Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Nẻo Chánh

1/

     Hai Thời bập bập điếu thuốc rê trên môi đã gần tắt, mắt ngó lung ra ngõ như trông đợi ai, hắn ngồi như thế đã hơn một tiếng đồng hồ, lộ vẻ sốt ruột. Trong nhà, nơi cánh phản cũ kỹ, một mâm đồ nhắm đã dọn sẳn với bình rượu đầy …
     Hai Thời sống trơ trọi ở làng Tân Hào nầy gần mười năm rồi, nhà hắn nằm riêng biệt gần ven đường đầu xóm, chung quang có hàng cây dâm bụt bao phủ. Không ai rõ gốc tích hắn, chỉ biết nhà nầy ngày xưa của ông Năm Hợp – bà con xa với hắn – Ngày hắn khăn gói về đây là lúc ông Năm Hợp đang bịnh nặng, ở lại săn sóc ông một thời gian thì ông Năm Hợp qua đời, tứ cố vô thân Hai Thời ở lại căn nhà nầy cho đến ngày nay. Hai Thời rất được cảm tình với lối xóm, ai mượn làm việc gì hắn cũng nhận và làm rất nhanh nhẹn, thù lao là vài xị đế với một vài món nhắm, thỉnh thoảng hắn cũng được lối xóm mời qua nhậu trong những bữa giổ, bữa tiệc. Đối với trẻ nhỏ trong làng thì Hai Thời là hề là bạn, đùa chơi với chúng nó cả buổi, hoặc ngồi tỉ mỉ chuốt tre làm từng chiếc diều, từng cái lồng đèn để rồi phát cho trẻ nhỏ trong làng. Thỉnh thoảng những đêm trăng sáng, hắn vẻ mặt đóng tuồng hát bội, hắn khoái đóng vai Trương Phi múa quyền, phi cước giữa đám trẻ nhỏ mà tưởng tượng như giữa chốn ba quân, có lúc cao hứng hắn vói lấy cây sào phơi quần áo múa đường quờn “ lưu thủy “, thách tụi nhỏ lượm đá chọi vào người hắn và đặt giải thưởng là nếu đứa nào chọi trúng thì sẽ được năm con diều và một lồng đèn kéo quân vào dịp Tết Trung Thu, nhưng từ đó đến nay chưa đứa nào được lảnh giải thưởng cả. Tánh hắn vui vẻ, chơn thật, ưa giúp người nên ai ai cũng quý mến và cũng không ai thắc mắc hay tò mò khi thấy mỗi năm vào ngày đưa ông Táo về trời thì nhà hắn thường có những người lạ mặt đến vui chơi nhậu nhẹt ..

     Nhưng hôm nay hắn trông đứng trông ngồi mà đám bạn kia vẫn chưa thấy đến. Vấn đến điếu thuốc thứ năm thì bổng nghe tiếng chó sủa xa xa ngoài đầu ruộng, Hai Thời bật dậy như lò xo, đôi mắt hiện lên nét vui vui khi nhìn thấy vài bóng người quen thuộc đang tiến về phía nhà mình. Dán điếu thuốc gần tàn lên vách cột, hắn khoát vội chiếc áo dài thâm đã bạc màu, hấp tấp bước ra tận ngõ chờ đón.
- Mừng các chú đến chơi.
- Dạ, mừng anh Hai mạnh giỏi.
     Cả bọn chắp tay cung kính chào lại Hai Thời, người đàn ông đi đầu dẫn cả bọn bốn người vào trong sân. Cả bốn người tướng tá trông thật lực lưỡng, khỏe mạnh, người đàn ông đi đầu là Ba Hổ, khoảng gần bốn mươi tuổi, tay chơi nổi tiếng miệt vùng Hốc Môn, Bà Điểm - địa danh một thời đã từng nỗi tiếng với những tay võ nghệ siêu quần, chọc trời khuấy nước – Với chiếc khăn rằn luôn luôn quấn trên cổ, trông Ba Hổ như một anh nông dân hiền lành Nam Bộ. Người thứ hai là Tư Thiệt, tuổi xấp xỉ Ba Hổ, tay cầm cây roi đi rừng - cũng là một tay chơi hào hoa phong nhã – cặp bài trùng với Ba Hổ, người thứ ba là Năm Trọn, người thứ tư là Sáu Đực, cả hai là đàn em của Ba Hổ. Nguyên Ba Hổ đang cầm đầu một đảng cướp nghĩa hiệp, sống lăn lộn giang hồ như những anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử. Mấy năm gần đây được dân chúng dành cho nhiều cảm tình, tên tuổi Ba Hổ -Tư Thiệt nỗi tiếng như cồn trong làng tay chơi. Riêng bọn thực dân Pháp và đám tay sai thì điên đầu không biết đâu mà lường, chúng được lệnh bắn bỏ tại chổ và treo giải thưởng cho ai cung cấp về bọn Ba Hổ, nhưng nhóm Ba Hổ như con rồng, thấy đầu mà không thấy đuôi. Bọn thực dân Pháp tung rất nhiều tiền để mướn những tay thám tử mật vụ theo dõi nhưng đều hoài công bởi có vài tên ra đi rồi không thấy ngày về. Nhưng ai có ngờ đâu, mỗi năm vào ngày hăm ba tháng Chạp, nhóm Ba Hổ - Tư Thiệt thường hợp mặt tại nhà gã nhà quê Hai Thời ….

Hai Thời niềm nở:
- Các chú vô nhà rửa mặt cho mát nghen, tôi chờ các chú từ sáng đến giờ, lo quá .
Ba Hổ cảm động :
- Dạ, thưa anh Hai, tụi em kẹt chút việc khi qua chiếc phà .
Hai Thời đưa mắt như ngầm hỏi, Ba Hổ thưa tiếp :
- Dạ, có hai thằng lính Tây và một người lính Việt mình áp bức mấy em nhỏ bán hàng rong trên phà …
Hai Thời nhỏ nhẹ:
- Thế các chú có làm gọn không ?
- Dạ, thưa anh Hai, gọn ! Chú em Tư Thiệt mới quơ vài đường roi là cả bọn té xuống sông hết .
Tư Thiệt đang ngồi vấn điếu thuốc rê, nghe nói đến đây cũng góp lời :
- Anh Ba sao ưu nói cái mửng đó quá, nếu anh không lấy khăn thâu hai khẩu súng trường quăng xuống sông thì làm sao em dám vô.
Hai Thời mỉm cười :
- Thôi, chú Tư đừng có khiêm nhường, hai khẩu súng quèn đó cũng không làm gì được với cây roi “ như ý “ của chú đâu. Mình dẹp chuyện đó qua một bên đi, tôi mời mấy chú vô nhà dùng chút rượu cho ấm bụng ….
2/

     Ngược dòng thời gian gần hai mươi năm về trước, Hai Thời là đầu đảng của đảng “ bồ câu trắng “ biểu hiệu của hòa bình an lạc. Suốt mười năm tung hoành với cây roi không đối thủ, biết bao huyền sử bao quanh con người ấy, các tay chơi miền Hậu Giang đều kính phục cả tài lẫn đức, tuy làm cướp nhưng Hai Thời không bao giờ động chm đến tài sản dân chúng, đối tượng của đảng bồ câu trắng là bọn thực dân Pháp đang đô hộ nước Việt, các quan viên tham nhũng và bọn buôn lậu đang làm thêm xáo trộn đất nước. Đối với anh em giang hồ thì Hai Thời là thần tượng, còn đối với dân thì Hai Thời là cán cân công lý, nơi đâu có tiếng ta thán của sự áp bức thì vài ngày sau sẽ có nhóm bồ câu trắng tới can thiệp, cho nên nơi đâu có sự hình bóng đảng bồ câu trắng người ta ít thấy những chuyện trái tai gai mắt. Cho đến ngày kia, vì quá hăng say đeo đuổi trừng trị một nhóm buôn lậu phạm luật giang hồ, Hai Thời đã giết lầm ba người buôn lậu vô tội. Một trong ba người nầy là trưởng toán, trước khi nhắm mắt, anh ta thều thào nói với Hai Thời:
- Anh giết tôi mần chi, tôi là trưởng đoàn tiếp vận cho Nghĩa Binh, bấy lâu nay Nghĩa Binh cần một số tiền lớn để mua vũ khí chống Pháp, nên tôi đành đi buôn lậu để gây quỹ, không ngờ đây là lần đầu cũng là lần cuối tôi đành bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc vì nghề oái oăm nầy, chỉ buồn là công việc còn dở dang ….

     Hai Thời lặng người trước lời nói không hận thù trách móc của anh trưởng toán nọ, một niềm hối hận trào dâng, hai hàng nước mắt lần đầu tiên chảy dài trên gương mặt phong trần của Hai Thời rớt xuống thân xác anh trưởng toán. Hai Thời thấy mình quá tầm thường so với những hành động yêu nước và hy sinh đời trai của Nghĩa Binh, cắn chặt môi, Hai Thời tự hứa sẽ thay thế người Trưởng Toán vắn số kia, tiếp tục sứ mạng còn bỏ dở của anh nầy. Từ đó, Hai Thời giải tán đảng cướp, sau khi hoàn lại số tiền cho Nghĩa Binh với tất cả tài sản riêng của mình. Khi về sống nơi làng Tân Hào nầy hơn một năm, Hai Thời nghe tin một đảng cướp Ba Hổ đang lộng hành quá, cướp bóc đủ thứ, bất kể quyền lợi dân chúng. Máu giang hồ nỗi dậy, Hai Thời muốn làm một việc giúp ích cho đời sau khi ẩn cư, nên lặn lội đơn thân độc mã theo dấu bọn Ba Hổ. Sau mấy tháng theo dõi, Hai Thời đụng độ bọn ba Hổ nơi cánh rừng vắng.
     Một hôm, sau khi đánh cướp xong chuyến hàng, Ba Hổ dẫn đồng bọn xuyên rừng trở về thì gặp Hai Thời đứng chống nạnh giữa đường mòn, không muốn mất thì giờ, Ba Hổ nạt ngang:
- Ai đứng chận đường đó! Biết điều tránh ra cho các quan đi.
Hai Thời nhỏ nhẹ:
- Dạ, các quan muốn đi qua cũng được, nhưng xin để đồ vật lại.
Nghe giọng xách mé của Hai Thời, trong bọn có một tên nóng mặt, xách cây mai nhảy ra thị oai:
- Hừ, nghe giọng nói của mi chắc có gan nuốt búa, xem quan phóng “ bút chì “, nhìn cây chuối kia làm gương, quan lấy một thước .
Dứt lời, hắn vung tay phóng ngọn “ bút chì “ ra – bút chì là cây mai, một vũ khí lợi hại của nông dân Việt Nam, hình dáng giống như cái xẻng, cuối tay cầm có lỗ để xỏ dây mềm, chắc, người xử dụng nó phải có cánh tay thật khỏe, nắm đầu dây còn lại phóng ra, thu vào rất lợi hại - “ xoẹt “ thân cây chuối to gần bằng bắp đùi bị tiện đứt ngang chưa kịp ngã xuống thì cây “ bút chì “ đã nằn gọn trong tay hắn từ lúc nào, nhìn lại thân cây chuối bị chặc đứt ngọn còn trơ thân cây khoảng chừng một thước đứng trên mặt đất. Hai Thời vẫn nhỏ nhẹ:
- Môn phóng “ bút chì “ của quan lợi hại lắm, tuy nhiên phải để đồ vật lại mới đi qua đây đưọc.

     Bừng giận, Tư Thiệt – tên vừa phóng bút chì – vung tay, ngọn “ bút chì “ bay thẳng vào vai Hai Thời, bình tĩnh Hai Thời khẻ xoay người vừa đủ cho cây “ bút chì “ trúng …. không khí, Tư Thiệt thu dây rồi phóng liên tiếp ba phát, chỉ thấy Hai Thời nhích người tránh, chân vẫn đứng yên nơi cũ. Tư Thiệt giận run khi thấy ngọn “ bút chì “ của mình vô hiệu quả trước kẻ lạ mặt, Ba Thời cũng giật mình, thầm phục công phu định lực của đối phương cao tay, hắn bèn múa thiết lĩnh nhảy vô trợ chiến, Tư Thiệt cũng đổi qua ngọn roi hợp với Ba Hổ một cương một nhu tấn công Hai Thời tới tấp. Bên ngoài, mấy tay đàn em tự động đứng thành hình cánh cung bao Hai Thời đâu lưng vào rừng. Hai Thời bình tĩnh cung tay bái tổ, chân xoạc trảo mã, tay phải vòng cung trước mặt, tay trái thủ ngang lưng quần trong tư thế chờ đợi rất đẹp mắt. Bên nầy, Ba Hổ chống thiết lỉnh tung người lên, hét một tiếng lớn theo thế “ độc long xuất động “ đá vào mặt Hai Thời, bên kia Tư Thiệt quất một đường roi “ bạch xà tróc điểu “ ngang lưng Hai Thời, đinh ninh phen nầy địch thủ phải lùi lại ba bộ mới tránh được hai thế công nầy. Nhưng không, Hai Thời bỏ một chân qua phải trai trái vẫn để nguyên ngã người qua bên phải tay đở đầu tay che hạ bộ theo thế “ xạ tiễn “, chờ ngọn roi lướt qua và ngọn cước hết đà, Hai Thời đứng bật dậy lấy khăn rằn đang quấn quanh cổ xoắn lại quất dứ vào hai bên mặt Tư Thiệt “ chát chát “, hốt hoảng vì đòn bất ngờ của Hai Thời, Tư Thiệt nhảy lùi lại ba bộ múa roi thủ thế. Bật cười ha hả, Hai Thời xoay người lại tung ngọn cước đá trả lại Ba Hổ, cả ba quân quần đấm đá nhau đã ba mươi hiệp mà chưa phân thắng bại, Hai Thời vẫn giữ nụ cười trên môi, chiếm thế thượng phong, ung dung tránh đở, chiếc khăn len lỏi giữa hai cây thiết lỉnh và roi như rồng bay phượng múa, thỉnh thoảng quấn lấy cây thiết lỉnh kéo lại đở đường roi và ngược lại, làm hai gã kia không biết đường đâu mà lường. Trên lưng Ba Hổ, Tư Thiệt đã ước rịn mồ hôi , hơi thở bắt đầu nặng, như đo lường được tài nghệ đối phương, không muốn kéo dài thêm trận đấu, Hai Thời phản công tới tấp, hai tay múa vun vút, chân đá liên hoàn bắt Ba Hổ và Tư Thiệt phải trở về thế thủ. Tấn công thêm ba đòn, Hai Thời vuốt chiếc khăn vào mặt địch thủ kêu chan chát. Ba Hổ và Tư Thiệt bị đuôi chiếc khăn quất trúng vào gò má rát như lửa phỏng, tối tăm cả mặt mày cả hai bắt đầu hoảng với lối đánh khăn thần sầu quỹ khóc của địch thủ. Hai Thời đấm dứ vào mặt Tư Thiệt một quyền làm gã hoảng hốt nghiêng người né tránh, chỉ chờ có thế, Hai Thời quay người quét ngọn cước “ hoành xà triệt địa “ vào ống quyển hất Tư Thiệt lăn cù xuống đất, trằn người thật lẹ, Tư Thiệt múa roi bảo vệ lấy người, nhưng Hai Thời lẹ hơn một bực, dùng khăn cuốn lấy ngọn roi, một tay vung trảo xỉa thẳng hai ngón tay phóng thẳng vào đôi mắt Tư Thiệt thật lẹ, Tư Thiệt rú lên một tiếng hãi hùng nhắm mắt chờ chết, nhưng hai ngón tay địch thủ vừa chạm vào vào hai mí mắt gã thì bổng rút lại ngay. Mở bừng mắt ra, Tư Thời tưởng mình về từ cõi chết, cách hắn ba bước Hai Thời đang đứng sừng sững, miệng mỉm cười, chiếc khăn rằn đã quấn lại trên cổ từ lúc nào, tay thì mân mê cây roi vừa đã giật được từ tay hắn, chuyện xãy ra quá lẹ, Ba Hổ chưa kịp cứu bạn thì Hai Thời đã đoạt được roi. Cảm động trước hành động mã thượng của Hai Thời, Tư Thiệt tung người đứng dậy chưa biết tính sao thì ngọn roi của Hai Thời bắt đầu vung lên. Phải công nhận đường roi của Hai Thời cao tay hơn Tư Thiệt một trời một vực, ngọn roi khi ẩn khi hiện loang loáng như sấm sét không biết đâu mà dò. Ba Hổ,Tư Thiệt nhảy tránh loi choi không còn tâm trí đâu mà phản công lại, chỉ một thoáng mà cả hai bị trên mười roi rêm cả người, biết địch thủ còn nương tay, Ba Hổ vội la lên :
- Xin ông bạn ngừng tay lại .
Hai Thời giả như không nghe, tay cứ tiếp tục vung lên vèo vèo, bị trúng thêm hai roi nữa, Ba Hổ càng núng thế vì thấm đòn nên lại hét lên:
- Xin đàn anh ngừng tay .
Lúc đó Hai Thời mới chịu ngừng tay lại, chống roi xuốn đất miệng mỉm cười, hơi thở vẫn điều hòa. Ba Hổ và Tư Thiệt nhảy né thêm mấy cái nữa mới dừng chân đứng lại thở dốc, bổng một tiếng xé gió phóng thẳng lại phía Hai Thời.
- À, “ bút sắt “ .
Miệng la, Hai Thời bình tĩnh nhảy lùi quay đầu lại điểm ngọn roi vào đầu ngọn mác làm giảm tốc độ của sức phóng tới, lùi nhanh thêm mấy bộ ghìm ngọn roi vào đầu ngọn mác, hướng dẫn cho chúi xuống đất, việc xãy ra chỉ trong tíc tắc, “xoạt” một cái, cây mác cắm xuống đất cách hai Thời ba gang tay. Tưởng cũng nên nói sơ qua về môn “ bút sắt “, đây là ngọn giáo hoặc mác uốn cong rồi bắn đi, “ bút sắt “ là môn ám khí ngầm, rất là lợi hại và bất ngờ, sức công phá mạnh hơn tên nhiều, muốn bắn đi người xữ dụng chỉ việc chống xuống đất, dùng sức ấn cho cây mác cong lại, buông tay bắn thẳng ra như ý mình, thời đó người ta gọi đây là môn “ bút sắt “. Thấy ngọn mác đang đà bay thẳng nay bị ngọn roi điều khiển bắt quẹo cắm xuống đất, Ba Hổ kinh hãi trước tài nghệ siêu đẳng của địch thủ, vội khoát tay la lên:
- Ngừng tay lại tất cả.
Đoạn vòng tay lại, Ba Hổ hỏi Hai Thời:
- Xin đàn anh cho biết danh tánh, thiết nghĩ chúng ta như nước sông với nước giếng, chưa một lần gặp mặt hoặc có oán thù, mình có thể thương lượng …
Hai Thời mân mê cây roi:
- Ta không có oán thù hay thương lượng gì với bọn ngươi, có điều ta không thích những hành động của bọn ngươi bấy lâu nay….
Tư Thiệt xen lời:
- Vậy, theo ý đàn anh muốn nói gì?
Hai Thời quắc mắt:
- Ý ta muốn nói uổng cho tấm thân nam nhi của bọn ngươi, làm trai trong thời loạn mà các ngươi chỉ biết dùng võ nghệ đi cướp bóc dân lành ….
Ba Hổ nén giận :
- Xin đàn anh thông cảm cho, trong thời nhiễu nhương nầy , đất nước bị đô hộ, trên thì lũ quan tham nhủng hèn hạ làm tôi đòi cho Tây, dưới thì mạnh ai nấy sống, cùng đường chúng tôi mới làm nghề ăn cướp để mưu sinh ….
Tư Thiệt tiếp lời:
- Vã lại làm nghề cướp, chúng tôi vẫn còn liêm sỉ hơn những đứa đi làm mọi cho Tây, hầu hạ Tây …
Hai Thời giận dữ:
- Kiến thức tụi ngươi thật là hạn hẹp. Lại giỏi tài ngụy biện, chớ có vơ đủa cả nắm mà mang tội lộng ngôn. Làm cướp thì cũng có năm ba đường, ta hỏi bọn ngươi tại sao cũng là cướp mà đảng “ bồ câu trắng “ lại được lòng dân, khiến bọn Tây hãi sợ và trong giới giang hồ ai cũng vị nể?
Ba Hổ, Tư Thiệt nhìn nhau cứng họng, cúi đầu xuống đất không biết đường đâu trả lời. Một niềm xấu hổ theo từng lời nói của Hai Thời thấm từ từ vào lòng, trước dáng dấp uy nghi của Hai Thời, từng lời nói chắc nịch như từ người anh bao dung đang khiển trách những đứa em lạc lối. Bọn Ba Hổ Tư Thiệt cảm thấy nể nang, thầm phục đối phương, thấy những lời nói của mình có hiệu qu, Hai Thời bồi thêm:
- Các ngươi có biết người cầm đầu đảng “ bồ câu trắng “ không?
Ba Hổ chớp mắt :
- Dạ, biết !
- Biết người hay là chỉ nghe nói đến?
- Dạ, chỉ nghe nói, chưa từng gặp mặt.
- Nếu gặp các ngươi có dám thử tài?
- Với người đó, tụi tôi chỉ là đàn em nào dám thử tài, trong giới giang hồ người đó là thần tượng đầy uy vũ ...
Hai Thời nghiêm nghị :
- Vậy mà các ngươi đã thử rồi đó!
Ba Hổ giựt mình :
- Thế ra đàn anh đây là …..

     Hai Thời lẳng lặng bước tới nhặc cây mai lên, bất thần xoay người lại phóng thẳng liên tiếp vào cây chuối mà Tư Thiệt đã tiện đứt nửa thân cây khi nãy, chỉ thấy ngọn “ bút chì “ bay loang loáng, những tiếng “phập phập “ nỗi lên ngọt xớt. Nhìn kỹ lại ngọn chuối đã bị “ tiện “ tận gốc, chung quanh năm khúc chuối nằm lăn lóc, mỗi khúc dài độ hai tất, bằng nhau như đã đo rồi mới cắt , chẳng nói chẳng rằng Hai Thời bỏ cây mai xuống đất, bước tới lượm năm khúc chuối chất lên tay, vận sức tung bổng lên cao, rồi lấy chiếc khăn rằn cầm nơi tay xoắn lại thủ thế, chờ cho những khúc chuối rơi đúng tầm, Hai Thời hét lên một tiếng thị oai, vung khăn quất lia lịa “ chát, chát, chát, chát “ bốn tiếng vang lên, bốn khúc chuối bị văng ra hai bên, còn khúc chót khi rơi gần xuống đất, Hai Thời tung khăn quấn lại hất văng lên cao rồi lẹ làng nhảy lại cầm chiếc mác khi nãy uốn cong lại, nhắm theo khúc chuối “ vút “ một tiếng xé gió “ bút sắt “ bay theo cắm vào giữa thân khúc chuối, một tiếng “ phập “ vang lên giữa sự ngỡ ngàng hò reo của bọn Ba Hổ. Viết ra thì chậm chứ sự thể xãy ra rất lẹ, cái nầy tiếp nối cái kia quá nhanh đưa bọn Ba Hổ từ thán phục nầy đến kinh ngạc khác trước kết quả kỳ diệu y như biến hóa thần thông. Hai Thời đứng sừng sững một cách ngạo nghễ trước những đôi mắt đầy khâm phục của bọn Ba Hổ. Biễu diễn xong những môn võ cỗ truyền Việt Nam, Hai Thời mặt không biến sắc, hơi thở vẫn điều hòa ( xin một lần nhắc lại các môn “ bút chì “ , “ bút sắt “, “ đánh khăn “, “ múa roi “ đều là những môn võ thuật nỗi tiếng trong những môn võ thuật cỗ truyền Việt Nam, từng vang danh trước và trong thời kỳ Pháp thuộc ) .
Ba Hổ vòng tay cung kính:
- Té ra đàn anh đây là đảng trưởng của đảng “ bồ câu trắng “ ngày nào, người mà tụi em đây từng ngưỡng mộ, mong có ngày gặp mặt, hầu được về dưới trướng.
Tư Thiệt bước tới vòng tay, nói tiếp:
- Những lời nói của đàn anh như khuôn vàng, thước ngọc, xin đàn anh bỏ qua chuyện vừa rồi, tụi nầy vì không có người dẫn dắt nên đi sai đường, từ nay xin theo bước đàn anh …
Đối với bọn Ba Hổ lúc nầy Hai Thời là một thần tượng, một bực đàn anh hào hiệp mà bấy lâu nay họ mong được sống gần. Biết lời nói mình có ảnh hưởng đến cuộc đời bọn Ba Hổ sau nầy, Hai Thời chậm rãi nói:
- Chúng ta là trai trong thời loạn, đất nước bị đô hộ, nếu không làm được những việc lớn như những vị Nghĩa Binh cao cả thì chúng ta cũng đừng làm cho rối thêm, đất nước điêu linh, dân tình ta thán, hãy hàn gắn lại vết thương lòng đó, xây dựng lại những gì đổ nát. Đối tượng để chúng ta dùng võ nghệ trừng trị là bọn thực dân đô hộ, bọn quan tham nhũng, bán nước cầu vinh, bọn sâu bọ vong quốc cõng rắn cắn gà nhà, bọn đã gây cho đất nước chúng ta phải sống trong cảnh điêu linh loạn lạc. Tuy nhiên cũng thận trọng điều tra trước khi thanh lọc phần tử bất hảo vì chính ta đây trong giây phút hấp tấp đã giết lầm người vô tội …
     Ngừng một chút như ngậm ngùi nhớ lại chuyện đã qua, Hai Thời dịu giọng nói tiếp:
Giỏi võ để mà chi nếu chúng ta không đi đúng đường của người võ sĩ chân chính, tôi theo dõi các chú từ lâu, nhận thấy các chú tuy đi lầm đường nhưng chưa mất hn thiên lương, hãy dừng tay tội ác mà quay về với bản chất anh hùng của chàng trai đất Việt. Làm người ai cũng bị lầm lẫn trong đời, nhưng biết được cái lầm lẫn của mình mà sửa sai đi để trở về chân thiện mỹ, đó mới đáng quý …

     Giọng nói Hai Thời đều đều vang lên trong rừng vắng, từng lời như từng giọt mật rót vào người bọn Ba Hổ, như từng luồng nắng ấm soi sáng vào bóng đêm lạnh lẽo. Tâm hồn Hai Thời , Ba Hổ , Tư Thời càng lúc càng gần nhau hơn, và cũng từ đó đảng cướp bọn Ba Hổ đã lột xác để trở thành kẻ thù chính của bọn Pháp. Sống đúng với bản chất cũa những chàng trai đất Việt trong thời tao loạn, học theo cách đảng “ bồ câu trắng “ cầm cán cân công lý. Ngày càng ngày, đảng Ba Hổ thực sự lớn mạnh, trưởng thành trong tình tương thân “ tứ hải giai huynh đệ “ cho đến ngày nay. …

3/

Hai Thời cảm khái lẩm bẩm:
- Tứ hải giai huynh đệ ! “ chậc “, thời gian trôi qua mau thật.
Ba Hổ đang chiêu ngụm rượu nghe không rõ, hỏi lại :
- Anh nói gì, anh Hai ?
Hai Thời giật mình :
- À không! Tôi đang nhớ lại hồi tám năm về trước, ngày tôi và mấy chú gặp nhau nơi cánh rừng vắng, nghĩ lại cái “ duyên “ đó mà cảm khái.
Ba Hổ cười khà :
- Mỗi lần nhớ lại hành động của mình ngày xưa, em cảm thấy xấu hổ, nếu không có anh cảm hóa dẫn dắt thì không biết cuộc đời tụi nầy ra sao? Phải không chú Tư?
Tư Thiệt gật gù:
- Dạ, ý nghĩ của em cũng na ná như anh Ba, nhiều lúc suy nghĩ em thấy mình có phước lớn được anh Hai chỉ cho con đường sáng, lại tận tâm truyền dạy võ nghệ để rồi anh em chúng mình tạo được chút hư danh như ngày nay …
Hai Thời bùi ngùi :
- Đó cũng là phần lớn do tài trí của mấy chú, bây giờ tôi thấy mình già rồi mà con đường mình đi chưa đi đến đâu, mấy tháng nay tôi suy nghĩ nát nước, thấy tình trạng đất nước chưa có gì khả quan sáng sa mà tui tác mình ngày thêm chồng chất, tôi sợ mai một đi những tinh hoa võ thuật Việt Nam mà tôi may mắn được Thầy tôi truyền dạy. Tôi đã quyết định rồi, các chú hãy tự chọn cho tôi một người ở lại đây để tôi dốc túi chỉ lại những gì tôi biết về võ thuật cỗ truyền, mấy năm nay tôi lĩnh hội thêm ít nhiều bí quyết, các chú ra sân xem tôi dẫn giải.

     Hai Thời dẫn cả bọn ra sân, cầm cán mai trên tay và chậm rãi nói:
- Môn phóng “ bút chì “ nầy rất lợi hại nếu ta biết tận dụng đến nơi đến chốn như ý muốn, nghĩa là phóng ra nhanh nhẹn chắc chắn, đưa tâm ý vào trong cánh tay để điều khiển uyển chuyển theo ý mình. Trước phải tập treo sợi chỉ trước tấm vải, ta tập phóng cho đến khi nào làm đứt sợi chỉ mà tấm vải không bị sướt hay bị động thì lúc đó mới đạt được trọn vẹn môn phóng bút chì nầy.
     Hai Thời chỉ vào hàng chuối nằm dọc theo bờ rào đã cụt nửa thân dùng đ luyện tập hàng ngày, nói tiếp:
Các chú nhìn kỹ cây kế chót, bên phải …
Hai Thời vung tay phóng liên tiếp theo thế liên hoàn năm phát vào thân cây chuối, năm khúc chuối ngã lăn ra nhưng còn dính liền nhau bởi một làn bẹ mỏng. Nhìn lên cây ổi góc vườn, thấy con tắc kè nằm trên đó, Hai Thời nói:
- Chú Tư Thiệt đuổi con tắt kè trên cây ổi giùm tôi, tôi sẽ lấy khúc đuôi nó …
     Tư Thiệt lấy cây roi gõ vào thân cây ổi, làm con tắt kè giật mình chạy vọt lên, thì liền khi đó cây “ bút chì “ trong tay Hai Thời bay loáng lên cắt đứt khúc đuôi trước khi nó chui vô kẹt cây, nhìn lại thân cây ổi không có dấu vết gì chứng tỏ cây mai chạm phải cả.
Hai Thời mân mê cây “ bút chì “ nói chậm rãi:
- Phóng “ bút chì “ ta phải biết kềm giữ nó lại, đó là cả một nghệ thuật cần phải cố gắng trau dồi tập luyện, cũng như môn đánh khăn, múa roi, lấy nhu thắng cương lấy mềm thắng cứng. Thắng đây là thắng bằng cách uốn nắn địch thủ theo ý mình chứ phông phải trực diện đốn ngã, để hợp với bản tính hiếu sinh của người Việt Á Đông của mình, ví như con ngựa bất kham phóng thẳng tới, nếu ta ỷ sức mạnh đứng trực diện chống lại thì sẽ bị va chạm mạnh, sao bằng lừa thế né tránh rồi nhảy lên mình nó rồi điều khiển theo ý mình. Có điều nhảy được lên mình nó và kềm giữ là cả một nghệ thuật cần phải có sự luyện tập, then chốt dùng nhu thắng cương là chổ đó.

     Ba Hổ, Tư Thiệt, Năm Trọn, Sáu Đục nghiền ngẫm những lời chỉ dạy của người anh, một người đã gánh chung niềm đau dân tộc, một người đang cố gắng giữ lại những tinh hoa võ thuật cỗ truyền Việt Nam và truyền lại cho thế hệ mai sau. Nhìn nhau như dọ hỏi, Ba Hổ ngập ngừng nói:
- Thưa anh Hai, tụi em chọn chú em Sáu Đực ở lại với anh.
Sáu Đực chớp mắt :
- Thưa anh Ba, xin để anh Năm ở lại, em sợ không đủ sức.
Năm Trọn cười thân mật :
- Sao chú Sáu nói gì kỳ vậy, chú còn trẻ chưa vướng bận gia đình, còn nhiều thời gian học hỏi hơn, đừng có cãi lời làm các anh buồn, ở lại gắng công học hỏi để khỏi phụ lòng anh Hai.
Hai Thời hài lòng:
Các chú biết nhường nhịn nhau như vậy là tốt lắm ! Tin đây tôi chỉ dạy thêm những tinh yếu về môn đánh khăn cho chú Ba, còn chú Tư thì Tôi cũng chỉ thêm những biến ảo về đường quờn “ lưu thủy “ để chú tận dụng cây roi thêm phần đắc dụng, riêng chú Năm thấy chú ưa dùng môn phóng “ bút chì “ tôi sẽ truyền dạy môn đó cho hợp với tài năng của chú. Kỳ nầy tôi hy vọng mấy chú có đủ thì giờ để học thêm những môn cầm nả, cùi chỏ chuyên dùng để đánh cận chiến nhập nội, và thủ thuật điểm huyệt làm tê bại dây đường kinh của địch thủ ….

     Hai Thời nói nhiều lắm, lâu lắm mới thấy hắn vui vẻ như ngày hôm nay. Bên ngoài trời đã về chiều, vài cuộn khói lam đang tỏa lên từ những mái tranh hiền hòa của làng Tân Hào, và vẫn như mọi năm, trong sân vắng nhà Hai Thời, không còn ai chú ý đến những người lạ mặt thường hợp mặt cuối cùng nhau nhậu nhẹt.
Xa xa, văng vẳng tiếng đùa giỡn vô tư của trẻ thơ …
     Lại một ngày nữa sắp sửa trôi qua ….

Hoàng Dũng 
Cuối Đông 1987


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét