Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Viên Đạn Giấy


      Thanh đang thả hồn bâng-khuâng the tiếng hát Lệ-Thu - tiếng hát mê-hoặc dập-dìu ru từng chuyện tình buồn vào muôn thuở . Bất chợt một âm-thanh xa-lạ giựt thức:
- Chú Thanh chờ Phượng có lâu không ạ ?
Thanh choàng tỉnh, bâng-khuâng gượng mỉm một nụ cười, chào kẻ lạ. Kẻ lạ là một cô bé mặc áo dài trắng học trò, ngượng-ngập ôm trong tay vài quyển vở, vừa cố tạo một vẽ hồn-nhiên, kéo ghế ngồi đối-diện với Thanh.
- Thời-gian cuả một ly cà-phê .
- Như vậy là lâu lắm .
       Phượng đảo mắt nhìn lên không, phía sau Thanh, bắt gặp một bức tranh có hàng phượng vĩ, trong sân một ngôi trường vắng bóng học sinh, nói tiếp:
- Khoãng nửa giờ để thưởng thức hương vị cà-phê, cộng thêm thời gian cho từng giọt cà phê rơi xuống ly, từ phin. Vị chi là một giờ, một giờ là sáu mươi phút, hay ba trăm sáu mươi giây, hoặc một phần hai mươi tư cuả một ngày.
       Thanh cảm thấy vui vui với lối suy đoán co vẽ toán học cuả cô bé, liền miệng hỏi:
- Phượng theo ban B?
Phượng ngạc-nhiên:
- Sao Chú biết?
- Tôi đoán.
       Thanh chợt nhớ chưa gọi thức uống gì cho Phượng, bèn hỏi:
- Phượng dùng chi?
- Chú cho Phượng một ly nước đá chanh đường.
       Thanh quay vào trong gọi hộ cho Phượng. Nhìn cô bé đối-diện, Thanh chợt nhớ lại . . . .

   Ánh nắng chói chan còn sót lại cuả một buổi trưa hạ, nung nấu căn gác trọ oi-nồng. Thanh cùng người bạn ra hóng gió và tán-gẩu ngoài lan-can. Cách một con đường, là vòng rào gạch cũ-kỉ cuả trường trung-học Trinh Vương. Bên đó, thấp-thoáng bóng mấy cô nữ-sinh ra ra, vào vào dãy nhà lầu hai tầng, xây cạnh vòng rào có vẽ nhộn-nhịp. Đảo mắt vào khuôn viên trường học, Thanh để ý tới một đám học trò, đang quây-quần bên một cô cầm máy chụp hình, trên lan can lầu hai cuả dãy nhà. Những nụ-cười bởn-cợt thơ-ngây vang tận đến nơi Thanh và người bạn đang trộm nhìn, liền báo động với lũ bạn. Người bạn Thanh lém-lĩnh, đưa hai tay ra dấu (chàng vốn nghề Giám-lộ) múa may quay cuồng. Thế mà cô bé mang máy ảnh hiểu ý, đưa máy chụp-hình lên hướng về Thanh và người bạn. Xong, cả đám học trò kéo vào phía trong ngôi nhà. Thanh và người bạn tiếp tục tán gẩu. Độ mười phút sau, thình-lình một mãng giấy nhỏ cuộn tròn gọn, đụng vào tường, rớt cạnh chân người bạn Thanh. Hắn cúi xuống lượm mảnh giấy và mở ra đọc nhẩm:
- Xin cho điạ chỉ, sẽ gửi ảnh.
     Hắn xoay lưng đi vào trong nhà tìm cây viết, Thanh lót-tót theo sau. Cầm cây viết trao cho Thanh và nói:
-Viết tên mầy đi.
     Thanh đưa tay đón nhận cây viết và tờ giấy, ngồi xuống bà, viết tên và KBC cuả mình, trong khi người bạn đi tìm sợi dây thung, phía dưới hàng chử cuả cô bé, lịch-sự và nhã nhặn thêm câu cuối: " Xin cám ơn trước ". Đưa tờ giấy nhỏ lại cho người bạn, hắn xếp cuộn như cũ, trở ra lan-can, dùng hai ngón tay làm nạng, hắn bắn vụt viên đạn giấy trở qua khuôn-viên trường học. Lấp-ló một bóng hồng nhặt được, cầm viên đạn giấy trên tay vẩy-vẩy ra dấu. Và suốt buổi-chiều hôm đó, không thấy bóng ai lãng vãng ngoài sân trường.
      Bẵng đi một thời gian, khoãng gần một tháng. Thanh nhận được thư cuả cô bé, thư viết ngắn gọn trên trang giấy học trò, bày tỏ sự nuối tiếc và xin lỗi vì lý do kỹ thuật ngoài dự đoán, nên không có hình gửi kèm. Thanh nhớ rất rõ, như thuộc nằm lòng, những dòng mở đầu thư, thật tự nhiên: Chiều nay biển động, nên lên bờ, em gái cuả Phượng bảo thế - Cá là mấy Chàng thủy-thủ đấy! Rộn vui khắp phố-phường của thi-xã Quy Nhơn. Phượng chợt nhớ đến sự ủy-quyền cuả đám bạn học. " Mầy Văn hay nhõng-nhẻo , chắc-chắn viết được"  Nên có thư nầy làm "buồn rầu" cho Chú ....Thực ra, tác giả đã tự giới thiệu tên ngoài bì thư: Phượng Quy Nhơn, viết trên điạ chỉ người gởi. Thanh vội hồi âm và hẹn gặp Phượng tại quán nầy.

      Người bán quán mang ra ly nước đá chanh đường, để trên bàn trước mặt Phượng, Phượng với tay cầm cán muỗng quay nhè nhẹ cho tan đường. Thanh hỏi:
- Sao Phượng nhận ra ngay tôi vậy ?
- Phượng vào quán bằng cửa bên hông, không bằng cửa chính, nên nhận ra ngay màu áo xanh đại-dương, bây giờ đọc bãng tên trên túi áo phải của Chú, chắc-chắn Phượng không nhận lầm người.
     Thanh lơ-đãng quên mất điều đó, cài bãng tên lên túi áo, là một kỹ-luật quân-đội đã trở thành thói quen. Mình đã được nhận diện bằng bãng tên như mọi quân-nhân khác. Nhìn Phượng, mái tóc cắt ngắn như nữ minh-tinh điện ảnh Pháp, Sylvie Vartan, đang được ưa-thích và thịnh-hành, như một mode thời-trang mới. Miệng hơi rộng, nhan-sắc trung-bình, giông-giống người điạ- phương, mà Thanh đả từng biết hơn một năm ở tại thành-phố nầy. Thanh nói ra ý-nghĩ của mình:
- Trông Phượng như người sinh trưởng tại đây, nhưng văn-phong trong thư và giọng nói như người bắc ?
- Chú đoán đúng, chắc vì có nhiều bạn người bắc, nên bị ảnh-hưởng. Từ nhỏ đến lớn chưa từng được đi đâu, như Chú biết, chiến
tranh ngày mổi lan rộng. Trong thành-phố nhỏ bé nầy, cũng không được bình-yên....vẫn bị pháo kích hay bom nổ. Còn Chú, chắc là được đi nhiều nơi ?
      Thanh gật-gù đồng-ý :
- Bị bắt buộc phải đi. Như con tàu là phải lênh-đênh.
      Thanh chợt nhớ tới Lệnh thuyên-chuyển đang nằm trong túi áo, vừa nhận được sáng nay, từ ban Nhân-viên. Thanh đã biết
sẽ được đổi về Giang-đoàn đầu tuần trước, khi vừa nhận thư Phượng. Nên muốn gặp Phượng để từ giả, để có một hình-tượng
luyến-lưu, một kỹ-niệm vấn-vương, một chút lãng-mạn bồng-bột vốn đã sẳn chất chứa ngập tràn trong tâm cãm của Thanh. Có
chắc gì trở lại thành-phố biển nầy lần nửa. Như những thành-phố khác, Thanh đã đặt chân đến và chưa có lần trở lại. Cố-gắng
gom-góp chắt-chiu những kỷ niệm, cho đầy mớ hành-trang ra đi, vốn đã quá nghèo-nàn. Thanh mạo-muội viết trong thư hồi âm : Xin Phượng đừng nghĩ rằng tôi đốt giai-đoạn quá sớm, thực-sự muốn gặp Phượng, là có chuyện quan-trọng, Phượng không đến, tôi vẩn chờ....Có lẽ quá sớm để nói chuyện nầy, Thanh đổi đề-tài :
- Bây giờ đã đối-diện, Phượng trông tôi có giống đại danh-từ Chú, mà Phượng gọi, kể cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
        Phượng tròn xoe đôi mắt, nhìn Thanh chăm-chăm, miệng cười mĩm. Thanh được đà, tiếp-tục lý-luận :
- Tôi mới được cấp Chứng-chỉ tú-tài hai năm rồi, Phượng đang theo học lớp đệ nhị, khoãng cách chỉ độ ba năm. Phượng muốn
nghe tôi hát bản Đừng gọi Anh bằng Chú, cho có vẽ cải-lương không ?
        Phượng vẫn chưa nói gì, có vẽ chăm-chú chờ nghe Thanh nói thêm. Thanh chợt nhớ hai câu thơ đã đọc trong một tạp-chí :
- Nếu không gọi Chú bằng Anh
  Coi như Chú đã hy-sinh cuộc đời.
       Phượng chu-choa, hít hà, nhăn mặt đáp :
- Anh nói gì mà ghê vậy !
      Thanh mĩm-cười vui lây. Vậy là cô bé đã chịu thay-đổi cách xưng hô, còn mình cũng phải thay đổi chứ, cho có vẽ văn-minh.
Trong thời-kỳ chiến-tranh, chết chóc xảy ra bất cứ lúc nào. Nên nói lên những điều gàn dỡ như vậy, là một sự kiên-cử, cấm kỵ tuyệt-đối, như những luật lệ không thành văn bản, mà ai cũng biết. Nói với người lớn tuổi, chắc-chắn sẽ bị quở-mắng ngay.
Phượng thật-thà hỏi :
- Có tú-tài hai, sao Anh không đi Sĩ-quan?
      Thanh phải lòng-vòng giải-thích:
- Vì thi rớt tú-tài một, nên Anh tình nguyện vào Hải-quân, nếu không sẽ phải đi Hạ-sĩ quan Đồng-đế. Lúc còn đi học, Anh vốn có mộng hải-hồ, nhân đi dự lễ Tất-niên trên chiếc Tuần-giang hạm đang công-tác trong vùng.Nếu chưa vào Quân-đội, có tú tài hai, chắc Anh cũng như mọi người nhập ngũ vào Thủ-đức hay Đà-lạt. Lúc mới lấy được tú-tài hai, Anh cũng có nghĩ đến chuyện xin đi học để làm quan, nhưng lại ngán Quân-trường, nên cù-cưa do-dự mãi đến nay. Chiến-tranh, theo quan-niệm của Anh, chỉ là những xung-đột trong một giai-đoạn. Mình đã không may-mắn sinh ra trong giai-đoạn nầy, đành phải chấp- nhận, vậy thôi.
      Bên ngoài, ánh nắng chiều cũng đã bớt gay-gắt, dìu-dịu hâm-hấp nóng. Nhận thấy ngồi trong quán cũng đã lâu, Thanh đề-nghị:
- Đi dạo một vòng bãi-biển nhé?
      Phượng ngó xuống chiếc đồng-hồ nhỏ đeo tay:
- Phượng chỉ còn khoãng nửa giờ để lang-thang. Phải về nhà đúng giờ như thường nhật. Mẹ Phượng khó lắm!
     Hai người ra khỏi quán bằng cửa trước, băng ngang qua đường, là đến ngay bải biển. Chậm rải sánh đôi bên Phượng,
Thanh thong-thả mở lời:
- Chắc Phượng thích đọc truyện của Dung Saigon?
- Sao Anh hỏi vậy?
- Vì chữ Phượng Quy Nhơn ngoài bì thư.
- Phượng chưa đọc bất cứ truyện nào của cô ấy. Phượng có đọc vài truyện của nhóm Tự-lực Văn-đoàn, vì trong chương trình học bắt buộc. Sở dĩ có chữ đó, vì Phượng muốn Anh không bị nhầm lẫn với một Phượng nào khác, mà Anh quen biết.
Hải-quân mà, ghê lắm đấy. Mười hai bến nước, mười ba bến tình.
     Quân chủng có làm gì đâu, mà tai-tiếng nhiều quá. Mỗi bến ghé, là mỗi bến tình. Thanh nghĩ mình đang mang hão-danh lã-lướt, bay bướm. Kiểm-điểm hơn một năm ở đây, đến giờ cũng vẩn còn cô-đơn.
- Đến bóng mát của cây dừa đó, ngồi nghĩ chút nha Anh !
   Thanh gật đầu đồng ý, dõi mắt theo hướng Phượng chỉ. Đến nơi, Thanh ngồi đại trên bải cát, Phượng vén áo dài
ngồi bệch xuống bên cạnh. Gió từ biển thổi xóc vào mát mặt. Sóng vổ tràn vào dưới bải, lôi cuốn trở ra biển. Phượng
nhìn mông lung ra hướng đảo Hải-Minh xa xa. Kể cho Thanh nghe về ngôi trường, bè bạn cùng sinh hoạt hàng ngày...
   Một thoáng yên lặng. Thanh khuấy động không-gian :
- Thư là địa-chỉ nhờ chuyễn, nhà Phượng ở đường nào ?
- Có phải câu hỏi nầy là chuyện quan-trọng, Anh đã viết trong thư ? Nhà Phượng ở đường Phan-bội-Châu.
  Nhìn vào đôi mắt của Phượng nhiều lần. Thanh nhận thấy, hình như đôi mắt biết cười, biết vổ-về người nhìn ngó, reo
vui chỉ chợt trào dâng, một cung-hiến khuyến-khích trọn vẹn, như đã sẳn sàng hòa nhịp dịu-êm. Đôi mắt đó làm lòng
Thanh rạo-rực, mở ngỏ một chuyện tình. Cái duyên của đôi mắt sẽ cưu-mang suốt đời, suốt kiếp như định-mệnh của
một đời người hằng cửu.
- Chẵng lẽ Phượng bắt Anh phải lục-lạo, tìm kiếm từng nhà, suốt con đường Phan-bội-Châu dài ngoằng. Nói vậy, chớ
chắc gì Anh còn cơ-hội nửa.
- Phượng vẫn chưa hiểu.....Ý Anh là.....
- Ngày mai, Anh sẽ xa Quy Nhơn. Anh được lệnh thuyên-chuyển về An-giang. Đây mới là chuyện quan-trọng, Anh đã
viết trong thư.
   Phượng cúi đầu im-lặng, tay mân-mê hờ-hững trên mấy quyển vở. Thanh cũng không biết nói gì hơn, chuyện tưởng
khó bộc-bạch, đã thố lộ được rồi. Thời-gian như ngưng lại, đè bẹp dí nát một đóa hoa vừa chớm nở, xúc-động nghèn-
nghẹn trong cổ họng. Đợi cho tâm-tư lắng xuống, lắng xuống. Phượng mới chậm rãi mơ-hồ :
- Tin đến với Phượng bất chợt quá, không cho Phượng một chuẩn-bị nào để đón nhận. Phượng không ngờ lần đầu gặp
gở cũng là lần cuối ly-tan. Phượng không muốn nói lời chúc tạ-từ thường tình. Anh có muốn giữ một chút gì kỹ-niệm
của Phượng không ?
    Thanh ngẩn lên, nhìn bâng quơ ra biển, xa khơi bóng dáng vài con tàu hải-hành cô-đơn lặng-lẽ.
                                          Cho Anh một vết son hiền
                                          cho Anh một sợi tóc mềm lã-lơi
                                          để khi dở tỉnh dở say
                                          Anh bồng cọng tóc trên tay dối lòng.
Anh muốn giữ một sợi tóc của Phượng.
    Phượng đưa tay lên đầu, lần nắm hai sợi tóc giật mạnh. Tay kia lần xé một mãnh giấy trong quyển vở ghi chép bài
học. Quấn hai sợi tóc vô tội vừa dẫy chết, bỏ vào cổ áo quan giấy học-trò. Rút cây viết mực tím, Phượng viết :
                                          Đây tóc Phượng cho Anh làm kỹ-niệm
                                          để nhớ về Viên đạn giấy Quy Nhơn.
    Phượng trao cho Thanh. Cầm trên tay, Thanh lẩm bẩm đọc đi, đọc lại hai câu thơ vừa ráo mực......với hai sợi tóc
Phượng vô-tri nằm sóng-soài bên cạnh.

* Thơ trong bài nầy mượn của Trần-mạnh-Hảo, Hà-huyền-Chi và chính tác-giả.
Võ Phan Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét