Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Sự Thay Đổi Hình Thức Bài Thơ



Thời còn đi học, tôi thường quen mắt với những bài thơ dài mấy mươi câu, thậm chí hàng ngàn câu, nhưng liên tục không hề bị ngắt chia thành nhiều đoạn, từ thơ Lục Bát đến Thơ Mới, Thơ Tự Do...nếu có chăng, bài thơ chia đoạn cũng để chuyển ý theo bố cục của Tác Giả mà thôi.
Trong những năm cuối của thập niên 60 thế kỷ 20, đã xuất hiện sự tân trang hình dáng bài thơ, khởi đầu là Thơ Mới 5 chữ và 7 chữ. Một bài thơ được chia làm nhiều đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Sang thập niên đầu của thế kỷ 21 đến nay, sự phân đoạn này phát triển mạnh mẽ, không chỉ riêng Thơ mới, Thơ Tự Do, mà ngay cả đến thơ Lục Bát cũng được phân thành nhiều đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Qua các diễn đàn thơ trên mạng, tôi thấy các nhà thơ Hải Ngoại thường áp dụng hình thức phân từng đoạn như thế này cho tất cả các thề thơ.
 Từ đó trong tôi nảy ra câu hỏi: Bài thơ phân đoạn thế này mới đây hay hình thức này có từ lúc khởi đầu, do các nhà thơ tiên phong trong nhóm Thơ Mới đã làm thế chăng?
Tại sao lại phân chia bài thơ thành từng đoạn 4 câu như thế?
Đây là câu tôi thường hỏi các nhà thơ quen hay làm theo kiểu này. Và được khá nhiều câu trả lời, nhưng đều nằm trong 2 ý: thứ nhất là thấy người ta làm vậy nên bắt chước, thứ hai là thấy hay hay vì trông bài thơ sáng sủa hơn...

Thế là tôi tìm đến Thơ của Tây, Tàu, Ta, coi có chia đoạn như đa số ngày nay không (trong những bài thơ thí dụ để dẫn chứng, khi được đăng sau này, có bài bị phân nhiều đoạn, mỗi đoạn 4 câu )


1- Thơ của Pháp:

- Bải thơ "Est- ce que les oiseaus se cachent pour mourir?" của Francois Coppée có 10 câu gieo vần theo lối Liên Vận, không hề phân đoạn.

"Est- ce que les oiseaus se cachent pour mourir?

 Le soir, au coin du feu, j'ai pensé bien des fois
À la mort d'un oiseau, quelque part, dans les bois.
Pendant les tristes jours de l'hiver monotone,
Les pauvres nids déserts, les nids qu'on abandonne,
Se balancent au vent sur un ciel gris de fer.
Oh ! comme les oiseaux doivent mourir l'hiver !
Pourtant, lorsque viendra le temps des violettes,
Nous ne trouverons pas leurs délicats squelettes
Dans le gazon d'avril, où nous irons courir.
Est-ce que les oiseaux se cachent pour mourir ?

- Bài thơ "Le Lac" của Lamartine gồm 64 câu liên tục gieo Vần Cách Câu. Các bản viết ngày nay, đã chia bài thơ này làm 16 đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Nhưng xem lại bản in của tờ Phụ Nữ Tân Văn số 180 ngày 08 tháng 12 năm 1932 thì bài thơ được viết liên tục không hề phân đoạn. (Xem đường link bên dưới)

2- Thơ của Tàu:

Do cách viết từ phái sang trái từ trên xuống dưới, nên các bài thơ của người Hoa không hề phân đoạn, Ví dụ như bản ngự bút bài thơ "Quan Thư" của Vua Càn Long.

3- Thơ của Ta:
Không bàn đến các dạng Vè, Đồng Dao, Phú...chúng ta chỉ đề cập đến các dạng thông dụng:

Lục Bát:

- Tản Đà
Bài thơ "Thề Non Nước" với 22 câu đi liền một mạch.
 
...

Hoặc bài "Phong Thi" của Tản Đà có 34 câu, phân làm 5 đoạn: 1 đoạn 10 câu, 2 đoạn 8 câu và 2 đoạn 4 câu. Tuy bài thơ nói về gió, nhưng ở mỗi đoạn, vần gieo lại khác nhau ý cũng khác nhau và riêng 3 đoạn cuối ý thơ hoàn toàn không hề liên quan với 2 đoạn trên hay đề cập đến Gió. Tôi có cảm giác đây là do ghép từ các bài riêng lẻ từ 5 bài thơ

-T T KH
Với bài thơ Lục Bát "Bài Thơ Đan Áo"  gồm 24 câu cũng không phân đoạn.

- Á Nam 
Bài thơ Song Thất Lục Bát "Hai Chữ Nước Nhà" có 89 câu nhưng không hề ngắt khúc.

...
...
Thơ Mới

- Thế Lữ
Bài "Hổ Nhớ Rừng" với 47 câu 8 chữ, có câu 10 cũng không hề chia nhiều đoạn 4 câu, mà chia làm 5 đoạn, đoạn ngắn nhất là 8 câu. Nhìn cách phân đoạn này giống như cách bố cục của một bài văn xuôi.

- Quách Tấn
Bài thơ 7 chữ "Đà Lạt Đêm Sương" của ông gồm 12 câu chia làm 3 đoạn, mỗi đoạn gieo một vần khác nhau. Nếu xét kỹ, ta thấy đây là 3 bài thơ Tứ Tuyệt Đường Luật.

- Hàn Mặc Tử
Với bài thơ "Tình Quê" 20 câu 5 chữ, độc vận "ê" và không phân đoạn.
                                                                                  
- Hữu Loan
Bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" bản viết tay cũng như khi đăng trên các báo, cũng không hề phân đoạn.

Ngoài ra ta có thể thấy rõ ràng nhất về hình thức các dạng thơ được in trong quyển Việt Thi của Trần Trọng Kim.

Có nguyên tắc nào chăng, sao các nhà thơ lại có sự trùng hợp như thế? Không thể giải thích chính xác được.

3/ Kết luận

Sau khi tìm hiểu về việc phân bài thơ ra từng đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tôi đã rút ra từ thực tế:
- "Thơ Lục Bát hay những bài thơ Liên Vận không hề phân đoạn, vì vần của câu dưới tiếp nối vần của câu trên. Nếu chia ra, có thể làm cho ý thơ bị cắt rời rạc.
- Những bài thơ chỉ có thể phân đoạn khi đổi sang gieo vần khác hay chuyển sang ý khác.

Đây chỉ là kết luận rút ra từ thực tế qua những gì có trước 1960, không hề thấy có qui luật hay nguyên tắc gì được nêu trên văn bản, nhưng thật thú vị, đây lại là điều không hẹn mà gặp của các nhà thơ từ Tây sang Đông.

Tuy nhiên, việc các nhà thơ ngày nay thích phân đoạn như thế, dù với lý do gì, cũng đã thể hiện cho người đọc thấy được sự hiểu biết của Tác giả ở mức độ nào đối với thơ ca.

Huỳnh Hữu Đức
-----------------------

Các dẫn chứng trích từ:
- Thi Nhân Việt Nam quyển Thượng của Phạm Thanh (tái bản năm 1959).
- Việt Nam Văn Học của Dương Quảng Hàm (Theo bản in năm 1939)
- Wikiperia tiếng Việt. ***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét