Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Điêu Khắc Gia Lê Văn Mậu(1917 - 2003)

Tiểu Sử:

Ông Lê Văn Mậu sinh ngày 8 tháng 8 năm 1917 tại làng Tân Thạnh thuộc tỉnh Vĩnh Long. Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo nhưng ngay từ thuở nhỏ cụ đã tỏ ra đam mê và có năng khiếu đặc biệt về điêu khắc và hội họa. Mỗi lần tắm sông ở làng quê, cụ bỏ ra hàng giờ móc đất sét nặn hình, tạc tượng... khiến song thân luôn nhắc nhở "tắm nhanh lên, kẻo bệnh". Không ai ngờ rằng cậu bé có thú vui tắm sông, móc đất nặn các hình thù ngộ nghĩnh kia lại là một nhân tài về điêu khắc trong tương lai.

Xong bậc tiểu học (1922-1927), cụ được gia đình đưa lên Sài Gòn hoàn tất bậc trung học (1927-1934) rồi thi đỗ vào trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa.Tại đây cụ đã trải qua những ngày tháng say mê học tập (1934-1937). Kết quả thi tốt nghiệp, cụ được xếp loại xuất sắc và được cấp học bổng vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Khóa học kéo dài 5 năm (1937-1942).

Bốn tác phẩm đầu tay bằng thạch cao của cụ trong thời gian học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là "Thiếu nữ khỏa thân", "Đám rước", "Cương quyết" và "Hòa bình", trong đó tượng "Thiếu nữ khỏa thân" được giáo sư E. Jonchere chấm 18/20 điểm và bức phù điêu "Đám rước" được chọn đi dự triển lãm mùa hè và được báo Volonté Indochinoise của Pháp không tiếc lời ca ngợi.
Năm 1930, lên Sài Gòn ở nhà người cậu là bác sĩ Quế để học trung học. 
Sau khi đậu Diplôme vào năm 1934, Lê Văn Mậu lên Biên Hòa xin học điêu khắc trong dịp hè với ông Balick, hiệu trưởng trường Mỹ nghệ. Ông bà Balick là thân chủ bác sĩ Quế nên rất quí thầy và sắp xếp cho thầy ở Cù Lao Phố. Khi ông Balick hứa sẽ xin cho thầy học bổng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì thầy quyết định bỏ học ban tú tài mà theo học trường Mỹ nghệ. Trong thời gian học ở đây, những mẫu sáng tác của thầy được Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa chọn để đưa vào sản xuất. Sau những năm tháng học tập, thầy đậu hạng nhất kỳ thi tốt nghiệp khóa ngày 2.7.1937.

Được ông Balick giới thiệu, cuối năm 1937, thầy đã vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không phải qua thi tuyển. Năm 1940, báo Pháp La volonté indochinoise nhận xét phê bình: 
“Tác phẩm Đám rước của ông Mậu, do cách bố cục và sự tìm tòi trong cách thể hiện, đã báo hiệu một nghệ sĩ tài năng”. Sau nhiều trăn trở tính suy, mùa hè năm 1942, thầy quyết định thôi học một năm trước khi thi tốt nghiệp, ông hiệu trưởng E. Jonchère cho thầy một chứng chỉ với nhận xét rất tốt. 

Theo thư mời của ông Balick, ông Lê Văn Mậu trở thành giáo viên dạy môn điêu khắc và môn vẽ cho trường Mỹ nghệ Biên Hòa kể từ năm 1944, là người thế chân cho thầy Nhứt (Đặng Văn Quới) nghỉ hưu. Từ đó thầy gắn bó với trường Mỹ nghệ, với Biên Hòa tròn nửa thế kỷ. Cuộc đời nhà giáo của thầy phẳng lặng êm đềm. Năm 1963, thầy được cử làm hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa, nhưng với tên mới là trường Kỹ thuật Biên Hòa. 

Năm 1973, trường Kỹ thuật Biên Hòa có sự xáo trộn, thầy xin thôi chức hiệu trưởng và thầy thuyên chuyển về trường. Sau 1975, thầy tiếp tục dạy tại trường cũ, nhưng có tên mới là ĐH Mỹ thuật Tp.HCM, cho đến khi nghỉ hưu. 
Ông Nguyễn Hoàng, hiệu trưởng nhận xét: “Ông là người thầy đã đóng góp nhiều công sức để đào tạo cho đội ngũ điêu khắc ở miền Nam trước và sau 1975”

(Đoàn Trường Kỹ thuật Biên Hòa tham dự khóa hội thảo
về giáo dục năm 1965 tại Sài Gòn (Lê văn Mậu đầu tiên, bên trái)

Trong sự nghiệp sáng tác của mình thầy Lê Văn Mậu đã sáng tác hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ. Hiện nay được lưu giữ trân trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Sài Gòn, Bảo tàng Đồng Nai, sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Chỉ xin kể một số tác phẩm tiêu biểu của thầy: 

Đức mẹ Maria (1951, Nhà thờ Biên Hòa), 
Napoléon xem binh thư (1954, Pháp), 
Phật Thích Ca(1954, Chùa Xá Lợi), 
Bóng xế tà (1964, Bảo tàng Mỹ thuật Sài Gòn), 
Đại thần Phan Thanh Giản (1964, Vĩnh Long), 
Tượng trưng tài nguyên và kinh tế Biên Hòa (1967), 
Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1968, đặt trước chợ Rạch Giá), 
Đài phun nước Cá hóa long (1968 - 1970, Công trường Sông Phố, Biên Hòa), 
Hùng Vương dựng nước (1989, Khách sạn Continental, Sài Gòn)… 

Thầy ba lần làm tượng VIP đáng nhớ: 
Tượng Cựu hoàng Bảo Đại (1948), 
Tượng Tổng thống Ngô Đình Diệm (1959)  
Tượng Bà Sáu Thiệu (1970-1973). 
Và thầy đã sáng tác rất nhiều mẫu mã phục vụ cho những sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa.

Với những tác phẩm đạt độ chín muồi của một tài năng nghệ thuật, điêu khắc gia bậc thầy Lê Văn Mậu được đăng tiểu sử vào "Niên giám văn nghệ sĩ và Hiệp hội văn hóa Việt Nam" năm 1969, vào "Who's Who in Vietnam" (Danh nhân Việt Nam) năm 1975, vào "Viện nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam" năm 1981. Liên tục trong hai năm 1973 và 1974, cụ được đề cử giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giám khảo giải văn học nghệ thuật toàn quốc bộ môn điêu khắc... Nhiều tác phẩm của cụ có mặt rộng rãi ở các châu Mỹ, châu Âu, châu Á... Mấy mươi năm đứng trên bục giảng trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa, trường Đại học Mỹ thuật Sài Gòn, giáo sư Lê Văn Mậu đã hướng dẫn biết bao thế hệ học sinh, sinh viên...

Yên Đỗ sưu tầm từ nhiều nguồn trên Net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét