Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Năm Khỉ Nói Chuyện Tề Thiên


Chuyện Tề Thiên... là chuyện hoang đường trong Tây Du Ký cuả Ngô Thừa Ân, nói về một con khỉ đá lanh lợi thông minh, học được phép tiên, làm loạn cả long cung, âm tào địa phủ và làm náo loạn cả thiên đình. Cuối cùng Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng phải chịu thua mà phong cho chức " Ông Thánh lớn ngang bằng trời " là : TỀ THIÊN ĐẠI THÁNH !
Năm con khỉ nói chuyện Tề Thiên là nói chuyện phiếm, chuyện tạp nhạp bao đồng về loài khỉ để nghe chơi khi trà dư tửu hậu ...

Xếp thứ 9 trong bảng thứ tự 12 con giáp, thuộc chi THÂN trong Thập nhị Địa Chi. Khỉ là động vật cực kỳ thông minh, nhanh nhẹn, đồng hành phát triển cùng với đời sống con người từ thời bàn cổ đến nay . Còn có thuyết cho KHỈ là thuỷ tổ cuả loài người nữa !. Loài Khỉ có đặc tính giống như loài người, thuộc loài có vú, sanh con, thường ở trong rừng, ưa nhảy nhót, đu chuyền từ cây này sang cây khác, sống tập thể thành từng đoàn, thông minh hơn các thú vật khác, cho nên thường bắt chước loài người qua các động tác sinh hoạt thường ngày. Khỉ đi vào đời sống văn hóa người Trung Hoa và Việt Nam qua 12 con giáp : Năm Thân, như năm nay 2016 là năm Bính Thân, tháng Thân là tháng 7 Âm lịch, ngày Thân là ngày được xếp sau ngày Mùi và trước ngày Dậu, giờ Thân là từ 3 đến 5 giờ chiều.
Giòng họ của khỉ thì rất nhiều, nói theo tập quán dân gian, ta có : Khỉ, Vượn, Đười Ươi, Lọ Nồi, Dã Nhân ... Gọi theo chữ Nho thì là Hầu Tử 猴子, Hồ Tôn 猢猻, Sơn Viên 山猿, Tinh Tinh 猩猩 ... 
HẦU 猴 là chữ Hài Thanh 諧聲 ( còn gọi là Hình Thanh 形聲 ), được ghép bởi bộ Khuyển 犭(犬) là loài Chó bên trái chỉ Ý ( chỉ loài vật có 4 chân ) và chữ Hầu 侯 là Hầu Tước bên phải chỉ Âm, theo diễn tiến như sau : 

Chữ HẦU trong phần Đại Triện, bên trái là hình con thú có 4 chân có đuôi, bên phải là hình người đứng đang giương cung, mũi tên nhắm về phía trước có một vạch ngang là cái bia để tên bắn vào.

Trong thời Xuân Thu ( 770 – 476 TCN ), người ta không gọi khỉ, mà có tên chính thức trang nghiêm dành cho loài vật có chức vị Hầu Tước 侯爵 này : ( Hóu ) HẦU 侯 là Tước Hầu, đứng sau tước Công và đứng trên tước Bá, đồng âm với Hầu là Khỉ. Từ đó về sau, khỉ chính là tượng trưng cho sự tốt lành, hanh thông, may mắn. Hình ảnh của khỉ thường được điêu khắc hoặc dán trên các bức tường và cửa ra vào với mục đích kêu gọi phước lành, quan lộc và niềm vui.


Trong văn học cổ, nhắc đến khỉ là người ta nghĩ ngay đến câu : " Sát kê cảnh hầu 殺雞儆猴 " hoặc " Sát kê giáo hầu 殺雞教猴 " cũng thế . Có nghĩa : Giết gà để cảnh cáo khỉ hay giết gà để dạy khỉ, theo truyện kể sau đây:
Trong một gánh xiệc Sơn Đông bán thuốc, người bầu gánh có nuôi 3 con khỉ và đều dạy cho chúng biết làm trò xiếc như : Đi bằng 2 chân, mặc quần áo, đi dây, nhào lộn ... Nhưng một hôm, 3 chú khỉ đều đồng lòng " đình công " không thèm làm trò xiếc nữa, mặc cho người bầu xiếc gỏ kẻng, thúc phèng la như thế nào, 3 con khỉ vẫn trơ trơ. Hết cách, chẳng lẻ bó tay, người bầu xiếc bèn nghĩ ra một cách, ông ta đem một con gà trống đến giữa sân, rồi gỏ kẻng, gỏ phèng la lên, dĩ nhiên là con gà trống vẫn trơ trơ. Ông ta bèn hươu đao chém bay đầu con gà máu tuôn xối xả . Đoạn, ông cho dắt 3 con khỉ ra sân, tay vẫn còn lăm lăm cây đao, ông ra lệnh cho gỏ kẻng, gỏ phèng la lên, 3 con khỉ sợ bị chém như gà, bèn ngoan ngoản diễn đủ trò theo yêu cầu cuả ông bầu xiếc. 
Vì tích trên mà ta có câu Thành ngữ " Sát Kê Cảnh Hầu " tương đương trong tiếng Nôm ta là : " Giết gà dọa khỉ, Giết gà dạy khỉ hay Giết gà răn khỉ " gì cũng thế. Ý nghĩa của câu thành ngữ nầy cũng tương đương như câu : " Giết một răn mười ", phạt một người để làm gương răn đe cho trăm ngàn người khác!

Cũng như con ngựa, con khỉ cũng đồng hành với con người từ ngàn xưa đến nay, nên ta cũng có một thành ngữ liên quan đến 2 con vật nầy, đó là câu " Tâm Viên Ý Mã 心猿意馬 ", để chỉ TÂM và Ý không đồng bộ, không ăn khớp với nhau, vừa muốn làm việc nầy, vừa muốn làm việc nọ, tâm ý hoang mang không quyết định được. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ đời Hán, Ngụy Bá Dương trong Tham Đồng Khế có phần chú như sau : " Tâm viên bất định, Ý mã tứ trì ". Có nghĩa : Lòng thì không ổn định như lòng con vượn, còn ý thì như con ngựa muốn chạy bốn phương ". 漢·魏伯陽《參同契》注:“心猿不定,意馬四馳。” Thơ của Hứa Hồn đời Đường, trong bài Đề Đỗ Cư Sĩ Thi có câu : " Cơ tận Tâm Viên phục, Thần nhàn Ý Mã hành " 唐·許渾《題杜居士》詩:“機盡心猿伏,神閑意馬行。” Có nghĩa : " Thời cơ đã hết nên lòng cũng lắng xuống như tâm con vượn, Tinh thần nhàn nhã thì ý cũng phóng túng như ngựa chạy vậy ". 
Nhưng, theo kinh văn Duy Ma Cật, thì Phật Giáo cho là lòng của chúng sinh không có ổn định, như lòng của con vượn và ý của con ngựa vậy, luôn luôn động đậy và hướng ngoại, khó mà an trụ cho được ! Nên, phải khắc chế được cỏi lòng cho đừng có " Tâm Viên Ý Mã " thì tâm mới định mà tu hành mới có kết qủa và mới đắc đạo được.

Để thay đổỉ không khí, và để cho Đông Tây được đề huề, Xin được giới thiệu thành ngữ " Lấy Dẽ Trong Lò ". Thành ngữ này dùng để chỉ bị người lợi dụng, làm những việc mạo hiễm để cho người khác được hưởng lợi, ngồi mát ăn bát vàng. 
Thành ngữ nầy lấy từ thơ Ngụ Ngôn cuả đại thi hào Pháp cuả thế kỷ 17 là Jean de La Fontaine (1621-1695). La Fontaine được các nhà văn thời Tiền Chiến của ta nhại âm dịch tên là Lã Phụng Tiên, giống như tên của Lã Bố thời Tam Quốc vậy. Bài thơ Ngụ Ngôn có tựa là KHỈ và MÈO. Nội dung tả lại việc Khỉ dụ Mèo khều lấy hạt dẽ đang được nướng ở trong lò. Khỉ ăn hạt dẽ còn Mèo thì bị cháy cả lông chân. Bài thơ Ngụ Ngôn nầy được diễn nôm như sau:


Khỉ và Mèo

Khỉ và Mèo cùng chung một chủ 
Chung một nhà, thức ngủ có đôi 
Phá hại thì nhất hạng rồi 
Lại không kiêng nể một ai bao giờ 
Đã biết vậy, đừng ngờ xóm ngõ 
Nếu trong nhà đổ vỡ vật chi 
Khỉ thì trộm cắp quá đi 
Mèo thì chuột bọ để gì ý đâu 
Nhưng phó mát cất đâu cũng biết 
Ăn vụng thì hạng nhất trần gian 
Một hôm hai đứa lưu manh 
Trông thấy hạt dẻ nướng quanh bếp lò 
Cùng rỏ dãi, nhỏ to bàn mãi 
Một việc thôi, mà lợi hai đường 
Trước là thích khẩu no lòng 
Sau thì để khổ cho ông hỏa đầu 
Khỉ cất tiếng yêu cầu chú Mão: 
"Việc làm này ông bạn mới xong 
Nếu tôi mà được như ông 
Bẩm sinh bạo lửa thì không phải nhờ 
Hạt dẻ nướng đương chờ ta đó 
Bạn lấy ra chẳng khó khăn gì!" 
Mèo nghe hành động tức thì 
Gạt tro cẩn thận ra rìa bếp than 
Hai chân nó mấy phen thò thụt 
Rốt cuộc rồi lấy được hạt đầu 
Rồi hai ba hạt tiếp sau 
Khỉ trong lúc đó cúi đầu bóc ăn 
Bỗng con sen ngoài sân đi tới 
Khỉ và Mèo cùng vội lẩn chuồn 
Riêng Mèo vừa tức vừa buồn 

Có nhiều hầu bá giống trường hợp trên 
Nghe phỉnh nịnh, lửa tên liều mạng 
Chiếm đất đai dâng hiến cho vua 
Sánh Mèo cái dại chẳng thua !
Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Trở lại Ấn Độ với thần khỉ Hanuman là một nhân vật trong thần thoại Hindu được kể lại trong sử thi Ramayana. Trong sử thi, Hanuman đã giúp đỡ cho người anh hùng Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ Ravana. Thần khỉ Hanuman là nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Các đền thờ khắp nước Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman, vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy ( gada ), biểu tượng của lòng dũng cảm. Thần rất sùng bái người bạn của mình là Rama ( vị Vua anh hùng được kể trong sử thi Ramayana ), và cũng được Rama thương yêu nhất, nên có khi người ta vẽ Hanuman với hình Rama xăm trên ngực. Rama được coi là hóa thân của Vishnu, là Đấng bảo tồn trong quan niệm Trimurti của Ấn giáo. Trong cuộc chiến đấu giữa vua Rama anh hùng và quỷ Ravana, thì Hanuman là người giúp đỡ vua đắc lực nhất, trung thành với vua nhất. 

Sang qua châu Mỹ với chú King Kong khổng lồ nhưng lại si tình vào bậc nhất cổ kim với câu nói bất hủ của phương Đông là : " Anh hùng nan qúa mỹ nhân quan !", đằng nầy quái thú cũng không thể thoát khỏỉ lưới tình !
King Kong là tên một con ác thú khổng lồ (giống loài khỉ đột) được hư cấu trong nhiều loại tác phẩm, đặc biệt là điện ảnh. King Kong nổi tiếng khắp thế giới từ bộ phim cùng tên năm 1933, và tiếp tục được làm lại vào 1976 và 2005.
King Kong sinh sống trên Đảo Đầu Lâu (Skull Island), ở đâu đó trên Ấn Độ Dương và được cư dân nơi đây thờ cúng như một quái vật ăn thịt linh thiêng. Một đoàn làm phim từ New York lặn lội đường xa đến đây vì nghe nói có nhiều sinh vật huyền bí trên đảo này, do đó sẽ có cơ hội tạo những cảnh quay ngoạn mục.
Cô diễn viên Ann Darrow xinh đẹp bị bắt cóc và đem ra tế Kong. Con khỉ đột chẳng những không ăn thịt Ann mà còn thích thú và yêu mến nàng. Mọi người trên tàu đi giải cứu Ann, trong đó hăng hái nhất là nhà viết kịch bản Jack Discroll, người yêu của cô. Đoàn người mắc kẹt trong rừng sâu và phải đối mặt với bao sinh vật nguy hiểm, như côn trùng khổng lồ, rắn rết, khủng long... Rồi lại bị Kong tấn công, bao nhiêu người bỏ mạng. Những kẻ sống sót vội vàng bỏ cuộc, trở về New York. Jack vẫn quyết tâm tìm Ann. Khi cứu được thì con khỉ đuổi theo. Đạo diễn Carl Denham nhân cơ hội đó bẫy nó đem về New York. Ông ta gọi nó "Kong– vị vua (King) của thế giới".
King Kong được đem ra trình diễn cho khán giả có máu mặt ở Manhattan ( Mã Nhật Tân, một khu phố lớn nổi tiếng ở New York ) như là một "Kỳ quan thứ tám của thế giới". Ann lại không đến dự vì phản đối hành động tàn ác đó. Kong phá tan nhà hát trình diễn, thoát ra tìm Ann. Nó đại náo toàn bộ khu đô thị lộng lẫy xa hoa, khiến xe cộ, nhà cửa đổ bể tan hoang. Ann xuất hiện kịp thời, Kong lại bị mê hoặc bởi sắc đẹp của nàng, giống như trong truyện Giai nhân và Quái thú (Beauty and the Beast). Nhưng quân đội ập đến, Kong bế Ann bỏ chạy lên tòa nhà Empire State cao nhất thời đó (trong phim năm 1976 là tòa WTC). Các phi cơ chiến đấu liên tục bắn nó, mặc cho Ann gào khóc ngăn cản. Cuối cùng Kong gục ngã và rớt xuống đất, chết một cách đau đớn. Carl Denham lặng lẽ thốt lên "Con Quái thú không chết vì bị bắn, mà chết vì Giai nhân".


Trở về với con khỉ đá đòi lớn ngang bằng trời là " Tề Thiên Đại Thánh ". Được nứt ra từ một tảng đá thụ khí âm dương cuả trời đất ở Đông Thắng Thần Châu. Con thạch hầu nầy được đồng loại tôn xưng là Mỹ Hầu Vương 美猴王. Vì không muốn luân hồi sinh tử như muôn loài, nên Mỹ Hầu Vương ra đi tìm học phép trường sinh. Bái Bồ Đề Tổ Sư làm sư phụ, được đặt tên là Tôn Ngộ Không 孫悟空. Tôn là Hồ Tôn 猢猻, cách gọi riêng về loài khỉ. Ở đây Tôn Ngộ Không học được 72 phép biến hóa gọi là Thất thập nhị Huyền công và có thể bay lộn trên mây ( Cân đẩu vân ), lộn một vòng bay được 10 vạn 8 ngàn ( 108.000 ) dặm ( khoảng 54000 kilometers ) và có một cây gậy "Như ý Kim Cô bổng" ( là Định Hải Thần Châm dưới Đông Hải ) có thể thay đổi kích thước, được đặt sau tai, dùng làm vũ khí để đánh yêu quái. Ở Hoa Qủa Sơn Tôn Ngộ Không tập hợp các động yêu ma làm mưa là gió. Náo Long cung, phá Âm Tào, đại náo Thiên Cung, Ngọc Hoàng phong cho chức Bật Mã Ôn 弼馬溫 là quan giữ ngựa. ( Từ chức vụ nầy ta thấy trong thực tế Ngựa rất sợ Khỉ ). Biết được chức vụ giữ ngựa là chức quan nhỏ nhoi, lại đại náo thiên đình đòi phong làm : Tề Thiên Đại Thánh 齊天大聖, nhưng vẫn chưa chịu yên thân, rảnh rang lại đại náo Đại hội Bàn Đào, và bị Phật Tổ đè xuống Ngũ Hành Sơn 500 năm. Được Đường Tam Tạng cứu ra để cùng đi Tây Phương thỉnh kinh với tên gọi Tôn Hành Gỉa 孫行者, bị khống chế bởỉ vòng Kim Cô 金箍 của Phật Tổ Như Lai do Quan Thế Âm Bồ Tác trao, kịp đến khi thành chánh qủa là Đấu Chiến Thắng Phật 鬪戰勝佛 thì vòng Kim Cô mới tự nhiên biến mất. 


Hình Lục Tiểu Linh Đồng, người vào vai Tề Thiên Đại Thánh ấn tượng nhất, đẹp nhất trong bộ phim Tây Du Ký của đạo diễn Dương Khiết, do Trung Quốc sản xuất năm 1982.
Một số học giả cho rằng nhân vật Tôn Ngộ Không được phỏng theo Hanuman, " thần khỉ " trong Ấn Độ giáo được thuật lại trong một quyển kinh sách do Trần Huyền Trang từ Tây Phương thỉnh về.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc gần đây lại phát hiện ra một nguồn gốc khác của Tôn Ngộ Không từ những bức bích họa có niên đại hơn 1.000 năm. Những bức vẽ này được tìm thấy trong Động Thiên Phật, cách huyện Tây An, tỉnh Cam Túc khoảng 90 km. Các bức hình có cảnh một vị hòa thượng và " Hầu hình nhân 猴形人 " ( khỉ hình người ) đang trang nghiêm chắp tay hành lễ, hướng mặt về phía Phật Bà Quan Âm trên đài Kim Cương bảo thạch. Bốn bức hình khác khắc họa chi tiết thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, tương tự như câu chuyện trong " Tây Du Ký " của Ngô Thừa Ân sau này vậy. 

Nhớ hồi xưa, khi tạo mẫu thêu cho má tôi thêu mặt gối hình 12 con giáp. Tới năm THÂN, tôi đã phải mượn hình tượng cuả Tề Thiên Đại Thánh được vẽ theo kiểu hoạt họa ở trên và thêm vào 4 chữ Thông Minh Dĩnh Nhộ 聰明穎悟 cho các em bé tuổi THÂN nằm, để cho các em không cảm thấy " Tủi Thân " như dân gian đã hát :
Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi,
Còn tôi riêng chịu một đời " tủi thân " !

Viết đến đây, lại nhớ đế lần họp mặt của Vườn Thơ Thẩn trong năm qua, anh Huỳnh Hữu Đức đã làm một đôi câu đối để tặng cho chị Phương Hà là người tuổi Thân như sau :

Năm Mão là năm mèo. Mèo đội mão
Tuổi Thân là tuổi khỉ. Khỉ " tủi thân ".

Tội nghiệp, làm chị Phương Hà buồn 5 phút!
Trở lại với cây nhà lá vườn, khỉ có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, chả thế mà nông thôn Việt Nam nơi nào cũng có " Cầu Khỉ ", và cây cầu khỉ đã trở thành " top ten " trong 10 cây cầu đáng sợ nhất thế giới ...

Tên gọi cầu khỉ không phải vì cầu dành riêng cho khỉ, mà là tư thế lom khom của người khi qua cầu trông giống như con khỉ. Những cây cầu nổi tiếng ở các miền quê Việt Nam này làm bằng tre và dây dừa, bắt qua những con sông, rạch, dòng kênh nhỏ. Cầu rất hẹp và lắc lư mỗi khi có người đi qua.

Các vùng quê hẽo lánh it người qua lại hoặc các vùng rừng đước rừng tràm ... được gọi là các vùng " Khỉ ho Cò gáy ". Hù dọa ai một cách vô ích thì gọi là " Rung cây nhát Khỉ ", làm những chuyện vô bổ không cần thiết thì nói là " Dạy Khỉ leo cây ", gặp chuyện gì cũng nhăn nhó thì mắng nhau " Cái tù mặt mầy như là Khỉ ăn ớt vậy ", hoặc nói nặng hơn " Thứ cái đồ mặt nhăn như Khỉ ". Gặp đứa phản trắc, ăn cơm tui mà hại tao, thì bảo là " Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà ". Ghét ai thì mắng " Thứ đồ Khỉ gió !". Muốn phủ định việc gì thì nói là : " Khỉ khô, khỉ mốc, khỉ dọc "!... Con khỉ xấu vậy sao ? Nhưng lúc thấy vui thì cũng sẵn sàng " làm trò Khỉ ", con nít rắng mắt thì gọi là " Liếng Khỉ ", tuổi con khỉ thì dân gian có câu hát rằng :

Tuổi Thân con khỉ ở lùm,
Trèo qua trèo lại té ùm xuống sông!

Thương cảm và thân thiết hơn với hình tượng:

Con khỉ bồng con lên non hái trái,
Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi!

Viết đến đây, làm ta nhớ lại một chuyện tình giữa khỉ vượn và người rất nôỉ tiếng trong văn học dân gian Việt Nam, đó là truyện Lâm  Tuyền Kỳ Ngộ mà giới bình dân gọi là " Bạch Viên Tôn Các " với câu hát:
Bạch Viên Tôn Các xa trông,
Bồng con ôm gói thẳng xông lên đàng. 

“ Lâm tuyền kỳ ngộ ” 林泉奇遇 là " Cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa suối rừng ", là một truyện dài bằng thơ, gồm 146 bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, một bài thơ tứ tuyệt và một bài “ Thạch tuyền ca khúc ” theo thể Hát Nói ( hai bài này đều ở cuối tác phẩm ). Hoàng Xuân Hãn trong “ Thi văn Việt Nam ” cho rằng tác phẩm này gồm 150 bài thơ Đường luật. 
Tác phẩm này hiện vẫn chưa ai tìm ra được tên tác giả, có một số giả định là tác phẩm được viết vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Còn có nơi cho rằng tác giả là hoàng giáp Nguyễn Ðăng, một nho sĩ tài hoa ở Ðại Toán, Bắc Ninh khoảng thời Trịnh Tạc (1657-1682), từng được cử đi sứ nhà Minh năm 1673. 
Nội dung tác phẩm dựa vào “ Viên thị truyện ” 猿氏傳 của Cố Quýnh đời Đường, Trung Quốc, gắn liền với chùa Phi Lai. Truyện miêu tả cuộc tình duyên giữa một nho sinh và một con vượn trắng đã hoá thành người (con vượn vốn là tiên giáng trần). Tính chất lãng mạn, tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, chống những hạn chế của tôn giáo, mạnh dạn biểu lộ những yêu cầu hạnh phúc của con người, của tình yêu nam nữ, đã làm nên giá trị chủ yếu của tác phẩm. 

Bản Nôm của QH Huế Vở Cải Lương Bạch Viên Tôn Các

Ngoài việc viết lại bằng thơ Lục Bát để dân gian nói thơ theo kiểu thơ Vân Tiên, Bạch Viên Tôn Các còn được sọạn thành tuồng Cải Lương với các vai diễn nổi tiếng như nghệ sĩ Thanh Sang vai Tôn Các và kiều nữ Thanh Nga vai Bạch Viên rất ăn khách trong thập niên 70 của Thế kỷ trước.

Nhân nhắc đến vượn, ta lại nhớ đến một thành ngữ có liên quan là VIÊN TRƯỜNG THỐN ĐOẠN 猿腸寸斷 ( Ruột của con vượn đứt ra từng tấc một ), Ta nói là " Ruột thắt từng cơn " hay " Đứt từng khúc ruột " theo tích sau đây :
Sách Sưu Thần Ký đời Tấn, Quyển 22 ghi: Xứ Đông Hưng đất Lỗ, thuộc Quận Lâm Xuyên, có ngưới vào núi bắt được một vượn con mang về. Vượn mẹ chạy theo đến nhà. Người nầy trói vượn con trên cây trong sân. Vượn mẹ trông thấy, quỳ xuống van xin, giơ tay tự tát vào má mình. Người đó chẳng những không tha còn giết chết vượn con. Vượn mẹ trông thấy, kêu khóc thảm thương, rồi lộn đầu xuống đất mà chết. Người đó bèn mỗ bụng vượn mẹ ra, thì thấy ruột đã bị đứt từng khúc một. Nên, thành ngữ nầy dùng để chỉ sự nhớ thương bi thiết, hoặc qúa mức đau lòng mà " Đứt từng đoạn ruột "! Thơ Lý Bạch trong bài " Tặng Võ Thập Thất Ngạc " có câu :

Ái tử cách Đông Lỗ, 爱子隔东鲁,
Không bi đoạn trường viên. 空悲断肠猿 .
Có nghĩa :
Thương con như bị chia cắt ở đất Đông Lỗ,
Buồn thương đứt ruột như con vượn kia cũng hoài công thôi !
Quả là một thành ngữ đánh động lòng người, và là một câu chuyện luân lý đề cao tình mẹ thương con muôn vàn bi thiết. Vượn còn thế, huống hồ là người ? Ai là con mà lại nở bỏ mẹ, nở quên mất tình thương bao la cuả mẹ bao giờ ?! Cô gái quê cuả vùng sông nước Nam Bộ ngày xưa cũng đã mượn hình tượng cuả con vượn để nhắn nhủ với mẹ rằng :

Má ơi, đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu ?!

Trong số Đề 36 con, thì Khỉ đứng đầu trong nhóm Ngũ Khất Thực ( 5 người ăn mày ), mang số 23 và có tên chữ là Tam Hòe với lời vè như sau:
Tam Hòe con khỉ hăm ba, 
Thua hoài đến nổi bán nhà không hay!

Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm quyết định xóa số 2 sòng bạc lớn nhất Sài Gòn Chợ Lớn là Kim Chung và Đại Thế Giới, thì đề 36 không còn nữa . Nhưng nhóm quân đội người Nùng giúp Tổng Thống dẹp loạn Bình Xuyên vẫn còn xổ đề ở vùng Cây Da Xà Phú Lâm Chợ Lớn, và họ đã thêm vào 4 con nữa cho đủ 40. Bốn con thêm vào là 37 Thiên Công ( Ông Trời ), 38 Địa Chủ ( Đất Đai ), 39 Thần Tài và 40 là Táo Quân ( Ông Táo ). Nên khi áp dụng vào Xổ Số Kiến Thiết thì ta có tới 2 con khỉ lận : Con khỉ nhỏ là 23, còn con khỉ lớn là 63 ( cộng thêm 40 nữa )! Thế là các tay ghiền đánh số đề từ 00 đến 99 mỗi ngày ít nhất phải thua thêm một con số đề nữa !
Nạn đánh đề càng trầm trọng khi xã hội càng phân biệt giàu nghèo. Dân càng nghèo càng phải chạy theo cuộc sống và càng mê số đề hơn, và càng thua nhiều hơn nữa, rồi càng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội hơn và cuối cùng là xã hội càng băng hoại hơn !... Rồi đến một ngày nào đó thì ...
Thọ đão hồ tôn tán ! 樹倒猢猻散 !
Có nghĩa:
Cây đã ngã rồi thì lũ khỉ cũng sẽ tan hàng!
Theo tích sau đây:
Trong sách Thuyết Phù được biên soạn bởi Đào Tông Nghi, trong đó có một câu truyện như sau :
Vào thời Nam Tống , có người tên là Tào Vịnh, vì có quan hệ mật thiết với Thừa Tướng lúc bấy giờ là Tần Cối nên được phong làm quan lớn. Mọi người đều a dua theo ông ta để được phong quan, duy chỉ có em vợ cuả ông ta là Lệ Đức Tân, người rất chính nghĩa, không thích a dua, thà chịu giữ chức thư lại nhỏ nhoi ở địa phương chứ không về hùa với ông anh rễ. Tào Vịnh rất giận, ra lệnh cho quan huyện địa phương gây áp lực và làm khó ông em vợ cứng đầu nầy, nhưng Lệ Đức Tân vẫn không khuất phục.
Sau khi Tần Cối chết, những người theo hùa với ông ta đều bị rơi đài. Tào Vịnh cũng bị biếm đến đất Tân Châu của vùng Quảng Đông. Lúc nầy, Lệ Đức Tân mới làm một bài phú có tựa là " Thọ Đão Hồ Tôn Tán Phú 樹倒猢猻散賦 ". Nội dung châm biếm những người a dua với Tần Cối như là lũ khỉ, dựa hơi Thừa Tướng để tác oai tác phúc. Nay cây đã ngã rồi thì lũ khỉ nhóc cũng phải tan hàng mà thôi. Tào Vịnh đọc bài phú tức đến ói máu, nhưng cũng không làm gì được cái ông em vợ chính trực kia !!! 
Trông người lại ngẫm đến ta ... 
Không biết chừng nào cái cây lớn Trung Quốc mới ngã, để cho lũ hồ tôn tan hàng thất tán, hết tác oai tác phúc làm giàu trên xương máu của dân nghèo. Mong rằng câu cuối của bài sấm Trạng Trình được linh nghiệm để cho ...

... Thân Dậu niên lai kiến thái bình !
Mong lắm thay !!!

Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét