Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Đóa Hoa Rừng Không Tên

(Viết để làm quà cho bà con Ấp Xóm Hố, và cũng để riêng tặng “Đóa hoa rừng không tên” và bà xếp lớn của tui).

Cái điện thoại cầm tay cũ kỷ mà mấy đứa em đưa tôi dùng khi về đến Việt Nam, nó kêu è è nhỏ xíu nên reo đến mấy lần tôi mới biết, thì ra Hiển cô cháu gọi vợ tôi bằng cô ruột, phone cho tôi từ Sài Gòn: 
- Chào Dượng Hai! Hôm nay con về Phú Hội thăm dượng Hai đó. Cuối tuần rồi con có về nhưng dượng Hai đi về dưới Cần Thơ rồi. Kỳ này con đưa dượng Hai đi chụp hình, con biết mấy chổ này đẹp lắm! 

Hiển tíu tít mừng rở, cô rất vui mỗi khi tôi về thăm. Tôi nhớ khi Hiển còn học trung học cấp một cô rất thông minh, chăm học và ngoan. Tôi khuyến khích cô hãy cố gắng vào đại học, vì học vấn cao thời nào ở đâu cũng có giá trị nhất định của nó, là căn bản nhất khi mình chỉ trông cậy vào chính khả năng của mình để bước đi trên đường đời. Tôi rất quý mến Hiển, xem nó như con ruột của mình, từ một cô bé “lọ lem” bình thường ở vùng quê tự mình vươn lên, lúc đầu cô theo ngành Dược nhưng không tìm được việc làm vừa ý nên cô lấy thêm bằng Kế toán Ngân hàng, và hiện đang làm việc cho một ngân hàng ở Sài Gòn. Hiển bây giờ là một cô gái xinh đẹp và lịch thiệp.
Vừa về đến nhà, chào mọi người xong Hiển cho biết: 
- Dượng Hai, con sẳng sàng đưa dượng Hai đi chụp hình rồi đó, buổi sáng chụp hình đẹp hơn, mà buổi chiều thì hay có mưa đó dượng. Con thích nhiều tấm hình của dượng chụp, rất đẹp. 
- Đâu phải đâu, vì người mẫu đẹp nên ông thợ chụp hình dù có dở cở nào cũng chụp ra được mấy tấm hình đẹp mà. 
- Dượng Hai khen con hoài hà, ... con đâu có đẹp đâu? 

Ai đang mơ chuyện trầu cau?

Hiển biết tôi rất sợ đi xe gắn máy nên cô chở tôi chạy từ từ cẩn thận cho tôi yên tâm. Chạy lên đến dốc Cây Dầu chợt Hiển dừng xe vào lề, và cô nói: 
- Hôm trước dượng nói về kỳ này dượng định viết một bài về ấp Xóm Hố, vậy con đưa dượng đi thăm quan một vòng chụp mấy tấm hình để làm tư liệu. Dượng thấy cần con giúp thêm gì nữa không? 
- Cám ơn Hiển, dượng Hai cũng muốn biết về đời sống và lịch sữ ở đây. 
- Dạ được, con hiểu ý dượng rồi. 

Cô vừa lái xe chầm chậm vừa kể chuyện huyên thuyên, thỉnh thoảng cô dừng lại ở những nơi cần thiết để tôi thu hình. Do Hiển kể mà tôi hình dung được toàn cảnh của ấp Xóm Hố (Xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Đường vào xóm Đất Mới

Xóm Hố dưới thung lũng, bên kia xa xa là Huyện Nhơn Trạch

Sở dĩ có tên ấp Xóm Hố là một xóm nằm dưới thung lũng sâu ở giửa hai đồi cao, từ trên nhìn xuống như cái hố. Từ dốc Cây Dầu phía bên này, khi xưa tại đây có cây dầu rất to mà đám con nít khi đi ngang là cắm đầu cắm cổ chạy vì sơ ma, nghe người ta nói như thế. Mà không ai khác hơn là “Cô Hai” của Hiển lúc nhỏ đi học ngang qua đây cũng chạy trối chết. Đồi cao phía bên kia là đồi Nhà Thờ vì có nhà thờ Công Giáo ở đó. Nối liền nhau là con đường nhỏ quanh co, ngoằng ngoèo theo triền dốc. Xóm Hố còn có tên là hố Bà Đại, tương truyền bà Đại họ Đặng đến đây khai khẩn từ đời vua Thiệu Trị, lúc bấy giờ xóm này gọi là xóm Đất Mới, nhưng cách nay khoảng hơn 100 năm mà vẫn gọi là Đất Mới. Sau đó có linh mục người Pháp thường gọi là Cha Tây đến truyền đạo và qui tụ dân chúng ngày càng đông về đây lập nghiệp. Đa số người dân sống bằng làm vườn, làm rẩy, một số đi làm công nhân ở đồn điền cao su của Cha Cố người Pháp.

Nước trào Mạch Bà, 
Chuối già Long Tân,
Chôm chôm xóm Hố,
Sầu riêng Xóm Vườn.

“Nước trào Mạch Bà”, không biết thế nào mà trên đồi cao có mạch suối nước trào quanh năm, nước trong vắt, đó là nguồn nước cho cả vùng không cần phải đào giếng. Trái lại vài nơi khác cách đó trên dưới 1 cây số là phải đào giếng có nơi sâu gần trăm mét mới có nước.

Long Tân là xã kế cận xã Phú Hội, có lẽ đất ở đây thích hợp để trồng nhiều chuối, rất tốt, to trái, sai nãi, nên mới có câu vè “Chuối già Long Tân”.

“Chôm chôm Xóm Hố”, xóm Hố đất thịt pha cát có đủ nước quanh năm, không bị úng (nước đọng) nên Xóm Hố trồng nhiều chôm chôm, nổi tiếng trái to, dầy cơm và rất ngọt. Nhưng đó là hồi mấy năm trước, từ khi con đường Dốc Cây Dầu trùng tu lại làm Xóm Hố nước không thoát được nên chôm chôm chết ngắt hết. Có nhà vườn đấp bờ bao ngăn nước, dùng máy bơm bơm nước ra không để nước mưa úng đọng, vườn chôm chôm vẫn tươi tốt. Trái lại có nhà vườn bên cạnh thì chẳng thèm sửa sang vườn tược chi cả, mà cứ ung dung! Họ lười hay không biết làm? Không phải, họ sắp thành tỷ phú (tiền VN) rồi đó. Đất của họ nhà nước qui hoạch xây cất chi đó, hay phóng lộ ngang đất họ nên đất trở thành vàng khối. Mỗi nhà có chừng năm ba công đất vườn hay rẩy, có người có đến vài mẫu (mẫu 10 công, mỗi công 1000 m2) mà mỗi công nhằm nơi phóng lộ nên đất của họ trở thành mặt tiền, giá 1 công bây giờ từ 1-2 tỷ (tương đương $50 -$100 ngàn USD). 

“Sầu riêng Xóm Vườn”, là xóm có vườn cây ăn trái nhất là trồng nhiều cây sầu riêng. Từ lâu lắm rồi ông Bổn Bạn là một hoa kiều du nhập cây sầu riêng về trồng, sau đó bắt đầu có thêm nhiều vườn sầu riêng nổi tiếng.

***

Hiển lái xe vào mấy con đường nhỏ dẩn đến các địa danh mà cô vừa kể, sau cùng ghé qua khu vườn của người bà con để chụp cảnh vườn cây ăn trái, nhưng chúng tôi quên tháng này không phải là mùa, nên chẳng có cây trái gì hết. Muốn chụp hình cây trái là phải vào mùng 5 tháng 5 âm lịch, hay vào mùa Tết mới có nhiều cây trái chín rộ chụp hình mới đẹp. Cũng may, ở khu vườn này có vài khía cạnh tình cờ tìm thấy trong một góc vườn nên mới có vài tấm hình coi được được. 

“Đóa hoa rừng không tên”
Dưới tàng cây “thiên la”
Suối Mạch Trào 

- Dượng Hai ơi, chụp ở đây xong con đưa dượng qua bên nhà thờ Công Giáo và chùa Phú Quang, ở bên đó có nhiều cây cổ thụ, yên tịnh, con nghĩ chụp hình đẹp lắm. 
- Ừ, thì Hiển hướng dẫn đi đâu tùy ý, dượng đâu biết chổ nào đẹp đâu? 

Qua đến chùa Phú Quang gặp đám tang đang cử hành nên không thể chụp hình. Chúng tôi ghé qua nhà thờ Họ Đạo Phú Hội, trời đã trưa lại nhiều bóng nắng loan lổ nên khó tìm được tấm hình đẹp, tôi đề nghị: 
- Hiển, nãy giờ đi gần 2 tiếng rồi mình lại cái băng đá kia nghĩ chân chút đi. 
- Dạ, con cũng nghĩ như vậy, sao hôm nay dượng đi nhiều mà không thấy dượng mệt? Dượng có đeo máy trợ tim mà, mấy lần trước con thấy dượng đi bộ một khoảng là than mệt rồi? 
- À há, có lẽ hôm nay dượng chụp được vài tấm hình vừa ý nên quên mệt. (hihi !) 

Tôi đưa máy cho Hiển xem lại mấy tấm hình vừa chụp, cô tỏ vẻ thích thú với những tấm hình của cô rất tự nhiên bên khung cảnh tưởng chừng như đang ở trong khu rừng. Tôi muốn tìm hiểu thêm về đời sống của người dân ở đây nên hỏi Hiển: 
- Nhà thờ này có từ bao lâu rồi Hiển? 
- Dạ, nghe nói nhà thờ này có hơn trăm năm rồi, do Cha người Pháp cất lên. Mới cất lại hơn ba năm nay, trước đây nhỏ và củ lắm, kinh phí xây cất phần lớn là do con cháu ở nước ngoài gởi về giúp. Con nghe bà nội kể khoảng năm 1964-1965 bôm đạn tràn lan, cha sở là cha Bùi Hữu Nam dẫn dắt con chiên tản cư ra Long Thành, một số tạm trú ở nhà thờ Long Thành, một số thì ở đậu trong đình Phước Lộc, khu cầu xéo. Dân Phú Hội ra Long Thành không biết làm gì nên rủ nhau làm gánh bán đồ ăn, người thì bán cơm tấm, người thì bán bún riêu, bánh tầm, bán cháo cá, ... nghề này ở chợ Long Thành là do bà con ở trong Phú Hội ra làm không đó dượng. Người ta nói nhất nghệ tinh nhất thân vinh, dượng Hai ra ngoài đó xem ngày nay họ truyền nghề cho con cái, bây giờ người nào cũng cất nhà lầu hai ba tầng hết. 
- Nhưng có một người dân Phú Hội không theo con đường đó, vẫn thành công còn hơn mấy người kia nhiều. 

Hiển vô tư hỏi tôi: 
- Ai vậy dượng? 

Tôi không trả lời, chỉ nhìn vào đôi mắt sáng đầy nghị lực của cô mà tủm tỉm cười. Phút chốc cô hiểu ý nên ngẫng nhìn lên, vuốt nhẹ mái tóc, gương mặt hơi nghiêng nghiêng qua một bên với nụ cười thật duyên dáng: 
- Dượng Hai cứ trêu chọc con hoài hà! 
- Thôi, dượng Hai không trêu chọc Hiển nữa đâu, sợ Hiển giận mà không chịu kể chuyện đời xưa của Ấp Xóm Hố cho dượng nghe nữa. 

Ngừng một chút, tôi nói tiếp: 
- Ờ, dượng Hai chưa biết những chuyện như là “ký ức đáng ghi nhớ thời tuổi thơ” của Hiển đó? 

Cô tươi cười kể chuyện tiếp, một cách hồn nhiên, những kỷ niệm thời thơ ấu trở về với cô: 
- Con nhớ chuyện này, lúc nhỏ hồi còn học tiểu học con hay rủ thằng nhỏ cùng xóm đi lên rừng đốn măng, hôm nào được nhiều măng con mừng lắm, nó biết vậy nên nó thường nhường cho con vì sợ con đốn không được nhiều con buồn. Bây giờ nó tốt nghiệp ngành ngoại thương, mấy năm rồi nó đi đâu mất, nghe tụi bạn nói nó làm việc cho một công ty nước ngoài ở Hà Nội. 

- Con nhớ lại mấy chuyện hồi nhỏ thấy vui vui, dượng Hai biết không, mỗi lần đi rừng gặp cây chiu riu là mừng lắm, trái non trái già gì cũng hái hết. Nhưng mà trái non ăn không được, chát ngắt, vậy mà cứ tham lam hái hết. Đúng là con nít! 
- Cây chiu riu là cây gì vậy? 
- Dượng Hai ở vùng dưới nên không biết cây chiu riu, nó là loại cây rừng, trái ăn được, không cao lắm chừng 1,5 m, trái nhỏ có chùm, trái chín ăn chua chua, chát chát, đám con nít thích lắm. Nghe mấy người lớn có kinh nghiệm đi rừng nói “ở rừng trái cây gì chim hoặc khỉ ăn được là người ta ăn được” đó dượng. 

Tôi chăm chú hòa mình với tuổi thơ của Hiển, hình dung cô bé Ấp Xóm Hố có nhiều nam tính và rất tự tin thuở nào. Có lần Hiển kể “con rủ mấy đứa trong xóm đi rừng nhưng không đứa nào chịu đi, con chỉ xách cái chà gạt của ba đi lên rừng một mình”. Wow, hình ảnh Hiển ngày xưa và hôm nay khác xa, biết đâu tôi về VN lần tới là cô đã trở thành Giám Đốc của một công ty nào đó rồi. Hiển có nhiều ước mơ, quyết chí làm, và làm được, tôi tin như thế. Thoát chớp mắt, tôi trở lại với câu chuyện Hiển đang tiếp tục kể: 
- Dượng Hai có ăn bông sầu riêng chưa ? Bông sầu riêng ăn ngon lắm! 
- Dượng Hai chưa ăn bao giờ, chỉ nghe nói bông sầu riêng ăn được thôi. 
- Bông sầu riêng trổ vào ban đêm, muốn lấy bông từ chiều mình đem tấm đệm hay lá chuối trải phía dưới để sáng ra lấy bông không bị dính bùn đất, dơ bẩn. Mấy cái nhụy hoa xào ăn ngon hơn giá, có người chỉ trụng nước sôi sơ qua rồi trộn gỏi tôm thịt ăn rất ngon đó dượng. Tiếc là không nhằm mùa sầu riêng trổ bông, nếu không con sẽ làm món đặc sản của Ấp Xóm Hố cho dượng Hai thưởng thức! 

Rồi cô đọc câu ca dao: “Sầu riêng ai khéo đặt tên, Ai sầu không biết, nhưng Hiển (em) đây không sầu”, đọc xong câu ca dao có sửa lời dí dỏm cô nhìn tôi tủm tỉm cười. 
- Còn một món này nữa chắc dượng Hai cũng chưa ăn, đọt ngành ngạnh chấm chao, ngon ơi là ngon. Chao phải trộn với xả bầm, củ hành, tỏi, đậu phọng đâm nhuyển, và nước cốt dừa. 

Nói xong Hiển đứng dậy nhìn về phía xa xa nơi bên kia đồi, cô đâm chiêu luyến nhớ thời thơ ấu đã qua: 
- Dượng nhìn xem, bên kia là huyện Nhơn Trạch, bắt đầu họ cất nhiều công sở to lớn và các cao ốc, đâu còn rừng nữa để đi hái đọt ngành ngạnh! 

Tôi chợt thấy bóng dáng tuổi thơ của Hiển cũng có những kỷ niệm tương tợ như cô Hai của cô: 
- Cô Hai có lần kể cho dượng Hai nghe, hồi nhỏ cô Hai không phải hiền như Hiển đâu, phá như quỷ! Bà Tám Khấu có vườn bên cạnh, bả dử lắm, chửi đám “con nít quỷ” tơi bời, mà một đám quỷ thiệt cứ qua phá vườn của bà hoài! Nghe nói bà bị mắc đàng dưới nên cứ trời trưa đứng bóng là bà cuối đầu xuống giếng cả giờ, tha hồ mà phá. Có hôm hái trái ổi non, hôm khác thì lặt đầu mấy cái đầu khóm (trái thơm, trái dứa non mới ra), rồi xúm nhau núp nghe bà chửi mà còn hí hí cười nữa, thật hết chổ nói!

Cô Hai của Hiển

Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện thời chiến tranh ở ấp Xóm Hố này, nghe ông Út là nhân chứng sống kể lại:  (......)  
Tôi đang trầm ngâm nghĩ tới câu chuyện thương tâm này, Hiển đến gần tôi hỏi: 
- Dượng Hai đang suy nghĩ về chuyện gì vậy? 
- Hiển biết ông du kích Ba Tú không? ổng già lắm rồi. 
- Con có nghe nói, ổng ác lắm, khi già ổng chết trong nghèo khó, cô đơn. Người ta nói ổng thất đức nên trời không cho! 
***
Ở xã Phú Hội có hai giòng họ khá nổi tiếng là giàu có và danh vọng: “Họ Đinh làm giàu, họ Đào làm quan”. Nhưng đó là thời xưa, bây giờ cách mạng đổi đời hơn 30 năm rồi nên chỉ còn là câu chuyện kể của vài cụ già ở đây cố cựu. 
- Dượng Hai biết không? Xã Phú Hội bây giờ không còn nhiều người ở lâu đời, phần đông là dân từ vùng ngoài, hoặc những gia đình bộ đội hay cán bộ từ miền Bắc vào. Có mấy con đường mới vừa phóng lộ là nhà nước cấp không cho mỗi gia đình có công với cách mạng một lô đất đủ cho 2 cái nền nhà, nếu họ bán đi phân nữa là có đủ tiền cất cái nhà khang trang. Dượng Hai qua khu Phước Lý xem, suốt mấy con đường toàn là dân “bắc kỳ mới”, số còn lại đại đa số là công nhân cũng vào từ Thanh Hóa, Nghệ An. Trước đây tỉnh Đồng Nai là gồm cả thị trấn Long Thành và huyện Nhơn Trạch rất trù phú nên kết nghĩa với Thanh-Nghệ-Tỉnh để giúp đở tỉnh chị em này bị chiến tranh tàn phá, nhưng chỉ sau hai thập niên, hầu hết hảng xưởng, cơ quan nhà nước là họ nắm giữ chức vụ Thủ trưởng hay Giám đốc! 
- Dượng Hai nghĩ đó cũng là chính sách ưu đãi của nhà nước cho một tầng lớp xã hội. 
- Con nghĩ đó chỉ đúng một phần, một phần cũng do chính người dân địa phương, người miền ngoài họ chịu khổ cực nhiều rồi nên khi có cơ hội kiếm tiền thì họ làm việc dử lắm, còn biết cách lòn cúi, bon chen để ngoi lên. Mấy năm trước mỗi kỳ hè con có xin đi làm ở mấy cái xưởng trong khu công nghiệp Nhơn Trạch thì thấy người dân địa phương bị lép vế đối với cấp trên mà cũng như đối với công nhân đồng nghiệp nữa. 

Tôi chăm chú nghe Hiển kể chuyện, và thầm phục sự nhận xét tinh tế của cô. 
- Dượng Hai làm gì nhìn con dử vậy? 
- Dượng Hai rất ngạc nhiên khi nghe những lời con nói, có lẽ Hiển là một trong số rất ít người trẻ tuổi như con có cái quan sát về xã hội chính chắn và sâu sắc như vậy? 

Tôi thấy trời đã trưa nên đề nghị với Hiển: 
- Trưa rồi thôi mình về, có lẽ ở nhà đang chờ mình về ăn cơm. 
 -Dạ. 

Tôi cùng Hiển chậm rải bước đi xuống đồi, cô nhỏ nhẹ hỏi: 
- Dượng Hai, từ sáng tới giờ dượng hỏi con nhiều lắm, bây giờ dượng Hai cho con hỏi lại nghe? 

Tôi lấy làm lạ, sao “cô bé” này muốn hỏi điều gì mà lại khách sáo? Tôi quay sang nhìn Hiển dò xét: 
- Sao “cô bé” bây giờ lại khách sáo quá vậy? 

Hiển nhìn tôi có nụ cười rất thân thiết và tự nhiên: 
- Con muốn biết dượng Hai suy nghĩ gì sau buổi đi sáng hôm nay? 

Câu hỏi thật bất ngờ nên tôi hơi lúng túng: 
- Để dượng suy nghĩ xem .... À, Hiển vừa giúp dượng Hai có cái nhìn tổng quát về Ấp Xóm Hố, hiểu biết thêm nhiều khía cạnh mà từ trước dượng chưa biết. Có lẽ có hai điều nhận xét: Thứ nhất, dượng Hai có cái nhìn về tương lai cho huyện Nhơn Trạch như thế này, dĩ nhiên trong đó là dượng cũng muốn nói đến Ấp Xóm Hố. Huyện Nhơn Trạch có khu công nghiệp quan trọng nhất nhì miền nam, địa hình có nhiều đất rừng chỉ có đồi thấp mà không có núi, đó là điều kiện để dễ dàng phát triển thành phố. Có đường tàu biển và bến cảng chuyên chở container rất tiện lợi cho khu công nghiệp. Nhơn Trạch nằm ở trung tâm của tam giác Bình Dương, Sài Gòn và Vũng Tàu. Nó có ưu thế tuyệt đối để phát triển, do đó dượng tin là ... là không còn cơ hội để con đi đốn măng, đi hái trái chiu riu hay đọt ngành ngạnh nữa. 
- Dượng Hai này, lại chọc quê con nữa, con không thèm nói chuyện với dượng nữa đâu. À, .. mà không được! Dượng Hai chưa nói điều thứ hai cho con nghe? 
- Điều thứ hai, dượng muốn nói sau chuyến đi sáng hôm nay là dượng rất cám ơn Ấp Xóm Hố, vì nơi đây cho dượng có được cô Hai đem lại nhiều hạnh phúc cho dượng. Và bây giờ dượng Hai có thêm cô cháu nhỏ tài ba, bản lĩnh, có thể làm những chuyện hơn người, ai biết được như thế nào trong mười năm hay hai mươi năm nữa? Ở Ấp Xóm Hố cũng như tương lai tươi sáng của con? 
- Con cám ơn dượng Hai luôn khích lệ tinh thần cho con. 
- Khi về dượng Hai sẽ viết bài Ấp Xóm Hố để tặng con và cô Hai nghe? 

Hoa lá xanh tươi như sức sống của người dân Ấp Xóm Hố

Hiển mỉm cười và chỉ dạ một tiếng nho nhỏ, nhưng tôi biết trong lòng cô đang dâng lên niềm vui dạt dào và một niềm tin mới, sáng lạn trên con đường của cô đang đi.

Lê Hữu Uy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét