Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Thay Lời Chúc Tết Năm Đinh Dậu 2017


Thay lời chúc Tết năm Đinh Dậu 2017 Còn chẳng bao lâu nữa là năm con gà Đinh Dậu 2017, chúng ta cũng nên có vài hàng nói về con vật này. Gà, đặc biệt gà trống, là loại gia súc thường được đề cập trong văn hoá Đông phương lẫn Tây phương. 

Văn chương bình dân và truyền khẩu nước mình có nhiều thành ngữ, tục ngữ hoặc ca dao liên quan đến gà như: Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau - Con gà cục tác lá chanh - Bút sa gà chết - Gà nuốt dây thun … 
Tranh Đông Hồ vẽ gà rất được ưa chuộng, nhiều người mua về nhà để treo vào dịp Tết như Tú Xương diễn tả qua hai câu thơ: Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột Om sòm trên vách bức tranh gà. Gà Gô-loa (Le cop gaulois) trong văn hoá Pháp biểu tượng cho sự đúng giờ giấc, sự cảnh giác và sự dũng cảm. Áo thun cầu thủ có in hình con gà trống được giới hâm mộ thể thao thích mặc. Cổ động viên thường thả gà trên sân vận động trước trận đá, nhất là trong các trận banh bầu dục (rugby). Cầu thủ Pháp được người nước ngoài gọi là «các chú gà trống Gô-loa». Có lần đi đá ở Đại Hàn, đội tuyển Pháp, đã từng là vô địch thế giới, lại bị loại ngay ở vòng đầu nên khi về nước xấu hổ phải lén ra cửa sau ở phi trường CDG khiến dư luận, báo chí chọc là gà Gô-loa đã trở thành «gà trống thiến» (Le cop gaulois devient le chapon). 

Vào dịp năm hết Tết đến, những người xa quê hương nhiều năm có tuổi như chúng tôi hay hướng về quá khứ, hồi tưởng các kỷ niệm xưa, bị dằn vặt bởi nhiều trăn trở, buồn vui lẫn lộn: Buồn là «mỗi năm người thân mỗi vắng...» trong đó có nhiều đồng nghiệp đã quá cố như GS NVP, TQM, PĐT, TĐB… và gần đây GS VHN tác giả danh từ «Việt Kẹt» (1). Đó là nguyên nhân tạo những khoảng trống vắng trong lòng tôi vì thiếu tri kỷ cùng lứa tuổi, hiểu nhau, quen biết nhau lâu rồi, lại cùng nghề nữa, «đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu » mà, do đó tôi cảm thấy nhiều lúc lẻ loi cô đơn, chỉ muốn cuộn mình trong «tháp ngà» (tour d'ivoire), né tránh chỗ đông người để không vướng mắc vào những lời thị phi…. May thay tôi còn biết đạo, có bạn đời hiểu mình bên cạnh và con cái, sử dụng được internet để liên lạc với đồng nghiệp xưa, học trò cũ sinh đang sống rải rác khắp mọi nơi trên thế giới! Tôi nhận thường xuyên quà tặng của quý bạn như những vần thơ trữ tình, trẻ trung của Trầm Vân được các khung sĩ trình bày rất mỹ thuật, các mẫu chuyện vui gửi hàng tuần của Nguyễn Duy Tại mang lại nhiều năng lượng cho người đọc, những bài cổ thi, mà xưa kia thân phụ tôi thường nhắc nhở, do Phạm Khắc Trí chuyển qua thơ mới với lời chú thích dễ hiểu, biểu lộ khía cạnh uyên bác của vị cựu giáo sư toán, các "pô" ảnh sinh động của quê hương và đó đây do Hồ Trung Thành chia sẻ thể hiện tài năng như một nghệ sĩ nghiệp dư, các thư và thiệp chứa chan biết bao tình cảm trong những lời chúc mừng vào dịp ngày nhà giáo 20-11, lễ Giáng Sinh, đầu năm Dương Lịch hoặc Tết Âm Lịch   của các CHS nhóm Tuyết Nga, Tuý Nga, Hồng Nga, Hoàng Nương cùng các bạn NK 61-68 Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm, của cặp uyên ương "ít trẻ" Danh-Nguyệt, của Nguyễn Thị Lài, Nguyễn Phép, Lương Chí Vinh….Đặc biệt đối với tôi là CHS Bùi Hữu Trạng từ Úc châu đi du lịch Âu châu cũng dành thì giờ lại nhà thăm tôi. Những tấm chân tình này nuôi dưỡng tôi rất nhiều, sưởi ấm lòng kẻ tha hương định cư tại Pháp gần bốn chục năm trong lúc chờ đón Xuân Đinh Dậu vì Tết Nguyên Đán năm nay rơi nhằm ngày 28-01-2017 DL vào giữa mùa Đông lạnh lẽo ở Tây phương. 

Nhớ người xưa, tôi liên tưởng đến các câu đố, những mẩu chuyện vui tếú lúc hàn huyên trao đổi tâm sự với các đồng nghiệp trong phòng họp GS, trên sân trường dưới bức tượng cụ Phan Thanh Giản, khi dạo chơi ở Bến Ninh Kiều thơ mộng hoặc qua các cuộc gặp gỡ trong các chuyến về thăm quê hương (Tôi xin lược kể lại vài mẩu chuyện đó ở cuối bài viết này để chia sẻ niềm vui nhân dịp Xuân về). Vui là mình lại được thêm 365 ngày trong quỹ thời gian để mỗi ngày sống tích cực, sống an vui, sống cho mình và cho người thân. Cá nhân tôi cũng như đa số bạn bè xưa, học trò cũ bây giờ đều có tuổi, sức khoẻ giảm sút, cần lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình (Ecouter son corps / Listen to your body ) mà «đói ăn, mệt ngủ» (2), đừng phí sức khi «lực bất tòng tâm», nên bỏ qua những việc làm mệt trí lẫn mệt thân, coi đó là sự giải thoát! Già có cái vui của tuổi già, như trái chín cây thơm ngon hơn trái cây dú, cần phải đón nhận một cách vui vẻ «Già ơi chào mi» (Bonjour Vieillesse), như Françoise Sagan đã chọn tựa cho một tác phẩm của bà «Buồn ơi, chào mi» ( Bonjour Tristesse), thân già nhưng tâm không già, tìm cho mình một hoạt động thích nghi với thân và tâm như đi bộ, tập thể dục, đi bơi, đọc sách, nghe nhạc, nghe kinh, học viết thư pháp, học vẽ…Tôi bây giờ đã đạt được tuổi «bát thập thủ lai hy», diễn tả theo kiểu nhà văn Võ Hồng trong bữa tiệc mừng ông được 70. Ông khôi hài chỉ cổ mà nói «thất thập cổ lai hy» rồi từ từ đưa tay xuống dưới xoa ngực, lục thập ngực lai hy, xoa bụng, ngũ thập bụng lai hy … chỉ dừng lại sau một tiếng la lớn «stop» kèm theo những tràng cười rộn rã! Tôi nay hơn nhà văn Võ Hồng hồi đó thập niên nên phải đưa tay lên rờ đầu (thủ) cám ơn đời cho mình thọ đến tuổi «thủ lai hy». Hưu trí đã vài năm, con cái thành đạt, có công việc làm vững chắc, tôi quẳng được gánh lo đi, sống thong dong thảnh thơi, hưởng hạnh phúc trời cho và tỉnh thức để trân quý những ngày còn lại vì Cuộc đời còn có là bao, Sống trong tỉnh thức ngày nào cũng vui! Đầu xuân người Á đông chúng ta thường có tục lệ đi chùa hái lộc, đến đền thánh bốc quẻ khấn nguyện, cầu xin, người Tây phương cũng có ý tưởng tương tự khi bắt đầu năm mới (faire un vœu ). Chúng ta cũng không nên để tuổi già nhàn rỗi ù lì, không tốt cho thân và tâm, mà tự hứa chọn cho mình một công việc nhẹ nhàng phù hợp cho tuổi tác, sức khoẻ để thực hiện suốt năm nhằm tạo thêm ý nghĩa, phẩm chất cho cuộc sống. 

Riêng đối với các bạn trong Ban Biên Tập Đặc San và Ban Tổ Chức Đại Hội trong đại gia đình Phan-Đoàn, tôi chỉ có lời ca ngợi, thán phục vì các bạn đã bỏ nhiều công sức, thì giờ, tài chánh, kiên trì tổ chức Đại Hội, thực hiện Đặc San liên tục, ròng rã suốt hơn mươi năm dài, mong rằng các bạn sẽ truyền ngọn lửa hăng say, bầu nhiệt huyết nóng bỏng này cho thế hệ nối tiếp. Mỗi lần đi trên đại lộ Champs-Elysée ở Pháp ngắm nhìn ánh lửa lung linh cháy không bao giờ tắt trên mộ người chiến sĩ vô danh dưới Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe), tôi liên tưởng đến ngọn lửa nơi các bạn! Các bạn là những người con cháu rất xứng đáng của cụ Phan, bà Đoàn ở hải ngoại! Tôi xin chia sẻ với các thân hữu, qua bài viết này, tâm tình cuối năm để cùng chung vui đón mừng xuân Đinh Dậu. Rất trân quý Pháp quốc một ngày cuối năm Bính Thân 2016 

Hoài Việt (DHĐ) 

Ghi chú: (1) Danh từ «Việt Kẹt» được GS VHN sáng tác thay thế cho từ «Việt Kiều» để diễn tả tâm trạng của những người muốn đi tìm tự do, nhưng bị kẹt ở lại nên đành cam chịu số phận! (2)Trích trong bài «Cư trần lạc đạo» của vua Trần Nhân Tôn: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên - Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên - Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch -Có báu trong nhà thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. -Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.A/-Vài câu đố -Phi long, phi ly, phi hổ, phi xà, phi loại cầm thú; tại sơn lâm, bất tại hà, năng thực nhục, bất năng ẩm tửu. (Không phải rồng, không phải cọp, không phải rắn, không phải chim chóc, thú vật; sống tại rừng nhưng không sống dưới nước; hay ăn thịt nhưng không hay uống rượu) Đố là vật gì? - Câu trả lời: Cái thớt gỗ -Khi xưa em ở thổ hà; ai ai cũng gọi em là con quan; dốc lòng việc nước lo toan, đầy vơi cũng mặc thế gian ít nhiều. (thổ hà: đất sét lấy ở dưới sông- con quan:còn gọi là «cậu ấm») - Câu trả lời: Cái ấm đất hay còn gọi là siêu đất -Je suis à la tête de 25 soldats. Sans moi Paris sera pris. Qui suis-je? (Tôi điều khiển 25 người lính. Không có tôi thì Paris sẽ bị chiếm đóng. Tôi là ai?) - Câu trả lời: Tôi là chữ A vì mẫu tự tiếng Pháp có 26 chữ cái và A đứng đầu nên PARIS lấy đi chữ A thì thành chữ PRIS B/-Ít mẩu chuyện vui, tếu - Dương Khuê hữu ý khuy toàn biến, Yên Đổ vô tình thức bán luân. Các cụ ngày xưa diễn tả một cách văn chương cảnh hai cụ tình cờ gặp cô thôn nữ "tè" ở dưới ruộng đầu làng , một cụ cố ý thì thấy trọn vẹn trăng tròn đêm rằm (khuy toàn biến "khuy" trong cụm từ hán việt "thâu khuy" 偷窺, nghĩa là nhìn trộm), còn một cụ vô tình chỉ thấy trăng khuyết nửa vầng (thức bán luân)! - Trước còn ngồi xa, sau lân la ngồi gần, vô tình khoe "của" nên lũ chúng con "kiến kỳ". Đây là chuyện hai cậu học trò ngày xưa lại nhà thầy đồ học chữ nho nhưng ông thầy phải đi ăn đám giỗ dặn học trò coi nhà giùm và ôn bài. Sau đó hai cậu lấy cờ ra chơi , cô thôn nữ cạnh nhà có dịp sang thăm, chuyện trò thân mật, vô ý để "hớ hênh" nên hai cậu thấy "của lạ" (Hồi xưa ở thôn quê miền Bắc phái nữ mặc váy nhưng không có slip). Kỳ 碁có nghĩa là cờ (chơi) nhưng còn nghĩa khác kỳ 竒 là kỳ lạ, lạ lùng. Hai cậu học trò này muốn nói là "chúng con chơi cờ và thấy của lạ". Cụ đồ bèn than nho nhỏ "Thế mà không có tôi"! - Đồ Sơn không hơn đồ nhà! Chưa đi chưa biết Đồ Sơn, Đến nơi mới biết không hơn đồ nhà! Đồ nhà tuy xấu, tuy già, Nhưng là đồ thật, không là đồ sơn! Bốn câu thơ trên rất "tếu" nhưng cũng nói lên một ý tưởng sâu sắc là đâu phải đi xa vì "Đồ Sơn không hơn đồ nhà!", mà chỉ cần tìm hiểu người bạn đời bên cạnh, từng chung sống với nhau nhiều chục năm tình nghĩa đậm đà, tuy nhiên vẫn còn những điều không hiểu nhau... nếu không mai sau, âm dương đôi ngả, nuối tiếc thì cũng muộn màng! Câu chuyện vui tếu còn rất nhiều, tôi chỉ kể tượng trưng và xin được kết thúc bằng câu chúc: "Tiền vô như nước sông Đà - Tiền ra rỉ rả như cà phê phin!".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét