Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Tháng Năm, Đứng Giữa Mùa Thơ


*Tặng các nhà thơ: Trần Huy Sao, Phan Diễm Châu, Lê thị Kim Oanh,
Sông Cửu, Lưu Xông Pha...
I
tháng năm leo núi chờ thời
bồng xuân lên đỉnh ngó trời mây bay
hơi đêm ngồn ngộn hơi ngày
mù sương trườn dưới gót giày viễn du
quấn thơ vòng đỉnh Tiểu Thư
lót tình trên ngọn dốc mù chờ nhau.
II
tháng năm tờ lịch nát nhầu
xé đôi cho trọn nỗi sầu núi sông
núi chia ta núi tang bồng
sông xa sông vẫn đầy dòng nhớ thương
về đây áo đá phơi sương
dốc treo từng cánh ngục rừng co ro.
III
tháng năm đứng giữa mùa thơ
chữ rưng rưng khúc hồn cờ truy phong
cuốn theo lòng gió tang bồng

là ta là những cơn giông cuối đời
và em vườn cũ mưa rơi
tạnh chưa từng giọt tình trôi đầu mùa?
IV
tháng năm giọc nắng ban trưa
chói trời xanh với mây lưa thưa về
đợi chiều phơi bóng dáng quê
khô ta nỗi nhớ cận kề nỗi đau
bốn mươi năm vẫn con tàu
nằm đây chờ sáng quay đầu hồi hương...

Phạm Hồng Ân

(núi Tiểu Thư, 17/05/2015)

Mẹ


Con sẽ không đợi một ngày kia…
Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
Ai níu nổi thời gian?
Ai níu nổi bao giờ?

Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
Con sẽ không đợi một ngày kia
Có người cài lên áo cho con một nụ bạch hồng
Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
Mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
Hoa đẹp đấy – cớ sao lòng hoảng sợ?
Giọt nước mắt kia bao lâu nữa của mình?

Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao nhiêu người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập cả tâm hồn
Đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
Mà ta vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
Giọt nước mắt già nua không ứa nổi
Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
Mấy kẻ đi qua
Mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
Trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
Ta vẫn vô tình
Ta vẫn thản nhiên?


Đỗ Trung Quân
(Nguyễn Đức Tri Ân sưu tầm)

Bùi Ngùi Tháng Năm



Hết xuân rồi chấp chới nắng hè sang
Rưng rưng gió, sa sầm oi nóng
Ta mơ về quê con sông xanh xa lắm
Mà thấy lòng vời vợi chốn bình yên.

Ta mơ về nhau môi học trò tươi duyên
Hoa phượng đỏ cắn nụ cười bè bạn
Ta thương đời nhọc nhằn trang giáo án
Chợt thấy mình, thôi thế cũng phù du.

Bạn cũ xa rồi đâu nữa ngày xưa
Cứ thưa vắng chiều hoang ngơ ngẩn nhớ
Bảo đừng khóc mà sao lòng nức nở
Giữa bao người ta vẫn thấy cô đơn.

Tháng năm về nghe thương nhớ sâu hơn
Mưa lơi lả phương nào chưa trở lại
Ta đợi nhau một lời chào xa ngái
Đủ ru lòng khao khát cháy hè ơi!



Hương Ngọc
17 tháng năm 2015

Chùa Giác Hoa - Bạc Liêu


           (Và một nhánh họ Huỳnh)
Chùa tọa lạc bên bờ kênh cầu Cái Dầy, cách tỉnh Bạc Liêu khoảng 6 Km về phía bắc (Hướng Cần Thơ – Sóc Trăng)
Tên dân gian gọi chùa Giác Hoa là chùa cô Hai Ngó “ 1885 – 1951 “

Chùa Gíác Hoa ngày xưa thuở thiếu vắng trụ trì 
  

LIÊN HỆ GIA TỘC

Ông Huỳnh giang Hiệp cùng vợ là bà Nguyễn thị Kiểu, sinh được bốn người con
- Bà Huỳnh thị Ngó cùng chồng là Ông Thái Kim Chiêu
- Ông Huỳnh như Gia “ Dù Kia “
- Ông Huỳnh như Phước “ Dù Hột “
- Bà Huỳnh thị Mùi

Nhân duyên tạo chùa
Ông Thái kim Chiêu là chồng bà Hai Ngó, ông bị đám cướp xông vào nhà khi đêm đã khuya, một mình chống trả, ông bị thương rất nặng và qua đời ngay trong đêm, tang chồng chưa nguôi ngoai, khoảng 6 tháng sau, đứa con trai duy nhất của gia đình lâm bệnh nặng rồi cũng rời bà mà đi. Tang chồng tang con liền trong năm, bà suy sụp nặng tưởng chừng khộng chịu đựng nổi. Bà tìm nguôi ngoai trong Phật Pháp, thấy cái khổ của dân tình chung quanh bà phát tâm trợ giúp, tài cũng như vật. gần cũng như xa.

Năm 1915 Bà quy-y với Hòa Thượng Chí Thành – Pháp danh là DIỆU NGỌC.
Khi vùng Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, bị lũ lụt, dân tình khốn khổ, đích thân bà chở hàng chục tấn gạo trợ giúp dân những vùng trên.
Tháng 03 năm 1919 Bà xin phép cất chùa
Vào ngày 10 tháng 3 năm 1919 chính quyền phê chuẩn cho phép bà cất chùa.
Bà tiến hành xây cất với kiến trúc Đông Tây phối hợp hài hòa, vừa cổ kính vừa hiện đại vào thời bấy giờ
Khoảng tháng 10 năm 1920 chùa hoàn thành sau 18 tháng thi công cật lực với tên CHÙA GIÁC HOA. Trong thời gian này,nhân thấy địa phương con em thất học nhiều, bà xây trường học, rồi rước thầy về dạy khuyến khích các bậc cha mẹ đưa con đến trường.
Trong khuôn viên chùa bà xây nhà chứa quan tài giúp người nghèo trong tang khó.
Hai ngôi chùa CHÂU VIÊN và CHÂU LONG cũng được bà thành lập ở hai địa phương là ấp Công Điền và ấp Bà Chăng thuộc xã Châu Thới.
Vào lệ rằm tháng bảy là lễ Vu Lan, bà phát gạo cho dân nghèo địa phương cùng các nơi khác, nơi nào mắc nạn bão lụt bà đều đến trợ giúp.

Năm 1929, bà mời Hòa thượng Chí Thành cùng Hòa thượng Khánh Anh chủ trì lễ mở khóa An Cư Kiết Hạ cho 100 vị tăng ni vân tập tại chùa Giác Hoa.
Cũng chính năm này Ni Bộ miền nam đầu tiên ra đời phát xuất từ chùa Giác Hoa do bà vận động thành lập và lưu truyền mở rộng đến nay.
Ngày 29 tháng 5 năm 1951 Sư Bà DIỆU NGỌC viên tịch, sư cô Hồng Dung thừa kế trụ trì.
Năm 1957 sư cô Hồng Dung giao lại cho Hòa Thượng THIỆN QUẢNG.
Năm 1959 Đại Đức HỒNG MINH
Năm 1967 Đại Đức viên tịch, chùa không ai trông coi.
Năm 1969 ông Lê văn Bông “ Chín Bông “ về giữ chùa.
Năm 1970 ông Chín Bông nhận lể xuất gia cùng Hòa Thương TRÍ ĐẠT, Pháp danh MINH KHAI.
Khoảng thời gian 2001, Thượng Tọa MINH KHAI tuổi cao, sức yếu, đi đứng hết sức khó khăn nên mời Sư Cô NGHIÊM THÀNH về phụ lo Phật sự. Tuy chưa là trụ trì song sư cô nhận thấy chùa xuống cấp nặng nên phát tâm vận động trùng tu ngôi tam bảo
Ông Huỳnh văn Bá, con cô tư Kim Sáu cũng là cháu của Bà cô Hai là Sư Bà DIỆU NGỌC, xuất hơn trăm triệu tu bổ chùa vào khoảng năm 2002-2003.
Năm 2005 Sư Cô NGHIÊM THÀNH chánh thức trụ trì chùa GIÁC HOA.
Năm 2006 xây dựng xong giãng đường và khai giảng lớp trung cấp Ni.
Từ tháng 11 năm 2006 chùa xây thêm Ni xá, dành cho ni sinh với khoảng hơn 60 vị
Cuối năm 2007 xây dựng xong Nhà Trù và Trai Đường, khoảng đất trống sau chùa dành làm nơi trồng rau cải, phụ sinh hoạt cho chùa, trong khuôn viên chùa tổ chức rất quy củ, nhiều phòng với chức năng hành chánh, có cả phòng vi tính…Ni chúng trong chùa hơn 50 vị và quy y hơn 500 tục gia đệ tử.
Ngày 29 tháng 11 năm 2010, lễ trùng tu chùa
Đầu năm 2013 chùa làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi chánh điện, vào thời gian này chùa được khoảng trăm Ni chúng và đang phát triển thêm…
22-05-2014 lễ giổ sư bà Diệu Ngọc cùng lễ mừng hoàn thành trùng tu ngôi chánh điện do Ni sư Nghiêm Thành chủ trì, chúng ta có thể kết luận, kể từ năm 2001 đến 2014 sư cô Nghiêm Thành đã tôn tạo lại từ một ngôi chùa xuống cấp nặng về vật chất nay trở thành ngôi tam bảo uy nghi, điều đặc biệt là vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa, với lượng ni chúng tăng trưởng cùng Phật sự theo thời gian, chứng tỏ rằng giới luật và Phật Pháp được Ni Trưởng dẫn đắt nghiêm mật nên ni đoàn ngày càng vững chắc rạng danh chùa Giác Hoa.

Trong phần sau thuộc gia đình gánh ông Nội Huỳnh Như Phước ( Dù Hột)
Ông bà cố Huỳnh Giang Hiệp và Nguyễn thị Kiểu sanh được bốn người con đủ hai gái hai trai gồm :
· Con gái trưởng : Bà cô Huỳnh thị Ngó cùng chồng là Ông dượng Thái kim Chiêu, sanh được con trai duy nhất, ông dượng cùng con trai nhỏ mất, bà cô Hai xin con trai của người em thứ ba là Huỳnh Như Phước nhận làm con nuôi tên là Huỳnh Kim Lý ( Chú ba Kim Lý )
- *Con trai thứ nhì là Ông Huỳnh Như Gia ( Dù Kia )- Gia đình cư ngụ tại vùng Ông Kho ở Bạc Liêu , hiện nay không ai biết gánh ông bác này vì các cháu thế hệ này cũng trên 70 và không được liên lạc cùng nhau đã lâu.
- *Con trai thứ ba Huỳnh Như Phước ( Dù Hột ) , những tư liệu còn sót lại như một truyện kể do ông Huỳnh thượng Toàn nói những khi rỗi rảnh thuở còn sinh tiền, những dịp trò chuyện trong đám giổ ba cùng anh hai Emin, anh ba Etien và các em trong nhà..
- *Con gái thứ tư Bà Huỳnh thị Mùi , trước cư ngụ ở Bạc Liêu, khoảng năm 1973 bà cùng gia đình sang Pháp rồi mất luôn bên đó
· Ông Huỳnh như Phước ( ông nội theo thời xưa từng giữ chức vụ Tham Biện tại Bạc Liêu, người dân Bạc Liêu xưa goi là Công Tử Bạc Liêu ), thế hệ con gồm :
Huỳnh thượng Đức, Huỳnh kim Lý, cô tư Kim Sáu,, Huỳnh thượng Toàn ( Adouard Xant ), cô hai Marcell, cô tư Alice, cô năm Jeannette

Kể từ bài viết này ( 2014 ) các vị cao niên thuộc thế hệ thứ ba đã qua đời từ lâu, gồm :
Huỳnh thượng Đức, Huỳnh kim Lý, Cô tư Kim Sáu, Huỳnh thượng Toàn, cô hai Marcell, cô tư Alice, cô năm Jeannette. Cũng trong năm này, hài cốt của bà Sáu tu ở Cái Răng Cần Thơ, em dâu của ông nội, được mang về chùa đặt cùng nơi tộc họ ( Theo dự định của vị ni trưởng trong chùa Giác Hoa, tin anh ba etienne )
Anh Huỳnh văn Bá con cô Tư Kim Sáu, người xuất công của tu bổ chùa cũng đã qua đời
Vào thuở thím ba Kim Lý còn sống có lên nhà nói chuyện cùng ba má tại Mỹ Thuận có nói – Ngày xưa bà cô Hai có cho Việt Minh mượn 2.000 giạ lúa, nay thấy chùa xuống cấp nặng, thím ba có xin chánh quyền Bạc Liêu xin lại bằng tiền tương đương 2.000 giạ lúa để tu bổ chùa, song chánh quyền muốn giao lại cho chùa tu sửa chứ không giao trực tiếp cho thím ba, việc này tôi nghe mà không biết kết quả, bởi sau đó thím Ba lâm bệnh nên không ghé thăm ba má ở Mỹ Thuận nữa.

CHUYỆN KỂ THÊM

Thuở sinh tiền ba có kể đôi chuyện về ông nội Dù Hột, giờ kể lại cũng không được rõ ràng như ba nói trong lúc vui miệng. Chuyện như sau :
Ba kể thuở ông nội chưa lập gia đình, bà cố là Huỳnh thị Kiểu hướng dẫn ông nội là Dù Hột đi xem mặt dâu tương lai, bà cố đi một ghe hầu, ông nội ngồi riêng một ghe, không rõ lập vập sao đó, ông nội ra lệnh cho bạn chèo trong ghe quay trở lại, bạn ghe chịu lệnh hai phía, bà cố và ông nội, phân vân, vì lệnh nào cũng bự cả, ông nội dõng dạc bảo.
- Tụi bây quay lại ngay, đứa nào không nghe tao quơ chèo rớt sông ráng chịu.
Bạn ghe theo lệnh ông nội quay lui, bà cố hối bạn ghe bên bà ráng rượt the Cập được ghe ông nội
- Tao nói mầy không nghe lời, tao ăn nói sao với người ta đây, mầy quyết quay về thì mầy lấy dao cắt cổ tao đi. ( Ba kể đến đây, rồi thôi, tôi không dám hỏi thêm}
Cũng nói cho rõ lại là ông nội có phần thích đá gà, cho nên rất khoái có gà dáng phải đẹp, cựa vảy phải hay, xem như con gà phải hoàn chỉnh dáng và tướng, cho nên ông nội biết vùng bên cạnh có cặp gà rất danh tiếng đang đẻ trứng, ông đem con trâu cổ đổi lấy cặp trứng cho gà nhà ấp, ba kể lại mà không biết cặp gà con nở ra có như ý ông nội không nữa.
Chuyện kể tiếp về ông nội thì nhiều lắm, tôi nhớ, lại không nhiều. Ông nội đăng phòng năm của khách sạn ( Trả tiền trước nguyên năm ) để khi lên Sài Gòn có nơi ở vừa ý, vì ông lên thường xuyên nên đám xe kéo ở bến xe Lục Tỉnh biết mặt ông. Một lần ông vừa xuống xe, cả ba, bốn chiếc xe kéo bu lại mời, vì không muốn phụ lòng người mời, cũng muốn cho bạn kéo có tiền, ông đặt lên mỗi xe theo thứ tự những vật dụng mà ông đang dùng, như nón, gậy, cặp, giầy, xe kéo thành hàng dài đến khách sạn, vụ việc này trở thành giai thoại mà theo thời gian lại được thêm thắc ít nhiều.

Đến câu chuyện ăn uống trong nhà hàng thuở xưa ở Sài Gòn, dưòngnhư khoảng những thập niên 20 đến 30 của thế kỷ 20 như sau. Trong nhà hàng thuộc khu vực khách sạn vào đêm, ngày xưa quán ăn đốt đèn Manchon ( loại đèn dầu lửa, bơm tay áp suất ép dầu thành hơi, đốt sáng bao manchon treo phía trên, được cột vào đầu bec phun sương ) Ông cùng vài người bạn ngồi vừa chuyện vãn, vừa thưởng thức món ăn, một người trong bàn làm rớt vật gì đó và đang mò mẫm tìm, ông nội thấy rút tờ tiền, bật quẹt đốt đưa xuống phía dưới bàn, chuyện chỉ có vậy mà thời gian sau lại dài thêm ra… Kế sau chuyện ở Sài Gòn là chuyện nơi quê hương của ông, chuyện cưới xin ngày xưa, với những kiên kỵ, tranh hơn thua giữa đàng trai và đàng gái, đó là chưa nói đến trong họ hàng có những công khai bắt lỗi nhau để chứng tỏ người quan trọng, tệ hơn nữa là tự chứng tỏ mình là người hiểu biết lễ lộc nhất. Hai thông gia, người làm mai đều thông cảm, nhân vật không liên quan nhiều lại xeo nại bắt bẻ khiến, nhẹ thì dở khóc, dở cười, nặng hơn là chưa tới đã lui. chuyện đã xãy ra như sau.

Người bạn cũng hội đồng mời ông làm trưởng tộc rước dâu, cũng thuộc vùng Bạc Liêu.
Đàng gái thuộc hạng giàu có nổi tiếng, đàng trai phải chèo ghe từ buổi khuya nên đến hơi sớm hơn giờ làm lễ rước dâu, đoàn cập bến cũng hơi trưa nên nắng có phần gay gắt. Ngồi bó gối trong ghe hầu, cả hai ông người cưới dâu, kẻ làm trưởng tộc đều mệt mỏi bơ phờ, họ nhà gái không cho lên bờ vì chưa đến giờ rước dâu. Đàng trai bực tức định quay về, đàng gái sợ đàng trai bỏ về nên nhờ người bà con đang tiếp đám có nhà bên kia sông mời lên nhà tạm đở chân, trước xả giận cho đàng trai, sau chờ đúng giờ mới cho lên bờ rước dâu.
Vậy là cả bầu đoàn lủ khủ theo chân hai lảnh đạo vào sân nhà. Gia chủ nhà này là bà con với đàng gái đang chờ rước dâu, mời khách lên nghĩ chân ở nhà mình, vội kêu con cháu đang tiếp đám về phụ tiếp khách, đồ sính lễ được tạm để hết một bên bộ ngựa, đoàn rước dâu ngồi bên bộ ngựa đối diện, hai ộng ngồi bàn giữa, trong nhà lên lửa nấu nước đãi trà giải khát chờ đến giờ lành. Cô con gái chủ nhà rót trà khoanh tay mời khách, không biết dung mạo ra sao. Ông nội khều ông hội đồng.
- Con nhỏ này cũng vừa lứa với con nhỏ bên kia, trông cũng xinh, cũng phải phép, tụi bên kia lối quá, theo lẽ mời mình lên bờ ngồi tạm đâu đó chờ, nó ỷ giàu làm phách bắt tui với anh ngồi ngóng, nực nội mõi mê rêm mình mẩy, hay là sẳn lễ vật mình xin rước dâu đám này đi anh
Cùng là giàu có ngang nhau, ông hội đồng cũng đang tức khí, đồng ý cái rụp. Mời vợ chồng chủ nhà diện kiến cho đủ đôi rồi xin phép được làm thông gia, ông chủ nhà chết đứng không biết xử sự ra sao, vì bên kia là bà con. Ông nội nói ( - Trách nhiệm do đàng tôi chịu hết, lể vật rước dâu lỡ mang vào nhà ông rồi, nếu ông từ chối con gái ông lỡ thời luôn…), và rồi lễ vật được đặt lên bàn thờ, hành lễ xong rước dâu liền tay.

Khi đoàn trai rời bến mang theo cô dâu bất ngờ, đàn gái bên kia sông túa ra xem, chỉ trỏ. Đoàn ghe đi một đoạn, ông hội đồng vừa có dâu cảm thấy không an tâm bèn thắc mắc cùng ông nội.
- Nè anh, bên kia họ thưa mình rồi làm sao đây.
- Anh Quên tôi là Tham Biện à, họ thưa thì anh nói, tôi cưới chứ không bỏ nhưng phài làm thiếp chớ không được làm vợ chánh.
Ba kể đến đây là ngưng, thành thử tôi không biết hậu truyện, vì đâu dám hỏi.
Trong kỳ giổ ba, đâu vào năm 2011, anh hai Eminne cùng tôi ngồi trước nhà chờ tàn nhang, anh hai kể
- Ổng < ông nội > đem cầm nhà máy xay lúa của bà cô hai, bà đâu có hay, chừng chà và đến đòi nợ mới tá hỏa, bà cô bả chưởi một hồi rồi cũng lấy tiền chuộc lại nhà máy .
Phần bên trên là chuyện về ông nội Dù Hột, kế sau là chuyện của ba Huỳnh thượng Toàn những câu chuyện của ngày xưa, nghe sao kể vậy vì lịch sử câu chuyện có đó, mà thời gian thì không thể nhớ theo thứ tự trước sau.
Những năm tháng tôi ở Rạch Giá, tình cờ được gặp ông Mười Chơn, người Bạc Liêu sau về ở khu nhà thờ Rạch Giá, có hai người rễ cũng ở nơi này. – Một- là ông Hiển – hai- tên là Rớt ở cùng chung với tôi. Ông mười nhắn Rớt gặp tôi kể lại chuyện xưa gọi là cho tôi biết chút đỉnh về ba Toàn, ông Mười kể:
- Hồi ở Bạc Liêu tao là tá điền cho ba mầy, ruộng tao hai ngàn công ở chính giữa, ruộng ba mầy bao xung quanh, thằng chả ( ba tôi ) ai cũng ngán thằng chả, chớ tao đâu ngán, thằng chả nhào vô tao, tao chẹn ngay háng thằng chả, chịu thua tao thôi. Ba mầy mạng cũng lớn, ruộng của ổng bị một cây da to ba bốn người ôm không giáp, vì tàn cây quá lớn, nên lúa thất một vạt lớn, dưới cây da là một cái miễu, ổng kêu tá điền đốn, có hai người khi hươi búa được vài búa ngã ra hộc máu, ổng nghe báo tự ổng mang búa theo kêu thêm bốn năm người tá điền. Đến gốc da ổng nói lớn – Tao đốn cây đây, có bắt thì bắt tao chớ đừng bắt tá điền tao tội nghiệp người ta, hể tao đốn trước thì tụi bây theo tao đốn nghe chưa. Ổng đốn vài búa, không có gì các tá điền xúm nhau đốn ..
Tôi vội hỏi ông Mười – Rồi có ai có sao không ông Mười
- Đâu có gì đâu mậy, bởi vậy tao mới nói thằng chả mạng lớn lắm.
Hồi ở nhà, ba có nói ở Rạch Giá có hai dòng họ, họ Đỗ giàu về thương mãi, - họ Huỳnh thiện giàu về đất, tôi có nói cùng ông già.
- Chổ con làm con có người bạn tên Huỳnh thiện Biểu, trước làm thông dịch viên, sau về ở chung cùng con, con cũng nghe nói nhà ông bà nó đất nhiều lắm, hiện nó có gia đình ngụ tại Rạch Sỏi
- Chắc là con của anh Huỳnh thiện…( lâu quá quên tên ba nói rồi )
Nhân chuyện tôi sinh sống thời gian khá dài ở Rạch Giá, ba có hỏi tôi.
- Ở Rạch Giá mầy có biết Tri Tôn, Hòn Đất không?
- Dạ biết ba, dọc hai bên đường ở Tri Tôn, người dân họ làm nồi, ơ bằng đất nung non đỏ tươi bày đầy từ trước nhà ra mép lộ.
Ba vừa kể vừa như nhớ lại chuyện xưa với đôi mắt hơi nhíu lại sau cập kính lão rồi kể lại,
- Tao nhớ đâu khoảng năm mươi mấy, tao cùng người bạn lên Tri Tôn. hòn Đất. ( vùng Long Xuyên cũng có một địa danh Tri Tôn ), tao cùng anh bạn chơi giởn rượt đuổi nhau chạy vào vùng đang bày ơ nồi, cái nào bể mà còn lại miệng nồi, lấy trồng lên cổ nhau như đeo kiềng cùng chay giởn vui. Chủ nhà mếu máo - Mấy thầy giởn bể nồi hết rồi làm sao mà bán được tội nghiệp mấy thầy ôi !
Bạn của ba hỏi - Vậy chớ đám nồi này mấy chú bán được bao nhiêu.
Sau khi nói giá ông bạn ba trả tiền nguyên đám nồi. vụ này ông chủ nhà lời to nên mừng ra mặt vì bể chỉ trên đường chạy mà được tiền nguyên khu vực phơi.
Ba hỏi tôi tiếp, - Mầy có vô Hòn đất không ?
- Con đâu có vô đó làm chi. ở ngoài ngó vô núi trọc trắng vì không còn cây cối do đang chiến tranh ba à.

Ba kể tiếp. Thuở trung niên, tao cùng người bạn vô hòn đất săn bắn. Thuở đó rừng cây dầy đặc mọc sát chân hòn, trên các ngọn cây cao là dây rừng đan nhau khích rịch, tao cùng người bạn leo theo thân cây rồi vạch thành một lổ trên ngọn cây, chui lên, ngồi trên đám dây leo, hai chân thòng xuống, gió thổi như đưa võng. Bạn tao ngồi đầu này tao ngồi đầu kia, lưng về phía núi. Nơi này khỉ rất nhiều, dưới đất vài người địa phương được mượn giúp hè nhau la lớn rung cây, khỉ sợ leo tuốt lên ngọn. tao cùng người bạn bắn, lũ khỉ hoảng hồn chui xuống, phía dưới la, lại trồi lên. tao cùng người bạn bắn hết đạn, lũ khỉ a thần phù chạy hoảng phóng thẳng vào mình, tao cùng anh bạn quýnh quơ súng đập đại. Ba kể đến đây rồi thôi. Riêng tôi nghĩ bụng, chắc là không bắn được con nào vì lũ khỉ rất tinh mắt nhanh lẹ, mấy ổng xem đi săn là thể thao không cố ý bắn dùng làm thực phẩm hay bán buôn, bởi vậy tôi không nghe được kết quả có con khỉ nào được mang về làm bằng cho buổi thể thao này.

Chuyện ngày còn tuổi thơ của ba được biết chỉ đôi chuyện ngắn, mà nếu không kể ra có lẽ theo thời gian phai dần rồi quên hẳn đi.
Thuở ba còn nhỏ lắm, bà nội cho ba theo bạn ghe tập thu lúa ruộng, thu xong về nhà, tá điền thưa trình với bà nội về công việc xong, rồi nói thêm với bà nội.
-Thưa bà, tội nghiệp cậu ba lắm, ghe sương sáu chèo rao bán cậu ba nhìn theo dáng thèm lắm mà không dám kêu lại ăn vì không có tiền.
Bà nội cười ngất nói – Sao con dại quá vậy sau nầy con đi, muốn ăn dọc đường thì lấy lúa đổi mà ăn
Ba mới nói thêm.- Chưa có lịnh, tao đâu dám lấy lúa đổi, về đong lại thiếu thì sợ bị rầy.
Về chuyện muỗi mòng ngày xưa, dân cư ít, cây cỏ rậm mịch, tôi được nghe
Ba kể về ngày xưa, vùng đất phương nam với câu nói ( muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh ) tôi quên tên vùng ở Bạc Liêu giáp đất Cà mau, thì tiếng muỗi thuở ba theo ghe thu lúa không lãnh lót như sáo thổi, mà theo lời ba nói đang đi ba nghe tiếng hì..hì.. rền vang ngày một lớn, ba hỏi bạn ghe. – Tiếng gì nghe dử vậy chú.
- muỗi đó cậu ba ơi, mình sắp đến lung muỗi rồi.

Vào tháng 09-1990 ông Huỳnh thượng Toàn mất, ông là người ra đi cuối cùng của thế hệ thứ ba và những chuyện kể của ông mà tôi được nghe,do chính ông kể, cũng như câu chuyện của ông do người thân kể lại. Tôi thuật lại như một sử liệu nho nhỏ, trong một giai đoạn của một tộc họ ở Bạc Liêu.
Cảm ơn các bạn đã xem qua, nếu có sai sót là do sở đoản của tôi, còn nếu các bạn thấy hứng thú là do lòng mến thích với những câu chuyện ngày xưa của các bạn.
Viết theo nhiều nguồn tư liệu và lời kể những người thân trong gia đình. Xong vào trung tuần tháng 09 năm 2014 hoàn tất 13 tháng 05 năm 2015.

Trương Văn Phú

Xem tiếp vài hình ảnh của Chùa Giác Hoa

               Chùa Gíác Hoa được ni sư Nghiêm Thành chủ trì tu bổ lại ngôi chánh điện. Hoàn tất khánh thành cùng lể giỗ sư bà Diệu Ngọc tục gọi cô Hai Ngó (2014)
Di ảnh bà cô Hai cùng tượng ông dượng Hai Thái Kim Chiêu, bà cô Hai cũng có một tượng bằng đồng bán thân nhưng đã thất lạc từ lâu.
  Tượng bằng đồng, được làm từ tiền xu ngày xưa, thợ đúc tượng được rước từ bên Tàu sang. Ảnh tượng ông Huỳnh Như Phước (Dù Hột)

  Lược sử bà cô Hai Ngó, đặt đối diện với cửa chùa, phía bên ngoài.
6 Cố Thượng Tọa Minh Khai tiếp gia tộc họ Huỳnh viếng chùa ( ảnh phim trước đây được chụp lại năm 2013)
 Chánh điện năm 2015,

 

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Đậm Tình


Thầy bạn thăm tôi mừng trong bỡ ngỡ
Vì mình đây chưa gặp gỡ lần nào
Sao lòng nghe cảm giác nao nao
Chừng như đã vốn là cố cựu
Internet giao tình thi hữu
Nơi vườn thơ kết nghĩa văn chương
Chúng ta tuy mỗi kẻ ở một phương
Chưa biết mặt sao chẳng hề xa lạ
Lại quan tâm như thâm tình giục giã
Giờ cám ơn và mơ tương ngộ có ngày
Lòng xin ghi khắc nghĩa này

Quên Đi

* * *
Thấy Rồi: Anh Hữu Đức, Đắc Thắng, Linh Tử

Hình như đen đá ngó ly chè,
Đãi khách bạn bè giải khát nghe.
Đắc Tháng trẻ măng màu tóc bạc,
Cao Linh Tử khỏe "đẹp trai" ghê.
Ba anh tri ngộ tình bằng hữu,
Một Nhóm "Vườn Thơ Thẩn" trọn bề.
Nhìn kỹ anh Huỳnh tươi, mắt sáng,
Làm tôi xúc động nhớ về quê...

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 05 năm 2015

Ký Vi Tú Tài 寄韋秀才 - Lý Quần Ngọc

Những mong có được phút giây nào đó vượt lên được nỗi vui buồn thế tục để lòng hoàn toàn cảm nhận được cái đẹp của chữ nghĩa.


 Ký Vi Tú Tài

Kính Đài Lan Chử khách 
Liêu lạc cộng hàm tình
Không quán tương tư dạ 
Cô đăng chiếu vũ thanh 
Lý Quần Ngọc -847 

Khách Lan Chử ở Kính Đài
Thương ai chút phận lênh đênh
Quán trống đêm thương nhớ
Ánh đèn cô đơn lạc lõng trong tiếng mưa
Ôi chao chữ với nghĩa của tôi.
Phạm Khắc Trí

Cô Đăng Chiếu Vũ Thanh


Nổi trôi nơi đất khách
Thấm một đời không nhà
Quán trống đèn khuya lạnh
Tiêng mưa buồn xót xa 

Phạm Khắc Trí
4/5/2015
**
Gởi Tú Tài Họ Vi
Khách Lan Chử, Kinh Đài gặp gỡ 
Đời lưu lạc muôn thuở thương sầu 
Nhớ nhau quán vắng đêm thâu 
Bên đèn đối bóng rầu rầu tiếng mưa!

Mailoc phỏng dịch
***
寄韋秀才          Ký Vi Tú Tài

荊台蘭渚客, Kinh Đài Lan Chữ khách,
寥落共含情。 Liêu lạc cộng hàm tình.
空館相思夜, Không quán tương tư dạ,
孤燈照雨聲。 Cô đăng chiếu ũ thinh !
李群玉             Lí Quần Ngọc


CHÚ THÍCH :
KINH ĐÀI 荊台 : Tên một đài cao nổi tiếng của Nước Sở.
LAN CHỬ 蘭渚 : Tên sông ở huyện Lan Đình, tỉnh Chiết Giang. Đời Tấn, nhà thư pháp Vương Hi Chi cất nhà mát trên sông Lan Chử, gọi là Lan Đình để cùng bạn bè ngâm vịnh. Vương làm bài tựa Lan Đình, chữ rất tốt. Đời sau gọi là THIẾP LAN ĐÌNH. Trong TRUYỆN KIỀU Hoạn Thư đã khen cô Kiều viết chữ đẹp khi cho Kiều ra QUAN ÂM CÁC chép kinh :
Khen rằng bút pháp đã tinh
So vào với THIẾP LAN ĐÌNH nào thua !
Còn LAN CHỬ ở đây có ý nói là bạn văn chương cùng học tập với nhau.

DỊCH NGHĨA :
GỞI TÚ TÀI HỌ VI
Ở Kinh Đài nổi tiếng của nước Sở nầy, ta cũng là khách tha hương của Lan Chử cùng ngâm vịnh học hành. Khi lưu lạc chia tay cùng ngậm ngùi biết bao tình ý. Đêm nay, ta nhớ người trong quán vắng, một ngọn đèn nhỏ cô đơn chiếu hiu hắt trong tiếng mưa rơi rả rít.

DIỄN NÔM:

Đất Kinh Đài làm khách,
Lưu lạc có nhớ nhau?
Tương tư đêm quán vắng,
Đèn côi chiếu mưa rào!

Lục Bát:
Kinh Đài học tập cùng nhau,
Chia tay lưu lạc nao nao hàm tình.
Tương tư quán vắng đêm thanh,
Đèn côi vàng vọt, mưa lành lạnh rơi!

Đỗ Chiêu Đức
***
Tình Bạn Học

Tao nhân mặc khách đất Kinh Đài,
Ngâm vinh cùng nhau biết rõ tài.
Bạn học chia tay từ dạo ấy,
Đèn leo lắt lạnh nhớ thương ai...

Mai Xuân Thanh
Ngày 06 tháng 05 năm 2015
***
Gửi Vi Tú Tài


Người bạn học Kinh Đài thuở ấy
Buổi chia tay biết mấy ngậm ngùi
Quán đêm dạ nhớ bồi hồi
Dưới mưa một ngọn đèn côi ủ lòng

Nguyễn Đắc Thắng
20150507
***
Gởi Tú Tài Họ Vi

Bạn cùng học Kinh Đài một thuở
Chia tay rồi nhung nhớ khôn nguôi
Đêm nay quán vắng nhớ người
Đèn khuya hiu hắt mưa rơi ngậm ngùi

Phương Hà phòng dịch

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

N & M


N & M

Có gì mà lại phải kêu trời
Cũng bởi vì N chẳng lựa lời !
Đừng nghĩ sao M làm khó thế
Mà nên hiểu nhỏ đã ưng rồi
Tình yêu chung thủy luôn bền vững
Hạnh phúc chân tình mãi rộn vui
Đã biết tính nhau, không khắc khẩu
Yêu thương gắn bó mãi trong đời.

Phương Hà
***
Em Và Anh

Em đã giận anh mấy buổi trời
Vì anh lỡ giỡn gọi : " Mình ơi ! "
Người đâu suồng sã không tôn trọng
Vừa mới quen nhau đã thế rồi !

Anh đón bên đường gọi : " Chị ơi !
Cho tôi xin lỗi một đôi lời "
Quay sang liếc xéo, em dằn dỗi :
" Tôi lão, chẳng cần ai nhắc tôi ! "

Anh trao chiếc quạt : " Quạt đi này
Hạ hỏa rồi nghe tôi nói đây !"
Em hất tay ra, nhìn thật bén :
" Trương Phi - ám chỉ ác ghê thay!"

Anh đi lẽo đẽo bước song hành
Cắm cúi làm thinh, em bước nhanh
Anh rảo chân theo, em đứng lại
Làm anh lỡ trớn, phải đơn hành!

Anh pha mực tím, viết thư xanh
Vẽ một đôi chim đậu ngọn cành
Ghi ký tự hoa tên mỗi đứa
Em cười - chim vút tận trời xanh!

Môi cười mà mắt sáng long lanh
Đánh bạo, anh cầm tay rất nhanh
Lạ nhỉ, má đào sao ửng đỏ :
" Người ta nhìn đó, thả ra anh !"

Lời trách sao nghe quá ngọt ngào
Anh càng nắm chặt, cũng không sao!
Bàn tay run rẩy trong tay ấm
Anh khẽ gọi:" Em", dạ xuyến xao

Bốn mươi năm trọn sống bên nhau
Vẫn tiếng Anh Em rất ngọt ngào
Dù lúc giận hờn hay mỏi mệt
Những lời âu yếm vẫn luôn trao

Phút giây tử biệt, chỉ nhìn nhau
Tay nắm trong tay, mắt lệ trào
Dẫu chẳng thốt ra, lời rất rõ
" Anh ! "" Em ! ", nghèn nghẹn giữa tim đau!

Phương Hà

Chút Tình Tri Ngộ


 Anh Hữu Đức,  Anh Đắc Thắng, Anh Cao Linh Tử, Anh Trương Văn Phú

Nghe tin bạo bệnh thấy nôn nao
Dù ảo cùng chung gậm một tàu
Thơ Thẩn từ lâu tình mến mộ
Kim bằng đã đậm nghĩa thương trao
Đường xa chẳng quản ngày mưa nắng
Sông rộng không ngăn bước Thắng Cao
Khách chủ sẻ chia niềm cảm kích
Bao lần anh cố nén cơn đau!

Cao Linh Tử
19/5/2015
Hình Ảnh: Trương Văn Phú
* * *
Bài Họa: Mừng Bạn Đến Thăm
Anh đến thăm mình dạ thấy nao
Quen qua thơ phú một con tàu
Vượt đường Cao Lãnh người tìm đến
Thăm kẻ Vĩnh Long nghĩa gởi trao
Tận mặt nhìn ra đây bạn Đức
Trong tay mới biết đấy thầy Cao
Niềm vui đầy ấp lần tương ngộ
Cười nói huyên thuyên chẳng nhớ đau.

Quên Đi

Thăm Quên Đi

Anh Hữu Đức,Anh Trương Văn Phú,  Anh Cao Linh Tử, Anh Đắc Thắng

Tin bạn bệnh nhiều vội đến thăm
Một lần gặp mặt mới an tâm
Bắt tay lắc lắc nghe còn mạnh
Ngóng cổ đơ đơ ngỡ fết-sần(*)
Vui mừng hí hố tình thân thích
Say kể bông lung thuở nhọc nhằn
Xin cám ơn trời đùa tí chút
Mảnh Vườn Thơ Thẩn vẫn đầy trăng.

Nguyễn Đắc Thắng

20150520
(*) Fashion=thời trang
Hình Ảnh: Trương Văn Phú
* * *
Bài Họa: Đáp Lời Đắc Thắng

Mừng thay Đắc Thắng ghé qua thăm
Cố nén cơn đau bạn vững tâm
Gặp mặt lần đầu sao khoái khoái
Miệng cười chẳng ngớt hết sần sần
Thi phú mang ra cùng rổn rảng
Nghĩa tình đầy đặng khỏi cằn nhằn
Vui nầy có được nhờ trang mạng
Cảm tạ Vườn Thơ sáng mãi trăng

Quên Đi


Mừng Ngày Tám Sáu Má Yêu

Thơ con sáu-tám chắt chiu mối tình
Tình con như bóng với hình
Luôn luôn quấn quít bên mình Má thương
Má mừng Tám Sáu thấm hương
Thơ con sáu-tám tha phương gởi lời
Chúc cho Má khoẻ trên đời
Như trăng 16 giữa trời bao la

Mừng ngày Tám Sáu như hoa
Thơ con sáu-tám thiết tha đậm đà
Từng câu từng chữ thật thà
Má ơi ! xin nhận món quà của con
Má nhìn Tám Sáu trăng non
Thơ con sáu-tám sắt son một lòng
Kính dâng 86 đóa hồng
Chúc cho Má mãi như dòng suối mơ

Mừng ngày Tám Sáu nàng thơ
Thơ con sáu-tám vu vơ nhẹ nhàng
Chúc cho Má mãi mơ màng
Để con còn dịp gọi nàng thơ xinh
Má cười Tám Sáu lung linh
Thơ con sáu-tám rung rinh nơi này
Chúc cho Má được xum vầy
Bên đàn con cháu tràn đầy hồng ân
Mừng ngày Tám Sáu lâng lâng
Thơ con sáu-tám xin dâng lòng thành
Chúc cho Má sống an lành
Như chim vui hót trên cành quanh năm
Má vui Tám Sáu tình thâm
Thơ con sáu-tám tháng năm viết về
Như đang bên Má cận kề
Chúc mừng sinh nhật chưa hề rời xa


Đỗ Hữu Tài ( 16-5-15)

Thơ Tranh: Một Ngày Nào Đó

Cảm tác bài thơ Một Ngày Nào Đó của Yến Hồng


Thơ: Yến Hồng & Nguyễn Đức Tri Ân
Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Ân

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Hương Thừa - Hương Thừa Vẫn Giữ


Hương Thừa
Người đi
Thu lá vàng bay
Sương rơi mù lối
Gầy vai hơi người
Xa xôi
Quên phút bồi hồi
Gió buồn ngưng thổi
Lệ rơi mấy mùa…

Người đi
Đông lạnh giá lùa
Tuổi đời chồng chất
Tóc thời úa phai
Mịt mùng
Mây phủ đường bay
Chim chiều kêu bạn
Năm dài … thê lương

Người đi
Khuất bóng mù sương
Gương xưa mặt lạ
Người thương xa lòng
Tỏ tường
Tình cũ hoài mong
Hỏi người còn giữ
Hương trong áo ngày…..

Kim Oanh
***
"Đôi khi ,bất chợt gặp câu thơ
Cũng khiến lòng ta phải thẩn thờ 
 Câu hỏi ai kia làm nhớ lại
Một thời hương áo đã vương tơ "

Hương Thừa Vẫn Giữ
(Cảm tác qua bài thơ "Hương Thừa" của Kim Oanh)

Áo ngày...
hương giữ còn đây!
Mà sao tình cũ xa bay mất rồi
Ta về...
ươm áo đi thôi
Đừng cho hương cũ tình trôi lỡ làng

Từ ngày.....
em bước sang ngang
Ta nghe như lá Thu vàng rung rơi
Hương thừa....
ấp ủ hơi người
Vẫn còn lưu dấu một thời xưa xa

Người đi...
nhung nhớ chưa nhòa
Đường đời cô lẻ,mặn mà với ai ??
Thời gian dù có phôi phai
Hương thừa vẫn giữ....để say mộng tình

Song Quang

Đếm Lá Thu Rơi


Đếm thầm chiếc lá thu rơi
Lá vàng bay ngược về thời thơ ngây
Nhớ thương ấp ủ vòng tay
Lá rơi xào xạc qua ngày xa xưa

Em về nắng đón mưa đưa
Con đường hoa cỏ thẫn thờ trông theo
Tình anh ngàn tiếng chim reo
Đỡ đôi tà áo thơ dìu gót chân

Đếm thầm chiếc lá bâng khuâng
Xưa theo em cuối ngõ gần nẻo xa
Áo em trắng lượn đôi tà
Gom mây trong áo thả ra mơ màng

Tóc thề chấm nhẹ vai ngoan
Tình anh thương lượn nồng nàn vần thơ
Con đường góc phố ngu ngơ
Bến sông hò hẹn sóng chờ đò nghiêng

Đếm thầm chiếc lá rơi êm
Tình ta bay lượn qua miền chiêm bao
Má hồng rực đỏ môi đào
Nụ hôn mê đắm khép rào cửa hoa

Đếm buồn lá rụng phong ba
Thu về xơ xác vỡ òa bão giông
Tình xa đau xé nát lòng
Ngàn trùng xa cách còn mong đợi gì

Lá vàng rơi tiễn tình đi
Thơ anh từ ấy lỡ thì vần câu
Áo thu rách nát úa màu
Tay em xa quá, ai khâu thu vàng ?

Trầm Vân

Công Thức Tuyệt Ngon Cho Các Món Ăn Việt - Phần 1


Nước chấm có thể xem là linh hồn làm nên vị ngon hoàn hảo cho mỗi món ăn. Trong hầu hết các món Việt, từ món cuốn, món nem, đến các món bún.

Nước chấm có thể xem là linh hồn làm nên vị ngon hoàn hảo cho mỗi món ăn. Trong hầu hết các món Việt, từ món cuốn, món nem, đến các món bún… luôn luôn có một chén nước chấm được pha chế theo một công thức rất đặc trưng.

Cùng tham khảo công thức làm 17 loại nước chấm dành riêng cho 17 món ăn Việt nhé!

1. Nước chấm cho món bánh cuốn


Nước chấm cho món bánh cuốn.

+ 300ml nước sôi để nguội

+ 2 lạng rưỡi đường

+ 2 muỗng canh nước mắm nguyên chất

+ ớt tươi băm nhỏ

+ ít giấm gạo

Nếu muốn nước chấm ngọt hơn theo vị của người miền Nam, bạn có thể không dùng giấm chua. Thay vào đó bạn giảm lượng nước và tăng lượng đường trong công thức.

Nếu bạn ăn mặn hơn, có thể thêm nửa muỗng canh nước mắm, tương đương khoảng 30ml.

2. Nước chấm cho món chả giò

+ 200ml nước sôi để nguội

+ 2,5 muỗng canh đường cát trắng

+ 3,5 muỗng canh nước mắm nguyên chất

+ 3 muỗng canh giấm

+ 3 trái ớt đỏ, bỏ hạt và băm nhỏ

+ 1 củ tỏi, lột vỏ và băm nhỏ

Để đơn giản và dễ nhớ hơn bạn có thể pha theo tỷ lệ: 1 nước mắm + 3 nước lọc + 2 đường + tỏi và ớt băm nhỏ.

Nước chấm này phải đặc và đậm mới đạt yêu cầu.

3. Nước giấm đường cho các món chua ngọt

+ 2 lạng rưỡi đường kính trắng

+ nửa lít giấm gạo

Cho đường vào giấm và đun nhỏ lửa hỗn hợp này khoảng 15 phút. Khi giấm nguội, cho vào chai thủy tinh và dùng dần cho các món chua ngọt trong bữa ăn hằng ngày như sườn xào chua ngọt, cá sốt chua ngọt,…

4. Nước chấm cho món bún thịt nướng


Nước chấm cho món bún thịt nướng.
Cách 1: Dùng nước giấm trên cho thêm nước mắm và nước đun sôi để nguội. Sau khi nêm nếm vừa ăn cho thêm tỏi băm, ớt băm và ít tiêu xay.

Cách 2: Bạn pha nước chấm theo công thức: 1 giấm + 1 đường + 1/2 mắm + 2 nước (nước đun sôi để nguội) + 1 đến 2 muỗng cà phê nước cốt chanh + tỏi và ớt băm.

Nếu ăn theo kiểu người Bắc, bạn có thể cho ít đu đủ vào. Bạn mua loại đu đủ xanh, cắt miếng vuông mỏng hoặc cắt sợi sóng theo dụng cụ cắt hoa quả. Sau đó, bóp sơ qua phần đu đủ này với muối và trụng sơ qua nước sôi xả lại trước khi ngâm giấm, vắt khô và thả chúng vào bát nước chấm.

5. Nước chấm cho món thịt xá xíu

+ 1/2 chén nước mắm

+ 1 muỗng canh đường

+ 5 củ tỏi, lột vỏ và băm nhỏ

+ 5 trái ớt hiểm, bỏ hạt và băm nhỏ

Pha hỗn hợp theo tỉ lê trên, khuấy đều, sau đó cho tỏi ớt đã băm nhuyễn vào.

6. Nước sốt cho món gỏi cuốn

+ 1 củ hành tím phi vàng

+ 8 muỗng canh tương đen Hoisin (loại tương dùng để ăn phở)

+ 1 muỗng cà phê bơ đậu phộng hoặc đậu phộng rang giã nhuyễn

+ 1 ít muối

Sau khi đã chuẩn bị các nguyên liệu với tỉ lệ như trên, bạn cho tất cả vào một bát vừa và trộn đều cho đến khi sánh, mịn.

7. Nước chấm đậu phộng cho món thịt bò satay 


Nước chấm đậu phộng nước cốt dừa cho món satay.

+ 300ml nước cốt dừa

+ 8 muỗng cà phê bơ lạc

+ Nửa củ hành tây băm nhỏ

+ 1 viên đường thốt nốt

+ Nửa muỗng cà phê ớt bột

+ 1 muỗng cà phê nước tương

+ một ít muối

Đem tất cả đun sôi trên ngọn lửa vừa. Tắt bếp, để nguội và sử dụng.

 Mặc Thái Thủy sưu tầm 

Công Thức Tuyệt Ngon Cho Các Món Ăn Việt - Phần 2

8. Nước mắm tỏi ớt cho các món



+ 3 muỗng canh nước

+ 3 muỗng canh đường

+ 2 muỗng canh nước mắm

+ tỏi và ớt băm nhỏ

+ 2 muỗng cà phê nước cốt chanh

Sau khi trộn chung các hỗn hợp trên lại, khuấy đều cho tỏi và ớt băm nhỏ vào.

9. Nước chấm cho món bánh bột lọc

Nước chấm cho món bánh bột lọc.
Giã nát ớt và cho nước mắm vào cùng ít nước chanh. Nếu bạn không muốn nước chấm quá gắt vị nước mắm, bạn có thể thêm nước hoặc đường tùy ý.

10. Nước chấm cho món bánh bèo

Để có nước chấm ngon, bạn nên sử dụng ngay nước luộc tôm (tôm dùng làm ruốc) thay vì nước lọc.

+ 2 chén nước luộc tôm

+ 1 muỗng canh nước mắm

+ 1 ít muối

+ ½ muỗng canh đường

+ nước cốt chanh

+ tỏi và ớt băm nhỏ

Nếu không nhớ, bạn có thể áp dụng tỷ lệ: 1 nước mắm + 1 đường + 1/2 phần nước + 1/2 giấm gạo.

11. Nước chấm thịt vịt


Nước chấm cho món thịt vịt.

+ 4,5 muỗng canh nước mắm

+ 5 muỗng canh đường

+ 1 muỗng canh gừng băm nhuyễn

+ 2 muỗng cà phê tỏi băm

+ 1 muỗng canh nước lọc

+ 1-2 muỗng cà phê nước cốt chanh

Hòa tan lần lượt đường + nước + nước mắm. Sau đó cho các nguyên liệu còn lại vào và trộn đều.

12. Cách pha nước chấm bò bía


từ tương đỏ và tương đen được dùng cho món bò bía.

+ 1 chén tương đen Hoisin

+ 1/2 chén tương ớt

+ 1 muỗng canh đậu phộng rang giã nhỏ

Trộn tương ớt và tương đen lại cho đều. Khi ăn rắc đậu phộng lên trên cùng.

13. Cách pha nước chấm ốc

+ 2 muỗng canh nước mắm ngon

+ 1 muỗng canh nước sôi để nguội

+ 1 muỗng cà phê nước cốt chanh

+ 2 muỗng canh đường

+ ½ chén gừng giã nhuyễn

+ ớt băm, tỏi băm

Hòa tan đường với nước trước khi cho nước mắm vào. Trộn đều dung dịch này trước khi cho thêm gừng, ớt và tỏi băm vào. Sau cùng, cho nước cốt chanh vào và hòa thật đều các gia vị.

14. Nước chấm cho các món luộc


+ 2 muỗng cà phê muối rang

+ 1 muỗng cà phê hạt tiêu rang

+ 1 muỗng cà phê nước cốt chanh

+ ớt băm nhuyễn

Trộn đều các nguyên liệu lại là bạn đã có một món chấm ngon cho các món luộc.

15. Nước chấm hải sản

+ 1 muỗng cà phê đường

+ 1 ít muối

+ 1 muỗng canh tương ớt

+ ½ muỗng cà phê nước cốt chanh

Đánh đều tất cả nguyên liệu với nhau đến khi hơi sệt là được.

16. Nước chấm cua, ghẹ


Nước chấm cho các món hải sản.

+ 2 muỗng cà phê đường

+ 1 chén nhỏ muối tiêu

+ nước cốt 1 quả tắc

+ vỏ quất thái nhỏ cho luôn vào nước chấm.

Vắt nước tắc vào muối tiêu, trộn đều với đường và cho vỏ quất thái sợi lên trên.

17. Mắm tôm – chanh – ớt 



Mắm tôm thường được dùng chung với món đậu phụ.

+ 1/2 chén mắm tôm

+ 2 muỗng cà phê nước cốt chanh

+ 2 muỗng cà phê đường

+ ớt băm nhỏ

Đánh kỹ mắm tôm với đường và nước chanh cho đến khi nổi bọt. Sau đó cho thêm ớt băm vào.


Mặc Thái Thủy Sưu tầm

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Chúc Mừng Sinh Nhật Anh Quách Vĩnh Thiện 18/5


Kim Phượng & Kim Oanh

Melbourne Trời Mưa



Rét mướt như chừng đã vào thu
Mây buồn mưa ướt phố âm u
Melbourne đón khách trời quên nắng
Sóng nước Yarra mãi mịt mù

Bến cũ hàng phong buồn rũ rượi
Con tàu vắng khách chẳng buồn đi
Đìu hiu một bước ai bên đó
Có phải đang tìm bạn cố tri

Mưa vẫn rơi đều mưa vẫn rơi
Buồn kia vương vấn mãi chưa vơi
Ngơ ngác chiều chim tìm bóng bạn
Melbourne mưa gió đón một người.

Melbourne 4/3/2012

Biện Công Danh

Thiếu Vắng*


Thiếu vắng
bàn tay đun nhóm lửa
Bếp sầu tro củi…tủi buồn hiu
Nhà cửa…thê lương len ngỏ ngách.
Vườn sau sân trước…nhuộm tiêu điều.

Thiếu vắng
nụ cười chào đón khách
Ấm trà lạnh, nhạt…nước đà vơi
Nước mẳt rưng rưng tim quặng thắt
Cô đơn thui thủi ngắm chiều rơi!

Thiếu vắng
cánh tay ôm siết chặt
Ngọt cay sang sớt lúc vui buồn.
Khắc khoải đêm thâu hồn trống rổng
Chỉ một mình đối diện mưa tuôn.

Thiếu vắng
người yêu tròn lối mộng
Trách mình bất lực để ly tan
Đất lạnh phần em sao nỡ chọn
Bạc đầu hai đứa phải hai đàng.

Anh Tú
May 11, 2015
*Tặng Nguyễn Phú Thạnh, người bạn hiền từ thuở ấu thơ.

Bài Thơ Hè 1960

Tôi có thơ đầu tay năm lên 9 tuổi, thời còn thơ chưa biết luật thơ, nhưng đã cao hứng ra thơ như thế này, Hè 1960, 
Đăng báo năm 1961, lúc Oanh mới có 4 tuổi hà... Đã đăng lại trên Đặc San Tống Phước Hiệp, Cali hè 2007 nhưng chưa hề tặng ai, nay tặng Oanh làm kỷ niệm nghen.




Hoa phương rơi như thầm nhắc nhở
Tuổi học trò ghi lại trong đây.
Xa trường, xa bạn, xa thầy,
Buồn gì hơn, buồn gì hơn ?
Tuổi thư sinh tháng ngày mài bút thép,
Còn mãi luyến lưu, mãi giận hờn.
Nếp áo học trò chưa hoen lệ,
Con tim non chưa vướng nặng niềm đau.
Buồn thì chỉ để mai sau,
Nhìn màu phượng thắm, ngỡ màu tâm tư.



Nguyễn Đức Tuấn

Gió Tây Lạnh Lùng



Tình cảm con người nói chung, tình yêu trai gái nói riêng sao mà mặn nồng say đắm.
Nhớ ai ngơ ngẩn ngẩn ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai


Thật là cảm động, đầy sự trìu mến, yêu thương, quyến luyến...
Trong kho tàng ca dao của dân tộc ta, có rất nhiều những điệu hò, câu hát về tình yêu trai gái. Nhưng cảm động nhất, tha thiết nhất, thể hiện tình yêu sâu đậm nhất...có lẽ là cảnh chia tay của đôi lứa.
Xin giới thiệu ra đây phần nào nỗi lòng của người con gái, khi đưa tiễn người yêu qua đôi câu ca dao chất phát, mộc mạc nhưng thật dễ thương và sâu sắc.
***
Chàng từ miền xa đến, nàng như đoá hoa rừng hương sắc. Có phải nợ chăng mà trầu nay đã bén duyên cau. Thế là đôi trái tim cùng hoà nhịp yêu đương. Để rồi chàng về thì không nỡ mà ở thì không đành

Ra đi anh nhớ vợ nhớ con
Ra về thì nhớ nước non trên rừng..
Khiến nàng càng đau xót
Cầm dao cắt đứt ruột ra
Ruột đau cho mấy không bằng xa nghĩa chàng!


Tìm đủ mọi lý lẽ..Đường xa vời vợi, đêm khuya vắng lặng... mong chàng hãy vì lời thệ ước mà ở lại. Lòng chàng đã quyết, thiếp chỉ còn biết thở biết than.

Anh ơi muôn dặm đường xa
Để em ôm bóng trăng tà năm canh!


Hay là

Gió vàng hiu hắt đêm thanh,
Đường xa, dặm vắng xin anh đừng về
Mảnh trăng đã trót lời thề,Sao anh để gánh nặng nề riêng em.

Nhưng ý chàng trai khó thay, biết rằng không thể, đành để người ra đi, với đôi lời nhắn nhủ
Anh về em mượn khăn tay
Gói câu tình nghĩa lâu ngày sợ quên.

Lưu luyến bịn rịn nhưng không thể giữ chàng, cô gái chỉ mong
Anh giơ khăn trắng em cầm,
Mai sau về trển gối đầu lấy hơi.


Còn gì trống trải hơn khi người tình rời xa

Đêm khuya trăng lặn gà kêu,
Anh về ở dưới bỏ gối thêu ai nằm


Để rồi mỗi khi đêm về, nửa giường nửa chiếu giờ thiếu bóng dáng ai

Đêm nằm ôm gối thở than
Gối ơi là gối bạn lang đâu rồi.


Trong căn phòng vắng lạnh, càng thương càng nhớ càng sầu, nàng đâm ra hờn trách
Chạnh thương chạnh nhớ chạnh sầu
Vì ai nên nỗi cho trầu xa cau


Nhưng có lẽ sâu đậm nhất chính là câu
Anh về để áo lại đây
Để khuya em đắp gió tây(*) lạnh lùng


Tại sao câu ca dao trên lại cho là sâu đậm nhất. Gió Tây lạnh thế nào mà cô gái phải cần đến tấm áo của người thương để đắp?
Vào mùa hè, gió từ Lào thổi sang, gọi là gió Tây. Gió Tây rất nóng, có lúc lên đến 43 độ C. Đối với người con gái khi người yêu rời xa, trong cảnh cô đơn, lấy gì để sưởi ấm lòng, trong khi cái oi bức của gió Tây nàng cũng cho là lạnh giá.
Một thể ví trong câu ca dao thật hay. Không thể có cái lạnh nào hơn cái lạnh trong lòng. Cái lạnh đó, chỉ có hơi ấm của người yêu mới đủ sức xoá tan.
Qua đôi câu ca dao trên, chúng ta thấy tình cảm thật đậm đà, chân thật của người con gái Việt trong Văn Chương Bình Dân. Một sự biểu lộ không e dè, thẳng thắn, chứ không hề nói bóng nói gió như trong Văn Chương Bác Học.

***
(*)Vào mùa hè nước ta chịu tác động mạnh của gió mùa Tây Nam được bắt nguồn từ khối khí xích đạo và khối khí chí tuyến hình thành trong vịnh Bengal . Nhưng khối khí gây ra hiện tượng gió Tây khô nóng ở nước ta là khối khí chí tuyến vịnh Bengal. Khối khí này khi thổi đến Việt Nam đã trải qua một quãng đường dài hơn 1000 km qua một phần lục địa thuộc Myanma, Thái Lan, Thượng Lào và gây mưa trong quá trình di chuyển. Đặc biệt khi đến Thượng Lào gió đã bị chắn bởi dãy Trường Sơn Bắc. Dãy Trường Sơn Bắc chạy gần như vuông góc với hướng gió, lại có sườn đón gió thoai thoải, nên khối khí đã gây mưa hết bên sườn đón gió (sườn Tây) khi tràn vào nước ta gió đã biến tính và trở nên cực kỳ khô và nóng. Đó chính là hiện tượng gió Tây khô nóng ở nước ta


Theo quy luật, ở miền Trung, mùa gió Lào thường bắt đầu từ hạ tuần tháng 4 đến trung tuần tháng 9, trong đó gió Lào thổi nhiều nhất vào tháng 6 và tháng 7, mỗi tháng trung bình có 7-10 ngày, trong đó 2-4 ngày gió Lào thổi mạnh. Gió Lào thường thổi thành từng đợt, đợt ngắn từ 2 đến 3 ngày, có đợt từ 10 đến 15 ngày, có đợt kéo dài tới 20-21 ngày.Trong một ngày, gió Tây khô nóng thường bắt đầu thổi từ 8-9 giờ sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều. Có khi gió Tây khô nóng thổi liên tục suốt cả ngày đêm.

Thời tiết trong những ngày này rất khô, độ ẩm xuống rất thấp, và rất nóng trời nắng chói chang, gió lại thổi đều đều như quạt lửa, mang hơi nóng đến như thiêu như đốt tất cả. Gió Tây là thế.

Huỳnh Hữu Đức

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Đêm Nhớ “Vườn Thơ Thẩn”


Đêm Nhớ “Vườn Thơ Thẩn”

Vườn Thơ Thẩn Bạn Thơ vui xướng họa
Mình nằm đây ôn lại tháng ngày qua
Dịch Hán Thi lộ bao ý thâm trầm
Nghe xao xuyến bồi hồi trong tất dạ
Đây Đường Luật và kia vầng Thơ Mới
Thêm dịu dàng câu Sáu Tám thân thương
Ôi ngôn từ ôi chữ nghĩa tuyệt vời
Đã từng khiến hồn tôi trong ngây ngất
Niềm hạnh ngộ khiến lòng luôn thổn thức
Khi lạc vào vườn dị thảo kỳ hoa
Để giờ nghe rung động giữa canh tà
Sao nhớ quá biết lời nào cạn tỏ

Quên Đi
***

Các Bài Cảm Tác:
1/ Cự Diêm Vương
Ai thèm quen biết cớ mần chi?
Sờ gáy người ta có được gì?
Mặc kệ cuộc đời trông bạc thếch
Dẫu cho màu mắt ngắm đen sì
Vườn Thơ Thẩn trọn tình yêu mến
Nghĩa cố tri khơi dáng cụng li
Danh lợi trống trơn nhưng bất kể
Chút lòng lưu luyến chớ buồn đi!


Nguyễn Đắc Thắng

***
2/ Xin kính chúc anh Hữu Đức mau lành bệnh

Giòng sông uốn lượn gập ghềnh,
Nông sâu tùy khúc buồn tênh một mình.
Anh ơi ngộ bệnh vô tình,
Thiếu người xướng họa lặng thinh thơ Đường.

Bạn bè thân hữu tứ phương,
Trong "Vườn Thơ Thẩn" vấn vương thuận hòa.
Thương anh mãi chốn quê nhà,
Âm thầm tận mắt hiểu ra rõ ràng.

Cuộc đời cõi tạm lang thang,
Hai bàn tay trắng mọi đàng khó khăn.
Sống còn nỗi sợ nhọc nhằn,
Sa cơ thất thế ăn năn muộng màn!

Những mong phú quý vinh quang,
Ai dè lẹt đẹt xếp hàng đứng sau!
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Thương về cố quận ruột đau chín chiều!

Chúc anh bình phục đủ điều...
Thân tâm an lạc có nhiều niềm vui.
Quê hương nhớ bạn ngậm ngùi,
Ngày mai tươi sáng ngọt bùi có nhau...


Mai Xuân Thanh 
Ngày 15 tháng 05 năm 2015

***
3/ Tình Thơ Nối Nhịp
Tặng Anh Quên Đi và các bạn thơ của tôi trong"Vườn Thơ Thẩn"

Chưa gặp xem chừng đã mến lâu
"Vườn thơ thẩn" mượn bắt đầu cầu
Chưa lần chén rượu vui tao ngộ
Chẳng lúc chun trà thức trắng(đêm )thâu
Chung nổi vương mang cho vận nước
Riêng niềm tâm sự mối ưu sầu
Bạn bè một hướng còn bao đứa ?
Lạc bước phong trần mãi thấy đâu !

Song Quang

***

Các Bài Họa "Tình Thơ Nối Nhịp" của Song Quang:

***
1/Cùng Bạn Thơ

Mới vừa ngã bệnh ngỡ rằng lâu
Bỡi vướng tình thơ khó cưỡng cầu
Bài xướng vừa xem vào chập tối
Đáp vần gắng trọn cả đêm thâu
Do duyên bút mực đầy hương vị
Nên thú văn chương đủ lấp sầu
Với bạn vườn thơ bao kỷ niệm
An vui tự tại khỏi tìm đâu


Quên Đi

* * *
2/Hãy Nán Lại

Ngỡ là mình đã biết nhau lâu
Tự thuở xa xưa nối nhịp cầu
Ngồi quán cà phê nhìn nắng đẹp
Cụng ly rượu nhạt đến đêm thâu
Khơi niềm xướng họa hòa tin tưởng
Bung ý cộng vui giải nỗi sầu
Có hứa nhưng chưa lần gặp mặt
Đi sớm tình này bỏ lại đâu?

Nguyễn Đắc Thắng
20150517
***

3/Tình Thơ Nối Nhịp

Bao năm xướng họa tưởng đà lâu!
Bằng hữu chi giao sớm bắt cầu.
Biên khảo cùng nhau san sẻ Ý,
Họa vần thức suốt biết bao thâu.
Văn chương Hữu Đức chung nhau luận,
Chữ nghĩa Thôi Sao sử nhĩ sầu.
Bệnh tật Quên Đi, bình phục sớm,
Tương phùng Chiêu Đức, chẳng xa đâu!

Đỗ Chiêu Đức
* * *
4/Nhịp Cầu Thân Mến" Vườn Thơ Thẩn

Trong "Vườn Thơ Thẩn" mến quen lâu,
Xướng họa Đường Thi đã bắt cầu,
Tứ hải hồn thơ duyên hội ngộ,
Tam sơn múa bút nợ canh thâu.
Thiên la lồng lộng, thưa mà khó,
Địa võng mênh mông, rớt giọt sầu.
Bằng hữu khắp nơi vì nước Việt
Mõi chân góc bể sẽ về đâu ...


Mai Xuân Thanh
Ngày 16 tháng 05 năm 2015