"Ai ơi trở lại thời gian cũ,
nhặt hộ dùn tôi chút mộng vàng”
Tôi không còn nhớ được câu thơ đó của ai, như mỗi khi đứng trước một không gian giao mùa của những ngày tháng cuối cùng của một năm, lòng lại xao xuyến bâng khuâng.
Bây giờ là khoảng 11 giờ sáng. Ánh nắng bên ngoài bừng lên rực rỡ, tràn cả vào căn phòng nhỏ của tôi.
Cuộc sống hiện tại là mỗi ngày buổi sáng thức dậy, dù tôi không phải là “Anh khách lạ đi lên đi xuống”, thế nhưng mỗi ngày tôi cũng lên xuống cầu thang trong nhà nhiều lần, để ăn uống, để làm việc những việc lặt vặt nọ kia. Nhỏ thôi, nhưng các con cháu đều nhìn thấy, cảm nhận được. Ngay cả đến sức khỏe của tôi. Đôi khi cháu Koby nghe thấy tiếng tôi ho, lại hỏi “Bà có bị làm sao?” Thế cũng đủ ấm lòng.
Cuộc sống của tôi như chan hòa với đời sống đang diễn ra, cùng những người thân yêu trong gia đình và có cả những người đã đến với ta, đi với ta trong suốt quãng đường qua.
Như trên mạng FB, tôi đã hàng ngày gặp gỡ. Những người bạn trên không gian ấy , gồm họ hàng yêu quý, những thính giả thân quen, có người chưa từng đuợc gặp, ở khắp nơi trên thế giới. Họ vẫn nhớ tôi, lui tới hỏi thăm, chuyện trò trong trang nhà Nga Bich Pham của tôi… Tràn đầy tình thân ái.
Mới vài ngày hôm trước đây thôi, trong ngày sinh nhật Tú – Uyển Diễm “bí mật” tổ chức với sự có mặt của đầy đủ họ hàng nội ngoại hai bên, bạn hữu khắp nơi, có đến trên 100 người… Tôi cũng nhận được nhiều quà của các bạn trẻ rất thương yêu trao tặng. Các em, các cháu trong họ hàng, còn nhớ tôi, và bày tỏ lòng yêu tquý . Vô cùng cảm động.
Tôi cũng rất vui vì thấy con gái mình biết chăm lo cho gia đình, chồng con êm ấm, biết nghĩ đến người thân, bằng hữu -. Và biết giúp đỡ người hoạn nạn hay những người kém may mắn trong cuộc sống.
Với tôi, đó là những điều hạnh phúc mà cuối đời được nhận...
Mới vài ngày qua đây, một vài người bạn Trưng Vương đàn em của tôi ở Texas, gọi phone thăm hỏi về chuyến đi Texas vừa qua. Chuyến đi nào tôi cũng thường ghi lại vài cảm nhận nhưng riêng Texas kỳ vừa qua, thì không.
Vâng, vì tôi tránh những chuyện buồn. Nhưng có nhiều người đều nhắc, đều hỏi. Ngay cả nói đến những chuyện buồn mà họ nhìn thấy nơi tôi. Và muốn được chia xẻ. Họ cũng chỉ là những người thầm lặng, đến chốn lao xao nhưng không ồn ào phô trương. Xin cảm ơn những tình cảm chia vui xẻ buồn ấy.
Chúng ta có nhau là đủ rồi. Những gì buồn bã xảy ra nên quên đi, phải không, thưa các bạn quý mến của tôi!
Bây giờ tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi, hay soạn lại những dấu tích kỷ niệm. Lòng chợt xao động, và dừng lại rất lâu khi chăm chú ngắm nhìn từng tấm ảnh màu đã úa phai theo năm tháng. Đó là giây phút chúng ta lắng đọng với bước đi của thời gian.
Ngày mai, ngày mai…và lại ngày mai
Thời gian lặng lờ qua từng bước nhỏ
Nhưng nó đọng lại trong từng tấm ảnh lưu giữ.
Vâng , ai trong chúng ta cũng có ít nhất giữ lại vài tấm ảnh kỷ niệm. Những tấm ảnh xưa vô cùng quyến rũ, và quý giá, gợi nhớ những ngày đã qua mà người chụp nó đã làm một công việc âm thầm nhưng vô cùng ý nghĩa.
Đó là chụp hình Thời Gian. Thời gian của thiên nhiên và của thời gian của đời người…
Tôi nhớ có đọc một câu chuyện trong tạp chí Văn của nhà văn Mai Thảo chủ trương, khoảng thập niên 1990. Câu chuyện đặc biệt lắm, chỉ viết về một người rất bình thường thôi, mà chúng ta có thể gặp đâu đó trong cuộc sống chung quanh.
Nhưng điểm đặc biệt là người ấy rất thích chụp ảnh.
Ông có một thùng giấy khá to. Trong đó đựng mười hai cuốn album. Ông kể rằng, trong suốt mười hai năm qua, buổi sáng nào ông cũng dành khoảng năm phút , đứng ở góc đường cuối phố vào đúng bảy giờ sáng để chụp một bức hình đen trắng. Vâng, chỉ đứng ở một chỗ đó, đúng thời khắc đó của mỗi buổi sáng để ghi vào ống kính của mình một bức hình đen trắng.
Như thế có nghĩa là góc cạnh khung cảnh cũng như vị trí đứng bấm máy của người yêu bộ môn nhiếp ảnh ấy không bao giờ thay đổi. Và cứ như thế, sau một thời gian khá dài, ông chụp được khoảng bốn ngàn tấm ảnh. Ông tuần tự dán vào cuốn album và ghi theo thứ tự thời gian…
***
Nếu có người được xem qua những tấm ảnh ấy- mà người chụp nói rằng “Đây là công trình của cả một đời tôi ” thì sẽ cho rằng ông nhiếp ảnh gia ấy thật là vớ vẩn, lẩm cẩm! Bởi vì trong những cuốn album ấy khi xem lướt qua, đều giống y khuôn nhau.
Cũng vẫn con đường đó, vẫn các tòa nhà đó, vẫn những gốc cây đó…Tất cả lập đi lập lại một cách nhàm chán. Nhưng khi nghe những lời chỉ dẫn của tác giả, người xem nhận ra những nét khác biệt của mỗi bức ảnh…
Cũng khoảng trời nhỏ bé ấy, nhưng có tấm nhiều mây hơn, hoặc sáng hơn, hoặc mờ hơn. Cũng hàng cây ấy, nhưng có khi là hàng cây đứng lặng, có khi là cành lá ngả nghiêng, có khi cành khô, khẳng khiu trơ trụi…
Vâng, người chụp ảnh với sự tinh tế, tài hoa đã ghi lại được nét biến đổi của thời tiết, thấy được sự thay đổi của góc cạnh ánh sáng từng ngày, từng mùa…
Tôi chợt nhớ đến những bài thơ, bài hát trong kho tàng văn học nghệ thuật VN của chúng ta. Khi đọc, khi nghe chúng ta có thể hình dung, cảm nhận được bước đi của thời gian ,cảm nhận được từng khắc, từng giờ, từng mùa, và cùng với những niềm vui nỗi buồn đẹp đến thiên thu:
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng vui giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau…
Đó là một đoạn trong thơ Tô Thùy Yên, của hàng trăm câu của bài thơ Ta Về. Có thể nói đây là một tuyệt tác của Văn chương Việt Nam sau năm 1975 oan nghiệt.
Cũng như những tấm ảnh, thơ và nhạc cũng ghi lại bước đi lặng lẽ của thời gian.
***
Trở lại câu chuyện “Bước đi lặng lẽ của Thời Gian” qua những tấm ảnh của một nhiếp ảnh gia đã miệt mài qua bao năm tháng, chỉ ghi lại cùng một nơi chốn, thì…khi ngắm nhìn thật kỹ, người xem đã nhận ra được sự khác biệt trong hàng ngàn tấm ảnh giống nhau của tác giả.
Người xem sẽ bắt đầu thích thú say mê với từng chi tiết khác nhau.
Chẳng hạn như sự khác biệt tinh tế của dòng xe cộ ngược xuôi trên con đường, nhịp điệu của đời sống mỗi ngày được ống kính ảnh ghi lại thật nhịp nhàng. Huyên náo của buổi sáng làm việc trong một tuần, trái ngược với hình ảnh của ngày thứ bảy và chủ nhật, cuối tuần xe cộ thưa thớt trên đường phố… Cho nên, tấm hình toát ra một sự yên tĩnh. Một không gian êm ả vô cùng.
Tứng chút và từng chút…khi xem, không bỏ sót một chi tiết nào trong tấm ảnh, ta bắt đầu quen với từng người, từng gương mặt trong hình. Họ là những khách bộ hành, mỗi ngày cứ đúng giờ đó là trên đường đi tới sở làm. Cũng vẫn là những người đó, cùng ở nơi đó, họ được ống kính của tác giả ghi lại “một khảnh khắc của cuộc đời” mỗi người, một cách tự nhiên.
Nếu họ được xem ảnh, chắc chắn họ sẽ vô cùng ngạc nhiên, thích thú. Vóc dáng, cách ăn mặc của mỗi người vào mỗi buổi sáng, người xem ảnh sẽ nhận ra cả những nét thay đổi qua từng dáng điệu, vóc diện bề ngoài của họ. Và qua đó, người xem có thể đoán được tâm trạng của họ ra sao? Ngày hôm nay mệt mỏi hay khỏe khoắn? Vui hay buồn? Trí tưởng tượng của người ngắm ảnh có thể đi xa hơn nữa về câu chuyện của đời họ, vô hình ẩn dấu trong mỗi một người…
Thời gian qua nhanh, nhưng mãi mãi trong chúng ta, đọng lại một Màu thời gian thanh thanh, Màu thời gian tím ngát như thơ của Đoàn Phú Tứ.
Và cũng mãi mãi thời gian vẫn ở lại trong kỷ niệm mỗi người qua những tấm hình lưu giữ.
Ôi, thời gian! Thời gian cuộc sống được ghi trong thơ văn, trong nhạc. Ôi, những tấm ảnh, ghi lại những hình bóng đã qua theo thời gian, ghi lại một quãng đời . “Ngày mai, ngày mai và lại ngày mai nữa, Thời gian lặng lờ qua từng bước nhỏ” như dòng nước dưới dòng sông âm thầm hay vội vã trôi đi, như những cuộc tình lỡ hẹn, mãi mãi không về... Thế nhưng, vẫn còn đó niềm an ủi “trăm năm dù lỗi hẹn, nghìn năm vẫn không quên…” như một câu trong bài hát Phạm Duy đã viết thế!
Xin cảm ơn những người nghệ sĩ - chuyên nghiệp hay nghiệp dư tài tử - tác giả những áng thơ, văn, nhạc, họa mà tôi xin phép được gọi là “Những người nghệ sĩ có thể tái tạo được thời gian”. Những người ấy đã để lại cho đời những bước đi lặng lẽ của thời gian…
Bích Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét