Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

Nét Xuân


Tôi thật sự về hưu, sau 23 năm làm việc cho các hãng Mỹ. Tôi như vừa trút bỏ gánh nặng trên vai, như vừa bước qua một lối sống khác, thoát khỏi mọi ràng buộc đời thường. Nhưng lối sống khác là lối sống thế nào? Có phải là trở về quê hương hưởng thú điền viên chăng? Về quê hương trầm đời dưới chế độ mà tôi đã từ bỏ ra đi, có nghịch lý lắm không? Với lại, chẳng có cục đất chọi chim bên đó, khả năng đâu để mua nổi tấc đất tấc vàng mà đòi điền viên hưởng thú? Vài bạn già khác khuyên nên lên núi cao tìm căn nhà nhỏ ngắm cảnh trời mây uốn lượn. Sáng sáng lòng vòng ngao du sơn thủy, tối tối vác cần câu ra bờ hồ chờ sao rơi trăng rụng. Rồi cõi lòng trộn lẫn với thiên nhiên… để nghe tâm thân an lạc, hồn sẽ liêu phiêu về hướng vô cùng. Ôi cha! Với một ông già sắp sửa “chầu Trời”, liệu cơ quan nào có điên cho mượn nợ 30 năm để mua căn nhà tuốt trên đỉnh cao mà đòi hái sao hứng trăng?

Nhưng ở đời, người tính không bằng trời tính. Lúc đó, tự dưng kinh tế Mỹ suy thoái đến tận cùng. Thiên hạ thất nghiệp dài dài. Các hãng xưởng đóng cửa lia lịa. Nhà đất bị ngân hàng lấy lại te tua. Chợ búa đìu hiu. Những nơi vui chơi vắng vẻ. Lợi dụng cảnh tranh hối tranh tối, tôi chạy lên Escondido dò dẫm, nào ngờ đụng phải một mobile home mới toanh nhưng rẻ mạt. Nó lại nằm bề thế trên con dốc cao, suốt ngày chỉ nghe tiếng chim kêu và gió hú. Cần cái gật đầu nhẹ nhàng của bà vợ, vài tuần sau chúng tôi đã có mặt ở chỗ mới với tâm hồn thơ thới, vì được làm chủ một cơ ngơi trong khung cảnh tĩnh lặng, thanh nhàn.

Escondido là một thành phố phía bắc của quận San Diego. Thành phố này nằm trong một thung lũng cạn, bao quanh bởi những ngọn đồi đá. Nó là một trong các thành phố lâu đời nhất của San Diego, được thành lập vào năm 1888. Escondido ít dân nên cuộc sống rất yên ổn. Vì nằm trên địa thế cao, nên không khí trong lành thích hợp với tuổi già. Ngày đầu tiên sống ở đây, tôi ngủ ngon giấc đến sáng, thức dậy bởi tiếng chim kêu ríu rít trên các vòm cây. Buổi sáng bình yên một cách tỉnh lặng. Tôi có thể nghe từng tiếng cựa mình của những búp hoa vừa hé cánh. Tiếng cỏ non vươn đọt ngoài sân. Tiếng lăn tròn của các giọt sương trườn dài trên phiến lá. Còn gì thú vị cho bằng buổi sáng nghe tiếng gọi nhau của bầy chim ngoài cửa sổ. Chúng xà xuống hàng hiên. Chúng lượn quanh trên những chòm cây. Như đánh thức, như nhắc nhở vợ chồng tôi chuẩn bị cuộc bách bộ.

Chẳng lên được núi cao hứng trăng hái sao thì xuống thung lũng nhìn chim bay hoa nở cũng thú vị biết bao! Khu Mobile Home vời vợi, mùa thu lã chã lá rơi. Nó nằm lọt thỏm giữa những dãy núi hình thiếu nữ có bộ ngực chỉa thẳng lên trời. Thiên nhiên nguyên thủy hợp cùng với bàn tay sáng tạo của con người làm thành một không gian lãng mạn và thơ mộng vô chừng. Bà vợ tôi mỉm cười với chỗ ở mới. Tôi vui vẻ với láng giềng. Cả hai vợ chồng bằng lòng với những ràng buộc do tôi cố gắng chọn lựa. Sáng sáng chiều chiều, tôi kéo bà vợ đi bách bộ trong khu. Buổi trưa, trở về chăm sóc các chậu hoa, các liếp rau nho nhỏ. Hứng chí, leo xe buýt rong chơi đó đây hoặc dẫn nhau lên núi, ngồi yên lặng bên bờ hồ, nghe tiếng thiên nhiên thở dài, vọng lên từ đáy sâu.

Đi bách bộ trong khu riết cũng chán phèo, chúng tôi bắt đầu mò ra đường phố. Phố thênh thang, sóng sánh nắng vàng. Chòm cây Trúc Đào bên vệ đường lún phún hoa trắng. Cảnh vật trầm lắng, yên lành, dường như mời gọi bước chân cuốc bộ của chúng tôi. Và cứ thế, tôi kéo bà vợ đi tới, đi tới. Rồi, đều đặn, sáng nào hai vợ chồng cũng lướt một vòng, khoảng 1,6 dặm (quãng cách này do cell phone của bà vợ ghi lại, không biết đúng hay sai?). Loay quay một thời gian, chúng tôi cũng xác định được hướng đi. Thế là, sáng nào cũng khởi hành từ đường Howard, cho đến khi gặp cánh rừng nhỏ trước mặt thì quẹo trái sang Harmony Grove, cứ đi mãi đến tận đường, mới quẹo trái lần nữa qua Hale, rồi tiếp tục theo đường vòng cung để tiến vô đại lộ số 9, xong quẹo trái ở Valley ParkWay, đi riết tới ngã tư lại quẹo trái về Auto Parkway. Cuối cùng, trở lại điểm xuất phát Howard. Lúc nào, khi về tới điểm cuối, vợ tôi cũng phải lom khom kéo tôi leo lên con dốc cao mới tới nhà được. Cho nên, vừa bước lên hàng hiên, vợ chồng đã phờ phạc nhìn nhau, mệt muốn xỉu.

Một hôm, trên đường đi bộ, khi tới giao điểm giữa Harmony Grove và Hale, chúng tôi thấy dưới gốc khuynh diệp nhiều túi giấy đựng thức ăn nhơ nhớp, bên cạnh hàng chục chai bia và lon coca đã uống hết nước, nằm lăn lóc trên cỏ. Vợ tôi dừng lại, lấy chân đá vào chiếc lon, chợt reo lên.

– Ông ơi, mấy cái này mình lượm, đem về bán ve chai, có lý lắm nha!

Tôi ngó xung quanh, ước lượng cụ thể, rồi lắc đầu.

– Có nhiêu đâu mà đòi bán ve chai. Bà định diễu hài cho bạn bè coi sao?

Vợ tôi rống cổ, cãi lại.

– Mỗi ngày đi bộ, thấy nó mình lượm. Cho tới khi được nhiều, mình bán. Dễ ợt!

Tôi chưa kịp quyết định, bà vợ lại xổ thêm nho.

– Nhất cử lưỡng tiện. Tích thiểu thành đa. Tăng thêm thu nhập gia đình, Ông không muốn sao?

– Bà cứ ào ào, làm sao tôi nói được? Ừa…thì tăng, tăng thêm thu nhập.

Thế là mỗi buổi sáng, vợ tôi mang theo cái túi nhựa, phòng khi lượm được cái lon hay cái chai thì đựng vào đó. Nhưng khổ nổi, lộ trình chúng tôi qua gồm những con đường vắng vẻ, hai bên đường là khu nhà giàu cửa đóng then cài, họa hoằn lắm mới có được vài cái lon rỗng từ trên xe quăng xuống của khách thập phương. Đứng trước nỗi thất vọng vu vơ đó, lòng tự ái của tôi bỗng hừng hực nổi lên. Tôi quyết định tiến tới thùng rác, quyết định nhào vô khu plaza ở Valley Parkway, lùng sục tất cả các nơi chứa rác, đảo ngược mục tiêu ban đầu, lấy việc lượm ve chai là chính, còn chuyện đi bộ chỉ là phụ.

Vợ tôi tán thành ngay với điều kiện phải thức dậy thật sớm, ra khỏi nhà trước tiếng chim kêu, mới hy vọng làm chủ được tất cả những vỏ lon chai trong các thùng rác ở plaza. Tờ mờ sáng, ngọn đèn ở parking lot chưa kịp tắt, vợ chồng tôi đã khăn gói ra đường. Con đường thênh thang, bụi sương còn mù mờ, chưa tan hẳn trong không gian đang trỗi sáng. Tôi đinh ninh, chỉ có vợ chồng tôi là người bộ hành đầu tiên trong ngày. Nhưng không, trước mặt tôi, cách khoảng vài chục thước, hai vợ chồng người Mỹ đang lêu khêu đi với một con chó to lớn. Vợ tôi buột miệng.

– Ông có thấy hai người đi đằng trước không? Họ đang xách một túi nhựa lớn hơn túi của mình. Chắc họ cũng lượm ve chai?

Tôi dừng lại, cố gắng định thần, quan sát cho kỹ hơn.

– Họ đi mua thức ăn sáng về đó. Hai người này là người Mỹ, ăn mặc đàng hoàng, chẳng lẽ họ lượm ve chai?

Vợ tôi tấn công.

– Lượm ve chai, ai lượm không được? Ở đó mà phân biệt Mỹ hay không Mỹ?

Vì là người Mỹ, nên họ đi rất nhanh. Chẳng bao lâu, họ cách chúng tôi một khoảng khá xa, tôi chỉ còn nhìn thấy hình ảnh họ nhạt nhòa trước mặt. Trong lúc vợ chồng tôi đang loay quay ở góc Howard và Hale, họ đã tới gốc khuynh diệp – nơi đầu tiên vợ tôi lượm hàng chục vỏ chai và lon, rồi quyết định theo nghề lượm ve chai từ đấy. Nơi gốc khuynh diệp, dưới ánh mắt nhòa nhạt của tôi, vợ chồng người Mỹ khom lưng xuống cỏ, vừa lượm vừa bỏ vào túi lia lịa. Chỉ vài phút sau, cái túi nhựa căng lên thấy rõ. Lúc đó, hai vợ chồng mới chịu kéo con chó bước đi. Lúc đó, bà vợ tôi vừa lò mò tới Harmony Grove. Bà đang đứng dưới gốc khuynh diệp, chấp hai tay sau đít, mặt bí xị chờ tôi đếm bước.

– Chắc đêm qua tụi trẻ nó tụ tập tại đây ăn nhậu. Tôi đoán, vỏ chai và vỏ lon nhiều lắm. Ái chà! hai vợ chồng thằng cha Mỹ “vớt” hết. Kỳ này, mình thua, trắng tay luôn.

Tôi dịu giọng.

– Hôm nay, bà ăn nói giống dân giang hồ thế ư? Của vào tay ai thì người đó hưởng. Ganh tỵ, tham lam làm gì cho thêm mệt…

Vợ tôi nóng nảy.

– Ngày mai ông phải thức cho sớm, sớm hơn bữa nay. Nhất định ra đường thật sớm. Ông cứ chậm như rùa thế này, thà dẹp tiệm, sướng hơn.

Sáng sau, chúng tôi thức sớm hơn nữa. Vợ chồng kéo nhau ra đường, lúc khu Mobile Home vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Bầy chim ríu rít mọi ngày vẫn nằm rúc sâu trong chòm cây, chưa có con nào nhúc nhích lộ hình. Ngoài đường, bóng đêm vẫn chờn vờn khắp nẻo, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ bình minh sắp trỗi dậy. Nhưng hỡi ôi, đằng trước vợ chồng tôi cũng là bóng dáng của đôi vợ chồng người Mỹ và con chó bẹc-giê to lớn. Họ âm thầm đi và càng lúc càng bỏ chúng tôi một khoảng cách rất xa. Vợ tôi nhìn theo, ấm ức, trút bực tức vào tôi.

– Ông cứ lề mề, chậm chạp mãi. Bữa nay vợ chồng hắn lại đi trước. Đi sau, còn cái gì nữa đâu mà lượm?

Nghe giọng thở than áo não của vợ tôi, lòng tôi tự nhiên chùn xuống, như trĩu nặng một bên. Chợt, một sáng kiến bỗng lóe sáng trong đầu.

– Này, bà theo tôi, hãy đi ngược lại lộ trình. Ông bà Mỹ đi hướng nam, vợ chồng mình đi hướng bắc. Do đó, những chỗ mình qua, ổng chưa kịp đặt chân tới. Cho tới một lúc, tất cả chúng ta sẽ cùng gặp nhau ở một nơi nào đó. Có nghĩa là, phân nửa lộ trình thuộc về mình, phân nửa kia thuộc về ông bà Mỹ. Bà thấy không? Cuối cùng, cả hai nhóm đều có quyền lợi như nhau.

Bà vợ tôi cười khà khà, ra vẻ khoái chí. Bà vừa nói, tôi phục ông sát đất, vừa nắm tay tôi quay ngược trở lại. Thế là, chúng tôi bắt đầu từ Howard, đi ngược lên Auto Parkway, và cứ thế…tiếp tục. Khoảng hai mươi phút sau, tôi đã thấy bóng dáng vợ chồng người Mỹ và con chó bên gốc khuynh diệp. Họ bê một túi nhựa nặng trĩu trên tay, vừa bước lên vỉa hè, ung dung đi thẳng về phía chúng tôi. Dưới ánh đèn sáng choang của đại lộ số 9, vợ tôi hậm hực ngó chăm bẳm vào túi nhựa của ông Mỹ. Trời ơi! Bên trong lớp nhựa trong vắt của túi, chúng tôi chỉ thấy vô số những tấm giấy lau miệng nhơ nhớp, những bịt ny-lon nhàu nát, những hộp đựng thức ăn bẩn thỉu cùng hàng đống những thứ linh tinh dơ dáy khác. Chúng tôi chẳng thấy hình thù của bất cứ vỏ lon hay vỏ chai nào nằm chung trong đó.

Không kềm nổi ngạc nhiên, tôi gượng cười, chào hai vợ chồng người Mỹ.

– Chào ông bà. Ông bà khỏe không?

– Cám ơn. Chúng tôi rất khỏe. Sáng nào cũng đi bộ một vòng. Vui lắm.

Vợ tôi lại ngó túi nhựa trên tay ông Mỹ, tò mò.

– Ông đựng cái chi mà lềnh kềnh trong túi vậy?

– Ồ, đó là rác ông bà ạ! Sáng nào chúng tôi cũng đi bộ, thuận tay lượm rác luôn.

Tôi ngỡ ngàng, ngó vợ tôi. Bà đang cúi mặt xuống đất như muốn lẩn tránh ánh mắt của tôi. Để che đậy nỗi xấu hổ, tôi cố dịu giọng, ca ngợi.

– Có ông bà tình nguyện lượm rác như thế này, thành phố chắc chắn sạch. Dân ở đây sẽ biết ơn, nghĩ đến ông bà.

Ông Mỹ lắc đầu.

– Đây là thói quen của chúng tôi, từ xưa tới giờ. Nó như một cái thú, một sở thích. Đâu cần ai phải ghi công hay biết ơn.

Nghe đến đó, tôi chợt bối rối, nắm tay bà vợ lôi đi một hơi, sau khi cố lịch sự chào từ giã ông bà Mỹ. Người Việt mình xấu thật. Hay chỉ có hai vợ chồng tôi xấu xí? Trong lúc người ta tự nguyện, quên đi lợi ích cá nhân, đem sức lực và tinh thần cống hiến cho xã hội – thì hai vợ chồng tôi chỉ lo chuyện riêng tư. Đã vậy còn muốn tranh chấp, tị hiềm với người ta nữa.

Thành phố có sạch, đẹp và lịch sự…là nhờ bàn tay xây dựng của mọi người. Mỗi xây dựng như một nét xuân, góp lại thành một mùa xuân tuyệt vời cho nơi mình sinh sống. Nghĩ vậy, tôi kéo bà vợ vào lòng, giở giọng thi sĩ.

– Ông bà Mỹ tượng trưng như một nét xuân làm đẹp thành phố. Còn tôi với bà…ôi thôi…chẳng khác gì một đám mây xám mùa đông làm xấu đi cái nơi chốn vốn dĩ đẹp đẽ này.

Phạm Hồng Ân
(Escondido, 27/09/2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét