Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Quà Tết



Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là tôi lại băn khoăn không biết nên mua cái gì để tặng các bác. Gọi“các bác” đây là bắt chước thằng con của tôi. Cứ cuối tuần nào nó thấy tôi lụi hụi trong bếp làm món này món nọ là nó cười nói chắc hôm nay má mời các bác rồi, nên mới có nhiều đồ ăn ngon như vậy. Tôi trả lời lửng lơ bộ thường ngày má không cho bố con ăn ngon à. Mà nó nói cũng đúng, đãi các bác thì tôi mới kỳ khu bày ra món nọ món kia.

Ở nơi xứ lạ này chúng tôi đâu có bà con ruột thịt nào, quanh đi quẩn lại chỉ có hai vợ chồng với hai đứa con. Thấy người ta họ hàng đông đúc, ngày lễ ngày Tết con cháu tựu về chật nhà mà ham. Cũng may chúng tôi còn có được mấy người bạn để liên lạc cho vui. Ban đầu chỉ là tình đồng hương nơi xứ người, ở cách nhà nhau không xa lắm nên thỉnh thoảng gặp nhau ngày cuối tuần cho để trẻ con có bạn chơi đùa, người lớn chuyện trò, ăn uống cùng nhau. Riết rồi thành bạn thiết, ngày tư ngày tết cũng tặng quà nhau như người trong gia đình. Việc mua quà lúc đầu dễ dàng, nhưng lần lần nhà ai cũng đầy đủ đồ dùng, muốn mua quà khó ơi là khó. Mua tầm bậy uổng tiền, người nhận không biết làm gì với món quà, chỉ biết cất vào kho. Rồi cái kho thành chật, lại phải dọn dẹp đem đồ đi cho các hội từ thiện. Tặng bông tặng hoa, có người bị dị ứng sổ mũi nhức đầu, nhiều khi nhà người ta cũng không còn chỗ để. Tính tới tính lui coi bộ mua đồ ăn tặng nhau là tiện nhất. Chỉ cần để ý đối tượng được tặng thích ăn món gì, cử món gì. Mà mua đồ ăn cũng đâu phải dễ. Mỗi năm phải tìm món gì ngon ngon, lạ lạ chớ không lẽ mua hoài một món cũng khó coi.

Nhớ lại hồi xưa ở quê nhà,việc mua quà tết sao mà dễ dàng, đơn giản hết sức. Chỉ cần ra chợ mua gói trà kèm theo hộp bánh, hộp mứt, hộp thèo lèo, hoặc cặp dưa hấu, ký lạp xưởng, ký khô cá thiều hay đến chợ hoa rinh một chậu cúc, chậu quấc, một cành mai là đã có quà để biếu. Hồi đó người lớn ăn bánh mứt mà không sợ mập, trẻ con không sợ hư răng. Bây giờ người ta sợ đủ thứ.

Ở nhà quê, việc tặng quà lại càng dễ dàng hơn nữa. Trong vườn có trái cây gì ngon thì đem tặng nhau. Vài chục quít đường, vài cặp bưởi, chục vú sữa, cặp thơm tây, chục mãn cầu....Trái gì cũng nhớ bẻ cả cuống kèm với lá cho đẹp. Vườn nhà ai cũng có cây có trái nhưng món quà là chút thơm thảo tặng nhau. Ngày mồng một tết, nhà nào trên bàn thờ cũng lư đồng bóng loáng, dĩa quả tử đầy vun trái cây, bánh mứt, rượu trà; còn thêm cành mai, chậu cúc nữa. Trong bếp, trong chạn thì ê hề chả gỏi nem bì. Nhà nghèo lắm ít nhất cũng phải có nồi thịt kho, nồi khổ qua hầm, hủ dưa giá, dưa cải. Cần nhất là phải nhớ xách nước đổ cho đầy lu đầy hủ.

Trong những món quà Tết thời thơ ấu mà gia đình tôi thường nhận được, tôi thích nhất là quà tặng từ bác Hai B. trên tỉnh. Bác là bạn cùng mua bán với ba má tôi trước kia ở chợ tỉnh, về sau ba má tôi về quê mua đất cất nhà nhưng hai bên vẫn liên lạc. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giáp Tết là bác gởi người quen đi chợ tỉnh đem về cho ba má tôi cái bông cải, xâu lạp xưỡng và hai đòn chả lụa. Hồi đó ở nhà quê chưa có điện, chưa có tủ lạnh. Món chả lụa không để lâu được nên chiều ba mươi má tôi chia chả lụa ra thành nhiều khoanh. Khoanh để cúng ông bà được cắt miếng bày ra dĩa. Phần còn lại để biếu bà ngoại tôi và các dì các cậu. Tôi lảnh phần mang đi biếu. Trên đường đi, thỉnh thoảng tôi mở hé tấm lá gói để nhìn những khoanh chả lụa trắng muốt nằm tròn vo trong lớp lá chuối sẫm màu, chưa chi đã thơm nhức nhối.
Còn cái bông cải và xâu lạp xưỡng, má tôi cột dây treo lên sà nhà, bên cạnh mấy chùm nem bì, mấy đòn bánh tét. Cái sà nhà, ngay trên bộ ngựa gõ, trở thành nơi cất giữ thức ăn đặc biệt ngày Tết của má tôi. Tôi thường nằm đu đưa trên cái vỏng mắc ngang trên bộ ngựa gỏ, náo nức ngắm nghía mấy món ăn Tết treo lủng lẳng trên sà nhà. Những chiếc nem, chiếc bì được gói vuông vức bằng lá chuối có cột dây chặt chịa. Màu lá chuối tươi xanh miết, có dính chút mỡ trở nên bóng mướt, hứa hẹn cái ruột thơm ngon dữ dằn.

Những đòn bánh tét mập mạp được cột từng nuộc dây đều đặn như đếm như đo. Bánh tét nhân đậu xanh có thỏi mỡ chưa kịp cắn đã tan quyện vào trong nếp vừa dẽo vừa thơm. Bánh nhân chuối với trái chuối ngả màu đỏ tía, tươm nhựa ngọt ngào. Bánh tét không cắt bằng dao mà bằng sợi dây cột bánh vừa tháo ra. Một đầu dây được giữ bằng răng, đầu kia giữ bằng tay; tay kia nâng chiếc bánh, xiết một vòng dây là một khoanh bánh nằm xuống dĩa, xếp vòng đều đặn.
Còn bông cải, nghe nói chỉ trồng được ở Đà lạt, trên cao nguyên xa lắc xa lơ. Bông cải đó phải chờ đến mồng ba, khi giết gà cúng tiễn ông bà hay cúng ra nghề, má tôi sẽ đem tẻ nó ra thành từng mảnh nhỏ, rữa sạch rồi xào lên với bộ đồ lòng, vừa dòn vừa ngọt vừa thơm. Xâu lạp xưỡng, hình như mua ở tiệm Tàu, má tôi sẽ đem hấp trong nồi cơm, khi chín nó căng mọng lên, phần mỡ trong vắt quyện vào phần thịt đỏ au.
Lạp xưỡng được đem xắt miếng mỏng mỏng, xếp vào dĩa sứ trắng, ăn với cơm nóng bốc khói thơm ngon hết biết. Những món nem bì, bánh tét của má tôi cũng ngon lắm nhưng trong ký ức tôi, món ăn đậm vị ngày Tết lại là món quà của bác Hai B.

Bây giờ vào những dịp Giáng sinh, Tết, người ta mua sắm kình kình. Món nhiều tiền, món ít tiền; món nào cũng được gói giấy hoa, buộc dây đẹp đẻ. Theo giòng người tấp nập mua sắm, tôi nhớ lại những cái Tết xa xưa ở quê nhà... 

Trong hằng hà sa số những món bày bán trong các cửa hàng, siêu thị ở đây, giữa một nơi gần như không có ai thiếu thốn thứ gì, thật khó mà tìm cho ra một món làm quà Tết có thể để lại được hương vị lâu dài trong lòng người nhận.

Khánh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét