loài yêu quái. Lạc Long quân phải luồn hết rừng này đến rừng kia và qua nhiều ngày gian khổ mới tìm thấy chỗ ở của con yêu. Lạc Long Quân giao chiến với nó trăm ngày đêm, làm cho cây long đá lở, trời đất mịt mù mà không thắng được nó. Cuối cùng Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng, trống nó khiếp sợ và chạy về phía Tây Nam, sống quanh quẩn ở vùng đó, người ta gọi là Quỷ Xương Cuồng.
      Diệt xong được nạn yêu quái, Lạc Long Quân thấy dân vùng này vẫn còn đói khổ thiếu thốn, phải lấy vỏ cây che thân, tết cỏ tranh làm ổ nằm bèn dạy cho dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ. Lạc Long Quân còn dạy dân ở cho ra cha con, vợ chồng. Dân cảm ơn đức ấy, xây cho Lạc Long Quân một toà cung điện nguy nga trên một ngọn núi cao. Nhưng Lạc Long Quân không ở, thường về quê mẹ dưới thủy phủ và dặn dân chúng rằng: "Hể có tai biến gì thì gọi ta, ta sẽ về ngay! "
Lúc bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống phương Nam. Ðế Lai đem theo cả người con gái yêu rất xinh đẹp của mình là Âu Cơ và nhiều thị nữ. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều gỗ quý. Ðế Lai sai quân dựng thành đắp lũy định ở lâu dài. Phải phục dịch rất cực khổ, nhân dân chịu không nổi, hướng về biển Ðông gọi to: "Bố ơi! Sao không về cứu dân chúng con!". Chỉ trong chớp mắt, Lạc Long Quân đã về.


       Người dân kể chuyện, Lạc Long Quân hoá làm một chàng trai rất đẹp, có hàng trăm đầy tớ theo hầu, vừa đi vừa hát đến thẳng chỗ Ðế Lai ở. Lạc Long Quân không thấy Ðế Lai đâu cả, mà chỉ thấy một cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng vô số thị tỳ và binh lính. Cô gái xinh đẹp đó là Âu Cơ. Thấy Lạc Long Quân uy nghi tuấn tú nàng đem lòng say mê, xin đi theo Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đưa Âu Cơ về ở trong cung điện của mình, trên núi cao.
      Ðế Lai về, không thấy con gái đâu, liền sai quân lính đi tìm khắp nơi. Hết ngày này qua ngày khác. Lạc Long Quân sai hàng vạn các ác thú ra chặn các nẻo đường, xé xác bọn chúng làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy. Ðế Lai đành thu quân về phương bắc.
Bấy giờ nàng Âu Cơ mang thai, trải ba năm, ba tháng, mười ngày, thấy trên núi Nghĩa Lĩnh có mây lành ngũ sắc xán lạn. Đến giờ Ngọ, ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý, Âu Cơ thấy bào thai chuyển động. Đến giờ Ngọ, ngày 28, hương lạ đầy nhà, hào quang khắp phòng, bà sinh một bọc bạch ngọc, hương lạ giáng xuống. Bắt đầu sinh ở núi Ngũ Lĩnh, đất Thổ Thứu phong, ao sen đỉnh ngọc.
      Lạc Long Quân thấy bà sinh ra bọc lạ, cho là xưa nay chưa có, việc lạ trong nước, bèn triệu văn võ bách quan trong triều vào chầu chính điện. Lúc ấy, giờ Ngọ, bỗng thấy trong thành giữa trời có ba tiếng hiệu lệnh làm chuyển động trời đất, sông núi, cỏ cây, vạn vật kinh sợ. Mây lành ngũ sắc sáng đầy khắp ba nghìn thế giới. Trên thượng điện, vạn chim bay, ngư, lân tụ hội theo gió mưa cống triều.
Ngài thấy quốc gia có điềm lạ khác thường, xuống chiếu cho các quan văn võ chỉnh đốn ý mạo, chay khiết lòng thành, tề tựu tại điện Kính Thiên, thắp hương đèn phùng chầu triều bái Hoàng Thiên Thượng Đế đến Tứ phủ vạn linh.
      Tới giờ Thân hôm ấy, bỗng thấy một áng mây xanh từ hướng Tây kéo đến, tụ tại thềm rồng của điện Kính Thiên, tự nhiên có bốn vị tướng xuất hiện kỳ lạ, cao hơn trượng rưỡi, đầu đội mũ hoa, thân mặc bào xanh gấm vóc, eo thắt đai ngọc, chân đi hài sắt, miệng cười như hào quang sáng rực, mây tuôn cuồn cuộn, tay cầm một chiếc long bài (sắc) của Ngọc Hoàng
      Thượng Đế: Ban cho Hiền Vương một bọc trăm trứng, sinh nơi ngọc khuyết, thành trăm người con trai trị nước. Nay sai bốn vị Đại Thiên vương giúp đỡ, che chở cho nước. Vậy ban sắc!.
      Lạc Long Quân chiếu theo long bài, truyền các quan văn võ ngẩng mặt bái tạ trời, bái tạ Thiên vương.
      Thiên vương nói:
- Trăm trứng ngọc bào do điềm rồng giáng sinh, thiên sứ báo cho Hiền Vương biết, hãy đặt vào bàn vàng, mang đến chùa Cổ Viễn Sơn, tên là Từ Sơn Thiên Quang Hòa Thượng Thiền Thứu Lĩnh (về sau đổi là Thiên Quang Thiền tự) đặt ở trong chùa, chọn lấy vị quan trai giới chầu trực, thắp hương không dứt.
Bọc đó vỡ ra, Lạc Long Quân bèn đỡ lấy thì bốn vị Đại Thiên Vương tự nhiên biến hóa, Hiền Vương càng thành tâm cầu đảo. Đến giờ Ngọ, ngày rằm 15 tháng Giêng, trăm trứng vỡ ra đều thành trăm người con trai; rồng thành năm sắc, điềm ứng sáng ngời, hương trời giáng xuống, đầy khắp núi sông. Được khoảng một tháng, không phải bú mớm mà tự trưởng thành. Tất cả các con đều có hình dáng đẹp lạ, tướng mạo phương phi, anh hùng nổi tiếng ở đời, cao lớn ba thước bảy tấc.
      Lạc Long Quân triệu 6 nàng cung phi, giao phát gấm lĩnh, cắt may thành trăm bộ áo mũ cấp cho trăm người con trai. Cả ngày trăm con vui cười, thường lấy lá hoa ao sen đùa nghịch. Sau 100 ngày, các con khôn lớn, không nói mà hay cười. Qua 200 ngày, đến giờ Thìn ngày 20 tháng 7, cả trăm người con trai đều cười to, nói rằng:
      Trời sinh Thánh Vương trị nước, giúp bốn biển thanh bình, quốc gia yên vui, là trăm hoàng tử đều ở thềm rồng điện thượng. Bỗng thấy một đám mây ngũ sắc từ không trung giáng xuống thềm rồng.
Lạc Long Quân thấy tám vị Thiên tướng, đầu đội mũ đồng, mình mặc thiết giáp, chân đi hài bạc, eo thắt dải rồng, dung mạo xán lạn, mắt sáng như sao, miệng xuất hào quang, tay cầm thần kiếm, linh trượng, bảo trữ, thiết phủ, đứng hầu hai bên tả hữu; hai bên đối chầu, hư không biến hóa, gió mưa ập đến, bay vượt nhiễu không trung trong điện Ngũ Lĩnh, rồi núi non thất hình, sông hồ sóng dâng trào.
      Sau ba giờ ánh sáng rực rỡ, tám vị tướng mới xưng danh làm tám bộ Kim Cương, vâng sắc của Thượng Thiên chư Phật, Bảo Đế lệnh sai giáng xuống che chở cho trăm người con trai. Nay tất cả đã trưởng thành, hiểu biết nên tám vị tướng phụng mệnh đưa các vương tử đến cửa khuyết bái tạ Hoàng phụ, cai trị trong nước.
      Tám vị tâu xong, bay lên trời biến mất. Tám vị ban cho Lạc Long Quân một chiếc long bài, một chiếc thiên bảo thần ấn, một viên bạch ngọc, một chiếc thần kiếm, một quyển thiên thư, một chiếc thước ngọc, một chiếc bàn vàng đặt ở trong điện. Hiền Vương nhận lấy, cho đây là trời ứng điềm lành, giúp yên trong nước.
      Vua thấy trăm người con trai bỗng nhiên cao lớn, thân dài bảy thước ba tấc, mỗi người cầm một vật thiên bảo thần khí chia nhau đứng hầu hai bên tả hữu, bái tạ Hoàng phụ.


      Ngài xuống chiếu rằng: Trời sinh trăm người con trai, đều văn võ thánh thần, anh hùng tài lược giúp nước yên bình, thiên hạ cậy nhờ bởi ơn giáo hoá, phụ tử quân thần cùng nhau vui hưởng”.
Hàng chục năm trôi qua, Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thuỷ phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hoá làm một con rồng vụt lên mây, bay về biển cả. Âu Cơ và đàn con muốn theo Lạc Long Quân, nhưng không đi được, buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi. Không thấy Lạc Long Quân trở về. Nhớ chồng quá, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Ðông lên tiếng gọi: "Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này".
      Lạc Long Quân trở về tức khắc. Âu Cơ trách chồng:
- Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc mẹ con thiếp sống bơ vơ khổ não.
      Lạc Long Quân nói:
- Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.


      Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai toả đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia nước ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.
      Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.
Củng từ tích Cha Lạc Long Quân lấy Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nên dân tộc ta mới có từ ĐỒNG BÀO.

Huỳnh Hữu Đức (Theo huynhhuuduc.blogspot.com)



Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Cát Bụi...




Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ
Cuộc đời này chỉ tạm bợ mà thôi
Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ
Khi trở về cát bụi cũng trắng tay.

Cuộc đời ta phù du như cát bụi
Sống hôm nay và đâu biết ngày mai?
Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi
Rồi cũng về với cát bụi mà thôi.

Thì người ơi! Xin đừng ganh đừng ghét
Ðừng hận thù tranh chấp với một ai
Hãy vui sống với tháng ngày ta có
Giữ cho nhau những giây phút tươi vui.

Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì đời ta đã sống trọn kiếp người
Với tất cả tấm lòng thành thươg mến
Ðến mọi người xa lạ cũng như quen.

Ta là cát ta sẽ về với bụi
Trả trần gian những cay đắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai!


Vĩnh Trinh

Vào Thu

      

   Tháng Tư vừa sang. Mùa gì sẽ đến, Hạ hay Thu? Mùa thi về thì phải và cũng là ngày sắp chia tay. Hè lại về!

Xa quê hương xa cả mái trường,
Xa hàng phượng v vươn mình trổ hoa
Hè về ba tháng chia xa
Chợt mình tỉnh mộng! Thu qua xứ người.

      Ồ, Thì ra không phải quê nhà, mà ta đang đi vào mùa thu xứ người!
      Đấy là tâm trạng của người xa xứ.Trời Melbourne đã chuyển mùa se lạnh, lá trở mình chợt biết thu về.
      Thu vừa về rồi đó! Mùa thu nơi đây đẹp lạ lùng như chặng đường đời của một thời con gái. Ba màu hài hòa trong một chiếc lá. Màu xanh như sức sống vươn cao, mặn mòi của tuổi ngọc. Tuổi thanh xuân một thoáng hiền hòa, khoác chiếc áo màu vàng lám dáng làm duyên, và một màu đỏ thắm như trái tim rạo rực của một thời khi biết nhớ nhung và yêu say đắm.
      Tôi ra đời vào mùa thu, rồi từ giã quê hương cũng vào tiết thu, nên tôi yêu  thu vàng với những chiếc lá rơi, nhưng lại vẫn vơ lo sợ những buổi chiều xuống vội.
      Bất chợt những câu thơ ca ngợi tình thu làm lòng tôi thổn thức, xao động một góc trời. Hai phương trời  cách biệt, mặt không giáp mặt nhưng có bao giờ lòng người chợt giao tiếp với tình thu?

      Đêm xuống, khoác áo len ra hàng hiên tìm lấy bóng, gió lùa những chiếc lá reo vi vu, cái se lạnh làm chùng nhịp đập của tim, tôi rùng mình thu người cho thêm ấm. Thời tiết Melbourne cũng chẳng khác gì tính tình của con gái, một ngày có bốn mùa. Ai lần đầu đặt chân đến đây, cho là thời tiết khắc nghiệt, lạ lùng, mới thấy tia nắng đầu ngày lung linh xuyên qua kẽ lá, lóng lánh những hạt sương đọng trên cành, phút chốc gió lùa cây nghiêng,  hoa rụng. Trời u ám kéo mây, chợt mưa rơi lạnh buốt lòng. Trời thảm sầu, lòng cũng hắt hiu!
      Trong sâu thẳm cũng vấy lên niềm mơ ước, ước được người làm ấm lại đôi tay, một âu yếm được choàng vai, hay tựa đầu kể lể những gì thuôc về ta.
      Được nghe lời ngọt ngào ai đọc những vần thơ, mô tả mắt em là một hồ thu gợn sóng, ướm lời thương yêu sâu sắc của một thời. Tuy thẹn lòng mắt mình không đẹp như thơ ai, nhưng cũng đủ một khoảnh trời thu để nhốt bóng. Cuộc đời ta đã bao mùa lá đổ? Lòng se sắt với tháng ngày đằng đẵng trôi qua? Thấy lòng trống trải mênh mông. Đôi lúc chạnh lòng muốn xoay ngược một vòng quay trái đất, để không phải nơi  này thức thì người trăn trở, sáng bên người thì nơi đây thao thức từng canh,để tiếng thở dài không vang vọng trong đêm, làm nhói lòng và thương xót cuộc đời qua.
      Đêm nơi này sắp tàn rồi đó! Chỉ mình ôm gọn mùa thu, mưa nhè nhẹ rơi, gió lắc lay chiếc lá nửa vàng, xanh, đỏ như những chiếc đèn hoa. Có cảm giác như đang thắp thêm ánh sáng gửi đến bên người, để thu chỉ vừa chạm ngõ, lá đừng vội úa vàng, lià cành sớm tung bay. Vì tôi không đủ trọn đôi tay nhặt lá, đếm từng chiếc lá như đếm nỗi hoài mong.


      Môt buổi sáng tinh mơ, trời còn lắng trong sương mờ, khoác vội chiếc áo gió đi rong, lang thang ra công viên, mặt đất vừa đủ ướt vì cơn mưa đêm qua, cây cối trở nên tươi mát và khí trời cũng dễ chịu cho lòng người. Nhìn những người lớn tuổi đi dạo chung quanh, họ cũng tay trong tay và nói cười vui vẻ. Ở tuổi đời còn lại hình như cái tình thâm trầm và đầm ấm hơn!? Tôi chợt tìm được trong lá vàng kia cũng thế, trổ màu, từng chiếc lơ lững mong manh nhưng vẫn cố bám vào nhánh cây khoe sắc..Thu chưa qua mà lá nhỉ?
      Nắng đầu ngày bắt đầu ló dạng, Bỗng vang lên  cùng một tiếng “Ồ!” trầm trồ ca ngợi một tuyệt tác thiên nhiên, mọi người ngước nhìn bầu trời, nụ cười thoả ước, ánh mắt tràn ngập niềm vui. Trong mắt tôi một bức tranh sống động, Cơn gió vô tình nhẹ lay, những giọt mưa đêm qua còn bám cành chờ đợi rắc nhẹ xuống, cuốn theo những chiếc lá vàng long lánh ánh nắng mai, lã lướt trên không, như những viên kim cương rực rỡ. 
      Như ai đó hay nói về điều ước của sao băng. Tôi thầm bảo lòng, xin mùa thu cho tôi một điều ước
      Mùa thu ơi! Điều ước mơ tôi có to lớn lắm không, thu có vui lòng không thu hỡi!? Nếu thu ngại ngần tôi sẽ nhờ chút gió khơi hương, gom trọn cuộc tình chấp cánh cùng thu. Lá rơi …rơi  thật dịu dàng ..nhẹ phủ dày lên cuộc tình, cho tình mặc áo mới nhé thu!

Thở đi gió!
Lá vương rạo rực
Ướp hương yêu
Ngất ngưỡng men cay
Đêm ngây ngất, chân đi lạc bước
Vào rừng yêu, vấp ngã cơn say

Thở đi gió!
Lá cuộn tròn mặt đất
Tình lao xao!
Trời đất chao nghiêng
Lá nương gió lăn triền dốc đổ
Tắt ngàn sao! Lá ngủ bình yên

Men cay!
Tình say!
Lá reo
Gió thở
Lá ngạt ngào
Hương ủ rừng thu

Kim Oanh
1/5/2009



Mùa Thu Melbourne, Australia

Hỏi Lòng


Yêu chưa mà nghĩ đến người
Chưa yêu sao nhớ tiếng cười của ai
Như là chim hót bên tai
Như là giọng hát liêu trai ngọt ngào

Yêu chưa bịn rịn câu chào
Chưa yêu sao buộc tình vào con tim
Như là trăng sáng về đêm
Như là bóng nguyệt nằm im trong lòng
Yêu chưa nhìn giọt nắng hồng
Chưa yêu hồn lại bềnh bồng theo mưa
Như là mới gặp buổi trưa
Như là đêm xuống say sưa mơ màng
Yêu chưa sao nhớ nhẹ nhàng
Chưa yêu mà thấy bóng nàng đâu đây
Như là gió rủ đường mây
Như là lá ngủ trên cây giữa trời
Yêu chưa lòng biết yêu đời
Chưa yêu mà muốn nghe lời thiết tha
Như là nhơ nhớ người ta
Như là tơ tưởng xa xa bóng hình
Yêu chưa ngơ ngẩn một mình
Chưa yêu mà viết thơ tình tặng ai
Như là sương ủ cành mai
Như là hơi thở chia hai lạ lùng
Yêu chưa lòng vẫn ngượng ngùng
Hay là người ấy thẹn thùng chưa yêu ?

Đỗ Hữu Tài
29.10.2013

Thơ Tranh: Nụ Cười Thu



Thơ: Hoàng Dũng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xin Đừng Khẻ Tay Nhé



Anh vừa bốc đựơc môi em chín
vỏ đỏ thơm mùi trái chín cây
em thở cùng anh giấc mơ đầy
anh từ đó ôm hòai nỗi nhớ
mắt anh vướng eo mềm, ngực nở
tóc gió bay hương cỏ ngây ngây

Ước gì anh nắm được bàn tay
để anh lượn tình say khắp phố
anh vừa lượm ở ngay đầu ngõ
dáng nhỏ y nguyên bóng một người
áo dài trắng quá bóng còn tươi
anh về nhốt niềm vui bất tận

Anh mới nhặt trên vai áo nắng
sợi tóc dài, sợi tóc còn thơm
tóc cùng anh hai kẻ biết buồn
đêm xa lắc đầu thôn cuối xóm
anh vừa trộm ánh đèn đom đóm
làm ngôi sao trong mắt lung linh

Ánh mắt em ươm mộng hữu tình
anh về ngủ mơ hình tưởng bóng
anh thấy giữa trăm ngàn khỏang trống
em là em chỉ có em thôi
anh bốc thơm, em đẹp nhất đời
em đừng khẻ tay anh tội nghiệp!

Phạm Tương Như
20  11  12

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Phần Giới Thiệu Việt Sử



Nam quốc sơn hà nam đế cư        Nước nam sông núi vua nam ngụ
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư   Phân định sách thiên đã vạch rành
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?    Nếu bọn giặc thù sang lấn chiếm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!    Bọn ngươi sẽ bị đánh tan tành
                     Lý Thường Kiệt                            Quên Đi

Lời Mở Đầu

      Ghi ơn những bậc Tiền Nhân đã b rất nhiều tâm huyết ghi lại những chặn đường, những thăng trầm của Dân Tộc cho các thế hệ Con Cháu.
      Xin giới thiệu đến Quý Độc Giả ba bộ Sử có giá trị nhất của Việt Nam:
1- " Đại Việt Sử Ký Toàn Thư"
          Đây là bộ sử được các đời Sử gia nhà Hậu Lê, chủ yếu là Lê Văn Hưu, kế đến là Phan Phu Tiên, sau cùng là Ngô Sĩ Liên... Các sử Gia trên đã biên soạn chỉnh sửa bổ sung từ năm 1272 đến 1697 mới hoàn thành.
          Bộ Sử bắt đầu từ đời Kinh Dương Vương Lộc Tục đến đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê.
          Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa và cũng là một bộ sử có giá trị văn học. Các bộ quốc sử sau này của Việt Nam như Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đều được biên soạn dựa trên cơ sở của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
2- "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục"
          Đây là bộ sử được Biên soạn lại dựa vào quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Vua Tự Đức giao cho Quốc Sử Quán do Phan Thanh Giản chủ biên, dựa vào những quyển sử các đời trước nhất là quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư làm căn bản. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục được soạn từ năm 1856 đến năm 1881 mới hoàn tất. Bắt đầu từ thời Kinh Dương Vương đến cuối nhà Hậu (Lê Chiêu Thông) 1789.

3 - "Việt Nam Sử Lược "
           Trần Trọng Kim là một nhà nho theo tây học. Ông tham khảo, nghiên cứu và đối chiếu các sách sử chữ Hán có từ trước của Việt và Tàu, theo phương pháp của phương tây. Do đó bộ Việt Nam Sử Lược được biên soạn tương đối đầy đủ, rõ ràng và mạch lạc. Quyển sử bắt đầu từ thời Thượng cổ đến đời Vua Thành Thái ( Bửu Lân).
     Như đã nêu trên, bộ  " Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục" Viết theo lối Biên Niên. Tuy có những lời bình, lời ghi chú nhưng không tiện theo dõi, theo chúng tôi, nếu dùng làm tài liệu tham khảo thì tốt hơn. Riêng bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim được biên soạn rất khoa học, rất dể hiểu, tiện sử dụng trong việc giảng dạy.
          Để Quý Vị tiện theo dõi, chúng tôi sẽ tuần tự giới thiệu từng chương của quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.

      Đối với những Đọc giả muốn tìm hiểu, tham khảo trước, xin mời vào các đường dẫn bên dưới:
1- " Đại Việt Sử Ký Toàn Thư "

2- "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục"

3 - "Việt Nam Sử Lược "
- Quyển 1:


4 - An Nam Chí Lược - Lê Tắc

5 - Đại Việt Sử Lược- Tác Giả Khuyết Danh

6 - Việt Sử Tiêu Án - Ngô Thời Sĩ

7 - Đại Việt Thông Sử - Lê Quý Đôn

8 - Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn


                                                    Trân trọng kính chào 
                                 Ban Biên Tập longhovinhlong.blogspot.com

* * *

Việt Nam Sử Lược Phần mở Đầu

Lệ Thần
TRẦN TRỌNG KIM

越 南 史 略
V I Ệ T - N A M
S Ử - L Ư Ợ C
(HISTOIRE DU VIÊT-NAM)

IN LẦN THỨ TƯ
Sửa-chữa cẩn-thận

NHÀ XUẤT-BẢN
TÂN VIỆT - HANOI
In và phát-hành tại Saigon
1951

Viet Nam Su Luoc 1.djvu


Lệ thần
TRẦN-TRỌNG-KIM
VIỆT-NAM
SỬ-LƯỢC

QUYỂN I
BỘ GIÁO-DỤC
-------------------
TRUNG-TÂM
HỌC-LIỆU
xuất-bản


BỘ GIÁO-DỤC
TRUNG-TÂM HỌC-LIỆU XUẤT-BẢN
Lần thứ nhất, 1971 : 80.000 cuốn
(Thêm Phụ-lục và Sách-dẫn)

M Ụ C - L Ụ C

Tựa
Nước Việt Nam
Chương I.
Chương II.
Chương III.
Chương IV.
Chương I.
Chương II.
Chương III.
Chương IV.
Chương V.
Chương VI.
Chương I.
Chương II.
Chương III.
Chương IV.
Chương V.
Chương VI.
Chương VII.Giặc nhà Nguyên — I133 — 150
Chương VIII.Giặc nhà Nguyên — II151 — 162
Chương IX.Nhà Trần ( Thời-kỳ thứ hai )163 — 172
Chương X.Nhà Trần ( Thời-kỳ thứ ba )173 — 188
Chương XI.Nhà Hồ189 — 197
Chương XII.Nhà Hậu-Trần199 — 206
Chương XIII.Thuộc nhà Minh211 — 216
Chương XIV.Mười năm đánh quân Tàu217 — 245
Chương XV.Nhà Lê247 — 276
Phụ-lục.Phiên âm bài Bình Ngô đại-cáo277 — 280
Những-sách soạn-giả dùng để kê-cứu281
BẢN-ĐỒ
1. Nước Tàu về đời nhà Tần27
2. Nước Tàu về đời Tam-quốc45
3. Nước Tàu về đời Ngũ Quý69
4. Nước Nam khi nhà Trần chống với Mông-cổ135
BIỂU-ĐỒ
1. Ngô-triều thế-phổ83
2. Đinh-triều thế-phổ88
3. Tiền-Lê triều thế-phổ92
4. Lý-triều thế-phổ117
5. Hồ-triều thế-phổ197
6. Trần-triều thế-phổ207
7. Lê-triều thế-phổ271
TỰA

     

Sử là sách không những chỉ để ghi-chép những công-việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy-xét việc gốc-ngọn, tìm-tòi cái căn-nguyên những công-việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận-hội trị-loạn của một nước, những trình-độ tiến-hóa của một dân-tộc. Chủ-đích là để làm cái gương chung-cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh-hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm-giữ được cái địa-vị ở dưới bóng mặt trời này.




Người trong nước có thông-hiểu những sự-tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố-gắng học-hành, hết sức làm-lụng, để vun-đắp thêm vào cái nền xã-hội của tiên-tổ đã xây-dựng nên mà để lại cho mình. Bởi những lẽ ấy cho nên phàm dân-tộc nào đã có đủ cơ-quan và thể-lệ làm cho một nước độc-lập, thì cũng có sử cả. Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế-kỷ thứ XIII. Từ đó trở đi nhà nào lên làm vua cũng trọng sự làm sử. Nhưng cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan-trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một cách rất vắn-tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải-thích cái gốc-ngọn và sự liên-can việc ấy với việc khác là thế nào.
Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự-do, thường có ý thiên-vị về nhà vua, thành ra trong sử chỉ cần chép những chuyện quan-hệ đến nhà vua, hơn là những chuyện quan-hệ đến sự tiến-hóa của nhân-dân trong nước. Vả, xưa nay ta vẫn chịu quyền chuyên-chế, vẫn cho việc nhà vua là việc nước. Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ-nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích-lợi cho sự học vấn là mấy.
Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học-tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hể ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ-phú văn-chương gì cũng lấy điển-tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất-thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ-mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc-văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm-hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc-sắc, thành ra thật rõ như câu phương-ngôn: «Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!»

Cái sự học-vấn của mình như thế, cái cảm-tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở-mang ra làm sao được?
Nhưng dẫu thế nào mặc lòng, nước ta đã có sử ta thì cũng có thể bởi đó mà biết được những sự đã qua ở nước ta, và có thể bởi đó mà khảo-cứu được nhiều việc quan-hệ đến vận-mệnh nước mình từ xưa đến nay xoay-vần ra làm sao. Hiềm vì sử nước ta thì làm bằng chữ Nho cả, mà chữ Nho thì từ rày trở đi chắc rồi mỗi ngày một kém đi. Hiện nay số người đọc được chữ Nho còn nhiều, mà trong nước còn không có mấy người biết được chuyện nước nhà, huống chi mai sau này chữ Nho bỏ không học nữa, thì sự khảo-cứu về những việc quan-hệ đến lịch-sử nước mình sẽ khó biết bao nhiêu!


Nay nhân sự học ở nước ta đã thay-đổi, chữ quốc-ngữ đã phổ-thông cả trong nước, chi bằng ta lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà, ta soạn ra bộ VIỆT-NAM SỬ-LƯỢC, xếp-đặt theo thứ-tự, chia ra từng thời-đại, đặt thành chương, thành mục rõ-ràng, để ai ai cũng có thể xem được sử, ai ai cũng có thể hiểu được chuyện, khiến cho sự học sử của người mình được tiện-lợi hơn trước.


Bộ VIỆT-NAM SỬ-LƯỢC này, soạn-giả chia ra làm 5 thời-đại. Thời đại-thứ nhất là Thượng-cổ thời-đại, kể từ họ Hồng-bàng cho đến hết đời nhà Triệu. Trong thời-đại ấy, từ chương thứ III, bàn về xã-hội nước Tàu trước đời nhà Tần, phần nhiều là những chuyện hoang-đường huyền-hoặc cả. Những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại, chứ không có di-tích gì mà khảo-cứu cho đích-xác. Tuy vậy, soạn-giả cũng cứ theo sử cũ mà chép lại, rồi cũng phê-bình một đôi câu để tỏ cho độc-giả biết rằng những chuyện ấy không nên cho là xác-thực.


Thời đại thứ nhì là Bắc thuộc thời-đại, kể từ khi vua Vũ-đế nhà Hán lấy đất Nam-việt của nhà Triệu, cho đến đời Ngũ-quí, ở bên ta có họ Khúc và họ Ngô xướng lên sự độc-lập. Những công-việc trong thời-đại ấy, thì sử cũ của nước ta chép rất là sơ lược lắm. Vì rằng trong thời-đại Bắc-thuộc, người mình chưa được tiến-hóa, sự học-hành còn kém, sách-vở không có, cho nên về sau những nhà làm sử của ta chép đến thời-đại này cũng không kê-cứu vào đâu được, chỉ theo sử Tàu mà chép lại thôi. Vả, người Tàu lúc ấy vẫn cho mình là một xứ biên-địa dã-man, thường không ai lưu tâm đến, cho nên những chuyện chép ở trong sử, cũng sơ-lược lắm, mà đại-để cũng chỉ chép những chuyện cai-trị, chuyện giặc-giã, chứ các công việc khác thì không nói đến.


Thời-đại Bắc-thuộc dai-dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời-đại ấy dân-tình thế-tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn-minh của Tàu một cách rất sâu-xa, dẫu về sau có giải-thoát được cái vòng phụ-thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh- hưởng của Tàu. Cái ảnh-hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc-túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ-bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy-gội cho sạch được. Những nhà chính-trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu-tâm về việc ấy, thì sự biến-cải mới có công-hiệu vậy.


Thời-đại thứ ba là Thời-đại tự-chủ, kể từ nhà Ngô, nhà Đinh cho đến Sơ-diệp nhà Hậu-Lê. Nước mình từ thời đại ấy về sau là một nước độc-lập, tuy đối với nước Tàu vẫn phải xưng thần và chịu cống, nhưng kỳ thực là không ai xâm-phạm đến cái quyền tự-chủ của mình.


Buổi đầu, nhà Đinh, nhà Lê mới dấy lên, còn phải xây-đắp cái nền tự-chủ cho vững-bền, phải lo sửa-sang việc võ-bị để chống với kẻ thù-nghịch, cho nên sự văn-học không được mở-mang lắm. Về sau đến đời nhà Lý, nhà Trần, công-việc ở trong nước đã thành nền-nếp, kẻ cừu-địch ở ngoài cũng không quấy-nhiễu nữa, lại có nhiều vua hiền tôi giỏi nối nhau mà lo việc nước, cho nên từ đó trở đi việc chính-trị, việc tông-giáo và việc học-vấn mỗi ngày một khai-hóa ra, làm cho nước ta thành một nước có thế-lực, bắc có thể chống được với Tàu, nam có thể mở rộng thêm bờ-cõi. Nhà Lý và nhà Trần lại có công gây nên cái quốc-hồn mạnh-mẽ, khiến cho về sau đến đời Trần mạt, nhân khi họ Hồ quấy-rối, người Tàu đã toan đường kiêm-tính, người mình biết đồng tâm hiệp lực mà khôi-phục lại giang-sơn nhà. Kế đến nhà Lê, trong khoảng một trăm năm về buổi đầu, nước mình cũng có thể gọi là thịnh-trị, nhất là về những năm Quang-thuận (1460-1469) và Hồng-đức (1470-1497), thì sự văn-trị và võ-công đã là rực-rỡ lắm. Nhưng về sau gặp những hôn-quân dung chúa, việc triều-chính đổ-nát, kẻ gian-thần dấy-loạn. Mối binh-đao gây nên từ đó, người trong nước đánh giết lẫn nhau, làm thành ra nam bắc chia rẽ, vua chúa tranh quyền. Ấy thật là một cuộc biến lớn ở trong nước vậy.




Thời-đại thứ tư là Nam-bắc phân-tranh, kể từ khi nhà Mạc làm sự thoán-đoạt cho đến nhà Tây-sơn. Trước thì nam Lê, bắc Mạc, sau thì Nguyễn nam, Trịnh bắc, sự cạnh-tranh càng ngày càng kích-liệt, lòng ghen-ghét càng ngày càng dữ-dội. Nghĩa vua tôi mỏng-mảnh, đạo cương-thường chểnh-mảng: nước đã có vua lại có chúa. Trong Nam ngoài Bắc mỗi nơi một giang-sơn, công việc ở đâu chủ-trương ở đấy. Tuy vậy việc sửa-đổi ở ngoài Bắc cũng có nhiều việc hay, mà việc khai-khẩn trong Nam thật là ích-lợi. Nhưng cuộc thành-bại ai đâu dám chắc, cơn gió-bụi khởi đầu từ núi Tây-sơn, làm đổ-nát cả ngôi vua cùng nghiệp chúa. Anh em nhà Tây-sơn vẫy vùng không được 20 năm, thì bản-triều nhà Nguyễn lại trung-hưng lên, mà đem giang-sơn về một mối, lập thành cái cảnh-tượng nước Việt-nam ta ngày nay vậy.


Thời-đại thứ năm là Cận-kim thời-đại, kể từ vua Thế-tổ bản-triều cho đến cuộc Bảo-hộ bây giờ. Vua Thế-tổ khởi đầu giao-thiệp với nước Pháp-lan-tây để mượn thế-lực mà đánh Tây-sơn. Nhưng về sau vì những vua con cháu Ngài đổi chính sách khác, nghiêm-cấm đạo Thiên-chúa và đóng cửa không cho ngoại-quốc vào buôn-bán. Những đình-thần thì nhiều người trí-lự hẹp-hòi, cứ nghiễm-nhiên tự-phụ, không chịu theo thời mà thay-đổi. Đối với những nước ngoại dương, thì thường hay gây nên sự bất hòa, làm cho nước Pháp phải dùng binh-lực để bênh-vực quyền-lợi của mình. Vì những chính-sách ấy cho nên mới thành ra có cuộc Bảo-hộ.


Đại-khái đó là những mục lớn trong những phần mà soạn-giả đã theo từng thời-đại để đặt ra. Soạn-giả đã cố sức xem-xét và góp-nhặt những sự ghi-chép ở các sách chữ Nho và chữ Pháp[1], hoặc những chuyện rải-rác ở các dã-sử, rồi đem trích bỏ những sự huyền-hoặc đi mà soạn ra bộ sách này, cốt để người đồng-bang ta biết được chuyện nước nhà mà không tin nhảm những sự huyễn-hoặc. Thời-đại nào nhân-vật ấy và tư-tưởng ấy, soạn-giả cứ bình-tĩnh cố theo cho đúng sự thực. Thỉnh-thoảng có một đôi nơi soạn-giả có đem ý-kiến riêng của mình mà bàn với độc-giả, thí-dụ như chỗ bàn về danh-hiệu nhà Tây-sơn thì thiết-tưởng rằng sử là của chung cả quốc-dân, chớ không phải riêng cho một nhà một họ nào, cho nên mới phải lấy công lý-mà xét đoán mọi việc và không vị tình riêng để phạm đến lẽ công-bằng vậy.

Độc-giả cũng nên biết cho rằng bộ sử này là bộ Sử-lược chỉ cốt ghi-chép những chuyện trọng-yếu để hãy tạm giúp cho những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành ra bộ sử thật là đích-đáng, kê-cứu và phê-bình rất tường-tận, thì xin để dành cho những bậc tài-danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử. Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu-xí nhưng nó có thể làm cho ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu-niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự-tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc-hồn. Ấy là cái mục-đích của soạn-giả, chỉ có thế thôi. Nếu cái mục-đích ấy mà có thể tới được thì tưởng bộ sách này là bộ sách có ích vậy.

TRẦN TRỌNG KIM