Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Những Ngày Thân Ái Khôn Nguôi

      Năm nay, gia đình Lê Kim chúng tôi mừng Giáng Sinh và Tết Tây có phần nhộn nhịp khác thường hơn mọi năm, vì sự có mặt của ông anh trưởng nam. Anh Tư, người từ Mỹ quốc, xứ lạnh tình nồng, sang thăm các em.

      Ngoài sự tưng bừng, nhộn nhịp, thiêng liêng trong những ngày Lễ Trọng Yêu Thương này, còn có sự náo nức khác thường nữa, là những những món quà được mang đến Úc từ bên kia nửa vòng trái đất. Đó là đồ trang sức làm từ người bản xứ Peru và rất nhiều chiếc áo thung Polo có hình “con ngựa” của nhà sản xuất Ralph Lauren.


      Sau tuần quà đêm Giáng Sinh, để làm vui lòng người cho, các đứa em biểu hiện cho anh Tư biết, bằng cách khoác lên mình những chiếc áo vừa được trao tặng, trong những cuộc đi chơi chung... "Melbourne mấy hôm nay ngựa đầy đường”! Cậu em đã nói thế và lời ấy gây tiếng cười giòn, trong vắt cho cả bọn.
      Hôm nay, theo lịch trình, “bầy ngựa” thẳng tiến về Daylesford, nhìn những "con ngựa" mang đủ màu sắc xanh, tím, hồng, vàng… trên ngực áo mà các em đang mặc, một cảm giác vui vui chợt đến với tôi. Nhưng rồi, thoáng bùi ngùi khi nhớ đến ngày anh sẽ bước lên phi cơ, trở về phương Bắc xa xôi. Tính tôi vẫn thế, chưa trọn vui sum họp lại liên tưởng đến sầu chia phôi…
      Vì ham vui nên chẳng định liệu, không chọn lựa ngày giờ, cả bọn đồng ý đến nơi nào có trồng Lavender, hầu thỏa mãn sở thích của ông anh. Trên đường đi, nhìn từ xa, một nhà hàng trông chẳng khác căn nhà đang ở, được bao quanh bởi những dãy Lavender thắng tấp, mang màu tím nhạt xa xăm, thu hồn người. Chúng tôi vội ngừng xe, đổ xô xuống, nhanh chân bước, bởi sức thu hút từ màu sắc cùng mùi thơm dìu dịu. Hương hoa nhẹ nhàng, thật khẽ “đi” vào khứu giác đến đê mê. 


Những bước chân ngập ngừng của chúng tôi dừng lại ngay cổng ra vào. Một tấm biển “NOW OPEN” bằng vải, đã hạ xuống nằm trải dài trên mặt đất từ lúc nào. Một dấu hiệu thay cho lời... "ngày này cửa hàng tạm nghỉ". Trong luyến tiếc, các anh chị em chúng tôi chỉ còn biết lựa phong cảnh, chụp vài tấm ảnh để sau này, có xa... “Thương nhau mới tặng ảnh này để làm kỷ niệm những ngày xa nhau. Dù cho ảnh có phai màu xin đừng xé bỏ mà lòng này đau”
      Đang lúc thất vọng, bỗng đâu một bóng người xuất hiện. Không tả hết nỗi vui mừng, nhưng lúc biết ra, anh chỉ là người giúp việc, vừa xong việc thu dọn quét tước và chuẩn bị ra về. Chàng thanh niên thật trẻ người, nhưng sự bặt thiệp, lịch lãm, lòng hiếu khách được biểu hiện trên đôi môi, nụ cười và nhã nhặn trong lời nói. Anh mời chúng tôi cử “nhảy rào” vào, tự tiện đi dạo quanh và anh còn cho biết đừng ngại ngùng vì chẳng có ai nơi đây. Giá mà, trở lại thời cách nay mấy mươi năm, lúc chân ướt chân ráo khi mới định cư, lúc “điếc chẳng sợ súng”, có lẽ chúng tôi ngại gì mà chẳng bước vào trong, theo lời mời đầy thâm tình này.
      Đứng bên ngoài vòng rào, thỏa thích với những tấm ảnh ăn ý, chúng tôi rời nơi này trong luyến tiếc. Hành trình tiếp tục, thẳng tiến... Daylesford, nơi còn chìm ngủ trong những ngày lễ lạc. Thật vậy, người nơi đây đang được nghỉ bù một ngày, vì lễ Boxing Day đã rơi vào ngày cuối tuần. Đa số các cửa hàng đều đóng, ngoại trừ những nơi bán quà lưu niệm cho khách phương xa và những quán cà phê với những chiếc bàn con con nằm lộ thiên, đặt dài theo con phố.
      Ngồi bên ly cà phê đặc quánh bọt, tha hồ ngắm người qua lại,. Họ thuộc đủ các sắc dân, nghe được nhiều ngôn ngữ, ngắm lắm loại áo quần lạ mắt của những du khách, khác sắc tộc,đang khoác trên người. Nhìn quanh một vòng, rất ít người Á châu và có lẽ chỉ chúng tôi là người Việt. Bước dọc theo con phố, tôi mang cảm giác như đi để mà đi, thật thoải mái, lòng vô tư chẳng chút lo âu. Nhưng lúc cậu em Út cho biết gần đến tiệm đồ cổ, ánh mắt chúng tôi sáng lên, nhanh chân bước như chen nhau. Vào đến tiệm, cặp mắt đảo liên và tôi nghe câu nói quen tai: “ Nhìn rồi mới thấy những đồ mình bỏ ra còn tốt hơn ở đây nữa” hoặc “Món đồ này cho em, em cũng không lấy”, có tiếng đứa khác đáp lại: “Hứ! Ai cho mà lấy với không”.
Chúng tôi tiếp tục lên đường và có cùng một ý nghĩ, cậu em Út là thổ địa cho người từ phương xa. Em lái xe dẫn đầu, chạy vòng quanh cho anh em tôi ngắm hết cảnh này đến di tích lịch sử khác.


Rất tình cờ, nơi đây là Lavandula Swiss Italian Farm. Con đường dẫn vào khá chật hẹp cho xe di chuyển, thế mà dòng xe tấp nập. Chúng tôi vừa bước ra khỏi xe, mang cảm giác lạc vào nơi ngan ngát một hương riêng, thật dễ chịu. Cảm giác ấy, thôi thúc mãnh liệt, đôi chân bước nhanh hơn. Làm thế nào mô tả nỗi giây phút đứng lặng người, ngất ngây trước màu tim tím của sắc, hương nồng nàn, kỳ ảo của lá và hoa. Quanh đấy, đàn ong màu vàng thẩm đang vờn hoa, những con khác chen đua hút nhụy. Đàn ong tuy khá nhiều, nhưng đủ hiền hòa khiến người thưởng lãm có thể an tâm đi dọc, dài theo luống hoa để có những bức hình kỷ niệm.
      Hơn mấy mươi năm sống trên đất Úc, lần đầu đặt chân đến nơi này. Ba đồng rưởi lệ phí vào cửa, quả chẳng uổng phí cho một nơi đến, lúc ra về hương hoa vẫn quyện theo xao động lòng người và anh em chúng tôi sẽ còn những kỷ niệm bên nhau khó quên. Chúng tôi rời đi khi chiều dần xuống, mỗi người mang theo hương quen còn vương, vui say với đôi ba cây nến vừa mua, có cùng màu tím và mùi được pha chế từ hoa.


Về đến nhà, lần theo trang www.lavendula.com.au tôi có dịp hiểu biết thêm sự kỳ dịu của thiên nhiên về loại hoa này qua các đoạn văn hay những khúc phim ngắn. Nhìn người đi dọc theo những luống dài, tay cầm liềm cắt hoa. Chạnh lòng, tôi bỗng nhớ về mùa lúa mới nơi quê nhà, nhớ những người nông dân tay lấm chân bùn, trên cánh đồng lúa trổ chín vàng. Việc cắt hoa dù không nhọc nhằn như người nông phu Việt Nam, nhưng họ cũng khá vất vả. Kế đến những công việc chế biến thành dầu hay những sản phẩm đủ loại cho con người cần đến hoặc những hương trị liệu, gây cảm giác đê mê, thư giãn. Thế mới biết đàng sau lưng sự hưởng thụ của bản thân mình, có biết bao giọt mồ hôi của kẻ khác đổ ra.

      Rồi đây, khi anh tôi rời Úc Châu biết đến bao giờ mới trở lại. Hành trang anh mang đi từ phương Nam này sẽ có rất nhiều sản phẩm được làm ra từ loài hoa tim tím mang tên Oải Hương. Những món quà trao tặng ghi lại chút tình, khi anh rời nơi đây.


Tôi có môt cặp tách dùng uống trà hay cà phê, nay tặng riêng cho anh một chiếc. Sau này mỗi lần dùng đến, nhìn hình cụm hoa Lavender màu tim tím in trên nền tách, chưa rõ anh sẽ nghĩ gì. Nhưng với tôi có lẽ từ giây phút này, chiếc tách thứ hai tôi giữ lại, nó sẽ là một hiện vật được tôi trân quý, nhắc tôi nhớ về một người anh xa xôi bên kia nửa vòng trái đất, người anh đã ảnh hưởng đến tâm tính và học lực của tôi rất nhiều…từ lúc tôi còn bé dại.
    Oải Hương, màu hoa tím mang ý nghĩa sống lại theo niềm tin tôn giáo sẽ ghi lại những chuỗi ngày thân ái khôn nguôi.

Kim Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét