Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Anh Hai Tôi



      Tôi may mắn có hai người anh , một người chị và một em gái. Diễm phước hơn là có được ba má là những người nông dân tiến bộ và rất quý trọng giá trị của sự học hành. Chúng tôi cùng được sinh ra ở làng Cái cui hiền hòa. Thời tuổi nhỏ chúng tôi đều học ở trường tiểu học xã Đông Phú. Ngôi trường nhỏ xinh xắn nằm ở đầu vàm cạnh dòng sông Hậu chở nặng phù sa và giàu tình sông nước miền Nam.
      Xa quê hương và ở nước ngoài nhiều năm , tôi thấy có nhiều ngày lễ ý nghĩa như Mother's Day , Father's Day, ... nên lòng tôi vẫn luôn ao ước sẽ được thành lập ngày anh, chị,em hay gọi là Sibling's   Day để có một ngày đặc biệt dành trọn tình thương mến đến anh, chị hoặc em ruột của mình. Những người đã cho ta tình cảm thân thuộc huyết thống, tương trợ và bảo vệ cho nhau kế sau ba mẹ.
Trong khi chờ đợi có ngày lễ này, tôi xin được kể về anh hai tôi. Anh Dương Quang Nhường. Nói về một người đã khó mà nhắc kỹ niệm với một người đã mất thì càng không phải dễ chút nào , tôi đã nhiều lần khóc khi viết về anh. Mặc dù thời gian anh gần gủi với gia đình và nhất là với tôi không lâu nhưng sức ảnh hưởng về niềm tự hào, sự giúp đỡ và nuôi dưỡng ước mơ của anh như vẫn còn nối dài đến nay.

      Anh hai tôi là người học giỏi nhất trong các anh em. Anh còn là học trò nhận nhiều bằng khen hạng ưu của trường. Anh đậu Đệ thất vào trường Trung học Phan Thanh Giản năm 1967. Anh là người đầu tiên mở đường tiến về học ở thành phố của họ hàng. Gia đình tôi rất vui và tự hào về anh. Ba má tôi đã đổi nhiều công ruộng để mua nhà cho anh Hai,anh Ba rồi chị Tư có chỗ ở thuận tiện cho việc học.
Thời đó, quê tôi chiến tranh đang khốc liệt. Cuối tuần ,các anh chị càng ít được ba má cho về quê vì đường cái quan bị gài mìn, tàu thì chỉ đưa khách đến đập Cái Ba. Nhà tôi thì ở trong vùng sâu hơn, nên ba má gởi tôi ở với ông bà ngoại để đi học cho đến hết bậc sơ cấp. Lúc này, ba tôi phải bỏ ruộng vườn lên tỉnh đi làm và trông con. Má tôi như con cò vất vã , lặn lội hết chèo ghe lên chợ tiếp tế thức ăn cho chồng con lại về vườn lo ruộng vườn và thăm tôi. Bây giờ có con , tôi càng thấm thía ý nghĩa câu" Nuôi con mới biết công ơn cha mẹ", càng thương ba má đã cực khổ nuôi nấng chúng tôi bao nhiêu, tôi lại càng nhớ nhiều đến người mẹ hiền đã mất.

      Trông chờ ,tôi đếm rất kỹ và nhớ rõ các lần anh chị về thăm quê. Một hôm đám giỗ nhà nội, anh Hai được về và anh đã giúp cậu Lâm xây cái chuồng heo bằng xi măng. Sau này, cậu mợ vẫn nhắc mãi về anh đã chỉ dẫn cách nuôi heo sạch sẽ và khoa học hơn. Năm ấy, anh học lớp Mười Một đã ra dáng thanh niên năng động và khỏe mạnh, còn tôi bé con học lớp Nhất. Tôi đi theo anh để xem anh làm gì rồi khoe lại với các bạn học cùng xóm. Anh Nhường ít nói nhưng tiếng rõ ràng, giọng vui trầm ấm và khi anh nói miệng như đang cười rất có duyên. Anh nói với tôi:" Em có muốn lên chợ ở với các anh chị không? Nếu muốn , em phải học thật giỏi nhe."
Tôi trả lời: "Dạ, em muốn lên chợ học và sẽ gắng học giỏi hơn." Đây, có thể xem là lời nói động viên, khích lệ tinh thần rất lớn sau cùng của anh với tôi. Thật ra, tôi học không tệ ,chỉ thua anh là chưa nhận được bằng khen hạng ưu nào thôi. Tôi lại vốn là đứa vui khỏe, vô tư và nhiều mơ ước từ nhỏ nên ngoài má và chị em mến , tôi cũng được ba và hai anh thương cho đi theo khi có việc cần sai vặt.
Mùa thi Đệ Thất đến. Tôi nộp đơn vào trường Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm. Ba tôi bận , anh Nhường nhận nhiêm vụ chở tôi đi thi.Đây là, kỹ niệm duy nhất làm tôi nhớ mãi về anh. Anh chở tôi trên chiếc xe đạp còn mới. Ngồi ở yên sau , tôi tha hồ ngắm đường phố và có chút mơ mộng ,tôi vẻ ra có ngày tôi sẽ đi học với chiếc áo dài ao ước bấy lâu. Anh Hai ít nói và tôi thì thích thả hồn mình theo suy nghĩ riêng, nên hai anh em ít trò chuyện với nhau. Đến trước địa điểm thi là trường Nữ, anh dừng xe và hỏi tôi có muốn ăn uống gì không? Tôi nói : "Em uống xá xị được không anh Hai? "
Anh nói : "Được". Anh mua nước cho tôi uống và cười nói: " Sao em không ăn chè đậu để được thi đậu như các bạn ".
Tôi nhớ đã nói với anh: " Ngoại và má nấu chè đậu ăn hoài. Ở vườn , em ít được uống nước ngọt. Mà thi đậu là do mình làm bài chứ đâu phải do ăn chè phải không anh Hai?"
Anh lại cười với gương mặt thật hiền và nói:" Em nói đúng. Thôi uống xong rồi ,vào phòng thi nhớ đọc đề kỹ và làm cẩn thận nhe."
Nói thật, buổi sáng hôm đó tôi vừa làm bài, vừa bị ợ hoài. Nay, mỗi khi uống ngọt và bị ợ là tôi lại nhớ đến người anh dễ tính và rất chiều em này. Cùng ngày hôm đó, buổi chiều tôi lại đòi ăn kem trước khi vào thi.
Hôm sau, má tôi về vườn lên,vừa bước vào nhà đã hỏi : "Nhường , con cho em ăn gì trước khi vào phòng thi vậy."
Anh nói em Phượng muốn uống xá xị và ăn kem nên con đã mua cho.
Và để trấn an vì biết má tôi có chút dị đoan, anh nói: " Không sao đâu má, em có đọc đề và cách trả lời cho con nghe. Em chắc sẽ đậu, má đừng lo". Tin vào nhận xét của anh, tôi thấy nét mặt má tươi lên.

      Đúng như anh Hai nói, tôi được đậu vào Đệ Thất niên khóa 1972- 1973. Tôi biết nếu tôi vui một thì ba má tôi vui đến mười vì có thêm một đứa con đậu trường công thì chi phí học tập ít hơn.
Chúng tôi vô cùng biết ơn và quý trọng cách đối xử công bằng của của ba má là không bao giờ phân biệt ,thiên vị đứa con học giỏi hay dở.Do không muốn anh Ba và chi Tư bị lỡ việc học sau khi thi rớt đã đóng tiền cho hai anh chị vào học trừơng tư thục liền. Ba má dạy chúng tôi thương yêu, giúp đỡ và không được nói lời tổn thuơng nhau. Tôi đã áp dụng cách giáo dục đúng đắn này với các con tôi hiện nay.
      Niềm vui được đi học với chiếc áo dài trắng lượn bay theo gió của tôi chưa được hai tháng thì một chuyện buồn mất mát rất lớn đến với gia đình tôi, đó là sự ra đi vĩnh viễn của anh Nhường.
Những ngày cuối hè và gần tựu trường,anh bị bệnh thương hàn. Anh ốm lắm nhưng rất siêng học. Tôi được biết, anh học Anh văn và theo ban Toán ngoài giờ học ở trường, anh học thêm Anh văn ở Hội Việt Mỹ với mơ ước được đi du học. Anh còn học và đang phụ giảng ở một lớp điện tử. Do phòng chống bệnh đau màng óc. Anh cũng bị chích ngừa dù đang trong tình trạng sức khỏe còn yếu. Không hiểu vì nguyên nhân nào, sau khi chích ngừa anh bị cảm sốt, đau bụng dần đến mê sảng trong ba ngày rồi mất tại bệnh viện Đa Khoa.

      Kỷ niệm về người anh mà tôi luôn tự hào về thành tích học tập, hiền lành , kiên nhẫn và tánh chịu khó thương chiều em là lần anh chở tôi đi thi,anh cho tôi quyển tự điển tiếng Anh loại bỏ túi , dạy tôi tập xe đạp và cho tôi tấm hình thẻ học sinh lớp 12 mà anh rửa lớn cho vừa khung cuốn Album của anh Ba tặng tôi đậu vào lớp Sáu. À, khi rảnh anh hay đàn một mình và đôi khi vừa đàn hát cho chúng tôi nghe bài "Tôi Muốn". Anh nói đây là bài hát anh thích nhất.
      Sau khi anh Nhường mất, tôi từ một cô bé vui khỏe lại trở nên u buồn và bị bệnh thường xuyên. Giai đoạn này, bạn Huỳnh Mai học chung lớp Sáu và gia đình là Phật tử chùa Thới Long có xin ba má cho tôi lại chùa viếng Phật và cầu siêu cho anh Hai. Nhờ vậy, tôi cũng ngộ một chút về sự mầu nhiệm của Phật pháp. Tuy nhiên, tôi vẫn bị đau mệt hoài nên ba má ngại cho sức khỏe của tôi ,nên đã gởi tôi sang ở với nhà Dì Ba là em của má với hy vọng vừa đi học vừa chơi đùa với các em con của dì tôi sẽ vui khỏe lại. Quả đây là phương pháp trị liệu về tâm lý có hiệu quả , tôi không còn mệt nữa nhưng thiệt thòi là tôi phải sống xa gia đình rất nhiều năm. 
      Do vậy, tôi rất muốn được sống gần gũi ba má và người thân yêu để bù đắp lại tình cảm đã thiếu. Tôi đã từ chối lập gia đình nếu người ấy ở ngoài thành phố Cần thơ và tôi cũng không muốn có chồng xa quê hương đâu. Có nhiều lúc , tôi cũng không hiểu và cũng cố tin như nhận định của người lớn là anh Hai đã dựa vào tôi để tiếp tục thực hiện ước mơ của anh. Thật lòng mà nói , sống ở nước ngoài không phải là ao ước của tôi. Tôi say mê về Văn chương nhưng lại chọn học Toán...nên mãi bây giờ có học trò Toán tập viết thơ văn.
Như một duyên nợ được sắp xếp trước, tôi lập gia đình muộn nhưng suông sẽ ,không bị trở ngại và ra sống ở nước ngoài thật hạnh phúc. 


      Ngày tôi rời Cần Thơ định mang theo tấm hình anh Hai để tưởng nhớ vì tôi nghĩ anh đã dẫn dắt tôi ra nước ngoài để đi tiếp ước mơ du học của anh nhưng không hiểu sao lại quên.
Sau này, mỗi lần bảo lảnh các em theo chương trình lao động tôi đều nguyện anh phù hộ và các em được nhận qua rất dễ dàng dù hồ sơ không được cao điểm. Tôi đã tiếp tay bảo lảnh bảy người em cháu từ năm 2000 mà mãi đến năm 2006 ,em gái Út mới nhớ đem tấm hình anh đã cho tôi qua Canada được. Điều này ,bà con tôi cũng công nhận là anh Nhường rất linh chứ không phải mình tôi nói đâu.
      Giờ đây, nhà tôi có lập bàn thờ Phật và cửu huyền để tưởng nhớ đến người thân hai họ nội và ngoại đã khuất. Di ảnh của anh Hai là bức hình thẻ học sinh được đặt trang trọng bên cạnh bình hoa màu trắng. Anh đã từng báo mộng cho thiếm Mười là anh thích hoa trắng đừng chưng hoa màu. Và bên trên là hình má yêu thương của chúng tôi.

      Hàng đêm, tôi và các con quỳ lạy và cầu nguyện. Ba đứa nhỏ, người Canada ,gốc Việt này đã hiểu và có thể kể cho bạn chúng về lý lịch từng người trong ảnh như một niềm tự hào về tập tục thờ cúng tốt đẹp của người Việt Nam. Thỉnh thoảng, tôi nghe tiếng con gái nói với bạn nó là cậu Hai học giỏi lắm , cậu mất rồi nhưng vẫn thương và giúp đỡ my mom về tinh thần. Cậu là học sinh của trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
      Ngày Đai hội của hai trường sắp đến, có lẽ anh Nhường cũng muốn tham gia trong mục những người của năm cũ đã cho phép tôi viết về anh gần trọn vẹn. Xin được gởi lời thăm kính chúc và tri ân đến các quý thầy cô. Mến chúc bạn đồng môn luôn được vui khỏe, bình an ,hạnh phúc và may mắn như ý nguyện.

Dương Thị Tuyết Phượng
(Cựu Học sinh Phan Thanh Giản Đoàn Thị Điểm 1972-1979)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét