Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Cái Ngày Ai Nấy Đều Tử Tế


Cu Hà, tay cầm một cái bao nhựa đựng vỏ chai, nhìn thấy một cái vỏ bia đứng dưới chân tượng con bò tót, giữa bùng binh, nó nhào ngay xuống đường. ‘TOE!’ tiếng còi chát chúa và tiếng bánh xe nghiến trên nhựa đường ’ke...é...t’. Nó hoảng hồn nhảy tót trở lên lề đường. Ông lái xe, qua giây phút hoảng hốt thành tức giận, thấy thằng bé sợ hãi, bèn đổi mặt hiền từ, quay kiếng xe xuống, ra hiệu cho nó qua đường. Thằng bé biết ’lỗi’ đã không qua đường trên gạch trắng dành cho người đi bộ. Khổ quá, cô giáo và ba mẹ dặn hoài mà không chịu nghe. Nó ngoắc tay cho người lái xe chạy đi. Ông ta lại ngoắc tay cho nó qua đường như muốn nói ’Biết rồi, biết chú mày rành luật đi đường rồi. Thôi, qua đi!’ Ông hất đầu, kiên nhẫn chờ, nhưng thấy nó làm lơ quay đi, ông nhún vai cho xe chạy tiếp. Dầu sao thái độ của ông Na-uy vừa rồi làm cho nó tin tưởng người lớn cũng có nhiều người tử tế. Và nó càng quyết tâm lượm cho được cái vỏ chai đứng dưới chân con bò tót, để giúp những đứa trẻ ở những nơi bất hạnh. “Với 100 kroner một trẻ em có thể đi học được một năm’. Nó nhớ mãi lời kêu gọi của hội Redd Barn (Cứu Trẻ Em) trên đài truyền hình.
*
Tuần trước cu Hà ngồi giữa ba má theo dõi lễ giao thừa năm 2000 trên khắp thế giới qua màn ảnh truyền hình. Các anh chị lớn đã theo bạn lên Oslo coi đốt pháo bông và mừng thiên niên kỷ mới và mừng ngày 1000 năm thiết lập thành phố. Ở nhà, má bày một mâm đồ ăn và nước uống trên bàn salông. Ba người vừa ăn uống vừa coi tivi. Qua từng múi giờ, từ đông sang tây, từ Bắc Kinh tới Ai Cập, từ Âu Châu tới Ấn độ, từ Jêrusalem tới Paris, từ Moskva tới Oslo, từ Phi Châu tới Mỹ Châu... hàng triệu người hân hoan nhảy múa, ca hát, cười đùa, thắp nến, cầu nguyện, kết hôn, sanh con, thả bồ câu, chúc tụng nhau và đốt pháo rực rỡ cả bầu trời đầy sao và mặt đất xinh tươi. Ba má có vẻ hào hứng, vui vẻ đặc biệt hơn những ngày Tết trước đây. Cậu bé cũng nôn nao trong lòng, thấy mình lớn lên, thấy ai cũng tử tế, hòa nhã. Tại người ta dọa nhau quá, má hơi lo, không biết đúng lúc thời gian bước qua năm 2000, nhà có bị cúp nước, cúp điện không. Má có trữ đầy một xô nước và đem cái lò nướng thịt mùa hè với bịch than từ gara vào nhà, để lỡ có xảy ra trục trặc, không bị chết đói. Khi thấy giờ phút trọng đại - năm 2000 - tới một cách rất êm ái, bình thường, má cười tươi hơn, còn ba nhận xét:
“Hôm nay là ngày duy nhất trong đời không nghe nói tới chiến tranh nơi nọ, cướp bóc nơi kia”.
“Không nghe nhắc tới, không có nghĩa là đâu đó không có đánh nhau, cướp bóc, phải không anh?” má nói lại. 
“Mong là không có gì. Cả năm chỉ cầu người ta tử tế với nhau một ngày cũng được,” ba trả lời sau một lúc suy nghĩ.
“Người ta thả con tin bên …n rồi đó, ba má,“ thằng bé nói.
“Đó, chẳng hạn,” ba xoa đầu thằng con thạo tin tức.
Thỉnh thoảng chương trình ngưng lại để quảng cáo. Xe hơi đời mới, đồ lót phụ nữ, kem thoa mặt, và rất lạc lõng, hình những đứa bé cùng tuổi với Hà hoặc nhỏ hơn, vui vẻ nhưng nghèo khó, với một lời kêu gọi đỡ đầu trẻ em các nước nghèo “Với 100 đồng kroner bạn có thể giúp một em bé ăn học một năm”. 
Hà ngủ thiếp đi. 

Trong mơ, nó thấy mình cỡi một cái pháo hỏa tiễn bay trên những rừng pháo bông, thỉnh thoảng cái pháo muốn tịt ngòi, bay cà giật khiến nó hoảng sợ, thót bụng, và lạ lùng là khi nó cố gắng lấy sức thì cái hỏa tiễn lại ngóc đầu lên bay tiếp. Bên dưới có nhiều người vẫy tay chào nó vui vẻ. Thỉnh thoảng có một đứa bé buồn bã đưa tay cầu cứu. Sáng ngày mùng một Tết, nó thức dậy rất trễ, nhìn đồng hồ đã thấy hai giờ trưa. Nhưng ba má vẫn còn ngủ. Không biết các anh, các chị đã về chưa, hay ngủ đêm lại nhà bạn bè, phòng ngủ của anh chị đóng im ỉm. Nó ra phòng khách ngồi, bật tivi coi một mình. Chương trình năm 2000 vẫn còn tiếp tục. Và thỉnh thoảng những đứa bé nghèo khó lại đưa tay vẫy gọi..
*
“Hai mươi lăm...” bé Hà đếm thuộc lòng số chai nó đã lượm được. Mỗi chai một đồng, tức là hăm lăm đồng. 
Lúc nãy xuýt bị xe cán, nhưng nó thèm cái chai quá đi. Cái chai đẹp đẽ đứng dưới chân con bò tót bằng đồng. Nó quan sát cả bốn con đường đều không thấy có vạch trắng dành cho người đi bộ ra giữa bùng binh. Thì ra con bò tót bằng đồng hung tợn kia chỉ để dòm, không phải để vuốt ve, sờ mó. Nếu không, người ta đã kẻ lối cho người đi bộ rồi. Nó chờ lúc vắng xe, chạy ù sang. Đúng lúc đó, một cái xe hơi lao tới với tốc độ nhanh hơn sự ước lượng của nó. ’Ke...é...t!” Xe vừa thắng vừa lách sang bên. Nhưng thằng bé trượt chân té sấp trên mặt đường. Nó lại té lần thứ hai!

Một người lái xe khác, một bà cỡ tuổi má bé Hà, vội vàng tông cửa xe chạy ra đỡ nó ngồi dậy. Bà không rầy nó đi ẩu, lại hỏi: 
“Cháu có sao không?” 
Nó hoang mang lắc đầu chứ không còn hơi để lên tiếng. 
Bà đặt tay lên ngực mình như đè sự hồi hộp xuống, tiếp: 
“Hú vía! Quãng đường này thường hay đóng băng trơn lắm. May mà hôm nay người ta rải muối kỹ. Không thì tôi cán phải cháu rồi!” 
Bà đỡ nó đứng dậy, lượm vỏ chai vương vãi bỏ lại vào bao cho nó, nói: 
“Cháu bước vài bước thử xem có bị thương không!”
Nó cầm bịch chai, đi vài bước hơi loạng choạng, nhưng không sao. Bà tính lên xe, lại cầm tay nó hỏi:
“Cháu tính đi đâu?”
“Dạ, đằng kia.” Nó chỉ vào cái vỏ bia. 
Bà hiểu ý nó, mỉm cười, lắc đầu:
“Để tôi dắt cháu qua đường.” 
Bà nói, rồi lại xe, bật đèn vàng nhấp nhánh, và giắt nó lại đài con bò. Nó thấp quá không với tới cái vỏ bia, bà phải bồng nó lên. Nó reo:
“Ha! Nhiều chai quá!”
Nó lượm được thêm năm vỏ chai nữa. Nó lại thấy có cái thẻ nhựa nằm cạnh đống vỏ chai.
“Cái gì đây, bà?” nó hỏi. 
Bà cầm tấm thẻ lên xem, trả lời:
“Cái thẻ online chơi lotto của ai đánh rơi”.
“Để làm gì, bà?”
“Để đánh lotto. Do cái thẻ này, người ta biết tên, địa chỉ và số điện thoại, cũng như số trương mục của người đánh lotto. Khi người đó trúng, trên Hamar tự động gởi tiền về”. 
Bà để ý đã đậu xe giữa đường hơi lâu, vội nói:
“Nhân tiện cháu vào tiệm đổi chai, cháu làm ơn đưa cái thẻ này cho người ở quầy lotto, nghe!”
“Dạ.”
Bà cẩn thận dắt nó qua đường. Nó kín đáo nhặt một cọng cỏ khô dính trên gấu áo khoác của bà. Khi bà lên xe nó để ý bà đẹp quá. Tóc bà ngắn như con trai. Nó sẽ về bảo má để tóc như thế. Mấy bữa nay má cứ bàn với chị Hai nên để tóc kiểu nào cho hợp.
Hà vào siêu thị đổi được đúng ba chục kroner. Nó bỏ tiền chung với cái thẻ vào mũ len, ra quầy lotto đứng xếp hàng để trả cái thẻ như bà tóc con trai dặn.


Kỳ này có jackpot, người ta xếp hàng dài để đánh lotto. Tới phiên Hà, nó đưa cả cái mũ ra, chẳng nói chẳng rằng. Cô đứng ở quầy cầm cái thẻ và ba chục đồng, tình cờ đúng số tiền một lần chơi lotto, một cách máy móc, lướt thẻ qua máy. ‘Pinh!’ Máy cho bừa một hàng số và ghi nhận tên tuổi người trong thẻ. 
Bé Hà rờ vào mũ len, không thấy mấy đồng tiền của mình, hỏi:
“Tiền của cháu đâu?” 
“Chớ không phải cháu đánh lotto sao?” Cô bán hàng kiên nhẫn trả lời.
“Không, cháu đâu có đánh. Cháu chỉ trả cái thẻ thôi,” nó nói, sắp mếu. 
“Thẻ của ai mà cháu trả?”
“Cháu lượm được ngoài đường”.
“Sao cháu lại đưa ba chục? Thằng bé này rắc rối quá!”
“Tiền cháu để dành Redd Barn mà...” Thằng bé chảy nước mắt.
Một cô gái đứng xếp hàng đằng sau, thấy thằng bé tội nghiệp, và cũng để khỏi chờ đợi lâu, móc một đồng tiền cắc hai chục và một đồng cắc mười đồng, đưa cho thằng nhỏ, nói:
“Em cầm ba chục này cho tổ chức Redd Barn. Quên chuyện kia đi.”
Trừ thằng bé chưa bao giờ chơi lotto, trong đầu những người đứng xung quanh, ai cũng nghĩ: thật là một chuyện hi hữu. Lỡ cái số kia trúng độc đắc thì sao? Đương nhiên Sở Xổ Số trên Hamar chỉ biết chuyển tiền vào trương mục của người có tên trong thẻ nhựa. Nhưng chính thằng bé ‘đánh’ số và trả tiền mà! Vì ý nghĩ đó, khi thấy thằng bé vò tờ biên lai vất vào thùng rác, cô gái vừa cho tiền đâm tò mò, cô hỏi tên cùng địa chỉ nó, và lượm tờ biên lai, ghi vào.
Bốn ngày sau, một người điện thoại hỏi han và xin lại nhà thăm. Ba hỏi:
“Có phải Chứng nhân Jêhôva không?”
“Không phải.” 
“Xin mời, cứ việc tới.” 

Ba nói với cả nhà:
“Kệ, dễ gì có khách Na-uy. Nhưng mà tụi con đứa nào để người ta tới mắng vốn thì chết đòn!”
Đến hẹn, không phải một, mà hai người tới, một cô gái dong dỏng cao tự giới thiệu tên Kristine, và một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề nhưng thoang thoảng hơi men, tự giới thiệu tên Tor. Ông khách nói ông trúng số một triệu tám trăm ngàn kroner, nhờ thằng bé Việt Nam cỡ mươi tuổi. Ba xúc động mạnh, lập cập gọi thằng con út ra, má và các anh chị cùng túa ra. 
“Có phải thằng này không?” ba hỏi.
“Phải,” cô gái trả lời thay, mỉm cười chào thằng bé Hà “Hei!”
Mặt ba má cùng căng thẳng. Má sai chị Hai pha cà-phê, trong khi ba hỏi:
“Đầu đuôi ra sao? Xin quí vị giải thích cho chúng tôi nghe!”

Ba mẹ, Hà, và các anh chị xúm quanh hai người khách lạ, bán tín bán nghi, hồi hộp theo dõi câu truyện. Ông Tor kể xong, má giục ba hỏi:
“Thế bây giờ ông tính sao?”
“Quí vị tính sao?” ông khách hỏi lại, mắt xoi mói nhìn từng người trong nhà.
Cả nhà im phăng phắc. Nét mặt nghiêm trọng, căng thẳng của họ che giấu những trận giông bão trong đầu. Đa số nghĩ rằng thằng Hà bỏ tiền ra đánh lotto, nó phải được hưởng trọn số tiền một triệu tám, cùng lắm thưởng cho ông ta một trăm ngàn uống rượu mười năm không hết. Chị Hai nghĩ của người phước ta, chia đôi. Mẹ không đủ bình tĩnh để ‘chia’, mà chỉ lo ông khách đang giữ tiền trở mặt, chẳng cho đồng nào, thì làm gì nhau?
Trong phút chốc, những nguyên tắc về công bằng, nghĩa khí trở thành tương đối một cách bấp bênh thê thảm. 
Người nọ nhìn mặt người kia, người đỏ nhừ, người tái mét. 
Chỉ có bé Hà ôm con heo đất, lăn qua lăn lại để nghe tiếng lọc cọc của tiền cắc. Nó vụt nói:
“Ông trúng nhiều tiền lắm hả? Vậy ông trả lại cháu ba chục...” 
“Cháu chỉ lấy ba chục thôi?” ông khách không tin tai mình, cười hỏi.
“Dạ,” bé Hà quyết đáp gật đầu.
Ông khách chăm chú nhìn thằng bé như ngắm một sinh vật từ hành tinh khác tới, rồi ông moi túi lấy ba chục, định nhét vào con heo. Thằng bé dùng ngón tay nhỏ mũm mĩm của nó bít khe tiền lại. Nó cầm mấy đồng tiền đưa cho cô Kristine:
“Cám ơn cô cho cháu mượn tiền.”
“Cô góp tiền cho tổ chức Redd Barn mà!” 
Cô gái cầm tiền và nhét vào con heo đất.
Ông khách nhìn thằng bé một cách chăm chú đầy vẻ ngưỡng mộ. Cuối cùng hắng giặng nói:
“Tôi là người nghiền rượu. Nhưng tôi đủ tỉnh táo để nhận ra chú bé này là một thiên thần!”
Ông uống một hớp cà phê, rồi chậm rải tiếp:
“Tôi đã quyết định rồi. Tôi sẽ chia đều số tiền cho bốn người: tôi, cậu bé này, Kristine và tổ chức Redd Barn.” 
Cả nhà lại đỏ mặt lên, nhưng không ai đọc được ý nghĩ hay cảm giác trong lòng nhau. Anh Ba từ nãy tới giờ im lặng, nhưng hay thay đổi sắc mặt nhất, bây giờ mới rụt rè hỏi:
“Tôi hỏi chỉ vì tò mò thôi: Tại sao lại... chia phần cho... cô Kristine?”
Ông khách trả lời, không nhìn anh Ba:
“Nếu cô ấy không hảo tâm cho thằng bé ba chục, mà nó nằng nặc đòi tiền lại thì người ta đã hủy cái vé lotto đi để trả tiền lại cho nó rồi...” 
Và ông đột ngột đứng lên, nói tiếp:
“Xin lỗi tôi phải về. Xin làm ơn ghi cho tôi số trương mục để tôi chuyển tiền. Sự phân chia của tôi chưa chắc đã công bằng. Nhưng thưa quí vị... sự công bằng... ha ha... công bằng.”
Ông đội mũ đi ra, nói với lại:
“Chỉ có Thượng Đế và... thằng bé này... biết sự công bằng là gì.”
Cô Kristine cũng vội vàng đứng lên, vẻ nhẹ nhõm. Cô bắt tay bé Hà một cách thân ái, nhưng tránh nhìn anh Ba.
*
Trong những ngày bồn chồn, hoang mang chờ tiền, gia đình liên tiếp bàn về lẽ công bằng. Thêm một ngày không thấy tiền về, thêm ngờ vực và giảm ’tiêu chuẩn công bằng’ xuống. Cuối cùng mọi người đồng ý với kết luận của má:
“Con người ta tham lam lắm. Họ cho mình một trăm ngàn là phước.”
Chỉ có chủ nhân của món tiền lý thuyết kia, thằng bé, không quan tâm gì tới lẽ công bằng. Nó không chờ một triệu tám hay một trăm ngàn kroner, mà cứ đều đều đi lượm ve chai, kiếm ngày mười, ngày hai chục kroner. 

Sáng hôm đó, thấy nó chuẩn bị ‘đi công tác’, chị Hai thấy thương mà buồn cười, kéo nó lại hỏi:
“Theo cưng, số tiền trúng số đó thuộc về ai là công bằng nhất?“
“Công bằng là làm sao?“ Hà hỏi.
“Là... là... của ai... nấy giữ,“ chị Hai lúng túng.
“Vậy thì đâu có... công bằng,” bé Hà nói.
“Chứ đưa cho ai thì công bằng?”
“Redd Barn.” 
Hà kéo phẹc-ma-tuya áo khoác, đáp một cách đĩnh đạc.
Thật là khờ, chị Hai nghĩ. Thế mà cái ông đang giữ tiền kia nói “Chỉ có Thượng Đế và... thằng bé này... biết sự công bằng là gì.” Thế nghĩa là thế nào? Chị Hai không hiểu. 
Cả nhà lại bàn xa hơn chính vụ chia tiền một chút, như họa phước, lên cả chuyện Trời Phật v.v. Cuối cùng mọi người đồng ý với câu kết luận của má:
“Cái lộc vô cớ, biết đâu là cái họa.”

Để tránh một mình gánh cái tai họa có thể, cả nhà lại ngầm cho rằng giải pháp chia bốn là... công bằng nhất. 
Và họ được như vậy. Hai tuần sau có giấy báo của luật sư , rồi giấy báo của ngân hàng tiền vào trương mục của ba. Ba ra lãnh một số tiền mặt xem... có thật không, cho cả nhà coi. Và phải chạm vào tiền mặt, những người trong gia đình, ai cũng có chút kinh nghiệm về tiền bạc và lòng tham, mới công nhận rằng ông Tor nếu không phải là thiên thần, cũng là một người thừa can đảm. Và họ thấy lòng mình mở ra một tí. Tử tế hơn.

Riêng Hà, nó nhớ lại lời ba “Cả năm chỉ cầu người ta tử tế với nhau một ngày cũng được.” Và nó nghĩ: Ôi, cái ngày hôm đó thật lạ lùng! Ai cũng tử tế: ông lái xe đầu tiên, rồi bà lái xe tóc con trai, người rải muối ngoài đường, cô Kristine... Nó cũng tử tế chứ! Nhưng thôi, kể thêm thì lại rắc rối về việc chia tiền. Vì có vẻ như tiền bạc và lòng tử tế không phải là bạn thân. Đầu óc non nớt của nó nghĩ ra được một điều rằng hôm đó, và mấy hôm sau, chỉ cần một người... bớt tử tế đi một tí thì sự thể đã khác đi nhiều lắm.

Tâm Thanh

(Trích trong tập truyện “Gỗ thức trên rừng” của Tâm Thanh, Văn Mới xuất bản 2003)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét