Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Câu Đối: Chùa Sơn An - Huỳnh Hữu Đức


Câu Đối: Huỳnh Hữu Đức
Trình Bày: Kim Oanh

Đêm Tết Nguyên Tiêu


Ngoài kia bông tuyết rơi rơi
Rơi từng sợi nhỏ chơi vơi nỗi lòng
Lòng nghe giá buốt trong phòng
Phòng đơn gối chiếc bềnh bồng đêm nay
Nay còn ai nữa mà say
Say men tình ái cuồng quay một thời
Thời xưa non nớt vào đời
Đời nay tuổi cạn nhìn trời nhớ ai

Ai đừng để tuyết thấm vai
Vai mềm như giọt sương mai mịn màng
Màng chi đường đã đôi đàng
Đàng ai đi đó nồng nàn ấm êm
Êm đời nhắc lại buồn thêm
Thêm dài kỷ niệm những đêm âm thầm
Thầm mong ai bước thăng trầm
Trấm hương nhan sắc trăng rằm trinh nguyên

Nguyên Tiêu Tết , Tết Nguyên Tiêu
Tiêu sầu thổi khúc hắt hiu một mình
Mình ta ru mãi tự tình
Tình ta quẫn quyện bóng hình người xưa
Xưa nhìn bông tuyết đong đưa
Đưa tay hứng giọt hoa chưa rủ sầu
Sầu chung hai góc mái lầu
Lầu nghiêng tuyết đổ nguyệt sầu đêm nay

Đỗ Hữu Tài

5 - 3 - 2015

Xướng Họa: Xuân 2015


Bài Thơ Xướng:

Xuân 2015

Xuân đến trời se lạnh khác thường,
Đầu năm dương lịch tuyết pha sương.
Trong nhà sưởi ấm chung trà nóng,
Ngoài cửa lạnh tanh chén rượu nhường.
Tết Mới phương Tây Âu Mỹ thịnh,
Xuân về Tổ quốc Việt Nam thương.
Anh em bốn biển năm châu đủ,
Đoàn kết đồng hương khắp tứ phương...

Mai Xuân Thanh
***
Bài Thơ Họa:
 

Lại Tết
Đông tàn xuân đến lẽ bình thường
Chỉ tội dân nghèo đội gió sương
Quần quật cực thân nhưng chẳng đủ
Mặc cho người cỡi cũng cam nhường
Các con triệu phú thừa bao thứ
Đám trẻ cùng đinh thật thấy thương
Cầu thực cố vươn thay kiếp số
Tết kề có kẻ vẫn tha phương. 

Quên Đi

Chạm Vào Xuân


Bồi hồi lạc giữa xuân sang
Chạm vào đâu cũng ngỡ ngàng tinh khôi
Gió đông chao chát qua rồi
Một mình tôi-lại một tôi tự tình
Một bông cánh mỏng lung linh
Một lộc non nhú tươi xinh mắt ngời
Rượu xuân tôi ủ suốt đời
Rưng rưng thềm nắng hong phơi đợi người


(phố núi 11-02-2015). 

Hương Ngọc

Áo Thắm - Thơ Hồng Thúy - Phổ Nhạc Thiên Anh


Thơ: Hồng Thúy 
Phổ Nhạc: Thiên Anh
Tiếng Hát: Tâm Thư

Ngày Xuân Ở Quán


Con gái mùa xuân như mới tắm
Buổi mai sương ướt cỏ hoa ngời
Lòng đá chợt mềm chao rất nhẹ
Nhớ mình vừa vượt tuổi ba mươi

Năm nay ăn tết cùng ông quán
Mồng một đời cay miếng mứt gừng
Chén rượu ngày xuân sao đắng miệng
Giang hồ nghe cũng đã đau lưng

Vẫn đi như một anh hành khất
Đuối sức nhưng quê đâu mà về
Ta sống một đời mây nhuốm bệnh
Bồng bềnh sầu đụn màu nhiêu khê

Sáng nay nghe pháo ran ngoài phố
Ngòi pháo đời ta cũng cháy ngầm
Thấy gái xuân tươi lòng cũng thẹn
Chuồn chuồn xếp cánh đậu bâng khuâng


Vũ Hữu Định
(An Nguyen sưu tầm)


Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Tình Thắm Duyên Quê - Nhạc Sĩ Trúc Phương - Sơn Tuyền & Mạnh Đình


Sáng Tác: Nhạc Sĩ Trúc Phương 
Ca Sĩ: Sơn Tuyền & Mạnh Đình
Hình Ảnh Vĩnh Long: Trương Văn Phú
Thực Hiện: Kim Oanh

Xuân

  

Xuân - Chúc nơi nơi: Phúc_Lộc_Tài
Xuân về theo cánh gió mùa bay
Xuân len qua ngõ vào thôn xóm
Xuân góp tin yêu giữa tháng ngày.

Xuân vẫn mênh mang khắp phố phường
Xuân tràn hương vị góc yêu thương
Xuân ngoan cho bé cười tươi tắn
Xuân đến uyên ương dệt mộng thường.

Xuân cứ là Xuân - với mọi người...
Xuân đầy hương sắc tuổi đôi mươi
Xuân qua đi mất - rồi Xuân lại
Xuân gửi nhân gian những tiếng cười.

Xuân mới trở về theo gió lay
Xuân xanh biêng biếc giấc mơ đầy
Xuân nầy_Xuân nữa...rồi Xuân nữa
Xuân - Chúc nơi nơi: Phúc_Lộc_Tài

TiCa Nguyễn Xuân Hòa
01.12.2012

Thơ Tranh: Chúc Xuân



Thơ: Nguyễn Đắc Thắng
Thơ Tranh: Kim Oanh
***


 Thơ: Mai Xuân Thanh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tâm Sự Cuối Năm Ở Tuổi 82

Nhân đọc được bài Tích Cảnh Thi , thơ tiếc cảnh, của Cụ Ức Trai Nguyễn Trãi và mấy câu Bỉnh Chúc Dạ Du, cầm đuốc chơi đêm ,của người xưa, già nhàn lại tha thẩn . Ở tuổi này rồi, cái tâm vẫn chưa được yên sao?

Bài Thơ Xướng:

Tâm Sự Cuối Năm Ở Tuổi 82

Quá tám mươi rồi há nhọc thân
Một đời thôi đã những phù vân
Kể khôn kể dại ngại chi nữa
Cầm đuốc chơi đêm thẹn với xuân
Tuổi thọ nào đâu quá một trăm
Mà lo thiên hạ chuyện ngàn năm
Ngày dài chỉ khổ đêm thâu ngắn
Trả nợ lá dâu tội kiếp tằm

Phạm Khắc Trí 

02/02/2015

Các Bài Thơ Hoạ:
Tâm Sự cuối năm


Bởi nghèo nhiều lúc khổ cho thân
Ấm ức cả đời phủ hắc vân
Thi phú đôi câu quên kiếp khổ
Gạo cơm từng bữa khó lo xuân
Tiền vay bạc hỏi chục rồi trăm
Lãi cộng nợ chồng quẩn cả năm
Sáu chục kéo lây sang thất thập
Tơ còn đâu để nhả đây tằm

Quên Đi
***
Hãy Sống Vô Tư


Tư tưởng gắn liền với xác thân
Buồn, vui, thương, giận ....cứ vân vân
Biết rằng rốt cuộc thành tro bụi
Mà vẫn mơ màng tiếc tuổi xuân
Đã rõ vô thường trong vũ trụ
Mong chi trường thọ quá trăm năm
Cuộc đời như nước trôi đi mãi
Hãy cứ vô tư kiếp bướm tằm.

Phương Hà

1.BẢN CHỮ HÁN CỔ CỦA BÀI THƠ:

寄友 
亂後親朋落葉空,
天邊書信斷秋鴻。
故園歸夢三更雨,
旅舍吟懷四壁蛩。
杜老何曾忘渭北,
管寧猶自客遼東。
越中故舊如相問,
為道生涯似轉蓬。

2. PHIÊN ÂM:

Loạn hậu thân bằng lạc diệp không,
Thiên biên thư tín đoạn thu hồng.
Cố viên quy mộng tam canh vũ,
Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng
Đỗ lão hà tằng vong Vị Bắc
Quản Ninh do tự khách Liêu Đông.
Việt Trung cố cựu như tương vấn,
Vị đạo sinh nhai tự chuyển bồng.

Nguyễn Trãi
3. CHÚ THÍCH:
a) THIÊN BIÊN: là Bên trời, chỉ xa xôi cách trở.
b) THU HỒNG: HỒNG 鴻 ở đây là HỒNG NHẠN 鴻雁 : Loài chim chuyên dùng để đưa thư. THU HỒNG là Cánh hồng nhạn đưa thư trong mùa thu.
c) CỐ VIÊN QUY MỘNG: Mơ về vườn cũ, tức là Mơ về quê cũ.
d) LỮ XÁ NGÂM HOÀI: là Lòng trầm ngâm ở nơi quán trọ.
e) TỨ BÍCH CÙNG : TỨ BÍCH là Bốn bức vách tường, CÙNG là Loài Côn Trùng như Dế, Bù Cào, Châu Chấu... TỨ BÍCH CÙNG: là Bốn bề đều có tiếng côn trùng kêu ra rả. 
f) Đỗ Lão:
(hay Lão Đỗ) Thi thánh Đỗ Phủ đời Thịnh Đường, đồng thời với Thi Tiên Lý Bạch. Được mệnh danh Lão Đỗ để phân biệt với nhà thơ trẻ đời Tàn Đường Đỗ Mục ( gọi là Tiểu Đỗ ). 
g) Vị Bắc:
Bờ bắc sông Vị. Sông này phát nguyên từ núi Điểu Thử, huyện Vị Nguyên, tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây rồi đổ vào sông Hoàng Hà. Tác giả ngụ ý tình bạn giữa Đỗ Phủ và Lý Bạch, dựa theo hai câu thơ sau đây của Đỗ trong bài Xuân Nhật Hoài Lý Bạch: "Vị Bắc xuân thiên thụ, Giang Nam nhật mộ vân" (Cây cảnh trời xuân bờ Vị Bắc, Ánh mây chiều muộn đất Giang Nam) ý nói có thần giao cách cảm, Đỗ nhìn bờ Vị Bắc nhớ Lý, hẳn Lý cũng nhìn mây đất Giang Nam mà nhớ Đỗ. 
h) Quản Ninh :
Tác giả đề cập khí phách của Quản Ninh, dân đất Ngụy thời Tam Quốc. Thiếu thời, đang cùng ngồi học chung chiếu với bạn là Hoa Hâm, bỗng một hôm Hoa Hâm bỏ chạy ra đường nhìn xem kẻ giàu sang cưỡi ngựa đi qua nên Quản Ninh cắt đôi chiếc chiếu, không chịu ngồi chung nữa. Cuối đời Hán, Quản Ninh tỵ loạn 37 năm ở Liêu Đông, từ chối mọi quan chức do hai vua Văn Đế và Minh Đế ban cho ông. 
i) Việt Trung:
Kinh đô nước Việt ngày xưa thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), sau bị nhà Hán thôn tính. Tác giả ngụ ý nhắc đến quê hương Việt Nam lúc bấy giờ . 
j) VỊ ĐẠO : là Hãy nói rằng, Hãy đáp rằng.
k) TỰ CHUYỂN BỒNG : Xoay chuyển giống như là cỏ bồng, dật dờ vô định.

4. DỊCH NGHĨA
Sau loạn lạc bà con bạn bè thưa thớt như những chiếc lá mùa thu rơi rụng.
Chân trời góc bể dứt hẵn bóng chim hồng nhạn mùa thu đưa thư. ( Chữ ĐOẠN ở đây làm ta nhớ đến câu thơ của NGUYỄN DU trong Kiều : Cạn dòng là thắm DỨT đường chim xanh ! ).
Canh ba nửa đêm mưa rả rít làm mộng hồn cứ luôn mơ về quê cũ. 
Trong quán trọ lòng cứ trầm ngâm mãi giữa bốn bức vách luôn vang dậy tiếng côn trùng. 
Lão Đỗ đâu có khi nào quên được bờ bắc của sông Vị đâu.
Quản Ninh vẫn còn là thân đất khách của xứ Liêu Đông.
Giá có bạn bè thân quen cũ ở đất Việt Trung xưa hỏi thăm.
Xin hãy đáp rằng cuộc sống còn xoay chuyển giống như là cỏ bồng, dật dờ vô định.

5. DIỄN NÔM:

Gởi Bạn

Sau loạn bạn bè tựa lá rơi,
Ngút trông tin nhạn biệt bên trời.
Nửa đêm quê cũ lòng luôn nhớ,
Bốn phía côn trùng dạ chẳng nguôi.
Vị Bắc Đỗ già hằng khoắc khoải,
Liêu Đông chàng Quản luống bồi hồi.
Việt Trung thân hữu như thăm hỏi,
Hãy đáp cuộc đời lắm nổi trôi!


Đỗ Chiêu Đức

Độc Ẩm


Nghiêng ấm trăng ngà rót chén đêm
Mù sương trần thế vướng môi mềm
Chắt hết giọt sầu trăng cô lữ
Một mãnh hồn côi, bóng tối thêm

Từng giọt đời rơi giữa vô cùng
Như tiếng tì bà đứt dây cung
Ta ghép thiều âm, hoài cố quốc
Từng nốt cụt ngân cõi mịt mùng

Tay nấu trăng ngà, cuối tháng năm
Làm sôi ký ức ngỡ yên nằm
Lan, mai, cúc, trúc, bình yên cũ
Thành khói giang hồ bay vô tăm

Ta uống cạn đêm một giòng đời
Trăng ngà rót mãi, buồn chưa vơi
Ai hỏi xuân về. Xin đừng hỏi
Xuân chết từ lâu lắm. Chết rồi

Hoài Tử

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Thư Cảm Tạ Của Phan Thị Anh Minh


Cảm Tạ
Quả Phụ Bùi Công Phiệt nhũ danh Phan Thị Anh Minh cùng Các Con đồng cảm tạ Bà Con, Bạn Bè gần xa đã chia buồn và tiễn đưa linh cữu Chồng Cha chúng tôi là Bùi Công Phiệt hưởng thọ 71 tuổi, đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong lúc tang gia bối rối, có điều chi sơ sót, kính mong Bà Con, Bạn Bè niệm tình tha thứ.

Phan Thị Anh Minh và Các Con 
Đồng Cảm Tạ.

Nhớ Một Chiều Xuân - Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông - Ca Sĩ Hà Thanh

Tưởng Nhớ Nữ Danh Ca Hà Thanh ( 1937- 2014)


Thơ Cảm Tác: Biện Công Danh
Thơ Tranh & Youtube: Kim Oanh


Sáng Tác:Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông 
Ca Sĩ: Hà Thanh

Đêm Nguyên Tiêu


Vẻ đẹp trăng xuân thật mỹ miều
Say mừng lễ hội Tết Nguyên Tiêu
Dòng trôi nến lánh loang màng nước
Gió thổi đèn bồng lựa bến yêu
Tiếng sáo ngân vang đêm mộng ảo
Tình thơ xao động khúc ngâm kiều
Không gian huyền diệu sương giăng nhẹ
Lắng đọng tâm tư ủ vạn điều

Nguyễn Đắc Thắng
20150303

Xuân


Xuân đến bên thềm - Xuân tái lai
Xuân may áo mới khắp muôn loài
Xuân chan hương sắc vào hoa thắm
Xuân dịu dàng như cánh gió bay.

Xuân gửi an vui khắp mọi nhà
Xuân về ru ngọt khúc hoan ca
Xuân gieo nhung nhớ tràn muôn lối
Xuân rộn trong lòng ai - rất xa ?

Xuân vẫn là Xuân của đất trời
Xuân êm đềm, rộng khắp, nơi nơi
Xuân sang hớn hở đàn em bé
Xuân ướp men say - mắt rạng ngời.

Xuân - Chúc nơi nơi: Phúc - Lộc - Tài
Xuân nồng nàn, ngoan ngủ trên tay
Xuân - thêm một tuổi - đời thêm sáng
Xuân đến bên thềm - Xuân tái lai.

Tú_Yên
(Trà Vinh)
* Cựu Giáo Sinh trường Sư Phạm Vĩnh Long khóa 12 (1973-1975)


Xướng Họa: Nhắn Nàng Xuân


Bài Xướng:
Nhắn Nàng Xuân
Nàng ở lại đây thêm với ta
Mai còn đang nở khắp sân nhà
Cúc vàng phơi phới đơm chồi nụ
Đào thắm rạng ngời khoe sắc hoa
Ong bướm rộn ràng trong khóm lá
Gió mây quấn quít dưới trăng ngà
Ngày vui xin hãy dài thêm nữa
Nắng mãi hồng tươi buổi xế tà.

Phương Hà
( 01/03/2015 )
***
Các Bài Họa

Họa Vui Nguyên Đề


Nàng đi hay ở chả phiền ta
Nào đổi thay chi đến thói nhà
Nêu hạ tiệc tàn mai hết nụ
Hè về lối điểm lựu đơm hoa
Ạt ào nhựa sống cây xanh lá
Mờ mịt trăng tan ánh trắng ngà
Nếu ước xuân dài thêm chút nữa
Thì tư đâu thế nói vô tà.


Cao Linh Tử
1/3/2015
***
Nũng Nịu Nàng Xuân


Xuân khoe màu áo đẹp tình ta,
Ở lại nàng ơi ! Rạng cửa nhà.
Chậu sứ, cúc, mai còn điểm sắc,
Cành đào thắm đỏ rộ tươi hoa .
Trời thanh gió mát, màu xanh biển,
Đất mới, chồi tơ dáng ngọc ngà.
Tuổi trẻ hồn nhiên vui hát nhạc,
Cao niên thưởng ngoạn ánh dương tà


Mai Xuân Thanh
( 28 / 02/ 2015 )
***
Nán Lại Cùng Ta


Em ơi hãy nán lại cùng ta!
Nhấm chất men tan lẩn quẩn nhà
Mai vẫn cười duyên phô rạm nắng
Cúc còn khoe sắc thấm vàng hoa
Mặc dòng đời chảy cho xuân động
Để ánh trăng say quyện dáng ngà
Thêm chút thâm tình thêm ấm áp
Thêm tia ráng sót rọi chiều tà!


Nguyễn Đắc Thắng
20150301
***
Ước Gì Xuân Đến Sớm

Ước gì... Xuân đến sớm cùng ta!
Để tuyết ngày Đông khỏi tới nhà
Bao nhánh lay ơn rơi it nụ
Mấy cành hồng thắm rụng nhiều hoa
Ngày đi nắng tắt sau vòm lá
Đêm lại trăng lu thiếu ngọc ngà
Đã Tết rồi mà !...không đúng hẹn
Vui lòng lữ khách tuổi chiều tà.

Song Quang
(Những ngày tuyết đỗ 3/1/15)

Tìm Xuân




Nhớ lại hồi để chỏm
Ta chửa biết Nàng Xuân 
Đến năm muời sáu tuổi 
Biết Tết là có Xuân

Ôi! ngay từ buổi ấy 
Hân hạnh đón mừng xuân 
Rộn rực lòng vui thích
Tưng bừng nghe trống lân

Mỗi năm có một 
Tết Nao nức đón chờ Xuân 
Nhìn cội đào hé nụ 
Tựa bên song tần ngần

Mai vàng đã nở rộ 
Khoe sắc bên cạnh hè 
Con én đưa thoi nhẹ 
Giục Xuân mau mau về

Ngày tháng như ngựa chạy
Tết này ngoài chín mươi 
Nhớ Xuân ta nhớ mãi 
Tìm Xuân ta tìm hoài

Xuân ơi! Ta vẫn biết 
Có Tết là có Xuân 
Tri kỷ thơ và rượu 
Tìm Xuân bằng pháo lân

Viên Ngoại Thái Hanh

Thơ Tranh: Xuân Phụ


Thơ&Thơ Tranh; Kim Oanh


Xuân 2015 Và Ất Mùi


Tết Tây mới chớm có hơi Xuân,
Lạnh quá hoa đào điểm sắc mừng.
Ríu rít chim ca luồn nhánh liễu,
Rộn ràng nhạc trỗi khúc tưng bừng.
Hoa khai đợi nắng về mới trổ,
Ngọc thốt đang mong én liệng quầng.
Năm mới mười lăm rồi đón bạn, (2015)
Chờ Dê tiễn Ngựa, hết gian truân !

Ngựa hí vang lừng sắp sửa qua,
Dê xồm chuẩn bị tới vui nhà.
Đồng hương hy vọng chờ năm mới,
Bạn hữu cầu mong đợi thái hòa
Ngó lại quê cha rừng tít tắp,
Trông về đất mẹ biển bao la.
Ất Mùi khởi sắc bình an khỏe,
Giáp Ngọ tiêu điều giã biệt xa...

Mai Xuân Thanh
Ngày 31 tháng 12 năm 2014
Hình phụ bản ảnh Trương Văn Phú - Chợ Vĩnh Long

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Chào Đón Một Đồng Môn Nữ Từ Ana Heim – Cali

 Chúng tôi là bạn học chung một lớp tại trường PTG Cần Thơ từ 1959 khi đã qua đệ nhất cấp... Chị là một học sinh rất giỏi ngoại ngữ. Tính tình dịu dàng, đoan trang dễ gần.
   

Mỗi ngày đi học chị đi bộ từ nhà cạnh trường tàu trên dường Hòa Bình. Giờ đi thì tôi không biết. Nhưng giờ tan học thì chiếc xe đạp tôi như nặng nề hơn nên thường đạp theo phía sau chị độ hơn 10 mét. Đến khi chị vào nhà, tôi mới tăng tốc chạy về chợ Cái Răng cách Cần Thơ khoảng 6 cây số. Thế thôi ! Thế mà lập đi lập lại hai năm liên tục.

Sau khi đậu Tú Tài I tôi lên Sài Gòn học tiếp và chúng tôi chia tay trong thầm lặng. Sau nầy, chị kết hôn với một anh bạn học với chúng tôi. Anh ta vào quân ngủ sớm và có thời gian mang lon Trung tá quận trưởng quận Trà Ôn.
Rât may chị sắp xếp thời gian và đến với chúng tôi tại nhà hàng Resto trên đường Lý tự Trọng Cần Thơ.
Giờ ấn định gặp gỡ là 16 giờ ngày 28/02/2015, vào buổi chiều cho mát.
Chiều Thứ Bảy ai cũng bận rộn nhưng cũng góp mặt gồm:

- Chị Nguyễn thị Hạnh
-  Chị Lê thị Thảo
- Chị Quách thị Phụng
- Chị Nguyễn thị Tư Bé
- Chị Bùi thị Kim Hoàng
- Chị Lý ngọc Lan
- Chị Hàng ngọc Huệ
- Anh Phan lương Hiển
- Anh Vương thủy Tùng…

Trong số các chị ở trên có 3 chị là : Hoàng, Lan và Huệ …vào PTG sau chúng tôi một năm.
Nhà hàng Resto nằm bên phải công viên Lưu hữu Phước. Quán gọn, sạch, đẹp tiếp đải ân cần, chu đáo. Giá cả rất mềm và có nhiều thức ăn ngon.
Quán có phục vụ Pizza – mì Ý – Bò viên Roma – mì Quảng miền Trung và rất nhiều món hải sản tươi sống.

Từ trái: Lan-Huệ-Hạnh-Tùng-Hiển-Bé-Thảo-Phụng-Hoàng

Không gì hạnh phúc bằng sau 56 năm ngồi chung một lớp mà nay còn gặp măt và trò chuyện cùng nhau. Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm chúng tôi giờ mới thấy được tình nghĩa keo sơn thắm thiết của những người bạn học cũ. Chúng tôi cầu mong tình đồng môn lúc nào cũng tràn đầy trong những con tim già cỗi, xế chiều.

Mỗi người gọi món ăn và uống tùy thích.

Nói chuyện mãi đến khi ăn xong thì phố đã lên đèn.

Đứng dậy chia tay… hóa ra cô bạn còn mời…chúng tôi lội bộ ra đường Hòa Bình ăn… chè !
Quán chè nằm bên phải đường Võ văn Tần. Nơi đây có món chè đặc biệt là Chè Khúc Bạch.

Tô chè Khúc Bạch
Phần thạch của chè nầy không phải làm bằng bột agar mà được làm từ bột gelatine. Ngoài ra còn có sữa tươi không đường, hạnh nhân lát, hương liệu hạnh nhân, vải đóng hộp và một ít vải tươi. Quán chè nầy còn cho thêm dâu tây, lê, táo và mít chín vào trong tô chè.

Chè Khúc Bạch có đặc tính dẻo, mềm, độ sánh nhưng lại dòn nhờ có bột gelatine.
Đi bộ hơi mỏi chân và lấp sấp mồ hôi… dùng một muổng chè Khúc Bạch có vị ngọt thanh, mát dịu, béo bùi, thơm lừng mùi hạnh nhân thật là sảng khoái tinh thần.

Chúng tôi chia tay thì đã gần 8 giờ tối và hẹn sẽ gặp lại lần sau để đưa người bạn nữ năm xưa về Mỹ.

Chiều sắp tàn trên đại lộ Hòa Bình Cần Thơ

Đường Võ văn Tần Cần Thơ về đêm

Dương Hồng Thủy
(01/03/2015)

Melbourne Và Nét Thư Họa Vũ Hối


Thơ: Kim Oanh
Thư Họa: Vũ Hối
Tháng 11/2015


Cuối Nẻo Rong Chơi


Hết cuộc rong chơi quay tìm quê cũ
Bước cô đơn thất thểu hướng về đâu
Tiếc nuối điều chi ...ngoảnh đầu nhìn lại
Nước mắt rưng rưng ứa những giọt sầu!

Khách đi bỏ sau lưng chiều nhạt nắng
Cỏ cây cùng hoa lá ngẩn ngơ buồn
Cơn gió thoảng vi vu len lối vắng
Mưa cuối mùa tầm tã lệ sầu tuôn.

Khách đi nghẹn ngào thốt lời từ biệt
Đôi bàn tay ướp giá lạnh mùa Đông
Gắng tìm ấm từ vùng trời thân thiết
Níu thân phàm dần mục rữa ... ! Hư không!

Khách đi vật vờ hồn mờ sương khói
Rũ phong sương một thuở chất đầy vai
Sẽ đến lúc vẫy tay chào vĩnh biệt
Con đường lầy cát bụi muội mê say.

Anh Tú
February 27, 2015

Xuân Trong Nỗi Nhớ


Xuân về nước Việt năm nay
Mẹ hiền đã khuất, cây mai cũng già
Quê người thao thức mình ta
Ngày qua , Tết đến buồn da diết lòng

Năm nào gió bất lập đông
Mẹ phơi bánh tráng, bánh phồng ngòai sân
Ba thường tỉa kiểng chuyên cần
Ngòai vườn hoa bưởi trắng ngần tỏa hương

Liên hoan năm hết tan trường
Thầy trò tạm biệt học đường đón Xuân
Vầng trăng huyền ảo thượng tuần
Mê say ai hát nhạc Xuân trữ tình

Đêm tàn gà gáy bình minh
Nhà bên đám cưới linh đình rước dâu
Mẹ còn sắp quả cau trầu
Mong cho đôi trẻ bạc đầu yêu nhau

Hoa xuân ,áo mới khoe màu
Lì xì, dưa hấu, hồng, đào,..., mứt sen
Mẹ còn làm bánh in, men
Bày mâm ngũ quả được khen khéo, tài...

Xuân này, cảnh cũ vắng ai
Xuân ơi! nổi nhớ mẹ dài ngàn năm...

Phượng Trắng

Canada, Xuân Tân Mảo 2011

Thơ Tranh: Bàn Tay Ấm


Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Thơ Tuế: Lâu Lâu Lâu Rồi Ta Mới Nhậu Một Lần



Bài xướng:  
Lâu Lâu Lâu Rồi Ta Mới Nhậu Một Lần

Năm lon vui vẻ mới ngà say
Tui nể thằng tui muốn xá dài
Chập tối lai rai bàn chuyện phiếm
Đôi giờ hưng phấn nói lời bai
Đề cho xế nổ chân quay vững
Dọn dẹp bàn mâm miệng ngáp dài
Thỉnh thoảng mời nhau phi luật lệ
Chúc đêm ngon giấc tiếp trà mai.

Cao Linh Tử
6/2/2014
***Các bài họa:

Lâu Lâu Ta Kiếm Một Lần Say

Ừ cũng lâu rồi mới được say!
Hai thằng nổi hứng chợt ngồi dài
Chuyện trời đất biết còn hô hố
Chuông chín giờ ngân phải bái bai
Sương lạnh đèn mờ quờ phớt tỉnh
Đường im phố vắng nắn thêm dài
Âm vang rôm rả còm face book
Giấc mộng hương trà buổi sáng mai!

Nguyễn Đắc Thắng
20150207
***
Nhất Lon

Tớ chỉ một lon là đã say,
Cũng nhờ như rứa mới lâu dài.
Lão Cao nghe được e quay mặt,
Đắc Thắng thấy rùi cũng gút bai,
Thơ thẩn tám câu coi cũng ngắn,
Đường thi mấy chữ nghĩ sao dài.
Đổi trao mạng ảo vui là chính.
Không rượu thì trà cũng một mai.

Nhatthuyh(Hoành Trần)

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Thơ Tranh: Cung Chúc Tân Xuân


Thơ & Hình: Đỗ Chiêu Đức
Trình Bày: Kim Oanh
***
Các Bài Họa:

Thơ: Quên Đi
Trình Bày: Kim Oanh
*** 

Thơ:Mai Xuân Thanh
Trình Bày: Kim Oanh

Xướng Họa: Tượng Đá Ngắm Hoa



Tượng Đá Ngắm Hoa

Thơ thẩn vườn khuya tóc ẩm sương
Mình anh thu bóng suốt đêm trường
Nhìn sao thăm thẳm niềm da diết
Ngắm cảnh trăng gần dạ vấn vương
Linh cảm hồn về thăm cảnh nhớ
Đinh ninh khách đến viếng người thương
Đêm nay hoa nở hoa biền biệt
Nở để mình anh độc ẩm sương

GS Lê Minh Thuận
***
Hoạ: Bóng Trăng


Dật dờ bóng nguyệt ẩn đêm sương
Chạnh nhớ Người Xưa mấy đoạn trường
Giá buốt lạnh lùng vầng nguyệt úa
Lặng buồn quạnh quẽ khối tơ vương
Người đi cảnh cũ càng đau xót
Kẻ ở trăng xưa nặng nhớ thương
Tỉnh giấc mộng tình tình đã khuất
Mộng đành chợt tắt giữa đêm sương 

 Quên Đi
***
Hoài vọng
(hoạ: Thủ vĩ ngâm, Ngũ độ thanh)

Kê vàng tỉnh giấc giữa mù sương
Uổng cánh mùa bay, nhỡ dặm trường
Trĩu nặng duyên trần chân mỏi bước
Đong đầy ước vọng nỗi buồn vương
Cơ cầu, rũ rượi chân trời luyến
Nghiệt ngã, u hoài góc bể thương
Mệt lử bên đời, xa quãng vắng
Kê vàng tỉnh giấc giữa mù sương


TiCa (KTS Nguyễn Xuân Hoà)
Mười hai Têt Ất Mùi

Các Dạng Thơ Đường Luật


Trước đây, mọi người đều cho rằng Quách Tấn là nhà thơ lớn cuối cùng của Đường Luật Thi. Có thể đúng mà cũng có thể sai. Những tưởng thơ Đường Luật sẽ lụn tàn theo Quách Tấn. Nhưng thực tế, Thơ Đường Luật phát triển khá mạnh, các thế hệ 30 - 40 tuổi cũng tìm tòi học hỏi và gia nhập các thi đàn Đường Luật Thi. Không chỉ sáng tác, các Thi nhân ngày nay còn cho ra rất nhiều biến dạng hay, mới lạ.
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu Các Dạng Của Thơ Đường Luật trước đây và ngày nay.

***
Dương Quảng Hàm (1898-1946)
Theo Thầy Dương Quảng Hàm, Thơ Đường Luật có 8 dạng chính thức vừa của Tàu vừa của Việt Nam. Có lẽ vì thế mà 8 dạng này rất quen thuộc với giới làm thơ Đường Luật.

1- Thủ Vỹ Ngâm
Dạng thơ này có câu đầu cũng là câu cuối.
                Tết
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo

Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi đành tết khác,
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.
                 Trần Tế Xương

2- Liên Hoàn
Liên Hoàn là lối thơ lấy câu cuối của bài trên làm câu đầu của bài dưới:

     Hủ Nho Tự Trào
I
Ngán nỗi nhà nho bọn hủ ta,
Hủ sao hủ gớm hủ ghê mà ! 
Thơ suông nước ốc còn ngấm váng; 
Rượu bự non chai vẫn chén khà. 
Múa mép rõ ra văn chú chiệc; 
Dài lưng quen những thói con nhà. 
Phen này cái hủ xua đi hết. 
Cứ để cười nhau hủ mãi a? 

II 
Cứ để cười nhau hủ mãi a ? 
Cười ta, ta cũng biết rằng ta. 
Trót quen nho nhã đầu khăn lượt. 
Hóa kém văn minh cổ áo là. 
Khó vậy làm em, giàu đã chị; 
No thì nên bụt, đói ra ma, 
Nay được buổi học ganh đua mới. 
Còn giữ lề xưa mãi thế là! 

(Bài Hủ Nho Tự Trào của Tình Si Tử, có tất cả 4 bài Liên hoàn, ở đây chỉ đưa ra hai làm thí dụ)

3- Thuận Nghịch Độc
Thuận nghịch độc (thuận: xuôi; nghịch: ngược) là lối thơ đọc xuôi đọc ngược cũng thành câu có nghĩa cả; có khi đọc xuôi thành thơ quốc âm mà đọc ngược thành thơ chữ Hán.

       Đền Ngọc Sơn 

(Bài đọc xuôi) 
Linh uy tiếng nổi thật là đây: 
Nước chắn, hoa rào, một khoá mây. 
Xanh biếc nước soi, hồ lộn bóng: 
Tim bầm rêu mọc, đá tròn xoay. 
Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng; 
Khách văng khi đưa xạ ngát bay. 
Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng: 
Rành rành nọ bút với nghiên này. 

(Bài đọc ngược) 
Này nghiên với bút nọ rành rành: 
Thắng cảnh đồn vang tiếng thị thành 
Bay ngát xa đưa khi vắng khách; 
Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh . 
Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím, 
Bóng lộn hồ soi nước biếc xanh. 
Mây khóa một rào hoa chắn nước, 
Đây là thật nổi tiếng uy linh 
                        Vô danh

4- Yết hậu
Yết hậu (yết: nghỉ; hậu; sau) là lối thơ có bốn câu trên đủ chữ, còn bốn câu dưới chỉ có một chữ. Thí dụ:
          Lươn 
Cứ nghĩ rằng mình ngắn,
Ai ngờ cũng dài đườn. 
Thế mà còn chê trạch: 
Lươn!
            Vô danh
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585)
5- Lục ngôn thể 
Lục ngôn thể là lối thơ thất ngôn xen vào hai câu chỉ có 6 chữ. Lối thơ này ở nước ta về đời Trần, Lê hay dùng. Thí dụ : 
        Cảnh nhàn 
Lọ là thành thị, lọ lâm toàn, 
Được thứ thì hơn miễn phận nhàn.
Vụng, bất tài nên kém bạn (lục ngôn thể) 
Già, vô sự ấy là tiên (lục ngôn thể) 
Đồ thư một quyển nhà làm của; 
Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền. 
Dù nhẫn chê khen, dù miệng thế, 
Cơ mầu tạo hóa mặc tự nhiên.
             Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

6- Tiệt hạ
Tiệt hạ (tiệt: ngắt, hạ: dưới) là lối thơ nào cũng bỏ lửng như bị ngắt, bớt ở cuối, nhưng ý nghĩa rõ rệt, người đọc đoán mà hiểu được. 
Thí dụ:

Thác bức rèm châu chợt thấy mà …! 
Chẳng hay người ngọc có hay đà …! 
Nét thu dợn sóng hình như thể … 
Cung nguyệt quang mây nhác ngỡ là …
Khuôn khổ ra chiều người ở chốn .. 
Nết na xem phải thói con nhà .. 
Dở dang nhắn gửi xin thời hãy … 
Tình ngắn tình dài chút nữa ta … 
                           Vô danh 

7- Vĩ tam thanh- 
Vĩ tham thanh (vĩ: đuôi; tam: ba, thanh: tiếng ) là lối thơ ba tiếng cuối cùng, câu nào cũng phát âm giống nhau. Thí dụ: 

Ta nghe gà gáy tẻ tè te, 
Bóng ác vừa lên hé hẻ hè.
Non một chồng cao von vót vót, 
Hoa năm sắc nở loẻ loè loe. 
Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa, 
Ong nghĩa vua tôi nhẹ nhẻ nhè. 
Danh lợi mặt người ti tí tỉ 
Ngủ trưa chưa dậy khoẻ khoè khoe 
                             Vô danh. 

8- Song điệp
Song điệp (song: đôi; điệp: trùng nhau) là lối thơ mỗi câu hoặc ở đâu hoặc ở cuối có đặt hai cặp điệp tự (chữ lắp lại) Thí dụ: 

Vất vất vơ vơ cũng nực cười! 
Căm căm cúi cúi có hơn ai? 
Nay còn chị chị anh anh đó,
Mai đã ông ông mụ mụ rồi. 
Có có không không, lo hết kiếp 
Khôn khôn, dại dại chết xong đời. 
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy, 
Ngủ ngủ, ăn ăn, nói chuyện chơi 
                           Vô danh
(Theo Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm).

***
Như thế tất cả các dạng thơ Đường Luật bên dưới đây xuất hiện theo thú chơi thơ của các thi nhân mà thôi:
- Nhất Thủ Thanh: Các chữ đầu của các cây trong bài thơ giống nhau.
- Nghi Vấn: Câu thơ nào cũng có dấu hỏi ở cuối câu.
- Bát Điệp: Tất cả các câu đều có một từ giống nhau.
- Ô Thước Kiều: Tương tự như thơ Liên Hoàn, nhưng chỉ lấy hai chữ cuối của bài trên làm hai chữ đầu của bài dưới.
- Dĩ Đề Vi Thủ: Lấy các chữ ở tựa bài thơ làm chữ đầu tiên của các câu thơ.
- Dĩ Đề Vi Vận: Lấy các chữ ở tựa bài thơ làm vần để gieo.
- Áp Cú: Lấy chữ cuối của câu trên làm chữ đầu của câu dưới.
- Khoán Thủ: Ghép các chữ đầu các câu thơ  thành một câu văn có ý nghĩa.
- Ngũ Độ Thanh: Dựa theo Ngũ Độ Thanh từ xưa bên Tàu áp dụng vào thơ Đường Luật ở Việt Nam. Các câu thơ phải hội đúng 5 dấu thanh trong 6 dấu thanh của tiếng Việt: Không dấu, Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng.

Ngoài ra còn rất nhiều biến dạng khác tuỳ theo sở thích của Tác giả nhưng vẫn theo 5 quy tắc căn bản của Đường Luật Thi là Vần, Niêm, Luật, Đối và Bố cục.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn.