Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Câu Đối Gia Đình


Những câu đối Tết, bình dân thì gọi là Liễn Tết, truyền thống của người Việt và người Hoa. Đầu tiên là câu đối mà cả Hoa Việt đều rất ưa chuộng, đó chính là câu :

Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ 天增歲月人增壽 
Xuân mãn càn khôn phước mãn đường 春满乾坤福满堂
. Có nghĩa :
1:. Trời thì thêm năm thêm tháng, người thì thêm tuổi thọ. 
2:. Xuân về đầy cả đất trời, phước lộc đầy cả nhà.

Hai câu nầy bao gồm cả trời đất, cả bầu trời đều chìm ngập trong không khí của mùa xuân, người thì thêm phước thêm thọ...Nên được cả người Việt lẫn người Hoa ưa chuộng. Có một điều hơi khác là chữ cuối cùng của Câu đối, chữ ĐƯỜNG, là cái phòng rộng ở trong nhà, tiếng Anh là HALL, tiếng Việt không có từ để gọi. Cái phòng rộng nầy là nơi thờ phượng Ông Bà Tổ Tiên, cũng là nơi Cha Mẹ hay ngồi để cho con cháu hằng ngày đến vấn an, ra mắt, nhất là vào các dịp lễ hội, Tết nhứt. Dĩ nhiên, nhà giàu mới có được cái " ĐƯỜNG " nầy, cho nên nhà nghèo thì đổi chữ ĐƯỜNG thành chữ MÔN 門, là cái Cửa, cũng có nghĩa là cái NHÀ,( Từ láy của ta gọi là NHÀ CỬA mà )... 

Xuân mãn càn khôn phước mãn MÔN....là ...Xuân về đầy cả đất trời và phước cũng tràn ngập cả nhà. Sự thật thì ĐƯỜNG hay MÔN gì thì cũng là một bộ phân tiêu biểu cho CÁI NHÀ mà thôi. Thầy nói để các em khỏi thắc mắc là tại sao có người viết là ĐƯỜNG, mà có người lại viết là MÔN, thế thôi.!... 

Còn câu đối sau đây là câu đối thuần túy của người Việt. Lúc nhỏ, gần Tết, thầy hay ra Chợ Cái Răng xem các Ông Đồ VN viết liễn, thường thì các bàn viết liễn hay đặt ở bên hông Nhà Lồng Chợ, phía trước tiệm thuốc bắc Mã Chi Trung, Quảng Tài Lợi... hay bên kia đường là Dân Hòa Hưng, Vạn Trường An... Các ông Đồ cũng mặc áo dài đen, khăn đóng đàng hoàng, năm nào thầy cũng đọc được câu đối sau đây :

Phước lộc thọ tam tinh củng chiếu 福禄壽三星拱照 
Thiên địa nhân tứ hải đồng xuân 天地人四海同春
Có nghĩa :
1:. Ba sao Phước Lộc Thọ cùng chiếu về( Củng chiếu là ở 3 góc cạnh khác nhau cùng chiếu về một nơi ).
2 :. Trời, đất và người, bốn bể cùng đón xuân về.

Sẵn đây thầy nhắc luôn , em nào có học Tam Tự Kinh thì sẽ biết : Tam Tài giả : Thiên Địa Nhân. Tam Quang giả : Nhật Nguyệt Tinh ( Trời, đất và người, gọi là Tam Tài. Mặt trời, mặt trăng và ngôi sao thì gọi là Tam Quang : ba cái nguồn sáng ở trên đời theo quan niệm của người xưa ) Còn Phước, Lộc, Thọ thì gọi là Tam vị Các Tinh 三位吉星, gọi tắt là Tam Tinh.
Câu đối nầy cũng rất hay, bao gồm cả trời đất con người và Phúc lộc thọ cùng hội tụ đầy đủ bốn biển để mừng xuân..... Nhưng câu đối được ưa chuộng nhất, phổ biến nhất vẫn là câu đối sau đây :

Nhất thất thái hòa chơn phú quý 一室泰和真富貴 
Mãn môn xuân sắc thị vinh hoa 满門春色是榮華
Có nghĩa : 
1 :. Một nhà thật là hòa thuận, đó mới là cái phú quý thật sự ,
2 :. Đầy cửa đầy nhà đều cùng một vẻ xuân( vui tươi, rộn rã ), đó mới chính là cái vinh hoa.

Vinh Hoa Phú Quý có nghĩa là gia đình trên thuận dưới hòa và luôn luôn vui vẻ như mùa xuân, chớ không phải có nhiều tiền, làm quan lớn, mới là Vinh Hoa Phú Quý. Câu đối ý nghĩa và mang tính xây dựng thực tế biết bao !
Đó là những câu đối xung quanh bàn thầy đó. Ngoài ra, còn có các câu chúc như : " Nghinh Xuân tiếp phúc ", " Ngũ phước lâm môn ", " An Khang thịnh vượng ", " Vạn sự như ý ",....v.v....

Sẵn đây thầy muốn nói luôn cho các em biết về những câu đối kỳ cựu, cố hữu của người Hoa cũng như người Việt ta từ xưa đến nay.
Câu đối mà hầu như người Hoa nào cũng biết khi nhắc đến Tết , đó chính là câu :
Bộc trúc nhứt thanh trừ cựu tuế 
爆竹一聲除舊歲
Đào phù vạn hộ cánh tân xuân 
桃符萬户更新春
Có nghĩa : 
1:- Pháo nổ đùng một tiếng, năm cũ đã đi qua ,
2 :- Lá bùa nêu dán lên, mùa xuân mới lại đến.


Ghi Chú :
Bộc trúc : Bộc là nổ, trúc là tre. Bộc trúc là tiếng tre nổ, nói đúng hơn là " tiếng mắt tre nổ ". Ngày xưa, chưa có pháo, người ta đốt các mắt tre già ở dưới gốc cho nó nổ thành tiếng để xua tan những xui xẻo, buồn lo... của năm củ cho nó qua đi. Sau nầy, khi chế tạo được pháo rồi, nhưng vì tập quán ngôn ngữ đã quen, người ta vẫn dùng từ Bộc Trúc để chỉ pháo luôn. Cho nên khi dịch từ Bộc trúc, các em phải biết đó là PHÁO, chứ không phải tiếng tre nổ nữa ! OK.
Đào Phù : Phù là lá bùa. Đào phù là Lá bùa dán lên cành cây đào. Tương truyền, cây đào là loại cây có thể trừ được tà ma, nên vẽ lá bùa dán lên cành đào trước cửa có thể làm cho tà ma sợ mà tránh xa... Lâu dần thành tục lệ ngày Tết, Dùng cành đào để vẽ bùa, hoặc dán lá bùa lên một cành đào , rồi treo trước cửa để trừ tà ma trong những ngày Tết. Ỡ VN gọi là bùa Nêu, và được treo lên trên một ngọn tre còn chừa đọt trồng ở trước cửa nhà, gọi là Dựng Nêu. Chắc các em cũng đã nghe qua câu hát Ca dao sau đây :

Cu kêu, ba tiếng cu kêu,
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè ....rồi chứ ?
cũng vì vậy mà chữ Đào Phù phải được dịch là " Lá bùa Nêu ", chớ không phải là Bùa đào.

Đó là câu đối phổ cập rộng rãi trong dân gian, cao hơn một chút, có tính chất văn học và các nét chấm phá của hội họa, câu đối mang tính nghệ thuật mà phổ biến rất rộng rãi không kém gì câu vừa nêu ở trên. Đó chính là câu đối sau đây :

Bộc trúc tam lưỡng thanh, nhân gian thị tuế, 
爆 竹 三 两 聲, 人 間 是 歲
Mai hoa tứ ngũ điểm, thiên hạ giai xuân.
梅 花 四 五 点, 天 下 皆 春

Tạm diễn nôm như sau :
Hai ba tiếng pháo đì đùng, nhơn gian đón mừng năm mới,
Bốn năm đóa mai lấm tấm, thiên hạ đều biết xuân sang

Còn nói về câu đối truyền thống của VN trong ngày Tết , thì chắc các em cũng đã biết rồi. Đó chính là :
Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh

Ý nghĩa đã rõ ràng, đầy đủ thú tiêu khiển vui chơi và " Ăn " Tết. Để cho Hoa Việt được đề huề, thầy đã dịch câu đối nầy sang tiếng Hán cổ như sau :

Phì nhục, toan thông, hồng đối liễn 肥肉酸葱,红對联
Đào phù, bộc trúc, lục phương tung. 桃符爆竹,绿方粽

Những cái mà thầy vừa giảng ở bên trên được áp dụng liền đây. Thầy đã dùng từ " Đào phù " để dịch từ " Cây nêu ", và từ " Bộc trúc " để dịch từ " Tràng pháo " và từ mà thầy đắc ý nhất là từ " Lục phương tung " là " Bánh ú vuông màu xanh lá cây " để dịch từ Bánh Chưng xanh.

Đỗ Chiêu Đức
Mời Độc Giả thưởng thức các câu đối của Trang Long Hồ Vĩnh Long 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét