Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Y Học Thường Thức - Thần Kinh Hệ (Bác Sĩ Đinh Đại Kha)


Y HỌC THƯỜNG THỨC
Thần Kinh Hệ

Cấu tạo tổng quát của thần kinh hệ 

Thần kinh hệ là hệ thống sinh lý trung ương điều hành toàn thể các cảm giác và hoạt động của cơ thể. Thần kinh hệ còn có những chức năng rất đặc biệt về cảm nghĩ, suy xét và trí thông minh của con người. Thần kinh hệ chia ra làm 2 phần: Thần kinh hệ trung ương bao gồm não bộ và tủy sống. Thần kinh hệ ngoại biên bao gồm mọi loại dây thần kinh trong cơ thể. 

Thành phần cơ bản của thần kinh hệ là tế bào thần kinh, có kích thước lớn hơn mọi tế bào khác trong cơ thể. Mỗi tế bào thần kinh gồm có thân tế bào và 2 loại sợi thần kinh: Một sợi dài tên là sợi trục để truyền các xung động thần kinh (một luồng điện) từ thân tế bào chạy ra. Nhiều sợi ngắn tên là sợi nhánh có nhiệm vụ tiếp nhận xung động thần kinh để truyền vào thân tế bào. Chung quanh tế bào thần kinh có nhiều tế bào đệm để bảo vệ và phụ giúp hoạt động của thần kinh hệ nhờ các chức năng sau đây: 
* Chúng họp thành một thứ đệm che chở thần kinh hệ chống các chấn thương vật chất trực tiếp. 
* Cung cấp hóa chất dinh dưỡng cho tế bào thần kinh. 
* Tăng hoặc giảm tốc độ truyền xung động thần kinh để điều hòa hoạt động của mọi vùng thần kinh. * Có khả năng tiêu diệt vi trùng. 
* Di chuyển tế bào chết trong thần kinh hệ mang đi nơi khác. Não bộ và tủy sống chia ra chất sám và chất trắng. Chất sám gồm có thân các tế bào thần kinh cùng với rất ít sợi thần kinh, các tế bào đệm và mao quản. Chất trắng gồm nhiều sợi trục có chất my-ê-lin bao quanh cộng thêm rất ít thân tế bào thần kinh. Chất my-ê-lin màu trắng và có 2 chức năng là che chở các sợi trục và tăng tốc độ truyền xung động thần kinh. 

Não bộ 

Não bộ là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của cơ thể đồng thời là cơ quan tiếp nhận mọi cảm giác của toàn thân. Về mặt vật chất, não bộ nhận biết sự vật chung quanh chúng ta cùng mọi điều xảy ra trong cơ thể do chức năng cảm giác của ngũ quan và của nội tạng. Não bộ đồng thời chỉ huy sự vận động tự ý của thân thể và điều hòa hoạt động của nội tạng. Về mặt tinh thần, não bộ khiến con người biết cảm nghĩ, biết suy xét và có trí thông minh. Não bộ có nhiều chức năng phức tạp như vậy nên cần nhiều năng lượng để hoạt động. Nguồn năng lượng này gồm có ô-xy và đường glucôt do máu động mạch mang tới. Não bộ cần sử dụng tới 20% lượng máu tuần hoàn trong toàn thân và khi các động mạch não bộ bị tắc nghẽn thì chỉ 10 giây sau là con người sẽ bị bất tỉnh. Não bộ có 2 cơ chế tự bảo vệ chống lại sự thiếu năng lượng để tiếp tục hoạt động (do chất a-drê-na-lin tiết ra theo phản xạ tự nhiên): Khi tuần hoàn tới óc bị trở ngại mà chậm lại thì nhịp tim tăng nhanh hơn để duy trì lượng tuần hoàn 20% của tổng thể dẫn tới não bộ. Khi lượng đường glu-côt trong máu giảm dưới mức bình thường thì tuyến thượng thận sẽ hoạt động (tiết ra a-drê-na-lin) để chuyển chất đường dự trữ trong gan chạy qua máu. Ngoài ra não bộ cũng không bị đa số các hóa chất độc hại hiện diện trong máu xâm nhập vì thành mao quản trong óc không có lỗ chỗ như các mao quản khác trong toàn thân. Tuy nhiên có nhiều loại thuốc và ma túy chuyển được tới óc là do tính chất đặc biệt của chúng có thể đi xuyên qua các tế bào nơi thành mao quản não bộ. 

Cấu tạo và chức năng của não bộ 


Não bộ gồm có 3 thành phần là đại não, tiểu não và thân não. 
Đại não là thành phần vừa nằm ở phía trên vừa bao bọc bên ngoài não bộ. Tính từ ngoài vào trong thì đại não phân chia ra như sau đây: Ở ngoài cùng là lớp tế bào thần kinh dày từ 2 tới 4 ly tên là vỏ não và chính là chất sám của não bộ. Vỏ não điều hành mọi hoạt động tự ý của cơ thể và cũng là nơi tiếp nhận cảm giác toàn thân. Ngoài ra khối chất sám này còn liên quan tới các cảm xúc, sự suy xét và trí khôn của con người. Ngay phía dưới vỏ não là chất trắng của não bộ do nhiều sợi thần kinh họp lại và có chức năng liên kết vỏ não với tủy sống. 

Kế tiếp là thành phần dưới vỏ não gồm các hạch thần kinh trung ương do nhiều tế bào thần kinh hợp lại, có chức năng điều hòa các cử động khéo léo của cơ thể và tiếp nhận các cảm giác cần phân tách tỉ mỉ như các tính chất của cảm giác đau, các chi tiết của cảm giác nóng lạnh và các chi tiết của sự đụng chạm nhẹ ngoài da. Tại đây còn có một khối chất sám gọi là hệ viền cũng gồm nhiều tế bào thần kinh và có chức năng về cảm xúc, vận động tự động và điều hành nội tiết. Nếu nhìn theo hình dáng bên ngoài thì đại não gồm có 2 bán cầu bên phải và bên trái do một khe hẹp phân chia ra. Hai bán cầu não liên kết với nhau do nhiều sợi thần kinh từ bên nọ chạy sang bên kia đi xuyên qua khe phân chia. Mỗi bán cầu não lại kết nối đối nghịch với thần kinh ngoại biên hai bên thân thể, nghĩa là bán cầu não bên phải nối tiếp với thần kinh của nửa người bên trái và đảo lại. Vỏ não tại mỗi bán cầu não chia ra nhiều vùng phù hợp với vị trí của chúng đối với xương sọ, mỗi vùng gọi là một thùy. Các thùy não đều có chức năng riêng biệt như sau đây: Thùy trán điều hành các hoạt động cơ thể tự ý, cũng là trung tâm thần kinh giúp con người học các cử động phức tạp và là cơ sở của phần trí khôn liên quan tới tiếng nói, tới sự suy nghĩ và tới tình cảm. Thùy đỉnh tiếp nhận cảm giác của ngũ quan, nhận biết tư thế của thân thể và ghi nhớ các thông tin về ngoại cảnh. Thùy đỉnh cũng là nơi trí khôn suy luận về toán học. Thùy chẩm liên quan tới thị giác và là cơ sở của trí nhớ về các hình ảnh. Thùy thái dương liên quan tới trí nhớ và cảm xúc tổng quát, cũng là nơi trí khôn phân tích các tiếng động và hình ảnh. 

Tiểu não nằm dưới đại não và ở trên thân não. Chức năng đầu tiên của tiểu não là điều hành các cử động của cơ thể cho được nhịp nhàng và chính xác. Tiểu não cũng lại phối hợp với thân não để duy trì sự thăng bằng của cơ thể khiến người ta đi đứng dễ dàng mà không ngã. Một chức năng khác của tiểu não là ghi nhớ các cử động phức tạp sau khi tập dượt (khiêu vũ, võ thuật…). 

Thân não ở dưới tiểu não, có những chức năng trực tiếp liên quan tới mạng sống của con người và là nơi liên kết đại não với tủy sống. Chức năng của thân não bao gồm:  Gìn giữ cho con người không lâm vào tình trạng bất tỉnh và duy trì mức độ chú ý tới sự việc chung quanh ta.  Điều hành mọi chức năng quan trọng về nội tạng: điều hòa huyết áp và nhịp tim, duy trì sự hô hấp tự động và động tác nuốt. Vì vậy cho nên nếu thân não bị hư hại thì sẽ gây tử vong mau lẹ. Đối lại khi đại não bị tổn thương lớn mà thân não còn nguyên vẹn thì sự sống vẫn tiếp tục mặc dầu con người không còn cử động và suy nghĩ được nữa. 

Che chở não bộ chống chấn thương 

Não bộ được che chở chống các loại chấn thương do nguyên nhân ngoài cơ thể gây ra nhờ ở màng não tủy và xương sọ. Màng não tủy bao bọc toàn thể não bộ cùng tủy sống và gồm 3 lớp: Lớp trong cùng rất mỏng, dính sát vào não bộ cùng tủy sống và có tên là màng mềm. Lớp giữa ở cách màng mềm một khoảng hẹp và gồm nhiều sợi nhỏ đan lẫn với nhau như lưới nhện nên gọi là màng nhện. Khoảng trống giữa màng mềm và màng nhện chứa một chất lỏng là dịch não tủy. Lớp ngoài cùng dính vào màng nhện. Lớp này dày và bền chắc được gọi là màng cứng. Màng não tủy che chở não bộ chống chấn thương nhẹ nhờ màng cứng và dịch não tủy. Xương sọ bao bọc não bộ và che chở chống chấn thương mạnh. Xương sọ bao gồm đáy sọ ở phía dưới và các thành phần xương nhỏ ở phía trên phân chia ra là xương trán, xương đỉnh, xương chẩm và xương thái dương. 

Tủy sống 


Tủy sống là một cơ quan dài và mềm, khởi đầu ngay dưới thân não, hình dáng giống như cây gậy cong queo, đầu dưới nhọn đầu trên cắt ngang thì có hình bầu dục. 
Chiều dài của tủy sống bằng ¾ chiều dài của ống xương sống. 
Tủy sống gồm nhiều dây thần kinh truyền xung động thần kinh chạy đi chạy về giữa não bộ và mọi phần cơ thể, đồng thời cũng là trung tâm của các phản xạ. 
Tủy sống nằm trong ống xương sống bao gồm các khoảng trống ở bên trong 26 đốt xương sống. Các đốt xương sống nằm cách nhau một khoảng nhỏ do các đĩa sụn phân cách. 
Các đốt xương sống này cùng các đĩa sụn có chức năng bảo vệ tủy sống chống chấn thương mạnh. Tủy sống cũng có màng não tủy bao bọc để bảo vệ chống chấn thương nhẹ. 
Có 31 đôi dây thần kinh cột sống (mỗi đôi có 1 dây bên phải và 1 dây bên trái) xuất phát từ tủy sống và gồm nhiều sợi thần kinh đi tới làn da và mọi cơ bắp trong thân thể. 
Mỗi dây thần kinh này gồm có một rễ vận động nhô ra từ phía trước xương sống và một rễ cảm giác nhô ra từ phía sau xương sống. Hai rễ trước và sau tụ lại thành một dây thần kinh cột sống. 
Chiều dài của tủy sống chỉ bằng ¾ chiều dài của ống xương sống. Khoảng trống còn lại của ống xương sống chứa nhiều dây thần kinh tỏa ra từ cuối tủy sống. Nhóm các dây thần kinh này dính chùm với nhau trông giống như lông ở chót đuôi con ngựa nên y khoa đặt tên là thần kinh đuôi ngựa. Chúng có chức năng điều hành cử động và cảm giác của 2 chi dưới (chân). 


Nếu ta cắt ngang tủy sống thì thấy chất trắng ở phía ngoài và chất sám ở phía trong. Chất sám có hình dáng tương tự như con bướm gồm có 2 sừng lớn ở phía trước thuộc về thần kinh vận động và 2 sừng nhỏ ở phía sau thuộc về thần kinh cảm giác. Trong chất sám cũng còn có các sợi thần kinh mang tín hiệu cảm giác lên não bộ và truyền tín hiệu vận động từ não bộ ra ngoại biên. Chất trắng gồm nhiều sợi thần kinh có 2 chức năng là truyền tín hiệu lên xuống trong tủy sống và liên kết thần kinh giữa não bộ và ngoại biên. 

Các dây thần kinh trong cơ thể 

Toàn thể các dây thần kinh trong cơ thể con người là do lối 100 tỷ tế bào thần kinh hợp thành. Các dây thần kinh này chạy chằng chịt trong toàn thân để kết nối thần kinh trung ương với thần kinh ngoại biên. Ngoài 31 đôi dây thần kinh tủy sống còn có 12 đôi dây thần kinh não bộ liên quan tới mắt, mũi, tai, lưỡi, da mặt và các cơ bắp trên mặt. Đôi dây thần kinh số 11 kéo dài xuống tới ổ bụng và điều hành hoạt động của dạ dày. Thần kinh trung ương truyền tín hiệu qua các dây thần kinh để điều hành hệ thần kinh cơ thể và hệ thần kinh tự động. Thần kinh cơ thể liên quan tới cử động và cảm giác của toàn thân. Một điều rất đặc biệt của thần kinh hệ là sự tiếp nối nghịch đảo giữa 2 bán cầu não và thần kinh cơ thể, nghĩa là bán cầu não bên phải tiếp nối với thần kinh cơ thể bên trái và bán cầu não bên trái lại tiếp nối với thần kinh cơ thể bên phải. Thần kinh tự động điều hành các hoạt động nội tạng và lại phân chia ra thần kinh giao cảm và thần kinh đối giao cảm. Hai loại thần kinh này hoạt động phối hợp, khi một bên gia tăng chức năng thì bên kia bớt mức độ hoạt động và đảo lại. Thần kinh giao cảm kích động khi cơ thể gặp tình huống nghiêm trọng hay nguy hiểm khiến cho mọi chức năng nội tạng đều gia tăng để con người sẵn sàng hoặc chiến đấu hoặc tháo chạy. Thần kinh đối giao cảm điều hòa các chức năng nội tạng khi cơ thể sinh hoạt trong trạng thái bình thường. 

Sự lão hóa của thần kinh hệ 

Khi con người tới tuổi già, các hoạt động cùng chức năng của thần kinh hệ đều suy yếu theo lẽ thiên nhiên. Sự lão hóa đó xảy ra như sau đây. 
Sự lão hóa của não bộ 
Não bộ của người già bị suy yếu do hai cơ chế sau đây: 
* Một số tế bào thần kinh sẽ chết mà không có tế bào khác sinh ra để thay thế. 
* Các tế bào thần kinh còn lại cũng vì tuổi già mà hoạt động yếu hơn khi trước. Như vậy là sự lão hóa giảm bớt cả số lượng và chất lượng của các tế bào trong não bộ. Tuy nhiên cũng lại có những sự kiện thiên nhiên giúp cơ thể chống lại sự lão hóa của não bộ. Đó là: 
* Hoạt động thần kinh bình thường chỉ sử dụng tới một thiểu số các tế bào thần kinh trong não bộ. Như vậy nghĩa là trong óc chúng ta còn có rất nhiều tế bào thần kinh dự trữ. Một số các tế bào dự trữ này có thể khởi sự hoạt động để thay thế các tế bào chết. 
* Đôi khi tế bào thần kinh của người già có khả năng sản xuất các sợi thần kinh mới để liên kết các vùng thần kinh và tăng cường chức năng của toàn não bộ. 
* Trong khi hồi phục các tổn thương thuộc chất sám của não bộ (tai biến mạch máu não, chấn thương…), cơ thể đôi khi phát sinh khả năng sản xuất thêm tế bào thần kinh mới để thay thế các tế bào bị hư hại và tái lập chức năng đã mất (rất hiếm có). Đôi khi, các tế bào mới này còn tạo thêm cho bệnh nhân những chức năng khi xưa chưa hề có. Thí dụ như một bệnh nhân hồi phục tai biến mạch máu não, không những lại đi đứng được gần như bình thường mà tự nhiên có thêm khả năng dễ dàng nhớ số điện thoại của người quen là điều khi trước họ không làm được. Sự lão hóa của não bộ xảy ra sớm hay muộn tùy theo tính di truyền và sức khỏe tổng quát của mỗi người và diễn tiến như sau đây: * Phần trí nhớ về các việc mới xảy ra yếu kém đi khiến cho sự học hỏi những kiến thức mới gặp trở ngại. 
* Khả năng phát biểu bị giảm sút vì người già quên lững một số hiểu biết về ngữ vựng và ngữ pháp. Điều này thường xảy ra ở lứa tuổi 70. 
* Khả năng về trí tuệ tổng quát cũng bị giảm bớt khi con người tới lứa tuổi 80. Theo kinh nghiệm lâm sàng, có những phương cách sau đây làm giảm bớt tốc độ lão hóa của não bộ: 
* Hãy vận động thân thể ít nhất là 3 ngày mỗi tuần. 
* Không uống rượu. 
* Không hút thuốc lá. 
* Các bệnh huyết áp cao, dư mỡ trong máu và tiểu đường phải điều trị cho tới mục tiêu nghĩa là đạt được các kết quả lâm sàng theo chỉ định. 

Sự lão hóa của tủy sống 
Khi con người tới tuổi già, các đĩa sụn xương sống xẹp bớt đi khiến khoảng cách giữa các đốt xương sống thu hẹp lại nên rễ của các dây thần kinh xương sống có thể bị chèn ép. Sự kiện này giảm bớt mức độ truyền xung động thần kinh giữa tủy sống và ngoại biên, liên quan tới cả sự vận động lẫn cảm giác của toàn thân. Kết quả là: 
* Một số cảm giác ngoại biên bị giảm bớt. 
* Hoạt động cơ bắp sẽ yếu kém. 
* Người già dễ bị mất thăng bằng. 
 Sự lão hóa của các dây thần kinh ngoại biên 
 Tới tuổi già, tuần hoàn bị suy kém làm giảm bớt chức năng của các dây thần kinh ngoại biên và kết quả là: 
* Các hành động phản xạ bị chậm lại. 
* Sự khéo léo tay chân cũng giảm bớt. 
* Cảm giác ngoại biên cũng suy kém. 

Tóm tắt 

Thần kinh hệ điều hành mọi hoạt động và cảm giác của cơ thể, ngoài ra còn có chức năng đặc biệt về cảm nghĩ, suy xét và trí thông minh nữa. Não bộ và tủy sống hợp thành thần kinh hệ trung ương. Thần kinh hệ ngoại biên gồm toàn thể các dây thần kinh trong thân thể. Thần kinh hệ trung ương cũng chia ra chất sám do các tế bào thần kinh kết hợp lại và chất trắng do các sợi thần kinh liên kết với nhau. Kể từ trên xuống dưới thì não bộ gồm có đại não, tiểu não và thân não. Kế tiếp ở phía dưới là tủy sống. Đại não gồm 2 bán cầu não, bên phải và bên trái. Điều rất đặc biệt của thần kinh hệ là sự tiếp nối nghịch đảo giữa 2 bán cầu não và thần kinh ngoại biên của 2 bên thân thể. Chức năng của đại não bao gồm các hành động tự ý kể luôn tiếng nói, các cảm giác về sự vật chung quanh thân thể cùng cảm giác trong thân thể và mọi sự liên quan tới trí khôn của con người. Chức năng của tiểu não là giữ thăng bằng cho thân thể và điều hành các cử động chính xác, nhịp nhàng của con người. Chức năng của thân não liên quan tới hoạt động của tim, phổi, phản xạ nuốt và giữ cho con người không bị bất tỉnh cho nên khi thân não bị hư hại sẽ gây tử vong mau lẹ. Thần kinh hệ cũng bị lão hóa như các thành phần khác của thân thể theo lẽ tự nhiên và thường khởi đầu ở lứa tuổi 70. Theo kinh nghiệm lâm sàng, mọi người đều có khả năng giảm thiểu sự lão hóa thần kinh bằng cách vận động thân thể thường xuyên, không uống rượu, không hút thuốc lá và điều trị cho tới mục tiêu các bệnh tiểu đường, huyết áp cao và dư mỡ trong máu. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Thần kinh hệ trung ương Central nervous system 
Thần kinh hệ ngoại biên Peripheral nervous system 
Tế bào thần kinh Neurone Sợi trục Axon Sợi nhánh Dendrite 
Tế bào đệm Glial cell Xung động thần kinh Impulse 
Chất sám Grey matter 
Chất trắng White matter 
Đại não Cerebrum 
Tiểu não Cerebellum 
Thân não Brain stem 
Bán cầu não Cerebral hemisphere 
Thùy trán Frontal lobe 
Thùy đỉnh Parietal lobe 
Thùy chẩm Occipital lobe 
Thùy thái dương Temporal lobe 
Hệ viền Limbic system 
Tủy sống Spinal cord 
Thần kinh đuôi ngựa Cauda equina

Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét