Đường vào núi Sam
Từ sau năm 1975 ít khi mấy anh em chúng tôi có dịp họp mặt đông đủ, chuyến về thăm quê nhà lần này (June 2016) là dịp may mắn lắm có đủ cả 3 anh em. Để có kỷ niệm chung, chúng tôi đề nghị đi tham quan vùng Thất Sơn. Lâu lắm rồi trên dưới 50 năm chúng tôi chưa có dịp trở lại nơi này. Riêng tôi thì chỉ còn vài ký ức lờ mờ về Châu Đốc khi có lần công tác qua đây, bây giờ thì chắc chắn có nhiều thay đổi. Anh tôi Lê Hữu Quyền, thuở xưa là một Hướng Đạo Sinh nên anh muốn thăm lại nơi mà anh ấy đã từng đi cắm trại, khám phá núi non “Thất Sơn Huyền Bí”. Cô em gái Lê Thị Tú Uyên thì mỗi lần về thì đi Vũng Tàu, Đà Lạt hay Nha Trang, nên khi nghe ý kiến đi tham quan Bảy Núi, miền Tây Nam nước Việt thì Cô cũng như mấy đứa cháu ở quê nhà có dịp được tháp tùng đi du lịch thì háu hức lắm.
Mặc dù đã hơn nửa thế kỷ qua mà máu Hướng Đạo của ông anh vẫn còn tốt, trước khi đi anh lấy tấm bản đồ và tập note-book ra “soạn thảo chương trình”, ghi đầy đủ các chi tiết: “Đặt mục tiêu” chuyến đi, “chấm tọa độ” những nơi muốn khám phá. Ấn định thời gian: “xuất phát”, các “địa điểm tham quan” và dự trù thời gian “trở về”.
Vâng, anh em tôi đều là cựu Hướng Đạo Sinh, “Hướng Đạo một ngày, Hướng Đạo mãi mãi” mà!
Chúng tôi lấy xe 14 chổ nhưng chỉ đi 10 người (gồm lớn bé, cộng thêm tài xế), chừa vài chổ trống để mua đặc sản như nước và đường thốt nốt, mắm Châu Đốc, hàng hóa của người dân tộc anh em bên kia biên giới miễn thuế ở chợ Tịnh Biên, hay mua bất cứ món đặc sản gì mình thích, bắt gặp khi đi ngang qua, ...
Sau buổi ăn sáng ở Long Xuyên, chúng tôi đến Châu Đốc khoảng 10:30 am. Điểm đến đầu tiên là ghé qua Điện Bà Chúa Xứ, ngôi Điện thờ khá khang trang, nghe thiên hạ đồn Bà rất linh thiêng, nhiều người từ khắp nơi về đây cầu nguyện, khấn vái để được may mắn, làm ăn phát tài.
Lễ vía Bà nhằm ngày 23 đến 27 âm lịch hàng năm, lễ chính là ngày 25. Theo tài liệu của nhà khảo cổ học Mallret, người Pháp (1941), tượng Bà là tượng thần Vishnu có từ thế kỷ thứ sáu (6) thuộc nền văn minh Ốc Eo, đặt trên đỉnh núi Sam, sau này người Việt mặc y phục và đeo trang sức rồi đặt trong đền thờ nên gọi là Bà Chúa Xứ. Miếu Bà xây dựng từ năm 1870, trùng tu nhiều lần, đến năm 1972 kiến tạo đến năm 1976 mới hoàn thành như hiện nay (theo tài liệu Wikipedia).
Tôi định phỏng vấn anh bảo vệ đang đứng gát trước bàn thờ Bà, anh này nhìn tôi từ đầu tới chân với ánh mắt soi mói, phán một câu cộc lốc như đinh đóng cột: “Đây là nơi linh thiêng, không được chụp hình” và mời tôi ... “đi ra ngoài”! Làm đoàn chúng tôi cụt hứng bèn cùng nhau đi tham quan mục tiêu kế tiếp.
Miếu Bà
Chánh điện
Sân điện
Chúng tôi rời điện Bà để đi thăm di tích lịch sữ Lăng Thoại Ngọc Hầu, đối diện bên kia đường. Nếu đến Châu Đốc mà không thăm Lăng là một thiếu sót. Vị danh tướng Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, có công khai phá vùng đất miền Tây Nam thời vua Gia Long sang đến đời vua Minh Mạng. Công trình to lớn nhất là đào kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc qua Hà Tiên dài hơn 90 km, nối liền sông Hậu đến vịnh Thái Lan, thi công sau 6 năm mới hoàn tất (1819-1824). Vĩnh Tế là tên của Nhất phẩm Phu nhân Châu Vĩnh Tế của Ông Thoại Ngọc Hầu được vua Minh Mạng ban đặt tên cho con kinh. Bà là người Việt gốc Khmer, công cuộc đào kinh Vĩnh Tế người Khmer đóng góp công sức một phần do thời đó Việt Nam bảo hộ Cao Miên (Campuchia ngày nay). Để ghi công lao to lớn của Thoại Ngọc Hầu, vua Minh Mạng cho đúc 9 đỉnh đồng trong đó có 1 đỉnh chạm khắc ghi công trình Kinh Vĩnh Tế, hiện nay đang trưng bày tại thành nội Huế.
Tiền điện lăng Thoại Ngọc Hầu, phía sau là đỉnh núi Sam cao 284 m.
Phái đoàn tham quan – Tác giả đứng bìa từ trái, cô em Tú Uyên (hàng thứ 6 từ trái sang), Ông anh Lê Hữu Quyền (hàng thứ 8 từ trái sang)
Mộ phần Bà Châu Vĩnh Tế
Mộ phần Ông Thoại Ngọc Hầu
14 phần mộ của dân phu bất hạnh trong khi đào kinh Vĩnh Tế
Chúng tôi tiếp tục “di hành” đúng theo “lịch trình” tiến về phía bắc để đến chợ Tịnh Biên bên bờ kinh Vĩnh Tế. Trong chợ nhiều mặt hàng như đồ dùng, giày dép, vãi, quần áo từ Campuchia và Thái Lan, cũng có hàng “made in China” luôn, giá cả không rẻ hơn ở thành phố Cần Thơ bao nhiêu. Chúng tôi chú ý vào các thổ sản nhiều hơn, lạ mắt, có món mới biết qua lần đầu.
Đường lên Tịnh Biên
Kinh Vĩnh Tế, trước chợ Tịnh Biên
Chợ Tịnh Biên
Khô nhái, một đặc sản độc đáo có nhiều tại địa phương, có thể mua làm quà cho bạn bè ở thành phố thích mồi lạ nhâm nhi lai rai
Rượu rắn, rắn ngâm các vị thuốc nổi tiếng của người Campuchia, nghe nói rất tốt cho quý ông (Tác giả không dám thử nên không biết kết quả ra sao, có đúng như quảng cáo vậy không?)
Điểm chính của chuyến đi là tham quan khu du lịch Núi Cấm, trung tâm của vùng Bảy Núi, nổi tiếng với “Cáp treo Núi Cấm”.
Bảy núi (Thất Sơn) gồm:
Núi Dài (Ngọa Long Sơn), cao 580 m, nổi tiếng có đồi Ma Thiên Lãnh và hang động kỳ bí.
Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), với đồi Tức Dụp (theo nghĩa tiếng Khmer là trên đỉnh có nước quanh năm).
Núi Dài Nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), cao 265 m. Có 5 giếng nước trên núi nên gọi là Ngũ Hồ Sơn, dọc theo triền núi trồng nhiều cây ăn trái như ổi, xoài, bưởi, sầu riêng, thanh long, ...
Núi Két (Anh Vũ Sơn), cao 225 m, trên đỉnh có phiến đá giống đầu con két.
Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), cao 145 m, nằm trên địa phận thị trấn Ba Chúc, quận Tri Tôn.
Núi Nước (Thủy Đài Sơn), là ngọn đồi thấp chỉ cao hơn 20 m, diện tích khoảng 300 m2, nằm giửa đồng ruộng ngập nước, cách núi Tượng chừng 500 m, tuy nhiên có điều kỳ lạ cái đồi nhỏ xíu nơi đây cũng được gọi là núi, một trong bảy núi của dãy Thất Sơn.
Núi Cấm, là ngọn cao nhất trong bảy núi, cao 710 m so với mặt nước biển, còn gọi là Thiên Cấm Sơn. Trên đỉnh có một số kiến trúc quy mô phục vụ tâm linh và du lịch. Chùa Vạn Linh cùng với ngôi bảo tháp uy nghi, Thiền viện chùa Phật lớn, tượng Phật Di Lạc cao nhất trên đỉnh núi tại châu Á, cao 33,60 m, bên bờ hồ Thủy Liêm. Tháp Xá Lợi bên bờ hồ trước Thiền Viện chùa Phật Lớn. Chung quanh còn các thắng cảnh khác như suối Thanh Long, hồ Thanh Long. Con đường duy nhất quanh co lên đỉnh núi Cấm đi bằng xe khoảng 30 phút, dành cho quan khách thích quan sát cận cảnh núi rừng, khám phá thảm thực vật bên sườn núi; Nếu đi cáp treo khoảng 10 phút, quan khách có thể quan sát cảnh hùng vĩ của núi Cấm, những mảnh vườn, thuở ruộng xinh xinh hay những vuôn ô mượt mà của mạ hoặc ánh vàng óng ả khi mùa lúa chín bên dưới trải dài đến chân trời.
Núi Cấm có 5 ngọn đồi nhô cao gọi là “năm non” hay tiếng địa phương gọi là “vồ”, gồm: Vồ Bồ Hong (cao 710 m), vồ Đầu (cao 584 m), vồ Bà (cao 579 m), vồ Ông Bướm (Ông Voi) cao 480 m và vồ Thiên Tuế (cao 541 m), nên người ta thường nói vùng “Năm non, bảy núi” là vậy.
Đi du lịch ngoài cái thú ngắm danh lam, thắng cảnh, thăm di tích lịch sữ là thưởng thức các món đặc sản địa phương:
Nếm qua hương vị ngọt ngào đặc biệt của nước giải khát thốt nốt, nhiều người lầm tưởng là nước của trái thốt nốt. Không phải, nước lấy từ cùi của cụm hoa. Cây thốt nốt trổ hoa quanh năm có thể khai thác nước tinh túy này từ 3 đến 6 tháng, trung bình mỗi cây cho từ 100-160 lít mỗi năm. Để tránh bị nhanh chóng lên men nên nước thốt nốt vừa đem xuống là đem đun sôi có thể giử được lâu hơn.
Bánh xèo trứng đà điểu, nóng giòn, chế biến bằng gạo lúa sóc (loại lúa mùa của người Khmer trồng), nhân bánh được làm từ măng tươi, thịt ba rọi, tép rang, giá sống, ăn kèm theo rau rừng rất phong phú: Đinh lăng, đọt vông, lá bứa, kim thất, lá sung, ngành ngạnh, cát lồi, ... toàn là loại rau mà người dân thành phố ít khi biết đến.
Gà tre hấp lá chúc, một món đặc sản với hương vị kỳ diệu làm du khách khó quên. Gà tre tơ nguyên con làm sạch, ướp tiêu, củ hành đặt trên lớp lá chúc, đem chưng cách thủy. Lá chúc là lá của loại cây đặc hữu vùng bảy núi, họ nhà chanh nhưng tinh dầu có mùi thơm đặc biệt làm tăng thêm sức hấp dẫn của khứu giác cũng như vị giác, cộng thêm gà tre khi hấp chín vàng ươm hấp dẫn luôn thị giác nữa.
Mắm Châu Đốc thì khỏi phải nói, nổi tiếng nào là mắm thái, mắm trộn đu đủ, mắm của các loại cá đồng như mắm lóc, mắm trèn, mắm sặc, mắm cá linh, .... đủ cả các loại khô cá đồng, đặc biệt vùng Thất Sơn có nhiều khô nhái, làm không ít ngạc nhiên cho du khách.
Đã hơn 3:00 pm, theo lịch trình chúng tôi rời khu du lịch “Cáp Treo Núi Cấm” trở về theo lộ trình đi ngang Nhà Bàng, Tri Tôn, đến núi Sập, qua Long Xuyên rồi theo đường từ Long Xuyên trở về Cần Thơ như dự định.
Chuyến đi trong ngày nên không đủ thời gian để “khám phá” hết những khía cạnh, những điều kỳ bí của nơi mình đến, tuy nhiên mình cũng ghi nhận được đôi nét đã thay đổi của quê hương sau nửa thế kỷ, khám phá thêm những điều mình chưa biết. Còn nhiều lắm, vô vàn thắng cảnh có thể đến tham quan, tìm hiểu thêm nơi một góc trời mở rộng trên mảnh đất quê nhà.
Lê Hữu Uy
Phoenix, Arizona – Jan 10-2017
Đường vô Núi Cấm
Cáp treo ngang hồ Thanh Long
Tượng Phật Di Lạc bên bờ hồ Thủy Liêm.
Tháp Xá Lợi bên bờ hồ Thủy Liêm. Ngày 14 tháng 10 năm 2015, ngọc “Xá Lợi” thỉnh từ Ấn Độ được an vị trong ngôi tháp.
Thiền viện Chùa Phật Lớn bên hồ Thủy Liêm
Chùa Vạn Linh với ngôi tháp to lớn uy nghi soi bóng nước
Trạm cáp treo trên đỉnh núi Cấm
Khu du lịch “Cáp treo núi Cấm” nhìn từ trên cao
Suối Thanh Long đẹp mê hồn
Khám phá thảm thực vật bên triền núi cung cấp nhiều đề tài thu hút những du khách thích môn nhiếp ảnh
Trái thốt nốt
Sản phẩm thốt nốt: Trái, nước, đường thốt nốt và bánh bò thốt nốt có bán khắp nơi trong chợ
Bánh xèo trứng đà điểu ăn với rau rừng, món ẩm thực độc đáo của Núi Cấm
Gà tre hấp lá chúc cũng là món ăn độc đáo của Núi Cấm
Lá và trái chúc, một loại cây đặc hữu của vùng Bảy Núi
Khu du lịch Cáp treo Núi Cấm
Cây thốt nốt trên các đồng lúa là hình ảnh đặc trưng của vùng “Năm Non, Bảy Núi”
HINH 088, Đường vô thị trấn Tri Tôn
Kinh Núi Sập
Xế chiều, trên đường về ngang qua thành phố Long Xuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét