Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Gởi Đến Bạn Thân (Ái Hữu 72)

Tuổi bút nghiên tươi đẹp vô vàn
Tình ta thắm thiết không gì nhạt phai

   
Xa rồi những ngày xưa yêu dấu, nào lớp học với thầy cô, bạn bè quen biết, ngôi trường này bảy năm qua không thiếu bóng hình tôi, hàng phượng vỹ đầy bóng mát, nhớ thuở nào bọn tôi thường lang thang lững thững dưới con đường “Duy Tân“ (trong trường do bọn tôi đặt tên) ngập xác lá, lá bay lã chã theo chiều gió rơi rụng cả trên tóc, trên má tôi, thương làm sao ấy! Thời gian qua mau, ngày nào còn bé tí bắt đầu bước chân vào bậc trung học với bao ngỡ ngàng, bây giờ lìa xa, con chim nhỏ tung cánh rời tổ ấm, nơi ôm ấp hình hài từ thuở ngây thơ, để bay đến một khung trời khác, các bạn tôi đáng mến biết bao, giờ mỗi đứa một bước đường xa cách…Nơi tỉnh nhỏ giữ bao kỷ niệm của tôi với các bạn thân yêu chỉ có bọn họ tôi mới đặt trọn niềm tin. Biết sau này trên bước đường đi, tôi sẽ có thêm nhiều bạn mới, nhưng họ sẽ ra sao? Tôi có tin được không? Trên đường đời có nhiều điều giả dối, ai ai cũng bảo thế với tôi, khuyên tôi phải thận trọng trong vấn đề kết bạn, đời bây giờ con người ít thành thật mình không biết được ai đâu. Nhưng với các bạn thân xưa của tôi, là những người bạn tốt, người anh, người chị, đứa em mến yêu.

“HỘI ÁI HỮU” ba tiếng đó nói lên có lẽ mọi người đều hình dung ra một hội khá đông người nhưng thật ra đây chỉ là một gia đình gồm hai mươi anh em, sống với một tình thương sâu đậm. Hội chỉ mới thành lập tròn một năm vào ngày Noel, nhưng các anh, các chị, cùng các em,chúng tôi có một sự thương mến nhau từ lâu, chính yếu tố đó giúp chúng tôi họp lại bên nhau để sau này chúng tôi có những ngày cùng nhau vui vẻ chuyện trò kể nhau nghe những kỷ niệm buồn vui mình gặp phải.
Nào câu chuyện, lời nói anh Cả Thái Sơn thốt ra cùng mười chín đứa em “bằng anh Cả“, một người anh tánh tình không làm tôi quên được, tôi không ngờ ngày nay là một đứa em của anh. Nhớ ngày xưa lúc chưa học chung lớp (từ lớp đệ thất – đệ tứ nam nữ học riêng), ngay lúc tôi đến trường buổi trưa thì lúc anh tan trường về, đang đi trên đường bất chợt nhìn lên thấy anh mỉm cười với tôi, tôi chưa kịp chào trả thì xe đạp anh qua khuất, chưa chào cũng như không chào nên những ngày sau anh cười tôi cũng giả bộ như không, có một buổi đi ngang cầu Lộ gặp anh đi bộ về, anh khẻ nói “gặp Sương chào mà Sương không chào lại“, tôi biết nói sao đây, thôi thì mang tiếng là người “bất lịch sự vậy“. Thế rồi, lên lớp đệ tam tôi và anh học chung lớp và hiện tại tôi là em anh. Người anh Cả vui tính nhưng nói nhỏ xin anh đừng giận “anh hơi độc tài đấy nhé“, anh có giận đành chịu thôi, chả lẻ anh lại đánh đòn? Có đánh đòn em cũng chạy kiếm chị hai, chắc chắn chị sẽ binh vì chị rất thương các em lắm đấy.

Nhắc đến chị hai Hà không thể nào nói hết lời, chị là người chị hết sức hiền dịu, nói năng rất nhỏ nhẹ, chiều chuộng các em từ chút, có thể nói không ai giận chị được, thế mà có một chút gì chị cũng lo quýnh lên chị cứ sợ mọi người phiền giận chị, thương làm sao í! Trông chị yếu đuối như cành liễu trước gió, đã thế các em bắt chị chiều chuộng đủ thứ, tội chị ghê đi. Ngày xưa em và chị học sát lớp nhau chưa hề nói với nhau câu nào, biết chăng là những lúc cùng gia đình đến thưởng thức kem tại tiệm kem Thanh Bình nhà chị (dưới dốc cầu Lộ), không dè lúc học chung đệ tam đến nay tình chúng ta quá sâu đậm chị nhỉ. Lòng em luôn luôn có bóng hình yêu mến của chị. Bên cạnh chị có chị ba Thủy Tiên (nhà sát trường) chị tếu vô cùng.


Trên giấy mực gọi là chị, nhưng đối diện em không bao giờ gọi là chị đâu mà ham, em chỉ thích kêu tên mà thôi! chị là người chị em không sợ gì cả, muốn gì nghĩ gì về chị, em nói với chị liền, em biết chị không bao giờ giận em vì một lời nói nào dù đụng chạm. Có thể nói em và chị, gia đình, vị trí trong nhà, tính tình giống nhau khá nhiều. Em nhớ mãi ngày về Vĩnh Long chơi, sau một tuần lễ em đổi lên Saigon học lớp đệ nhất tại trường Nguyễn An Ninh. Về Vĩnh Long em đến liền nhà chị, được chị đón mừng với những cử chỉ cảm động vô cùng, chị mừng nhảy cả lên, có đi xa mới biết tình bạn bọn mình thắm thiết, những ngày đi học trên Saigon, lúc đó là những ngày sống với các kỷ niệm đã qua, nhớ bạn bè kinh khủng, nhớ trường xưa lớp cũ nhớ từng lời nói của chị của bạn, nhớ những buổi ra chơi trời lạnh chúng ta tìm bóng nắng sưởi ấm. Và kết cuộc em xin gia đình cho em trở về Vĩnh Long để học chung với chị, vì không thể thiếu tình bạn nơi chúng ta. Giữa chị và em biết bao kỷ niệm phải không chị? Kể sao cho xiết, nào là ngày bên nhau lúc thi Tú Tài I, Tú tài II và gần nhất là ngày hai đứa khăn gói lên đường ứng thí nơi Tây Đô, đến trường thi nhìn sĩ tử khắp nơi đổ về vai mang tay xách đông đảo vui ghê, bao tiếng cười khúc khích buổi tối cuối cùng ở nhà ba má chị Tám cho mình ở nhờ trong thời gian thi đại học chị nhớ chứ? Còn nhiều nữa nhưng em xin nói với chị câu này “Thương chị quá chị Ba ơi!”.

Một người anh nghiêm trang và ít nói, ít đùa giỡn nhất đối với em đó là anh tư Hùng Sơn (anh của Vân học chung lớp 4 năm liền với em và cũng là cháu cô Sâm dạy địa năm đệ ngũ). Có chuyện gì anh đều khuyên nhủ, nói rành mạch cho các em tường tận, đây là một tính tốt nơi anh đúng như cô Dương Vương Thị Tùng dạy Văn đã đặt cho anh là một “triết gia“, không biết từ trước đến nay em có làm gì anh giận không? Nếu có xin niệm tình là người anh mà bỏ qua nhe!
Học chung từ lớp đệ tam nhưng thực sự em và anh năm Dũng mới quen biết nói chuyện nhau vào những ngày hội chợ Tết của trường Tống Phước Hiệp, (vì lớp ban B con trai quá đông hơn con gái nhiều và nữ sinh lớp cũng rất hiền), nhớ những ngày đó vui quá anh nhỉ! nhờ dịp đó lớp ta mới thân nhau, cởi mở hơn, thể hiện tinh thần đoàn kết, làm việc ghê gớm của cả lớp.
Nếu buổi nào họp mặt hay có một cuộc ăn uống trong đó đồ ăn nhiều là các bạn kêu đến anh Sáu Việt Hùng, anh phải thu dọn chiến trường đấy nhé, tội anh ghê đi, việc gì bắt ép không sao chứ việc ép ăn nhiều coi bộ anh thưởng tụi này, í chết em nói vậy anh cau mặt rồi phải không? anh đang mắng em nói xấu anh rồi đây, anh biết không, em chỉ lặp lại lời các bạn thôi mà, anh không được rầy em đó.. Thích quá có chị Bảy Tâm đây rồi
- Gì thế Mười Bốn?
- Chị Bảy ơi! cứu em, anh Sáu mập sắp nổi trận lôi đình rồi đấy. Chạy thôi.

Thế là nhờ chị Bảy nên thoát nạn. Chị Bảy còn trồng hoa không? Lúc học thi Tú tài ở nhà nội, em bắc chước chị cũng trồng vài loại hướng dương , hoa cúc….hoa chờ đến khi em từ Saigon về Vĩnh Long ủng hộ các anh đi thi hoa mới chịu nở, chắc chúng chúc các anh thành công. Ngày xưa chúng ta thường dạo quanh sân trường, đứng ngắm những đám cúc đủ màu được chăm sóc dưới bàn tay chú Bảy Chà hoa nở làm đẹp cả sân trường, chị nhớ không? Không bao giờ chị tỏ vẻ khó chịu hay chống lại ý em, có lẽ chị chấp nhận tất cả những gì em đòi hỏi, biết bao giờ em cùng các chị khác lại được nghe những mẩu chuyện vui chị kể, hòa lẫn tiếng cười giòn như bắp nổ chị nhỉ.
Rất lâu, lâu lắm rồi em không gặp anh Tám Quang, hình như lần gặp gần nhất là ngày phát báo nội san ái hữu tại nhà chị Bảy. Đã biết rằng đời sống hiện tại của anh không có dư thì giờ, không còn như thuở xưa nên những lần họp mặt thường thiếu bóng anh, phải chi có đủ mặt thì vui biết mấy. Ước mong của em cũng như các anh chị và các em ngay đến anh nữa đều muốn họp đầy đù 20 người, nhưng thực hiện được hay không còn tùy phải không anh? Vì mỗi người mỗi hoàn cảnh, có những trường hợp đặc biệt khác nhau. Chúc anh vui trên bước đường của anh, anh nhé!

Hôm nay cho anh Chín Tùng lên chưn vài phút, chớ đừng hòng được kêu là anh đấy, tại từ lúc được làm anh đến nay coi bộ bị ăn hiếp quá chừng. Anh Chín biết không, năm đệ tứ em ghét anh chi lạ thế, không hiểu tại sao, chắc mặt khó ưa??? Lên đệ tam học chung với anh cho đến nay em thấy mình không còn ghét anh nữa mà lại mến anh. Vì anh hiền và quá thành thật, thế mới biết nhìn người theo bề ngoài là lầm anh nhỉ? Em và chị Ba thường nhắc về anh với những kỷ niệm thật vui không bao giờ quên được một người anh như thế
“Bây giờ tới ta ……ta đọc . …ủa ta sao?...”cái gì cũng ta, một phen vỡ bụng vì điệu bộ và giọng nói của anh, anh Mười Phước ạ! anh nhớ những hình ảnh đó ở đâu không nè? Để nhắc anh nhe, đó là ngày đầu tiên lập hội tại nhà em khi anh làm “thư ký “ tạm cho hội í mà
Đi đâu có anh là “dzui-dzẻ” hẳn lên. Nhớ ngày xưa vui quá anh nhỉ! Bây giờ khó tìm lại được. Những ngày hội chợ anh chạy đôn, chạy đáo những giờ học anh trưởng lớp bị giám thị cô Sáu gọi hoài khiến cả lớp giận giùm anh. Tức giùm anh việc này lại tức giùm luôn cho anh Mười Một Hồng. Các anh chọc ghẹo “cô Hồng “quá nhiều, chuyện gì cũng phá cũng gài Mười Một vào, anh Mười Một chỉ biết cười vì sợ các bạn đông quá chống không lại. Em mách cho một cách: về nhà kiếm thầy dạy võ, học xong đố các anh kia dám chọc đến anh, nhưng có học võ nhớ đừng cho các anh kia biết là ai đã mách nước nhé! Các anh ấy mà hay tìm kẻ chủ mưu tra tội chắc lúc đó em trổ tài “võ trốn‘ quá.

Anh Mười Hai Ích, ối chà! gọi anh Mười Hai mà tưc tức sao ấy, nhưng kệ làm anh cực làm em sướng có sao. Lên Saigon anh hết còn dịp cùng các bạn chiều chiều đạp xe lượn ngoài phố rồi phải không? Có nuối tiếc? Tình thương mến của Mười Bốn cũng như các chị dành cho anh Mười Hai rất nhiều, tài khéo ăn nói khiến ai cũng cảm mến có nhiều lúc anh làm cho Mười Bốn giận ghê gớm, tự nghĩ sẽ không thèm nhìn mặt anh nữa nhưng sau đó cơn giận qua đi Mười Bốn lại xem anh như cũ có lẽ nhờ không có tánh giận dai đấy.


Buổi họp mặt vui nào không bao giờ thiếu câu hát tiếng đàn của anh Mười Ba Hải. Có một ngày họp mặt tại nhà anh ở Long Hồ, khi em và các bạn đi xa xa đứng bên bờ sông nhìn nước chảy êm đềm, tai nghe thoảng lời ca của anh cất lên “đời tôi chỉ yêu có một người, mà một hình bóng đã in sâu hồn tôi…..”, khiến lòng Mười Bốn buồn chi lạ. Thời gian học chung lớp, có lẽ nhờ hội chợ vì cả 2 đều giữ về tài chánh nên việc gì Mười Bốn cũng gọi đến anh, có lẽ nhờ vậy Mười Bốn và anh mới thân quen đến bây giờ.
Mỗi lần nói đùa, nhưng gương mặt của em Mười Lăm Lộc vẫn tỉnh bơ làm các chị một phen tưởng thiệt, nghĩ kỹ lại thì vui và phục tài phớt tỉnh của em. Năm học lớp mười hai các chị buồn giận và thương đứa em của mình quá, em biết lý do gì không?Tại vì em, anh Chín , Mười Hai rủ nhau trốn học đi chơi, đi thụt bi-da, viện cớ ghét giờ thầy dạy Pháp Văn, ông không làm gì mình thương được thì mặc ông, còn ông dạy hay thì mình học, thôi bỏ qua em nhé! dầu sao cũng hết một niên học ở ngôi trường nhiều kỷ niệm này, chị nhớ mãi hình dáng của em: gương mặt đó với đôi mắt đó thường gặp chị, em nghiêng nghiêng đầu mỉm cười, dáng đi lựng khựng trông buồn cười mỗi lần em đùa.
Đối với Mười Lăm chị hay rầy, đùa vui nhưng với em Mười Sáu Tánh, các chị ít phạt, ít gặp mặt em, khi chị viết những dòng này thì em đang học ở Vũng Tàu, em đang bước vào một cuộc đời mới đầy thích thú, nguy hiểm, chị mong em được mạnh khỏe, hăng hái trên con đường mình theo và nhất là trong các ngày họp mặt các anh, chị, em sẽ nhìn thấy được Mười Sáu sau bao ngày xa cách em nhé!

(Sương & Duyên tham quan Châu Đốc năm đệ Tam do thầy Mai Phùng Võ tổ chức cho học sinh trường Tống Phước Hiệp) 

Có chuyện bực mình, nếu gặp em Mười Bảy Duyên, được em ve vuốt bằng nụ cười thương yêu, còn gì sung sướng bằng, lúc đó cơn giận bay theo mây gió về tận nơi mô… chị cũng chả hay. Hết rồi những ngày hai ta cùng về trên một con đường, một chuyến xe bus em nhỉ! Nhớ mỗi khi chuông trường reo báo tan học, hai đứa mình đoạt giải ra khỏi lớp trước nhất, đi như “người bay” vì sợ trễ chuyến xe bus đặc biệt chỉ dành đưa rước học sinh do tỉnh tổ chức, thế nhưng hai mình vẫn không thoát được cặp chân quá nhanh của ông thầy Lê Thượng Hiền dạy Pháp Văn, có hôm vừa đi như chạy song song với bọn mình thầy còn hỏi theo “bộ đói bụng rồi sao“, chỉ biết cười trừ chớ giải thích sao đây? mà cũng có thời gian đâu mà trả lời thầy, chỉ sợ trễ chuyến xe coi như phải đi xe lam vừa tốn tiền vừa bỏ đi 1 phiếu tháng. Có lẽ trong lớp chỉ có 2 mình hiểu được nỗi cơ cực của học sinh xa trường phải đi xe bus thời đó. Xe có chiếc là xe nhà binh của quân đội làm thêm vài bậc thang cho hoc sinh lên xuống, mỗi khi không đủ chỗ phải đứng trên bậc thang tay ôm cặp, tay kia cố gắng tìm chỗ vịn, có khi phía trong còn chỗ trống nhưng những học sinh lên trước không chịu vô trong mà ngồi bít cửa lên xuống, chú lính tài xế tức mình vì nói không được, nên rồ ga chạy rồi thình lình thắng thật gấp, ôi thôi một phen u đầu, vì theo “quán tính“ toàn bộ ai ngồi hay đứng cũng bị dồn về phía trước, tiếng la hét um lên, tuy cực khổ là thế nhưng học sinh nhà xa như bọn mình cũng cám ơn Ngài Tỉnh Trưởng lo xe cho chúng ta đi học đở phần nào kinh phí gia đình. Được biết em sẽ rời vùng quê xưa đến nơi “cao nguyên gió lạnh“ tiếp tục việc bút nghiên mà chị buồn buồn quá. Nếu sau này nơi “đất hoa đào trên xứ Việt“ có những buổi lang thang dưới cơn mưa phùn, em hãy nhớ đến những buổi chúng mình cùng đi dưới nắng ấm trong sân trường vào những giờ ra chơi, các chị lắng nghe tiếng hát của em rót nhẹ vào tai làm hồn chị “chơi vơi‘, những ngày xưa thân ái ta còn gì cho nhau em nhì? Có chăng là kỷ niệm đầy.

(A.H.17 Duyên , A.H 14 Sương , …., Thu chuẩn bị leo núi Châu Đốc lớp 10 1971)

Bao thương mến chị gửi em Mười Tám Trường (em út của Thầy Lương Văn Kiệt dạy Lý Hóa), một người em hiền lành thường bị các anh dọa nạt, em chỉ biết nhìn van nài, môi mỉm cười thay lời nói. Chị cũng như các anh, chị khác đều đón em vào gia đình ái hữu với một sự vui sướng vô cùng. Nếu không quen nhau thân đâu biết rằng em có một tâm hồn cởi mở hòa mình vui đùa cùng các bạn thân trong những ngày họp mặt, vì trong những năm học chỉ thấy nơi em một học sinh vô cùng gương mẫu trong học tập, một học sinh giỏi vượt bậc nổi tiếng cả trường thời ấy, giờ trống là em về nhà dù chỉ 1 tiết học, còn tụi này có lúc cùng nhau đến vườn dưa gang vui đùa. Vào một buổi chiều em đến nhà chị ở Saigon, sau khi thi ĐHSP Saigon. Chị ngạc nhiên khi gặp lai em, trông em gầy và đen hơn lúc ở Vĩnh Long, tội em ghê vì mới xa gia đình lại đi học cực khổ.
Trong Ái hữu, kẻ bị các anh phá nhất là em Mười Chín Ngọc Yến. Nhớ làm sao khuôn mặt đáng yêu của em, đôi mắt ấy, tiếng cười trong trẻo đã làm cho không khí của hội ta vui vẻ hẳn lên, chị biết lòng em thương mến các anh chị trong hội rất nhiều, làm sao quên được những ngày anh chị đi thi, nếu ở nhà đang cần em, trùng lúc ngay ngày họp bạn em cũng cố đến vui cùng các anh, chị và nhất là không quên mang từ vườn qua các chùm chôm chôm chín đỏ. Thương em quá là thương.
Người em Út của hội ái hữu ở ngôi vị thứ Hai Mươi Nở hiền lành nhã nhặn. Niềm thương mến của các anh,chị dành cho út đặc biệt, em vào hội quá bất ngờ làm các anh, chị thích không tả được vì có thêm một người em ngoan hiền học giỏi. Trong ngày ra nội san lần đầu đủ mười chín người vắng bóng em, khiến cả hội ngồi buồn buồn làm sao, nhưng em bận việc phải về nhà mãi tận Giáo Đức biết làm sao đây?.

Từng khuôn mặt các bạn hiện ra bao phủ lấy hồn tôi, tôi ngỡ đâu đây có đầy đủ bạn thân, đang cười đùa cùng nhau thơ đẹp hồn nhiên quá. Không bao giờ hình ảnh của các bạn phai nhòa trong tôi. Các bạn thân mến tôi ơi! Cho tôi gửi đến lời này “Sống không bạn bè như sống thiếu ánh mặt trời“ Cầu chúc các bạn đạt nhiều ý nguyện, thành công trong mọi lãnh vực và giữ mãi tình bạn đẹp của chúng ta.

Tái bút: Em Mười Lăm! Buồn quá khi chị không thể dự buổi tiệc tiễn em đi ngày 2-10-1973, mặc dù chị thường hỏi các bạn ngày nào hội mình họp mặt đưa em lên đường nhập ngũ. Chị đành vắng mặt ngày hôm đó, mong em đừng giận chị nhé. Ở nhà chị cứ lo em sẽ buồn phiền chị ghê đi! Nhưng chị biết chắc em sẽ vui vẻ bỏ qua phải không. Rồi đây trong cuộc sống mới em sẽ nhớ lại những kỷ niệm nơi quê nhà cùng các bạn em nghĩ như thế nào: buồn, thương, hối tiếc!!!
Chị cầu mong em của chị mạnh khỏe và nhất là vẫn giữ được tính đáng mến của em, nụ cười dí dỏm và chúc em gặp nhiều chuyện vui và đầy may mắn em nhe.

Sương: Anh “sưng sa nầy sau lâu quá vậy?
Sa: Hỏng thẳng tôi đưa sao giựt mạnh quá vậy?

Saigon 21-9-1973
Ái hữu 14 Phan Thị Sương
(Trích từ Nội San 2 của Hội Ái Hữu 72)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét