Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Việt Nam Ngày Tôi Trở Lại 2016


Thế là Uyển Diễm lại sắp xếp cho tôi một ngày trở về Việt Nam, vui ít buồn nhiều. Vui vì được gặp lại thân bằng quyến thuộc, buồn vì quê hương vẫn nghèo nàn lạc hậu, và rất nhiều người muốn rời bỏ đất nước ra đi tìm nguồn sống.
1.
*Đà Lạt: 

Hai ngày trên Đà Lạt, có lẽ là thời gian tôi buồn nhất. 
“Trở về nơi xưa thêm bao tình thương”, câu hát ấy trong một bài nhạc nhạc xưa không đúng với tâm trạng tôi khi trở về chốn cũ. 

Đà Lạt trước năm 1975 như một thành phố Âu Châu xinh đẹp nằm giữa một khu rừng nhiệt đới. Đà lạt đẹp. Đà Lạt thơ mộng. Đà Lạt những buổi sáng sương mù đưa nhau xuống phố mà trong lòng ngây ngất cơn say. Đà Lạt những tối mùa đông, tay em trốn lạnh trong túi áo anh. Chúng ta bước chầm chậm bên những vườn hoa thơm ngát, giữa tiếng chuông ngân nga từ lưng đồi đổ xuống. 
Nói tới Đà Lạt không thể không nhắc tới dã quỳ. Dã quỳ còn vài tên khác nữa là hoa hướng dương, sơn cúc. Vào mùa dã quỳ trổ rộ, những con đường dẫn tới Đà Lạ, những con đường trong lòng Đà Lạt, những triền núi…vàng rực một màu dã quỳ.

Trở lại những lối đi quanh đèo lên dốc về 
Nhìn lại những mái rêu xanh
Nghiêng vai lạnh kề
Thở lại mùi hương 
Bay đầy thinh không 
Của tình dồn kiếp 
Đã hóa thân chia ra 
Một loài hướng dương 

Vâng, hoa Đà Lạt có phải là hồn của những mối tình đã hóa thân chăng? 
Đà Lạt trong trí nhớ của nhiều người xa xứ là một thành phố thơ mộng, vì cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, một chút lạnh lẽo, một chút sương mù. Rừng Ái Ân, hồ Than Thở, cái cách người ta đặt tên cho rừng, cho hồ ấy, không thơ mộng sao? 

Cái lạnh ở Đà Lạt không buốt giá mà là một cái lạnh mát. Cái nhỏ bé của Đà Lạt, làm cho Đà Lạt có một vẻ gì đó, tựa như nằm lọt trong chiếc nôi của núi rừng bao quanh. Và cái lạnh dường như muốn ru người ta lại gần nhau hơn. Có lẽ vì thế, trước 1975 người ta cho rằng Đà Lạt là nơi lý tưởng để hưởng tuần trăng mật vậy.

Giờ đây, Đà Lạt hoàn toàn thay đổi, từ khí khậu, khung cảnh đến con người. Không còn thơ mộng, thanh lịch. Đà Lạt, nơi đã từng được ví như một thành phố Âu châu xinh đẹp lịch sự hoàn toàn biến mất. Bây giờ cây cối bị đốn chặt, lá như bớt màu xanh, nhà cửa mọc lên như nấm. Người đông, áo quần lam lũ, ngoài đường xe cộ chật cứng. Cũng vì thế mà Đà Lạt không còn lạnh nữa. 
Vì khí hậu không lạnh nên Đà Lạt không còn nét đẹp xưa. Tìm đâu thấy một bóng “khăn san bay lả lơi trên vai ai” của các thiếu nữ xinh tươi má hồng đào đỏ au, đi bên nhau nhẹ cười rúc rích. Những ngày chủ nhật, những nàng thiếu nữ học sinh trường Bùi Thị Xuân , e lệ sánh vai cùng chàng sinh viên Võ Bị, hay Chiến Tranh Chính Trị mặc quân phục trang trọng, buổi sáng chủ nhật dạo phố, dạo quanh hồ Xuân Hương …


Nước mặt hồ vẫn phẳng lặng, êm đềm. Vẫn có những chiếc Pedalo đậu bến, nhưng không thấy bóng một chiếc nào chạy lòng vòng trên sóng nước. Thiếu tiếng cười vang vọng, thiếu giọng nói của du khách reo vui. Không còn áo manto, áo dạ áo len mầu quanh bờ hồ. Chỉ thấy những chiếc áo lạnh thô sơ khoác trên thân hình khô cằn, gương mặt xạm đen. Chỉ thấy cỏ khô, lá úa rụng đầy. Và nước mặt hồ vẫn lăn tăn gợn sóng như lặng lẽ đợi những chiếc Pedalo khơi dậy âm thanh lao xao, khua động một thuở nào…
Chung quanh hồ, chi chít là hàng quán, ghế ngồi, bia rượu say sưa, người dạo chơi thì quần áo mặc lôi thôi. Ôi, buồn làm sao khi nhìn thấy một Đà Lạt thanh lịch ngày nào, nay đã biến thành một Đà Lạt lam lũ, nghèo nàn, lạc hậu! Một Đà Lạt trong trí tưởng mà giờ đây là một Đà Lạt : không gian, khí hậu, con người thay đổi hoàn toàn. Trong lòng tôi trào dâng một niềm đau, một nỗi chua xót ngậm ngùi.

Tôi và Uyển Diễm ở trong căn phòng cũ của ngôi nhà xưa đường Trần Hưng Đạo, nay là một trong một chuỗi khách sạn mang tên Dalat CaDaSa Resort của nhà nước. Căn phòng xưa của vợ chồng tôi vốn đã rộng nay càng mênh mộng, lạnh lẽo vô cùng. Một đêm thao thức.

Nơi đây như không có một sinh khí. Trống vắng, lạnh lùng. Thường chỉ có tiếp đón phái đoàn của “Nhà nước” đến tham quan du lịch, không có du khách vì giá phòng quá đắt. Toàn bộ ngôi nhà như không thay đổi, hình như họ muốn giữ y nguyên. Ngay cả những vết sơn, vết nứt trên tường, dưới sàn gỗ. Tôi còn nhớ sàn nơi phòng ngủ vào phòng tắm, hơi cao một chút, nếu không để ý có thể bước hụt. 
Cho nên ngày ấy nhà tôi đã để một tấm thảm nhỏ dầy cho bằng phẳng. Nay tấm thảm đã mất. Hai chiếc ghế gỗ có chỗ dựa lưng màu nâu xậm kê ngoài balcon vẫn còn, nhưng cũng đã phai màu cùng năm tháng…

Ở đó, tôi không thể nào quên những cơn mưa phùn làm ướt những con dốc nhỏ, Đôi khi người ta phải nắm tay nhau đi khỏi ngã. Ở đó có những cơn gió thơm nức mùi nhựa thông. Ở đó, có lúc người ta tưởng chừng như mình đang đi trong hơi thở của núi rừng. 

Và cũng ở đó, có một thời chiến tranh đã qua đi, và tôi có những ngày thật đen tối:
“Mặt trời không mọc ở phía Đông, Không mọc ở phía Tây” Đó là ngày: “Người yêu dấu của tôi đã chết” như một bài thơ nào đó đã ghi lại.


Vâng, Đà Lạt đẹp và hình như vẫn còn đang ngơ ngác vì những tang tóc chưa xong, lại phải cố thích hợp với những thay đổi bão bùng vừa tới. Nhưng dù sao, đó vẫn là nơi anh đã cho em biết thế nào là những ngọt ngào của tình ái gần và đắng cay lúc xa. 
Cũng ở đó, chúng ta đã có tất cả. Và cùng ý nghĩa ấy, khi không còn nhau nữa, chúng ta đã mất hết. Nhưng rất may, anh còn để lại cho em một giọt máu: Nguyễn Quang Uyển Diễm.

Đà Lạt có thêm cư dân mới, nhưng cũng mất đi một số người đi. Đà Lạt có già hơn 100 tuổi nhưng Đà lạt vẫn đẹp và trẻ lại bằng thế hệ mới lớn. Biến cố 1975 vẫn còn như một vết thương khó lành. Những người cũ bỏ đi. Những người mới vừa tới. Đà Lạt hình như vẫn ngơ ngác, chưa hoàn toàn thích hợp với hoàn cảnh. Đà Lạt vẫn thơm trong gió thông, vẫn xanh mướt những rừng cà phê, vẫn ngọt những miếng khoai mật. Hoa dã quỳ vẫn nở vàng những lối đi quen, như mỉm cười trong nắng gió. Nhắc nhở người xa hãy nhớ. Đừng quên có mắt ai trong đuôi lá xanh. Lấp lánh….để cành ngẩn ngơ. Hồ Xuân Hương vẫn là tấm gương để Đà Lạt tự soi lấy mình. Và bằng đôi mắt trong tâm tưởng, em vẫn nhìn thấy anh trong đó. 


Những thác Cam Ly, rừng Ái Ân, hồ Than Thở…những tên gọi không ngớt mang âm hưởng của những hồi chuông ngân nga, nhắc lại cho tôi một thời hạnh phúc.

Nhưng tôi cùng Uyển Diễm hôm nay đã trở về, tìm được sự ấm áp trong không gian phòng trà Căn Nhà Xưa của ca sĩ Thu Minh. 
Phòng trà tọa lạc dưới một con dốc nhỏ gần khu chợ Đà Lạt. Người ca sĩ chủ nhân này có mái tóc dài buông xõa trên vai . Một dáng dấp rất sinh viên. Những sợi tóc mây ôm nhẹ nhàng gương mặt hiền hòa. Một vẻ đẹp tự nhiên không phấn son trang điểm. Thu Minh thanh thoát ôm cây ghi ta, những ngón tay thon lướt trên hàng phím, âm thanh réo rắt. Một bài hát của Trịnh Công Sơn vang lên trong tôi như gợi nhớ một Quán Văn năm xưa trong khuôn viên Đại Học Văn Khoa Saigon đường Tạ Thu Thâu. 
Thu Minh với dáng dấp và giọng hát rất sinh viên. Phòng trà Căn Nhà Xưa vào mỗi buổi tối là nơi hẹn hò của những tâm hồn yêu nhạc xưa, loại nhạc vàng, nhạc tiền chiến. Họ đến và hát cho nhau nghe với một cây ghi ta, piano, và dàn trống. Một không gian xinh xắn, đẹp một cách nghệ thuật và ấm cúng, do chính nữ chủ nhân tự tay thiết kế, trang trí bằng những trái thông khô. Không gian ấm cúng huyền ảo này đã cho tôi tìm thấy một chút thương yêu, gần gũi của một Đà Lạt thuở nào tuổi thanh xuân. 

Vâng, Đà Lạt vẫn âm vang những bài hát cũ, nhất là những bài hát viết ra từ Đà Lạt, hát công khai, hát hết mình, hát như những người đã từng sống trong kỷ niệm.
Nhiều nhạc sĩ viết nên những ca khúc bất hủ. Nay đã chết. Một trong những người viết ra những bài hát ấy, nay cũng không còn nữa: Lê Uyên Phương.

Em lên ngày mai 
Đường gió trăng cài 
Mong em từng giây
Rộn ràng như ngây 
Ô hay mùa Đông mà xuân đến lâng lâng 
Ô hay mùa Đông 
mà mà mai đã lên bông 
Vì gót chân in dấu ân tình 
Hoa lá ngỡ như mùa xuân 
Mùa xuân ái ân

Bích Huyền


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét