Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Mù Lối - Thơ Kim Phượng - Hương Nam Diễn Ngâm



Thơ: Kim Phượng 
Diễn Ngâm: Hương Nam

Đời - Vui Đời - Đạo



Bài Xướng:Đời


Giận, tham, sướng, khổ lẫn buồn vui
Đeo đẳng nhân gian suốt cuộc đời
Đón trẻ sơ sinh, môi rạng rỡ
Tiễn già tạ thế, lệ đầy vơi
Bần cùng thất bại, chua cay khóc
Phú quý thành công, hớn hở cười
Phút cuối quay nhìn: đều giả tạm
Phù du chi bấy kiếp con người!

Phương Hà
***
Các Bài Họa:

Vui Đời
Sanh được làm người, ấy chuyện vui!
Khổ sầu chi lắm cũng xong đời?!
Trẻ vui theo trẻ, nghèo không chán,
Già hưởng tuổi già, khổ cũng vơi!
Phú quý vô ưu tùy phó phận,
Bần cùn tự tại vẫn vui cười!
Xuôi tay phút cuối coi như hết...
Một cuộc dạo chơi của kiếp người!!!

Đỗ Chiêu Đức
03-31-2016.
***
Đạo

Cuộc sống cho ta buồn lẫn vui
Thương yêu ganh ghét có trong đời
Lòng người thay đổi không lường trước
Chung thuỷ theo dòng lắm lúc vơi
Con trẻ ra đời òa tiếng khóc
Mẹ Cha hạnh phúc nở hoa cười
Xưa nay tạo hóa là như vậy
Sống đạo tu tâm giữ phận người

Kim Oanh
***
Đời


Con tạo lắm buồn cũng lắm vui
Còn ta lặn hụp giữa dòng đời
Quơ quào mọi lúc hơi nào nãn?
Bấu giữ nhiều phen lực chả vơi?
Khổ tận từ cơ trời bắt khổ
Cười lên chuyển số phận hay cười
Trò chơi quy luật quanh nguồn sống
Cảm nhận hồn nhiên một kiếp người!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Trả Nợ Đời


Đã sống trần ai cố gắng vui!
Để ta trả nợ nốt cho đời
Giàu nghèo phó thác cho duyên phận
Khốn khó vươn lên ắc hẳn vơi
Gặp lúc phân ly đừng nhỏ lệ
Nhằm khi xum hợp bớt reo cười
An tâm quẳng gánh lo mà sống
Thanh thản yêu thương hết mọi người

Song Quang
***
Họa y đề:


Tịch tử triêu văn đạo cũng vui
Thiên niên mai cốt tiếng tăm đời
Đài Tần đảnh Hớn không tồn tại
Sông Cửu Biển Hồ đã sắp vơi
Sinh cõi Ta Bà nhăn mặt khóc
Phủi tay thế sự nhếch môi cười
Biết thân giả tạm sao còn luyến ?
Mượn chốn nhân gian chuyển kiếp người .

Cao Linh Tử
2/4/2016
***
Đời Thú Vị

Mỗi một ngày qua một cảnh vui
Sao bài mới nhận thở than đời
Nhân sinh nào đã buồn như thế
Tình nghĩa còn đây chẳng thể vơi
Nghèo khó nhiều khi luôn thoải mái
Giàu sang đôi lúc khó tươi cười
Xét ra vẫn thấy đời sung sướng
Chớ lắng lo chi mệt cả người

Quên Đi
***
Tang Thương


Đồng bằng khô hạn mấy ai vui?
Đất mặn đồng chua thấy khổ đời!
Dân số tăng nhanh lo đói kém!
Ruộng nương nứt nẻ thấy chơi vơi!
Làm ăn thất bát không nguồn nước,
Thu hoạch mất mùa dở khóc cười.
Cõi tạm không lương sao sống nỗi,
Tang thương lúa lép gạo nuôi người!!!

Mai Xuân Thanh

Ngày 01 tháng 04 năm 2016
***
Sống Vui

Trần gian bể khổ, Ta vẫn vui!
Sống thọ kinh thông, khắp nẽo đời
Mở mắt chào đời, đời đón nhận
Ngày lên trăm tuổi, thế gian mời!
Đạo Đời khổ cực, tâm an lạc
Mặc đời phỉ báng, mặc Ta cười!
Ngày về cát bụi, hồn thăng tiến
Ta cảm ơn Cha tặng kiếp người!

Ngọc Túy



Việt Nam Sử Lược Quyển 1/ Phần 3 Chương 3


CHƯƠNG III
NHÀ TIỀN-LÊ
前 黎 氏
( 980 — 1009 )
1. Lê Đại-hành
2. Phá quân nhà Tống
3. Đánh Chiêm-thành
4. Việc đánh-dẹp và sửa sang trong nước
5. Lê Trung-tông
6. Lê long Đĩnh
I. LÊ ĐẠI HÀNH (980-1005). Lê Hoàn 黎 桓 là người làng Bảo-thái, huyện Thanh-liêm, tỉnh Hà-nam bây giờ, làm quan Thập-đạo tướng-quân nhà Đinh. Nhân khi vua nhà Đinh còn trẻ tuổi, và lại có quân nhà Tống sang xâm, quân-sĩ tôn Lê Hoàn lên làm vua, tức là Đại-hành Hoàng-đế 大 行 皇 帝, niên-hiệu là Thiên-phúc 天 福 (980-988), Hưng-thống 興 統 (989-993), và Ứng-thiên 應 天 (994-1005).
Vua Đại-hành lên làm vua rồi sai sứ đưa thư sang nhà Tống nói dối là thư của Đinh Tuệ (Phế-đế) xin phong, có ý để nhà Tống hoãn binh lại. Nhưng vua nhà Tống không nghe, sai sứ sang trách Đại-hành rằng sao được xưng đế, và lại nói rằng: « Nhà Đinh truyền tập đã ba đời rồi, vậy cho Đinh Tuệ làm Thống-soái, Lê Hoàn làm phó. Nhược bằng Đinh Tuệ còn trẻ tuổi không làm được, thì Lê Hoàn phải bắt mẹ con Đinh Tuệ sang chầu Bắc-triều, rồi sẽ phong quan-tước cho Lê Hoàn ». Vua Đại-hành biết mưu nhà Tống bèn không chịu và sửa-sang sự phòng-bị.

2. PHÁ QUÂN NHÀ TỐNG. Nhà Tống thấy vua Đại-hành không chịu nghe lời, bèn sai tướng đem quân sang đánh. Tháng 3 năm tân-tị (981) thì bọn Hầu nhân Bảo 侯 仁 寶 và Tôn toàn Hưng 孫 全 興 tiến quân sang mặt Lạng-sơn, bọn Lưu-trừng 劉 澄 đem thủy-quân sang mặt Bạch-đằng-giang.
Vua Đại-hành đem binh-thuyền ra chống giữ ở Bạch-đằng. Quân nhà Tống tiến lên thế mạnh lắm, quan quân đánh không lại phải lùi. Bấy giờ lục-quân của bọn Hầu nhân Bảo tiến sang đến Chi-lăng 支 稜 (thuộc Ôn-châu, Lạng-sơn), vua Đại-hành sai người sang trá hàng để dụ Hầu nhân Bảo đến chổ hiểm bắt chém đi, rồi đuổi đánh quân nhà Tống chém giết được quá nửa, và bắt được hai người bộ-tướng.
Bọn Lưu Trừng thấy lục-quân đã tan vỡ, vội-vàng đem thủy-quân rút về.
Quân ta tuy thắng trận, nhưng vua Đại-hành sợ thế-lực không chống với Tàu được lâu, bèn sai sứ đem hai viên tướng bắt được sang trả nhà Tống và xin theo lệ triều cống. Lúc ấy ở phía bắc nước Tàu có quân Khiết-đan 絜 丹(Hung-nô) đang đánh phá, cho nên vua nhà Tống cũng thuận, thôi việc chiến-tranh với nước ta, và phong cho vua Đại-hành làm chức Tiết-độ-sứ.
Năm quí-tị (993) nhà Tống sách phong cho vua Đại-hành làm Giao-chỉ quận-vương, rồi đến năm đinh-dậu (997) lại gia phong là Nam-bình-vương 南 平 王.
Bấy giờ sứ nhà Tống thường hay đi lại, có khi vua Đại-hành phụng chiếu mà không lạy, nói dối rằng đi dánh giặc ngã ngựa đau chân. Nhà Tống biết là dối, nhưng cũng làm ngơ đi.

3. ĐÁNH CHIÊM-THÀNH. Vua Đại-hành phá được quân nhà Tống rồi, định sang đánh Chiêm-thành 占 城, vì lúc vua Đại-hành lên ngôi, có sai sứ sang Chiêm-thành, bị vua nước ấy bắt giam sứ lại. Đến khi việc phía bắc đã yên, vua Đại-hành đem binh sang đánh báo thù. Quân vua Đại-hành sang chiếm giữ dược kinh-thành nước Chiêm và bắt được người, lấy được của rất nhiều. Từ đấy nước Chiêm-thành phải sang triều cống nước ta.

4. VIỆC ĐÁNH-DẸP VÀ SỬA-SANG TRONG NƯỚC. Việc trong nước thì có các quan đại thần là bọn Từ Mục 徐 穆, Phạm cự Lượng 范 巨 倆, Ngô tử An 呉 子 安 giúp rập. Đặt luật-lệ, luyện quân-lính và sửa-sang mọi việc.
Bấy giờ thường hay có các động Mường và những người các châu quận làm phản, vua Đại-hành phải thân chinh đi đánh-dẹp, bình được 49 động Hà-man 何 蠻 洞 (thuộc huyện Thạch-thành, tỉnh Thanh-hóa) và dẹp yên những người phản-nghịch ở các nơi. Bởi vậy thanh-thế vua Đại-hành lúc bấy giờ rất là lừng-lẫy.
Năm ất-tị (1005) là năm Ứng-thiên thứ 12, vua Đại-hành mất, thọ 65 tuổi, làm vua được 24 năm.

5. LÊ TRUNG-TÔNG (1005). Vua Đại-hành đã định cho người con thứ ba là Long Việt 龍 鉞 làm thái-tử, nhưng đến lúc vua Đại-hành mất, các hoàng-tử tranh ngôi đánh nhau trong bảy tháng. Đến khi Long Việt vừa mới lên ngôi được 3 ngày thì bị em là Long Đĩnh 龍 鋌 sai người vào cung giết đi, thọ 23 tuổi. Sử gọi là Lê Trung-tông 黎 中 宗.

6. LÊ LONG ĐĨNH (1005-1009). LONG ĐĨNH là người bạo-ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa. Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi: có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống; có khi bắt tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gốc cho cây đổ; có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông. Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh-thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế làm vui cười. Còn khi ra buổi chầu, có ai tấu sớ điều gì thì cho những thằng hề nói khôi-hài hay là nhại tiếng làm trò.
Long Đĩnh làm vua được 2 năm đổi niên-hiệu là Cảnh-thụy (1008-1009). Sang năm sau là năm kỷ-dậu (1009) thì mất, làm vua được 4 năm, thọ 24 tuổi.

Vì lúc sống dâm-dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Ngọa-triều.
Long Đĩnh mất rồi, con thì bé, đình-thần nhân dịp tôn Lý công Uẩn lên làm vua, khai sáng nên cơ-nghiệp nhà Lý.
Nhà Tiền-Lê làm vua được 3 đời, cả thảy được 29 năm.

TIỀN LÊ-TRIỀU THẾ-PHỔ 前 黎 朝 世 譜
1. Đại-hành Lê Hoàn 大 行 黎 桓

Long Du
Ngân Tích
2. Trung-tông Long Việt
3. Đế Long Đĩnh (Ngọa-triều)

龍 鍮
銀 錫
中 宗 龍 鉞
帝 龍 鋌



Sạ 乍


Huỳnh Hữu Đức sưu tầm


Các Phần Đã Đăng:

Bài Thơ Cuối Cho Cuộc Tình



Lần cuối bài thơ viết gởi người !
Tình ta chỉ có bấy nhiêu thôi
Chia tay cho trọn lòng mong ước
Xin trả cho nhau giấc mộng đời

Khi phải chia xa chắc khổ nhiều !
Khi tình hai đứa bén hương yêu
Nhưng bao nghịch cảnh còn ngăn lối
Không thể làm sao...gió đổi chiều.

Phút cuối nhìn nhau...thế đủ rồi !
Tôi về bên giấc ngủ đơn côi
Người đi như cánh chim trong gió
Mang cả hồn thơ đến cuối trời

Kỷ niệm ngày qua nhát chạnh lòng !
Đâu ai thăm hỏi để chờ mong ?
Đâu còn hò hẹn mà nôn nóng !
Chết lịm hồn tôi ai biết không ???

Lời cuối xin dành tôi chúc người
Yêu đương đâu phải chuyện đùa chơi!
Muốn quên đâu dễ dàng quên được
Thôi để thời gian sẻ trả lời !!!

Lý Lệ MAI
(Tiếp theo"Vết tích một cuộc tình"&"Lối đến đường tình"
(Trong chuyện tình tôi)
4/7/2016

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Nhích Lại Gần Trăng


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Rụng Cánh Đại Bàng


Thương cánh Đại Bàng lạc gió Đông
Lượn vòng mây trắng tìm quê cũ
Trường Sơn Tây ấp ủ từ lâu
Chiêu dương tắt giang đầu tĩnh mịch

Nhỏ nhoi lắm kiếp người nghịch cảnh
Trong cô đơn thú tội tình xanh
Lỗi tại anh rời Pleiku sớm
Để mi sầu ôm giá lạnh sâu

Vây quanh em hung thần yêu vội
Lội chân tàn giẫm nát đồi thông
Cơn điên loạn giống giòng man dã
Bất ngờ làm từ giã em tôi

Tội anh vắng mộng đầu tan vỡ
Địa ngục trần xe chở em đi
Tim nấc nghẹn van dừng xe lại
Hương xưa lòng trổi khúc bi ai

Đôi tay rắn ngoài vòng cương tỏa
Đại Bàng ơi còn ngõ nào bay
Cao Nguyên mất đắng cay cuộc đời
Trời Tây mãi phương đoài vô định!

Vĩnh Long 8-7-2010
Lê Kim Hiệp

Dưa Hường Nấu Canh

Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
(Ca dao)

Ước mong của các bà mẹ Việt Nam đơn sơ làm sao! Dễ thương làm sao! ….
Hạnh phúc đối với những bà mẹ xưa nay rất ư là bình thường như vậy. Và không ai nghĩ mẹ chúng ta cường điệu chỉ mong “gả thiếp về vườn” để chỉ được ăn món “dưa hường nấu canh”.

Bông bí ở đây là bông bí rợ hay còn gọi là bí đỏ. Trái bí rợ to, tròn hơi dẹt hai đầu và có nhiều muối cạn. Bông bí màu vàng sậm, khi nở to bằng cái chén ăn cơm. Bông bí đực, không cho trái, được dùng luộc chấm cá kho ăn với cơm ngon khó tả. Ăn mới biết.

Canh dưa hường có thiệt ngon không? Dưa hường là dưa gì vậy?

Người mình nói đến “dưa cà” là nói đến cái gì đơn sơ và đạm bạc, thể hiện lô ăn lối sống của con người miệt quê, miệt vườn. Canh dưa hường có mặt trong ca dao cho thấy đây là loại canh có lâu đời ở xứ mình rồi.

Dưa là “trái sanh ở các loại dây leo, ăn được”. Dưa xứ mình không có nhiều loại, chỉ thấy vài thứ quen ăn xưa nay ai cũng biết như dưa leo, dưa chuột, dưa gan, dưa hấu…

Dưa hường không phải là tên của một loại dưa riêng, dưa hường là trái dưa hấu chưa già, được người nhà vườn hái bỏ bớt để dưỡng cho các trái còn lại lớn hơn, ngọt hơn.

Để biết thế nào là dưa hường, mời bạn làm một chuyến đi thăm nơi trồng dưa hấu nổi tiếng miền Lục Tỉnh. Dưa hấu ở quê mình xưa rất hiếm vì kén đất, không chịu mưa nên chỉ có trong mùa Tết. Dưa hấu chịu đất vườn, đất giồng, đất cao, không chịu nước, ưa thời tiết nóng và khô. Nhà vườn theo kinh nghhiệm dọn đất bỏ hột dưa hấu vào độ tháng tám, tháng chín ta; tính sao cho dưa có trái thì trời cũng hết mưa, tránh cho dưa khỏi bị thúi trái. Năm nào mưa muộn, dưa hấu bị thất mùa.

Ở miền Nam có hai nơi nổi tiếng dưa hấu là Cầu Cổ Cò và Gò Công:

Cầu Cổ Cò nằm ở An Hữu thuộc quận Cái Bè nay thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp hạt Bắc Mỹ Thuận. Nghe nói cái cầu này xây giống như cổ cò nên người ở đây kêu là Cầu Cổ Cò, kêu mãi thành tên địa danh. Đất vùng này thuộc loại đất gò phù sa có pha chút cát, nước ngọt quanh năm, nên trái dưa hấu Cổ Cò lớn trái, ruột có cát, mùi vị thơm-ngọt-giòn và để lâu không bị xốp trong ruột.

Về thăm Cổ Cò nghe lại câu hát “dòng An Giang ai qua vẫn nhớ..” chắc làm bạn chạnh lòng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa Anh Việt Thu, đứa con của An Hữu!

Dưa hấu Gò Công trồng lại trên đất giồng vên bờ biển Tân Thành, Bến Chùa thuộc vùng đất cát pha ít phù sa, chưa có nước mặn. Dưa hấu Gò Công vỏ xanh đậm, cứng, ruột có nhiều cát hơn dưa Cổ Cò, màu đỏ sậm. Mùi thơm, vị ngọt-mặn độc đáo không nơi nào có. Dưa hấu Gò Công để lâu ra ngoài Tết không bị hư, bị thúi như dưa nơi khác.

Nay nói tới trái dưa hường có nhiều người chưa thấy, chưa từng nghe qua dầu là dân Lục Tỉnh thứ thiệt. Tự Điển Tiếng Việt nhiều cuốn không có chữ dưa hường, phải chăng vì trái dưa là loại trái “phó sản” của trái dưa hấu mà chỉ dân Lục Tỉnh mới biết ăn mà thôi?

Dưa dấu trồng thả cho bò trên mặt đất như khoai lang, mỗi dây nhà vườn chọn giữ lại ba trái từ gốc tính lên để làm dưa nhứt, dưa nhì và dưa ba. Những trái kỳ dư, còn lại phải hái hết, đặt tên là dưa hường: Vừa đỏ vừa trắng.

Dưa hường loại lớn cở cái chén hái vô dùng để ăn chơi như ta ăn dưa hấu rất đã khát, dầu không được ngọt. Mấy bà già xưa ưa ăn cơm với dưa hường chấm với cá kho mặn hoặc tôm rang muối. Ăn chay thì chấm với chao cũng ngon đáo để.

Trái dưa nhỏ hơn, cỡ trái cam, trái quít dùng nấu canh gọi là canh dưa hường, là món canh có tên trong danh mục canh của bếp Việt, mà tới nay nhiều người còn ưa, còn thích.

Dưa hường thường bán ở chợ quê, thỉnh thoảng mới đưa đến tỉnh, nhưng ít khi thấy bán ở Sài Gòn.

Nhà vườn hái dưa hường ra chợ bán trực tiếp (không qua trung gian người bán hàng giồng) gọi là kiếm chút tiền để mua trà bánh, thuốc rê, dầu hôi, đá lửa… Dưa hường bán tính theo mớ, đếm trái và tùy lớn nhỏ mà nói giá rât thân tình, không mang tánh thương mại. Giá cả cũng thả nổi, tùy phiên chợ. “Bán hết, bán rẻ còn về nấu cơm”, kiểu tiếp thị chào hàng của mấy bà chợ quê là vậy.

Canh dưa hường nguyên sơ được nấu với tôm. Con tôm phải là tôm đồng, tôm ruộng nước ngọt, chớ không phải tôm biển. Bởi con tôm biển thường có mùi tanh, nấu canh sẽ có mùi “khai khai” như mùi cá đuối không hợp với canh dưa hường, canh rau, canh bầu bí nói chung. Tôm tươi lột bỏ vỏ, mấy bà già còn cẩn thận rút bỏ sợi gân máu trên lưng con tôm.

-Làm “như dầy” mới hết mùi tanh, bà kêu con gái tới coi cách bà làm.

Gặp những con tôm lớn, bà phải dùng mũi dao xẻ lưng con tôm để lấy cho được sợi gân máu. Tôm lột xong để trên thớt lấy lưỡi dao phay dần cho dập thịt, sao con tôm “thấy còn nguyên”. Nếu tôm ít, không đủ nồi canh, muốn canh ngọt phải giả tôm cho nhỏ.

Cho tôm vào nồi xào sơ sơ nghe thơm thơm nêm chút nước mắm ngon, chờ cho con tôm thắm đều mới cho nước vào. “Vừa sôi phải vớt bọt, để trể bọt tan làm nước canh không trong”, mấy bà mẹ ngày xưa sành ăn, dạy con dạy dâu tỉ mỉ như vậy.


Dưa hường nấu canh phải lựa chớ đâu đơn giản: Trái lớn quá có nhiều vị “ngọt đường”, trái nhỏ quá không đủ ngọt và thịt “chai sượng” không phải là loại dưa cho nồi canh ngon. Phải lựa trái “don don” cỡ trái cam, trái quít nhưng không quá già cũng không quá non.

Vậy biết thế nào mà lựa cho đúng?

Lựa dưa hường/dưa hấu theo mấy người xưa là phải nhìn cuốn: Bởi theo kinh nghiệm “dưa già cuốn khô” và “dưa đỏ đít, cà đỏ trôn!”

Dưa hường trước khi gọt vỏ phải rửa sạch và để cho ráo nước. Gọt hết vỏ, xẻ trái dưa làm đôi như xẻ trái cam, sắt từng miếng nhỏ vừa miếng ăn. Tùy trái mà sắt chia hai, chia tư, chia sáu miếng, sao cho miếng dưa nào cũng phải có vỏ có ruột. Mấy ông mấy bà không còn răng có kiểu sắt dưa khác: Sắt thành khoanh mỏng như sắt dưa leo ăn sống.

Cho dưa hường vào nồi nước đang sôi, để lửa cao ngọn một chút chờ nồi canh sôi bùng. Dùng đũa đảo dưa từ dưới lên cho dưa được chín đều. Khác với canh bầu, canh dưa hường phải nấu cho thiệt chín, nếu không dưa bị nhớt và mất mùi dưa hường.

Canh dưa hường nêm với hành hương sắt nhuyễn, chút tiêu, ăn với nước măm trong giằm ớt nhưng không cay quá như canh nấu với cá lóc cá rô. Cơm nóng canh nóng vừa đủ làm cho bạn chảy ít mồ hôi, trong khi bên ngòai trời tháng mười bắt đầu hơi se lạnh, thú vị còn gì bằng!

Sau này canh dưa hường được nấu với thịt heo ba chỉ bằm hay với cá thát lát vò viên. Hoặc dùng mỡ phi tỏi để xào tôm, xào thịt làm tang hương vị canh dưa hường nhưng cũng không đánh mất bản chất của canh dưa hường.

Bông bí luộc là món ăn nhà vườn, hiếm và ngon. Dưa hường nấu canh cũng hiếm nhưng lại còn quí nữa. Bởi trái dưa hường là hiện thân của trái dưa hấu, nên không chỉ là món ăn mà còn là cái gì thân thương, mang hơi hám ngày Tết thiêng liêng của mọi người.

Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.

“Dưa hường nấu canh” xem như vậy không chỉ là món ăn ngon, mà canh dưa hường như còn mang trong nó cái gì như hồn quê, hồn người nữa.

Nên đã từ bao lâu rồi các bà mẹ Việt Nam mong được gả con về vườn đâu phải chỉ để được ăn món “dưa hường nấu canh”, mà như muốn gởi gắm nỗi niêm gì đó.

Và thế nên “dưa hường nấu canh” mới trở thành món canh dưa ngon ngoại hạng…

Nam Sơn Trần Văn Chi 


Xuân Hành 春行 - Giả Đảo

Nói đến Hành, trong thơ xưa, thường là một loại thơ, tự sự, trữ tình, tự do, gần như nghĩ sao viết vậy, phóng túng, ít chịu gò bó theo một thể luật nhất định. Như, Đoản Ca Hành của Tào Tháo "Đối tửu đương ca/ nhân sinh kỷ hà / thí như triêu lộ / khứ nhật khổ đa ..." (Trước rượu nghêu ngao / đời người bao lâu / như giọt sương mai / ngày qua khổ nhiều...).Như,Trường Can Hành của Lý Bạch :"Thiếp phát sơ phú ngạch / Chiết hoa môn tiền kịch / Lang kỵ trúc mã lai / Nhiễu sàng lộng thanh mai "(Tuổi thiếp tóc vừa xòa trước trán / đang chơi bẻ hoa đóng tuồng trước nhà / Chàng cỡi ngựa tre ngang qua / Nghịch ném mơ xanh vào đầy giường thiếp). Như, Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị: "Tầm Dương giang đầu dạ tống khách / phong diệp địch hoa thu sắt sắt/ chủ nhân há mã khách tại thuyền/ cử tửu dục ẩm vô quản huyền..." (mà Cụ Phan Huy Vịnh đã chuyển dịch là "Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách /quạnh hơi thu lau lách đìu hiu/ người xuống ngựa khách dừng chèo/ chén quỳnh mong cạn sớm chiều trúc ty ). Bài Xuân Hành của Giả Đảo đã là một trường hợp hiếm thấy, là một bài hành hay,thanh thoát mà sâu lắng, được viết trong khuôn khổ một bài thơ Đường ngũ ngôn bát cú, cách luật nghiêm chỉnh! Tác giả thật không hổ danh được người đời truyền tụng là một nhà thơ "nhị cú tam niên đắc" (phải mất 3 năm mới làm được 2 câu thơ vừa ý). Ngày xuân đôi lời dông dài cho vui, xin được chia xẻ điều thú vị này với mọi người yêu chuộng thơ xưa. PKT 04/05/2016




Xuân Hành - Giả Đảo (793 - 865)

Khứ khứ hành nhân viễn 
Trần tuỳ mã bất cùng
Lữ tình tà nhật hậu
Xuân sắc tảo yên trung
Lưu thuỷ xuyên không quán
Nhàn hoa phát cố cung
Cựu hương thiên lý tứ
Trì thượng lục dương phong

Dịch Xuôi: Xuân Hành


Người đi là đi mãi / bụi đường mòn vó ngựa / tình lữ chiều nắng tắt / thoáng xuân trong sương mai / suối chảy qua quán trống vắng / hoa trôi từ cung xưa nào / nhớ về quê cũ giờ xa xôi quá / liễu xanh rủ bên hồ gió động lao xao. 

Dịch Thơ

Xuân Hành
(1) Hai bài ngũ ngôn cổ thể tháng 12 năm 2007

Bài 1/
Người đi còn mê mải
Quên ngựa lấm bụi đường
Chiều gợi sầu lữ thứ
Thoáng xuân buồn trong sương
Suối trôi bên quán trống
Hoa lạc từ trời nao
Quê xưa giờ xa quá
Liễu hồ xanh lao xao. 

Bài 2/

Ra đi rồi đi mãi
Ngưa quen bụi đường xa
Chiều dậy sầu lữ thứ
Sương xuân buông nhạt nhòa
Quán vắng buồn soi nước
Tình ai theo hoa trôi
Quê trùng trùng cách trở
Gió liễu hồ chơi vơi 


(2) Bài đường luật ngũ ngôn bát cũ tháng 4 năm 2016

Một đi là mãi mãi
Bụi nản ngựa đường xa.
Chiều nắng tàn vương vấn
Sáng sương xuân nhạt nhòa.
Suối buồn qua quán trống
Hoa lạc nhớ cung xưa.
Quê cũ ngàn trùng cách
Liễu hồ gió nhẹ đưa.


Phạm Khắc Trí
***
Đi Đi Xuân Ơi!


Người đi xa xa mãi,
Dặm hồng ngựa mỏi mòn.
Bóng chiều nghiêng ngã xế,
Sương mờ sáng xuân non.
Suối buồn bên quán vắng,
Cổ cung hoa héo hon.
Nẻo về đâu quê cũ,
Liễu soi hồ gió hôn!


Mai Xuân Thanh dịch
Ngày 05 tháng 04 năm 2016
***
春行 Xuân Hành


去去行人遠, Khứ khứ hành nhân viễn,
塵隨馬不窮。 Trần tuỳ mã bất cùng.
旅情斜日後, Lữ tình tà nhật hậu,
春色早煙中。 Xuân sắc tảo yên trung
流水穿空館, Lưu thuỷ xuyên không quán,
閑花發故宮。 Nhàn hoa phát cố cung.
舊鄉千里思, Cựu hương thiên lý tứ,
池上綠楊風。 Trì thượng lục dương phong.

賈島                 Giả Đảo

***
Xuân Hành

Người sao lại mãi đi xa

Bụi đường theo vó ngựa qua mịt mùng
Khách buồn chiều xuống mông lung
Màu xuân lạc giữa một vùng sương mai
Nước bên quán vắng xuôi dài
Hoa sầu cung cũ sắc phai hương tàn
Nhớ quê xa lắc dậm đàng
Bên hồ dương liễu ngỡ ngàng gió xuân.

Quên Đi dịch
***

Xuân Hành 

Người đi đi miệt mài xa
Dặm đường vó ngựa vụt qua bụi mù
Sầu lòng chiều nhạt âm u
Thoáng xuân bao phủ một vùng sương mai
Suối buồn quán vắng lắc lay
Cung xưa hiu hắt đọa đày đời hoa
Nghìn trùng nhung nhớ quê nhà
Xuân đi liễu rũ gió sa lệ hồ 

Kim Oanh dịch
***
Xuân Hành

Sao người cứ mãi xa đi
Ngựa mòn chân sải bụi thì mù bay
Bâng khuâng dạ khách cuối ngày
Sắc xuân phủ khói u hoài mùa sang
Nước vòng quán vắng xuôi ngàn
Hương phai cung cũ hoa tàn úa hoa
Nhớ thương nghìn dặm quê nhà
Bờ ao xanh liễu la đà gió đưa

Kim Phượng dịch
***
Xuân Hành

Người đi đi bên trời lủi thủi
Vó câu dồn cuốn bụi trần gian
Chiều về lòng khách miên man,
Sớm mai xuân sắc sương lan khói lồng
Ngang quán vắng một dòng suối nhỏ
Cố cung buồn hoa nở nhàn an.
Lòng quê da diết dặm ngàn,
Bên hồ liễu biếc mơ màng phất phơ 

Mailoc phỏng dịch
***
Tản Mạn Xuân

Người đã ra đi là mãi mãi
Bụi mòn vó ngựa quãng đường xa
Nắng tàn vương vấn chiều buông xuống
Sương sớm nhạt nhoà xuân thoáng qua
Suối chảy miên man bên quán vắng
Hoa trôi lờ lững tự cung xa
Đường về quê cũ xa vời vợi
Gió nhẹ đưa cành liễu thướt tha.

Phương Hà phỏng dịch

Cơ Hội Luôn Khảo Nghiệm Sự Chân Thành Không Ngờ


Ở nước Mỹ, trong một cửa hàng bách hóa, trời đột nhiên đổ cơn mưa lớn, một bà lão ăn mặc giản dị, khắp người ướt sũng đi vào tránh mưa, gần như toàn bộ nhân viên bán hàng đều không muốn để mắt đến bà lão này.

Có một chàng trai rất thành kính nói với bà rằng: “ chào bà, tôi có thể giúp gì cho bà đây?”.Bà lão cảm thấy mượn chỗ của người khác để tránh mưa, trong lòng cũng có chút khó chịu, liền muốn mua một vài món đồ, nhưng đi vòng quanh mãi mà không biết mua gì nữa.Chàng trai này nhìn thấy liền nói với bà lão rằng:
Thưa bà, bà không cần cảm thấy khó xử! Tôi đã để một chiếc ghế ở trước cửa, bà cứ yên tâm ngồi ở đó là được rồi”.Sau hai tiếng đồng hồ thì mưa đã tạnh, bà lão xin danh thiếp của chàng trai này rồi đi mất.

Mấy tháng sau, chàng trai này đã được một cơ hội hiếm có, anh được chỉ định làm đại diện cho công ty bách hóa của một công ty gia tộc lớn khác, lợi nhuận rất lớn.
Về sau mới biết là bà lão đó đã cho cậu cơ hội này, hơn nữa bà lão này không phải ai khác, mà chính là mẹ của “Vua Thép” Carnegie, tỷ phú nước Mỹ.

Thế là, chàng trai này từ đây đã thuận buồm xuôi gió, một bước lên mây, trở thành trợ thủ đắc lực của “Vua Thép” Carnegie, đồng thời cũng là một trong số nhân vật trọng yếu giàu có bậc nhất, địa vị chỉ đứng sau Carnegie mà thôi.

Chẳng cần lời ngon tiếng ngọt, chỉ cần chân thành là tốt rồi;
Chẳng cần thề non hẹn biển, chỉ cần thật sự làm được là tốt rồi;
Giữa người với người, điều cần nhất chính là một tấm lòng chân thành kia vậy!


Lê Quan Vinh sưu tầm

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Quê Hương Là Nguời Ðó

Người đi phiêu bạt lãng tử, có một lúc nào đó chạnh lòng nhớ người yêu, vì mình đã đi quá lâu quá xa quê hương, khó mà có ngày trở lại ,tưởng chừng như đã nghìn trùng xa cách, chỉ nói như nói với chính mình cho vơi đi nỗi nhớ,:"Hỡi người trăm năm đời đời ta gọi quê hương là em đó. . . ."


Sáng Tác: Phạm Đình Chương
Ca Sĩ: Vũ Khanh

Sương Đêm Cô Đơn


Thơ cảm tác từ ảnh của Nguyễn Cao Khải:

Sương khuya che mất đường về
Đèn vàng yếu ớt tứ bề lặng im
Người ơi, ta kiếm ta tìm
Sao không lời nói im lìm thế nao?

Nguyễn Cao Khải
***
Vén bức màn đêm một góc sương
Lung linh hư ảo cuối con đuờng
Ai đợi ai chờ sau cánh cửa
Cho tôi về rủ sạch buồn thuơng

Khánh Hà
***

Ánh đèn vàng vọt giữa lòng đêm
Mờ mịt sương khuya những hạt mềm
Khơi nhớ liêu trai hồn thả mộng
Gợi buồn man mác cảnh buồn thêm

Kim Phượng
***
Nhập Nhằng Thời Gian


Sương khuya giăng kín tư bề
Đèn trăng ai thắp lối về ngổn ngang
Đêm rơi sầu ắp tim ngăn
Tương lai quá khứ nhập nhằng tâm tư

Kim Oanh
***
Hư Không

Sương mù giăng mất lối,
Bơ vơ giữa đêm trường.
Tìm người sao chẳng thấy,
Lạnh buốt cả tâm hồn.
Phiêu bồng cõi hư không,
Người có nghe tiếng gọi.
Sao chẳng thấy hồi âm,
Tĩnh lặng, và......tĩnh lặng!

Phương Lan

Ngâm Thơ Cổ Nhớ Người



Chút gì len lén ở tâm tư
Vẫn nghe xao xác ý mong chờ
Vó câu đã ruỗi ngoài muôn dặm
Rượu tiễn còn say dưới nguyệt mờ

Ta gục đầu trên trang sách cũ
Khóc niềm tương biệt đã bao năm
Tình ái này hay như muối xót
Tầm dương lạc bến khói mù tâm

So đàn tưởng khúc thiên thu hận
Cạn chén hoài âm vạn cổ sầu
Cổ thi từ buổi nghe ngâm vịnh
Đã trắng từng đêm tưởng nhớ nhau

Mười lăm năm cũ tình vương mãi
Gió bụi người nay tóc điểm sương
Sao mầu mắt vẫn trong như suối
Hồn ta sỏi đá xoáy từng cơn

Ai chỉ trăng thề vung kiếm thép
Ta sầu kinh sử ngọn đèn khuya
Hoa đào lại thấm bên vườn cũ
Hiên nắng chiều xuân gió lạnh về.

Thụy Khanh
(Trích từ thi tập Buồn Xưa Bây Giờ - Xuất bản tại 1990 Paris)

Dr.Nguyễn Thế Triều Huy - Bác Sĩ Giỏi Và Đạo Đức


Niềm hảnh diện của Anh em nhà Nguyễn

(Ông Bà Nguyễn Thế Thứ và 5 người con, 
Hiện nay 5 người con:Nữ Bác sĩ Nguyễn Xuân Thuyên, Nam Bác Sĩ;Nguyễn Thế Triều Huy, Nguyễn Thế Thiện Năng và Nguyễn Thế Long Richard, Luật sư Nguyễn Phan Daniel)

Ông Nguyễn Thế Thứ cựu học sinh trung học Nguyễn Khuyến, Nam Định,  khóa Cương Quyết II Đà Lạt năm 1954, Thiếu Tá nhảy dù của QLVNCH, Trung Tá trưởng phòng chính huấn quân đoàn III, Trung Tá Quận trưởng Dĩ An Biên Hòa, Ông cùng gia đình di tản qua Mỹ 1975. Ở lớp tuổi 40 không nghề nghiệp, ông đi học lại từ đầu. Đậu bằng tương đương trung học, qua đại học rồi tốt nghiệp bác sĩ chỉnh hình. Sau ông lấy thêm tiến sĩ về khoa dinh dưỡng.

Gương hiếu học và lòng quyết tâm của ông đã mở đường cho các con. Cô gái lớn hiện là bác sĩ chỉnh hình tại Nam Cali. Cô tốt nghiệp cả tiến sĩ luật khoa. Ba con trai đều tốt nghiệp bác sĩ giải phẫu hiện ở San Jose. Cậu út Nguyễn Thế Phan Daniel cũng vừa tốt nghiệp luật khoa, chưa quyết dịnh sẽ đi đâu. Riêng 3 anh em họ Nguyễn là Nguyễn Thế Triều Huy, Nguyễn Thế Thiện Năng và Nguyễn Thế Long Richard thành lập tổ hợp Advanced Surgical Associates đồng thời là thành viên nòng cốt của bệnh viện Regional Medical Center tại San Jose.

Hiện tượng 3 anh em họ Nguyễn cùng làm việc một chỗ chung một ngành và phát triển theo tinh thần huynh đệ thực sự đã gây ngạc nhiên của cộng đồng y khoa tại địa phương, và là niềm hãnh diện của gia đình họ Nguyễn.

Bác sĩ Nguyễn Thế Triều Huy cũng thú nhận là dù đã học đến nơi đến chốn nhưng khi mới ra trường về San Jose tìm việc làm cũng không gặp may mắn. Đó là giai đọan thử thách lớn lao của ông. Hoàn toàn mới mẻ, không quen biết, chưa được tin cậy nên chưa có thân chủ. Không có các bác sĩ điều trị gửi bệnh nhân tới. Lại áp dụng khoa giải phẫu chưa quen thuộc với y giới. Ngay các bác sĩ giải phẫu tại bệnh viện cũng không đón nhận. Đó là thời gian khá cay đắng và lại rảnh rỗi. Còn bây giờ thì đã quá thành công. Mổ mát tay, nhanh, gọn, không đau đớn, không kéo dài, vết mổ không mất thẩm mỹ, nên làm việc không kịp thở. Anh mở đường đưa em về cộng tác, rồi lại thêm một em nữa. Ngoài lãnh vực giải phẫu nội soi đã được ABC quay thành phim, bác sĩ Huy còn tìm cách áp dụng phương pháp xạ trị chống ung thư từ bên trong. Xạ trị vốn là giai đoạn hết sức vất vả của bệnh nhân ung thư. Nay áp dụng được từ bên trong, thời gian xạ trị ngắn hơn.

Nguyễn Thế Triều Huy, Nguyễn Thế Thiện Năng và Nguyễn Thế Long Richard

Sau cùng bác sị Huy nói: “Điều quan trọng nhất vẫn là lời cảm ơn thân chủ và đồng nghiệp đã tín nhiệm.”

Thân chủ và đồng nghiệp của cả ba anh em bao gồm cả nhiều sắc dân. Cô Thùy Nga, vợ của bác sĩ Huy hiện là quản trị viên của tổ hợp cho biết thân chủ Việt tuy đông đảo nhưng cũng chỉ có 40%. Còn lại là tất cả các sắc dân khác, Mễ cũng rất nhiều.

Gặp các bác sĩ anh em nhà Nguyễn, dù chúng tôi coi như con cháu nhưng cũng tế nhị không hỏi là động lực chính thúc đẩy việc học hỏi và làm việc thì vì tiền bạc hay danh vọng. Không hỏi con nhưng tôi đem câu hỏi đến người cha là bác sĩ Nguyễn Thế Thứ,vừa là bạn học võ bị vừa là chiến hữu.

Anh Thứ nói thật tình: Tụi nó làm như thế là vừa có tiếng vừa có tiền. Nhưng nếu nói chúng nó chỉ vì tiền và chỉ vì tiếng thì khó nói. Thực sự mấy đứa này thuộc về loại say mê công việc. Anh xem chương tình khám khám mổ mổ của chúng nó liên tiếp dường như không còn thì giờ để hưởng tiền bạc và danh tiếng. Chúng nó không có thì giờ để dành cho cuộc sống của người bình thường. Trước đây tôi và nhà tôi khuyên các con cố học.Tốt nghiệp rồi đi làm. Rồi chúng tôi phải khuyên các cháu làm bớt đi. Nhưng tôi biết rõ, các cháu có nỗ lực thầm kín ganh đua để dành cho niềm kiêu hãnh Việt Nam. Nhà tôi lúc còn sống hết sức hãnh diện vì các con. Bà muốn sống để thấy cháu út ra trường, nhưng không kịp. Bây giờ nhà tôi mất rồi. Chẳng có ai để chia xẻ niềm hãnh diện các cháu thành công. Tôi chỉ còn chờ thôi.
Anh chờ cái gì.

Ông bà Nguyễn Phú Thứ thời còn trẻ

Tôi sẽ trở về Sóc Trăng. Nơi tôi gặp nhà tôi vào thời kỳ 50. Khoảng 60 năm trước. Anh biết đấy, nhà tôi gốc Hà Nội, vào Nam từ nhỏ. Nội trú trường nhà trắng Sóc Trăng, tôi đóng quân ở Bãi Xầu. Gặp nhau rồi cưới nhau ở Sài Gòn. Bằng bác sĩ của tôi ở Mỹ là công một nửa của vợ. Đám con 5 đứa tốt nghiệp, tất cả bằng cấp nào cũng là một nửa của nhà tôi. Tiền bạc và danh vọng ở tuổi mình không còn nghĩa lý gì. Mình cũng chẳng còn gì để khuyên bảo các con. Chúng nó chỉ nhìn mình sẽ ra đi để mà suy ngẫm về cuộc sống.

Tôi đem câu chuyện của hai bạn già hỏi bác sĩ Huy.
- Ba cháu nói nửa bằng cấp là của mẹ, cháu nghĩ sao.
Huy nói: 
- Ba con nói không đúng. Tất cả là của mẹ hết. Bằng cấp nào cũng là của mẹ
Cuối cùng Ông Nguyễn Thế  Thứ  qua đời ngày 24-11-2014 tại San José Hoa Kỳ. Hưởng thọ 80 tuổi.

Yên Đỗ Sưu tầm từ Net


Trăng Mơ - Thúc Tề



Một đêm mờ lạnh ánh gương phai,
Suốt giải sông Hương nước thở dài.
Xào xạc sóng buồn khua bãi sậy,
Bập bềnh bên mạn chiếc thuyền ai.
Mây xám xây thành trên núi Bắc,
Nhạc mềm chới với giữa sương êm.
Trăng mờ mơ ngủ lim dim gật,
Ẻo lả nằm trên ngọn trúc mềm.
Dịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma
Biến mất vì nghe giục tiếng gà
Trăng tỉnh giấc mơ, lười biếng dậy,
Động lòng lệ liễu, giọt sương sa.
Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước
Ngập tràn sông trắng gợn bâng khuâng;
Hương trăng quấn quýt hơi sương ướt
Ngân dội lời tình điệu hát xuân.

Thúc Tề


Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Mong Manh


Hình Ảnh & Thơ: Phương Lan
Trình Bày: Kim Oanh



Đò Tình - Tàn Xuân



Bài Xướng: Đò Tình

Người đi bỏ lại con đò
Quên lời vàng đá hẹn hò hôm nao
Vầng trăng vàng úa thương đau
Con tim âu cũng ngả màu thời gian
Đò tình ngược nước lỗi đàng
Hoa lòng nở vội chớm tàn hương xuân
Nào đêm những lúc bâng khuâng
Tình yêu rũ sạch nợ nần chi nhau
Trách ai khuấy nước đục ngầu
Dòng sông lặng lẽ ôm sầu thiên thu

Kim Phượng
***
Bài Họa: Tàn Xuân


Trông về thăm thẳm bến đò
Còn nghe văng vẳng câu hò nôn nao
Cho tim nhức nhối nỗi đau
Lời thề xưa... chỉ một màu dối gian?
Giờ đành chia cách đôi đàng
Quay đi... ngoảnh lại... đã tàn tuổi xuân!
Hè sang, tiếng Cuốc bâng khuâng
Vô duyên nên chẳng nợ nần với nhau
Trách chi dòng nước đục ngầu
Tang thương dâu bể... để sầu ngàn thu!

dovaden2010

Sợi Tóc Bạc




Sáng thức dậy di bộ trước sân nhà
Ngồi nghỉ mệt lân la trên băng đá
Nắng ban mai ấm lòng bao chồi lá
Con chim sâu hót khe khẽ trên cành,

Lòng thẩn thờ khi chải mái tóc… xanh
Vướng răng lược rơi ra vài cọng bạc
Chợt bàng hoàng rồi đâm ra ngơ ngác
Mình bây giờ! Đã già khú rồi ư?

Nhìn vợ: từng là cân quắc anh thư
Dáng yểu điệu với mái tóc dài êm ả
Em ơi! Lại đây cho xem chuyện lạ
Nàng mỉm cười: có gì mới chi đâu!

Tóc của em tháng trước cũng đổi màu
Em dấu anh lén ra ngoài nhuộm tóc
Lòng suy tư nhiều khi buồn muốn khóc
Luống tuổi rồi chắc anh hết thương em…

Chợt tỉnh người - vuốt tóc nàng từng đêm
Và an ủi tình già luôn hạnh phúc
Chứng tỏ rằng tình yêu ta chuẩn mực
Dù mái đầu sương khói tuổi về chiều.

Muốn nói với em tất cả những điều
Tuổi càng cao đôi ta càng đắm đuối
Em hãy vui đừng bao giờ tiếc nuối
Bởi ta bên nhau cho đến bạc đầu…

Dương Hồng Thủy

Sự Chân Thành Là Điều Vô Giá



Ở nước Mỹ, có giám đốc A của một xí nghiệp nhỏ cứ mãi bàn về vấn đề hợp tác với giám đốc B của một tập đoàn lớn khác, nhưng lần nào cũng thất bại.Lần này, giám đốc A lại từ phòng làm việc của giám đốc B đi ra, việc đàm phán hợp tác lại không thành.
Ông nhìn thấy bên đường có một cái cây nhỏ bị gió thổi ngã, thế là bèn đi qua đỡ cái cây đó dậy.Vì để tránh cho cái cây lại bị gió thổi ngã lần nữa, ông còn đặc biệt lấy từ trong xe một sợi dây để cột cái cây cho chắc.

Không ngờ được rằng, hành động đó của giám đốc A đã được tổng giám đốc trên lầu chứng kiến từ đầu đến cuối rõ ràng, chính từ hành động vô ý này, đã cảm động tổng giám đốc B, hợp tác cuối cùng cũng đã đàm phán thành công.

Trong lúc ký kết hợp đồng, tổng giám đốc B nói rằng: “Cậu biết không? Điều cảm động tôi không phải là chuyện cậu đỡ cái cây nhỏ kia, mà là vì cái cây nhỏ, cậu đã đi một quãng rất xa để lấy sợi dây cột nó lại. 
Trong lúc người khác cần sự giúp đỡ, nếu như một người có thể trong tình huống người khác không biết chuyện, mà vẫn có thể hy sinh lợi ích của bản thân không một chút do dự, dẫu cho điều hy sinh chỉ là một chút xíu, cũng thật là quý hóa biết bao! Tôi thật sự không có lý do để không hợp tác với người như vậy, và người như vậy cũng không có lý do gì mà không gặt hái được thành công!”.

Về sau, sự nghiệp của giám đốc A quả nhiên vì vậy mà càng ngày càng đi lên, càng làm càng lớn!

Lê Quan Vinh sưu tầm

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Trong Cõi Ảo


Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Từ Hạ Đó



Mùa Thu này như kéo dài bất tận,
Nhưng mùa Thu ươm chín mộng tình ta.
Đông sẽ tàn mau và Xuân tới sớm,
Đón Hè sang: nở đẹp nụ hoa đời.
(Hạ tàn Thu tới/CN/HNT)

Từ Hạ đó biệt ly trải bốn mùa nhung nhớ
Lá vàng Thu lưu luyến rớt xa cành
Tuyết trắng xoá Đông buồn giăng khắp ngã
Và hoa Xuân đã nở rực đón chờ anh

Từ Hạ đó ươm mầm xanh mới nhú
Một mình em ôm mộng đẹp trong hồn
Dù có thiếu vòng tay anh ấp ủ
Nụ hoa đời vẫn từng bước lên ngôi


Từ Hạ đó anh bay về xứ lạnh
Để lại em lời ước thệ vàng son
Tình yêu thương trao nhau nhờ cánh nhạn
Giữ niềm tin tái hợp bốn mùa sau

Gặp lại anh Hạ này vui khôn tả
Vì bên ta còn có một baby
Mắt long lanh, nụ hồng đào trên má
Miệng xoe tròn bập bẹ tiếng (m)um(m)y

Xin tạ ơn Đấng Thiêng Liêng cao cả
Đã ban cho một bé bỏng Thiên Thần
Như một sợi giây vô hình thắt chặt
Cuộc tình mình sẽ hạnh phúc trăm năm.

ChinhNguyên/H.N.T.
Mar.2016


Đôi Mắt


Đã lâu lắm rồi, có lần cô giáo và Khúc Giang ngồi tâm sự, cô cho biết rằng: “Nếu cấp trên của mình là người khi nóng giận bị biểu lộ trên gương mặt, những lúc đó mình dễ nhận ra và nên lưu ý; gặp cấp trên như vậy thì mình có thể tìm cách đối ứng để dễ làm việc hơn. Còn đối với người trầm lặng, vì họ không có biểu lộ gì cả nên đó là điều mình mới đáng lo”. 

Cũng có lần Khúc Giang nghe kể lại có những cha mẹ phải sống với gia đình của con, họ phải nhìn sắc mặt của con, dâu hay rễ để mà sống qua ngày vì phải nương nhờ con cái ở cái tuổi về già. 

Dầu cho mình có đôi mắt nhỏ hay to, một mí hay hai mí nhưng chúng ta là những người diễm phúc nhất có thể nhìn thấy được quan cảnh thiên nhiên từ những màu sắc của hoa lá cỏ cây, sông hồ biển cả, núi đồi trùng điệp, đất trời bao la … v.v. Một thế giới đầy màu sắc của cảnh, vật và người. Đẹp hay xấu, thích hay không, vui hay buồn thì mình cũng phải đối diện và cảm nhận vì đó là cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Có lẽ đó là một trong những lý do mà người Việt mình có câu “Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn”.

Có thể vì gia cảnh nghèo hay công việc và gia đình bận rộn, đầu tắt mặt tối mà mình bỏ quên việc lo sức khỏe cho bản thân nhất là về đôi mắt. Nhưng khi cảm thấy có triệu chứng hơi khác thường mới đi bác sĩ khám bệnh. Có những bệnh không có triệu chứng gì báo trước, đến khi phát hiện thì cũng đã muộn màn. Dường như đó là tình trạng chung của những người có cuộc sống quá tất bật.

Vừa qua, Khúc Giang đi khám mắt như thường lệ và trong lúc chờ đợi thì đọc được bài viết “Sức Khỏe Về Mắt”. Thấy bài viết rất hữu ích nên Khúc Giang hỏi bác sĩ và được cho phép đem về để làm tài liệu cho mình và để nhắc nhở bản thân. Theo như Khúc Giang được biết thì những người từ 50 tuổi trở lên nên đi kiểm tra mắt hàng năm và nhất là người có bệnh tiểu đường hay làm việc nhiều giờ trên máy vi tính. 

Dưới đây là bài nói về những bệnh về mắt gây đến sự giảm thị giác và làm cho bị mù lòa, Khúc Giang thấy đây là một kiến thức hay mình cũng nên biết và chia sẻ để có thể bảo vệ cặp mắt của mình. 
***


1/ CATARACTS: 
· Bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù nhưng có thể phòng ngừa được. Chúng xảy ra khi màn kính/thủy tinh thể bị mờ đục, làm ngăn chận ánh sáng đi vào mắt (màn kính giúp mắt để tập trung). Tuổi tác, bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, sử dụng lâu dài của steroid, và tiếp xúc với ánh sáng tia cực tím có thể làm tăng nguy cơ của đục thủy tinh thể, do đó làm mờ đi những hình ảnh, giảm chất lượng nhìn ban đêm và làm cho nó khó khăn để nhìn . Đục thủy tinh thể có thể được chữa bằng phẫu thuật.

2/ GLAUCOMA: 
· Bệnh của mắt do sự tổn thương đến thần kinh thị giác

Glaucoma dùng để chỉ một nhóm các bệnh về mắt mà dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác, dây thần kinh mang thông tin thị giác từ mắt đến não. Đây là nguyên nhân thứ hai dẫn đến mù lòa vì thường không có đau đớn hay sự gián đoạn của thị giác có liên quan đến căn bệnh này, vì vậy nó thường không được chẩn đoán . Trong một thống kê Canada Điều Tra Y Tế Cộng Đồng, gần ba trong mười người trên độ tuổi 40 cho biết họ có bệnh tăng nhãn áp, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng 50% người có bệnh tăng nhãn áp không biết họ có triệu chứng, vì vậy nguy cơ này thậm chí còn lớn hơn.

3/ DIABETIC RETINOPATHY: 

• Bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh võng mạc tiểu đường là sự thiệt hại đến võng mạc (mặt sau của mắt) gây ra bởi bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường làm suy yếu các mạch máu , dẫn đến sự rỉ và sưng ở mặt sau của mắt. Bị thiệt hại nặng có thể làm chặn oxy đến các bộ phận của mắt, mà có thể gây ra võng mạc chết. Khoảng hai triệu người dân Canada có bệnh tiểu đường, và một phần ba chưa được chẩn đoán .

Tương tự như vậy , tổn thương võng mạc cũng có thể bị gây ra bởi không kiểm soát được huyết áp cao. Bệnh nầy còn được gọi là bệnh võng mạc tăng huyết áp.

4/ AGED-RELATED MACULAR DEGENERATION (AMD): 

•Tuổi tác liên quan đến bệnh thoái hóa điểm vàng của mắt

Tuổi tác có liên quan đến bệnh mãn tính thoái hóa của điểm vàng/hoàng điểm (phần trung tâm của mắt) - đó là một phần thị giác nhạy cảm nhất của võng mạc. Hoàng điểm cho phép bạn xem chi tiết tốt trực tiếp ở phía trước của bạn,chẳng hạn như các từ trong một cuốn sách hoặc tính năng trên khuôn mặt. Mất chức năng võng mạc dẫn đến kém thị lực trung tâm, trong đó sẽ hạn chế rất nhiều các hoạt động hàng ngày của bạn. Mỗi năm 78.000 người Canada được chẩn đoán với AMD, và Thống kê Canada ước tính con số này với ba trong vòng 25 năm tới.

Bài viết và Sưu tầm: Khúc Giang

Năm Qua - J. Leiba (Lê Văn Bái)

         


Em nhớ năm em mới lên mười,
Tóc em buông xõa chấm ngang vai.
Ngây thơ nào biết em xinh đẹp,
Cùng trẻ bên đường đánh "chắt" chơi.
Anh đi qua đó đứng nhìn em,
Em vứt sành đi vội đứng lên,
Dắt tay cười nói thi nhau chạy,
Em vấp vào anh ngã xuống thềm.
Me em chạy lại bế em hôn,
Êm ái đe em sẽ đánh đòn.
Em phải nhịn đau không dám khóc,
Vì em trông thấy vẻ anh buồn ...

Em nhớ năm em lên mười hai,
Một mình em lấy trộm gương soi\,
Đường ngôi đương kẻ thì anh đến,
Anh đến bên em mỉm miệng cười.
Em thẹn, quăng gương chạy xuống nhà,
Nín hơi anh gọi cũng không thưa.
Sau mành lấp ló em nhìn trộm,
Em đợi anh về mới dám ra ...

Em nhớ năm em lên mười lăm,
Cũng ngày đông cuối sắp sang xuân.
Mừng xuân em thấy tim hồi hô.p.
Nhìn cái xuân sang khác mỗi lần.
Ba mươi, em đứng ngắt hoa đào;
Nghỉ học anh về qua trước ao,
Ngẩng mặt vừa khi anh ngó thấy,
Ném hoa em vội chạy ngay vào.
Mồng hai anh lễ Tết nhà em,
Em đứng nhìn anh, nấp bóng rèm,
Mười sáu xuân rồi anh đã lớn;
Tìm em rầu rĩ vẻ anh nhìn.
Em thấy tim em đập rộn ràng,
Muốn ra lại ngại cháy tâm can.
Me em rót nước mời anh uống,
Anh tủi, em rầu, ai khổ hơn?
Năm ấy xuân em có một mình,
Ai vui em những ngẩn ngơ tình.
Này quân tam cúc năm xưa đó,
Nào lúc vui đùa, em với anh?
Mồng một, vui xuân hai chúng ta,
Em mười ba tuổi, tính còn thơ,
Em anh còn cãi nhau như trẻ,
Em dỗi, anh nhìn, dạ ngẩn ngơ ...
Xuân nay xuân trước cách bao rồi!
Nhớ buổi xuân nào, tiếc phút vui.
Em ước đôi ta cùng bé lại:
Vui xuân lại được đánh bài chơi!
Ngày nay nhớ lại buổi vô tình,
Anh lặng yêu em, em nhớ anh.
Rồi nữa xuân qua, xuân lại lại
Biết rằng sau có vẹn ba sinh?

Hôm qua em đến mái đông lân,
Cô gái khâu thêu vẻ ngại ngần.
Tơ lụa bộn bề quần áo cưới,
Vội vàng cho khách kịp ngày xuân.
Duyên mình hờ hững hộ duyên ai,
Cô gái đông lân đáng ngậm ngùi
Ngán nỗi năm năm đưa chỉ thắm,
Phòng không may áo cưới cho người! ...
Anh ơi! Anh mãi đứng công danh,
Để phụ cho nhau một mối tình
Nhánh liễu vườn xuân, ai nấy chủ?
Chờ ai biết có khỏi trao cành?
Má đỏ, xuân em chỉ có thì,
Xuân qua, phó lẽ đợi anh về,
Tương tư lệ nhỏ phai màu phấn,
Anh hỡi! yêu nhau há đợi gì?

Danh lợi như mây nổi giữa trời;
Hồng nhan phải giống mãi trên đời?
Đợi anh áo gấm xuân sau lại,
Chỉ sợ nghiêng giành hốt quả mai!

J. Leiba
(trích báo Loa)

Bút hiệu J. Leiba: viết tắt chữ Jean Leiba. Thi sĩ tên thật Lê Văn Bái. Leiba có vẻ Tây nhưng do hai chữ Lê Bái nói lái. Lúc đầu ông ký bút hiệu Thanh Tùng Tử, sau đổi J. Leiba. Ông sinh năm 1912 ở Yên-bái, nhưng chính quán là làng Nam-trực (Namđịnh) Bắc phần. Năm 1935, ông thi đỗ bằng Thành-chung, rồi vào ngạch thư ký tòa sứ Bắc-kỳ. Bước chân vào làng thơ từ năm 1934, J. Leiba đăng thơ trên các báo: Loa,Tin văn, Ngọ báo ,Ích hữu, Việt báo, Nam Cường, L'Annam nouveau,Tiểu thuyết thứ bảy.

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Tình Muộn - Thơ Quách Như Nguyệt - Phổ Nhạc Đỗ Hải



Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc & Hòa âm: Đỗ Hải
Trình bày: Ngọc Mỹ
Karafun by : Dĩ Vãng Buồn

Bước Đường Hành Đạo



Xướng: Bước Đường Hành Đạo

Ly gia cát ái mặc trường y
Hành Đạo phương xa có dễ gì!
Tay trắng dìu người e thiểu đức
Thân già phát bệnh khổ nan y
Đành rằng quyết chí đường tam lập
Không khỏi đau lòng xác ngũ suy
Nguyện gắng vượt qua cơn khảo thí
Trung thành Pháp Chánh dẫu ngày quy!

Cao Linh Tử
1/4/2016
***
Họa: Vui Mùa Đạo

Hành Đạo tu thân cũng áo y,
Nhiệm mầu, sắc tức thị không... gì!
Ngày nay thế giới cần tôn giáo,
Quá khứ trần ai Đạo giữ y...
Quyết chí bền gan nên lập đức,
Kiên tâm vững bụng chớ lo suy.
Làm người xử sự sao cho đúng,
Pháp Chánh Truyền, ghi nhớ nội quy

Mai Xuân Thanh

Ngộ Đạo Thi 悟道詩 - Mỗ Ni


Ngộ Đạo Thi - Mỗ Ni - Đời Tống

悟道詩

尽 日 尋 春 不 見 春,
芒 鞋 踏 破 嶺 頭 雲;
歸 來偶 把 梅 花 嗅,
春 在 枝 頭 已 十 分。

Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân
Mang hài đạp phá lãnh đầu vân
Quy lai ngẫu bả mai hoa khứu
Xuân tại chi đầu dĩ thập phần

Dịch Xuôi: Thơ Ngộ Đạo

Suốt ngày kiếm xuân không thấy
Giầy gai tìm khắp đỉnh non mây
Quay trở lại nhà bỗng ngửi thấy mùi hoa thơm
Thì ra Xuân đang cười với ai trên cành mai nở rộ ở ngoài đầu ngõ

Dịch Thơ

Kiếm mãi cả ngày không thấy bóng
Giầy gai dẫm nát đỉnh non mây
Quay về đầu ngõ hương ngào ngạt
Xuân đến nào hay mai nở đầy 


Phạm Khắc Trí
***

Quên Đi góp ý câu cuối:
- Xuân tại chi đầu dĩ thập phần: Xuân hiện ở đầu cành đầu đủ mười phần.

Quên Đi xin góp bài Dịch:

Thơ Ngộ Đạo

Nào thấy xuân đâu kiếm cả ngày
Non mây lên đỉnh rách giày đay
Khi về chợt ngửi hương mai toả
Xuân sẵn đầu cành trọn vẹn thay


Quên Đi
***
Đạo Đây Rồi Nên Thơ


Xuân đâu chẳng thấy kiếm hoài ngày,
Đi khắp, giày gai, đỉnh núi mây...
Quay lại mùi hoa thơm nức mũi,
Xuân về trước ngõ nở mai đầy...


Mai Xuân Thanh
Ngày 01 tháng 04 năm 2016
***
Tìm Xuân

Suốt cả ngày dài chẳng thấy đâu
Tìm xuân dẫm nát mảnh non đầu
Quay về chốn cũ mùi hương ngát
Cổng rực trời hoa vạn sắc màu


Nguyễn Đắc Thắng

***
Ngộ Đạo Thi

Suốt ngày tìm kiếm xuân nào thấy
Khắp đỉnh non mây nhẵn gót giầy
Trở lại chợt hương mai tỏa ngát
Đầu cành hẳn rộ ý xuân đầy


Kim Phượng

***
Ngộ Đạo Thi

Suốt ngày vất vã tầm xuân
Giầy gai dẫm cả cõi trần non mây
Quay về đầu ngõ hương vây
Thực tại mai rộ ngất ngây xuân lòng.


Kim Oanh
***
Bài Thơ Ngộ Đạo

Tìm xuân, lên núi cả ngày
Xuân đâu chẳng thấy, u hoài dạ ngây
Giày gai dẫm nát đỉnh mây
Quay về, nghe gió thoảng bay hương nồng
Mai rừng nở rộ bên đường
Xuân đà hiện diện tỏ tường, nào hay !

Phương Hà
***
Ngộ Đạo


Tìm Xuân đầu núi,Xuân nào thấy
Dẫm nát giày gai khắp đỉnh mây
Quay về ngũi thoáng hương bay
Ngộ ra,cành đã nở Mai bên đường

Song Quang
***
1. Nguyên bản chữ Hán cổ của bài thơ:

悟道詩                      Ngộ Đạo Thi

盡日尋春不見春, Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân
芒鞋踏遍隴頭雲。 Mang hài đạp biến lũng đầu vân.
歸來笑把梅花嗅, Quy lai tiếu bả mai hoa khứu
春在枝頭已十分。 Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.
宋・某尼                Tống Mỗ Ni

2. Chú thích:

* Tống. Mỗ Ni: là Một Ni cô nào đó ở vào đời Tống.
* Tận Nhật: là Suốt ngày.
* Mang Hài: là Giày được đan bằng bẹ cỏ gai rất chắc rất dai.
* Đạp Biến: là Đi khắp cả.
* Lũng đầu: là Chỗ đĩnh núi nhô ra.
* Khứu: là ngửi, là hửi.

3. Nghĩa Bài Thơ:
Bài Thơ Ngộ Đạo

Suốt cả ngày tìm xuân mà có thấy xuân ở đâu đâu ! Đôi giày cỏ lê khắp nơi đến tận đầu núi nơi mây mù che phủ cũng không thấy xuân ở đâu cả ! Trở về thấy hoa mai nở , cười mà đưa mũi lên ngửi. Ồ, thì ra xuân đang ở trên cành mai đang nở rộ mười phân kia rồi !

Tầm xuân như tầm đạo, đi suốt cả ngày, đi khắp các nơi, đi nát cả giày, cũng không thấy xuân ở đâu cả. Nhưng khi trở về, thấy cành mai đang nở rộ, hương mai thoang thoảng khắp đâu đây, rõ ràng là nàng xuân đang hiện diện trước mắt, đâu cần phải đi tìm chi cho xa xôi. Đạo cũng vậy, đạo ở đâu ? Thưa, Đạo ở ngay bên cạnh ta. Đạo ở ngay trong trái tim ta, không phải đi tìm đâu cho xa xôi cả ! 
Nho Gia nói : "Vạn vật giai bị ư ngã 萬物皆備於我", có nghĩa là : Muôn việc đều bắt đầu từ cái ta mà ra cả. Còn Đạo Gia thì cho là thân thể người ta là một vũ trụ thu nhỏ, tất cả đều đang vận hành và không ngừng sinh hóa, phản bổn quy chơn 反本為真, trở về cái gốc sẽ tìm thấy chân lý ngay. Còn Phật Gia thì cho là Phật tức tâm, tâm tức Phật 佛即心,心即佛, khỏi phải đi tìm ở đâu cho xa xôi như bài kệ sau đây:

佛在靈山莫遠求, Phật tại Linh sơn mạc viễn cầu,
靈山只在汝心頭。 Linh sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
人人有個靈山塔, Nhơn nhơn hữu cá Linh sơn tháp,
好向靈山塔下修。 Hảo hướng Linh sơn tháp hạ tu.

Dịch nghĩa:
Phật ở tại Linh Sơn, khỏi phải cầu cạnh đâu cho xa xôi. Nhưng Linh Sơn ở đâu ?
Linh Sơn ở ngay trong trái tim của ta đây.
Mỗi người đều có một cái tháp Linh Sơn cả !
Hãy cố gắng mà tu dưới cái tháp Linh Sơn của mình ( là đủ rồi ! ).

Diễn nôm:
Phật ở Linh Sơn chẳng đâu xa,
Linh Sơn ở tại trái tim ta !
Mỗi người đều có Linh Sơn Tháp,
Cứ gắng mà tu dưới tháp nhà!

4. Diễn Nôm:

Bài Thơ Ngộ Đạo

Suốt buổi tìm xuân chẳng thấy xuân,
Vượt núi trèo đèo mõi cả chân.
Trở lại mai vàng đang rực nở,
Thì ra xuân đã đến mười phần!

Lục bát:
Tìm xuân nào thấy xuân đâu,
Đi mòn giày cỏ tận đầu núi cao.
Trở về mai nở đẹp sao,
Thì ra xuân đã ngạt ngào quanh ta!

Đỗ Chiêu Đức