Từ Tokyo vượt đường xa đến tận miền Tohoku (Đông Bắc) của đảo Honshu tôi đi tìm lá đỏ mùa Thu. Vài mươi năm trước, tôi còn nhớ từ Tokyo lên đến thành phố Sendai vùng Tohoku đi trên tuyến đường xe lửa Joban-sen dọc theo bờ Thái Bình Dương sao mà xa diệu vợi. Đi bằng xe lửa tốc hành trên quãng đường 300 km đến Sendai cũng gần 4 tiếng đồng hồ. Từ Sendai đến Aomori điểm cực bắc của đảo Honshu phải đi thêm 400 km. Tổng cộng hơn 8 tiếng nếu có những chuyến xe nối tiếp đúng lúc. Ngày nay, xe lửa cao tốc chạy trên tuyến đường Tohoku Shinkansen 700 km đã rút ngắn thời gian từ Tokyo đến Aomori xuống chỉ còn 3 tiếng. Tỉnh Aomori của đảo Honshu không còn là một nơi xa vời trong tâm trí người Nhật Bản. Với tấm vé Japan Rail Pass, chúng tôi đi một vòng lớn trên đảo Honshu gần 3000 km và trạm dừng chân đầu tiên là hồ Towada (tỉnh Aomori).
Thời tiết mùa Thu Nhật Bản vốn bất thường. Có những lúc mưa rơi lê thê mây bay vần vũ, nhưng bỗng chốc trời quang mây tạnh, ánh mặt trời lung linh trở lại trên bầu trời xanh biếc. Sự thay đổi chóng vánh của tiết Thu khiến cho người đàn ông Nhật không biết lấy gì để so sánh, nhìn quanh quẩn thì thấy người đàn bà nên bi tráng thốt lên, "onna no kokoro, aki no sora!". Ý nói rằng tâm tư người phụ nữ hay thay đổi bất thường như bầu trời mùa Thu. Câu ngạn ngữ dường như vượt biên giới vì có lúc Nguyên Sa cũng xót xa cảm thán, "Em chợt đến chợt đi, anh vẫn biết. Trời chợt mưa chợt nắng chẳng gì đâu." Nhưng dù có mưa nhiều hay rất nắng, dù có tiêu điều hay rực rỡ, mùa Thu khiến cho lòng người trầm lắng, muốn tránh xa thế tục quên đi những cái buồn não đời thường để hòa mình trong sắc màu của Thu.
Hồ Towada nổi tiếng với sắc thu, nhưng lá đỏ lá vàng không thể chờ tôi lâu hơn nên đã rơi rụng trong những đợt mưa rả rích đầu đông. Mặt đất cô liêu phủ đầy lá thu nhưng vắng bóng người nhặt lá thu rơi và vắng cả con nai vàng ngơ ngác. Hồ Towada là miệng núi lửa vài mươi triệu năm trước (Hình 1). Núi lửa tắt, qua những cơn vật đổi sao dời miệng núi biến thành hồ. Nơi này vốn là nơi nghỉ mát thư giãn cho dân đô thị vào những ngày hè oi bức, nơi ngắm hoa anh đào vào tiết xuân, nơi tràn ngập lá phong đỏ mùa thu hay ngắm nhìn tuyết rơi lất phất và nhẹ nhàng đáp trên những nhánh cây trụi lá mùa đông. Nhưng Towada ngày nay ảm đạm, không phải vì những hạt mưa phùn bay bay theo gió mà do ảnh hưởng của sóng thần vài năm trước vẫn còn đậm nét. Các quán ăn, lữ quán, khách sạn phải đóng cửa vì vắng khách. Đường sá tiêu điều không một bóng người, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe vội vã chạy qua. "Đây là cái vòng luẩn quẩn ông ạ", một nhân viên phòng hướng dẫn du lịch nói với tôi. "Đối với khách nước ngoài thậm chí người trong nước, người ta có ấn tượng Tohoku đang bị nhiễm phóng xạ nên ai cũng tránh xa. Thật ra, ở đây không có phóng xạ nhưng bị tiếng đồn vạ lây. Vì không ai lui tới nên dịch vụ giao thông cũng thưa dần. Dù Shinkansen vẫn chạy bình thường nhưng chắc cũng phải đợi thêm vài năm ông ạ…", cô vừa nói vừa lắc đầu chấp nhận.
Hình 1: Hồ Towada
Hơn nửa thế kỷ qua, xe lửa cao tốc Shinkansen là niềm tự hào của đất nước Phù Tang. Không một lần nào tai nạn, ít bao giờ trễ hẹn. Shinkansen trở nên một biểu tượng công nghệ cao của thế kỷ 21 với cung cách phục vụ nhanh chóng và chu đáo. Từ tuyến đường chính lên miền Tohoku, Shinkansen rẽ nhánh sang bờ Tây đảo Honshu đến các tỉnh dọc theo biển Nhật Bản (Sea of Japan). Cái khó khăn trong sự phát triển xe lửa cao tốc là việc đào đường hầm và đặt đường ray thật vững chắc dưới lòng biển dài 50 km nối liền hai đảo lớn Honshu và Hokkaido để xe có thể chạy với tốc độ 300 km/h. Nhưng người Nhật đã thực hiện được điều này và họ sẽ cho xe chạy thử vào tháng 3, 2016. Rồi đây một thập niên sau, Shinkansen sẽ lan tỏa khắp nơi trên đảo Hokkaido.
Nhưng câu chuyện Shinkansen không ngừng ở đây. Trên chuyến xe đi lên miền Tohoku, khi đến thành phố Morioka đoàn xe được tách rời làm hai tại nhà ga Morioka. Sau đó, đoàn xe phía trước sẽ tiếp tục đi về phía bắc đến Aomori, đoàn phía sau sẽ hướng về thành phố Akita phía bờ tây Nhật Bản. Tôi dự đoán sẽ có những tiếng "cành cạch" tháo rời làm rung chuyển đoàn xe. Nhưng không, việc tách rời xảy ra êm thắm không một tiếng động. Ngồi trong xe, thật sự tôi không hiểu đoàn xe đã được tách ra như thế nào. Vài ngày sau, khi trở lại nhà ga Morioka tình cờ tôi mục kích một sự kiện ngược lại là hai đoàn xe Shinkansen đang ráp hai đầu vào nhau. Cái "móc" của xe là một bộ phận cơ điện mang đầy bộ cảm biến (Hình 2). Hai đoàn xe từ từ xê dịch cho đến khi hai cái móc nhẹ nhàng liên kết vào nhau như hai chiếc tàu vũ trụ "docking" trong không gian. Tất cả hoàn tất trong vài phút. Đoàn xe dài ngoằn gấp đôi như con rắn khổng lồ điềm nhiên phi mã hướng về Tokyo với vận tốc 300 km/h.
Hình 2: Cái móc công nghệ cao ráp nối hai đầu xe.
Người Nhật tỉ mỉ với những chi tiết và có tinh thần "kaizen" (cải thiện) không ngơi nghỉ. Họ áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sự tiện nghi và thoải mái trong cuộc sống. Chiếc xe lửa lúc xưa chỉ là một đoàn tàu chạy bằng than phun khói mù mịt. Nhưng khi có "kaizen" thì xe lửa biến thành xe siêu tốc và cái móc nối toa xe trở nên một thể loại công nghệ cao. Sau chiếc xe Shinkansen, người Nhật thực hiện một cuộc cách mạng âm thầm khác là đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật và tinh thần "kaizen" vào một chỗ không ngờ: nhà vệ sinh. Họ đưa cái khoái thứ tư (người Nhật có khoái thứ năm: tắm suối nước nóng) cao lên thêm một bậc. Vài mươi năm trước, nhà dân phần lớn chỉ có bàn cầu ngồi xổm đặc trưng châu Á và không nước dội. Mùa hè trời nóng, người Nhật dù nổi tiếng ăn ở sạch sẽ vẫn không khử được cái mùi thum thủm phảng phất bay ra từ một góc khuất sau nhà.
Nếu xem nhà vệ sinh là một tiêu chuẩn đánh giá trình độ văn hóa của một nước thì Nhật có lẽ đứng đầu trong việc nâng cao văn hóa qua một quá trình tiến hóa, ngắn hơn quá trình vượn biến thành người, từ kiểu ngồi xổm của thuở hồng hoang đến ngồi thẳng kiểu Tây thời hiện đại và hơn cả Tây với cái bàn cầu công nghệ cao mang đến cho người sử dụng một cảm giác vô cùng thoải mái. Vì vậy ngày nay bàn cầu công nghệ cao được phổ biến khắp nước Nhật từ thành thị đến thôn quê, từ nhà dân, khách sạn đến các nơi công cộng.
Bàn cầu này thoạt nhìn cũng như các loại bàn cầu thông thường khác nhưng chiếc pa-nô nhiều nút bấm được gắn vào một bên. Chức năng bàn cầu nhiều ít tùy theo giá cả thấp cao và sản phẩm tiên tiến nhất có lẽ thuộc về công ty Panasonic. Sự chu đáo của các nhà sản xuất với sự lưu tâm đến các chi tiết nhỏ nhặt không bao giờ làm phụ lòng khách hàng. Chẳng hạn, mặt tiếp giáp của bàn cầu lúc nào cũng được sưởi ấm. Người sử dụng sẽ không thót người vì "sốc" lạnh khi ngồi lên trong những ngày mùa đông giá buốt. Một nút bấm để phun nước rửa. Nút bấm nước thứ hai đặc biệt cho phe tóc dài. Sang hơn, có nút điều chỉnh nhiệt độ nước, một nút điều chỉnh cách phun của nước, nước phun từng chập như súng bắn tự động hay phun liên tục thành vòi. Và để hoàn tất công trình thì có một ống phun không khí ấm xấy khô… Sang hơn nữa, khi xong việc đứng lên thì bộ cảm ứng của bàn cầu nhận ra sự khác biệt trọng lượng sẽ kích động bộ phận xả nước. Chưa hết, sau màn xả nước thì có một thiết bị như chiếc quạt hút rất mạnh không khí hôi trong bồn cầu. Tôi cúi xuống quan sát nhưng tìm không ra cái "quạt" cao tốc và cũng không hình dung được không khí được thải ra hướng nào, chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Ôi! Thật là sự vĩ đại ẩn trong cái dung tục bình thường. Không biết bao nhiêu con chip transistor, bộ cảm ứng, bộ dẫn động (actuator) cài đặt trong cái bàn cầu thông minh này. Đối với một kẻ phàm phu như tôi, mỗi lần hành sự là một cuộc hành trình văn minh, sạch sẽ, thoải mái và vô cùng thỏa mãn!
Chiếc bàn cầu công nghệ cao phản ánh tinh thần Nhật Bản một cách cụ thể. Người Nhật không chú trọng đến việc làm toán giỏi để được cái tiếng thông minh. Từ lúc có những cuộc thi Olympic, người ta không bao giờ thấy có sự chiến thắng của học sinh Nhật. Nhưng người Nhật được giáo dục để hiểu cái lý của sự vật (vật lý) tận tường. Trong một chương trình tivi, đài tivi treo giải thưởng vài mươi ngàn đô la cho ai chế tạo ra một cái chảo có thể chiên được 20 quả trứng cùng lúc bằng một cái bếp gas bình thường. Tất cả trứng phải được chiên riêng lẻ và tròng đỏ phải chín đồng đều giống nhau. Hai nhóm cuối cùng vào chung kết là hai cha con chuyên nghề làm đồng thiếc và một tiến sĩ chuyên gia về truyền nhiệt. Sau nhiều lần thiết kế, hai cha con đoạt giải với cái chảo đồng nhiều tầng chiên được 20 trứng so với 8 của ông tiến sĩ.
Thậm chí, việc trang điểm, trang phục cũng được giải thích trên các cơ sở quang học. Một giáo sư vật lý trong chương trình tivi làm đẹp giảng giải nguyên lý của ảo giác quang học đánh lừa bộ não trong việc trang điểm, tại sao đôi mắt nhìn to hơn khi có lằn viền xung quanh mắt. Nhưng viền đen quá thì trở nên kệch cỡm. Nhạt quá thì mất hiệu năng. Vậy phải chọn sao cho gam màu thích hợp với làn da để có thể "ngụy trang" tạo ra ảo giác tối đa. Người béo tròn muốn trở nên thon thả trong ảo giác thì nên chọn quần áo có sọc thẳng đứng. Tương tự, một khuôn mặt bầu bỉnh muốn tạo ảo giác trái soan thì phải cần vài lọn tóc lòa xòa buông xuống… Không gì ngạc nhiên khi những công ty sản xuất mỹ phẩm như Shiseido hay các nhà thiết kế trang phục trở nên nổi tiếng, làm ăn khấm khá cũng nhờ những nguyên lý quang học đơn giản này.
Tôi tiếp tục đi tìm lá đỏ mùa Thu, từ Aomori trở lại thành phố Morioka băng ngang đảo Honshu và dừng chân trên các thành phố Akita, Sakata, Niigata và Kanazawa dọc theo bờ biển Nhật Bản. Những thành phố này là mặt sau của Nhật Bản sống bằng canh nông, có mùa đông khắc nghiệt, ít người lui tới nhưng rất giàu văn hóa truyền thống. Akita nổi tiếng nhiều người đẹp chỉ sau con gái cố đô Kyoto và là nơi độc nhất làm nước mắm "shottsuru" trong một xứ sở nước tương, rất giống mùi vị nước mắm của ta, với món lẩu cá "shottsuru" tuyệt ngon.
Sakata được bao vây bởi những cánh đồng lúa bát ngát và cũng là một trong những nơi sản xuất lúa gạo nhiều nhất nước Nhật từ xưa. Cái tên "Sakata" viết ra tiếng Hán là "Tửu Điền"; tửu = rượu, điền = ruộng. Phải chăng nơi đây nhiều ruộng rẫy và sản xuất nhiều rượu sake từ gạo nên có tên "Tửu Điền"? Câu chuyện có thật của cô bé tên Oshin lớn lên ở thị trấn Sakata nghèo khổ đã được biến thành truyện dài tivi nhiều tập làm biết bao người xem sụt sùi thương xót. "Oshin" được dàn dựng ở Sakata nên thị trấn buồn tẻ này bỗng nhiên trở thành địa điểm du lịch của những người từng rưng rưng nước mắt cho Oshin.
Một trong những hoạt cảnh xuất hiện trong "Oshin" là vựa lúa Sankyo. Sakata có vựa lúa Sankyo với 12 kho chứa khổng lồ có 120 năm tuổi đời (Hình 3). Vựa lúa được xây cất theo chuẩn mực khoa học. Mái nhà hai bậc chừa chỗ hở để không khí luân lưu. Nền nhà có trộn một loại hóa chất gọi là magnesium chloride (MgCl2) để khử hơi nước trong không khí giữ được hạt gạo lâu dài mà không bị mốc. Xứ ta là xứ nông nghiệp khí hậu ẩm thấp, nhưng chưa bao giờ nghe thấy việc làm vựa lúa theo bài bản khoa học như Sankyo. Cho đến ngày nay, vựa lúa vẫn còn sử dụng. Sankyo là niềm tự hào của người dân địa phương vì nó biểu hiện sự phồn vinh của Sakata và đóng góp vào sự sống còn của đất nước. Nhưng nông nghiệp bây giờ đang chịu một sức ép trong ngoài. Chính phủ bảo nông dân không nên sản xuất quá nhiều gạo vì phải mua gạo nước ngoài để cân bằng ngoại thương. Vốn đầu tư vào nông cơ, thiết bị quá nhiều nhưng nhà nông mỗi năm chỉ dùng hơn một tuần cho mùa gặt hái. Nông dân trở nên nghèo. Trong nhà thì "cha muốn truyền, nhưng con không nối". Bọn trẻ bỏ nhà ra đi tìm cơ hội ở những chốn phồn hoa. Ở lại chỉ chuốc lấy nỗi cực nhọc tay lấm chân bùn và thêm nỗi buồn tìm không ra cô vợ.
Hình 3: Vựa lúa Sankyo
Chiếc xe bus du lịch chở chúng tôi xuyên qua một vùng đồi núi trùng điệp gần Sakata đến một ngôi chùa cổ ngàn năm, nay là quốc bảo. Bất ngờ, tôi gặp bức tượng gầy guộc của nhà thơ Basho. Tôi hỏi anh hướng dẫn viên tại sao tượng Basho lại ở chốn thâm sơn tĩnh mịch này. Anh bảo Basho đã từng lãng du ở đây, tức cảnh sinh tình làm nhiều bài haiku tuyệt tác. Matsuo Basho (Basho: Ba Tiêu, cây chuối) (1644-1694) là một đại thi hào thơ haiku Nhật Bản, có tầm vóc như Nguyễn Du của Việt Nam. Nhưng Basho khác Nguyễn Du ở chỗ là thích ngao du thiên hạ. Nhiều người hâm mộ và đệ tử tặng ông tiền, hiện vật, ông hoan hỉ nhận, nên không cần phải lo chuyện cơm áo mà chỉ theo tiếng gọi của đôi chân trở thành một lãng tử thuần thành cho đến cuối cuộc đời. Ông đi một vòng lớn của đảo Honshu lên miền Tohoku vòng qua bờ Tây Nhật Bản. Chuyến lãng du được chép thành quyển "Oku no hosomichi" (Lối mòn lên miền Oku) gồm những bài tản văn du ký và thơ haiku để ghi lại những cảm nhận trên bước lữ hành, thưởng ngoạn cảnh đẹp và niềm vui gặp bạn. Khi tham khảo quyển "Việt Nam và Nhật Bản Giao lưu Văn hóa" của học giả Vĩnh Sính, tôi mới biết "miền Oku" của Basho cũng không khác với lộ trình đi tìm lá đỏ mùa Thu của tôi. Lộ trình đó cũng gần 3000 km. Basho cùng đệ tử khăn gói băng rừng vượt suối đi bộ trong nhiều năm, nhưng tôi vác ba lô đi xe lửa trong vài ngày. Và ngẫu nhiên, tôi được gặp ông trước ngôi chùa cổ kính này mà xưa kia chắc là nơi thâm sơn cùng cốc.
Chuyến xe lửa nhà quê chạy dọc theo bờ biển Nhật Bản cuối cùng đưa tôi đến thành phố Kanazawa. Nơi này từng là chốn kinh thành nơi ngự trị của lãnh chúa trong vùng. Bây giờ, Kanazawa vẫn một thành phố trung tâm vùng Hokuriku (Bắc Lục) như một ngôi sao tỏa sáng làm vơi đi cái ảm đạm của bờ Tây buồn tẻ. Nền văn hóa lâu đời của Kanazawa được phản ánh bởi phố Chùa (Tera Machi) và công viên Kenroku-en (Kiêm Lục Viên) một trong "tam đại đình viên" của xứ Phù Tang. Tuy không hoành tráng và giàu có như vùng Kyoto – Nara, khu vực Tera Machi tập trung hơn 70 ngôi chùa lớn nhỏ có lịch sử dài hơn 500 năm.
Gần Tera Machi có một ngôi chùa được mang tên là "Thiên Đức Viện" (Tentoku-in) được xây cất hơn 400 năm trước để tưởng niệm công nương Châu (Tama Hime). Công nương Châu là cháu nội của Tướng Quân Tokugawa Ieyasu người đã thống nhất nước Nhật mở ra thời đại Edo rực rỡ kéo dài gần 300 năm. Thời đại Edo chấm dứt vào năm 1868 để nhường bước cho cuộc vận động Minh Trị Duy Tân. Dòng họ Maeda là phiên chủ (lãnh chúa) của xứ Kanazawa. Công nương Châu được đưa về làm dâu lúc 3 tuổi và chính thức thành phiên chủ phu nhân lúc 14. Người dân xứ Kanazawa yêu quý công nương vì nhờ nàng mà tránh được cuộc chinh phạt của đại quân Tokugawa. Hồng nhan bạc mệnh, nàng sinh được 7 người con và qua đời năm 24 tuổi sau một cơn bạo bệnh. Phiên chủ Maeda thương tiếc khôn nguôi nên dựng lên "Thiên Đức Viện" để tưởng nhớ nàng. Mối tình phu phụ chung thủy của phiên chủ giống như một vị vua Ấn Độ xây đền Taj Mahal để tỏ lòng thương tiếc người vợ qua đời ở tuổi xuân xanh.
Cuối cùng, tôi đã tìm thấy lá đỏ mùa Thu trong khuôn viên nhà chùa Thiên Đức (Hình 4). Những tàng cây phong xen lẫn trong những cây tùng cao to xanh mướt làm nổi bật màu đỏ rực của muôn chiếc lá thu. Một cơn gió thoảng lay động những chiếc lá đỏ đong đưa rơi xuống như cánh bướm, phủ lên con đường nhỏ dẫn vào chánh điện. Trong không gian tĩnh mịch, chợt nghe văng vẳng tiếng thơ haiku của Basho từ thuở xa xưa vọng lại,
Hito koe ya
Kono michi kaeru
Aki no kure
(Matsuo Basho)
Lao xao vẳng tiếng người
Trên đường về ngập lá
Chiều cuối thu buồn rơi
(Quỳnh Chi phỏng dịch)
Hình 4: Trên đường về ngập lá
Tokyo có phố Kanda mua bán sách cũ và sách cổ. Trình độ văn hóa của một cộng đồng, một khu vực hay một nước cũng có thể đánh giá qua sự hiện hữu của các hiệu sách và chất lượng sách. Tôi trở về Tokyo để tìm lại con phố Kanda.
Gần 100 năm nay, phố Kanda nổi tiếng trong giới sinh viên, giới hàn lâm, trí thức và người sưu tầm sách. Thời sinh viên, tôi nghiện đi phố Kanda, cho nên vài tháng phải đi "hành hương" một lần. Có lúc ít tiền không mua được sách, nhưng đi lang thang trên phố, đứng trong hiệu sách cũ thoang thoảng mùi meo mốc đặc trưng, từ tốn lật tới lui vài trang sách thì cũng thỏa được cái thú vui tinh thần mà không tốn một xu. Mỗi lần trở lại Tokyo, lúc nào tôi cũng tìm thời gian quay lại phố Kanda như tìm gặp lại người bạn cố tri. Âm thầm đi vào ngõ ngách của con phố cũ tìm lại những dấu ấn của một thời đi học. Có hiệu sách nhỏ, ông chủ lúc đó đã vào tuổi "thất thập cổ lai hi". Ông lúc nào cũng bận rộn, khi thì cặm cụi sắp xếp sách lúc thì cầm sách ngắm nghía ra chiều nâng niu. Dù bán cũng không lời bao nhiêu, nhưng ông chỉ có niềm vui là mua bán sách. Những hiệu sách nhỏ đó giờ đây trở thành quán ăn, hiệu tạp hóa. Không phải vì sự tràn ngập của eBook hay Amazon kindle mà đơn giản là không người nối nghiệp.
Người Nhật thích đọc sách, dù rằng giới trẻ ngày nay chỉ chăm chú vào màn hình nhỏ nhưng lượng sách in ra thì không bao giờ giảm. Ở cuối trang nhất của những tờ nhật báo, lúc nào cũng có quảng cáo của sách mới phát hành. Có lẽ không có nước nào trên thế giới đăng quảng cáo sách trên trang nhất như báo Nhật. Sách Nhật có đủ thể loại, từ các loại sách hoạt hình anime mang tính kích dục đến sách nghiên cứu, khảo luận, những bộ bách khoa từ điển chứa hàng chục quyển về triết học, tôn giáo, văn chương, khoa học. Sách chính trị phản ánh trào lưu chính trị đương đại. Sách "cánh tả" phản chiến, sách về chủ nghĩa Mác – Lê nin, chủ nghĩa quân phiệt Nhật, sách về các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa, tràn đầy kệ sách trong thập niên 70. Thì bây giờ là sách "cánh hữu" thoang thoảng mùi chủ nghĩa dân tộc hay phân biệt chủng tộc như sách bàn về "tiểu khí" của người Trung Quốc, Trung Quốc không thể nào vượt qua Nhật Bản, sự khác biệt giữa người Hàn Quốc, người Trung Quốc và người Nhật Bản v.v…
Sách khoa học có phần dễ thở hơn có lẽ vì không ai có thể chối cãi được sự hiển nhiên của quy luật 1+1 =2! Sự phong phú của sách khoa học tiếng Nhật cộng với sách dịch từ những sách giáo khoa kinh điển Anh, Mỹ đã tạo cho nước Nhật một địa vị độc tôn về khoa học công nghệ trong vùng Đông Á và cả thế giới. Người Nhật có niềm kính trọng và ưu ái đặc biệt đối với Einstein dù vẫn biết rằng ông đã từng viết thư đến tổng thống Mỹ Roosevelt đề xuất việc chế tạo bom nguyên tử. "Thuyết tương đối" được viết đi viết lại từ dạng khoa học đại chúng đến giáo khoa hàn lâm bởi nhiều tác giả qua nhiều thời kỳ nhưng vẫn còn hấp dẫn độc giả.
Du khách thập phương đến Nhật không ai không mềm lòng trước nụ cười lịch lãm ân cần, cái cúi đầu chào gập người tôn kính của người Nhật. Sức mạnh mềm lúc đó được phát huy tột độ. Nhưng trên chính trường, cái chào gập người mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Con cháu của Thái Dương Thần Nữ đã từng là một dân tộc viễn chinh với bàn tay sắt máu. Thanh kiếm katana đã từng vung lên loang loáng khắp đại lục Trung Hoa, bán đảo Triều Tiên và cả một vùng rộng lớn Thái Bình Dương. Lịch sử đã chứng tỏ rằng, khi cái chào của một kẻ thắng thế dù có gập người thì không bao giờ có ý nghĩa khiêm cung hay tôn kính mà là thái độ chỉ có thể diễn tả bằng tiếng Nhật là "ingin burei" (ân cần vô lễ). Một thái độ đặc thù Nhật Bản biểu lộ sự lễ độ ngoài mặt nhưng cố tình thị uy cái hống hách bên trong. Trải nghiệm điều này không ai thắm thía hơn người Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhiều năm gần đây, cố ý hay vô tình, những hận thù cũ lại được dịp phơi bày. Mưu mô chính trị chỉ khơi gợi lại những ký ức đau thương không cần thiết. Nhiều người Trung Quốc thức thời thốt lên lời cảnh giác, nhắn nhủ tới đám hậu sinh rằng, "Chớ nên gọi người Nhật là "tiểu Nhật Bản". Họ đáng sợ lắm. Cũng đừng huênh hoang tự hào rằng ta là dân tộc có truyền thống anh hùng. Trong thời chiến, một người Nhật đã điều khiển một trăm người Trung Quốc như một đàn cừu. Một người lính Thiên Hoàng với vài quả cơm nắm đã chiến đấu với mười người của ta cho đến khi gục ngã."
Nhưng nước Nhật ngày nay đang đứng trước một vấn nạn. Xã hội đang bị lão hóa. Người già gia tăng. Người trẻ chỉ muốn sống độc thân, nếu có lập gia đình thì cũng lười biếng sinh con. Cái biểu đồ hình tam giác biểu hiện sự cân bằng về phân phối dân số với tuổi tác đang bị biến dạng một cách thảm hại. Đường sá ở những vùng quê buồn tênh không một bóng người. Dân số tụt giảm đáng sợ. Nhiều cửa hàng bách hóa phải đóng cửa vì vắng khách. Trường học không đủ học trò. Người trẻ Nhật đa phần vô tư trước thời thế, hoang mang trước lịch sử. Giấc mộng "phú quốc cường binh" dù lặp lại cho thế kỷ 21 bằng cách gia tăng dân số như thời Minh Trị Duy Tân chẳng qua cũng chỉ là giấc mộng.
Có cái gì rất mong manh nhưng cũng rất kiên cường trong xã hội và con người Nhật Bản. Như những chiếc lá thu đẫm ướt bởi những hạt mưa phùn, bay tơi tả trước ngọn gió đầu đông lạnh lùng không thương tiếc. Rồi mùa Thu năm sau muôn ngàn lá đỏ sẽ tưng bừng trở lại, vẫn kiên cường không bao giờ dứt. Thu, Đông, Xuân, Hạ, rồi lại Thu...
Cận Giáng Sinh 2015
Trương Văn Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét