Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Đêm Giáng-Sinh Hải Ngoại


Vòng tay ôm chặt người thân đêm nay,
 _ là những Thiên Thần trong tôi. 
Ôi sao hạnh phúc tuyệt vời, 
ước mong ấp ủ cả đời yêu thương! (*)

Ngồi đây bên ngọn lửa hồng 
Dưới cây Christmas thấy lòng nao nao 
Nhớ sao đêm Thánh năm nào 
Bước chân theo nhịp biển trào người đi 
Hân hoan mừng Lễ Giáng-Sinh 
Sài-Gòn rạo rực sóng tình yêu thương

Đêm nay nhìn lại quê hương
Con tim khắc khoải vấn vương cội nguồn: 
-có vui hay chỉ là buồn?
-có an hưởng trọn suối nguồn thiên-ân?

Đêm nay tuyết phủ ngoài sân
Bên trong lửa ấm người thân xum vầy
Với quê hương mới là đây 
Xa xôi cách trở bên bờ đại dương
Định cư trên đất nước người 
Làm sao quên được bầu trời Việt-Nam!

ChinhNguyen/H.N.T. 
USA, Dec 2012
(*Tuỳ bút Những Đêm Giáng-sinh/Dec2012)

Cây Thông Giáng Sinh




Chớp nháy giăng đèn tới đỉnh cao,
Cây thông rất đẹp sánh trăng sao.
Một vùng sáng rực đời chiêm ngưỡng
Khắp phố trang hòang dựng cổng vào.

Khí hậu Giáng Sinh băng giá tuyết,
Tiết trời mùa lễ lạnh hay chào.
Cây thông đầy ắp quà quanh gốc,
Thịnh vượng giàu sang sưởi ấm nào!


Mai Xuân Thanh
Ngày 13 tháng 12 năm 2014


Một Đời Tìm Em



Tìm em ở đâu
Cho hồn mơ mộng
Tìm em nơi nào
Rung động con tim

Tìm em khắp nơi
Lòng nghe mệt mỏi
Tìm em một thời
Cằn cỗi đời tôi

Tìm em núi cao
Rừng già, sông , biển
Tìm em cuối trời
Miên viễn đường mây

Tìm em giữa đêm
Mịt mùng bóng tối
Tìm em sương mù
Che lối đường đi

Tìm em ngẩn ngơ
Bài thơ lỡ cỡ
Tìm em ngỡ ngàng
Lỡ dở tình tôi

Tìm em đắm say
Cây sầu kết trái
Tìm em ngọt ngào
Tay hái sầu đau

Tìm em tha thiết
Trăng già hờn giận
Tìm em đậm đà
Lận đận đời nhau

Tìm em thấy em
Dường như đâu đó
Tìm em , tôi tìm
Em có tìm tôi !

Đỗ Hữu Tài ( Dec.5-2014 ) 

***
Tài thương,

KimOanh em chị, mừng sinh nhật sớm, chị KimPhượng mừng sinh nhật muộn. Vậy thì đúng ngày rồi hé em.
Trong lần ra mắt TẬP THƠ của em, chị nhớ hoài hình ảnh của Tài và tiếng nói của " Người xưa" dù rằng qua điện thoại, nhưng gây cho chị cảm xúc để có bài thơ qua bài Một Đời Tìm Em. Món quà này hơi buồn, nhưng chị gửi cho em và Người mà em tìm một đời. Hy vọng em sẽ vui.
Chúc Tài luôn dồi dào sức khỏe và sinh nhật muôn vẫn vui.

Tìm Cả Nôn Nao Một Đời

( Cảm tác từ Một Đời Tìm Em của Đỗ Hữu Tài)

Một đời mệt mỏi tìm nhau
Dòng sông ly biệt chung đau nỗi sầu
Duyên tơ ngày đó còn đâu
Thả hồn trôi mộng tình đầu xót xa

Tìm nhau khắp nẻo người qua
Trái tim cằn cỗi chết già tuổi non
Đêm đêm dõi bóng mỏi mòn
Chợt mơ chợt tỉnh lòng còn mộng du

Đường trần trắc trở thâm u
Con tim khao khát ngục tù đam mê
Tìm nhau giữa chốn sơn khê
Tư bề vắng ngắt ủ ê cõi lòng

Mịt mùng bóng tối mênh mông
Lời tình thôi thúc thoát vòng khổ đau
Dư âm ngày cũ ngọt ngào
Thuở xa xưa ấy tình trao vẫn đầy

Hỡi người người có quanh đây
Cho ta chắp cánh theo mây đến cùng
Gần xa trông cõi muôn trùng
Ngỡ ngàng chỉ thấy một vùng tiêu sơ

Cây sầu kết trái ảo mơ
Một hình bóng cũ tôn thờ chẳng phai
Tìm nhau ngày tiếp nối ngày
Tin yêu hy vọng luôn hoài cố nhân

Người xa chợt bỗng thoáng gần
Bồi hồi xao xuyến như lần mới quen
Lụn tàn mấy lượt khêu đèn
Trời ơi mơ ước nhỏ nhen chưa thành

Phù du một kiếp mỏnh manh
Nguyện thề giữ chặt tâm lành tìm nhau
Ngại gì biển rộng non cao
Tìn nhau tìm cả nôn nao một đời

Kim Phượng


Tìm Cả Nôn Nao Một Đời


( Cảm tác từ Một Đời Tìm Em của Đỗ Hữu Tài)

Một đời mệt mỏi tìm nhau
Dòng sông ly biệt chung đau nỗi sầu
Duyên tơ ngày đó còn đâu
Thả hồn trôi mộng tình đầu xót xa

Tìm nhau khắp nẻo người qua
Trái tim cằn cỗi chết già tuổi non
Đêm đêm dõi bóng mỏi mòn
Chợt mơ chợt tỉnh lòng còn mộng du

Đường trần trắc trở thâm u
Con tim khao khát ngục tù đam mê
Tìm nhau giữa chốn sơn khê
Tư bề vắng ngắt ủ ê cõi lòng

Mịt mùng bóng tối mênh mông
Lời tình thôi thúc thoát vòng khổ đau
Dư âm ngày cũ ngọt ngào
Thuở xa xưa ấy tình trao vẫn đầy

Hỡi người người có quanh đây
Cho ta chắp cánh theo mây đến cùng
Gần xa trông cõi muôn trùng
Ngỡ ngàng chỉ thấy một vùng tiêu sơ

Cây sầu kết trái ảo mơ
Một hình bóng cũ tôn thờ chẳng phai
Tìm nhau ngày tiếp nối ngày
Tin yêu hy vọng luôn hoài cố nhân

Người xa chợt bỗng thoáng gần
Bồi hồi xao xuyến như lần mới quen
Lụn tàn mấy lượt khêu đèn
Trời ơi mơ ước nhỏ nhen chưa thành

Phù du một kiếp mỏng manh
Nguyện thề giữ chặt tâm lành tìm nhau
Ngại gì biển rộng non cao
Tìn nhau tìm cả nôn nao một đời

Kim Phượng

Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Ra Mắt Sách Minh Đức Hoài Trinh: Chính Khí Của Người Cầm Bút Và Mừng Sinh Nhật Thứ 85 14-12-2014

Hình ảnh đẹp nhất của "đôi lứa" tại buổi tiếp tân "Minh Đức Hoài Trinh: Chính Khí Của Người Cầm Bút." Họ là Minh Đức Hoài Trinh và Nguyễn Quang: hai người Bạn Đời, hai người Tình Trăm Năm, hai người Văn Nghệ Sĩ Bằng Hữu. Chàng nâng tay cho nàng vịn đúng cung cách của một parisien và một parisienne một thời để nhớ nơi chốn cũ nơi bắt nguồn cuộc tình, khi ra đường đội thêm chiếc mũ cùng màu với màu áo nhớ thương vời vợi. Dân quartier latin có câu đố mẹo G/I = P/100. Thôi nhé!

      Santa Ana - Theo BTC, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ cùng thực hiện với "Nhóm Thân Hữu Văn Bút Hải Ngoại và Nhóm Thân Hữu Quảng Ngãi" tác phẩm "Minh Đức Hoài Trinh: Chính Khí Của Người Cầm Bút", và hôm nay 14 tháng 12 năm 2014 tác phẩm được cho ra mắt cũng là dịp sinh nhật thứ 85 của Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh, một văn nghệ sĩ Việt Nam lỗi lạc và từng là một nhà báo hoạt động nhiều nơi trên thế giới. Người luôn ở bên cạnh và là người bạn đời của bà là Nhà văn Nguyễn Quang, người quản trị đắc lực nhất của vị Nữ Sĩ bên cạnh văn nghiệp của bà và đồng thời văn nghiệp của ông nữa. Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh được nhiều nhà báo và văn nghệ sĩ ca ngợi về những cống hiến của bà cho nền văn học quê nhà và gần đây cho tổ chức Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Bà là văn nghệ sĩ trong nhóm tiên phong tổ chức Văn Bút Hải Ngoại và chim đầu đàn của tổ chức này của nhiệm kỳ thứ nhất bắt đầu từ năm 1978, trong nhiệm kỳ của bà PEN Hải Ngoại đã thành công trong đấu tranh để được Văn Bút Quốc Tế công nhận là Hội viên tham dự. Sau này do những trục trặc nội bộ mà nhà văn xuất thân từ nền giáo dục nhân bản VNCH nên tránh, Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh lại một một nữa dấn thân để hàn gắn.

      Buổi tiếp tân nhằm mục đích thứ nhất là vinh danh Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh mà nghiệp dĩ 60 năm trên 85 niên kỷ với tác phẩm do nhiều văn thi hữu từ các trường phái tự do, thân hữu của Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh, của NV Nguyễn Quang và của những cây bút còn lại trong nhóm chủ trương. Họ góp phần để nêu cao những cống hiến mà văn thi nghiệp của bà đã thể hiện trong văn thơ Việt Nam, và thứ hai mừng sinh nhật thứ 85 đánh dấu một quãng đời dài bên cạnh sự nghiệp thành công, lưu danh và mai hậu sẽ để lại cho đời dù "Kiếp Nào Có Yêu Nhau" thế nào trên kiếp đời trần tục này.

      Cho dù "Kiếp Nào Có Yêu Nhau" mang theo cùng tận của sự ray rứt ở cõi nào, tâm tư nào anh đã lỗi hẹn, cung đàn nào đã lỗi nhịp cho tình em... Hương tình ấy nhẹ nhàng hơn "Mắt Lệ Nào Cho Người Tình" của ông thầy kiêm nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. Tại sao phải nhận lấy khổ đau vậy nhỉ??
      Hãy nghe nhân vật thơ của Nữ Sĩ Minh Đức Hoà Trinh than thân trong "Kiếp Nào Có Yêu Nhau":

Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi

Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ

Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở

Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ

Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi 

      Không như thơ văn của các văn nghệ sĩ trường phái Lãng Mạn Romanticism(e) nổi trội ở thế kỷ mười chín, một sự than trách nhè nhẹ trong đó họ vẫn giữ cho nhau một hương tình nồng nàn, một chút thôi trong một khoảng cách không gian đủ để nát lòng em! Trong tình yêu có thiền và sự tương tác của hai yếu tố ấy giúp tâm hồn con người trong cuộc được thăng bằng (Méditation poétique/poetic meditation). Đó chỉ là trạng thái tình yêu quá hiền lành của phái nữ Việt Nam, cũng chỉ hạn chế trong tập quán Á Đông vừa mới được nới lỏng và được xã hội giao thời chấp nhận từ nửa sau thế kỷ hai mươi.

      Nhưng đến nỗi đau của Felix Arvers còn rung động cả toàn châu thân không là chuyện quan trọng mà khi con người vướng mắc tình yêu thì hồn xác như đã giao cho Thần Aphrodite. Văn học sử thế kỷ mười chín là cái vựa chứa những chuyện tình bi ai giữa những con người khác phái yêu nhau không phân biệt màu da, tuổi tác ngoài tình yêu thiên nhiên cảm thông với đất trời. Nhưng thời đó các yếu tố của yêu đương vẫn không ra ngoài giáo luật như sau này thật lâu. Người lính chân phương của núi rừng ơi hình như người đã yêu một nữ tu von trắng chân thật mà Thượng Đế vẫn thương tình không lấy lại cái hạnh ngộ đã ban cho?!... "Nhìn em lần cuối nha em!" Trong khi pháo giặc truy đuổi cận kề cái chết, lấy sự rung động của tình yêu để trấn an nỗi sợ và cái chết gần kề, lấy cái chết gần kề để thay sự sống mong manh. "Có tiếc gì không em?" Đâu còn "Khăn hồng nào lao mắt lệ cho em"? Thật lâu sau này khi đỗ bến nhà người được nghe Nhà văn Việt Hải nói "không yêu thì lỗ mà yêu thì khổ."?! Nhưng cũng có người đáp lại rằng "có yêu có khổ có lỗ cũng yêu!" Eo ôi! Tình yêu sao cao thượng đến thế người nhỉ!? Đó là người con gái Việt Nam có sức chịu đựng cao trong lịch sử tình yêu của thế gian, chỉ biết khóc trong âm thầm để thay một lời yêu và cũng để thay một lời than trách. Thượng Đế chắc có thấu!? Nhân vật đang yêu và được yêu trong "Kiếp Nào Có Yêu Nhau"của Minh Đức Hoài Trinh không ngoại lệ. Hãy nghe Felix kể sự tình của anh ấy khi vướng vòng yêu lý:

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment conçu:
Le mal est sans espoir, aussi j'ai dû le taire,
Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su.

My soul its secret has, my life too has its mystery,
A love eternal in a moment's space conceived;
Hopeless the evil is, I have not told its history,
And the one who was the cause nor knew it nor believed.
(Sonnet d'Arvers, Felix Arvers, English translation: Henry Wadsworth Longfellow)

      Hình ảnh ghi lại những kỷ niệm một ngày vui và hạnh phúc của hai vợ chồng văn nghệ sĩ này với bạn bè khắp nơi tụ về thủ phủ Little Saigon ở miền Nam California trong ngày vinh danh và sinh nhật Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh.

DVD Cuộc Đời Và Sự Nghiệp.Sách "Minh Đức Hoài Trinh: Chính Khi Của Người Cầm Bút".
Hình lưu niệm của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ với Monseur & Madame Nguyễn Quang Huy - Minh Đức, 14 Decembre 2014, Little Saigon.

Điều khiển tổng quát: MC. Hồng Vân, trái và MC. Vũ Minh Phương.Khi nhị nữ lưu vừa bước tới, Cảnh quang quanh đó vụt lu mờ..

      Buổi tiếp tân nào cũng đều được CLBTNS tổ chức tươm tất. Nghi thức có MC. Vũ Minh Phương và MC. Hồng Vân. Văn nghệ có MC. Lisa Trần và MC. Hạnh Cư.
      Trước nghi thức mở đầu là Văn nghệ mở màn với Bình Trương, Lan Hương, Phạm Hoàng, Trần Hào Hiệp, Thuỳ Châu, rồi Xuân Thanh & Lan Hương.
      Sau phần chào cờ là khúc ca "Tình Nghệ Sĩ Hành Khúc' do BHC CLBTNS trình bày. Kế đến là NV. Việt Hải và NS. Cao Minh Hưng thay mặt BTC chào mừng quan khách
Phần diễn giả trình bày gồm Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm phát biểu và chúc mừng Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh và BTC; cựu Giáo sư Nguyễn Hữu Thời trình bày sơ lược về Nữ Sĩ MĐHT; cựu Giáo sư Đào Đức Nhuận trình bày về tác phẩm.

Hai nhân vật chính của CLBTNS thay mặt BTC: NS. Cao Minh Hưng và NV. Trần Việt Hải.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm phát biểu cảm tưởng và chúc mừng.
Cựu Giáo sư Đào Đức Nhuận giới thiệu tác phẩm.
Cựu Giáo sư Nguyễn Hữu Thời phát biểu về Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh.
Tặng bằng khen và phát biểu của Dân cử Westminster và UCV Lou Correa, chức Giám Sát Viên KV 1 Orange County.
Tam ca Lisa Trần, Kimmy Phan, và Mỹ Dung với "Trăng, Sao và Sương", thơ MĐHT, CMH phổ nhạc.

      Phần phát biểu của quan khách gồm Thị Trưởng Trí Tạ và Nghị Viên Dianna Caley của Westminster tặng bằng tưởng lục; UCV Giám Sát Viên KV 1 Orange Lou Correa phát biểu cảm tưởng; Tài tử Kiều Chinh phát biểu cảm tưởng; Cô Roxanne Chow, đại diện Dân Biểu California Tom Daly, KV 69 tặng bằng tưởng lục.
      Văn nghệ tiếp theo có Thuý Quỳnh với "Ai Trở Về Xứ Việt", thơ MĐHT, Phan Văn Hưng phổ nhạc; Hùnh Anh với "Buồn Thái Sơn Không Gieo", thơ MĐHT, Võ Tá Hân phổ nhạc; Mỹ Dung - Lisa Trần - Kimmy Phan (Tam Ca) "Trăng, Sao và Sương" thơ MĐHT, Cao Minh Hưng phổ nhạc; Hạnh Cư với "Ôi Đẹp Xinh", thơ Ngọc Thạch, nhạc Hạnh Cư. Phần văn nghệ tiếp diễn sau đó qua vở nhạc kịch "Lời Nguyện Cầu Đêm Noel" do BHC CLBTNS trình diễn.


      Phần cắt bánh sinh nhật diễn ra tưng bừng trong điệu nhạc từ Happy Birthday và sự phụ họa của mọi người tham dự. Phần tiếp theo của chương trình còn có màn diễn ngâm của Phi Loan qua bài thơ của Minh Đức Hoài Trinh "Mẹ Bảo Đừng Nhìn Qua Cửa Sổ" với tiếng sáo Ngọc Nôi... 
BHC CLBTNS nối tiếp chương trình với bài nhạc "Ô Mê Ly" của Văn Phụng đã kết thúc chương trình văn nghệ và đồng thời kết thúc buổi tiếp tân vinh danh Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh và Mừng Sinh Nhật thứ 85 của bà.

Xin mời xem thêm chi tiết những bài viết của các trang báo Online:

1/ Ra Mắt Sách “Minh Đức Hoài Trinh: Chính Khí Của Người Cầm Bút” - Tác giả Bình Sa
2/  Ra Mắt Sách “Minh Đức Hoài Trinh: Chính Khí Của Người Cầm Bút” - Tác giả Thanh Phong
3/ Buổi Ra Mắt Tuyển Tập Thi Sĩ Minh Đức Hoài Trinh Chính Khí Của Người Cầm Bút - Ngày 14/12/2014 - Các Thân hữu: Tài Tử Kiều Chinh, Ca Sĩ Thanh Thúy, Thân Hữu Kim Phượng, Nhạc Sĩ Anh Bằng, Thi Sĩ Từ Mai, Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng&Kim Liên và Nhà Văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, mến tặng Thi Sĩ Minh Đức Hoài Trinh nhân ngày ra mắt Tuyển Tập của chị vào Chúa Nhật 14/12/14, tại Santa Ana, CA - Hoa Kỳ. Anh Trần Việt Hải cung cấp chi tiết và hình ảnh, Kim Oanh trình bày Thơ Tranh.

4/ Thơ diễn ngâm"Mẹ Bảo Đừng Nhìn Qua Cửa Sổ" - Minh Đức Hoài Trinh - Phi Loan diễn ngâm


(Trích tin Hoàng Thuỵ Văn và ảnh của NAG Vương Huê, by Việt Hải LA prep.)

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Giáng Sinh 2007


Chúa Giáng Siinh thấp hèn trong máng cỏ
Đêm nhiệm mầu ánh sáng toả thế gian
Từ xa xôi ba vua đến chúc mừng
Thiên thần hát vang lừng cung nghinh Chúa

Chúa đã xuống một đêm đông lạnh giá
Ngài chào đời trong hang đá Bê Lem
Trần gian ơi ca ngợi Chúa Hài Đồng
Bằng tất cả tấm lòng tôn vinh Chúa

Giữ tâm tịnh đêm nay ngồi cầu nguyện
Chúa nhân từ sẽ nhậm lấy lời ta
Để được tha những vướng víu cuộc đời
Ta thành khẩn dâng lời khi cầu nguyện

Đêm thánh thiện Ngôi Hai vì nhân loại
Xuống làm người chịu tội kiếp nhân sinh
Giữ niềm tin kính cẩn tạ ơn Ngài
Đừng bối rối thở dài đêm thánh thiện

Chúa Giáng Sinh thấp hèn trong máng cỏ
Đêm nhiệm mầu con góc nhỏ cầu xin
Xin Chúa cất điêu linh cho nhân loại
Con an bình mở hội đón Ngôi Hai

24 - 12 - 2007
Đỗ Hữu Tài

Màu Tím Của Hoa Và Màu Xanh Của Lá


Thuở còn đi học…. Tôi có thân quen một cô gái tên Dung. Từ đó, tôi yêu hoa phù dung một thời gian dài.
Hoa phù dung như một cô gái đẹp nhưng đỏng đảnh, dễ thay lòng đổi dạ. Có lẽ vì hoa phù dung nhiều đổi thay dù chỉ trong một ngày.
Buổi sáng, hoa phù dung trắng muốt, tinh khiết. Trưa màu hồng đậm rồi dần dần thành màu đỏ khi về chiều. Lúc hết nắng, hoa rũ xuống lụi tàn.


Hoa Phù Dung
Người ta bảo hoa phù dung biểu hiện cho sự tạm bợ: sớm nở, tối tàn. Cho nên, hoa phù dung thường trồng ở đình, chùa để được nhắc nhở như cuộc đời của con người luôn ngắn ngủi.

Phù dung ra hoa quanh năm. Trọn cuộc sống hoa chỉ có một ngày nhưng vẫn khoe sắc lộng lẫy dù cái đẹp có mong manh trước mưa bão. Hoa lá phù dung đều giúp ích cho nhân gian. Lá dùng để trị mụn nhọt, bôi vết thương… Hoa trị bỏng, ho, đau mắt, viêm khớp…

Hoa xương rồng cũng màu vàng li ti, mùi hoa ngai ngái dù học trò có tinh nghịch đến đâu cũng chỉ đứng ngắm nhìn.
Quả ổi miền Nam ngon như thế nhưng hoa ổi lại không đẹp.
Bạn có bao giờ nhìn hoa cải tràn ngập cánh đồng ? Nhìn những vạt nắng vàng với những màu hoa màu vàng, từng làm đàn bướm cũng ngỡ ngàng không biết màu vàng của nắng hay của hoa.
Dọc đường quê VN, bạn có thể bắt gặp những loài hoa không trồng mà cứ mọc. Dường như hoa để an ủi con người để làm dịu bớt cái cực nhọc của việc đồng án. Ban ngày có hoa ngâu, ban đêm có hoa cau, hoa bưởi, dạ lý hương… xông hương cho giấc ngủ yên bình của vùng quê mộc mạc.
Con người là hoa của trời đất. Mền Bắc có nàng quan họ, người con gái xứ Mèo xoay người tung vạt váy và xòe ô. Cô gái Tây nguyên bên bếp lửa giữa rừng cạnh ché rượu cần làm chuếnh choáng men say. Đó là những đóa hoa muôn sắc màu tạo thành dân tộc và non sông của Việt Nam.

Bạn có bao giờ đững nhìn rừng hoa xoan tím trong mưa bay? Cơn mưa đến làm đất trời cũng tím. Có những người con gái nhặt hoa cài lên tóc hoặc nhét hoa vào trong làn yếm của mình.
Mùa Xuân đang đến gần. Nhiều thành phố thành lập những con đường hoa. Nó sẽ mang lại cho khách nhàn du ngắm ngàn hoa, ngữi hương hoa đem lại cho ta những phút giây sảng khoái tinh thần, tâm hồn yên ổn.

Trồng hoa để được ngắm hoa là một thú vui tao nhã. Tôi đã từng nâng niu, quí trọng mấy nhánh phù dung. Tôi luôn muốn vẻ đẹp thiên nhiên bầu bạn quanh mình. Khi có những bông hoa đẹp quanh bạn, trong lòng bạn sẽ thấy vui nhất là bạn nhìn những chồi hoa lung linh trong nắng sớm.
Từ lâu, người viết bài nầy có một bài thơ Em Là Cánh Hoa mà chưa có dịp trình bày:



Em Là Cánh Hoa

Đêm thập thò ngoài ngõ
Âm thầm cánh hoa rơi
Nhẹ nhàng bên khung cửa
Xót xa một mãnh đời.

Tiếc thương hoa vắn số
Xin đừng phải là em
Cãm phiền cơn gió muộn
Đừng lùa về ban đêm.

Gió ơi hãy nhè nhẹ
Mơn man thật dịu hiền
Cho em tôi khe khẻ
Lay động nụ cười duyên.
Tôi yêu em từ thuở
Khi em là nụ hoa
Nên tôi luôn sợ gió
Thổi em bay đi xa…

Nắng mưa …hoa héo rũ
Hương sắc càng nhiệm mầu
Thương em cành hoa nhỏ
Giông bão em về đâu ?!
(thơ DHT)

Không gì đẹp bằng những chồi non mơn mởn vừa lú ra khỏi cành cây của một buổi sáng mờ sương. Không có gì làm bạn thảnh thơi, khỏe khoắn khi sống trong một khu vườn cây lá xinh tươi. Sống với cây lá quanh mình sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu của con người.

Bạn có bao giờ ngẩn ngơ với tình yêu thương cây lá trong một buổi bình minh với những ánh nắng ban mai tinh khiết? Bạn có bao giờ chớm buồn khi nhìn chiếc lá vàng lìa cành khi trời chực hoàng hôn?
Bạn có thắm thía cuộc đời ngắn ngủi của chiếc lá hay có bao giờ bâng khuâng khi liên tưởng đến cuộc sống của con người?...

Chiếc lá bắt đầu là một chồi non vừa tượng hình. Rồi nó sẽ trở thành những chiếc lá như trăm nghìn chiếc lá khác. Nó sẽ tàn úa và rơi rụng. Đó là những hình ảnh quen thuộc nhưng bạn có thấy rằng nó ẩn chứa bao nhiêu điều kỳ diệu của tạo hóa áp đặt lên từng thân phận của muôn loài.

Con người luôn bình đẳng dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, điều đó xảy ra qua sự đấu tranh sinh tồn kéo dài từ bao đời nay. Mặt đất màu mở nhân từ ngập tràn nguồn dinh dưởng cung cấp cho mọi sinh vật trên cõi đời. Mặt trời như một lảnh chúa trên cao. Mặt trời ban cho ánh nắng để nuôi dưỡng màu xanh của lá, màu tím của hoa, cho sự sống muôn loài…

Bạn hãy cầm lên một chiếc lá vàng và cứ tưởng rằng đó là một sinh linh vừa lìa bỏ cõi đời. Chiếc lá chết đi để muôn ngàn chồi non tái sinh. Tất cả chiếc lá sẽ có giá trị hiện hữu của nó và đều bình đắng dưới ánh mặt trời.

Chồi non
Lá có sứ mệnh làm nên màu xanh vĩnh cữu. Lá có thể rơi theo nhiều cách nhẹ nhàng, chao đảo, xoắn tít hoặc la đà bay tiếc nuối cõi đời trong khi cuống lá còn ướt nhựa thương đau.
Dù sao, lá cũng phải hy sinh một lần. Hy sinh thân mình để cho những chồi non, lộc biếc tái sinh.
Lá sống trọn đời thủy chung đeo bám cành cây. Lá hy sinh thân mình cho cành phát triển. Lá cũng chưa bao giờ dùng một thủ đoạn nào để hại những người bạn cùng cảnh ngộ quanh mình.
Tôi đã đọc đâu đó một bài thơ đã quên tác giả, chỉ nhớ một đoạn nói về hoa tím:



Em không về nhặt hoa tím nữa sao
Để lại bên kia nhánh bằng lăng nổi gió
Trời tháng ba lá trạng nguyên cứ đỏ
Và trong tôi nắng có tắt bao giờ…

Hay một tác giả khác nói về lá vàng rơi:
Ngõ đời anh xao xác lá vàng rơi
Em đứng đợi bao mùa không dám nhặt
Lá xanh về người, về với em lá úa
Lá bây giờ ơi, lá của em chưa?

Lá rơi không phải là sự chấm dứt mà đơn thuần chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới.
Chiếc lá là hiện tượng cho vòng xoáy tử sinh luân hồi. Lá rơi nếu nhìn kỷ sẽ làm ta chạnh lòng cho sự ra đi của một sinh mạng trên cõi đời. Sự sống và cái chết. Không có gì mãi mãi là trường tồn ngoại trừ một trái tim biết yêu thương, khoan dung, độ lượng, xẻ chia…
Lá rơi để muôn ngàn chồi non chớm mọc. Sự sống lại bắt đầu. Mọi sự trên cõi đời bắt đầu từ nơi kết thúc.

Nhìn chiếc lá rơi. Người vui sẽ nâng niu chiếc lá như một kỷ vật. Người buồn sẽ chạnh lòng và thương cãm cho chính bản thân mình.
Hãy sống thật tốt cho chính mình để ta khỏi luyến tiếc khi kết thúc. Phải sống làm sao cho khỏi xót xa ân hận để khi chết đi lòng ta nhẹ như chiếc lá lìa cành được đất mẹ che chở, yêu thương.

Ôi! màu tím của hoa, màu xanh của lá và…cuộc sống của con người! Mặt trời mọc rồi lặn. Ngày và đêm. Gió thổi đến phương Nam rồi quay về hướng Bắc. Gió thổi thế nào rồi cũng chuyển về nơi ngọn gió khởi nguồn. Vạn vật cứ quay tròn. Ngàn đời vẫn vậy.

Dương Hồng Thủy


Cô Bé Bán Diêm (Full) - Phim Hoat Hinh 3D Viet Nam -

     

"Cô bé bán diêm" là truyện cổ tích do tác giả người Đan Mạch Hans Christian Andersen
sáng tác. Truyện kể về một cô bé nghèo khổ phải đi bán diêm giữa mùa
đông giá lạnh và từ giã cõi đời trong đêm Chúa giáng sinh.
      Truyện được xuất bản lần đầu tiên năm 1848 trong phần năm của quyển Nye Eventyr (Những truyện cổ tích mới) với nhan đề Den Lille Pige Med Svovlstikkerne (Cô gái bé nhỏ với những que diêm).
Cô bé bán diêm sống trong gia đình nghèo
khổ, khó khăn, mồ côi mẹ, bà mất sớm, tài sản tiêu tán nên em phải bán
diêm cho người bố rất tàn nhẫn hay đánh em. Vào một ngày cuối năm, em
không bán được que diêm nào. Em không dám về nhà vì sợ cha đánh. Đêm
giao thừa trời giá rét, em ngồi nép vào gốc tường giữa hai ngôi nhà.
Đêm càng lạnh giá, em quẹt que diêm để sưởi ấm.
      Mỗi lần quẹt que diêm cháy sáng là một
mông tưởng đến với cô. Lần thứ nhất,em thấy lò sưởi; lần thứ hai em
thấy bàn ăn và con ngỗng quay; lần thứ ba em thấy cây thông Noel cùng
những ngọn nến; lần thứ tư em thấy bà hiện về, lần thứ năm em thấy mình
cùng bà bay lên trời.
Buổi sáng đầu năm, người ta thấy một em
bé ngồi giữa những bao diêm trong đó có một bao diêm đốt hết nhẵn.
Người ta bảo cô bé đã chết nhưng đôi má vẫn ửng hồng và đôi môi em đang
mỉm cười.

PHIM HOẠT HÌNH 3D VIETNAM
      True-D Animation gửi tặng đến các bạn phim hoạt hình Cô Bé Bán Diêm (phiên bản đầy đủ),
      Mến chúc các bạn và gia đình Giáng sinh vui vẻ, năm mới thành công và hạnh phúc.




Chúc Mừng Giáng Sinh
Merry Christmas
Joyeux Noel  


Nguồn Canhdongtruyengiao.net

Xướng Hoạ : Dặn Dò

Bài xướng
 

                  Dặn Dò 
Anh bận đi xa muộn trở về
Gìn vàng giữ ngọc giúp nhau nhe!
Áo hồng chớ mặc cho người ngắm
Môi ngọc đừng cười khiến họ mê
Tránh bước trong mưa e vóc lộ
Không ra trước gió kẻo đùi khoe
Đêm rằm kỹ lưỡng cài song cửa
Ngăn ánh trăng vàng chực vuốt ve...
                                
Phương Hà
***

Các Bài họa

1/         Sợ Bóng Gió
 

Sao cho êm ấm, hẹn ngày về,
Ông xã băn khoăn nhắn với nhe.
Chồng vắng vài hôm không má phấn,
Vợ nhà mấy bữa có ai mê ?
Nâu sồng cứ mặc ai thèm ngắm!
Áo mỏng ôm thân thấy lộ khoe?
Chớ tưởng ghen tương ngờ bóng gió,
Vô tình giữ kẻ sợ ai ve !


2/     Ân Cần Quan Tâm

Trời mưa đất lở khó đi về,
Chậm trễ yên tâm ráng đợi nhe.
Má lúm đồng tiền e họ ngắm,
Môi son tươi thắm ngại người mê.
Mưa buồn tránh ướt lo hàng lộ,
Gió lạnh đừng đi sợ của khoe.
Tối ngủ che rèm cài kỹ cửa,
Buông màn kẻo muỗi cắn vo ve!
                             Mai Xuân Thanh
         Ngày 10 tháng 12 năm 2014
***
      
Nhắn Gọi
Anh đi công tác hãy mau về,
Hỏa tốc hồi gia lập tức nhe!
Điểm phấn em buồn không kẻ ngắm,
Tô son anh vắng lấy ai mê?
Tối nằm ôm gối hoài không ngủ,
Sáng dậy ưỡn mình những muốn khoe.
Chợt thấy nhớ anh lòng náo nức,
Không người ôm ấp vuốt rồi... ve!
                           
Đỗ Chiêu Đức
***
                
Dặn Dò
Năm xưa bài hát tiễn nhau về
Chung thủy dặn dò ta nhớ nhe
Chiếc lá cuối cùng chưa muốn rụng
Hoa tình tận ngọn vẫn còn mê
Đón đưa dò dọc bao mùa nhớ
Nở búp hồng tươi mấy lúc khoe
Lỗi phím dây chùng tim giá buốt
Nên còn nắng hạ tiếng sầu ve!
                             
Cao Linh Tử
                                12122014

***
            
Dặn Dò
Đi xa quá bận việc chưa về
Nhớ giữ tình anh nhớ đó nhe
Áo chớ hở khuy bao kẻ ngắm
Quần đừng ngắn ống lắm người mê
Che đi bầu ngực gò non lộ
Giấu bớt nụ cười má lúm khoe
Phượng đỏ hè qua đừng tựa cửa
E trời nức nở tiếng sầu ve
                               
Trầm Vân
***
       
Có Gì Mà Lo
Yên tâm ít bữa sẽ quay về
Lo ngại nỗi gì hén với nhe
Chặt dạ bền lòng luôn nhớ đó
Quê người cảnh lạ cũng đừng mê
Hứa câu vàng đá anh xin giữ
Sắc có phai nhoà em cứ khoe
Chớ ngại tuổi già sinh mặc cảm
Vui lên sao nản tựa nàng ve
                                
Quên Đi
***
 

        Lời Dặn Dò
Anh đi ít bửa sẽ quay về
Em hãy thật lòng nghe nhắn nhe!
Chớ mặc bà ba ôm xẻ nách
Đừng bung áo cánh ngủ say mê
Dè chừng ông Tám nhà thơ hứng
Tránh tiệt thằng Tèo bắp thịt khoe
Nhắc khéo súng đây lên đạn sẵn
Chực chờ trấn áp tiếng vo ve
 

                    Nguyễn Đắc Thắng
                           20141212
 

***
           Dặn Dò Em

Dằn lòng em nhé ,đợi anh về
Chung thủy trọn đời hãy nhớ nhe!
Kẻ mắt tèm lem không kẻ ngắm
Tô môi nhoè nhoẹt chẳng ai mê
Đừng cười lơi lả người dòm ngó
Đi đứng dè chừng áo mỏng khoe
Ngủ sớm khi nằm cài chặt cửa
Giăng màn cho kỹ muỗi vo ve

                         Song Quang

***
             Dặn Dò
Kẻ ở miền xa Tết mới về
Nhớ nhau nên vội viếng thăm nhe
Cành Mai đẹp quá không ai ngắm
Bánh Tét thơm ngon mấy kẻ mê
Quán rượu ven đường bên quốc lộ
Hàng bia dưới mé cạnh đường khoe
Thầy thương nhớ bạn ngồi bên cửa
Lắng đọng tâm hồn nghe tiếng Ve

                             Lý tòng Tôn (12/14)

***
Ngày về

Bao năm xa cách đợi ngày về
Thao thức năm canh chẳng nhắn nhe
Xuân đến muôn hoa khoe sắc thắm
Tết về bánh mứt vạn màu mê
Phố phường nhộn nhịp người mua sắm
Nhà cửa rộn ràng kẻ muốn khoe
Mong mỏi năm nay tài lộc phát
Bỏ qua những chuyện phiếm vo ve
                                  12/2014
                                  Thiên Thu

Trại Lá Chầm



Tặng Thụy Vũ để nhớ những ngày sống
dưới mái lá chầm ở làng Tân Giai (Vĩnh Long).

Ghe chở lá chầm vừa ghé bến
Chất trên trại nhỏ nép ven sông
Lá mang bóng tối vùng mương rạch
Và chút phù sa nâu ruộng đồng.

Ai đó qua mương dùa nước rậm
Uốn theo doi vịnh dọc thôn trang
Nước sông dù ngọt hay lờ lợ
Lá dựng rừng gươm giáo ngút ngàn.

Bao chàng nghĩa sĩ xa xưa ấy
Đám Lá Tối Trời làm ổ hang
Phất phới tung cờ Trương Công Định
Gọi sông, thét núi, chống hung tàn.

Mẹ dựng nơi quê trại lá chầm
Thị thành không dội chút dư âm
Nuôi con dại giữa mùa chinh chiến
Gói kiếp cô đơn giữa lặng thầm.

Róc hom, chẻ lạt, mài kim sắtT
ừng tấm lá chầm xếp đụn cao
Phấn lá xanh teng đồng tản mạn
Tháng ngày sinh lực mẹ mòn hao.

Tiết trời tháng tám, mưa tầm tã
Gió tạt vào khe tắt lửa lò
Mưa trút ngoài kia sông trắng xóa
Mẹ ngồi trong trại quặn cơn ho.

Vẫn cầm kim sắt chầm mài miệt
Dây lạt kết luồn phiến lá nâu
Lá ủ lứa này mềm dẻo lắm
Bền gan nắng lửa, dạn mưa dầu.

Năm năm sống với nghề chầm lá
Suyễn kéo từng cơn, mẹ mệt nhoài
Con đã lớn khôn chưa giúp mẹ
Sống nhàn trong buổi nắng thu phai.

Có lúc lên cơn mẹ thở dốc
Gió chờ thổi tắt lửa sinh tồn
Con canh siêu thuốc, nhìn đêm quạnh
Trăng hạ huyền hao khuyết vóc tròn.

Trại lá chầm sau đó dẹp rồi
Nhà tôn, nhà lá, xóm đông vui
Cạn vơi nguồn sống riêng thân mẹ
Uổng lũ con dâng miếng ngọt bùi.

Trại lá chầm: dư ảnh sáng ngời
Chở che mưa nắng thuở xa xôi
Chén cơm, khứa cá, tình đùm bọc
Khi nước sa vào mệnh nổi trôi.

Trại lá chầm xưa, con đã sống.
Ngỡ như nội cỏ bến thiên đường
Ba gian hai chái trong chiêu niệm
Thoáng bóng miếu đền ngát khói hương.

Hồ Trường An

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Thơ Tranh: Tình Độ Lượng


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xướng Họa: Mừng Đón Giáng Sinh


Giáng Sinh thắm thoát đến đây rồi,
Rực rỡ phố phường khắp mọi nơi.
Thông chớp muôn màu thêm náo nhiệt,
Đèn sao lắp lánh mặc vui chơi.
Nức lòng lắm kẻ cười sung sướng,
Cám cảnh bao người xót lệ rơi !
Nguyện Chúa hồng ân ban khắp chốn,
Phúc âm mang nắng ấm cho đời !

Đỗ Chiêu Đức
***
Quà Noel

Nhanh quá Noel sắp đến rồi,
Học trò sẽ nghỉ lễ muôn nơi.
Ông già tóc bạc râu dài trắng,
Trẽ nít thơ ngây mũ đỏ chơi.
Lấp lánh cây thông đèn chớp nháy,
Long lanh thác nước giả sương rơi.
Túi quà mang nặng khom lưng bước,
Ông cụ ban ơn sưởi ấm đời !

Mai Xuân Thanh
Ngày 08 tháng 12 năm 2014
***
Lễ Giáng Sinh

Tập tục triều Ngô sụp đổ rồi
Giáng sinh hai bữa rộn nơi nơi
Học trò công chức ai cho nghỉ
Xe cộ áo quần họ cũng chơi
Mượn tiếng ăn theo ngày lễ hội
Vung tiền mua sắm lá thông rơi
Nhìn như quốc giáo đâu thưa Chúa
Mỹ tục thuần phong biến mỗi đời.

Cao Linh Tử
***
Mừng Giáng Sinh


Giáng Sinh thấp thoáng đến nơi rồi 
Rộn rã người người đón khắp nơi 
Thú vật triệu con thành món nhậu 
Thông rừng vạn gốc kết trò chơi
Chiến tranh tham vọng đạn bom đổ 
Khủng bố hận thù máu thịt rơi 
Xin Chúa xót thương làm phép lạ 
Bình an dưới thế phúc đời đời 

Mailoc

***
Vui thay, sắp đến Giáng Sinh rồi
Rộn rã nhạc mừng, vui khắp nơi
Lấp lánh đèn sao đêm rực sáng
Tung tăng trẻ nhỏ bước rong chơi
Chào mừng Thiên Chúa vin mây xuống
Đón nhận Hồng Ân theo tuyết rơi
Nhân loại cùng chung niềm ước vọng
Thanh bình, no ấm đến muôn đời!

Phương Hà
( Mùa Giáng Sinh 2014 )
***
Mừng Giáng Sinh

Lại một Giáng Sinh sắp đến rồi
Theo ngày xuân mới tỏa muôn nơi
Ơn trên thắp tỏ lòng nhân ái
Thiên hạ vui mừng lễ hội chơi
Thế giới vẫn bày bao cuộc chiến
Con người còn vướng cảnh thây rơi
Chúa ban hạnh phúc vơi đau khổ
Nuôi dưỡng tình thương để sống đời!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Mùa Giáng Sinh về

Thấm thoát Giáng sinh lại đến rồi
Đèn màu đủ sắc sáng muôn nơi
Cây thông lấp lánh giăng kim tuyến
Hang đá tạo hình rực rỡ chơi
Máng cỏ đêm đông bao thú lạ
Trắng trời tuyết phủ ngập đường rơi
Ba vì sao lạ từ đâu hiện
Vọng tiếng chuông ngân Chúa giáng đời

12/2014
Thiên Thu




Bữa Tiệc Đêm Giáng Sinh (Réveillon de Noël)



Đêm Giáng sinh của người Âu Tây, thông thường món ăn được xem là món truyền thống không thể thiếu trên bàn tiệc là gà tây. Người ta thường thưởng thức món gà tây nấu hạt dẻ cùng bánh Noël làm bằng mứt hay pha vào chocolat và uống rượu sâm banh. Hoặc có thể là một đĩa gà tây nướng thật to đặt giữa bàn tiệc, gia đình và bạn bè ngồi quanh quần, cùng chúc mừng nhau và nâng ly vang đỏ. Đâu đó tiếng nhạc của đại phong cầm hay dương cầm dìu dắt cùng với tiếng hát thánh thót của các bài thánh ca Giáng sinh. 

Tại Mỹ tôi còn nhớ những kỷ niệm vui khi chúng tôi ở thuở sinh viên khi Noël kéo cả đám bạn trẻ mặc jacket dầy đi giữa ngoài trời lạnh lẽo, có những đôi bạn tình nhân sưởi ấm đi bên nhau hướng về vào các khu người già hát vang nhạc Giáng sinh để chúc phúc đến mọi người. Hay cái thú lái xe chạy vòng phố xem những căn nhà có trang hoàng đèn Giáng sinh thật tưng bừng lộng lẫy. 

Noël không phải là dịp lễ hội truyền thống của người Việt mình theo nguồn gốc nguyên thủy, nhưng người Pháp khi sang xứ ta đã ảnh hưởng nhiều phong thái Giáng sinh đến chúng ta, nên những tập tục của người tây phương về Giáng sinh tương đối gần gũi với chúng ta. Do đó nhiều gia đình đặc biệt là ở Sài gòn dù theo đạo Thiên Chúa hay không vẫn tổ chức bữa tiệc đêm Noël vô cùng vui tươi và đầm ấm, y như một dịp họp bạn bè hay họp gia đình trong năm. Đêm Giáng sinh rất nhiều nhà cũng có cây thông, cũng có hộp quà kế cạnh cùng hang đá lấp lánh, nhưng những bữa tiệc réveillon de Noël có thể bị Việt hóa bởi thức ăn của phe ta, nên rất Việt Nam. Thực đơn có thể được chế biến theo khẩu vị phe nhà ta, với nguyên liệu Việt Nam ta như phở gà, cà ri gà, gà rôti, cút quay, bồ câu quay, ngỗng quay, vịt quay, vịt tiềm, gà rút xương dồn thịt,... Voilà, như vậy sự nấu nướng không kém cầu kỳ đấy chứn lị! Tại Âu Mỹ, các món ăn thường thấy như truyền thống cho đêm tối giao thừa Giáng sinh (Christmas Eve), có gà tây quay, hay đặc biệt hơn có chim trĩ quay (faisan rôti, roasted pheasant), bánh bûche de Noël,...và hẳn nhiên có vin (wine) hay champagne. Nhất là người Việt tại hải ngoại theo truyền thống thì là dịp tốt để hội tụ họp mặt bạn bè hay xum họp gia đình đớp hít vào dịp Christmas Eve (la Veille de Noël).

 

La Veille de Noël với tôi thì thích xơi món gà quay, bûche de Noël, nâng ly nhấp nháp tí ti Moët & Chandonn hay Perrier-Jouët champagne và lắng đọng tâm hồn vào nhạc thánh ca Giáng sinh (Christmas carols) tìm sự thi vị cuối năm vậy. 

Lịch Sử Lễ Giáng Sinh 

Chữ Giáng sinh nguồn gốc từ chữ natalis, nghĩa là ngày sinh ra đời. Đặc biệt là hồi mới có Thiên chúa giáo, không có Noël. Thật vậy, Thánh kinh không nói rõ ngày Giáng sinh. Có vài Giáo hoàng định ngày sinh của Chúa Jésus khoảng tháng 3 hay tháng 4. 
Noël được phát minh năm 354 khi Giáo hoàng Liberus muốn biến đổi cách tôn thờ Thần Mithras mà người ta sùng bái mỗi lần Ðông chí dưới dạng một bé sơ sinh, được thay thế bởi sự sinh ra đời của Chúa Jésus. Ðể tránh nhầm lẫn, ông đã lấy ngày 25 tháng 12 cho lễ này. 

* Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh 

Theo lịch sử, vào thời kỳ Kitô giáo sơ khai (khoảng 2 đến 3 thế kỷ đầu công nguyên), lễ này được mừng chung với Lễ Hiển Linh. Ngay từ năm 200, thánh Clementê thành Alexandria (150-215) đã đề cập đến lễ hết sức đặc biệt này được cử hành vào ngày 20 tháng 5. Nhưng Giáo hội Latin thì mừng lễ này vào ngày 25 tháng 12. 

Lễ Giáng Sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noël, Christmas hay Xmas là một ngày lễ kỷ niệm ngày Chúa Jésus thành Nazareth sinh ra đời của phần lớn người Kitô hữu. Họ tin là Jésus được sinh tại Bethlehem (Bêlem) thuộc tỉnh Judea (Giuđêa) của nước Do Thái (nước Israel ngày nay), lúc bấy giờ đang dưới quyền thống trị của Đế quốc La Mã giữa năm 6 TCN và năm 6. Theo một nguồn khác thì các Kitô hữu sơ khai không ăn mừng lễ sinh nhật, vì họ cho rằng ăn mừng sinh nhật là làm theo thói quen của dân ngoại đạo thờ thần tượng. Bởi lẽ đó họ không ăn mừng lễ giáng sinh của Chúa Jésus trong suốt ba thế kỷ đầu. Đến thế kỷ thứ 4, người Ki-tô hữu mới bắt đầu muốn ăn mừng lễ giáng sinh của Chúa Jésus mỗi năm một lần, nhưng lại sợ bị chính quyền Đế quốc La Mã khám phá và bắt bớ, bởi vì thời điểm đó Ki-tô giáo vẫn chưa được công nhận là một tôn giáo hợp pháp. 

Những người La Mã hàng năm ăn mừng "Thần Mặt trời" (Feast of The SolInvictus) đem ánh sáng đến cho trần gian vào ngày 25 tháng 12. Các Ki-tô hữu đã nhân cơ hội này để tổ chức ăn mừng ngày Chúa Jésus giáng sinh, đem ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại (Gioan 8:12) trùng một ngày với ngày lễ "Thần Mặt trời" của người La Mã. Vì vậy, chính quyền La Mã đã không phát hiện rằng thực sự là các Kitô hữu tổ chức ăn mừng lễ giáng sinh của Chúa Jésus. Đến năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine I đã bỏ đa thần giáo và theo Kitô giáo. Ông đã hủy bỏ ngày lễ ăn mừng "Thần Mặt trời" và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật Chúa Jésus. Đến năm 354, Giáo hoàng Libêrô công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng sinh của Chúa Jésus. 

Trong nhiều thế kỷ, những sử gia Kitô giáo chấp nhận ngày lễ Giáng sinh là ngày Chúa Jésus được sinh ra. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 18, các học giả bắt đầu đề xuất một cách giải thích khác. Isaac Newton cho rằng ngày Giáng sinh đã được lựa chọn để tương ứng với ngày đông chí ở bắc bán cầu, từng được đánh dấu là ngày 25 tháng 12. Năm 1743, Paul Ernst Jablonski người Đức lập luận ngày Giáng sinh được xác định ngày 25 tháng 12 để khớp với ngày Sol Invictus trong tôn giáo La Mã cổ. Ngoài ra trước Ki-tô giáo, nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác cũng ăn mừng ngày lễ của họ vào cuối tháng 12. 

Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại vào tối ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, một ngày bắt đầu từ lúc hoàng hôn. Theo Công giáo Rôma, lễ chính thức là ngày 25 tháng 12 còn gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là "lễ vọng". Dù vậy, lễ đêm 24 tháng 12 thường thu hút tin đồ tham dự nhiều hơn. Những người theo Chính Thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.

Tên Ngày Lễ Giáng sinh: 

- Pháp Noël: 
Theo danh từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". 

- Anh Christmas: 
Theo tiếng Anh gồm có chữ Christ và Mas. Chữ Christ (phiên âm Việt là "Ki-tô" - nghĩa là Đấng được xức dầu) chính là tước vị của Giê-su. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (thánh lễ). Chữ Christ và Mas viết liền thành ra chữ Christmas. Christmas có nghĩa là "Ngày lễ của Chúa Kitô", tức là ngày lễ Giáng sinh của Chúa Giê-su. 

- Hy Lạp Χριστούγεννα: 
Chữ Christmas và Xmas đều có cùng một ý nghĩa như nhau. Vì chữ Hy Lạp viết chữ Christ là Christos (Χριστὀς). Người ta dùng phụ âm X để tượng trưng cho chữ Chi (tiếng Anh đọc là Kai /ˈkaɪ/, nguyên gốc tiếng Hy Lạp đọc là Khi /χi/) trong chữ Χριστὀς, rồi thêm chữ Mas kế cận để thành chữ Xmas. Như vậy Xmas cũng có nghĩa là ngày lễ của đấng Ki-tô. 

Biểu tượng Giáng sinh và ý nghĩa: 
- Vòng lá mùa vọng: 
Vòng lá mùa vọngVòng lá mùa vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy, trong 4 tuần Mùa Vọng. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí (Soltice d’hiver), dấu hiệu của mùa đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Pháo Lutheran ở Đức vào thế kỷ 16 để nói lên sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối. 

Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím - màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng, là màu của Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui mừng (Gaudete Sunday). 


- Máng cỏ: 
Hang đá và máng cỏ, thường là vào mùa Giáng sinh, một máng cỏ được đặt trong hang đá (hay gỗ) được dựng lên trong nhà hay ngoài trời, với các hình tượng Chúa Jésus, Mẹ Maria, Giuse (Joseph) vá các thiên thần, để kể lại sự tích Chúa ra đời trong máng cỏ. 
- Cây thông Giáng sinh: 
Theo lịch sử và nguồn gốc cây Noel thì vào giữa năm 2000 và 1200 trước Công nguyên, người ta đã nói về một loại cây thông épicéa vào ngày 24 tháng 12, bởi vì người ta xem như ngày này là ngày tái sinh của Mặt trời. Dân tộc Celte dùng lịch theo chu kỳ Mặt trăng. Mỗi tháng của năm đều liên kết với một loại cây. Cây Epicea liên kết với ngày 24 tháng 12. Để làm lễ cho ngày Đông chí, một cây xanh tượng trưng cho sự sống được trang trí bởi hoa, quả và lúa mì. 
Năm 354, nhà Thờ làm lễ Giáng sinh đầu tiên cho Chúa Jésus, lấy ngày 25 tháng 12 để cạnh tranh với lễ đa thần trên. Nếu Noel được phát minh vào ngày 25/12/354, thì Cây Noël được phát minh rất trễ về sau này. 

Người ta kể rằng vào thế kỷ thứ VII có một nhà tu người Đức, Thánh Boniface (sinh năm 680), muốn thuyết phục các tu sĩ Đức tại vùng Geismar rằng cây sồi không phải là một loài cây thiêng liêng. Ông đốn một cây sồi và khi cây ngã, nó đè tan nát hết tất cả mọi vật, trừ một cây thông non. Từ huyện thoại này, chuyện kể thêm rằng Thánh Boniface đã cho rằng sự ngẫu nhiên trong sáng đó là một phép lạ và tuyên bố “kể từ nay, ta gọi tên cây này là cây Chúa Hài đồng Jésus. Từ đó người ta trồng cây thông con để làm lễ Giáng sinh. 


Thiệp Giáng sinh: 
Bắt nguồn từ năm 1843 khi ông Henry Cole, một thương gia giàu có nước Anh, đã nhờ Horsley, một họa sĩ ở Luân Đôn, thiết kế một tấm thiệp thật đẹp để tặng bạn bè. Vào Noel năm đó, Horsley trình làng tấm thiệp đầu tiên trên thế giới và sau đó nó đã in ra 1000 bản. Thiệp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát và trở thành mốt thịnh hành ở Anh trong suốt 10 năm kể từ khi Chính phủ Anh thông qua đạo luật năm 1846 cho phép bất kỳ người dân nào gửi thư đến bất kỳ nơi nào với giá rẻ. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức và tới 30 năm sau người Mỹ mới chấp nhận nó (1876). 


- Quà Giáng sinh: 
Những món quà biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bè bạn. Đối với một số người, những món quà Giáng Sinh còn có một ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc. Đó là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jésus, món quà mà Thiên chúa đã ban tặng cho con người. 

Khi Chúa Jésus cất tiếng khóc chào đời tại Bethlehem trong một cái máng cỏ, ba vị vua phương Đông đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình. Họ mang đến ba món quà quý giá, đó là vàng, trầm hương và mộc dược. Vàng tượng trưng Chúa Giê-su là vua (tức con Chúa Cha - Vua Nước Trời), trầm hương tượng trưng Giê-su là Thiên Chúa và mộc dược biểu hiện hình ảnh Jésus bị đóng đinh trên cây thánh giá hay nói rõ hơn là sự chịu chết của Chúa Jésus để cứu chuộc nhân loại. 
Ba vị vua rất giàu có nhưng những người dân nghèo hầu như chẳng có tài sản cũng mang đến bất cứ những gì họ có thể để tỏ lòng thành kính với Chúa Hài đồng. Những người chăn cừu tặng Jésus hoa quả và những món đồ chơi nhỏ do chính họ tạo ra.


- Ông già Noel: 
Nguồn gốc của Ông Già Noël là một hình ảnh được tưởng tượng từ những lễ Ðông chí (ngày 21 tháng 12). Ông già Noël thường được tiêu biểu một ông lão râu tóc bạc trắng, dáng người mập mạp có thừa cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc bít-tất. ông ban cho những cái chụp của ống khói kia chứa đầy quà cáp - ban đầu là trái cây, tượng trưng cho sự đổi mới (renouveau) của Thiên nhiên. 

Ông Già Noël không có biên giới: Père Noël ở Pháp, Father Christmas Anh, Babbo Natale Ý, Weihnachtsmann Đức, Santa Claus Mỹ … Khi những người Hà Lan định cư bên Mỹ, tên Thánh Nicolas tiếng Hà Lan là Sinter Klass, trở thành Santa Claus. Theo truyền thuyết thì ông Già Noël có nguồn gốc từ vị Thánh nhân từc tên là Nicolas vớ râu dài, áo choàng đó ngồi trên lưng những con tuần lộc. 

Tên của “Ông Già Noël” có thể do biệt danh của Thánh Nicolas như đã nói ở trên, ông là thánh bổn mạng cho trẻ con, luôn luôn làm lễ ngày 6 tháng 12 ở miền Ðông Âu Châu, như Ðức.. Thánh Nicolas mang đến bánh, kẹo. Ông Già Noël cho những quà chắc chắc hơn. Có lúc người ta thử bỏ truyền thống này, nhưng không thành công. 

Thánh Nicolas trong đêm 5 rạng ngày 6 tháng 12:


Vào thế kỷ thứ IV, truyền thuyết cho rằng thánh Nicolas là linh mục rất nhân từ. Ông ban nhiều phép lạ. Có một bài hát kể lại chuyện thiện mà ông cứu ba đứa trẻ ban đêm đi lạc vào nhà một kẻ gian ác và bị tên này giết 3 em xong rồi chặt khúc ra đem ướp muối. Bảy năm sau Saint Nicolas đi ngang qua và cứu chúng sống lại. Bởi vậy Thánh Nicolas là vị thánh bảo hộ cho trẻ con, thương mến trẻ em. Theo thời gian, Ông Già Noël có hình dáng một ông già mập bụng tròn, tóc râu bạc trắng, cưỡi xe trượt tuyết do bầy hươu ( tuần lộc) bay trên không kéo. 

- Chợ Giáng sinh: 

Chợ Giáng sinh (tiếng Đức: Weihnachtsmarkt; tiếng Pháp: Marché de Noël) là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng sinh (thường bắt đầu khoảng 1 tháng trước Lễ Giáng sinh) có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp. Bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung Cổ (khoảng thế kỷ 14), cho đến nay chợ Giáng sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông Bắc Pháp trong dịp Giáng sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

* Giáng Sinh ở các nước: 


Giáng sinh tại Việt Nam : 
Việt Nam, từ bao lâu nay dù không chính thức là quốc lễ, nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung cho mọi người, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Trong những ngày này, cây thông Noël được trang trí ở nhiều nơi bằng cây thật (thường là thông ba lá hoặc thông mã vĩ) hay thông nhân tạo làm bằng nhựa, không phải cây thông như ở các nước phương tây thường là họ Bách tán. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước Âu Tây... 

Giáng sinh tại Nga: 
Đối với những người theo Chính thống giáo Nga, nhiều nước Đông Âu và ở đất thánh Jerusalem, Giáng sinh rơi vào ngày 7/1 bởi họ dùng lịch cũ chứ không dùng lịch mới Gregorian có từ thế kỷ 16. Ông già Tuyết trong dịp lễ Giáng sinh theo Chính thống giáo Nga có vẻ ngoài tương tự như ở phương Tây, nhưng lại mặc áo màu xanh và dắt theo một công chúa tuyết. Công chúa là người trao quà cho trẻ em. Với nhiều người Nga, lý do chính để ăn mừng Giáng sinh không phải bản thân ngày lễ này, mà đây là dịp để nghỉ ngơi. Người lao động có tới 10 ngày nghỉ, và với rất nhiều trong số họ thì đây là 10 ngày uống say sưa. 

Giáng sinh tại Hoà Lan: 
Cũng như các quốc gia Tây Âu khác, lễ hội bắt đầu ở Hoà Lan vào ngày 25 tháng 12 - đêm thánh Nicolas. Món quà của thánh Nicolas tặng cho ba chị em nghèo khổ qua chiếc ống khói và phong tục treo tất ở ống khói có thể được bắt nguồn từ câu chuyện này. Mỗi năm thánh bổn mạng ở Amsterdam đi thuyền tới thành phố với người cộng sự của mình là Black Peter ăn mặc như một người Moor. Họ được đón chào nồng nhiệt. Mọi người trao đổi quà với nhau và họ náo nức chuẩn bị cho mùa Giáng sinh. 

Giáng sinh tại Nhật Bản: 
Nhật Bản không có lễ Giáng Sinh chính thức. Giáng Sinh ở Nhật không mang màu sắc tôn giáo. Từ đầu tháng 12 phố xá đã bắt đầu treo đèn trang trí. Các trung tâm lớn ở Tokyo như ga Tokyo , Ikebukuro, Shinjuku, Shibuya, Roppongi, Ginza v.v. đều treo đèn gọi là illumination rất đẹp. Đặc biệt nổi tiếng có lẽ là hành lang đèn có tên “Tokyo Millenario" do đạo diễn mỹ thuật người Ý tên là Valerio Festi thiết kế chạy dài 800 m tại Marunouchi gần ga Tokyo. 

Gần đến ngày Giáng Sinh tại các quảng trường đều có đặt cây thông. Các siêu thị bán nhiều đồ của lễ Giáng Sinh như giầy ủng đỏ đựng đầy bánh kẹo bên trong, các vòng lá thông gắn băng lụa đỏ và chuông mạ vàng, có cả bánh ngọt mùa Giáng Sinh của châu Âu như panettone có xuất xứ từ Ý đại lợi. Một số nhân viên bán hàng hóa trang thành ông già Noel khi phục vụ khách hàng. Các cửa hàng bách hóa lớn (department stores) mở cửa đến 11 giờ đêm, làm việc cả 31 tháng 12 và 1 tháng 1. Trai gái thường lấy mùa Giáng Sinh để tỏ tình, tặng quà nhau mang ý nghĩa đặc biệt. Vào đêm Giáng Sinh các gia đình Nhật thường ăn bánh ngọt mùa Giáng Sinh do họ tự làm hoặc mua ở hiệu. 


Chung qui, lễ Giáng sinh trên thế giới này nay rất phổ thông, nó là một dịp cho các dịp sinh hoạt tôn giáo hay văn hóa cộng đồng nhộn nhịp vui chơi, những đôi tình nhân âu yếm trao tặng quà cho nhau, các trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noël hay Santa Claus, gia đình bè bạn rủ nhau họp mặt hội hè, tiệc tùng, văn nghệ ca hát,... Dịp lễ cuối năm nồi liền với ngày nghỉ lễ vào năm mới, dịp lễ nghỉ ngơi thảnh thơi sau một năm dài làm việc, để mọi người hướng về đón mừng năm mới, với ước vọng muôn điều hanh thông, thịnh vượng, và khá hơn. 

Việt Hải Los Angeles 
(ghi nhận từ datanet) 
12/2011

Nhạc Giáng Sinh Xưa Tuyển Chọn - Thu Âm Trước 1975


Nam Chi sưu tầm

Lời Của Mẹ

Mẹ bảo:

Trái tim người đàn ông giống như cái động không đáy. Phụ nữ vì yêu mà muốn bước vào tận sâu trong cái động ấy. Nhưng là... càng bước càng thấy hun hút, hoang mang và hoảng sợ rồi tự mình chết đuối lúc nào chẳng biết.
...
Hạnh phúc của người phụ nữ đơn giản lắm! Đừng nên tham lam và đòi hỏi ở người đàn ông mình yêu tròn vẹn và tuyệt đối. Một người đàn ông tốt và yêu thương con, không phải là người đàn ông sẽ mở toang cánh cửa trái tim mình để con có thể nhòm vào đó, nhìn thấu rõ tâm can.Đàn ông chỉ cho con thấy tình yêu bằng miệng, là đàn ông vứt đi. Miệng nói thì gió bay, những kẻ rơi nước mắt vì tình yêu, những kẻ luôn mồm sống chết vì tình yêu, sẵn sàng vứt bỏ cả mạng sống mình vì tình yêu là những kẻ không thể và sẽ không bao giờ là chỗ dựa tin cậy và bền vững. Một người có thể tự giết bản thân mình, cũng sẽ có ngày cầm được dao đâm người khác.

Con hãy nhớ, người đàn ông xứng đáng để con dựa vào - là người có thể đi trăm ngàn nẻo đường, vẫn quay về bên gia đình, bên vợ con.

Còn con, hãy luôn khắc ghi: Một người vợ tốt là gì? Là không nên và tuyệt đối không bao giờ được mở miệng ra đòi hỏi bình đẳng ngang hàng ngang vế với chồng. Hạnh phúc của người phụ nữ là giữ lửa cho gia đình, cho dù có lúc con thấy trăm bề thiệt thòi, trăm bề vất vả, con phải luôn nhắn nhủ mình rằng - người phụ nữ sinh ra vốn không phải để tranh đấu quyền lực. Thượng đế cho phụ nữ một trái tim nóng là để sưởi ấm gia đình. Chỉ có gia đình mới là hạnh phúc suốt đời của người phụ nữ.

Một người đàn ông thành công là luôn có người phụ nữ âm thầm ở đằng sau. Một người phụ nữ hạnh phúc là luôn có người đàn ông tin cậy.

Không có vợ chồng nào đi đến trọn vẹn cuối đời mà không trải qua sóng gió. Những khi bát đũa xô lệch, con hãy đặt tay lên trái tim mình mà nhớ lại tháng ngày con và chồng đã yêu thương nhau. Tình yêu không phải là tất cả để người ta đồng hành với nhau đến hết đời, có những thứ lớn hơn cả tình yêu đó là khi hai con đủ tin cậy và hiểu nhau để giữ cho mình một chữ Nghĩa.

Để đi hết con đường, thì người ta phải có đủ niềm tin, có đủ kiên nhẫn, có đủ vị tha, có đủ cảm thông, yêu thương thôi thì không đủ!

Vì thế, đừng bao giờ - cố gắng bước vào tận sâu trong trái tim người đàn ông để cân đo đong đếm tình yêu người ấy dành cho con.

Giữ một người đàn ông, giống như giữ một sợi dây, kéo căng thì đứt, chùn tay thì rơi - con có đủ thăng bằng - con sẽ là người hạnh phúc !

Vũ Thị Bạch Hằng sưu tầm