Thứ Ba, 19 tháng 3, 2024

Yêu - Nhạc: Trần Thiện Thanh - Tiếng Hát: Đình Lộc


Nhạc: Trần Thiện Thanh 
 Tiếng Hát: Đình Lộc

Giấc Nồng


Thơ chạm hồn thơ tiếng lặng thinh
Con tim nức nở giọng u tình
Ồ không là đấy chiêm bao đấy
Chợt tỉnh trong mê bỗng giật mình

Kim Phượng

Chào Xuân


Chào Xuân nở rộ bên trời
Tinh khôi lộc biếc đơm chồi ươm hoa
Sương trong nắng rực sáng loà
Đàn chim ríu rít hát hoà yêu thương

Chào Xuân cỏ mướt bên đường
Cây bông giấy đỏ cổng trường nở mau
Cùng thêm sắc tím chen nhau
Có vài cánh rụng chạnh đau lòng người

Chào xuân dạo bước mỉm cười
Tranh ngời nét đẹp tô đời đáng hôn
Bao nhiêu cảm xúc dâng hồn
Bướm vờn ong lượn mắt còn đắm say

Chào xuân mở rộng vòng tay
Muốn ôm níu cảnh mộng gầy dệt xinh
Nâng niu mấy nụ trắng trinh
Cành hồng, chậu cúc dâng tình thơm hương

Chào xuân vạn vật chuyển thường
Mai Đào tươi thắm lạc vườn mơ phai
Chờ thêm tiếng pháo nổ dài
Tình Xuân hạnh phúc bên ai ngập về

Minh Thuý Thành Nội



Niệm Phật A Di Đà

Thơ & Trình Bày: Minh Lương


Ca Phê Thứ Bảy

 

Em chẳng bao giờ thích uống cà phê,
Nhưng thứ bảy em theo anh ra quán,
Anh muốn bên em phút giây thư giãn,
Giữa ồn ào của phố xá cuối tuần.

Anh đưa em đến La Madeleine,
Chọn một bàn nhỏ mình ngồi bên nhau,
Những bàn ghế nâu, tường nhà màu nâu,
Cà phê nâu bưng ra còn hơi khói.

Ly chocolate nóng cho em. Anh gọi.
Anh và em riêng trong một không gian,
Mời em điểm tâm với bánh Croissant,
Bánh mới nướng thơm giòn mùi bơ Pháp

Anh chiều em mua thêm phần bánh ngọt,
Orange dream Cake màu vàng cam ngon,
Uống chocolate nóng chắc phai môi son
Ăn miếng bánh chắc mùi son bay mất.

Anh vẫn thích cuộc đời là sự thật,
Đâu vì màu son, màu phấn điểm trang,
Chốc nữa hôn em anh sẽ thích hơn,
Vì đôi môi em có mùi vị ngọt.

Thứ bảy có nhiều cuộc tình hò hẹn,
Có ai vào quán cà phê như mình?
Niềm vui đôi khi không tốn nhiều tiền,
Ly cà phê đủ cho tình gần lại.

Anh vẫn thích cuộc đời là thứ bảy,
Một ngày thảnh thơi trọn vẹn cho nhau,
Vào quán cà phê chia từng giọt sầu,
Chung từng giọt vui có em tri kỷ.

Cà phê với em. Tình yêu chỉ thế,
Không xa hoa, không mơ mộng hoang đường,
Em cũng thích đời đơn giản dễ thương,
Thứ bảy sau lại cùng anh ra quán.

Nguyễn Thị Thanh Dương

 

Thơ Tình Anh Tặng Riêng Em

 

Giành hết ngọt ngào riêng tặng em
Câu thơ suối nhạc hôn mê khen
Câu hò cấy lúa non trăng gió
Câu tình dâng hiến mộng ăn quen

Giành hết khổ đau buồn riêng anh
Bóng bay bóng đậu bóng dỗ dành
Qua cầu nước chảy không bong bóng
Đom đóm chập chờn bóng hoa chanh

Giành hết thiên hương riêng em thơm
Bao nhiêu tiên nữ khóc ghen hờn
Van xin nhặt chút tinh anh điệu
Ướp mật ngọt ngào đỉnh vu sơn

Giành hết đói nghèo riêng anh thơ
Mây trôi gió thoảng khói sương mờ
Đường mưa ngõ nắng phai màu áo
Tóc rụng lưng trời bể xác xơ

Giành hết tình thơ tiên em đền
Ngàn năm khéo tu được chung tên
Trời long đất lở thêm hương lửa
Giành hết ngọt ngào riêng tặng em ...

MD.04/20/12
LuânTâm

The Good Samaritans

  

Hồi gia đình tôi còn ở căn nhà cũ, garage nằm ở phía sau nhà. Bữa chiều đó vợ chồng vừa về đến nhà sau khi đón hai đứa nhỏ tan học, thì tá hỏa thấy cửa garage vẫn mở tang hoang, chắc là buổi sáng lu bu nên vội chạy xe ra ngoài mà quên kéo cửa garage. Tôi đang xem xét mọi thứ có mất gì không thì hai vợ chồng hàng xóm da trắng, ở phía đối diện sau nhà, bước qua mỉm cười thân thiện. Thực ra, nhà của họ ở phía đường bên kia, nhà tôi phía đường bên này, chỉ có hai cái garage hai nhà mới là... hàng xóm của nhau, nên chúng tôi chưa bào giờ có dịp đối mặt nói chuyện, chỉ là thỉnh thoảng lúc chạy xe đi làm, đúng lúc họ luẩn quẩn trong garage hoặc đang làm vườn thì gật đầu chào nhau mà thôi. Người chồng đứng ngay cửa garage, bắt chuyện:
-          Cô quên kéo cửa garage từ buổi sáng.
-          Dạ, tôi lu bu với hai đứa nhỏ trên xe nên đã quên.
-          Nhưng cô đừng lo, đồ đạc trong garage còn y nguyên vì đã có tôi dòm chừng.
Tôi trố mắt ngạc nhiên, tưởng ông hàng xóm nói đùa, nhưng bà vợ đã kịp chen vào:
-          Cô may mắn đấy thôi, bữa nay ổng được nghỉ làm, nên ngồi ngoài garage cả buổi sửa xe nhân tiện để mắt qua garage nhà cô.
Thế là từ đó tôi biết tên hai vợ chồng là Jerry và Wendy. Rồi cỡ hơn một tháng sau, khi gia đình tôi đang quay quần ăn bữa cơm tối thì Jerry đến gõ cửa trước nhà, tôi ngạc nhiên:
-          Có chuyện gì vậy Jerry ?
-          Laura nè, nhà cô lại quên kéo cửa garage nữa đấy.
-          Không thể nào! Sáng nay tôi đã nhìn rất kỹ sau khi chạy xe ra ngoài.
-          Đúng vậy, buổi sáng cô có đóng, nhưng ý tôi là mới đây, cửa garage vẫn mở, tôi nhìn qua, thấy đủ hai chiếc xe, rồi đợi thêm gần nửa tiếng vẫn không thấy cửa garage đóng lại, nên tôi đi qua đây báo tin nè.
Lúc này chồng tôi mới thú nhận:
-          Là lỗi tại tôi, hồi nãy tôi là người về nhà sau cùng, đúng lúc có người gọi phone nên tôi ra khỏi xe đi thẳng vào nhà. Cám ơn Jerry thật nhiều.

Nhà của Jerry là một căn nhà cũ, nhưng nhờ khéo tay mà Jerry biến nó thành căn nhà xinh xắn, mỹ thuật, đẹp mắt, ai đi ngang qua cũng phải dừng lại ngắm. Jerry còn là handy man yêu thích sửa xe, thỉnh thoảng nếu không ở miếng vườn nhỏ trước nhà thì y như rằng Jerry đang ngồi ngoài garage với ngổn ngang dụng cụ xe cộ. Có lần hai vợ chồng tôi đi bộ ngang qua, thấy Jerry say sưa chăm chút một giàn hoa leo, tôi khen thật lòng:
-          Trời, nhìn khu vườn nhà ông, tôi thấy đời đẹp hơn nhiều.
Jerry cười hài lòng nói “thank you”, đúng lúc bà vợ Wendy bưng ra khay bánh muffin còn nóng hổi, đưa Jerry một cái, và mời cả hai vợ chồng tôi, còn bỏ thêm hai cái vào túi giấy bảo đem về cho hai đứa nhỏ. Wendy cười rạng rỡ:
-          Bánh ngon không? Ngày mai tôi đem qua Nhà Thờ làm Bake Sale đó!
-          Oh,  Angelican Church ngày đầu ngã tư phải không, tôi sẽ ghé mua ủng hộ muffin của Wendy để cám ơn Jerry đã nhắc nhở chúng tôi chuyện cái cửa garage, vì tôi vẫn... rình rập nhà của ông bà, hy vọng có ngày ông bà quên đóng garage để tôi được canh chừng giúp mà vẫn chưa có dịp.
Jerry cười vang:
-          Cô mơ đi, sẽ không có ngày ấy đâu, vì Wendy nhà tôi đã nghỉ hưu non, ở nhà mỗi ngày lo chuyện bếp núc và cuối tuần giúp việc ngoài Nhà Thờ.
Tối hôm đó chồng tôi cảm hứng:
-          Xóm này ngay khu đường lớn, xe cộ tấp nập, hàng xóm cùng con đường không có dịp giao tiếp nhiều, nhưng bù lại, hai nhà hàng xóm ở phía hai con đường song song với con đường nhà mình rất dễ thương, tử tế.
Ý của ông xã tôi muốn nhắc đến nhà hàng xóm bên kia con đường phía trước. Hôm ấy chúng tôi đang đứng hái trái cây táo trước nhà, có chiếc xe tấp vào bên đường và hai mẹ con người da trắng bước ra, đưa tôi gói quà nhỏ:
-          Cái này là của nhà cô, vì chúng ta chung một số nhà, nhưng nhà cô đường 97, nhà tôi đường 96, nhân viên bưu điện sơ ý giao lộn.
Tôi nhìn qua gói quà, tên tôi là người nhận, và tên người gửi là bà chị ruột bên Texas, rồi đáp:
-          Đúng là của chị tôi, tôi có thể nhắm mắt đọc địa chỉ bà chị cho cô làm tin nhé.
-          Không cần đâu, tôi đã nhìn địa chỉ trên bảng số nhà cô rồi kìa, tôi giao cho cô luôn, khỏi mất công làm phiền bưu điện.

Trong Kinh Thánh có câu chuyện Chúa Giesu kể một dụ ngôn, một người kia dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy chức sắc khác đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari, thuộc tầng lớp vô danh thấp hèn trong xã hội, tới ngang chỗ người ấy, chạnh lòng thương, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán săn sóc. Từ đó, chúng ta có câu “the good Samaritan” dành cho những người không quen biết nhưng sẵn lòng giúp đỡ người khác, dù chỉ là những việc bé mọn. Tôi cũng đã có những good Samaritans thiệt dễ thương.

Rồi chúng tôi tìm được ngôi nhà mới ở phía Bắc thành phố. Mấy bữa lục đục khiêng mấy thùng đồ ra ngoài garage, Jerry đã mau mắn qua thăm hỏi:
-          Nhà cô sắp bỏ xóm này rồi ư?
-          Đúng vậy Jerry ơi, các con tôi đã lớn, chúng muốn đổi nhà, hơn nữa, khu đó thuận tiện hơn cho chồng tôi đi làm, mà lại gần Nhà Thờ Việt Nam nữa. Chúng tôi đã tính cuối tuần  qua chào tạm biệt ông và Wendy.
-          Mà sao không thấy cô để bảng bán nhà?
-          Dù không được làm hàng xóm với ông nữa, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng sẽ về đây, vì căn nhà này cho người ta mướn, chớ không bán.
-          Vậy thì chúc mừng, cuối tuần chắc chắn Wendy sẽ có muffins để tiễn gia đình cô.
Về căn nhà mới hiện tại, garage dính liền phía trước căn nhà. Do “kinh nghiệm” từ căn nhà cũ, tôi luôn cẩn thận đóng cửa garage mỗi khi ra khỏi nhà cũng như khi về nhà, thậm chí buổi tối trước khi đi ngủ, tôi còn hé cửa để kiểm tra cửa garage mấy lần mới an tâm, thành ra chưa có cơ hội cho good Samaritan xuất hiện.
Một buổi sáng cuối tuần, tôi đang nằm “nướng” trên lầu thì nghe tiếng máy thổi tuyết bên hông nhà, tôi thầm nghĩ anh chàng xúc tuyết người Việt bữa nay chịu khó đến sớm. Tôi xuống dưới nhà pha cà phê, nhân tiện mở cửa trước xem xét thì, ủa, sao tuyết vẫn ngập đầy thềm, và ngập lối đi trước nhà, chả lẽ cậu xúc tuyết sẽ trở lại làm tiếp? Đến trưa tôi đang nấu cơm thì nghe tiếng cào tuyết trước nhà, tôi liền chạy ra, gặp cậu xúc tuyết, tôi hỏi:
-          Có phải hồi sáng em đến thổi tuyết bên hông nhà?
-          Dạ không chị ơi, em mới tới à, chắc nhà hàng xóm sau nhà chị, chung cái sidewalk bên hông đó, họ làm sạch sẽ lắm, mà nhiều lần rồi đó, hổng phải bữa nay thôi đâu, em tưởng chị biết chớ!
-          Chà, chiều dài hai căn nhà, hai vườn sau nữa, cộng lại cũng không ít, mà trời thì lạnh lẽo.

Vài bữa sau có một trận tuyết nữa, buổi sáng hôm đó tôi lại nghe tiếng máy thổi tuyết bên dưới. Tôi bước ra khỏi giường, nhìn xuống cửa sổ, thấy một người đàn ông trùm áo lạnh kín mít, nón che đầu và khăn quàng che miệng, đang đi chầm chậm thổi tuyết suốt chiều dài sidewalk, đúng như lời cậu xúc tuyết suy đoán. Tôi liền vào phòng vệ sinh đánh răng, rửa mặt, rồi xuống dưới nhà, tìm chiếc áo khoác, mang vớ và giày boots ấm áp, mở cửa trước nhà, đi bộ qua bên hông, với ý định cám ơn người hàng xóm tốt bụng, nhưng đã quá trễ, tôi chỉ kịp nhìn thấy bóng dáng người ấy đang đi bộ ngược trở về phía bên kia.

Vậy thì hai năm đã rõ mười, chính người ấy là good Samaritan của gia đình tôi chớ còn ai trồng khoai đất này. Tôi lại chợt nhớ hồi mùa thu, một buổi chiều có một cơn mưa dữ dội, giông gió như thác đổ. Đến tối, ông xã đi làm về muộn, thấy sidewalk bên hông nhà vương đầy những nhánh cây, cỏ, hoa, lá ... có lẽ chúng kẹt lại do nước rút sau cơn mưa, định bụng sáng hôm sau ngủ dậy sẽ ra quét dọn. Nhưng dù cố dậy sớm hơn thường lệ, chồng tôi mới biết có người còn dậy... sớm hơn và đống rác cỏ đêm qua đã biến mất, sạch sẽ, như “chưa hề có cuộc bão giông”.

Tôi quyết chí sẽ ... rình cho bằng được, để “bắt quả tang” the good Samaritan này, thì mới cuối tuần rồi, vừa nghe tiếng thổi tuyết thân quen như thường lệ, tôi nhanh chóng tung mền gối, khỏi cần vào phòng đánh răng rửa mặt, lao ngay xuống nhà, chụp vội chiếc áo khoác và xỏ vội đôi giày boots, chạy ào ra sân, đúng lúc người ấy đang thổi đoạn cuối ngay góc nhà. Tiếng máy thổi tuyết quá ồn nên anh ta không nghe tôi la lớn “hello” đến mấy lần, tôi đành phải bước ra trước mặt anh ta mới dừng máy, ngước nhìn tôi trong bụi tuyết còn bay mù trời. Tôi chắp hay tay trước ngực như thay lời cám ơn, rồi nói:
-          Té ra, anh thổi tuyết cho nhà tôi bấy lâu nay mà hôm nay tôi mới biết!
Anh ta cười hiền hòa, xua tay:
-          No problem, cô đừng quan tâm.
-          Gia đình tôi có nhờ cậu xúc tuyết làm giùm, nhưng cậu ấy đi làm nên chỉ đến sau giờ trưa.
-          Tôi đã nói không sao mà.
Nói rồi anh ta quay bước, tôi gọi giật lại:
-          Thank you again, à mà nè, hồi mùa thu anh cũng quét lá khúc này giùm tôi luôn, có phải?
Anh ta lại gật đầu, cười cười, rồi tiếp tục bước đi.
Tôi kể chuyện này cho cô bạn thân cùng xóm Edmonton, cô ấy nói:
-          Ở xứ này tình làng nghĩa xóm không đậm đà thân thiết như hồi còn bên Việt Nam, nhưng không có nghĩa là không có. Tóm lại, nơi đâu lúc nào cũng có người tốt, bất kể dân tộc, màu da, mà ông hàng xóm của bà bao nhiêu tuổi, già trẻ ra sao ?
-          Ui, thỉnh thoảng hai nhà có “gặp” nhau xa xa qua hàng rào sân sau, nhưng đó là gia đình đạo Hồi, chồng thì râu ria rậm rạp, vợ thì khăn che kín chỉ lòi hai con mắt, đố ai biết ổng bao nhiêu tuổi, mà tui cũng chưa kịp hỏi tên, nhưng có một điều chắc chắn, đó là một good Samaritan.

Edmonton, Tháng 3/2024
Kim Loan

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

Xuân Trở Lại - Thơ: Nguyễn Văn Cường - Nhạc: Nguyên Bich - Hòa Âm: Nam Vĩnh - Ca Sĩ: Thái Hòa


Thơ: Nguyễn Văn Cường
Nhạc: Nguyên Bich
Ca Sĩ: Thái Hòa

Tình ̣Đã Sang Tên



(Riêng tặng anh TKH)

Thuở ban sơ em yêu người hàng xóm,
Mộng ban đầu luôn ấp ủ trong tim.
Suốt đời em,em vẫn mãi đi tìm
Một hình bóng của ngày xưa âu yếm.

Trang giấy trắng dần loang màu mực tím
Khi biết anh không phải của em rồi.
Vậy thì thôi,chỉ có thế mà thôi!
Hoa màu tím lục bình,trôi trôi mãi...

Buổi ban đầu,tình yêu màu thơ dại,
Buồn theo trăng,vui theo gió heo may.
Ngày trôi qua mong nối tiếp theo ngày
Để thoáng gặp người lướt qua song cửa.

Trên xe đạp anh chạy ngang hằng bữa
Hò hẹn ai trong một ngõ xa xôi?
Bàn học đây,em thờ thẩn im ngồi,
Trong tưởng tượng cặp tình nhân ân ái.

Nhà anh,nhà em rất gần hai mái,
Mà hai ta sao góc biển,chân trời?
Em yêu anh không dám nói một lời,
Tình đã chết khi hoa vừa hé nụ!

Nay em về tìm thăm nơi xóm cũ,
Em tìm anh,tìm lại cả chính em.
Anh ở đâu ? sao hoa lá im lìm?
Hoa và lá lặng chìm trong hờ hững...

Cỏ cây ơi, nơi đây ta đã sống
Một khoảng đời thơ mộng tuổi xuân mơ.
Ngày thơ đâu? Sao đâu mất ngày thơ?
Thoáng một chốc mái đầu băng tuyết phủ.

Em về đây, người xưa tìm cảnh cũ,
Chợt thấy mình là khách lạ xa xăm...
Không còn anh,không còn cả chính em,
Thì ra tình đã sang tên lâu rồi!!

LTY
Sài-gòn,TP của ngày xưa.
Một Mùa Xuân Lạc Lỏng.
(Giáp Thìn: 18/02/2024)


Vạt Nắng Chiều

 

 

Tiếc thay vạt nắng chiều tàn
Làm sao đủ ấm hỡi nàng bên song
Thương ai hiu quạnh gió đông
Ý tình mờ ảo cho lòng xuyến xao

Còn đây chút nắng ngọt ngào
Dành hôn da thịt cợt đùa trăng sao
Mân mê nỗi nhớ xôn xao
Say vùng đất lạ biết bao là tình

Giấc khuya đơn lẻ một mình
Bao giờ gặp gỡ tình mình cho nhau
Mau đi em kẻo nhạt màu
Dìu nhau tìm lại phút đầu ái ân

Trăng sao đồng lõa trắng ngần
Rơi trên da thịt ngập tràn say mê
Lả lơi má tựa vai kề
Nghe trong sâu thẳm đam mê gọi mời

Mặc cho thân xác rã rời
Cuồng say nghiêng ngã ngạo đời thế gian

Mặc Khách


Lũy Tre Đình Làng

 

Lũy tre râm mát đường làng
Bờ vai kĩu kịt gánh hàng chợ trưa
Gió lay cành trúc đong đưa
Mục đồng thổi sáo đường xưa lối mòn
Trò chơi cút bắt trẻ con
Con đò đợi khách... ví von câu hò
Sớm trưa đưa khách qua đò
Dòng sông bến nước cánh cò lượn quanh
Đình làng phủ lớp rêu xanh
Gốc đa già cội nặng tình quê ta
Nào ai vạn dậm đường xa.......
Nào người viễn xứ quê nhà ngóng trông
Ngày đi mang một tấc lòng
Lũy tre mái lá dòng sông bến đò
Bao nhiêu mộng đẹp tuổi thơ
Thả diều bơi lội bên bờ cồn xa
Nước non ngàn dậm quan hà
Ghi bao dấu tích quê nhà thuở xưa
Thời gian nào đợi nào chờ....
Còn chăng kỷ niệm dòng thơ tự tình......!


Ngư Sĩ

Cảm Tác: Một Lần Xuân

  


Một Lần Xuân!

Một lần tim gõ nhịp sai
Tiếng lòng thầm gọi tên ai dịu dàng
Hồn bay phách cũng đi hoang
Mùa xuân vĩnh cửu thênh thang đất trời
Mắt trong bóng mắt hình soi
Nụ tình chớm nở hương đời bên nhau

Một lần xuân tận xót đau
Cánh hoa tan tác dìm sâu biển trời
Tiếng lòng than thở trăng lơi
Hồn tan phách cũng trùng khơi mịt mù
Mùa xuân vĩnh cửu âm u
Mắt vời tìm bóng thiên thu võ vàng

Một lần thuyền bến lỡ làng
Đêm thâu vằng vặc canh tàn trăng di
Mắt sầu mắt lệ ướt mi
Hồn phách đôi ngã phân ly nghìn trùng
Mùa xuân vĩnh cửu mông lung…
Tìm trăng trăng khuất tận cùng nỗi đau.


Kim Oanh
Xuân 2024

***
Bài Cảm Tác: Một Lần Xuân

Niềm vui nào đến dập dồn đâu
Hãy khắc vào tim cái buổi đầu
Như một lần yêu luôn bám sát
Thể ngàn nỗi nhớ sẽ ghim sâu
Đợi mùa xuân chín thơm thanh khiết
Chờ ánh dương lên rực nhiệm mầu
Của sự mến thương không giả dối,
Cho mình gắn bó mãi bên nhau.

Thái Huy 
Feb/19/24

Tháng 3: Tôi Cháy Theo Hồn Việt Nam!



Tháng 3:

tôi cháy theo hồn Việt Nam
tôi về, ngồi với tháng ba
bao nhiêu năm vẫn chưa già vết thương!
máu ai còn đỏ trên tường
như 3 dòng máu thắm nền vàng tươi!

tôi về, ôm lá cờ tôi
nghe trong tiếng gió, tiếng giày quân đi
thấy sau phất phới quốc kỳ
khăn tang góa phụ, cô nhi, não nề

tôi về, khóc với Ban Mê
bụi len nước mắt, buồn tê lăn dài(*)
thôi đành thôi, cố đô ơi!
‘’tháng 3 gãy súng’’, vận trời đã xong!(**)

ôi Đà Nẵng, ôi núi sông!(***)
quê hương chìm xuống tận cùng nghiệt oan!
về quỳ, thắp nén nhang thơm

tháng-3:
tôi cháy theo hồn Việt Nam!

BP
13/03/2024

(*) Trước 75, Ban Mê Thuột còn được gọi là xứ : Bụi Mù Trời / Buồn Muôn Thuở
(**) Trung Úy TQLC Cao Xuân Huy viết ‘’Tháng 3 gãy súng ‘’ sau khi bỏ Huế ( 25/3 ) !
(***) 29/3 : bỏ Đà Nẵng

Tiễn Biệt Anh Tôi, Ông Gioan Bao Xita Vũ Hoài An



Mỗi lần đến ngày sinh nhật của tôi, tôi luôn nhớ đến ngày sinh nhật của anh tôi Vũ Hòai An, vì ngày sinh của anh chỉ sau tôi một ngày đó là ngày 2 tháng 3. Hôm ấy tôi có đến thăm, tôi chúc mừng sinh nhật (Happy Birthday) anh vẫn nhận ra tôi, anh nói rất khẽ.

Thằng Tuấn hả.
Tôi nhìn anh nằm trên giường trông anh rất mệt, dường như tiến trình sinh học trong thân xác anh đang đi dần đến sự chấm dứt chu kỳ của nó.
Tôi ra về với một tâm trạng thật buồn, suy tư về sự chết, ai cũng biết rằng
(Sống và Chết là hiện tượng tự nhiên) nhưng sao vẫn buồn.

Ba ngày sau tôi nhận được tin nhắn Anh An đang hấp hối, tôi vội đến thăm anh lần cuối. Bước vào phòng tôi nhận thấy các con các cháu đông đủ đang đứng quanh nơi anh nằm, anh đang thoi thóp với hơi thở cuối cùng, trong tiếng kinh cầu và những lời tiễn đưa của các con.

Lời nhắn nhủ cuối cùng:
Bố hãy buông bỏ tất cả và thanh thản ra đi,
Mẹ đang chờ Bố trên Thiên Đàng.
Không lâu sau Anh đã chút hơi thở cuối cùng vĩnh viễn ra đi, lúc 2:33 phút ngày 5 tháng 3 năm 2024.
Tôi chợt nhớ đến một câu danh ngôn mà tôi đã đọc được ở đâu đó.
“Xin cảm tạ Thiên chúa đã ban cho con cơ hội để hiểu rằng cái chết là chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới nguồn hạnh phúc trên Thiên Đàng”

Ông Gioan Bao Xita Vũ Hoài An
Đã được Thiên Chúa gọi về an nghỉ trên nước Thiên Đàng.
Ông qua đời tại Milpitas March 5, 2024.
Hưởng đại thọ 89 tuổi trên cõi trần gian.

Mỗi con người đều có một dòng đời khác biệt. Đối với cuộc đời của Anh tôi. Ông Vũ Hoài An sinh ngày 02 tháng 3 năm 1935 tại Hải Phòng miền bắc Việt Nam. Tôi có một cơ duyên gần gũi với anh, do đó tôi biết được một chút ít về anh.

Vào khoảng năm 1950 Mẹ tôi là (Bà Liên) là em ruột của (Bác Ngọc) là mẹ của chị Ngô Mộng Thúy, Bác Ngọc là một người mẹ đơn thân, một người phụ nữ chân quê, thật thà chất phát bà đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa, bà luôn sống bên cạnh Mẹ tôi.

Chính vì điểm này tôi và chị Thúy rất thân tình xem nhau như chị em ruột. Mẹ tôi và một người em gái thứ 3 là (Bà Xinh) cả hai đều là công chức làm việc cho Bộ Nội Vụ.

Mẹ tôi và bà Xinh bị chuyển công tác từ Hà Nội ra Hải Phòng. Cả nhà phải dọn đi sinh sống tại Hải Phòng.

Tại nơi đây đã nảy sinh một chuyện tình thật đẹp.

Mẹ tôi mua một căn nhà cũ trong khu xóm, lâu ngày tôi không nhớ tên, khu xóm này có một cánh cổng lớn nằm trên mặt đường phố Hải Phòng, lối vào trong xóm đi ngang qua một hành lang dẫn đến một miếng đất trống, tại nơi đây có một gốc cây đa cổ thụ, dưới gốc cây đa có một cái miếu nhỏ, những dãy nhà được xây cất chung quanh, do đó chòm xóm láng giềng rất dễ gần gũi quen biết nhau.

Sau này Anh An cho tôi biết khu vực này thuộc Làng Lội Động Hải Phòng.
Chị tôi Ngô Mộng Thúy là một thiếu nữ từ Hà Nội đến Hải Phòng, mang theo đôi nét duyên dáng của người Hà Nội. Bác Ngọc là người rất ngoan đạo, sáng nào bà cũng đi lễ thật sớm để cầu nguyện, những buổi lễ thường dẫn theo chị tôi, từ đó chị tôi quen biết thêm nhiều bạn và hội nhập vào ca Đoàn Nữ Vương Maria của họ đạo.
Chị tôi có người bạn rất thân thường đến nhà chơi đó là chị Mơ, hai cô thiếu nữ sinh đẹp Thúy và Mơ cùng trong một ca đoàn, đã trở nên hai đóa hoa xinh đẹp làm say đắm nhiều chàng trai.
Trong đó có anh Vũ Hoài An (nhất đẹp trai – nhì trai mặt) hình ảnh chị tôi Trần Mộng Thúy đã chiếm trọn vẹn trái tim anh. Và ngược lại hình ảnh của anh cũng đã chiếm giữ tình yêu trong tim của chị tôi. Cả hai người đã thật sự yêu thương nhau.
Dường như hai người đã tìm thấy một nửa kia của mình, như quả táo cắt đôi đã được kết hợp lại.

Anh An tìm mọi cách tiếp cận, do đó tôi chính là cái cầu nối hay trở thành một cái phao cấp cứu cho một trái tim đang ngụp lặn trong dòng sông của tình yêu. (khi ấy tôi chỉ là đứa trẻ con mới lên 4, ngây thơ có biết gì đâu)
Tôi được anh đến nhà cho kẹo, bánh và dẫn đi chơi nhiều hơn, dĩ nhiên mỗi lần như vậy đều có chị tôi đi theo, anh len lén cầm lấy tay chị tôi, còn tôi thì ngây ngô không biết gì, ấy thề mà có đôi lần tôi nhìn thấy dưới bóng tối của cây đa, tôi thấy anh ôm chị tôi và đặt nhẹ một nụ hôn.
Cuộc tình này mau chóng đã bị cả xóm và gia đình phát hiện ra. Họ đồn thổi thêm lên, đến tai Mẹ tôi và Bà Xinh. Hai bà cô bên người yêu, bàn với nhau nên dạy cho nó một bài học.

Hai bà Cô đã nhờ cảnh Sát Hải Phòng bắt Anh Vũ Hoài An vì tội dụ dỗ gái vị thành niên và giam anh vào (Bót Cảnh Sát) nhốt anh một đêm cho sợ. Việc làm này chỉ nhằm mục đích răn đe chứ không phải thù ghét gì. Sau này chính Anh An cũng xác nhận, hai bà cô dọa anh, nhưng anh đâu có sợ.
Nào anh có sợ, sáng hôm sau được thả ra anh vẫn tiếp tục đến nhà tìm gặp cho bằng được chị tôi, và cứ thế tôi lại được anh cho kẹo rồi dẫn đi chơi.
Mọi người đều cho qua chuyện này, vì không ai có thể ngăn cấm được tình yêu.

Tình yêu dẫu có ra sao
Vẫn là tình thật đường vào thiên thai
Cửa non sương phủ bóng ai
Trăm năm chung mối tình dài có đôi.
LT

Những người dân bình thường và đám trẻ con như chúng tôi thì có biết gì về tình hình chiến sự đang xảy ra. Chỉ nghe người lớn bàn tán về vấn đề di cư vào Miền Nam.
Sau này tôi mới biết Hiệp định Geneve (Thụy Sĩ) đã ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954, về đình chiến chuẩn bị tổng tuyển cử, khôi phục nền độc lập cho ba nước Đông Dương Việt, Lào và Campuchia.

Hiệp Ước Geneve 1954 đã mở ra một phong trào di cư vào Miền Nam Việt Nam. Khi ấy Mẹ tôi đã thông báo gia đình mình chuẩn bị di cư vào Nam, không sống ở nơi đây vì sợ sự trả thù của Việt Minh.
Năm 1954 tôi mới 7 tuổi bắt đầu hơi có nhận thức. Tôi cũng không nhớ rõ ngày nào của năm 1954. Cả gia đình chúng tôi được đưa ra bến xe Hải Phòng để chạy vào phi trường, vì gia đình chúng tôi được di cư vào Miền Nam bằng máy bay, không đi bằng (tàu há mồm) do người Pháp vận chuyển.
Cả gia đình tôi gồm có Bác Ngọc (là mẹ của chị Thúy) rồi chị Thúy, tôi và Tú em gái kế của tôi, Mẹ tôi và bà Xinh còn ở lại sẽ đi sau theo công sở.
Chúng tôi đang ngồi trên xe, riêng chị Thúy rất bồn chồn như đang chờ đợi hay lo lắng điều gì đó. Chị đang dáo dác nhìn quanh khu vực rồi trong ánh mắt chợt vui lên, tôi vội nhìn theo ánh mắt của chị và nhận ra Anh An đang ẩn nấp trong đám đông, anh đưa tay vẫy gọi chị tôi. Chị tôi vội bước xuống xe.

Bác Ngọc lên tiếng ngăn cấm
Thúy mày định đi đâu bây giờ?
Chi tôi trả lời con xuống đi tiểu.
Vừa nói dứt lời chị tôi vội chạy vào đám đông nơi Anh An đang đợi.
Thế là chị tôi đã chính thức bỏ gia đình để chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Chị đã biến mất trong đám đông, để lại cho chúng tôi một cảm giác buồn lo cho thân phận của chị, một thiếu nữ chưa tròn 18 tuổi dám bỏ nhà theo trai.
Xe đò chở chúng tôi vào phi trường, máy bay cất cánh bỏ lại Thành Phố Hải Phòng với bao kỷ niệm.

Xuống phi trường Tân Sơn Nhất gia đình chúng tôi được người Cậu (em ruột của bác Ngọc và mẹ tôi) Ông Lê Xuân Mai một sĩ quan quân đội VNCH đến đón.

Từ đó chúng tôi mất liên lạc với chị Thúy.
Cho đến năm 1955 bỗng dưng một ngày đẹp trới Anh Vũ Hoài An dẫn vợ là Ngô Mộng Thúy đến tìm lại gia đình, một niềm vui bất chợt đến. Kể từ đó Bác Ngọc đã trở về sinh sống bên con gái.
Tôi rất mến phục bản lĩnh đầy nghị lực của Anh An. Sau này càng quen biết anh lâu hơn tôi càng kính nể anh.
Một con người tự lập rất can trường và quyết đoán sẵn sàng vượt qua mọi nghịch cảnh của đời sống.
Tôi được biết anh mồ côi Cha từ khi mới lọt lòng Mẹ, anh sống với người Mẹ rất chân quên, hiền lành và chất phát. Mãi sau này anh mới tâm sự, không phải Cha anh đã chết mà chính ông đã bỏ mẹ anh đi làm việc cho người Pháp rồi ông đã nhập quốc tịch Pháp, lập gia đình mới, có con tại Pháp, không bao giờ về lại Việt Nam.
Chính ông đã bỏ rơi mẹ anh, từ đó anh nung nấu một tinh thần tự lập phải dựa vào chính mình không nhờ ai. Anh là một người rất quyết đoán và hơi nóng tánh, vì điểm này các con anh đều sợ một phép.

Vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng, anh đã nắm bắt được thời cuộc và anh đã nộp đơn xin thi vào Bộ Công Chánh, anh trúng tuyển được cử đi học và trở thành nhân viên công chức Bộ Công Chánh tại Sài Gòn. Chính điểm này anh đã được hoãn dịch (không bị động viên đi lính).

Hơn nữa anh chị rất đông con, lần lượt các cháu ra đời bao gồm 7 người con, 5 trai 2 gái - Nhật, Lân, Việt, Bảo, Trang, Hương, Quốc, riêng các cháu nội ngoại rất đông.
Tôi thường ca tụng cuộc tình của anh chị tôi, một cuộc tình bền vững trong suốt 70 năm kéo dài từ năm 1954 đến 2024.
Cuộc tình này đã trở thành hơi thở của tình yêu, của lòng trung thủy cho mãi về sau này. Cà hai anh chị sống rất hạnh phúc bên nhau cho đến cuối cuộc đời.

Một ngày thật buồn tiễn đưa bà Maria Madalena Ngô Mộng Thúy đã được Thiên Chúa gọi về. Ngày 7 tháng 9 năm 2023. Hưởng thọ 84 tuổi.

Ngày hôm ấy anh khóc thật nhiều, khóc cho người vợ thương yêu nhất đời mình đã từ bỏ cõi trần gian.
Sáu tháng sau ngày vợ mất, anh cũng ra đi từ bỏ cõi trần gian, lên cõi Thiên Đàng gặp lại người vợ thân yêu.

Vĩnh Biệt Một Người Anh

Trời tháng ba mưa gió lạnh lùng
Mây trời ảm đạm mối tình chung
Anh đi bỏ cõi trần gian lại
Gửi xác thân này lòng thủy chung.
Trời đất hôm nay quá bẽ bàng
Chia tay thương khóc lệ hai hàng
Nỗi buồn thương nhớ bao dòng cạn
Tang trắng trên đầu lệ chứa chan.
Anh hãy bình an ngủ giấc say
Tình yêu tỏa sáng cả chân mây
Khối tình nhân thế đầy viên mãn
Thương xót người đi dòng lệ đầy.
Chúa đứng trên cao nơi thập giá
Giang tay đón nhận xác thân đời
Vợ hiền gặp lại trên tiên giới
Hạnh phúc nào hơn nước Chúa Trời.

Lê Tuấn

Xin cầu cho hương Linh Gioan Bao Xita Vũ Hoài An
Sớm yên nghỉ trên Thiên Đàng
Kính dâng lên hương linh anh tôi Vũ Hoài An.
Viết xong 03-06-24
 

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

Hãy Trở Về - Sáng Tác: Ngọc Kôn - Hòa Âm Hưng Quốc - Tiếng Hát:Diễm Quyên & Ngọc Tuyền


Sáng Tác: Ngọc Kôn
Hòa Âm: Hưng Quốc
Tiếng Hát:Diễm Quyên & Ngọc Tuyền

Ơn Thánh Mùa Chay!

 

Con tin tình Ngài bao la
Khát khao được Chúa thứ tha lỗi lầm
Dâng lên lời nguyện âm thầm…
Ngài luôn hiểu thấu ân cần đỡ nâng

Giáo đường vọng tiếng chuông ngân
Nhắc con biết sống chứng nhân một đời
Tiếng chuông giục giã gọi mời
Giúp con đừng xét nét lời ghét ganh

Hãm mình buông bỏ lợi danh
Dọn lòng sám hối đua tranh xa rời
Tình Ngài tuôn đổ cao vời
Mùa Chay ơn Thánh sáng ngời tâm con

Amen!


Kim Oanh
Mùa Chay 16.3.2024

Mối Tình Son Sắt

 

Nếu Mùa Chay này anh có băn khoăn
Lỗi lầm xưa vẫn chưa kịp thống hối
Hãy nhớ rằng Chúa đã tha thứ tội
Dẫu tim anh còn khô héo, hững hờ

Nếu Mùa Chay này anh thấy bơ vơ
Nhớ chiều nao trên đồi kia hiu hắt
Mão gai nhọn Ngài đớn đau chất ngất
Và lưỡi đòng đâm thấu cả tâm can

Nếu Mùa Chay này anh có hoang mang
Đồi Can Vê xưa mắt Ngài nhỏ lệ
Mây tím ngậm ngùi, máu đào loang đổ
Về đi anh, để sám hối tội đời

Nếu Mùa Chay này anh còn chơi vơi
Giữa biển đời nhiều phong ba, bão tố
Thập tự kia, Chúa giang tay chờ đó
Đợi anh về, tìm giây phút bình yên

Thân mọn hèn trong tình Chúa vô biên
Dâng lên Ngài đi, ngàn lời cảm mến
Đứa con đi hoang đã về tới bến
Dưới bóng Cha hiền, xoá vết thương đau

Giọt lệ ăn năn, tha thiết đêm thâu
Là của lễ mỗi mùa Chay thống hối
Lòng người mãi còn đa đoan muôn lối
Nẻo chính đường ngay sao lắm ngại ngần

Và nếu anh còn thương nhớ bâng khuâng
Những cuộc tình trần gian đã đánh mất?
Có tình nào đẹp bằng tình son sắt
Mang khổ hình chịu chết chỉ vì Yêu?!

Kim Loan 

Kính Thánh Cả Giuse

 

Cúi xin Thánh Cả Giuse
Cho con qua khỏi núi khe gập ghềnh
Đường đi khúc khuỷu bồng bềnh
Giữ con tâm tịnh vững bền đức tin
Ngợi khen Người đã hy sinh
Chăm lo Đức Mẹ Đồng Trinh mọi đàng
Giờ ban sức sống vững vàng
Có Cha không sợ tà ma
Lánh xa cám dỗ thứ tha kẻ thù
Cảm thông người sống lao tù
Thương người già yếu đui mù tối tăm
Đời vui chỉ bấy nhiêu năm
Đời buồn cũng bởi do tâm của mình
Nhờ Cha soi sáng sự tình
Cảm ơn Thánh Cả thương nhìn chở che
Cúi xin Thánh Cả Giuse
Thương yêu bảo bọc Giêsu trên đời
Giữ gìn Hội Thánh Chúa Trời
Xin dìu con khỏi rối bời trần gian
Lòng vui mở rộng thênh thang
Trái tim hướng thiện tâm an mỗi ngày
Hân hoan con bước theo Thầy
Noi theo gương sáng lòng đầy niềm tin

Đỗ Hữu Tài 
(30-05-2014)


Sám Hối Mùa Chay

 

Nhìn vào trong tâm mình

Thần khí ta lặng im

Tĩnh lặng nghe nhịp thở

Tội lỗi đang nhận chìm.

 

Đời hoang tưởng lang thang

Đôi chân bước vô hồn

Trần gian là hoang địa

Đi vào ngôi mộ chôn.

 

Danh vọng là hư ảo

Tiền bạc là hư không

Mọi thứ đều biến mất

Tan theo khói bụi hồng.

 

Mùa chay tịnh thánh linh

Mảnh vải tím chân tình

Vắt ngang trên thập giá

Thiên Chúa gánh nhục hình.

 

Mùa chay cho lòng mình

Thức tỉnh trước bình minh

Yếu đuối trong bóng tối

Đợi hồn ta tái sinh.

 

Thiên Chúa là vô biên

Cửa ngõ vào cõi tiên

Nước trời đang rộng mở

Tình yêu là bình yên.

 

Lê Tuấn
Cảm nhận về mùa chay
3-14-24

Viết Về Tháng Ba Và Chim Én.

 

Tháng ba có nhiều chuyện để viết, nhất là riêng bản thân tôi cũng như những người lính chiến và những ai đã từng phục vụ hay sinh sống tại vùng địa đầu giới tuyến.
Với người công giáo, tháng ba được dành riêng kính thánh Giuse, phu quân của đức Maria.

Bài nầy tôi không viết về “tháng ba buồn” hay Thánh Giuse, được giáo hội công giáo xem là con người công chính. Người đàn ông gia trưởng nghèo, hành nghề thợ mộc, ngày qua ngày đã lao động kiếm tiền nuôi nấng, bảo bọc và che chở đức Giêsu và mẹ Ngài trong những năm tháng khi người còn nhỏ dại. Tôi sẽ viết về một về một hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên cùng với một lễ hội cử hành hằng năm tại một ngôi giáo đường cổ, nay đã được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường, có tên là San Juan Capistrano, nằm trên đường đi từ Orange County đến San Diego, cách Little Saigon độ 28 miles (gần 45 cs).

Ngôi giáo đường nầy đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 19, nơi ẩn náu an toàn được loài chim én chọn làm chốn dung thân để xây dựng tổ ấm từ bao thế hệ. Là loài chim di mùa, hằng năm khi khí hậu nơi đây trở nên giá lạnh, chúng đã cùng nhau rời tổ ấm để di chuyển đến mãi tận Argentina, vùng đất khi ấy có nắng ấm ở mãi tận miền Nam, tạm sống qua những ngày giá lạnh. Gần năm tháng trôi qua, không hiểu sao mà chúng biết mùa xuân sẽ trở lại nơi chốn cũ, để cùng nhau lũ lượt vượt quãng đường dài 6000 dặm (9,600 cs) bay về tổ ấm nơi ngôi giáo đường San Juan Capistrano.

Hiện tượng nầy đã xảy ra hằng năm từ đời này qua đời nọ, không hề thay đổi. Có một sự trùng hợp hết sức thú vị, hằng năm chim én cùng nhau ra đi lại đúng vào ngày 23 tháng 10, lễ kính thánh Juan Capistrano, và ngày chúng trở về luôn luôn rơi vào ngày 19 tháng ba, ngày lễ kính thánh Giuse và cũng gần như là ngày hằng năm mùa Xuân bắt đầu tại nơi đó (California và Hoa Kỳ.)


Theo tục lệ truyền từ đời này qua đời nọ, ngay từ rạng đông, người giữ chuông của ngôi thánh đường hoan hỷ leo lên gác chuông, dương đôi mắt nhìn về miền Nam quan sát. Khi nhìn thấy chú chim én đầu tiên trong bầy bay về, ông vội vã kéo chuông để tỏ sự vui mừng và cũng báo cho toàn thể cư dân trong vùng biết. Thế là trong khi lũ chim én vui mừng tìm lại tổ ấm xưa trong ngôi giáo đường, thì mọi người ở các vùng kế cận cùng nhau kéo đến để cử hành và dự lễ hội có tên Fiesta de las Golondrinas diễn ra ở bên ngoài.

Sau vụ động đất xảy ra nhiều chục năm trước đây, ngôi thánh đường bị hư hại khá nặng. Công tác trùng tu đã làm một số tổ chim bị phá hủy. Mùa đông năm ấy khi chim én kéo nhau bay về miền nam, cư dân ở đây ai cũng lo sợ lần nầy chúng sẽ không quay về lại ngôi thánh đường nầy nữa. Chúng sẽ chọn một nơi khác làm tổ ấm hay cũng có thể định cư luôn tại vùng nắng ấm chúng đã tạm đến lánh cư. Nhưng may mắn thay, chúng đã không bỏ nơi xưa chốn cũ, mà vẫn cùng nhau trở về ngày 19 tháng ba hằng năm.


Nghĩ đến chúng ta, đã ra đi từ dạo tháng tư đen và những năm tháng giá buốt sau đó. Không biết có bao nhiêu người sẽ “trở lại mái nhà xưa”hiện nay đã bị phá nát, thay tên đổi họ? Chắc số người đó không đếm được bao nhiêu, khi mà nơi hiện nay chúng ta đang chọn làm chốn dung thân đã là vùng đất “chảy đầy sữa và mật ong!”

Xin được gửi đến quý anh chị và các bạn link chương trình lễ hội năm nay tại San Juan Capistrano (19-3-2024) để quý anh chị và các bạn thu xếp tham dự nếu muốn:


Swallows of San Juan Capistrano
March 19 and October 23

Fiesta de las Golondrinas 
CONTACTS:
Mission San Juan Capistrano
26801 Ortega Hwy.
San Juan Capistrano, CA 92675
949-234-1300; fax: 949-481-9895

Chúc quý anh chị và các bạn một mùa xuân an vui và một lễ hội với thật nhiều kỷ niệm cho những ai tham dự.

BS Tống Viết Minh