Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

Mai Tôi Đi - Sáng Tác: Nguyễn Đình Toàn - Tiếng Hát: Khánh Ly


Sáng Tác: Nguyễn Đình Toàn
Tiếng Hát: Khánh Ly

Vương Trùng Dương Tưởng Nhớ Nguyễn Đình Toàn, Từ “Nhạc Chủ Đề” Đến “Áo Mơ Phai”

Vào giữa thập niên 1960s, khi còn ở quân trường trên Đà Lạt, với radio transistor, trong im vắng, lúc 10 giờ tối Thứ Năm, Chương Trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn, và chương trình ấy mang theo trong ngày tháng đời binh nghiệp.

Lời giới thiệu trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn mở đầu cho chương trình:


“Tình ca - những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta.

Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố”…


Tiếp đến, “Nhạc Chủ Đề” do Nguyễn Đình Toàn chọn lọc, biên soạn và đọc lời giới thiệu với những tình khúc trữ tình, giai điệu nhẹ nhàng được diễn giải như những áng văn xuôi về âm nhạc… với những giọng ca đặc biệt như Anh Ngọc, Ngọc Long, Duy Trác, Sĩ Phú, Mộc Lan, Kim Tước, Thái Thanh, Lệ Thu, Lệ Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao... Chương trình nầy đã thu hút thính giả ở miền Nam Việt Nam từ hậu phương đến tiền tuyến và đã in sâu trong tâm khảm giới thưởng ngoạn.

Theo nhà thơ Du Tử Lê: “ Nguyễn Đình Toàn di cư vào miền Nam, năm 1954, ông trở thành biên tập viên đài phát thanh Quốc Gia. (Mọi người quen gọi là đài phát thanh Sài Gòn, để phân biệt với đài phát thanh Quân Đội). Không biết có phải vì lý do công việc, hay để đánh dấu một giai đoạn khác của sự nghiệp văn chương, họ Nguyễn đã từ bỏ bút hiệu Tô Hải Vân, để dùng tên thật của mình, như bút hiệu. (Sáng tác nhạc với bút hiệu Hồng Ngọc)

Những năm đầu ở miền Nam, ngoài công việc thường lệ của một biên tập viên phát thanh, Nguyễn Đình Toàn còn cùng ký giả Phan Lạc Phúc, chủ trương một chương trình văn học, nghệ thuật cho đài phát thanh Sài Gòn...


Với những giới thiệu hay dẫn nhập bằng cách viết (cách nói) riêng của mình; nhất là qua giọng nói, như một thủ thỉ tư riêng giữa hai người, qua làn sóng điện, họ Nguyễn trở thành một thứ “người tình không chân dung” của rất nhiều nữ thính giả. Đồng thời, ông cũng là “người bạn thiết” của rất nhiều thính giả thuộc nam giới. Với lớp thính giả này, ông như người đã nói thay họ những điều họ muốn nói về tình yêu, âm nhạc, thời thế. Kể cả những điều họ không có trong đầu, trước khi nghe chương trình của ông…”.


Ca sĩ Quỳnh Giao, góp mặt trong chương trình nầy viết: 


Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ… Chương trình ăn khách và thực sự tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ, của Nguyễn Đình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy ông thầm thì với riêng mình về những cảm xúc đó. Đáng lẽ, chương trình ấy phải được gọi là “Dẫn em vào nhạc” mới phải, nhưng thời ấy chúng ta chưa dám táo bạo như thế! Qua cách nói... “hỡi em yêu dấu”, rõ là Nguyễn Đình Toàn chỉ nói với phái đẹp. Vào quãng thời gian ấy, ông còn quá trẻ để gọi thính giả nam phái là “em”!... Nguyễn Đình Toàn là nhà văn, là thi sĩ và ông giới thiệu nhạc bằng cảm nhận của nhà thơ”.


Nhà thơ Đào Trường Phúc, có thời gian làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn ghi nhận: 


“Qua làn sóng điện giữa đêm khuya thanh vắng, chương trình “Nhạc Chủ Đề” đã gửi đến thính giả những viên ngọc trác tuyệt nhất của kho tàng tình ca Việt Nam, những sáng tác bất hủ của Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Ngọc Bích, Lâm Tuyền, Phạm Duy, Hoàng Trọng, Nhật Bằng... mỗi bài hát là tặng vật vô giá mà chỉ riêng các cặp tình nhân Việt Nam mới có thể chia sẻ cùng nhau”.


Nhà văn BS Ngô Thế Vinh viết: 


“Vào thập niên 1960, có ba chương trình nhạc được thính giả yêu thích là chương trình Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tiếng Nhạc Tâm Tình do ca sĩ Anh Ngọc và Mai Thảo phụ trách, và chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Mỗi chương trình có một sắc thái hay riêng, nhưng có lẽ “Nhạc chủ đề” trên đài phát thanh Sài Gòn ngày ấy vào mỗi tối thứ Năm được chờ đợi đón nghe nhiều nhất. Những lời dẫn quen thuộc với giọng đọc trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn như nhập tâm vào mỗi thính giả:

Tình ca - những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…

Không phải chỉ có nữ giới, mà cả phái nam cũng rất mê chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ở Sài Gòn là giới thanh niên sinh viên, nơi chiến trường xa là những người lính.


GS Nguyễn Văn Tuấn từ Viện Nghiên Cứu Y Khoa Garvan Úc Châu trước và sau 1975 là một “fan” của chương trình Nhạc Chủ Đề. Anh Nguyễn Văn Tuấn viết:


 “Tôi tưởng tượng rằng như có một phép màu nào, xoay ngược lại thời gian. Kìa tôi, trong một hình hài nào đó, giữa đêm lập loè ánh điện, đang ngồi áp tai vào radio, ngồi nuốt từng lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn, thả hồn vào những giai điệu tuyệt đẹp tuyệt vời của những bản tình ca không bao giờ tàn lụi...”. Rồi mới đây sau khi nghe lại CD Tình Ca Việt Nam Nguyễn Đình Toàn 1970, anh đã phải thốt lên: “Mỗi lời dẫn cho một bản nhạc ở đây là một “nhạc thoại” một tác phẩm khác. Nó thể hiện tính thẩm văn và thẩm nhạc của người tuyển chọn là Nguyễn Đình Toàn”. Rồi cuối cùng, hai người bạn họ Nguyễn ấy như Bá Nha - Tử Kỳ cùng một kiếp tha hương, họ cũng đã gặp nhau không phải trên “một quê hương Việt Nam sợ hãi - chữ của Nguyễn Đình Toàn trong Đồng Cỏ” mà trên lục địa Mỹ Châu thênh thang tự do nhưng vẫn là lưu đầy”.

Với chương trình “Nhạc Chủ Đề” trích dẫn qua các tác giả ở trên nói lên giá trị của người thực hiện phải có tâm hồn, kiến thức về văn chương và âm nhạc… mà nay, hơn sáu thập kỷ qua vẫn được nhắc tới.



Từ “Nhạc Chủ Đề” Nguyễn Đình Toàn tiếp nối với “Tình Ca Việt Nam” từ trong nước đến hải ngoại.

Vẫn theo nhà thơ Đào Trường Phúc:


 “Tình Ca Việt Nam” là tựa đề của băng nhạc đầu tiên và duy nhất do người khai sinh chương trình “Nhạc Chủ Đề” - nhà văn Nguyễn Đình Toàn - thực hiện vào năm 1970. Ngày đó trên quê hương chúng ta, compact disc và video chưa xuất hiện, mới chỉ có hình thức “bande magnetique”, và các phòng thâu băng cũng chưa có những thiết bị kỹ thuật tối tân để lọc âm thanh, ghép tiếng hát... Nhưng ngày đó cơn lốc chiến tranh đã cuốn hàng triệu người tuổi trẻ tù thành phố ra sa trường và đưa lửa đạn mịt mù từ sa trường về thành phố. Giữa giông bão chiến tranh, trong nỗi mong manh bọt bèo của thân phận con người và số phận đất nước, những ca khúc bất hủ của kho tàng tình ca Việt Nam được ghi lại và cất lên qua những giai điệu tuyệt vời nhất, vào giai đoạn thăng hoa nhất của những tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú, Võ Anh Tuấn, tiếng dương cầm của Nghiêm Phú Phi và Lê Vũ Lê Văn Chấn, tiếng vĩ cầm của Đan Thọ, Tuấn Khanh, Phạm Văn Phúc, Đào Duy... tiếng clarinette của Đỗ Thiều và Lê Đô, tiếng đại hồ cầm của Nhật Bằng, nhịp trống của Trần Quang Mây...


Hơn ba mươi năm sau, khi khối người Việt Nam lưu lạc nơi hải ngoại đã chuyển tiếp từ thế hệ thứ nhất qua thế hệ thứ hai, rồi thế hệ thứ ba, “Tình Ca Việt Nam” mới được in và phát hành lần đầu tiên dưới hình thức CD. Nguyễn Đình Toàn gửi đến thính giả mười lăm bài hát cũ của chương trình “Nhạc Chủ Đề” trên làn sóng điện của đài phát thanh Sài Gòn, cùng lúc với tuyển tập ca khúc thứ hai do ông sáng tác “Tôi Muốn Nói Với Em”…

Ba mươi quá đủ dài để dập vùi bao nhiêu cuộc đời, xé nát bao nhiêu giấc mơ, cuốn phăng bao nhiêu ân tình, nhưng vẫn chưa và có lẽ chẳng bao giờ xóa sạch được dấu vết kỷ niệm trên ký ức của những người đã lạc nhau trong một cuộc bể dâu. Ba mươi năm trước, khi viết lời giới thiệu “Hướng Về Hà Nội”, Nguyễn Đình Toàn nhắn nhủ rằng sự chia lìa hai thành phố trên cùng một đất nước cũng đớn đau y như cuộc phân ly giữa những cặp tình nhân sinh ra đời để yêu nhau…”


Theo nhạc sĩ BS Phan Anh Dũng: 


“Tình Ca Việt Nam”, chương trình nhạc do Nguyễn Đình Toàn chọn lọc và ra mắt năm 1970. Sau khi tìm được cho chị (nhà văn Bích Huyền), tôi mới có dịp nghe trọn CD. Quả là một chương trình hay: toàn những bản nhạc nổi tiếng, hòa âm hay (tiêu chuẩn thời ấy) với ban nhạc Nhật Bằng, lời giới thiệu của Nguyễn Đình Toàn ngọt ngào, kỹ lưỡng cho từng bản nhạc, với những giọng ca hàng đầu lúc ấy như Thái Thanh, Sĩ Phú, Lệ Thu, Duy Trác… Tôi nghĩ Nguyễn Đình Toàn cố ý chọn một giọng ca “lạ”, Võ Anh Tuấn, hát với phát âm miền Nam bài “Dạ Khúc” của Nguyễn Mỹ Ca. Ông cũng tạo ngạc nhiên cho thính giả với song ca nam Sĩ Phú & Duy Trác hát “Tình Khúc Cho Em” của Lê Uyên Phương”…

Trong thời gian Nguyễn Đình Toàn vẫn tiếp tục sáng tác và nhiều lần tổ chức những buổi sinh hoạt âm nhạc, ra mắt sách của tác giả.


***


Nguyễn Đình Toàn tài hoa trong lãnh vực văn học nghệ thuật từ truyện, thơ, nhạc, kịch trong nhiều thập kỷ từ trong nước và hải ngoại.

Riêng về truyện, trước năm 1975 ở Sài Gòn đã ấn hành nhiều tác phẩm: Chị Em Hải (1962), Những Kẻ Đứng Bên Lề (1964), Con Đường (1967), Ngày Tháng (1968), Phía Ngoài (1969), Giờ Ra Chơi (1970), Đêm Hè (1970), Đêm Lãng Quên (1970), Không Một Ai (1971), Đám Cháy (1971), Tro Than (1972)…

Với tác phẩm Áo Mơ Phai đã mang lại niềm vinh dự trong sự nghiệp cầm bút, đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1973 và cũng là tác phẩm, sau năm 1975 bị kết tội phản động nên bị tù! (Khi ông định cư ở Mỹ, ấn hành Tiểu Thuyết 1: Áo Mơ Phai, Con Đường, Tro Than. Tiểu Thuyết 2: Đồng Cỏ, Giờ Ra Chơi, Ngày Tháng – Người Việt ấn hành, hiện còn trên Amazon).


Trong quyển Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ của họa sĩ Tạ Ty, “Nguyễn Đình Toàn & Nỗi Buồn Trước Mặt” ghi:


“Nguyễn Đình Toàn mang tuổi trẻ đi vào tình yêu, như kẻ hành hương gian nan đi tìm thánh địa trong tâm tưởng. Mỗi nhân vật được nhà văn dùng tới hình như đã mang sẵn một bản án, một quyết định nên mọi diễn trình của nhân vật đều ôm theo nỗi bi đát của định mệnh. Hình ảnh cô liêu làm băng hoại suy nghĩ. Mỗi nhân vật dưới nét mực Nguyễn Đình Toàn được đẩy vào con đường không định sẵn hướng đi. Mỗi số phận cứ lần từng bước trong vũng tối của tâm linh và trở thành mù loà trước ám ảnh, dục vọng! Từng bước của nhân vật như đi vào miền lưu đày vĩnh viễn…

Nguyễn Đình Toàn, nhà văn luôn luôn khao khát hạnh phúc, nhưng tâm hồn lại trôi giạt vào vùng trời bất hạnh, ở đấy, hạnh phúc chỉ là phiền muộn! Con người đã biến thành trò chơi của Tạo hóa, nó bị lưu đày vào từng hố thẳm của ưu tư và bất lợi cho số mệnh an bài. Không một tác phẩm nào của Nguyễn Đình Toàn mở ra với ánh sáng, hầu như bao giờ nó cũng khỏa lấp vào u tối của oan trái, khắc nghiệt!”.

Áo Mơ Phai là truyện dài feuilleton thứ 13 trên nhật báo Xây Dựng năm 1971. Trước đó có những truyện dài viết feuilleton như Con Đường trên nhật báo Tự Do, Đồng Cỏ trên nhật báo Chính Luận và những truyện dài khác trên nhật báo Tiền Tuyến. Tác phẩm Áo Mơ Phai, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành năm 1972, tác phẩm với 300 trang gồm 9 Chương.


Nhân vật chính trong truyện là Lan, cô nữ sinh thơ ngây, trong trắng, nhí nhảnh với cuộc tình chớm nở với Quang. Những lần gặp nhau, đi bên nhau dạo phố phường Hà Nội rất đẹp, dễ thương thế rồi sau Hiệp Định Genève, chia đôi hai miền Nam/Bắc bao tang thương, phân ly ập đến, đứt ruột đành bỏ nơi chốn thân yêu để di cư vào Nam. Nhưng có thể hiểu “nhân vật chính” là Hà Nội trong trái tim của tác giả.


 

 

Trong bài viết của nhà văn BS Ngô Thế Vinh cho biết:


“Khi viết bài điểm sách Áo Mơ Phai, Huỳnh Phan Anh, đã nhận định: “Phải nhìn nhận rằng yếu tố 'truyện' là cái gì quá nghèo nàn trong Áo Mơ Phai, truyện dài. Một độc giả bình thường có thể thất vọng sau khi đọc Áo Mơ Phai. Người đọc có thể xếp cuốn sách lại với nỗi bàng hoàng nào đó, có lẽ người đọc sẽ khó thâu tóm 'câu truyện' mà tác giả đã dùng trên 300 trang sách để kể. Có thể câu truyện thật sự của Áo Mơ Phai không thể tách rời khỏi từng trang Áo Mơ Phai, nghĩa là không thể giản lược tóm thâu mà không làm mất ý nghĩa của nó. Có thể vì câu truyện thực sự của Áo Mơ Phai là cái gì chưa hoàn tất, nói một cách nào đó, hãy còn vắng mặt, hãy còn hứa hẹn.” (Văn Học 10/02/1974). 

Cũng trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói về kỹ thuật xây dựng Áo Mơ Phai như một tác phẩm tâm đắc của mình: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”


Trong buổi mạn đàm với Hoàng Khởi Phong trên RFA (9/10/2006), khi được hỏi về Áo Mơ Phai, Nguyễn Đình Toàn bày tỏ:


 “Có những người thức thời, nhìn xa trông rộng, có thể tiên đoán dự liệu được những biến chuyển của thời cuộc, dĩ nhiên có những điều họ tiên đoán cũng có điều sai. Mà đúng hay sai thì chỉ khi nào sự việc xảy ra thì họ mới biết được. Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết”.  (HKP Mạn Đàm Với NĐT, RFA 9/10/2006)

Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri” (Ngô Thế Vinh).


Mở đầu tác phẩm ghi “Hà Nội 1954


Tháng Sáu chưa hết, nhưng mùa Thu đã đầy hơi lạnh. Buổi chiều từ trong văn phòng bước ra tới cửa Tòa Đô Chính, Quang đã có thể trông thấy sương mù trên mặt hồ Gươm…”.

Từ Chương Một đến Chương Chín, tác giả viết về Hà Nội trong những năm trước, mô tả từng con đường, góc phố, quán xá Hà Nội rất chi tiết, khi đọc mường tượng Hà Nội ngày tháng cũ từng thời tiết đến khung trời Hà Nội.

“Ở Hà Nội các khu phố không xa nhau lắm, nên đi xe đạp trong thành phố là một cái thú. Nhất là về mùa Thu. Trời vẫn nắng đầy nhưng không còn nồng nực. Gió heo may đã thổi về là sẽ ở lại cho đến khi những trận gió lạnh của mùa Đông ào đến cuốn đi mất. Trừ những khu phố như Hàng Ngang, Hàng Đào hay Tràng Tiền, hầu hết các phố khác ở Hà Nội đều có bóng cây che hai bên lề đường. Và đi từ phố này sang phố khác là đi dưới những bóng mát và những xác lá rụng đầy đường, mặc dù những người phu lục lộ sáng nào cũng đã quét đường từ lúc trời còn sớm tinh mơ”

(Chương Một”)


“Hà Nội đẹp và quyến rũ nhờ ở cái khí hậu đặc biệt của nó, trong mỗi mùa người ta có thể thấy được cái giây phút đầu tiên của ngày giao mùa, mùa Hè sẽ dịu đi dần dần, cho đến một ngày người ta cảm thấy những trận gió chứ không còn là sự vận chuyển của những đám hơi nồng như ngày hôm trước, và như thế là mùa Thu đã lẩn khuất đâu đó. Nhưng khi mùa Thu thực sự trở lại thì người ta bao giờ cũng thấy như là mình đã nhận ra một cách quá muộn màng, bởi vì chỉ sau một trận heo may thổi vào giữa đêm khuya, trận gió nhiều người đã chờ đón để lắng nghe hoặc sự thay đổi đột ngột của thời tiết đã khua thức người ta trở dậy, bàng hoàng vì cái hơi lạnh đã ùa vào trong phòng, người ta có thể tự nhủ mùa Thu đã trở về, nhưng sáng hôm sau thức dậy nhìn ra ngoài cửa sổ, ra đường người ta đã thấy mùa Thu không phải chỉ mới khởi đầu mà đã tràn vào đầy Hà Nội”.

(Chương Ba)


“Lan muốn được đi lại nhiều lần trên khắp mọi con đường, đi chẳng để làm gì cả, nhưng đối với riêng mình, Lan muốn ghi nhận lấy hình ảnh từng khu phố, từ bao nhiêu năm nay, nàng đi lại, lớn lên, trong bóng của nó, nhưng nàng lại chẳng bao giờ nhìn rõ một nơi nào cả, nàng đi lại giữa thành phố, như đi giữa một nửa có thật một nửa giả, những buổi sáng nắng chói, những buổi chiều u ám những tháng mưa giông, những ngày Đông lạnh lẽo, nhưng tất cả những sự đổi thay bên ngoài, Lan nhận ra lòng mình vẫn nguyên vẹn là tấm gương trong sáng…

Bỗng nhiên trong những ngày gần đây, Lan có cảm tưởng các bóng dáng của những hình ảnh nhìn thấy, cái lạnh lẽo ấm áp của thời tiết, cảm thấy bắt đầu báo hiệu sự đổi thay của nó, trên tấm gương lặng lẽ kia dường như chúng đang dần dần thoát ra khỏi tầm chiếu, tầm nhận ảnh của tấm gương, Lan lo sợ nghĩ rằng, một ngày nào đó, phải xa nơi này, nó sẽ chẳng còn sót lại một bóng hình nào của cái vùng trời bao la thân ái này nữa, tấm gương tự nó sẽ mờ tối, cái ánh sáng trong đáy sâu của tâm khảm nàng sẽ tắt, chẳng còn gì chiếu rọi cho nhìn thấy những hình ảnh của quá khứ, nhìn thấy bằng những lời thầm lặng ai oán”

(Chương Bốn)


Lan thường nghĩ sống ở Hà Nội là sống trong những kỷ niệm đổi thay về thời tiết. Người ta thở chung cái hơi thở của mùa màng, ấm lạnh theo từng nhịp biến chuyển của khí trời, một đời sống đầy vẻ mơ hồ đôi khi Lan có cảm tưởng huyễn hoặc chừng như nàng vươn vai cao lớn ngang với bầu trời sương muối, đôi lúc nàng thấy mình tan biến trong quãng không của khu vườn mùa Đông lạnh ngắt, có những buổi chiều Lan không biết rõ mình thức hay ngủ, bỗng nghe tiếng chuông nhà thờ rền vang từ phía xa, nàng run lật bật tưởng chừng như khắp người đang bị dư âm của những hồi chuông dội vang làm rung lên, có đêm giao thừa theo bố mẹ đi lễ trong Đền Ngọc Sơn, khói hương của những người đi lễ chen chúc trong Đền và ngay ngoài sân đến thắp lên dày đặc làm thành một màn sương bay thẳng lên các tàn cây mọc quanh sân đền, tiếng chuông trống ép trong ngực, và đám khói làm cho ngây ngất có lúc Lan tưởng không thở được, nàng chới với níu lấy tay mẹ, hai chân bước líu ríu gần như không chạm tới mặt đất nữa, Lan thấy hệt như mình đã biến thành một đám khói”

(Chương Năm)


 “Tháng bẩy, rồi tháng tám qua mau lẹ như những trận mưa đổ xuống không giờ giấc trong những đêm khuya, những buổi chiều, Hà Nội chỉ trong một thời gian ngắn giống hệt như một thân thể mất dần những hồng huyết cầu. Người Hà Nội bỏ đi và Hà Nội đang ở trong tình trạng mắc chứng hoại huyết…

Hà Nội võ vàng trong cơn bệnh xâm chiếm đột ngột. Từ những vùng quê xa, từng đoàn người lam lũ, lặng lẽ, ngày ngày gồng gánh, dắt díu nhau lếch thếch kéo về Hà Nội nằm la liệt tại các công viên, các vỉa hè, đầy ắp trên sân Tòa Thị Chính, để được đưa đi tới các phi trường, bến tàu, di cư vào Nam...

Trong nhiều ngày, Lan có cảm tưởng cơn bệnh của thành phố, của những hàng cây lây sang nàng, Lan thấy chân tay nặng nề không muốn cử động, hơi thở khó khăn.

Nàng mong đợi ngày đi để đi cho xong, cầu nguyện cho ngày khởi hành đừng đến vội, để còn được ở lại đây thêm nữa, ở lại Hà Nội, chia sẻ nỗi đau đớn của Hà Nội, sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, rũ rượi với Hà Nội, rõ ràng là Hà Nội đang kiệt sức, những giọt mưa đọng trên các cành cây, những ngọn lá, chẳng khác Hà Nội khóc…

Ở Hà Nội các khu phố không xa nhau lắm, nên đi xe đạp trong thành phố là một cái thú. Nhất là về mùa Thu. Trời vẫn nắng đầy nhưng không còn nồng nực. Gió heo may đã thổi về là sẽ ở lại cho đến khi những trận gió lạnh của mùa Đông ào đến cuốn đi mất. Trừ những khu phố như Hàng Ngang, Hàng Đào hay Tràng Tiền, hầu hết các phố khác ở Hà Nội đều có bóng cây che hai bên lề đường. Và đi từ phố này sang phố khác là đi dưới những bóng mát và những xác lá rụng đầy đường, mặc dù những người phu lục lộ sáng nào cũng đã quét đường từ lúc trời còn sớm tinh mơ”

(Chương Chín)


Tác phẩm Áo Mai Phơ, ngay cả tựa đề cũng khó hiểu về nội dung, tác giả chỉ đề cập đến vài nhân vật như ông bà Nam với cô con gái Lan vị thành niên với người tình là Quang trong những lần rong chơi để mô tả về nơi chốn Hà Nội.

Ông bà Nam xuất hiện ở Chương Ba, ông là nhà giáo, ông bà chỉ trò chuyện với con gái trong cuộc sống thường tình. Ông ưu tư trước thời thế và lo lắng những điều bất ổn xảy ra trong nay mai. Và, điều đó xảy ra trong giờ khắc nghiệt ngã khi phân chia đất nước!


Trong truyện ngắn Đêm Giã Từ Hà Nội của nhà văn Mai Thảo mô tả giờ phút cuối cùng khi rời Hà Nội nhưng trong Áo Mai Phai với câu kết: “Nàng cũng mong mỏi một buổi chiều nào, ngồi ở bao lơn đó, nàng sẽ trông thấy Quang đi tới. Lan không gọi, nhưng Quang cũng sẽ ngửng lên, và trông thấy nàng. Họ sẽ phải gặp nhau một lần cuối cùng như thế trong Hà Nội, rồi có sẽ gặp nhau ở nơi xa xôi nào khác nữa không, là việc sau.   Lòng mong đợi gay gắt đến nỗi, đã có khi làm Lan tưởng như nàng sẽ chết thật, sẽ không thể nào thở được nữa. Nhưng cái hơi thở hổn hển đó còn kéo dài mãi, dài như những trận gió heo may thổi quanh Hà Nội, thổi vào Hà Nội, trải dài hơn những hàng cây đang để trơ dần những cành gầy guộc, khẳng khiu. Tưởng tượng mạnh mẽ đến nỗi, có một lần Lan đút mấy ngón tay mình lên miệng, và nàng có cảm tưởng chúng cháy bùng như những cây nến”.


Theo ông, Áo Mai Phai coi như tác phẩm tâm đắc vì “Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi”.


Trong bài Hồi Tưởng của Nguyễn Đình Phương Uyển, con gái tác giả:


 “Áo Mơ Phai, miêu tả chi tiết về quang cảnh Hà Nội. Chi tiết đến từng góc phố, từng con đường, từng mùi hương. Hà Nội qua ngòi bút của ông đẹp như tranh thế mà Cộng Sản lại bỏ tù ông vì tác phẩm nầy. Giải thưởng từ tay Tổng Thống nghĩa là bố tôi nợ máu với Việt Cộng nhiều hơn ai hết thảy”.

Ông bà Nguyễn Đình Toàn có 4 người con: Nguyễn Đình Thức, Nguyễn Đình Tri, Nguyễn Đình Phượng Uyển, Nguyễn Đình Thư. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Bà Tú Xương của Nguyễn Đình Toàn – vĩnh biệt chồng con, cháu… ngày 15 tháng 2 năm 2021, hưởng thọ 79 tuổi. Trước đó, ông bị bệnh hoạn, sức khỏe yếu kém rồi sau khi mất người bạn đời, tình trạng sức khỏe của ông rất thê thảm! Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.


Ông đã vĩnh viễn ra đi nhưng để lại di sản văn học nghệ thuật quý báu cho người ở lại.



Little Saigon, November 30, 2023

Vương Trùng Dương

Nhà Văn, Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn: Trọn Đời Mang Theo "Quê Hương Thu Nhỏ" - Kalynh Ngô/Người Việt (Hoàng Yến Sưu Tầm)



 Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Tài liệu Người Việt)

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tác giả bài hát nổi tiếng “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” và từng một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, vừa qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.

Nửa đêm về sáng Thứ Tư, 29 Tháng Mười Một, tin nhắn từ chị Nguyễn Đình Phượng Uyển, con gái của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, cho hay: “Ông đã đi rất thanh thản.”Vậy là, sau 87 năm “bước lạc sa xuống trần,” “người tình không chân dung” (theo cách gọi của cố thi sĩ Du Tử Lê) của hàng triệu thính giả miền Nam Việt Nam trước 1975 đã trở về với “Quê Hương Thu Nhỏ” của ông.

Chương trình “Nhạc Chủ Đề”

“Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người, bao giờ cũng được bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau. Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta. Em đâu ngờ, anh còn nghe vang tiếng em, trong tất cả tiếng động ngù ngờ nhất, của cái ngày sung sướng đó, tiếng gió mây thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố…”

Lời giới thiệu trên rất quen thuộc với những ai đã lớn lên ở Sài Gòn, sống và thở với khói lửa chiến tranh, tâm hồn được sưởi ấm bằng nền văn học nghệ thuật miền Nam. Tiếng nói trầm ấm ấy là của nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975.

“Mỗi tuần, tôi và nhóm bạn nữ của trường Gia Long lại tụ họp nhau ở nhà của một người, háo hức chờ đón nghe chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn. Đó là một trời hoa mộng của chúng tôi,” bà Thảo Hà Nguyễn, từ Maryland, nói về ký ức thời áo trắng của bà dưới sân trường miền Nam ngày cũ.

Những ngày tháng đó, cứ mỗi tối Thứ Năm, trên đài phát thanh Sài Gòn, tiếng nói của ông lại vang lên, ru thính giác người nghe vào những ca khúc trữ tình bằng lời nói ngọt ngào, tình tứ về những cuộc tình được ươm mầm, sinh ra, lớn lên, rồi… chết, chết trong bất tử, trên chính mảnh đất quê hương. Ông chuyển đến thính giả các ca khúc với lời giới thiệu truyền cảm, tình tứ và nhẹ như tơ.

Thơ và văn

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 Tháng Chín, 1936, tại huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1954, ông di cư vào Nam.

Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, và bút ký. Tác phẩm “Áo Mơ Phai” của ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973.

Ông cũng viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo miền Nam Việt Nam như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, và Tiền Tuyến.

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn có bút hiệu ban đầu là Tô Hà Vân nhưng thành danh với tên thật và cũng là bút hiệu của ông sau này. Lời giới thiệu của ông trong chương trình Nhạc Chủ Đề luôn cuốn hút thính giả, truyền tải đến người nghe bằng những ngôn từ trau chuốt, êm như thơ, như nhạc. Đó là vì ông vốn là một nhà thơ, nhà văn.

Giới yêu thơ của những năm 1960 say mê nhân vật Phạm Thái và Trương Quỳnh Như trong bài thơ “Khúc ca Phạm Thái,” một bài thơ phổ thành kịch thơ, nằm trong tập thơ “Mật Đắng” mà sau này, vì một lý do riêng, ông đã đốt hết.

Ngày gặp lại ông ở Little Saigon, trong căn nhà nhỏ chứa đầy sách vở, ông kể lại, năm vừa ngoài 20 tuổi, ông bị lao phổi nặng. Khi ấy, ông và người vợ tào khang, “Tú Xương” Nguyễn Thị Thu Hồng vừa có người con đầu lòng. Ông bị ho ra máu, sức khoẻ suy yếu và thường bị ám ảnh bởi cái chết.

“Lúc đó, tôi sợ lắm rồi, tôi thật sự không muốn theo công việc (viết) ấy nữa. Tôi đốt hết những gì tôi viết. Cuối cùng có một người bạn mang đi được đoạn cuối cùng của vở kịch. Phạm Thái và Trương Quỳnh Như là mối tình không thành. Họ yêu nhau nhưng không lấy nhau.”

Thời ấy, giới yêu văn học miền Nam biết đến ông với tác phẩm nổi tiếng “Áo Mơ Phai” đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973, còn gọi là giải thưởng Tổng Thống Thiệu.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn di cư vào Nam năm 1954. Hơn 300 trang của “Áo Mơ Phai” là dự cảm của một người yêu Hà Nội nồng nàn về một thành phố sắp không còn nữa.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và phu nhân (hàng đầu, thứ nhất và thứ nhì, từ phải sang trái) trong Đêm Nhạc Nguyễn Đình Toàn “Môt ngày sau chiến tranh” tổ chức tại phòng sinh hoạt báo Người Việt, Tháng Tư, 2019. (Hình: Văn Lan/ Người Việt)

Chính tác giả đã nói về tác phẩm của mình trên một Tạp Chí Văn Học năm 1974: “Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”

Sau năm 1975, ông bị bắt và “tù cải tạo” 10 năm mới được thả. Năm 1998, ông cùng gia đình xuất cảnh sang Mỹ, định cư ở Nam California, và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Hơn 30 năm sau khi Áo Mơ Phai ra đời, tại Đài Á Châu Tự Do (RFA) ở Washington DC, nhà văn Nguyễn Đình Toàn chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết.”
Chính ông cũng không ngờ, khoảng 30 năm sau, Áo Mơ Phai lại mang đến cho ông “giải thưởng thứ hai” trên quê hương thứ hai. Có lẽ giải thưởng này, ý nghĩa hơn rất nhiều với ông, người đã chịu 10 năm “tù cải tạo,” nhiều lần “bước chân xuống thuyền bỏ lại quê hương,” theo lời ông nói.

Một buổi sáng Tháng Tư của năm 2019, ngay tại Little Saigon, nơi ông định cư từ năm 1988 theo diện đoàn tụ gia đình, người nghệ sĩ kể lại.
“Năm 1975 vào, họ bắt hết những nhà văn, tịch thu hết sách vở. Tôi cũng bị như thế. Huy chương này, khi họ làm biên bản thì họ mang theo. Tôi nghĩ là họ sẽ cất làm tài liệu về hoàn cảnh đất nước lúc đó. Tôi không ngờ sau đó, hơn 10 năm sau, có một người, không biết ở đâu, chỉ biết là ở Mỹ, gọi điện thoại cho tôi, nói là ‘cháu có mua được một huy chương từ một chỗ bán đồng nát. Cháu thấy tên của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà nên cầm lên xem, khi lật ra mặt sau thì thấy tên của bác.’ Anh ấy xin tôi địa chỉ và đến vào đúng ngày lễ của Cha (Father’s Day). Anh ấy đến tận đây, đưa tôi cái này và nói ‘coi như cháu trao giải này lần thứ hai cho bác’.”

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và phu nhân, bà Nguyễn Thị Thu Hồng. (Hình: Nhiếp ảnh gia Mai Dung)


‘Quê Hương Thu Nhỏ’

Những lần mà người nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn phải đau đớn tìm cách bước chân xuống tàu, tách lìa ra khỏi quê hương mình, ông thú nhận mình đã mang theo nỗi sợ hãi khôn cùng vì đối diện với sương đêm. Ông sợ cái chết và sợ cả phải dứt bỏ cái gì rất thiêng liêng.

“Khi sống với cảm giác ấy, tôi có cảm tưởng như mình đứng không vững nữa, tức là mình chênh vênh trên một cái gì đó. Từ đó trở đi chắc là mình đứng không vững nữa, mà quả thật là như vậy,” ông nói.

“Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy. Như cái cây mà bị bứng ra khỏi đất của nó đó, thì mang sang trồng sang chỗ nào khác thì nó cũng có thể sống được, nhưng hoa trái của nó sẽ không còn mang cái vị của nó nữa. Thành ra, khi người ta ước mơ người ta đi thì có nghĩa là cái đất nó đã chua rồi. Chỉ có đi thì may ra còn nuôi được, chứ tình cảm trong đó thì đã chết hết.”

Và từ đó, ông không viết văn nữa. Không viết nữa vì: “Tôi gọi là đất đã chua cành đã chết rồi, không có cây nào mọc được nữa rồi. chỉ có một giống nào đó cấy với nhau thì nó mới mọc được.”

“Nó giống như người không có chỗ trú thân. Tách rời ra khỏi quê hương, từ bỏ quê hương thật của mình thì chỗ khác không thể nào thay thế được đâu.”

Trong nhạc phẩm, và cả thơ ca của nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn, ông chưa bao giờ tách lìa tình yêu trai gái ra khỏi tình đất nước. Hai lần, ở hai thời điểm, hai địa điểm khác nhau, ông đều nói: “Tình yêu quê hương và tình yêu trai gái gần như là một. Khi thu nhỏ lại thì là tình của hai người, nhưng cũng cái tình ấy khi phóng lớn lên thì nó là tình hoài hương.”

“Quê Hương Thu Nhỏ là ca khúc ông viết sau năm 1975. Lúc đó, “không còn cách nào khác,” theo cách diễn đạt của ông về Sài Gòn không còn nữa. Ông muốn tìm một hình ảnh nào đó mà có thể trọn vẹn ôm gọn ý nghĩa một “quê hương thu nhỏ.”

“Tôi nhớ hình ảnh một người phụ nữ, kiếm sống bằng cách hằng đêm, bà thắp đèn hột vịt, bày ra chiếc bàn nhỏ, bán thuốc lá. Cho dù lúc đó tiền ăn không có, ai hút thuốc lá làm gì,” ông kể.

“Hình ảnh đó tôi cho là quê hương thu nhỏ của mình, để người viễn xứ mang cho vừa đó mà.”

Không cần lớn lao, không cần vĩ đại. Tình yêu quê hương của người nghệ sĩ chỉ cần là một ánh đèn dầu heo hắt bên xa lộ, với cuộc sống mưu sinh cơ hàn trên chính mảnh đất quê hương, nay đã không còn.

Huy chương Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa mà nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận được cho tác phẩm “Áo Mơ Phai.” (Hình: Kalynh Ngô)

Người nghệ sĩ hơn 80 tuổi, mắt ông đã nhoà hơn xưa rất nhiều, tay đã run, nhưng những gì thuộc về quê hương của ông thì bất tử trong tâm trí.
Ông nói: “Người nghệ sĩ là cuống rốn của quê hương. Nếu tách lìa nhau thì người nghệ sĩ không còn là nghệ sĩ nữa.”

35 năm trước, ông đã đi để giữ quê hương trong sâu thẳm một góc cuộc đời mình. Ông đi để nhớ mãi những đêm hè, quán nhạc. Ông đi để còn có thể gọi tên “người tình” của mình, “người tình” mà ông gọi là Sài Gòn.
35 năm sau, ngày 28 Tháng Mười Một, ông lại ra đi một lần nữa.

Chị Nguyễn Đình Phượng Uyển, người kịp từ nước Úc bay về bên cạnh ông những ngày cuối cùng, nói rằng: “Ông đã chiến đấu cho cuộc đời mình. Ông rất dũng cảm. Đã ba, bốn lần thập tử nhất sinh, nhưng ông đều vượt qua. Hôm nay, ông đã nhẹ nhàng, thanh thản đi gặp mẹ của tôi.”

Hành trang của ông lần này, chắc chắn ông vẫn mang theo “Quê Hương Thu Nhỏ” của mình. [kn]

Kalynh Ngô/Người Việt
(Hoàng Yến sưu tầm)

Tình Khúc Thứ Nhất - Thơ: Nguyễn Đình Toàn Nhạc: Vũ Thành An Tiếng Hát: Đình Lộc

 

Thơ: Nguyễn Đình Toàn
Nhạc: Vũ Thành An
Tiếng Hát: Đình Lộc

Nguyễn Gia Việt Xin Cúi Đầu Tiễn Ông Nguyễn Đình Toàn


Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn vừa qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối thứ ba, 28/11/2023, tại bịnh viện Fountain Valley, Huê Kỳ

Thiệt là khó khăn khi viết vài dòng tiễn biệt một người mà cá nhân tôi rất thích, về thơ văn, về suy nghĩ, về lịch sử Miền Nam và Sài Gòn, có chút ảnh hưởng tới suy nghĩ của tôi

Mà nói thiệt, thơ văn, nhạc của Nguyễn Đình Toàn không phải người nào nghe cũng thích, mà không phải nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ nào cũng được địa vị như ông

Cám ơn ông Nguyễn Đình Toàn đã xuất hiện trên cuộc đời này!

Nói tới Nguyễn Đình Toàn thì nhiều người biết và cũng không nhiều bạn sẽ thích, vì ông đa tài, từ viết văn, làm thơ, viết kịch và nhạc đều có, nhưng nhạc ông kén người nghe, nhưng nghe quen sẽ thấm và ghiền

Câu nhạc "Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên" là của Nguyễn Đình Toàn

Nghe nhạc ông sẽ phảng phất cái buồn thân phận, bừng tỉnh lương tâm, hừng hừng khí thế

Nguyễn Đình Toàn là một người gốc Bắc nhưng gắn với Sài Gòn Việt Nam Cộng Hòa một thời, ông là một trí thức tiểu biểu của Miền Nam

Những câu chữ của ông thể hiện sự tài hoa và hào khí của một thời, kể cả sau những ngày 30/4 câu chữ của ông vẫn hiên ngang vững chắc

Có hai bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Toàn mà ai cũng nhớ vì được Vũ Thành An phổ nhạc

"Tình khúc thứ nhất" làm người ta thổn thức

"Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế"
Ôi! Tình vui theo gió mây trôi…....!

“Em đến thăm anh đêm 30” cũng là một bài thơ tình diễm lệ của đất Sài Gòn

"Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em"

Những ngày Tết của cái năm xa xăm nào đó ở tại đô thành Sài Gòn, một chàng trai giữa đất trời sắp giao mùa,chuyển qua thời khắc quan trọng đã hân hạnh dược "em" ghé thăm trong niềm vui bất tận và chuyện tình của họ có người phu quét đường làm chứng

Câu "Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?" là một câu hay không bút mực nào diễn tả

Người phu quét đường mộc mạc, hồn quê cùi cụi, cái đất Sài Gòn hồn nhiên của chúng ta

Qúa là thương Sài Gòn, nhớ hồi đó, cái thời xưa thiệt xưa!

Khi thấy mệt hãy nghe nhạc đặng giữ lòng cho thanh thản, cho lòng mình thả ra, bay về mọi thứ mà mình thấy bình an, vùng vẫy trong mọi niềm vui

Tôi có thói quen nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn từ hồi còn xuân xanh , những năm còn là sinh viên, nghe lần đầu thấy chát chát, lần sau thấy ngại ngần nhưng thấm rồi thích, như ăn sấu riêng, ăn bún mắm vậy, ghiền đó !

"Gió trời xin ngủ bình yên
Coi như giấc mộng ưu phiền đấy thôi
Mây cao với mắt trông vời
Soi gương trán bỏng, quên người tôi đi. "

Đêm nghe Nguyễn Đình Toàn để thả lòng mình ra, bung ra, buồn thì cứ dãn mình ra, thất vọng chất ngất gì đó để rồi hãy vui lại, có niềm hy vọng trong những lời cuối của ca từ

“Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người, bao giờ cũng được bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau.

Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta. Em đâu ngờ, anh còn nghe vang tiếng em, trong tất cả tiếng động ngù ngờ nhất, của cái ngày sung sướng đó, tiếng gió mây thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố.

Ngần ấy những tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh, một thưở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm vang lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa trở về, gió cuốn từng cơn nhớ, anh bỗng nhận ra, anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố.”

Bạn thử vừa uống trà vừa nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn đi, nghe rỉ rả , nghe tỉ tê, bạn sẽ thấy yêu quê mình nhiều lần hơn nữa

"Đêm thao thức mây đưa
Đêm rưng rức sao thưa
Quanh mình nghe đã lạ
Ai xa đã xa chưa
Ai quên đã quên chưa
Thôi nặng lòng chi nữa"

Không thương quê, không thương dân tộc mình không được vì nó quá đáng thương, nó đã trầy vi tróc vẩy nhiều lắm rồi

"Ngày đau thương kia ta còn nhìn thấy mình
Trong tấm gương đầy nước mắt"

Đứng giữa trời đất này đôi lúc tiếc, cái phận người Việt của mình sao quá là truân chuyên, lận đận, lao đao tan nát

Vậy tương lai nào cho xứ Việt của chúng ta?

Chúng ta phải làm sao cho quê mình bớt đau thương, bớt rên xiết? Câu hỏi này nhiều người đã hỏi , vậy ai trả lời cho chúng ta?

"Có tay nào che nổi trời mưa
Cho vai đừng ướt nặng bơ vơ
Hãy nói với đêm khuya
Một lời nói nhỏ
Tình là chi mà nhiều khi chôn được ở lòng ta
Tình là chi mà nhiều khi chôn lại nở thành hoa"

Đâu có dễ, định lòng "chôn" chặt rồi, nhưng rồi tình sẽ bung ra, mở ra muôn hướng, tình riêng còn có tình chung, gói trọn quê nhà trong đó,không ai chọn được nơi mình sanh ra hết, đã trót là sẽ đeo bám trọn đời

"Có chăng một ngày
Quê hương ta không còn hận ngăn ghét trói
Đớn đau sẽ nguôi
Đói no cũng vui
Biết buông sầu oán vơi thương đầy
Nhìn nhau ra người cũng một đời thôi"

Tôi thích nhạc Nguyễn Đình Toàn hơn cả Phạm Duy, Trịnh Công Sơn vì ông Toàn cứ nhét quê hương của tôi vào mấy bài ca của ông, như xát muối vào lòng dạ người Việt khắp nơi, cuối mỗi bài nhạc ông lại nhen nhúm sự hy vọng về một ngày nào đó

Người Việt trong nước càng đau nhiều hơn ông ơi!

"Thèm miếng khoai ngày đói
Hỏi áo xưa mòn vai
Và từng đêm nghe gió lay
Khi nao ta về tới
Soi trong gương sầu ấy
Có còn ta nữa hay là ai?"

Có những nỗi buồn thân phận, đời người những bước ngoặt của lịch sử, đó là nghịch cảnh quê hương mà không có cuốn sách nào,dòng chữ nào, ,ý tưởng nào diễn tả hết

Thời gian cứ trôi mà người thì cứ già, không sợ chết mà chỉ sợ chẳng làm gì được đã chết rồi

"Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha
Người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba
Rụng cùng mùa…"

Đời phức tạp nhưng suy ra quá đơn giản, chỉ có sống và chết thôi, hơn thua một hơi thở, như cái bóng đèn gió qua cái vèo tim tắt,lửa mất…đèn tối tui

Hoa tươi, hoa đẹp có ngày hoa héo, hoa tàn, hoa rụng

Nhưng hãy giữ lòng với quê hương mình dù mình có vô danh, có buồn bực,có tả tơi ước mơ, có phút nào đó muốn quên mọi thứ

“Ở đó có lá cuốn dây ngoài song, có giếng nước soi trời trong, có gió mát đêm bình yên, có những tiếng chuông gần lắm…..."

Cái cảnh "Ngày về quê xa lắc lê thê" hay"Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai” đã hiện diện trên quê hương Việt Nam này rồi

Nhưng có lẽ rồi cũng sẽ qua,sẽ có một cánh cửa khác, con đường sẽ từ từ mở ra, còn người là còn mọi thứ, chúng ta "khốn khó quyết nuôi tình duyên đã trốn thoát qua nhiều phen"

Nhớ hoài hai câu:

"Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến"

Nguyễn Đình Toàn, một nhân cách vẹn toàn đã giữa lửa, giữ niềm tin , nhắc cho người Việt chữ "thân phận" và "quê hương" qua những dòng thơ, nhạc

Xin cám ơn ông nhiều lắm! Xin tiễn biệt nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn!

Nguyễn Gia Việt 
(Đình Lộc chuyển)

Về Lại Nhà Xưa! ( Đức Hùng Thương Tiếc, Tưởng Niệm Danh Sĩ Nguyễn Đình Toàn)


(Bài Hát Nói cảm ơn những đóng góp nghệ thuật và thương tiếc, tưởng niệm Danh Sĩ Nguyễn Đình Toàn (06/09/1936 – 28/11/2023) vừa mới qua đời tại California, Hoa Kỳ)

Anh “vẫn nhớ Căn Nhà Xưa bên khu vườn cải”!
“Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái”! Giờ mãi còn đây!
Trong tâm tưởng của mỗi người Việt Nam ngưỡng mộ tròn đầy!
Giọng nói, thơ, văn, nhạc, Tình Khúc Thứ Nhất làm ngất ngây biết bao thế hệ!

Vết nứt rêu tường xanh nhỏ lệ!
Trời trong giếng nước lặng yên soi!
Ôi! Sâu thẳm độc đáo lời nhạc “rất Nguyễn Đình Toàn” hiếm hoi!
Anh đã “trốn thoát qua nhiều phen! Khốn khó quyết nuôi tình duyên”!

Và bây giờ! Anh “đã thấy nghĩa trang kề bên”!
Nhưng Lá Mơ sẽ chẳng bao giờ phai trên ấy dù Anh đã về chốn hư không!
“Đổi màu xanh lấy hương nồng”!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 01/12/2023

Em Và Trăng - Thơ: Vĩnh Chánh - Nhạc: Võ Tá Hân - Ca Sĩ: Vân Khánh


Thơ: Vĩnh Chánh
Nhạc: Võ Tá Hân
Ca Sĩ: Vân Khánh

Minh Thúy Thương Tiếc Nhạc Sĩ Đình Toàn

 

Nhạc sĩ Đình Toàn bỏ chớm đông
Còn đây tác phẩm tiếc trong lòng
Thương tình độc giả buồn yêu bạn
Thấm cảnh hiền thê khổ khóc chồng
Gió lạnh đìu hiu lùa trước ngõ
Mưa sầu ảm đạm rớt ngoài song
Trầm ngâm quán tưởng Sinh rồi Lão
Bệnh, Tử am tường lẽ Sắc, Không

Minh Thúy Thành Nội
Tháng 12/1/2023

Thông Ðiệp Từ Thánh Seraphim

Lấy nước từ dòng suối trong
Nơi con ngựa uống sẽ không sai lầm
Ðặt giường nơi chú mèo nằm
Ăn hoa quả chín sâu tầm bò qua
Côn trùng chọn nấm giúp ta
Trồng cây ở chỗ chuột đà dũi lên
Xây nhà nơi rắn nằm trên
Giếng đào ở chỗ móng nền chim phơi
Thức, ngủ, cùng giấc chim trời
Ngày vàng gặt hái thảnh thơi an lành
Ăn nhiều rau củ màu xanh
Trái tim, chân cẳng, tựa anh hổ rừng
Thường xuyên bơi lội biển, sông
Như đi trên cạn theo dòng nước suôn
Thường xuyên nhìn ngắm mây luôn
Bao điều lo lắng nỗi buồn sẽ tan
Lắng nghe, nói ít, là vàng
Tâm hồn tĩnh lặng bình an tràn đầy!

Y Thy

102423 - Phỏng dịch và chuyển thơ.
Ảnh: Ngựa hoang ở Assateague Island National Seashore



Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

Hoa Đêm


Hồn chìm tưởng nhớ xa xăm 
Hoa đêm thức giấc âm thầm tỏa hương 
Bâng khuâng vỗ giấc mộng thường 
Nụ quỳnh bẽn lẽn uống sương đêm về


Thơ Và Ảnh: Kim Phượng


Sài Gòn Một Trời Kỷ Niệm

 
Hai tiếng Sài Gòn cứ vấn vương
Nhớ từng kỷ niệm rất thân thương
Nhớ hàng xóm cũ chung con hẻm
Nhớ bạn bè xưa một mái trường
Nhớ buổi nắng mưa luôn bất chợt
Nhớ ngày hưng phế thật vô thường
Nhớ trưa giã bộ cùng chung lối
Lẽo đẽo theo em suốt quãng đường


Nhất Hùng



Nếu Có Một Ngày

  

Nếu có một ngày
Tình cờ gặp lại
Mình nhận ra nhau?
Hay qúa ngỡ ngàng

Không phải là chàng
Không là người yêu
Mấy chục năm qua
Vẫn nhớ đến nhiều

Giờ tuổi xế chiều
Dẫu ta hội ngộ
Chắc là không đâu
Kỷ niệm phai mầu!

Nhìn nhau ngỡ ngàng
Hoàn cảnh trái ngang
Mỗi người một hướng
Mỗi người một đường
Ta lại chia lìa
Mỗi đứa một phương

Như Nguyệt
Feb. 28th, 2018

Khúc Ngâm - Khúc Sầu

 

Xướng:

Khúc Ngâm

Ta giục hồn thơ tỏ ý sầu
Đầy vơi tâm sự gửi về đâu
Thu tàn lá rụng vùi trong nắng
Màu úa vàng rơi phủ nhịp cầu
Đất rượu trời thơ ngâm họa khúc
Tao nhân mặc khách vịnh hòa câu
Tỉnh say ngây ngất men thi tứ
Rót hết cho nhau nỗi đớn đau!

Ngọc Bội
***
Họa:

Khúc Sầu

Lá úa vàng thu rõ nỗi sầu
Người xa xứ cũ biết về đâu
Đau thương đất mẹ còn mưa bão
Khổ hận dòng sông mất nhịp cầu
Khắc khoải thơ thu sầu vạn khúc
U hoài nhạc ý nghẹn từng câu
Chưa lưng chén rượu mà rơi lệ
Cả tấm lòng ta thấm nỗi đau!

Hàn Thiên Lương

Khúc Nhạc Jazz



Jazz dập dồn yêu thương
từng nốt chiều da diết
Trên hàng cây nhấp nhô những
những ngọn nắng cuối cùng
Jazz lời em cuộn từng giọt hơi
thở một chiều lang thang
Bước đi chậm vòng tay lưng mái tóc
Jazz như còn nhớ mãi nhịp sống
bềnh bồng hôm nay
Em và ta, trong mắt vời xa thẳm
Jazz buồn cơn sóng một quãng đời
cuồng điên
Sao nói lên được vết hằn thời gian
tha thiết
Jazz chập chờn căn phòng ấm,
nhỏ hơi sương ngoài cửa sổ lặng yên
Giấc ngủ say trưa nồng thơm nhẹ
Tiếng kèn còn lắng đọng, phố mênh mang
trống vắng vỉa hè
Jazz thả hồn về muôn lối
Theo điệu buồn mãi mãi vẫn lênh đênh
Tiếng bước chân nhịp rền xa vắng
cuối lòng đường hun hút đêm sâu
Nơi đó tình ai vừa thức giấc
Đợi nao nao ngày mới muôn màu.


Lê Mỹ Hoàn
4/2023
(cảm tác lắng nghe một khúc nhạc Jazz)

Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 1 豐樂亭遊春其一 - Âu Dương Tu (Bắc Tống, Liêu)


Âu Dương Tu ( 歐陽修, sinh ngày 1 tháng 8, 1007 mất ngày 22 tháng 9, 1072), tự là Vĩnh Thúc, hiệu "Tuý Ông", là nhà thơ kiêm nhà sử học nổi tiếng thời Tống ở Trung Quốc).

Quê ông ở Lư Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Năm Thiên Thánh thứ 7 (1030), ông đỗ đầu khoa thi tiến sĩ; từng giữ các chức quan Hàn lâm học sĩ, Xu mật viện phó sứ, Tham tri chính sự... Dưới thời vua Tống Thần Tông, làm Binh bộ Thượng thư, khi mất được đặt tên thụy là Văn Trung.

Âu Dương Tu là một nhà vân nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm từ xuất sắc đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại “thi thoại" (bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân,...), cuốn "Lục Nhất thi thoại" là cuốn thi thoại đầu tiên của Trung Quốc. Ông còn viết những bài rất nổi tiếng như Túy Ông đình ký. Mai Thánh Du thi tập, Thu Thánh Phú. Bằng đảng luận. Vì thế, Âu Dương Tu tự xưng mình là "Lục nhất cư sĩ" (cư sĩ với sáu cái "một": một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già).

Thuở thiếu thời

Khi Âu Dương Tu mới 4 tuổi, cha bị bệnh mất, bà mẹ dẫn ông đến Tùy Châu (nay là huyện Tùy, Hồ Bắc) dựa vào người chú để mưu sinh. Mẹ Âu Dương Tu quyết tâm cho ông học hành, nhưng nhà nghèo, không có tiền mua giấy bút. Bà thấy trong cái ao trước nhà có mọc nhiều cói, liền dùng cọng cói thay bút dạy Âu Dương Tu viết chữ trên đất bùn. Cậu bé Âu Dương Tu được mẹ giáo dục từ nhỏ nên sớm yêu thích đọc sách.

Khi lên 10 tuổi, Âu Dương Tu thường xuyên đến 1 nhà có nhiều sách trong làng mượn sách đọc và chép lại những đoạn thấy hứng thú. Một lần, ông đến mượn sách của nhà họ Lý, phát hiện thấy trong đống giấy cũ 1 cuốn sách nhàu nát. Ông giở xem, thấy đó là văn tập của Hàn Dũ, 1 nhà văn nổi tiếng đời Đường, liền mượn chủ nhà, đem về đọc.

Đầu đời Tống, trong xã hội có xu hướng ưa chuộng lời văn hào nhoáng mà coi nhẹ nội dung. Vì vậy, văn phong thời này chú trọng sự đẹp đẽ của ngôn từ nhưng rất trống rỗng, nghèo nàn về nội dung. Âu Dương Tu sau khi đọc tản văn của Hàn Dũ , thấy văn chương lưu loát, lập luận thấu triệt khác hẳn với văn chương thịnh hành đương thời. Ông ra sức nghiền ngẫm, học tập văn phong của Hàn Dũ. Khi trưởng thành, ông tới Đông Kinh thi tiến sĩ, đỗ đầu 3 vòng thi. Khi mới hơn 20 tuổi, tiếng tăm của Âu Dương Tu đã vang dội trên văn đàn.

Làm quan

Sau khi Phạm Trọng Yêm cải cách chính trị thất bại, bị gạt bỏ khỏi triều đình, biếm trích xuống phương nam, người cộng sự của ông là Phú Bật, Hàn Kỳ cũng bị cách hết quan chức. Những người đồng tình không dám ra mặt bênh vực họ Phạm. Chỉ có mình Âu Dương Tu dám dâng sớ lên Tống Nhân Tông, nói: "Từ xưa tới nay, kẻ xấu hãm hại người tốt, đều vu cáo người tốt là bè đảng, chuyên quyền. Phạm Trọng Yêm là nhân tài quan trọng của quốc gia, cớ sao lại bị bãi miễn. Nếu bệ hạ tin theo lời kẻ xấu thì chỉ khiến kẻ xấu đắc ý, quân thù vui mừng". Âu Dương Tu tuy không giữ chức quan cao, nhưng rất quan tâm đến triều đình và mạnh dạn can gián hoàng đế.

Cao Nhược Nạp cho rằng Phạm Trọng Yêm bị biếm trích là đúng. Âu Dương Tu rất phẫn nộ, viết 1 lá thư kịch liệt công kích hắn là kẻ không biết liêm sỉ. Vì việc đó, ông bị giáng chức, điều về địa phương, 4 năm sau mới được trở lại kinh thành. Lần này, Âu Dương Tu lại đứng ra bênh vực tân chính của Phạm Trọng Yêm, khiến bọn quyền quý trong triều nổi giận. Chúng tìm mọi chứng cớ vu vơ, gán cho Âu Dương Tu một số tội danh. Triều đình lại biếm Âu Dương Tu đi Từ Châu (nay là huyện Từ, An Huy).

Từ Châu là nơi có phong cảnh đẹp, 4 xung quanh là núi. Đến Từ Châu, ngoài những giờ làm việc công, Âu Dương Tu thường du lãm sơn thủy. Có tòa đình trên Lang Nha Sơn làm nơi nghỉ cho du khách. Âu Dương Tu thường tới tòa đỉnh đó uống rượu. Ông tự xưng là "Túy ông" (ông già say) và đặt tên cho tòa đình đó là "Túy Ông đình". Bài tản văn "Túy Ông đình ký" của ông là 1 kiệt tác được người đời truyền tụng, đến cả Tống Nhân Tông cũng vô cùng yêu thích văn chương của ông.

Cải cách văn phong đương thời, phát hiện nhân tài

Âu Dương Tu làm quan địa phương hơn 10 năm trời. Sau Tống Nhân Tông vì quá mến mộ văn tài, mới triệu về kinh thành, phong làm Hàn lâm học sĩ. Sau khi nhận chức, Âu Dương Tu ra sức đề xướng việc cải cách văn phong.

Một lần, kinh thành tổ chức khoa thi tiến sĩ, ông được cử làm chủ khảo. Thấy đây là 1 cơ hội để cải cách văn phong lựa chọn nhân tài. Âu Dương Tu đọc kĩ các quyển thi, thấy quyển nào chỉ có hình thức hào nhoáng mà nội dung trống rỗng thì đánh trượt hết. Kết quả khóa thi, một số người không đỗ rất căm tức Âu Dương Tu. Một hôm, ông cưỡi ngựa đi ra đường, bị 1 đám thí sinh bị đánh trượt ngăn lại, ồn ào chửi mắng và gây sự. Sau nhờ có lính tuần tra đến giải tán, ông mới được vô sự.

Qua việc đó, văn phong trong thi cử nhờ đó mà có biến chuyển lớn. Mọi người đều theo xu hướng viết những bài văn có nội dung sâu sắc, lời lẽ giản dị. Âu Dương Tu không những chỉ ra sức cải cách văn phong, mà còn chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Rất nhiều người vốn không nổi tiếng lắm, nhờ được ông tán thưởng và tiến cử, đều trở thành những danh gia, như: Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân (và hai con là Tô Triệt và Tô Đông Pha).

Trong lịch sử văn học, người ta ghép Âu Dương Tu và 5 người trên cùng với Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên thời Đường thành 1 danh sách, gọi là "Đường Tống bát đại gia" (8 tác gia văn xuôi lớn đời Đường - Tống).

Nguyên tác Dịch âm

豐樂亭遊春其一 Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 1

綠樹交加山鳥啼 Lục thụ giao gia sơn điểu đề, 晴風蕩漾落花飛 Tình phong đãng dạng lạc hoa phi. 鳥歌花舞太守醉 Điểu ca hoa vũ thái thú tuý, 明日酒醒春已歸 Minh nhật tửu tinh xuân dĩ quy.

Chú giải

Bài thơ này là một trong một chuỗi ba bài Lạc Phong đình du xuân 1, 2, 3.
加 gia: chất thêm, như vũ tuyết giao gia 雨雪交加 mưa tuyết cùng chất thêm lên.
蕩 đãng: lay động.
漾 dạng: nước sóng sánh.
* Gió tạnh: gió lúc trời tạnh mưa
** 太守 thái thú**: chữ đời Hán dùng chỉ quan đứng đầu một quận, đời Đường gọi là thứ sử, đời Tống gọi là tri châu. Ở đây tác giả mượn chữ đời Hán để gọi một chức quan của đời Tống (tri huyện).

Dịch nghĩa

Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 1

Cây xanh giao cành chim núi kêu, Trời tạnh, nước sóng sánh, gió lay làm hoa rụng bay. Chim ca, hoa múa, quan thái thú say rượu, Ngày mai, khi tỉnh rượu, xuân đã qua mất rồi.

Dịch thơ

Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 1

Cây biếc giao cành chim núi ca, Nước nhăn gió tạnh* thổi bay hoa. Chim ca hoa múa thái thú** khướt, Sáng mai tỉnh rượu xuân đã qua./.

Lời bàn trích trong Thi Viện

Phong Lạc đình ở dưới núi Đại Phong, cách thành Trừ một dặm về phía tây, do Âu Dương Tu xây khi làm tri châu tại Trừ Châu, thời đó là một thắng cảnh của Trừ Châu. Khi đình xây xong, tác giả còn viết một bài Phong Lạc đình ký trong kể nhân tình và phong thổ của đất này như sau: “Đất Trừ nằm vào giữa Giang Hoài, nơi thuyền xe buôn bán của khách bốn phương; nếu khách bốn phương không đến, dân sống không bằng gì khác, cơm áo yên vào đồng ruộng mương máng, để sống thì vui chết thì đưa”. (Hết trích. Coi như Âu Dương Tu quảng cáo cho Phong Lạc đình)

Con Cò bàn thêm:

Hai câu 1 & 2 vẽ sơ qua một cảnh gồm những cây xanh mọc sát cạnh nhau (giao cành); có chim núi đậu hót; có gió tạnh (gió xuân nhưng không có mưa) làm nhăn mặt nước và thổi bay hoa.

Hai câu 3 & 4 phác họa một cảnh rất thanh thoát: hãy tưởng tượng một ông quan thái thú (quan tri châu xứ Trừ Châu họ Âu) rất lạc quan, tay cầm bầu rượu, vừa uống vừa du xuân thâu đêm trong cảnh hoa bay như múa, chim kêu như ca; tới khi tỉnh rượu thấy xuân đã hết rồi.

Bài thơ này không chỉ chứa đựng những thứ ấy. Nó còn cho biết ông quan thái thú này tính tình rất phóng khoáng: trong tình trạng bị biếm mà không buồn nản, lại còn xây ở địa phương một Phong lạc đình và lo tới cơm áo của dân trong huyện. Hình ảnh của họ Âu trong bài Du Xuân ở đình phong lạc kỳ 1 bao gồm: Một ông quan thái thú thân dân; một người lạc quan trong mọi hoàn cảnh; một thi sĩ có nghệ sĩ tính; hình như có ẩn ý (dân cùng say với thái thú)

Con Cò
***

Nguyên tác: Phiên âm:

豐樂亭遊春其一 Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 1
歐陽修                Âu Dương Tu

綠樹交加山鳥啼 Lục thụ giao gia sơn điểu đề
晴風蕩漾落花飛 Tình phong đãng dạng lạc hoa phi
鳥歌花舞太守醉 Điểu ca hoa vũ thái thú túy
明日酒醒春已歸 Minh nhật tửu tinh xuân dĩ quy

Sách xưa nhất đời Tống, Tống Nghệ Phố Tập - Minh - Lý Cổn 宋藝圃集-明-李蓘 , đăng chỉ có 2 thủ. Sách đời Thanh, Ngự Tuyển Tống Kim Nguyên Minh Tứ Triêu Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選宋金元明四朝詩-清-聖祖玄燁 đăng 3 thủ. Sách Tống Thi Sao - Thanh - Ngô Chi Chấn 宋詩鈔-清-吳之振 đăng đủ 3 thủ và cho nhiều dị bản.


Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 2 
Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 3

Ghi chú:

Phong Lạc Đình: vị trí là dưới chân Phong Sơn (nay là Lang Nha Sơn狼牙山) Trừ Châu, An Huy, do Âu Dương Tu xây cất. Theo trang Bách Khoa Bách Độ Phong Lạc Đình_Baidu Bách Khoa, Đình Phong Lạc nằm bên cạnh suối Tử Vi dưới chân núi Phong Sơn thuộc khu du lịch Lang Nha Sơn, thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy, được xây dựng khi Bắc Tống Âu Dương Tu làm Thái thú Trừ Châu. Trang Phong Lạc Đình Ký (arteducation.com.tw) viết Phong Lạc Đình được Âu Dương Tu xây dựng ở phía bắc thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy sau khi ông bị giáng chức đến làm việc ở đây. Như thế Âu Dương Tu xác nhận chính ông xây Phong Lạc Đình.
Giao gia: thêm vào như nêm gia vị
Đãng dạng: nhấp nhô như trên mặt nước
Thái thú: chữ đời Hán dùng chỉ quan đứng đầu một quận, đời Đường gọi là thứ sử, đời Tống gọi là tri châu. Ở đây tác giả dùng thái thú để chỉ chính mình, không chính thức chỉ một chức quan đời Tống.

Dịch nghĩa:

Viếng Đình Phong Lạc Mùa Xuân Kỳ 1

Cây cối xanh tươi xen lẫn tiếng chim hót líu lo,
Gió xuân thổi những cánh hoa rơi bay khắp nơi dưới bầu trời trong xanh .
Chim hót, hoa bay, quan thái thú say rượu (khung cảnh mùa xuân tươi đẹp),
Mãi đến hôm sau khi tỉnh rượu mới nhận ra mùa xuân sắp hết.

Dịch thơ:

Viếng Đình Phong Lạc Mùa Xuân Kỳ 1

Cây cỏ xanh tươi chim hót vang,
Trời trong gió thổi lá lang thang
Chim ca hoa múa người say xỉn.
Tỉnh lại hôm sau xuân sắp tàn.

Spring Visit to Feng Le Pavilion by Ou Yang Xiu

Vegetation was lush green, intertwined with the chirping of mountain birds,
Under the clear blue sky, winds blew fallen petals in all directions.
Birds sang, flowers danced, and I, magistrate of Chuzhou, was drunk,
Not until waking up the next day, did I realize that spring was coming to an end.

Phí Minh Tâm
***
Đi chơi xuân ở đình Phong Lạc.

1/
Chim hót rừng cây lá thắm dày,
Trời trong sóng gợn gió hoa bay.
Chim ca hoa múa quan say sỉn,
Tỉnh rượu xuân tàn lúc sớm mai.

2/
Chim núi hót cây xanh tiếp nối,
Gió trong lành sóng nổi hoa bay.
Chim ca hoa múa quan say,
Sớm mai tỉnh rượu mới hay xuân tàn.

Mỹ Ngọc 
Nov.23/2023.
***
Viếng Xuân Bên Đình Phong Lạc (Kỳ 1)

Chim hót, cây xanh cành chạm nhau
Gió lay hoa rụng, nước nhăn nhàu
Chim/hoa ca hát, quan nâng rượu
Sáng tỉnh xuân phai, rượu cạn bầu

Kiều Mộng Hà
Nov23rd2023
***
Chơi Xuân Ở Đình Phong Lạc, Kỳ Nhất

Cây biếc giao nhau, chim núi ca,
Trời trong, gió nhẹ cuốn bay hoa,
Chim kêu, hoa múa, quan say khướt,
Mai sáng, rượu tàn, xuân đã qua.

Bát Sách.
(Ngày 24/11/2023)
***
Du Xưân Đình Phong Lạc, Kỳ 1

Cây biếc giao cành chim núi kêu
Gió lay hoa rụng cánh bay nhiều
Chim ca, hoa múa, quan say khướt
Tỉnh rượu sớm mai xuân đã tiêu!

Lộc Bắc
***
Tiếc Nuối Xuân Sang

Cây cành đan kết biếc xanh, 
Núi rừng thiên điểu tiếng thanh vang lừng. 
Xuân phong xao động ngoài bưng, 
Muôn huê rơi rụng, khắp cùng xác bay. 
Hoa lay, chim hót đắm say, 
Rượu nồng, thái thú ngất ngây quên đời. 
Chừng mai, hết xỉn tỉnh rồi, 
Chúa Xuân khuất dạng - gót dời từ khuya...

Khánh-Hưng
***
Xuân Trôi

Chim vui ca hót cỏ xanh tươi
Gió thổi hoa bay lượn khắp trời
Xuân đẹp say tình quan thái thú
Hôm sau tỉnh rượu thấy Xuân trôi

Thanh Vân
***
Tiếc Xuân...

Cây xinh hòa lẫn chim ca
Trong lành gió hát lá hoa lay cành
Rơi rơi khắp chốn trời xanh
Quan say ngất ngưởng thâu canh rượu tàn
Sớm mai tỉnh giấc ngỡ ngàng
Ngày đi tiếc nuối xuân tàn vụt qua.

Kim Oanh