Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Hội Chợ Đêm Tống Phước Hiệp

(Một chút gì sót lại xin viết về tết Vĩnh Long)

 
(Gian Hàng Hội Chợ Tống Phước Hiệp của AH72)

Mùa bải trường Tết năm ấy, 1973, trường Tống Phước Hiệp kêu gọi học sinh và cựu học sinh dựng gian hàng trong sân trường để làm hội chợ Tết mà học sinh các lớp sẽ cai quản gian hàng lớp mình. Dường như đây là lần tổ chức chợ đêm đâu tiên trong lịch sữ của trường, do học sinh buôn bán. Cái khuông viên nhỏ bé, rồi thì cũng trỗ lên những túp lều dã chiến làm gian hàng. Những chàng trai, mặt nun sửa hãnh diện được làm nô bộc cho những tà áo trắng, chạy đi, chạy lại tắp tưỡi để cất chòi, khuân vác bàn ghế. Các cô thì luýnh quýnh chọn và làm thức ăn để bán. Khung cảnh nao nao hội chợ đã làm bọn học trò quên bẵng cảnh máu đào của tết Mậu thân 1968, năm năm trước đây. Và quên bẵng vài đứa học sinh đặc công Việt Cộng đã tan xác ôm mìn khi chưa đến nơi đặt. 

Trong số những gian hàng này, gian hàng cựu học sinh nằm giữa sân cỏ giữa khoảng dãy lớp bên trái, nơi mà các lớp học 12 A và B mà họ vừa bỏ lại, dãy kia của dân ban C. Thực ra gọi là cựu học sinh cũng không đúng nghĩa cho lắm vì chỉ có những người vừa đậu tú tài 2 năm 1972 mà thôi, còn những người trước đó hay thi hõng đều không tham dự. Túp lều này dựng lên bắt chước theo kiến trúc của của dân mọi da đỏ . Nghĩa là dùng 4 cây tre cột đầu vào nhau rồi banh ra 4 góc là coi như xong được cái sườn và trải poncho lên làm nóc, coi như chớp nhoáng đã xong. Túp lều dã chiến hay túp lều lý tưởng là tùy vào sự chú ý của học sinh đương thời hơn là những cái bản mặt đã hóa mộc, của bọn cựu này.
Dường như bọn ban B là xông xáo, nhanh nhẩu và đầy sáng kiến hơn cả cho cái túp lều của cựu học sinh . Từ kiến trúc đến chọn hàng đều do bọn cựu học sinh ban B chiếm lãnh và cái món độc nhất mà họ bán là cháo cá vừa dễ làm, vừa tiện cho con số nữ nhân viên eo hẹp của ban B.

Rồi đêm mở hội cũng bắt đầu. Hắn được gia nhập khiếm danh như một cựu học sinh. Hắn sẳn sàng phụ vào nếu được gọi đến. Nhưng hầu như từ chiều đến tối hắn chỉ ngồi, đứng bâng quơ mà nhìn cảnh nao nức của những gian hàng khác. Tuy nhiên gian hàng cựu học sinh và món cháo cũng được chiếu cố đặc biệt. Đa số là nữ khách hàng. Không hiểu là vì mang danh sựu học sinh mà được chiếu cố hay vì có lắm nhân viên nam bảnh trai sẳn sàng tiếp đón. Hắn, được no nê để ngắm những tà áo trắng lột xác trong những y phục trau chuốc hơn. Dường như cái đẹp nó tăng lên khi người ta mở hội, lúc người ta trịnh trọng hơn hẳn cái đẹp lúc bình thường.
Nồi cháo to tướng đã sắp cạn mà đêm hội chợ còn mấy tiếng mới tàn. Bọn họ nhìn nhau tìm cách giải quyết. Hắn thì rãnh rang mà tiếp đải hai cô nữ học sinh. 
- Chúng tôi chỉ bán cháo. Hai cô dùng chứ.

Cô nàng có mái tóc vừa chấm vai, có nét đẹp man dại dưới ánh sáng lờ mờ của gian hàng, xoay qua thủ thỉ với cô bạn. Rồi nói.
- Dạ cho tụi em hai tô.
Hắn chạy vào nhanh nhẩu xin hai tô và mang ra cho hai cô học sinh. Đặt hai tô xuống.
- Xin mời hai cô dùng . Bọn này không là thiện nghệ nấu cháo nên đừng chê nhé!
Xong hắn lùi lại, nhưng còn luyến tiếc không muốn đi tiếp khách hàng khác, mà chỉ muốn tiếp hai cô này. Hắn giả vờ đi đi, lại lại để cho hai nàng không ngại mà ăn. Liếc thấy tô cháo sắp cạn, hắn lo sợ là không còn dịp để nói chuyện nữa nên sấn lại giả vờ hỏi han.
- Cháo có được không? 
Người đẹp man dại trả lời. Dường như người đẹp lại chiếm hết, từ cái đẹp cho đến cái mấp môi, đến lời ăn, tiếng nói.
- Dạ được. 
- Xin giới thiệu. Tôi là Hưng. Đám này mới tụ về để ăn tết từ bốn phương nên không đủ thì giờ làm gi cả . Nếu có sơ xuất, thì đừng trách nhé. Xin mạo muội, có thể biết tên hai cô, chứ?

- Dạ. Em tên Xuân còn bạn em tên Hạnh.
- Hân hạnh được biết hai cô. Thế! Xuân học lớp mấy?
Lập tức hắn đã quên đi cô bạn mà chỉ biết đến có một người.
- Dạ . Lớp 11.
- Ban nào?
- Ban A.
- À! Thì ra lớp 11A. Thế! Gian hàng lớp 11A nơi đâu? Có thể hướng dẩn tôi chứ?
- Dạ ở cuối đàng kia nhưng tụi em không dự tổ chức. Tụi em chỉ đi hội thôi.
- Tiếc thật! Thế! Nếu tôi mời thì hai cô hướng dẩn, được chứ?
- Dạ thôi! Tụi bạn nó xõ xiêng cho, thì kỳ lắm .
- Ấy chết! Phải tiếp khách kia. Xin lỗi hai cô nhé.
Hắn chạy đi nhưng vội vàng quay lại vì ngại bỏ lỡ cơ hội.
- Đã có người tiếp rồi nên lại rãnh rang.
Hắn đứng trầm ngâm hay đúng ra là hắn đang chọn đề tài để tiếp tục được nói chuyện.
- Gia đình Xuân và Hạnh ở gần chứ? Nhiều học sinh tận bên An Thành, Nha Mân, Bình hoà Phước đến học nên tết này họ phải về xa.
Xuân đáp.
- Dạ em ở Cầu Lầu, còn Hạnh bên cầu Thiềng Đức. Không phải về xa.
- Thế thì tuyệt nhỉ. Đi bộ đến trường không cần xe đạp cũng tiện chán phải không?
- Dạ, nhưng em đi xe đạp. Đở lo bị trễ.
Hạnh xen vào. Dường như cô này sợ bị bỏ quên.
- Còn em cũng vậy . Cầu Thiềng Đức dốc cao hơn và dài hơn Cầu Lầu nên mỗi lần đạp tới đó phải dắt xe, chứ đạp không nỗi.
- Ừ nhỉ! Tôi còn phải gắng huống chi.
- Thế! Xuân ở bên kia cầu hay bên này ?
- Dạ, nhà em thì vừa qua và xuống hết dốc là tới ngay.
- Ây chà! Xuống hết dốc là thả xe đạp hết dốc hay vừa khi độ dốc không còn?
- Dạ đúng là thả xe hết dốc.

Nói xong nàng cười. Làn môi mỏng cạnh nốt ruồi nho nho càng tăng thêm nét kiều diễm. Hắn quên hết cả những toan tính, những câu chuyện sắp sếp trong lòng dưới nụ cười Bao Tự. Hắn thừ người qua những lọn tóc gợn che lấp đôi má nàng. Không biết hắn im lìm được bao lâu, cho đến khi nàng lên tiếng.
- Dạ chúng em xin đi xem các gian hàng khác.
- Ô! Thế hử! Tiếc nhỉ!
Hắn chợt hay là mình nói một cách vô duyên. Tiếc gì? Nên hắn vội bào chữa.
- Tiếc là Xuân không hướng dẩn cho đi xem với.
- Dạ. Ngại mấy đứa bạn nó bắt gặp thì khỗ.
Hắn giả vờ ngây thơ 
- Khổ gì ?
- Chúng nói này, nói nọ . Kỳ chết!
- À ha! Thì em út đưa người quá tuổi, có chi đâu này.
Nói xong, hắn cười khẻ. Xuân nói.
- Anh mới làm cựu học sinh chứ xưng người quá tuổi tưởng như già khú rồi vậy.
- Nhưng cho đi không nào.
- Dạ thôi!
- Cũng đúng nhỉ! Nhưng xin địa chỉ để anh đến chúc Tết lấy hên có được không nào!? Hạnh cho trước nhé.

Nhờ vào Hạnh ngại bị bỏ quên nên cô nàng nhanh nhẩu cho địa chỉ. Thế là Xuân cũng phải cạnh tranh mà cho hắn. Hắn mỉm cười và thầm hẹn trong lòng là mùa xuân đang đến với hắn. Chào hai cô khách hàng nho nhỏ ra đi mà hắn tư lự trong bao ý nghĩ của những ngày sắp đến. Một chén trà, thanh mứt bí, những hạt dưa làm hồng thêm đôi môi ấy. Mái tóc gợn quanh tựa như những chiếc màn che hờ một bóng người tuyệt đẹp. Hắn đã quên. Hắn quên hẳn những máu đào của ngày tết năm nào chỉ còn lại những đài xuân đâm chồi, những hương xuân ngạt ngào lấp cả khung trời tỉnh lẻ của Vĩnh Long. Môi hắn giữ nguyên nụ cười. Nụ cười như không bao giờ dứt. Bỗng tiếng đập vai. Hắn giật mình trở về thực tại. Cường hỏi.
- Hê! Làm gì mà đứng đó cười hoài. Phụ mang nước nấu thêm cháo đi cụ.
- Ừ! Ừ!

(Gian Hàng Hội Chợ Tống Phước Hiệp của AH72)

Hắn mang thùng đi hứng nước nhưng lại nhìn dáo dác trong hàng hàng lớp người đi hội chợ để mong gặp lại Xuân. Hắn ước là sẽ gặp nàng trong vạn người kia để hắn tỏ vẻ ngạc nhiên, để hắn có cớ đi theo nàng. Nhưng không. Niềm mơ ước nho nhoi đó không về và hắn vác cái thùng nước trở về gian hang ma tiếc nuối.
Từ lúc ấy, hắn đã mất hồn. Lòng hắn lúc nào cùng nhớ đến từng chi tiết đêm gặp mặt ấy. Dù nhớ cặn kẽ từng chi tiết như gương mặt nàng, vóc dáng nàng thì như ẩn, như hiện. Cố hình dung thì hình dung không thế ráp lại được. Đôi môi ấy, mái tóc ấy, nụ cười ấy, thế ngồi ấy, v.v... tựa như nhớ rất rõ mà tựa như chẳng nhớ gì. Hắn cợan óc nhưng hình ảnh thì u mờ mà nỗi nhớ loang rộng thêm. Hắn chờ qua giao thừa. Hắn đợi qua mồng một, vì hắn ngại sư kiêng cử đến thăm em vào mồng một nhở có chuyện không mai là hắn bị lôi ra mà đỗ thừa. Thời Việt cộng hung hãn chực chờ phá những ngày tết này thì việc xui xẻo nào chẳng thể chẳng sảy ra.

Thế rồi sáng mồng hai, hắn hăm hở từ tờ mờ sáng. Hắn đi tới, trở lui . Tự trách mặt trời lên quá chậm . Đồng hồ sao như chẳng chịu chạy nhanh. Hắn lấy Honda chạy loanh quanh thành phố . Thành phố nhỏ nhoi, Cầu Lầu, Cầu Lộ, Ngã Ba, v.v chạy tí xíu đã phải chạy lại. Hắn vừa đi vừa hát "đi dăm phút đã về chốn cũ . Một buổi chiều nào, lòng bỗng bâng khuâng". Đúng là lòng hắn bỗng bâng khuâng nhưng đây không là phố núi Pleiku mà là Vĩnh Long nhỏ bé bao bọc bằng "những giòng sông chảy ra đêm buồn, những giòng sông nhẩn nhục đau thương". 

Mắt trời rồi cũng lên cao. 10 giờ sáng thì hắn đã thả dốc cầu Lầu. Chiếc Honda không thể buông dốc như nàng nhắn nhủ. Lòng hắn bỗng căng thẳng. Sự căng thẳng lạ lùng như người ăn trộm dù ngoài mắt làm ra vẻ hiên ngang . Hắn hít một hơi thở dài, tự trấn tỉnh để bước vào nhà nàng, định gõ cánh cửa mở hờ. Thường ngày tết nơi này người ta chi khép hờ cửa, nửa như sẳn sàng tiếp khách, nửa như ngăn chặn quỉ ma. Qua khe cửa hắn đã thấy mái tóc ấy, nụ cười ấy, vui nhộn ấy của nàng. Và người đối ẩm của nàng là một gã đàn ông dáng vấp thư sinh. Hắn chùng chân. Nhưng rồi hắn đành phải và cần phải bước vào để hiểu rõ sự tình. Hắn gõ cửa. Có lẻ vì đang vui nên nàng không hay là bóng hắn đã choáng một phần cửa từ lúc hắn tư lự nơi đây.

Nàng bước ra và tỏ vẻ rất ngạc nhiên.
- Chào anh .... anh .... À! Anh Hưng phải không?
- Chào Xuân . Như đã hứa là anh se ghe mừng tết mà. 
Hắn cố mỉm cười .
- Anh có thể vào chúc tết đàng hoàng và dùng chén trà chứ!?
Nàng đang do dư thi người con trai thư sinh đã vói ra .
- Anh vào đi. Ngày tư, ngày tết đâu thể đến cửa mà không vào .
Nàng như được giải vây, đẩy rộng cửa mời hắn vào. Hắn chào và bắt tay người thanh niên thư sinh.
- Tôi . Hưng. Còn anh có thể cho biết quí danh?
- Tôi tên Đức. Mời anh ngồi chơi.
- Xin anh và xin Xuân nhé.

Hắn xin phép rồi ngồi xuống cái ghế đối diện Xuân còn chàng thanh niên kia vẫn ngồi cái ghế bên phải, cạnh nàng . Để như chống chế việc hắn đột ngột xông đất .
- Tôi mới được biết Xuân qua hội chợ đêm tại trường Tống Phước Hiệp. Và nhân dịp tết tôi ngỏ lời ghé thăm và chúc tết. Thời mai chạy xe ngang cầu Lầu, chợt nhớ tới lời này nên không thể thất hẹn được . Không ngờ là Xuân đang có khách . Thế có trở ngại gì cho hai người chăng? Nếu có thì tôi xin cáo lui.
Đức bảo.
- Không có gì. Tôi và Xuân đã quen biết từ lâu. Tôi và anh Xuân là bạn học cũ giờ chúng tôi ... phải nói là thân.
Đức lái qua chuyện khác.
- À! Nghe vừa nghe Xuân nói đến hội chợ đêm. Gian hanh của anh là cựu học sinh. Đúng không? Tôi thì la cỗ học sinh rồi. Năm thứ ba Luật rồi còn gì đâu, phải không.
Đức muốn khoe là kẽ đàn anh. Hắn vờ đi, vì hắn đâu có tự xưng là cựu học sinh. Hắn chỉ đến đó để vui!
- Chà! Bao giờ anh thành luật sư thì đừng quên tôi nhé .
Hắn chơi lại Đức vì ra trướng luật cũng chưa chắc làm được luật sư đừng nói chi là năm thức ba.
Đức quay sang Xuân.
- Em thấy chưa ? Chưa chi đã có khách rồi.
Đức và nàng cười xoà. Nàng vuốt theo.
- Chừng đó anh nhớ cho em làm thư ký nhé. Không cho em sẽ kiện lại đó .
- Đừng lo. Chân thư ký thì không ai giành lấy đâu, mà cả văn phòng thì em cũng toàn quyền.

Hắn định tham gia và móc vào nhưng khựng lại trong lòng. Vì càng nói móc thì hắn sẽ càng lố bịch hơn khi người ta là cặp, là đôi . Hắn đưa tay lấy mảnh mứt gừng đưa vào mồm để nghe cay xè. Hắn xin phép rồi nâng chén trà lên nốc cạn. Trà nóng, mức cay nhưng không cay và bỏng cháy như lòng hắn lúc này. Hắn gượng cười.
- Nhân năm mới, anh xin cầu chúc Xuân cùng gia quyến một năm an khang và may mắn. Nhất là Xuân thi cử thành đạt. Và cũng xin chúc anh Đức một năm toàn mỹ.
Nàng còn đang bận bịu sắp chữ để đáp lại thì Đức đã nhanh nhẫu.
- Tôi cũng chúc anh nhiều may mắn và tiến đạt.
- Cảm ơn anh. 
Đến giờ nàng mới kịp mở lời chúc
- Em cũng chúc anh như anh Đức chúc vậy. Cám ơn anh ghé chơi.
- Cảm ơn Xuân cho ghé. May là không bi thổi ra nhằm ngày mồng hai đấy chứ. Sự thật thì anh còn phải đi chúc bạn bè, nên hông thể ở lâu. Xin phép Xuân nhé.
Nói xong hắn đứng lên chào tạm biệt Xuân và bắt tay Đức.

Hắn lên chiếc Honda phóng đi mà chẳng biết đi đâu. Lòng hắn rối bù . Những hăm hở, nôn nóng từ sáng sớm giờ chỉ còn lại là đỗ nát như một bải chiến trường vừa im lặng. Bãi chiến trường, không máu ai khác hơn là máu của hắn đang từng giọt nhỏ đẩm vết thương. 

Từ mùa Xuân năm đó, nàng Xuân năm đó đã khiến hắn viết lên dốc cầu Lầu những nỗi buồn cay xé. Những đêm về muộn phố Vĩnh Long vắng người từ choạng tối. Hắn đã loanh quanh bên dốc cầu. Hắn đã viết mòn bẹt những đôi giày ở nơi đây những dòng chữ, mà chỉ mình hắn đọc được. Dưới kia nước vẫn đi qua không bao giờ trở lại mà hắn thì vẫn trở lại. Những đôi giày giờ không còn nữa nhưng những hàng chữ vẫn nằm kia. Đâu ai hiểu.

Hoài Tử 20130130
* Ảnh của Phan Thị Sương- NK 1972

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét