Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Y Học Thường Thức - Tìm Hiểu Về Cần Sa (Bác Sĩ Đinh Đại Kha)


Y HỌC THƯỜNG THỨC
Tìm Hiểu Về Cần Sa

Đại cương 

Cần sa là một loại ma túy thông dụng ở mọi nơi trên thế giới từ xưa tới nay. Theo quan niệm chung thì cần sa thuộc nhóm ma túy nhẹ nghĩa là loại ma túy không gây tử vong khi dùng quá liều. Tại nhiều quốc gia, ma túy này vẫn xếp loại là bất hợp pháp. Mặc dầu đã có rất nhiều người dùng cần sa qua nhiều thế kỷ rồi nhưng khi xưa không có thống kê chính thức nên không xác định được là loại ma túy này có hại hay có lợi như thế nào. Ngay như trên mạng Internet thì cho tới năm 2000 cũng không có tài liệu nghiên cứu đầy đủ liên quan tới vấn đề này. Việc tìm hiểu về cần sa trở nên quan trọng và cần thiết khi có nhiều chính quyền nối tiếp nhau hợp pháp hóa việc sử dụng ma túy này với tính cách dùng để giải trí. Các nhóm nghiên cứu chỉ mới theo dõi các tình nguyện viên được hơn 10 năm nghĩa là chưa đủ thời gian để đưa ra các kết luận xác đáng theo đúng phương thức y khoa chứng cứ. Tuy nhiên họ cũng đã tìm hiểu được nhiều điều lợi và hại của cần sa. 

Tác dụng của cần sa 
Thông thường thì người sử dụng cần sa dùng nụ hoa cần sa phơi khô rồi quấn trong giấy mỏng để hút giống như hút thuốc lá. Chất thuốc cần sa theo khói hít vào phổi rồi hấp thụ vào máu, ảnh hưởng tới thể chất và tâm thần của người hút thuốc. 

Tác dụng tức thời: 
Chỉ ít phút sau khi hút cần sa, tâm thần người sử dụng biến đổi sang trạng thái giống như khi nằm mộng nghĩa là sự suy nghĩ không có hệ thống nữa, mung lung từ chuyện nọ sang chuyện kia. Rồi các cảm nhận về thời gian, không gian và màu sắc cũng mờ mờ ảo ảo dẫn tới tình trạng lâng lâng và thư giãn. Đó là cơn say thuốc của những người đã quen hút cần sa. Lối từ 4 tới 6 tiếng đồng hồ sau khi hút thuốc thì cơn say chấm dứt. 

Trái lại, người mới thử hút thuốc cần sa được ít lần lại dễ bị rối loạn tâm thần, gây ra: -Lo âu -Hoảng sợ không có lý do 
 -Hoang tưởng nghi ngờ (nghĩ mọi người đều muốn ám hại mình) Tác dụng thể chất của cần sa thì nhẹ nhàng hơn: 
 -Tim đập nhanh 
 -Kết mạc nổi gân máu (mắt đỏ) 
 -Khô miệng 
Tuy nhiên tác dụng của cần sa làm sai lệch cảm nhận về thời gian và không gian, đồng thời mọi phản xạ cơ thể đều bị chậm lại nên rất dễ gây tai nạn khi lái xe. Vì vậy ngày nào dùng cần sa thì ngày đó nên tránh lái xe. 

Tác dụng lâu dài: 
Người hút cần sa có cảm giác thư giãn và dễ chịu khi say thuốc nên dễ dàng dẫn tới tình trạng nghiện thuốc. Cơ thể tiếp xúc lâu dài với thuốc cần sa sẽ bị tác hại tới cuống phổi và não bộ. Tâm thần người nghiện thuốc cũng chịu ảnh hưởng xấu của ma túy cần sa. Người nghiện cần sa hay bị viêm phế quản, thở khò khè, ho có nhiều đàm. Đó là dấu hiệu các phế quản lớn bị hư hại. Tuy nhiên các nhóm nghiên cứu kết luận là cần theo dõi những bệnh nhân này trong thời gian nhiều năm nữa để xác định biến chứng này có gây bệnh mạn tính trong bộ hô hấp của người nghiện cần sa hay không. Tác dụng lâu dài của cần sa đối với não bộ là khiến cho mọi nhận thức đều bị suy yếu. Đôi khi óc cũng bị teo bớt so với người không hút cần sa. Các tác hại này cũng đặc biệt nặng nề hơn nếu người nghiện thuốc bắt đầu hút khi còn trẻ, lúc chưa tới 20 tuổi. Ảnh hưởng tâm thần đối với người nghiện thuốc cần sa là cảm thấy thiếu hăng hái trong mọi công việc và không có tham vọng chi nữa. Sản phụ nghiện thuốc cần sa không nên cho con bú sữa mẹ vì hóa chất cần sa cũng tiết ra theo sữa.

Hội chứng thiếu thuốc: 
Đây là nói về việc người nghiện cần sa quyết định cai thuốc nên đột nhiên ngưng hút hoàn toàn. Trường hợp người nghiện cần sa mà không kiếm được thuốc hút thì tình trạng cũng giống như vậy. Khi đó sự thiếu thuốc sẽ gây ra một số phản ứng về cả thể chất lẫn tâm thần. Các phản ứng này khởi sự vào thời điểm 12 tiếng đồng hồ sau lần hút thuốc cuối cùng, không gây nguy hiểm tới tính mạng và sau 7 ngày thì hồi phục được. Các triệu chứng bao gồm: -Mất ngủ -Dễ nóng giận 
-Trầm cảm ngắn hạn 
 -Buồn nôn (muốn ói) 
 -Biếng ăn 

Sử dụng cần sa để giải trí Những người hút cần sa để giải trí kể lại rằng cơn say thuốc của họ kéo dài từ 4 tới 6 tiếng đồng hồ và diễn tiến qua 3 giai đoạn: 
 -Khởi đầu chất thuốc gây ra cảm giác thư giãn và lâng lâng dễ chịu. 
 -Sau đó tới lúc người hút thuốc đột nhiên có cảm hứng về văn học hay nghệ thuật (viết văn, hát, soạn nhạc). Ngược lại, có người tới giai đoạn này lại phát sinh lo âu không lý do hay hoang tưởng nghi ngờ. 
 -Giai đoạn 3 xảy ra ít phút trước khi dã thuốc. Lúc đó người hút thuốc đã tỉnh táo, nhưng cảm thấy đói và tim đập nhanh. 

Sử dụng cần sa trong y học Các nhóm nghiên cứu về cần sa đã thử dùng ma túy này để trị liệu nhiều loại bệnh lý. Nhưng cho tới nay chỉ có 3 ứng dụng sau đây được y học công nhận là hữu ích tương đương với các loại thuốc bào chế hiện có: 
 -Giảm ói, mửa trong lúc hóa trị 
 -Trị liệu chứng biếng ăn của bệnh nhân bị bệnh HIV hoặc hội chứng mất khả năng miễn dịch (AIDS hay SIDA) -Chữa chứng đau nhức mạn tính và chứng co giật bắp thịt Thuốc cần sa sử dụng trong y học được điều chế thành thuốc uống để chỉ định liều lượng cho chính xác. Nếu là thuốc hút thì không có cách nào đo lường được lượng thuốc do bệnh nhân sử dụng. Các cấm kỵ của thuốc cần sa bao gồm các bệnh tim mạch, bệnh động kinh, bệnh tâm thần. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú sữa mẹ cũng cấm kỵ thuốc này. Thuốc cần sa dùng trong y học dù theo đúng liều lượng chỉ định cũng có các phản ứng phụ hoặc cấp thời, hoặc lâu dài giống như thuốc hút. 

Phản ứng phụ cấp thời: 
 -Mờ mắt 
 -Chóng mặt 
 -Có cảm tưởng yếu mệt 
 -Ói mửa 
 -Ảo giác 
 -Các phản xạ cơ thể bị chậm lại 

Phản ứng phụ lâu dài:
-Nhận thức yếu kém vĩnh viễn
-Nghiện thuốc
-Mất hăng hái trong mọi việc 

Các tác hại của cần saCần sa được xếp loại ma túy nhẹ vì nếu dùng quá liều cũng không gây nguy hiểm chết người. Tuy nhiên cũng có trường hợp ma túy này gián tiếp gây tử vong khi cơn say thuốc khiến nạn nhân không tự chủ được mà bị tai nạn lao động hay tai nạn giao thông. Nếu người nghiện vừa hút cần sa vừa uống rượu hay dùng chung cần sa với ma túy khác thì sẽ có nguy cơ bị biến chứng gây tử vong. Khi người hút cần sa say thuốc thì các phản xạ cơ thể bị chậm lại đồng thời cảm nhận về thời gian và không gian cũng bị sai lệch nên rất dễ gây tai nạn khi lái xe hơi hay lái máy bay. Trường hợp điều khiển máy móc lớn cũng có nguy cơ gây tai nạn. Bệnh nhân uống thuốc cần sa theo đúng liều lượng chỉ định cũng bị trở ngại giống như vậy. Tình trạng bất thường này phải qua 24 hay 48 tiếng đồng hồ mới chấm dứt. Còn có rất nhiều tác hại khác của cần sa liệt kê sau đây: 

 -Khiến các bệnh tâm thần sẵn có trở nên nặng hơn
-Gây đổ mồ hôi dầm dề
-Gây nhức đầu
-Gây bồn chồn, đứng ngồi không yên
-Giảm trí nhớ
-Khiến các hình ảnh nhìn thấy trở thành méo mó
-Khiến không tập trung tư tưởng được
-Gây hoang tưởng nghi ngờ
-Khiến vui, buồn bất thường
-Khiến nhận định sai lệch mọi sự việc
-Có khi không biết mình là ai nữa
-Gây hoảng sợ không lý do
-Khiến mất hăng hái trong mọi tình huống
-Gây ảo tưởng
-Gây cơn hỗn loạn tâm thần 

Xem ra như trên đây thì cần sa gây ra rất nhiều tác hại cả về thể chất lẫn tâm thần. Nguy hiểm hơn nữa là tác dụng của ma túy này tồn tại tới 24 tiếng đồng hồ trong cơ thể sau mỗi lần hút thuốc. Và đa số thiếu niên hút cần sa thường xuyên sẽ bị teo óc. Đối với xã hội thì ảnh hưởng lâu dài của cần sa là làm giảm sút sức lao động của người nghiện thuốc và khi họ lái xe sẽ dễ dàng gây tai nạn. 
Vì vậy lời khuyên về giữ gìn sức khỏe là đừng dùng cần sa để tránh tác hại cho bản thân và cho cộng đồng. 

Tóm tắt 

Cần sa là một ma túy nhẹ có rất nhiều người sử dụng tại khắp mọi nơi. Hiện nay có nhiều chính quyền hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa để giải trí. Cách sử dụng cần sa thông thường là hút nụ hoa cần sa phơi khô quấn trong giấy mỏng. Cơn say cần sa thường khiến người hút thuốc cảm thấy thư giãn và lâng lâng dễ chịu nên dễ dàng dẫn tới nghiện thuốc. Tác dụng lâu dài của cần sa đối với cơ thể người nghiện thứ thuốc này là gây tổn hại tại phế quản và não bộ. Ảnh hưởng về tâm thần khiến bệnh nhân mất hăng hái trong mọi hoàn cảnh. Cần sa điều chế thành thuốc uống được sử dụng cho bệnh nhân ung thư đang dùng hóa trị, bệnh nhân bị bệnh SIDA và bệnh nhân bị đau nhức mạn tính. Các loại bệnh lý này đều có thể trị liệu bằng thuốc bào chế hiện hữu. Ưu điểm của cần sa điều chế là thuốc có liều lượng chính xác. Nhược điểm là dùng đúng liều lượng vẫn gây tác hại như khi nghiện thuốc. Một tác hại quan trọng của cần sa là khiến các phản xạ cơ thể chậm lại đồng thời làm cho sự cảm nhận về thời gian và không gian sai lệch đi nên tài xế dùng cần sa rất dễ gây tai nạn. Tình trạng bất thường này có thể kéo dài tới 24 hay 48 tiếng đồng hồ. Vì vậy ngày nào dùng cần sa, bất kể là hút thuốc quấn hay uống thuốc viên theo toa, thì ngày đó hãy tránh lái xe. Cần sa gây nhiều tác hại cho người nghiện thuốc và giảm thiểu sức sản xuất của họ nên cộng đồng cũng bị ảnh hưởng xấu. Ngoài ra ma túy này còn là nguyên nhân gây tai nạn giao thông hoặc lao động. Lời khuyên về giữ gìn sức khỏe là đừng dùng cần sa để tránh tác hại cho bản thân và cho cộng đồng. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Cần sa Cannabis 
Ma túy nhẹ Soft drug 
Thư giãn và lâng lâng dễ chịu (cơn say thuốc) High Lo âu Anxiety 
Cơn hoảng sợ không lý do Panic attack 
Hoang tưởng nghi ngờ Paranoia 
Không có tham vọng Lack of stamina 
Hội chứng thiếu thuốc Withdrawal syndrome 
Ảo giác Illusion 
Dễ nóng giận Irritability 
Vui buồn bất thường Mood changes 
Cơn hoảng loạn tâm thần Psychosis

Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét