Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Xuân Bất Tận


«Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai» (A)

Thiền sư Mãn Giác dùng «cành mai» để nhắc nhở chúng ta đừng nên nghĩ là lúc xuân tàn bông hoa rụng hết, cây cối trơ trụi vì sân trước đã có một cành hoa mai mới nở. Cành hoa mai ở đây tiêu biểu mùa Xuân của sự tỉnh thức, của sự an lạc, của nét đẹp thế giới tâm linh, đó là mùa Xuân trong cửa thiền.
Cũng như ngài Mãn Giác, thiền sư Chân Không trả lời thắc mắc liên quan tới mùa Xuân bằng hai câu thơ:
«Xuân đến, Xuân đi ngỡ Xuân hết,
Hoa nở, hoa tàn chỉ là Xuân.» (B) 

Nói đến Xuân trong dân gian, chúng ta nghĩ đến sự ấm áp tươi vui, nghĩ đến sự ấm no hạnh phúc, sự nhẹ nhàng thanh thản. vì nghèo hay giàu, ngày đầu Xuân, ai ai cũng mua chút ít bánh mứt cho ba ngày Tết đầu năm. Nơi đồng quê, người dân chất phác mộc mạc, sống nương tựa vào thời tiết, theo mùa màng, theo sự tuần hoàn của thiên nhiên, vũ trụ mà canh tác, không có lo âu, không có «stress» như trong xã hội hiện tại, nên họ vui xuân cả tháng: «tháng giêng là tháng ăn chơi...». Trước đây, ở miền Nam, có một thuở thanh bình sau Hiêp định Genève 1954, người dân quê tuy không giàu, nhà không có điện, Iphone, iPad như bây giờ nhưng họ sống rất an nhàn, rất hạnh phúc, rất hiếu khách. Tôi đã có dịp hoà mình vào bầu không khí thanh thản miệt vườn ấy khi về Trà Ôn chơi với một người bạn. Chúng tôi được đãi ăn bằng các vật thực sẵn có trong vườn nhà. Trưa chúng tôi ra mương quấy đục bùn để cho tôm ló đầu lên khỏi mặt nước rồi bắt đem nướng cuốn với bánh tráng; chiều gia chủ làm thịt gà nấu cháo ăn; tối khuya rồi lại còn được mời ăn chè nấu với dừa hái trên cây nhà trồng, chúng tôi, bụng không đói, nhưng cứ bị ép ăn để chung vui…Tôi cảm thấy nơi họ, luôn luôn tràn ngập niềm vui, vắng mọi nỗi âu lo , dường như mùa xuân luôn có trong lòng họ!

Các cụ đồ nho trí thức nước ta như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê... khi về già, cáo lão từ quan, thường ẩn dật nơi nông thôn để vui thú điền viên, hưởng sự an nhàn, thong dong, thảnh thơi, khi độc ẩm hoặc đồng ẩm với tri kỷ, khi thưởng thức cái thú tắm ao, tắm hồ hoặc hương vị các món ăn dân dã:

«Đông ăn măng cúc, thu ăn giá,
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhấp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao. » 
(Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Cách sống bây giờ của chúng ta làm giảm bớt đi niềm vui, sự an lạc, mùa xuân trong lòng chúng ta, không còn được thư thái như trước đây! Nhiều bịnh lạ bắt đầu xuất hiện như các bịnh «ba cao, một thấp» (cao máu, cao mỡ, cao đường và tê thấp) hoặc bịnh béo phì (obésité). Các nhà thương ở Việt Nam tràn ngập những bịnh nhân bị ung thư, tiểu đường, đau gan … đến nỗi thiếu chỗ, họ phải nằm hai ba người một giường! Ngoài ra, mỗi khi đi mua thực phẩm hoặc đi ăn uống thì lại phải cẩn thận tìm thức ăn “sạch” như rau sạch, cà phê sạch, trái cây sạch mà người Tây phương gọi là “bio” để tránh hậu quả tai hại sau này. Ngay cả ăn chay thường được coi là “tinh khiết” nhưng bây giờ cũng có vấn đề, có lẽ do nêm nếm cho mỡ dầu, bột ngọt nhiều, khiến người ăn “mát da mát thịt” lên ký quá cỡ, trong số đó có ít vị trụ trì các chùa được đệ tử và Phật tử thương yêu, chăm sóc kỹ, cúng đường nhiều đồ ăn bổ dưỡng. Hơn thế nữa, nhiều món ăn chay lại có tên món “mặn” khiến khi ăn, tâm không được “chay” mấy!

Xưa kia, ông cha chúng ta thường nói «Bịnh tùng khẩu nhập», bịnh là do cách ăn uống mà ra; người Tây phương cũng có ý nghĩ tương tự «On creuse sa tombe avec ses dents» (người ta tự đào mồ với hàm răng).Tuy nhiên bây giờ thì phải nói thêm là «Bịnh tùng thủ nhập» vì bịnh còn do cái đầu đem tới như bị “stress”, bịnh trầm cảm...cần các chuyên gia tâm lý (psychologue) chữa trị. Điển hình là trường hợp một bà mẹ có sữa đang cho con bú bỗng nhiên hết sữa. Chuyên gia tâm lý tìm hiểu thì mới biết là bà bị cao áp huyết, do lên cơn máu “Hoạn Thư” (1), vì lý do ông chồng léng phéng đi “ăn phở” nên họ phải chữa bịnh ông này trước, bắt ông ấy về nhà chỉ cho phép tiêu thụ cơm nguội (2) mà thôi! Quả nhiên bà vợ trở nên bình thường có sữa như trước. Một thí dụ khác là một cháu bé khoảng năm hay sáu tuổi bỗng dưng sanh tật đái dầm, sau đó họ khám phá ra là bé này vừa có em trai nên bé làm như thế để được cha mẹ chú ý! Cha mẹ cần phải thay đổi cách đối sử để cháu bé không còn cảm thấy mình bị lãng quên.


Sự thực xuân chỉ là một trạng thái thiên nhiên bất biến; sự đến và đi của xuân, cũng như sự nở và tàn của hoa, do sự tuần hoàn trong thiên nhiên, vũ trụ. Cũng có người cho rằng mỗi một mùa xuân tới là họ già thêm một tuổi; hơn nữa, xuân đến quá nhanh khiến họ không sao trở tay kịp, chưa chi đã lâm vào cảnh mà "cái già sồng sộc nó thì theo sau " (Chơi xuân kẻo hết xuân đi-Tản Đà). Do đó mới có chuyện ngày xưa, bên Trung quốc, một ông vua nhà Tần cho người đi tìm thuốc trường sinh hay một ông vua nhà Hán sai người luyện linh đan để mong được bất tử, nhưng chẳng qua chỉ là ảo mộng (utopie) mà thôi!

Chúng ta bây giờ cần phải điều chỉnh cách sống để mùa xuân có đi qua nhưng trong lòng vẫn còn mùa xuân, dành thì giờ để lo cho thân và tâm, giảm từ từ lối sống hối hả như bị ma đuổi, chỉ biết “ Métro, Boulot, Dodo" (3) đi xe, đi làm, đi ngủ) hay làm hai ba jobs để có nhiều tiền. Tiền bạc có thể mua được đồng hồ tốt, xe hơi đẹp , nhà cửa cao sang nhưng không thể mua được thời gian, sức khoẻ, hạnh phúc! Tịnh độ hay cực lạc nào phải tìm đâu xa mà chính ở hiện tại, trong tâm chúng ta. Ngay cả trong hoàn cảnh đen tối cùng cực ở trại học tập cải tạo cũng có đôi lúc loé ra một vài tia hạnh phúc, ít giây phút an lạc. Đó là trường hợp, buổi tối, các anh em thì thầm chia sẻ cho nhau những mẩu chuyện vui hay những mẩu chuyện tâm tình vì đồng cảnh ngộ, cùng là những công chức hay quân nhân cao cấp của chế độ cũ, không xô bồ tạp nhạp như ở ngoài đời nên họ hiểu nhau, thông cảm nhau rất nhiều. Khi qua Mỹ theo diện H.O., họ thường nhắc nhở, hồi tưởng những kỷ niệm xưa khó quên ấy!

Mùa xuân, nhất thời hay bất tận, là do chúng ta có quyết tâm hướng thượng, chuyển hoá được các tình cảm tiêu cực thành tình cảm cao đẹp, tích cực hay không, để:

“ Tham ái diệt trừ, phiền não dứt .
Ngàn năm mây bạc vẫn thong dong“

Rất trân quý 
Hoài Việt DHĐ

Chú thích:
(A):Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận - Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, Đêm qua sân trước, một cành mai)

(B) :Xuân lai, xuân khứ, nghi xuân tận - Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân. (Xuân đến xuân đi ngờ xuân hết - Hoa nở, hoa tàn, ấy vẫn xuân)
(1)"Hoạn Thư" là nhân vật trong truyện Kiều, biểu tượng của cái ghen khủng khiếp!
(2) Rút từ câu ca dao:“Chàng ơi phụ thiếp làm chi?-Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng”
(3) "Métro, boulot, dodo "est une expression inspirée d'un vers de Pierre Béarn (thành ngữ lấy từ một câu thơ của Pierre Béarn): « métro »: trajet en métro le matin (đi xe điện ngầm buổi sáng)-« boulot »: journée de travail (ngày làm việc)-« dodo »: retour au domicile et nuit de sommeil (trở về nhà rồi tối ngủ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét