Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Nhớ Mẹ Ta Xưa


Kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 26 của Mẹ, nhưng trên thực tế con đã sống xa Mẹ gần từ 50 năm qua. Mẹ ơi! Hai mươi sáu năm hay 50 năm không là gì với không gian vô biên, vũ trụ vô tận và thời gian vô cùng nầy, nhưng với một đời người với nỗi niềm xa mẹ rồi mất mẹ mà không thấy được mẹ lần sau cuối thì quả là một khoảng thời gian quá dài. Mẹ ơi! Trong nỗi buồn tha phương, con trầm tư về Mẹ với tất cả tiếng lòng người hiếu tử. Mẹ ơi! Trong niềm đau lưu lạc nơi xứ người, đêm nay con dõi mắt nhìn về quê hương với tất cả những hoài niệm về Mẹ. 

Cứ mỗi lần những chùm lá trên cây bắt đầu ngả sang màu vàng úa, bầu trời mùa Thu xám nhợt với từng chùm mây lãng đãng trôi, là lòng tôi bồi hồi nhớ đến người mẹ hiền thiên cổ của tôi. Quang cảnh ảm đạm của mùa Thu luôn gợi nơi lòng người những kỷ niệm và ký ức tưởng chừng như đã lắng đọng từ lâu lắm. Mùa Thu khiến lòng người hiếu tử bồi hồi xúc cảm đến ân nghĩa thiêng liêng của tình cha nghĩa mẹ. Một tiếng mẹ thật ngắn thật gọn nhưng thật ngọt ngào và chứa đựng cả một trời yêu thương, vì chính người chẳng những đã tạo cho tôi hình hài, mà tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay đều là do người. 
Không phải riêng tôi, mà ai trong chúng ta cũng đều có những ngày thơ ấu tràn đầy kỷ niệm thân thương trong vòng tay trìu mến yêu thương của mẹ. Và những bà mẹ hầu như đều có chung một tấm lòng thương con vô bờ vô bến, đều có một tấm gương tần tảo hy sinh vì chồng vì con, tựa hồ như những vị Bồ Tát thị hiện giữa cuộc đời đầy phong ba bão táp. Nếu so với Bồ Tát Quán Thế Âm thì các Bồ Tát “Mẹ” có thể không sánh bằng, nhưng từ suối nguồn yêu thương vô bờ vô bến, những Bồ Tát “Mẹ” đã thị hiện làm những bà mẹ hiền tần tảo hy sinh trong vô lượng kiếp, các ngài chỉ biết ban cho và ban cho chứ không hề đặt để bất cứ điều kiện gì nơi con cái. 
Thậm chí, các bà mẹ có lúc sẵn sàng gây tội tạo nghiệp trong sự hy sinh thầm lặng mà vô cùng cao quý của các ngài. Có lẽ cũng chính vì vậy mà trong tâm hồn của bất cứ người con nào, hiếu tử hay không hiếu tử, người mẹ luôn giữ một vị trí thiêng liêng và tuyệt vời nhất. Kỷ niệm về mẹ thì tôi có không biết bao nhiêu mà kể cho siết, với cả một vùng hạnh phúc chất ngất mà mẹ cha đã yêu thương che chở trong suốt đoạn đời thơ ấu. Giờ thì tất cả chỉ còn là dĩ vãng, có chăng chỉ còn lại những hồi tưởng lắng đọng trong tâm tư ưu sầu cảm thương vời vợi của một kẻ tha hương. Đời người như một giấc mơ, Trăm năm nào khác cuộc cờ đổi thay. 

Đúng như lời của một bài kinh Phật! Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đây mà tuổi đời đã gần sáu mươi, thế mà tôi cứ tưởng chừng như mới hôm nào. Mới hôm nào tôi hãy còn bé và còn sống trong sự đùm bọc của tình cha nghĩa mẹ. Dù tất cả đối với tôi bây giờ đã là dĩ vãng, nhưng tôi vẫn còn nhớ, nhớ mãi miền quê nghèo, nhớ ngôi nhà lá năm xưa, nhớ bầu trời thương yêu dịu ngọt mà tôi đã vẫy vùng trong suốt thời thơ ấu. Bây giờ xa quê với cuộc sống tha hương, bôn ba giữa chợ đời xa lạ. Bây giờ khi cả cha lẫn mẹ đã khuất bóng, tôi mới thấm thía với câu nói của một đại thiền sư: “Dù lớn thế mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ lạc lỏng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi.”Thật đúng vậy! 
Từ ngày mất mẹ, tôi cảm thấy như đang bơ vơ lạc lỏng trong cuộc sống như một trẻ mồ côi không hơn không kém. Mẹ tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, lại thêm hoàn cảnh đất nước còn bị Tây đô hộ, nên người không có cái diễm phúc được đi học cho đến nơi đến chốn như chúng tôi về sau nầy. Lại nữa người lập gia đình rất sớm, năm mười sáu tuổi mẹ đã đi lấy chồng, bỏ lại sau lưng cả một thời xuân sắc. Gia đình chúng tôi rất đông anh chị em, vì thế mà cả cha lẫn mẹ tôi phải tần tảo vô cùng cực khổ để nuôi dưỡng cho chúng tôi nên hình nên vóc. 
Nhất là mẹ tôi, người đã suốt đời tận tụy vì con cái. Người đã dầm sương dãi nắng, hai vai trĩu nặng với gánh hàng rong để nuôi con. Vì nghèo và vì con mà người đã không quản ngại một nắng hai sương, quảy gánh ra đi từ sáng sớm và trở về khi mọi người đã yên giấc ngủ. Mẹ đã dãi dầu mưa nắng, mẹ đã nhận lấy hết mọi khổ nhọc của cuộc đời cho đàn con được đầy đủ, được no cơm ấm áo. Mẹ đã lao lực đến tận cùng sức chịu đựng của một con người, mẹ đã vắt cạn hết những gì mẹ có thể vắt được nơi tấm thân gầy còm của mẹ, để lo được cái ăn cái học cho những đứa con của mẹ mà chưa một lần tôi nghe người than trách. Mẹ đã gánh nỗi cơ hàn vất vả suốt cả đời người, nhưng lúc nào con cũng thấy nụ cười nhân hậu trên đôi môi mẹ. 
Bóng dáng hạnh phúc của mẹ là các con mẹ học hành giỏi giang và ngoan ngoãn, còn thân mẹ có ra sao mẹ cũng cam. Đôi mắt mẹ luôn thâm quầng vì thiếu ngủ. Lúc nhỏ mỗi lần đi học về, tôi thường hay ghé chợ chiều để được mẹ cho ăn quà. Rất nhiều lần tôi bắt gặp mẹ ngủ gục bên gánh cháo, nhưng ngày đó tôi hãy còn ngây thơ và hồn nhiên quá, nên chưa hiểu đủ để nói được một câu gì an ủi mẹ. 

Mẹ tôi đó! Một người mẹ cả đời còm cõi vì chồng vì con. Một người mẹ cả đời gánh chịu tất cả, hy sinh tất cả, quên cả thân mình để lo cho chồng cho con. Ăn thì mẹ chỉ ăn những gì thừa mứa, còn cái nguyên vẹn ngon hảo thì mẹ đã nhường hết cho các con. Mẹ đã suốt đời nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn đi chơi, thậm chí bịnh mà mẹ cũng ráng cho lướt qua chớ không dám thuốc thang, vì tất cả tiền mẹ kiếm được chỉ để lo cho các con chứ không có khoản nào dành cho riêng mẹ. Mẹ lo cho các con ăn học, mẹ mua quần áo lành lặn cho các con, còn thân mẹ thì rách rưới. Có khi nào con thấy mẹ mặc được một cái áo cho lành, hay một cái quần cho tốt đâu. Vì chồng vì con mà suốt đời mẹ buôn gánh bán bưng, đầu tắt mặt tối, nhịn cay nuốt đắng. Những lúc con trở bịnh, mẹ một mình lặn lội trong mưa đi tìm thang thuốc cho con. Những lúc chập chờn trong cơn mê sốt, con vẫn thấy mẹ túc trực bên giường với đôi mắt đầy lo âu. 
Mẹ chính là nguồn suối, nguồn năng lực trong đời con. Mẹ là cội rễ của mọi yêu thương trong đời con. Không có sự dạy dỗ của mẹ, có lẽ giờ nầy con không có được cuộc sống biết yêu thương và vị tha đâu mẹ ạ! Tất cả những gì con và các cháu của mẹ có được hôm nay là hoàn toàn của mẹ. Mẹ đã dành trọn cả cuộc đời cho con cho cháu, không đong đo, không tính toán. Mẹ đã bất kể những khó khăn, gian lao và nghiệt ngã của trường đời, đã nhịn đắng nuốt cay, để chỉ mang về một chất ngọt ngào và tràn đầy yêu thương cho các con của mẹ. Nhớ lần đầu tiên mẹ dắt tôi tới trường, tập cho tôi những bước tập tễnh vào trường học. 
Đã có biết bao nhiêu câu ca tiếng hát về mẹ đã đi sâu vào lòng người: “Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, Con đi trường học, mẹ đi trường đời.” Mẹ đã không màng một nắng hai sương, suốt đời tần tảo, lao tâm lao lực, chỉ mong các con của người được nên vóc nên hình và trở thành người hữu dụng cho xã hội. Tôi còn nhớ vào đầu thập niên sáu mươi, lúc ba tôi thất nghiệp, gia đình sa sút trầm trọng, tưởng chừng như không thể nào vượt qua được. Lúc ấy có một người bà con đề nghị cho một vài anh em tôi đến tá túc và giúp việc nhà, nói theo kiểu bình dân là đi ở đợ. Mẹ tôi đã thẳng thắn, cương quyết, mà nhẹ nhàng cám ơn lòng tốt của người bà con. Người nói: “Tôi còn đôi tay, đôi chân, tôi còn nuôi và cho các con tôi ăn học được mà.” Thế rồi một mình mẹ với đôi vai trĩu gánh. Mẹ phải đi vay tiền trả góp để mua sách cho con học. Lúc ấy, tôi thấy cảnh nhà bi đát quá nên bèn đề nghị với mẹ là tôi nghỉ học để đi làm phụ giúp cha mẹ nuôi cho các em khôn lớn, dù rằng hồi đó tôi đương là một trong những học sinh xuất sắc nhứt của trường trung học tỉnh. Mẹ tôi đã khóc mà nài nỉ tôi bỏ đi ý định nghỉ học. Người nói: “Mẹ cha nghèo quá nên không có của hồi môn để lại cho các con đâu, nhưng mẹ có tấm thân nầy. Dù có dầm sương dãi nắng mẹ cũng cam, miễn sao cho các con được đi học, có chữ nghĩa với đời. Mẹ không muốn sau nầy các con nuôi cháu của mẹ cực khổ như mẹ đã nuôi các con.” 
Ôi còn hy sinh nào cao cả hơn? Còn công lao nào sâu nặng hơn? Ngoài chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, người còn cả một đời lầm lủi nuôi con. Đó là chưa kể đến những khi trái gió trở trời, hoặc khi con cái ốm đau, lòng mẹ bồn chồn xốn xang, đúng như lời của bài ca dao xưa: “Gió mùa Thu Mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ vừa năm.” Ấy là vì ngày chỉ có sáu khắc, đêm năm canh, chứ ví dầu ngày có bao nhiêu khắc, đêm có bao nhiêu canh đi nữa thì mẹ hiền cũng không màng thức thâu đêm suốt sáng để canh chừng giấc ngủ cho con; mỗi cái giựt mình của con là mỗi lần mẹ cũng giựt mình. Dẫu thân xác đã bơ phờ mệt mỏi vì năm canh thức trắng, nhưng khi nhìn thấy con yên giấc là lòng mẹ rộn ràng vui sướng, quên hết mỏi mệt. 
Lúc còn nhỏ, dù nhà mình rất nghèo nhưng Mẹ lo cho các con ngày ba buổi đầy đủ bằng tất cả khả năng của Mẹ. Mỗi sáng Mẹ thường căn dặn: “Con ở nhà giữ em, chút nữa má về.” Mẹ ơi! Thời đó cái câu ngắn gọn “Chút nữa Má về” với con là cả một trời hạnh phúc vì nó có nghĩa chỉ một lát nữa thôi khi Mẹ trở về là giỏ xách của Mẹ sẽ trĩu nặng với những xôi, những bánh, những bắp... thơm lừng, chứ con không nghĩ đến chuyện gì xa xôi hết. 
Mẹ ơi! Bây giờ dù chỉ ước ao được nghe lại cái câu “chút nữa má về” cũng không bao giờ có được. Ngày xa xưa đó con thường nghe những câu hát bình dân như: “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau.” Mẹ ơi! Cái ngọt của chuối ba hương, của xôi nếp một, hay của đường mía lau còn có thể diễn tả được bằng lời, chứ tình Mẹ thương con nó đậm đà sâu thẳm, không có thứ gì có thể bì sánh kịp. Vì quá khổ cực mà tuổi chưa quá thất tuần, người đã vĩnh viễn lìa bỏ các con, người đã ra đi không đòi hỏi. Mẹ ơi! Trên đời nầy còn sự hi sinh nào cao quí hơn sự hy sinh của mẹ đâu! Bây giờ người đã là thiên cổ, nhưng những lời dạy dỗ của người vẫn còn ở trong tôi, còn mãi trong tôi. Những lời ấy sẽ được lưu truyền lại cho cháu chắt của người. 
Ôi công ân cha mẹ không thể nào nói cho hết, không thể nào đáp cho cạn. Nó sâu rộng như biển Thái Bình, nó cao thâm như núi Thái Sơn. Nó tợ như núi Tu Di vậy. Từ ngày con mới tượng hình trong bào thai bằng chính máu huyết, tình thương và sự bảo bọc của mẹ. Rồi mẹ phải chín tháng cưu mang nặng nhọc, đến khi con chào đời, mẹ lại phải cho con ba năm bú mớm, với vô vàn khổ cực. Trên đời nầy con đã từng đi qua không biết bao nơi, đã từng thấy không biết bao nhiêu công trình, nhưng con chưa từng thấy công trình nào tuyệt mỹ như công trình “Mẹ” của con. 
Chính vì vậy mà trong Kinh Báo Ân Phụ Mẫu, Đức Từ Phụ đã nói rõ rằng nếu hai vai cõng vác cha mẹ đi giáp vòng hòn núi Tu Di cả vô lượng kiếp, ơn kia cũng khó đền. Tuy mẹ sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, lại thêm hoàn cảnh đất nước thời đó còn bị Tây đô hộ, tuy không có cái diễm phúc được đi học nhiều như anh em chúng tôi về sau nầy, nhưng với tôi, mẹ là hình ảnh một nhà giáo tuyệt vời. Mẹ dạy dỗ, mẹ nuông chìu, mẹ bao dung tha thứ. Cây roi duy nhứt của mẹ dành cho các con là nước mắt của mẹ. Mỗi khi các con nghịch ngợm, mẹ rầy không xong là mẹ khóc, vì mẹ biết rằng nếu không khéo, con sẽ bị ba đánh đòn cho một trận nên thân. Mỗi lần con bị ba đánh là mỗi lần ba mẹ rầy rà nhau mấy bữa. Mẹ bảo ba đánh con như đánh kẻ thù, dù ba chỉ đánh nhẹ, mẹ vẫn nói: “Con tôi bị đòn, nó chưa đau, tôi đã đau.” 
Mẹ ơi! Mẹ là người mẹ đẹp nhứt của con trên đời nầy. Con không biết và không còn nhớ mẹ của con lúc còn trẻ có đẹp hơn ai về sắc dáng hình hài hay không, nhưng tâm hồn mẹ đẹp quá. Với con, mẹ đẹp đến nỗi không có thứ gì có thể so sánh được. Biển cả mênh mông và đẹp thế nào thì tâm hồn mẹ cũng đẹp như thế ấy! Biển cả còn có khi dậy sóng ba đào, chứ mẹ của con thì luôn êm dịu. Mẹ luôn dang rộng đôi cánh ra để gánh lấy tất cả phong ba bão tố cho các con được ấm êm. Người khác nhìn mẹ có thể cho rằng mẹ là một người đàn bà lam lũ, với gương mặt khắc khổ sạm nắng vì vất vả trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng với con thì mẹ là người phụ nữ đẹp nhất và tuyệt vời nhất. Trong con, mẹ giữ một vị trí cao tuyệt. 
Chính lòng hy sinh và suối nguồn tình yêu của mẹ đã cảm hóa con ngay từ lúc con hãy còn rất nhỏ. Đối với con, trên cuộc đời nầy sẽ không có một người thứ hai nào có thể ban phát tình yêu thương cho con như mẹ và sẽ không có người thứ hai nào kham nhẫn một đời hy sinh chịu thương chịu khó như mẹ của con. Con không dám so sánh mẹ với Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng tình thương nồng thắm ngút ngàn và sự hy sinh bất tận của mẹ dành cho con cái có khác chi tâm đại từ đại bi bao la trùm khắp pháp giới của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm đâu hỡ mẹ? Có khác chăng là ở chỗ Bồ Tát ban phát tình thương mà không còn phân biệt thân sơ, còn mẹ thì chỉ dành tình thương ấy trọn vẹn cho các con của mẹ. 

Ôi tình mẹ sáng và dịu êm như ánh trăng lung linh huyền dịu. Mẹ chẳng những là nơi ban phát tình thương cho con cái, mà mẹ còn là một hải cảng tuyệt vời cho con về nương tựa trong những lúc mưa dồn sóng vỗ của cuộc đời. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi có điều gì bất trắc xãy ra, hay những lúc tâm trạng bất an hoặc có nỗi niềm thầm kín không thể bày tỏ cùng ai, thì mẹ chính là người mà con tìm về. Những Lúc như vậy con chỉ mong được nép vào lòng mẹ, được mẹ che chở chỉ dạy, và chỉ trong thoáng chốc từ suối nguồn yêu thương của mẹ, con cũng cảm thấy an toàn, mọi bất an trắc trở đều tan biến. Lúc đó mẹ nào khác một bà tiên đã phục hồi nguồn sinh lực cho con. Trong cái bể khổ trầm luân đầy bất trắc nầy, mẹ nào có khác Bồ Tát Quán Thế Âm, vì mỗi khi gặp phải tai trời, ách nước, họa người, thì người đầu tiên mà con nghĩ đến, người đầu tiên mà con cầu khẩn đến chính là mẹ. 

Hình ảnh mẹ là một cái gì thiêng liêng cao quý mà không một bút mực nào có thể diễn tả hết được. Chẳng phải tiếng “mẹ” là tiếng mà con vẫn hay thốt ra đầu tiên mỗi khi gặp phải việc gì khó khăn rắc rối hay sao? Tiếng mẹ với con là một biểu tượng tuyệt vời. Muôn đời mẹ vẫn là một kỳ quan vĩ đại và tuyệt hảo nhứt trong con. Bây giờ cho dù có nói gì, có viết gì cũng không cùng không cạn được sự tán thán về mẹ. Tiếng mẹ đã đến với con từ lúc con bập bẹ tập nói ngôn ngữ loài người, và tiếng “Mẹ” ấy sẽ cùng đi với con trong suốt cuộc hành trình nầy dù rằng con không còn gặp được Mẹ bằng xương bằng thịt nữa. Mẹ hỡi! 
Giờ nầy con có thể viết gì đây về Mẹ hỡ Mẹ? Mẹ ơi, cho dù có viết ra thiên kinh vạn quyển, nhưng mẹ ơi qua những trang giấy hữu hạn, tâm tư con con vẫn cảm thấy mình chưa bày tỏ hết nỗi lòng về mẹ. Với con cho dù có viết gì, có nói gì thì ngôn ngữ loài người cũng bất lực khi được dùng để diễn tả về Mẹ: “Ngôn ngữ trần gian túi rách. Đựng sao đầy hai tiếng Mẹ ơi!” Với con, ngôn ngữ dù văn hoa thế mấy cũng không và không bao giờ diễn tả hết được vẻ đẹp mộc mạc, gần gủi mà rất nhiệm mầu thiêng liêng của “Kỳ Quan Mẹ,” một thứ kỳ quan có một không hai trong vũ trụ nầy, vì trong tất cả các kỳ quan, kỳ quan đẹp nhất vẫn là trái tim của Mẹ. 
Mẹ ơi! Lòng mẹ bao la vô bờ vô bến. Mẹ là vũ trụ, mẹ là tất cả, mẹ là Phật. Lòng mẹ bao la hơn biển Thái Bình, tình mẹ tha thiết hơn dòng suối hiền, đúng như lời của một bài hát về mẹ. Mẹ như dòng suối mát dịu, cứ tuôn chảy và tuôn chảy những nước cam lồ nuôi dưỡng thân con lúc còn nhỏ, và tưới mát tình cảm chai sạn phong trần vì đói no vinh nhục khi lăn lóc ngoài đời. Với con, ngoài công ơn sanh thành ra, mẹ còn là một vị cứu tinh, mẹ là Bồ Tát vì suốt cuộc đời mẹ chỉ biết hiến dâng mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì đền trả lại. Và chính mẹ đã dẫn dắt con vượt qua những gập ghềnh trắc trở của cuộc đời. Chính mẹ đã ban phát cho con những gì con và các cháu mẹ đang có. Trong suốt cuộc đời, mẹ chỉ biết ban cho mà không đòi trả lại bất cứ thứ gì. Mẹ đã bôn ba từ chợ sớm, đến chợ trưa, rồi chợ chiều. Sáng bán bánh mì, chiều bán cháo, cứ thế mà mẹ lầm lủi nuôi con trong mấy chục năm liền. Mẹ đã gánh cả một trời yêu thương trên đôi vai mòn mỏi. Mẹ đã gánh cả một trời mơ ước cho các con mẹ được thành nhân chi mỹ. Mẹ đã gánh nắng gánh mưa cho các con của người được yên ấm. Mẹ đã gánh tất cả những hệ lụy của cuộc đời cho các con mẹ được yên vui. Vì con mà thân thể mẹ hao mòn, mẹ cũng không màng. Vì con mà năm canh chầy thức đủ vừa năm, mẹ cũng không quản. Vì con mà mẹ phải gánh cả bình minh lẫn hoàng hôn của vũ trụ, gánh cả mặt trời lẫn ánh trăng khuya. Mẹ là tình thương bao la. Thân thể mẹ có thể héo mòn theo thời gian, nhưng tình thương mẹ không bao giờ mòn héo. Vì con mà chỗ ướt mẹ nằm, dành chỗ ráo con lăn. 
Lắm khi vì con mà mẹ phải gây tội tạo nghiệp cũng không chừng. Còn nhiều thứ vì con mà mẹ phải hy sinh lắm. Vì con mà ngay cả sinh mạng mẹ, mẹ cũng không màng. Mẹ ơi, làm sao con quên được một lần con đang ngồi chơi dưới hàng dừa trước ngõ, ngay vừa lúc mẹ về cũng là lúc một trái dừa từ trên cao rụng xuống. Mẹ đã bất kể an nguy, chạy vội lại bao trùm lấy con và bảo con đừng sợ, có mẹ đây! Vì con mà ngay cả sinh mạng mẹ, mẹ cũng không tiếc. Mẹ chính là Phật hóa thân vì có lúc nào mà mẹ không nghĩ đến sự an lạc và hạnh phúc của các con đâu? Trái tim của mẹ là trái tim của Phật, chính nơi đó tuôn ra đủ thứ từ, bi, hỉ, xả, công bình, bác ái… 
Ngoài chín tháng cưu mang, mẹ còn cả đời lầm lủi nuôi con. Lòng mẹ như biển rộng bao la, như trời cao không cùng tột. Tình thương mẹ dành cho các con là thứ tình thương chân thật tuyệt đối, là suối nguồn êm dịu, trong lành và tươi mát. Cũng như bao nhiêu bà mẹ Việt Nam khác, mẹ đã một đời tận tụy hy sinh, đã nhẫn nhục chịu đựng vì chồng vì con và cho chồng cho con. Mẹ đã cho con tất cả những gì mẹ có. Lời hát ru của mẹ cho con thời thơ ấu là những chất liệu êm dịu nồng nàn và ngon ngọt như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau. Mẹ đã cho con từ thuở lọt lòng, đến lúc nằm nôi, rồi tập tễnh đi những bước vào đời, và mãi về sau nầy khi con đã vào đời. Mẹ không để lại cho con bất cứ gia tài vật chất nào, nhưng gia tài tinh thần mà con được hưởng nơi mẹ là bất tận, nó hàm chứa tấm lòng bao la như bầu trời cao vợi, nó là cả một tình thương vô tận của mẹ dành cho con. 


Dòng Cửu Long có dài, nhưng rồi có lúc nó phải đổ ra biển cả, chứ tình mẹ thương con cứ tuôn chảy và tuôn chảy mãi, ngay cả lúc thân xác mẹ đã vùi sâu trong lòng đất lạnh, nhưng tình thương mẹ dành cho con vẫn ấm mãi với thời gian. Một lần hai mẹ con lên Sài Gòn, lúc đó con đã mười chín hai mươi tuổi gì rồi, nhưng mỗi lần băng qua đường là mẹ vẫn nắm chặt tay con. Con mắc cở vội vùng ra khỏi tay mẹ, thì mẹ âu yếm nhìn con mà rằng: “Mẹ sợ xe cộ nhiều quá, nhỡ có gì thì nguy cho con của mẹ!” Mẹ chỉ sợ nguy cho con, còn mẹ thì ra sao mẹ cũng không màng. Mẹ ơi bây giờ con mới thấm thía với câu nói của người xưa: “Con dù lớn thế mấy, thì con vẫn là con của mẹ. Từng bước chân con đi là từng nhịp thở con tim của mẹ.” Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã tả đúng tâm trạng của những người con trưởng thành xa mẹ: “Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái Có bao giờ thơ cho mẹ ta không? Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ Giọt nước mắt già nua không ứa nổi Ta mê mãi trên bàn chân dong ruổi Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng.” 

Nhưng đến khi ta thắm thía được điều nầy thì mẹ ta còn đâu nữa? Mẹ đã lo cho các con đến hơi cùng sức kiệt rồi, nên mẹ không chừa lại một hơi thở nào cho riêng mẹ. Mẹ ơi! Rồi đây cuộc hành trình còn lại trước mắt của con với biết bao là gian nan đang chờ đợi, nhưng con đâu còn Mẹ nữa để mà thổ lộ tâm tư tình cảm, để được nghe lời mẹ khuyên lơn an ủi và động viên tinh thần. Giờ thì trên bước đường vạn lý, thân con lẽ bóng một mình “cô thân vạn lý du.” Mẹ ơi! cho dù có thành tựu gì đi nữa mà không có mẹ để chia sẻ thì với con cũng chỉ là vô nghĩa. 
Mẹ ơi! Cho dù con có đi khắp thế gian, có gặp gỡ 5, 6 tỉ con người đi nữa, con sẽ không bao giờ gặp lại một người giống hệt như Mẹ. Sẽ không ai có được bóng dáng của Mẹ, không ai có được giọng nói, nụ cười, ánh mắt y hệt như Mẹ đâu! Mẹ ơi! Đến khi phải sống đời tha phương con mới thấm thía và nuối tiếc những ngày thơ mộng, rồi tự trách mình đã không tận hưởng những dòng sữa ngọt lịm, những dòng sữa tuôn chảy không bao giờ ngừng nghỉ, nó tuôn chảy từ những an lành cho đến những khổ đau của mẹ. Trách mình không chịu tận hưởng những lời răn dạy của mẹ, không chịu lắng nghe cho thật kỹ để từ đó rút ra những bài học thật bổ ích, thật sống động cho tuổi làm người khi mình không còn mẹ nữa. 
Mẹ ơi! Dẫu rằng giờ nầy mẹ đã không còn, nhưng với con, mẹ luôn là một nhà giáo dục vĩ đại, một người thầy thầm lặng, nhưng sự hy sinh thầm lặng và tình thương sâu thẳm của mẹ đã cảm hóa con ngay từ khi con còn rất nhỏ. Mẹ dạy con từ ăn, nói, đi, đứng, đến yêu thương. Mẹ dạy con yêu con và yêu cả những người quanh con. Chính mẹ là người đã dạy con bài học “từ bi” đầu đời. Mẹ có còn nhớ không? Hồi con còn bé, trong những ngày đầu đi học, có lần tan học, mẹ đến rước con. Trên đường từ trường về nhà, con đã tinh nghịch dẫm đạp lên những chú kiến đang bò trên đường. Mẹ đã dịu dàng can ngăn con mà rằng: “Con ơi! Con còn có phước vì mỗi khi đi học về đều được mẹ hoặc dì Sáu rước. Còn mấy chú kiến kia, có lẽ mẹ mấy chú đang bận tha mồi, và cũng có lẽ giờ nầy mẹ mấy chú đang ngóng trông mấy chú về. Sao con nỡ đạp mấy chú vậy? Nhỡ mấy chú chết, không về được với mẹ thì thật là tội nghiệp! Dù lúc đó con còn rất nhỏ, nhưng con nhớ mãi lời mẹ dạy về sự yêu thương mọi người mọi loài. Dù giờ nầy mẹ đã nghìn trùng xa cách, đã vĩnh viễn thiên thu, nhưng tình thương vô bờ bến, cũng như hình bóng dịu hiền, những lời dạy bảo yêu thương và những vi âm của mẹ vẫn còn văng vẳng trong con trong những đêm trường thao thức với những kỷ niệm về mẹ. Xin mẹ hãy yên tâm! Những lời dạy dỗ ấy đang được con ân cần trao truyền lại cho đàn hậu bối của mẹ đây! Mẹ yêu quý! Mẹ có biết không? Giờ nầy con đã lớn khôn, con đã thực hiện được giấc mơ năm nào của mẹ “Mẹ không muốn sau nầy các con nuôi cháu của mẹ cực khổ như mẹ đã nuôi các con bây giờ.” Sao mẹ chẳng mừng vui vậy mẹ? Sao mẹ chẳng ôm con vào lòng và chẳng nói với con một lời nào hết vậy mẹ? Ngày mẹ con mình gặp nhau lần cuối tại bến đò Long Hồ, mẹ có còn nhớ không? Linh cảm ngày ấy cho con biết có lẽ đó là lần cuối cùng mẹ con mình hội ngộ, nên con bịn rịn, cứ nắm lấy tay mẹ, không muốn mẹ bước xuống đò. Mẹ đã nhắn nhủ với con là đừng núm níu chi mẹ, mà hãy ráng lo cho tương lai các cháu của mẹ được rạng rỡ hơn. Rồi Mẹ nghẹn ngào: “Dầu Má biết họ không cho con một chỗ đứng nào trong xã hội nầy, dầu má vẫn biết nơi nầy con không có đất sống, nhưng má cũng đứt từng đoạn ruột để con phải ra đi xa má. Như con thấy đó, sau những năm tháng gia đình mình phải vật lộn với cuộc sống trong xã hội mới, Má không còn có gì để cho con phòng thân nơi xứ lạ quê người ngoài tấm lòng của Má.” 
Mẹ ơi! Thân thể Mẹ có khô gầy và cạn kiệt đi vì sức tàn phá của thời gian và những nghiệt ngả của dòng đời, nhưng tình thương của mẹ cho con lúc nào cũng tươi mát và tràn đầy. Mẹ ơi! Ngày ấy con chỉ ngậm ngùi ra đi chứ không biết phải làm sao hơn là “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời. Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con.” Mẹ ơi! Dầu biết ngôn ngữ loài người hạn hẹp và ý tưởng của con thì nông cạn, nhưng con vẫn muốn nói, vẫn muốn viết. Khi không viết được thành chính lời của mình thì ngâm nga lời của người để khỏa lấp đi phần nào nỗi niềm “Nhớ Mẹ Ta Xưa” của chính mình. 
Mẹ ơi! Bây giờ và mãi mãi, mỗi khi nghe đến bài “Bông Hồng Cài Áo”, thì con cảm như mẹ đang rất gần với con và niềm yêu thương mẹ lại dạt dào trong con: “Nếu mai nầy mẹ hiền có mất đi Như đóa hoa không mặt trời Như trẻ thơ không nụ cười... Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm Như bầu trời thiếu ánh sao đêm Mẹ, mẹ là dòng suối diệu hiền Mẹ là bài hát thần tiên Là bóng mát trên cao Là ánh sáng trăng sao Mẹ là lọn mía ngọt ngào Mẹ, mẹ là nải chuối, buồng cau Là tiếng dế thâu đêm Là nắng ấm nương dâu Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời...” 
Phải rồi mẹ ơi! Mẹ là mặt trời, mẹ là nụ cười, mẹ là những ánh sao đêm cho bầu trời, mẹ là dòng suối diệu hiền, là bài hát thần tiên, là bóng mát, là ánh đuốc soi đường khi con lạc lối, mẹ là lọn mía, là nải chuối, là buồng cau, là nắng ấm, là tất cả vốn liếng yêu thương mà con đang dành cho đời. Không có mẹ thì vũ trụ nầy cũng bằng thừa, chứ đừng nói chi sự mồ côi nhỏ nhoi của con! Phải rồi! Mẹ là suối nguồn yêu thương sâu thẳm nồng nàn nhất của đời tôi. 
Mẹ là dòng sữa ngọt ngào mà tôi đã được dưỡng nuôi và tắm mát trong cuộc đời đầy chông gai bão táp nầy. Đó là chưa kể vì chồng vì mà con mẹ sẳn sàng gây tội tạo nghiệp. Đây là một trong những công đức lớn nhất mà một chúng sanh có thể làm được. Theo Đức Phật, dầu chúng ta có vạn kiếp cõng cha cõng mẹ trên hai vai đi giáp vòng hòn núi Tu Di cũng không sao đền trả được thâm ân một cách xứng đáng. Chính vì vậy mà đối với những người con hiếu thảo, dù có làm gì cho cha mẹ cũng cảm thấy như mình vẫn chưa bày tỏ hết nỗi lòng của chính mình về mẹ về cha, mà thật vậy, làm sao chúng ta có thể trải hết lòng mình rộng ra như vũ trụ được hỡ quý vị? Quả đúng như vậy, từ tâm hồn cho đến thể xác của tôi có được bây giờ đều do mẹ ban cho. 
Cho dầu tôi có đem hết những công đức mà mình đã kết tập được trong vạn kiếp để đền bù phần nào cho tội nghiệp mà mẹ đã vì tôi mà gây tạo cũng chưa được gọi là xứng đáng. Chính vì vậy mà khi mẹ mất, dầu lúc ấy tuổi đời tôi đã bốn mươi, tôi vẫn cảm thấy như hụt hẫng và mất mát quá lớn lao. Nhưng khi chợt ngộ ra thì mẹ vẫn còn đây trong tôi chứ mẹ có mất đi đâu. Mẹ vẫn bàng bạc trong tôi trong từng hơi thở, trong từng bước tôi đi, và mỗi khi tôi làm điều gì đó, dầu tốt hay không tốt, tôi đều nghe như đâu đó tiếng mẹ khuyến tấn hay nhắn nhủ. Nhất là mỗi khi tôi làm việc gì đó chưa tốt là tôi cảm nhận ngay như rằng là mẹ đang không vui, nên lòng tôi như cứ đang len lõi một nỗi buồn vô hạn. Mẹ ơi! Trên đời nầy có vô số gương hạnh lành của chư vị Bồ Tát, nhưng có lẽ Bồ Tát “Mẹ” là vị Bồ Tát có tấm lòng thương con vô bờ vô bến mà con đã từng chứng kiến. Mẹ chính là vị Bồ Tát thị hiện giữa cuộc đời đầy phong ba bão tố. Bồ Tát “Mẹ” đã thị hiện tần tảo trong vô lượng kiếp chỉ biết ban cho mà không hề đặt ra bất cứ điều kiện gì nơi con cái. Con cái có ngoan có giỏi thì mẹ mừng mừng thương thương; ngược lại, con cái hư hỏng thì mẹ lại càng thương càng lo nhiều hơn. 

Mẹ ơi! Trong tất cả các vị Bồ Tát, thì Bồ Tát “Mẹ” luôn giữ một vị trí thiêng liêng và cao tuyệt nhất. Mẹ ơi! Giờ nầy thì tương lai các cháu của mẹ đã được rạng rỡ hơn rồi đó! Sao mẹ lại vội vã ra đi mà không đòi hỏi gì hết vậy mẹ? Mẹ đã đến vì các con, đã ban cho các con tất cả những gì mẹ có, rồi mẹ lặng lẽ ra đi. Vì quá khổ cực nên tuổi chưa quá thất tuần, mẹ đã vĩnh viễn lìa bỏ các con. Mẹ đã ra đi không đòi hỏi. Mẹ ơi sao dòng đời cay nghiệt quá hở mẹ? Ngày mẹ ra đi vĩnh viễn mà con cũng không về được để nhìn lại mẹ lần sau cuối, để nói với mẹ một lời giả biệt. Con biết khi cơn gió vô thường thổi đến là ngày mà Mẹ phải ra đi. Mẹ ơi! Bao năm tháng mẹ dõi theo từng bước chân con đi. Bao năm tháng mẹ mòn mỏi đợi con về để nhìn thấy con lần sau chót, để được trăn trối với con một lời, nhưng gió vô thường cứ vẫn thổi và mẹ vẫn phải ra đi để lại không biết bao nhiêu là nuối tiếc khôn nguôi trong lòng con của mẹ. Mẹ ơi! Giờ có chăng chỉ gặp mẹ trong mơ. 
Mẹ ơi! Thật tình mà nói, nếu xét cho cùng ra con cảm thấy hỗ thẹn ngay cả với loài quạ đen hiếu thảo, mà người Trung Hoa họ gọi là loài chim Từ Ô (loài chim đen hiếu thảo). Nghĩ đến sự hiếu thảo của loài quạ đen, ngay cả loài người cũng chưa chắc đã sánh kịp. Sau khi cha mẹ chúng đã tập tành cho chúng bay nhảy thành thạo là ngày ngày chúng đi kiếm mồi về nuôi cha mẹ lúc già yếu, không còn đi kiếm ăn được nữa, và chúng tiếp tục phụng dưỡng cha mẹ cho đến khi cha mẹ chúng qua đời. Quả là tấm gương hiếu thảo làm chạnh lòng người hiếu tử mỗi khi nghĩ đến “cha mẹ ta xưa”. 
Là người con Phật, tôi không tin ở định mệnh; tuy nhiên, tôi vẫn thấy một cái gì ấy hơi quá khắc khe và quái ác với tôi. Mùa xuân của tôi qua nhanh quá, mới hôm nào đây, mà hôm nay tất cả đã thành dĩ vãng, đã trở thành tâm sự và kỷ niệm cho một kẻ tha hương với biết bao nhiêu cai nghiệt. Ôi quê hương bên kia bờ đại dương, quê hương xa vời đã cuộn lấy thân mẹ cha kính yêu. Ba mẹ ơi! Con đã không và sẽ không bao giờ có được cái diễm phúc cạnh kề và phụng dưỡng cha mẹ nữa rồi. 

Mẹ ơi! Con vẫn biết người tu theo Phật là phải tinh chuyên hành trì cho đến rốt ráo để cửu huyền thất tổ được siêu thăng, nhưng lòng con vẫn bùi ngùi nhớ lại câu nói của thầy Tử Lộ năm xưa: “Tử dục dưỡng, nhi thân bất tại.” Hoàn cảnh của con bây giờ có khác chi hoàn cảnh của Thầy Tử Lộ năm xưa đâu? Hồi còn hàn vi cơ cực thì có cha có mẹ, nay đã nên người, muốn nuôi dưỡng cha mẹ thì cả cha lẫn mẹ đều không còn. Thương thay cha mẹ sanh ta ra cực nhọc, chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, dưỡng dục ta, mớm cho ta từ những giọt sửa đầu đời. Lựa chỗ ướt nằm, nhường chỗ cao ráo cho con; ăn thì ăn thừa ăn cặn, nhường cái nguyên vẹn ngon hảo cho con. 
Cha mẹ đã nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn đi chơi, thậm chí bịnh mà không dám thuốc thang để dành tiền nuôi cho con khôn lớn. Lo cho con ăn học, mua quần áo lành lặn cho con, trong khi mình thì rách rưới. Đi làm đầu tắt mặt tối, buôn gánh bán bưng, nhịn cay nuốt đắng. Những lúc con trở bịnh, mẹ lặn lội trong mưa một mình đi tìm thang thuốc cho con. Những lúc chập chờn trong cơn mê sốt, con vẫn thấy mẹ luôn túc trực bên giường với đôi mắt đầy lo âu. Mẹ chính là nguồn suối, nguồn năng lực trong đời con. Chính vì vậy mà Đức Phật đã dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn chữ hiếu; điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu.” Hình hài nầy, khối óc nầy, tất cả những gì mà ta có được là của ai? Nếu không có những đấng sanh thành ấy? Đừng biện luận thế nầy thế nọ, mà hãy tự hỏi lại lòng ta một cách chân thật là ta đã làm được những gì để đền đáp lại phần nào công ơn ấy, cho dù có hết lòng phụng dưỡng đi nữa, cũng có lúc ta vẫn cảm thấy chưa được chu toàn, cũng có lúc ta cảm thấy ân hận. Thế mà nhìn lại trên cái xứ sở văn minh vật chất nầy, con càng bùi ngùi hơn. 
Có những người còn cha còn mẹ đó, mà phòng để trống chứ cha mẹ phải đi ăn nhờ ở đậu, vất va vất vưởng, hoặc phải gửi thân già vào dưỡng lão viện. Có khi nào họ hồi tưởng lại thân nầy có được là nhờ ai? Những người từng ẩm bồng chúng ta, luôn túc trực bên ta những lúc ta ấm đầu nóng lạnh, năm canh chầy thức đủ năm canh, không bao giờ kể lể than trách và cũng không bao giờ mong mỏi bất cứ sự đền đáp nào, chỉ mong sao cho con được thành nhân chi mỹ. Đến lúc ta lớn lên, có gia đình đi nữa nhưng những bà mẹ hiền vẫn tiếp tục lo lắng từ cái đi, cái ở. Con đi xa nhà một chút là mỗi đêm mỗi gọi điện thoại, xem coi con đã về chưa, con có khỏe không, con đã ăn chưa... 
Hôm nào gọi không gặp con là lòng bấn loạn, là đêm đó không chợp mắt được. Thế mà đến khi trở về già, tay run mắt mờ, chân đi không còn vững nữa, lại phải sống cô quạnh trong nhà dưỡng lão cho đến hết cuộc đời. Quả tình văn minh vật chất mang đến cuộc sống đầy đủ phương tiện đâu chưa thấy, chỉ thấy con người phải còng lưng vì nó, chỉ thấy nó cướp mất tất cả những gì cao quí nhất của con người. Mẹ đã đi vào thiên thu thật rồi, nhưng làm sao con quên được những kỷ niệm và hình ảnh mẹ? Giờ này nơi đất khách quê người con mới thấm thía với nỗi lòng của kẻ xa quê, mà mỗi chiều ra sân sau là mỗi chiều con mang tâm trạng của kẻ: “Chiều chiều ra đứng ngỏ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.” Dẫu biết rằng lời Phật dạy trong kinh Niết Bàn là các pháp đều vô thường, tình thương phụ mẫu rồi cũng sẽ đến hồi chia xa, ly biệt, nhưng lòng con vẫn thỉnh thoảng liệm đi mỗi khi nghĩ đến niềm đau mất mẹ. Dẫu biết rằng mẹ con mình đã ngàn thu vĩnh biệt, nhưng sao lòng con vẫn thấy nhói lên một niềm đau nỗi nhớ của một kẻ vừa xa quê vừa mất mẹ trong bơ vơ lạc lỏng. 


Hôm nay (tháng 2 năm 2016) là ngày giỗ lần thứ 26 của Mẹ, nhưng trên thực tế con đã sống xa Mẹ từ gần 50 năm qua. Hai mươi sáu năm hay 50 năm không là gì với không gian vô biên, vũ trụ vô tận và thời gian vô cùng nầy, nhưng với một đời người với nỗi niềm xa mẹ rồi mất mẹ thì quả là một khoảng thời gian quá dài. Mẹ đã đưa con vào đời tại một ngôi làng nhỏ bé của miền Nam nước Việt, làng Long Hồ, rồi từ Long Hồ con đã lớn lên thành người, con đã phiêu bạt hầu hết các miền đất thân yêu của tổ quốc, từ Quảng Trị đến Cà Mau. Rồi cơn hồng thủy 75 đã cuốn xoáy con cũng như hàng vạn thanh niên khác vào vòng tay khắc nghiệt của người anh em phía bên kia. Tám năm tù khổ sai cho tội danh yêu nước. Mẹ ơi! Vận nước nổi trôi đã xô đẩy con ngày càng trôi xa khỏi vòng tay của Mẹ. Giờ lưu lạc viễn phương hơn nửa vòng trái đất. Dầu con đã nhận nơi nầy làm chỗ dung thân trên 30 năm nay, nhưng sao từ cảnh vật đến con người đều xa lạ với con. 
Mẹ ơi! Con nước ròng nước lớn ngày nào dưới chân Cầu Lầu bên dòng sông Long Hồ sao cứ chập chờn và chập chờn mãi bên con? Ngày ấy mỗi lần qua cầu nhìn xuống dòng sông, con luôn tự hỏi: “Rồi con nước nầy sẽ trôi về đâu nhỉ?” Mẹ ơi! Giờ con phải trôi xa vạn dặm làm thân viễn xứ khác nào con nước sông Cầu Lầu ngày nào, cứ trôi đi và trôi đi mãi. Phải rồi mẹ ơi! Con không thể nào quên được dòng sông Cầu Lầu vì nó gợi lại cho con quá nhiều kỷ niệm về mẹ. 
Hình ảnh một bà mẹ còm cõi ngồi ngủ gục bên gánh cháo trong buổi chợ chiều, hình ảnh mẹ ngày hai buổi sáng tối với đôi vai trĩu nặng gánh hàng rong đi ngang qua chiếc cầu nầy. Nay dầu tiếng “Mẹ” như xa xôi, như nghẹn ngào, như chiêm bao trong con, như chẳng bao giờ còn được gọi nữa. Nay dầu đã bốn, năm mươi năm trôi qua nhưng những hình ảnh ấy vẫn còn rõ từng nét chấm phá trong con. Mẹ yêu quý! Giờ thì con đã không còn mẹ nữa rồi ! Xác thân mẹ đã vùi sâu trong lòng đất quê hương. Sau hơn hai mươi năm xa xứ, khi trở về đây chỉ còn thấy lại hai nấm mồ hoang lạnh. Mẹ ơi! Thân tứ đại Mẹ đã trả về cho tứ đại. 
Đối với người khác thì đây là nấm mồ hoang lạnh, nhưng với con nấm mồ ấy vẫn có hồn và vẫn sinh động như hồi nào Mẹ vẫn còn sanh tiền. Con vẫn còn nhìn thấy qua nấm mồ hoang lạnh ấy dòng sữa đã nuôi con lớn lên thành người, vòng tay âu yếm ngày nào Mẹ đã bồng bế con, những giọt nước mắt đã đổ rớt xuống thân con những khi con đau ốm, những lời dỗ dành an ủi, dạy dỗ, khuyên lơn, cũng như những câu nói ngọt ngào và dịu dàng của Mẹ. Mẹ ơi! Bên dưới nấm mồ ấy đã từng hiện hữu một vị “Bồ Tát Mẹ” thật to lớn, thật vĩ đại. Mẹ ơi! Cái tình cha nghĩa mẹ bao la như trời biển cũng không níu kéo được con. Một đời còm cõi hy sinh của mẹ cũng không níu kéo được con. 
Quê con hiền hòa với ruộng vườn, cây trái và nước ngọt quanh năm cũng không níu kéo được con. Con đã và đang đi tìm cái gì đây hở mẹ? Mẹ ơi ! Bây giờ có nói gì đi nữa thì mẹ cũng không còn. Nói chỉ để tự chữa, nói cũng bằng thừa. Nhưng mẹ ơi! Mẹ có biết không ? Mẹ chính là chỗ trở về duy nhứt của con, nhưng giờ nầy con còn chỗ nào nữa để trở về hở mẹ ? Mẹ là hình ảnh đầu đời đưa con vào đời khôn lớn, và mẹ cũng chính là hình ảnh cuối đời để con luyến tiếc khôn nguôi. Mẹ ơi! Giờ nầy tất cả đã là dĩ vãng, còn có chăng là những kỷ niệm của tuổi ấu thơ đang cấu nhẹ vào hồn con như những hành trang của mẹ cho con tiếp tục đi vào đời. Mẹ yêu quý! Xin mẹ hãy yên tâm! Dù rằng mẹ con mình đã nghìn thu cách biệt, nhưng mẹ vẫn miên viễn trong con suốt cả cuộc đời. Từng bước chân con đi, từng tuổi đời con qua, mẹ vẫn theo con. Mẹ vẫn đến với con trong mọi tình huống, phải không mẹ? Mẹ ơi! Trong nỗi buồn tha phương, con trầm tư về Mẹ với tất cả tiếng lòng người hiếu tử. 

Mẹ ơi! Trong niềm đau lưu lạc nơi xứ người, đêm nay con dõi mắt nhìn về quê hương với tất cả những hoài niệm về Mẹ. Mẹ là tất cả. Mẹ đã trao cho con cả cuộc đời, cuộc đời thật ý nghĩa và đáng sống. Mẹ đã chắp cho con đôi cánh tuyệt vời và tuyệt đẹp để con bay về vùng tương lai sáng rực. Dù cuộc sống thực có giông bão thế mấy, con nguyện sẽ tiếp nối truyền thống ấy, con sẽ ân cần trao lại cho các cháu của mẹ những gì mẹ đã trao cho con. Và con sẽ nhớ mãi lòng hy sinh tận tụy bao la vô bờ vô bến của mẹ cho đến khi con nhắm mắt lìa trần

 Người Long Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét