Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Mùi Rơm Giáp Tết - Từ Kế Tường

Một góc trời quê


Đồng đất quê tôi ngày xưa trồng lúa một vụ, gọi là lúa mùa. Ba tháng giáp Tết những cơn gió chướng thổi về mang theo hơi lạnh se se báo hiệu những ngày cuối năm. Lúc này mưa đã dứt, chỉ có gió chướng và nắng quái lướt nhẹ trên những cánh đồng vàng rực màu lúa chín rộ. Hôm trước vẫn còn đi trên bờ ruộng, nghe thấy gió và nắng như nhuộm thêm thứ sắc màu đẹp lộng lẫy cho những bông lúa no đầy, trĩu nặng. Một cơn gió chướng từ hướng con sông làng thổi tới, cả cánh đồng vang lên âm thanh rào rạt của lúa và lúa, những nhánh bông lúa lắc lư, đong đưa, cạ vào nhau thành tiếng gọi quen thuộc của nhà nông. Âm thanh như có cả mùi thơm bay theo vào tận xóm làng, lay động những bờ tre, nồng nàn thêm khói bếp, đong đầy những căn nhà trống và sân phơi lúa đã được dọn sạch chờ một vụ mùa rộn rã tiếng nói cười của những chàng trai, cô gái vần công, đổi công gặt, đập, cộ lúa về đầy sân.

Ấy thế mà chỉ một vài hôm đi lại trên những bờ ruộng mới hôm trước như bị thu hẹp lại bởi những nhánh lúa trĩu nặng bông vàng cạ vào chân. Nhưng hôm nay cả quãng đồng không, chẳng thấy một nhánh lúa nào lắt lĩu theo gió, đong đưa trong nắng vàng như mật ong mà chỉ toàn chân rạ tươi đang chuyển sang màu vàng nhạt để bắt đầu khô quắt lại với màu vàng sậm hơn khi nước rút khỏi chân ruộng trơ vơ một màu đất trắng đang trở mình để nứt ra theo từng dấu chân trâu. Một mùa rơm rạ mới làm đẹp thêm cho những cánh đồng chang chang nắng buổi trưa rồi trở lạnh se se vào chiều sẫm, báo hiệu thời tiết cuối đông bắt đầu chuyển sang xuân.

Có hai cách thu hoạch lúa và lấy rơm. Một là người ta gặt tới đâu, công đập bồ kéo cái bồ to đùng tới đó để đập từng ôm lúa rồi vứt rơm thành từng đống trên mặt ruộng, còn lúa được cho vào bao cột lại có xe trâu cộ về. Hai là lúa gặt tới đâu có công bó lại rồi gánh hoặc xe trâu cộ về sân nhà chờ trâu đạp. Người ta thường đợi những đêm trắng sáng để cho trâu đạp lúa, khung cảnh vừa thơ mộng, vừa mát mẻ đỡ mệt người và trâu. Muốn thế, cả nhà xúm nhau mỗi người một việc, những nhánh lúa được trải ra trên sân thành một lớp dày, trâu được cột ách hai con đạp đôi cho nhanh. Trâu đạp lúa sẽ bị chụp vào miệng một cái rọ đan bằng tre để nó khỏi vừa đạp vừa ăn lúa, một người cầm roi tre đi phía sau điều khiển cho đôi trâu đi vòng vòng thật chậm để đạp cho lúa rơi ra, rơm sẽ được một người dùng cây đòn xóc hất gom vế một chỗ. Để đề phòng trâu đạp lúa rồi “ị” bậy, một đứa nhỏ được giao nhiệm vụ cấm cái xô hoặc cái chậu chực sẵn, khi thấy trâu có dấu hiệu “ị” bậy thì lập tức cầm xô hoặc chậu chạy nhanh vào hứng. Hình ảnh này rất quẹt thuộc trong khung cảnh đạp lúa của nhà nông ngày xưa.

Dù thu hoạch lúa bằng cách đập bồ hay cho trâu đạp, rơm cũng vẫn là thứ phế thải của nhà nông. Ở thôn quê, hầu như nhà nào cũng có một cây rơm không trước sân thì sau nhà. Đống rơm vun cao là biểu tượng của một mùa lúa trúng, gia chủ no đầu. Rơm chất thành đống lúc đầu còn tươi xanh, sau khô dần sẽ biến thành màu vàng sậm. Tuy là thứ thải loại từ cây lúa sau mùa gặt, nhưng rơm không bỏ phí mà chất đống để dành, dự trữ cho trâu bò ăn cho tới mùa mưa năm sau. Rơm còn được bó lại thành con cuối để đốt un muỗi cho người và cho trâu bò. Rơm cũng được dùng làm chất đốt, lửa rơm để nướng bánh phồng, bánh tráng vào dịp Tết mà không có thứ lửa củi nào bằng. Rơm còn được chất thành vồng để nuôi nấm rơm và khi rơm khô mục sau vài mùa mưa thì dưới chân rơm sau mấy cơn mưa dầm, đất ẩm sẽ nhú lên những tai nấm rơm màu nâu, đây là nấm rơm tự nhiên không cần dùng meo để cấy nuôi và tất nhiên sẽ rất ngon khi chế biến. Những cây rơm nào sau mấy vụ mưa mà cho nấm tự nhiên thì gia chủ sẽ rất vui vì tin tưởng mình gặp may mắn, năm nay lại sẽ trúng mùa.

Trẻ con thôn quê thường có những trò chơi quanh đống rơm vào những đêm trăng sáng, nhất là trò chơi cút bắt ( trốn tìm) hay cũng còn gọi là trò chơi năm mười. Nhưng rơm còn sót lại trên đồng ruộng mới cho ta hết ý nghĩa của một mùa rơm, rồi chân rạ khô tàn lụi vừa có tên là gốc rạ nhưng cũng vừa là rơm, người thôn quê gọi tắt là rơm rạ. Khi đồng ruộng còn nước lấp xấp để đắp hầm cho cá nhảy thì gốc rạ là thứ vật liệu không thể thiếu để kết dính với bùn be bờ, nhét hang cá, đốt lên hun khói hang chuột thì không họ hàng nhà chuột nào chịu nổi mùi khói của rơm rạ ắt phải phóng khỏi hang thoát thân để …chui vào rọ thôi. Đến khi đồng ruộng cạn khô, nứt nẻ thì rơm rạ oai mục sẽ là một thứ “cỏ” tuyệt vời để lót nền ruộng thành sân đá bóng cho những đội bóng trẻ con chân đất thôn quê. Sân bóng tự nhiên có rơm rạ lót nền “cầu thủ” chạy rất êm chân, chạy mệt đứt hơi thì nằm lăn ra trên rơm rạ nằm thở, rất lạ là mùi rơm rạ khi hít vào lại tạo cho ta cảm giác dễ chịu, khoan khoái, mau lại sức và tiếp tục đua theo trái bóng của một thời thơ ấu tuyệt vời.

Sau bao nhiêu năm đi xa quê làng, tôi vẫn chỉ ao ước được trở về nằm lại một lần trên rơm rạ để hít, ngửi lại mùi thơm nồng ấm, ngọt ngào, chất chứa ngút ngàn kỷ niệm ấu thơ ấy. Nhưng rất buồn vì đồng ruộng quê tôi bây giờ người ta đã lên vườn, cải tạo thành ao nuôi tôm, hầu như không còn ai trồng lúa nữa nên mơ ước nhỏ nhoi này không thực hiện được. Quê nhà tôi bây giờ cũng ít còn những căn chòi giữ vịt, những ngôi nhà lợp lá đơn sơ mà hầu như đều là nhà tường lợp tôn giả ngói, nông dân ăn gạo đong ngoài chợ nên nhà cũng chẳng có đống rơm nào. Mấy hôm về quê tìm lại thú vui ngày cũ tôi có nuôi vài con gà, khi gà kêu ổ, tôi đi hỏi khắp xóm, khắp làng để xin nắm rơm về lót ổ gà nhưng không ở đâu có, đành phải tét lá chuối khô lót ổ đỡ cho gà đẻ vậy. Thấy tôi đi xin rơm cả làng cùng cười, bởi vì có ai còn ruộng, trồng lúa nữa đâu mà có rơm?

Bỗng dưng tôi trở thành người đi lang thang xin rơm, buồn ngẩn ngơ nơi chính quê mình và nhớ mùi rơm rạ tuổi thơ vô cùng.

Từ Kế Tường
( Ngô Minh Trí Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét