Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ - Trương Nhược Hư (-711-)



Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ

Xuân giang triều thuỷ liên hải bình
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh
Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh

Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện
Nguyệt chiếu hoa lâm giai như tiển
Không lý lưu sương bất giác phi
Đinh thượng bạch sa khan bất kiến

Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân

Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ
Giang nguyệt niên niên vọng tương tự
Bất tri giang nguyệt đãi hà nhân
Đản kiến trường giang tống lưu thuỷ

Bạch vân nhất phiến khứ du du
Thanh phong phố thượng bất thăng sầu
Thuỳ gia kim dạ thiên chu tử
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu

Khả liên lâu thượng nguyệt bồi hồi
Ưng chiếu ly nhân trang kính đài
Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ
Đảo y châm thượng phất hoàn lai

Thử thời tương vọng bất tương văn,
Nguyện trục nguyệt hoa lưu chiếu quân
Hồng nhạn trường phi quang bất độ
Ngư long tiềm dược thuỷ thành văn

Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa
Khả liên xuân bán bất hoàn gia
Giang thuỷ lưu xuân khứ dục tận
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà

Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ
Kiệt Thạch Tiêu Tương vô hạn lộ
Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ

Trương Nhược Hư (-711-)
***
Dịch Thơ:

Đêm Hoa Trăng Trên Sông Xuân


Mặt nước sông xuân ngang mặt biển
Trăng lên vào lúc thủy triều dâng
Tràn lan cùng khắp đầy trăng sáng
Lớp lớp sóng xuân nổi mấy tầng

Dòng nước lượn quanh vùng thảo dã
Thảm hoa trăng giãi tuyết ngàn pha
Sương trời bất động lung linh ngọc
Cát trắng nhạt nhòa bờ bãi xa

Trời nước tinh khôi không mảy bụi
Trăng cao vời vợi sáng trong ngần
Ai người trên bến thấy trăng trước
Vầng nguyệt năm nao chiếu xuống trần

Nhân sinh lớp lớp vô cùng tận
Trăng nước đời đời vẫn thế thôi
Không biết trăng lên người ngóng đợi
Sông dài trăng sáng một dòng xuôi

Mây bạc ngang trời trôi lãng đãng
Phong xanh bến đỗ rũ u sầu
Đêm nay ai đó trong thuyền nhỏ
Biết gửi về đâu nỗi nhớ nhau

Vằng vặc trăng thanh trên gác vắng
Đài gương ngỡ tưởng bóng người về
Cuốn rèm trăng vẫn đầy lầu ngọc
Chầy giặt đập hoài trăng chẳng đi

Cùng một vầng trăng sao cách ngăn
Ước như bóng nguyệt ở bên chàng
Cánh hồng không thể chở trăng được
Rồng nước quẫy quanh sóng gợn lan

Đêm qua nằm mộng thấy hoa rụng
Đã nửa tuổi xuân người chửa về
Sông nước xuân thì trôi sắp hết
Thương ai đầm quạnh bóng trăng thề

Mảnh trăng dần khuất trong sương biển
Sông núi cách ngăn trăng xẻ hai
Ngóng đợi người đi quay trở lại
Rừng cây gió lộng dọc sông dài

Phạm Khắc Trí
***
Dịch Thơ:

Đêm Xuân Trên Bến Trăng Hoa

Nước triều dâng, sông xuân tràn biển
Trăng theo dòng, cũng tiến trên khơi.
Tỏa lên muôn dặm sóng nhồi
Sông Xuân đâu chẳng đầy trời trăng soi!

Bên đồi thơm, dòng trôi uốn thác;
Ánh trăng soi, trắng toát rừng hoa.
Trông trời, hết biết sương sa …
Bờ sông cát bạc, nhận ra được nào!

Chẳng mảy bụi, một màu trời nước;
Mảnh trăng trôi sáng lướt không trung.
Gặp trăng ? ai trước bên dòng !
Năm nao trăng tới trên sông soi người?

Người sinh hóa, đời đời chẳng hết
Trăng trên sông giống hệt năm năm …
Biết ai, trăng tới rọi thăm ?
Sông trường, chỉ thấy đằm đằm ánh trôi.

Làn mây trắng nhẹ xuôi lờ lững,
Hàng phong xanh khiến những u sầu.
Đêm nay, thuyền nhỏ ai đâu !
Nơi nào mà nhớ một lầu đầy trăng?

Khá thương trăng trên tầng thắm đượm
Chốn đài trang muốn ướm ly nhân.
Cuốn rèm, trăng chẳng dời chân *
Phủi chày, đập áo, cũng vầng trăng in.

Nay mong mãi, mà tin chẳng thấy;
Muốn theo trăng đưa đẩy đến người.
Hồng nhạn bay, trăng chẳng rời,

Ngư long trồi lặn, nước cơi sóng ngầm.

Đêm qua mộng, bên đầm hoa rụng
Nửa chừng xuân mà cũng chưa về
Nước sông trôi hết, xuân kề …
Trên đầm, trăng đã bóng rề qua Tây.

Trăng xế bóng, lẩn rày sương biển,
Thạch, Tương kia, đường đến bao xa?
Theo trăng mấy kẻ về nhà?
Tình cây man mác, trăng tà bến sông.

Sài Gòn, 01.6.1975
Danh Hữu 
(*) Đúng ra thì phải viết là “dời thân” vì trời mới có chân (chân trời) chứ trăng thì chưa nghe ai nói có chân bao giờ, nhưng vì trăng ở đây đã được nhân cách hóa rồi, nên dù ta có gắn đôi chân cho lão, lão cũng lì lợm không muốn cất bước. Hoặc giả là vì trăng không có chân, nên dù có cuốn rèm vẫn không nhúc nhích. Là một cách thi vị hóa ngôn ngữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét