Thằng em thuộc diện từ từ
Chuyện gì cũng để từ từ tính sau
Bây giờ ăn trước đã nào
Hải vị rất thích, sơn hào đương nhiên
Cuối tuần họp đám bạn hiền
Rủ nhau ăn uống chia tiền trả ngon
Có vợ mà sợ có con
Tội gì ràng buộc để còn thảnh thơi
Vợ chồng xứng lứa vừa đôi
Cái làm tàm tạm cái chơi rất sành
Nói năng chọc phá cũng rành
Tiếu lâm một bụng bởi cần stress free
Cái sạch cũng rất ly kỳ
Vô nhà thấy chẳng khác gì ho-tel
Cái ly cái tách trong veo
Nhà không hạt bụi bếp treo để thờ
Ngày ngày ăn dạo ăn nhờ
Không cho vợ nấu sợ dơ hôi nhà
Bà chị thì chẳng nệ hà
Vơ thằng em ruột cũng là em dâu
Thằng em theo chị bấy lâu
Mười hai thuở ấy nay đầu bốn mươi
Công danh sự nhgiệp rất lười
Hằng ngày dùng đủ kỳ dư …từ từ
Thằng em của tôi không có gì hay ho tài giỏi hay nổi bật hơn ai cả mà ngược lại còn thua kém bạn bè cùng trang lứa đủ mọi bề. Học vấn, nghề nghiệp, danh lợi, tiền tài vv… Nhưng nó được cái sense of humour, chuyện gì xảy ra chung quanh nó đều biến thành chuyện tiếu lâm, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không và đôi khi chuyện không lại…hóa có mặc dù bản chất nó không phải là kẻ lạc quan yêu đời vô tư lự.
Thằng em theo vợ chồng chúng tôi đi vượt biên năm 12 tuổi. Ba Má tôi không đành lòng cho thằng con trai duy nhứt mạo hiểm với chúng tôi trong chuyến đi chín dữ một lành như vậy, một chuyến đi rủi nhiều may ít mà sinh mệnh chỉ biết phó thác cho số phần. Nhưng thằng em mến tôi vì tôi chăm sóc ẵm bồng nó từ lúc nó mới một tuổi, từ cái ăn cái ngủ cho đến cái đứng cái đi nên khi nghe vợ chồng tôi bàn chuyện vượt biên, nó cũng đòi đi theo Hia Chế Hai cho được (người Tiều Minh Hương gọi anh chị bằng Hia, Chế). Bữa đầu ra đến bãi hẹn thì bị trục trặc một chút chuyện nên cả đám vượt biên phải quay trở về. Qua ngày hôm sau chủ tàu kêu đi lại, má tôi khóc lóc năn nỉ thằng con ở lại nhưng nó nhứt định không đổi ý. Vì một lòng theo dính Chế Hai như vậy mà giờ đây nó mới nghiểm nhiên tự động trở thành một công dân Úc sống khỏe re tự tại ở một đất nước tự do giàu có và chan chứa tình người, một xứ sở có nền an sinh xã hội bảo đảm mà tuổi già và hậu vận không cần phải canh cánh lo âu.
Thọat đầu, khi tới Úc vì không có thân nhân bạn bè ở Sydney nên gia đình chúng tôi gồm bốn người, hai vợ chồng với đứa con gái nhỏ và thằng em được gởi vào một trung tâm bảo hộ thiếu niên tị nạn vô gia đình gọi là Westly Mission Centre do hội Uniting Church thành lâp trong lúc chờ đợi mướn nhà. Trong thời gian ở đây, thằng em nhập bọn theo đám thiếu niên ở đây nên mới “mở mắt” được đôi chút. Bọn nhóc hướng dẫn đi đây đi đó, cách thức đón xe bus, đi xe lửa, dặn nó khi gần tới trạm xuống phải để ý chớ lơ mơ qua huốc trạm là đi tuốt luôn hết biết đường về báo hại thằng em cũng lên ruột mấy lần đầu khi tự đi. Có một hôm, người giám hộ dẫn đám nhóc đi movie, sau đó cho đi ăn K.F.C. Thằng em ở xứ nghèo mới tới chưa từng biết vụ này nên khi bọn nhóc đem lại cho nó một hộp gà , nó cứ ngồi hòai không dám ăn vì tưởng phải chờ có cơm rồi mới ăn được. Ở Việt Nam, một con gà làm mấy món, chia mấy mạng chớ đâu có cái màn ăn gà không phây phây như vậy. Ai dè chờ một hồi thấy bọn nhóc kia cứ thản nhiên vừa ăn vừa uống coke, đấu láo lia chia, thằng em nghĩ trong đầu chắc Úc này nó ăn gà thế cơm, thôi mình cũng ăn cho rồi. Thế là nó mới rón rén mở hộp gà ra ăn một cách từ tốn dè chừng. Thiệt là quê hết chỗ chê. Nhưng cũng nhờ từ những chập chững khám phá ban đầu mà thằng em dần dần dạn dĩ hơn và biết ma lanh break the law đôi chút nếu cần, chớ không còn ngốc nghếch thiệt thà như lúc còn ở nhà với ba má.
Lúc chúng tôi làm chủ một corner shop bán tạp hóa Úc thì thường buổi chiều sau khi đi học về, thằng em coi shop cho tôi ra nhà sau nấu ăn. Có một bữa nọ tôi nghe môt khách hàng và thằng em đấu khẩu nhoi trời đất ngòai trước mà chẳng biết chuyện gì, chạy ra coi thì té ra ông khách đó là một ông già người Hy lạp. Ông ta nghe thằng em chào và hỏi “Ti cà ní” có nghĩa là How are you, ổng tưởng (chắc già lẩm cẩm) thằng này biết tiếng Hy lạp nên nói một tràng tiếng Hy Lạp làm thằng em điếc luôn. Vốn có óc khôi hài nên nó cứ mặc cho ổng nói gì thì nói, còn nó, nó xổ lại tiếng… Việt. Ông già không hiểu trời trăng gì mà cứ rán gân cổ nói tới tấp. Thằng em thì cười sặc sụa khiến tôi phải xin can giải huề bằng… broken English cho ông ấy hiểu. Và khi ổng mua được món đồ xong đi ra cửa, thằng em quỷ quái của tôi còn nói vói theo”Gia Xu” có nghĩa là Bye bye, see you. Tôi trừng mắt la nó sao chọc ông già chi vậy. Nó nói không chọc thì lấy gì vui. Bây giờ ông Greek già đó có lẽ đã ra người thiên cổ còn chị em chúng tôi thì vài năm nữa cũng xấp xỉ tuổi ông ngày xưa. Nghĩ lại :
Mới hay con tạo xoay vần
Người sau kẻ trước dần dần tới phiên
Trong chương trình high school, thằng em rất ghét môn sport, nhứt là swimmimg. Tuy biết bơi nhưng nó bực mình cái chuyện nào là phải mang theo swimsuit, khăn tắm, bao bị để đựng đồ ướt, đồ khô. Nào là khi đến hồ bơi phải thay đồ tắm, bơi xong lên tắm lại rồi thay lại đồng phục. Cứ thay vô thay ra và xách lung tung xà bèng là cái chuyện cực kỳ phiền tóai mà nó không thể nào chấp nhận được nên cứ hễ tới ngày đi bơi là nó “lặn” luôn, đợi tới giờ học mới đến thẳng trường. Đến cuối niên học, thằng em đem học bạ nhờ ông thầy sport ký tên, ông thầy hỏi nó:
- Who are you? I haven’t seen you before. Tôi chưa từng thấy mặt cậu bao giờ mà bảo tôi ký cái gì.
Nó cũng cười cười:
- Yes, you had seen me but not often , Sir.
Vậy rồi cũng huề thôi.
Hằng ngày sau khi đi học về, không biết thằng em và con gái tôi, hai cậu cháu nó nói chuyện với nhau bằng kiểu gì mà cái hôm đi đón ông bà ngọai ở phi trường sang đòan tụ gia đình, vừa trông thấy ba má tôi, nhỏ con gái chạy lại ôm ông bà nói:
-Trời ơi!, ông bà ngọai còn “trâu bò” quá, vậy mà con tưởng đâu già lắm rồi.
Tôi tá hỏa chưa kịp la nhỏ con thì má tôi chưng hửng hỏi:
- Ai dạy con nói kỳ cục vậy? Sao nói ông bà ngọai như trâu bò?
Con gái tôi cười hì hì:
-Thì thằng con của ngọai đó, thằng cậu con nó nói hễ mày thấy ai mạnh khỏe là “trâu bò” chớ gì. Trâu bò mới có sức cày ruộng, phải không ngọai?
Thật ra vợ chồng chúng tôi có gởi con gái đi học tiếng Việt nhưng khi vào lớp gặp ông thầy người miền Bắc, nó giơ tay hỏi:
- Phải thầy là Việt cộng không? Cậu con nói Bắc kỳ là Việt cộng ăn cướp nước con đó. Thôi tuần sau không học nữa, học riết chắc con thành Việt cộng luôn . (!)
Lúc đi vượt biên, con gái chúng tôi mới có 4 tuổi nên chưa biết gì về chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc, chỉ nghe nói người ngòai bắc là cộng sản, là baddies. Chúng tôi có giải thích cho nó nghe là có hai lọai người Bắc, Bắc quốc gia và Bắc cộng sản nhưng nó vốn không muốn học nên lấy cớ đó bỏ luôn thành ra bây giờ, nó “chớp” được chữ nào của thằng cậu là đem ra xài chữ đó. Mà thằng cậu khi đi vượt biên thì mới học xong tiểu học… Hoa ngữ.
Thằng em rất kén ăn kén mặc, ăn thì thích ăn ngon, mặc thì muốn phải coi cho được. Khổ người ốm ốm xương xương nhưng khi chọn quần áo thì cái nào mặc lên look cool (ngầu) mới hài lòng. Lúc mà thời trang leather jacket thịnh hành, cậu ta muốn mua một cái mà đi hết Wesfield này đến Wesfield nọ, từ tây sang đông, từ nam qua bắc. Cuối cùng ra city gặp một cái ưng ý nhưng chưa chịu mua, chạy về lôi nhỏ cháu ra bảo mày coi giùm tao cái jacket này được không. Nhỏ cháu nói O.K. Vậy mà cũng không tin chắc. Hai bữa sau cậu ta lại năn nỉ bà chị đi theo cho ý kiến. Rốt cuộc cũng về “tông khay”.
Mấy ngày sau, một bữa đi làm về, nhỏ con mắng vốn thằng em:
- Mày làm tao quê quá Tony à. Ông chủ tiệm gặp tao đi ngang hỏi sao thằng cậu mày khó quá vậy, coi hòai mà không chịu mua. Đồ may sẵn bán chớ có phải đo người đặt may đâu. How can it be just right for you, man. However, nothing is perfect in this world, mate. Mày lo cưới vợ đi để vợ mày lo cho mày. Mai mốt đừng có kêu tao đi coi đồ cho mày nữa, tao không có đi đâu.
Đọc tới đây chắc quý vị rất bực mình khó chịu và thấy ghét cái nhân vật “thằng em” này. Tôi là chị nó mà còn bực mình nữa huống chi người ngòai. Thằng em còn có tính kỹ lưởng sạch sẽ đến như bệnh họan. Giày dép của ai đi đâu về là cậu ta phải cầm lên kiểm sóat lại coi có dính gì dơ thì đem ra ngòai chùi sạch mới đem vô nhà đặt ngay ngắn. Vốn là người thích trật tự nên thấy cái gì không đúng chỗ là cậu ta sắp đặt lại ngay, trong nhà không có cái gì được “ló” mặt ra ngoài hết trừ những món mỹ nghệ trang trí chưng bày. Rủi như thình lình trông thấy một sợi tóc của ai dưới nền gạch trắng tinh là cậu ta phải cúi xuống lượm bỏ vào thùng rác liền khiến con gái tôi phải la lên:
- Mày annoy tụi tao quá. Mai mốt gặp bà vợ tóc dài, một ngày rụng mấy chục sợi cho mày lượm cúp xương sống luôn.
Một bữa đang ngồi ăn chiều cậu ta bỗng bật cười kể:
- Hồi nãy đi làm về ghé đổ xăng, cậu nghe một ông Việt Nam nói tiếng Anh mà muốn nổ cái đầu luôn, hiểu không nổi. Suy nghĩ một hồi mới nghĩ ra. Ông đó có chiếc xe bỏ garage sửa mấy hôm trước và bữa nay lại lấy về. Nhưng thấy chiếc xe của mình dơ quá ông ta complain với ông mechanic:
- Can you lyn ly.
- What? Say it again.
Ông V.N. vắn tắt lập lại:
- Ly lyn.
Ông thợ nổi dóa cộc lốc quát lên:
- What?
Lần này chắc ông V. N. nghĩ trong đầu là thằng di dân này ở xứ nào tới mà dở quá, mình nói tiếng Anh vậy mà nó không hiểu. Thế là ông ta lập lại một lần nữa, lần này nói chậm chậm từng tiếng một:
- Can… you… ly …lyn.
Cũng không hiểu luôn. Ông thợ trợn mắt lắc đầu bỏ đi một nước. Còn ông V. N. thì chỉ biết giơ hai tay lên trời rồi lẳng lặng xách xe về. Đố bà chớ ổng nói cái gì.?
Cả nhà mắc cười quá trời, tôi nói:
- Thì chắc ổng kêu thợ máy lau cái xe cho ổng trước khi giao xe đó mà. Can you clean please chớ gì.
Thằng em cười như nắc nẻ:
- Dân mình nhiều người nói tiếng Anh như nói tiếng Việt, chắc vì ảnh hưởng bốn ngàn năm văn hiến, chữ nghĩa sâu xa muốn Việt hóa tiếng Anh, chơi bỏ bớt chữ của người ta; phát âm ra người mình nghe còn không hiểu, làm sao “tây” nó hiểu. Ngày thì đi làm lyn(clean), tối đi lấp(club), cuối năm khai thuế lem(claim) lại mấy hồi. Chợ Flemington thì đặt là Lê Minh Tân. Regents Park thì kêu là Lý Chính Phát. Chesterhill thì thành Chết rồi Thiêu. Vui, vui thiệt. Thầy chạy luôn. Mà không phải chỉ mấy người không rành tiếng Anh mới nói kiểu đó đâu. Có một số người cũng đến trường đến lớp đàng hòang nhưng họ lại thích nói nhảy chữ như vậy. Như thằng bạn làm chung trong section của cậu. Nó học T.A.F.E. ra chuyên viên. Vậy mà có lần cậu hỏi nó chớ cái resistor của mày colour code là gì. Nó trả lời làm cậu phát nóng.
- Rao, lắc, lắc, lắc.
- Là màu gì?
Cậu khó chịu hỏi lại. Nó nhát gừng đáp:
- Thì rao, lắc lắc lắc.
Nghe nó nói, cậu thiếu điều muốn chưởi thề:
- What the hell is “rao”and “lắc”? Phải một brown và ba black không ?
Nó bình thản gật đầu. Đó, bà thấy vui dễ sợ chưa?
Thằng em sạch sẽ ngăn nắp vì thói tật chớ thật ra cậu ta làm biếng nhớt thây. Nhờ cậu ta làm việc gì thì cứ …từ từ mà chờ đi. Có lần thấy cỏ mọc cao quá mà tuần đó ông xã cảm cúm chưa cắt được, tôi nhờ cậu ta. Cậu ta hẹn tuần sau. Tuần sau nhắc nữa thì cậu ta nói:
- Từ từ, gấp gáp làm gì chớ. Cắt rồi tuần sau nó cũng mọc lại thôi. Cắt sớm thì mọc sớm chớ gì. Phải tuần trước cậu nghe lời bà xách máy ra cắt thì tuần này thấy sắp phải cắt nữa rồi. Ở Việt nam bà có nghe nhà ai nói cắt cỏ không?
Tôi phát sùng:
- Ở Việt Nam, đất còn không đủ cho người ta ở, chỗ đâu cho cỏ mọc. Sống ở đâu thì nói theo ở đó, đừng đem Việt Nam ra so sánh. Muốn chuyện có hóa không cũng đuợc. Tao thì dân chủ lắm. Chỉ sợ ông Hia mày nói nhờ có một chút chuyện mà cũng không xong thôi.
- Thì để từ… từ. Làm chuyện gì thì cậu phải suy nghĩ coi có đáng không. Mùa hè cỏ lên mau như magic. Cắt bữa nay qua ngày sau là thấy lên một phân rồi. Để cho nó mọc cho đã rồi hẳng hay. Từ từ mà…
Chuyện người khác cậu ta từ từ thì cho là cậu ta ích kỷ lười biếng đã đành. Đàng này, ngay chuyện bản thân cậu ta, cậu ta cũng từ từ luôn. Cậu ta có sở thích là uống bia và nghe nhạc. Đêm nào cũng lai rai một hai chai nghe nhạc tới hơn nửa đêm, sáng nào cũng mở mắt không muốn nổi. Vì vậy cuối tuần, cậu ta “nướng” tối đa để bù lại. Ngủ dậy 11 giờ trưa là sớm. Có lần cậu ta cần đi bác sĩ thử máu. Ngày thứ bảy bác sĩ chỉ làm tới 1giờ . Đáng lẽ cậu ta phải dậy sớm hơn một chút, nhưng cậu ta vẫn tánh nào tật nấy, vẫn cứ… từ từ. Đến chừng đi tới phòng mạch bác sĩ thì bác sĩ hỏi:
- Anh muốn thử máu hả? Có ăn gì chưa?
- Dạ chưa.
Cậu ta tình thật đáp. Bác sĩ cười cười bảo :
- Vậy thôi đi ăn đi. Anh tới trể quá, người courier lấy mẫu máu đã đi rồi.
- Vậy hả? Thôi để tuần sau. Cũng không gấp gì. Từ từ cũng được.
Thế là cậu ta tắp vào một quán ăn gần đó kiếm cái gì đó ăn sáng by noon.
Thằng em là như vậy đó. Còn cậu ta mà chơi với hai thằng cháu (6- 7 tuổi) gọi cậu ta bằng ông cậu thì chẳng khác gì Lão ngoan đồng Châu bá Thông trong “Anh hùng xạ điêu”, nghịch ngợm, phá phách, đùa dai không thể tưởng. Cậu ta tưởng tượng ra một thế giới người ảo và bày trò này trò nọ khiến hai thằng cháu chỉ biết ngẩn tò te ngồi nghe nửa tin nửa ngờ. Tin thì thấy vô lý mà không tin thì sao thằng ông cậu này nói như là thiệt vậy. Người ngòai mà nhìn vô cái bộ tịch bọn nó chỉ biết cười đau bụng thôi.
Hồi năm ngóai năm kia gì đó, thằng em được công ty gởi qua Anh tu nghiệp một tuần. Cậu ta lấy thêm một tuần holiday để qua Pháp đi honey moon với vợ, luôn tiện coi cho biết Paris có gì lạ mà văn chương mỗi khi đề cập đến Paris là cứ đem cái câu “Paris có gì lạ không em” ra hù người ta nghe phát bực mình. Từ Úc qua tới Anh phải mất 24 tiếng đồng hồ bay, cậu ta nói ngồi đến đau thốn cái bàn tọa, cứ nhốm bên này, nhích bên kia như là ghế có gai, đau lưng thì ít mà đau đít thì nhiều. Ngồi lâu ê ẩm quá thì bật ghế ra nằm. Nằm một hồi không ngủ được lại ngồi dậy coi TV, nghe nhạc. Cứ hết nằm tới ngồi lùng tung lúng túng nội chỗ đó, không đi đâu được hết. Khổ như vậy mà ai nói đi du lịch sướng lắm, không biết sướng cái chỗ nào, bây giờ nếu được xuống máy bay về nhà nằm mới là phê nhứt thôi.
Hai vợ chồng cậu em
Ở Paris một tuần, cậu ta mới biết Paris có gì lạ. Đi đường thì không dám nhìn lung tung ngắm người ngắm cảnh thỏai mái mà cứ phải nhìn xuống coi chừng ‘’mìn’’. Bởi vì dân Paris thường hay dắt chó ra ngòai dạo chơi và luôn tiện cho nó phóng uế ‘’xổ bầu tâm sự’’ cho nên bất cứ chỗ nào cũng có thể bị ‘’gài mìn’’, sơ ý là đạp phải ngay. Oh! la la!, gớm hết cở nói nhứt là gặp trời mưa chèm nhẹp đi đâu về chắc phải dục luôn đôi giày. Còn dân móc túi thì như rươi và siêu việt không tưởng tượng nổi. Một du khách đứng sắp hàng dưới chân tour Eiffel chờ mua vé, ông ta đã cẩn thận khóa cái bóp đeo trước bụng, vậy mà chừng ông ta mở bóp ra định lấy tiền mua vé, cái khóa vẫn còn đó mà tiền bạc giấy tờ thì lại biến đâu mất tiêu. Ông ta la tóang lên, cảnh sát thổi còi rượt đuổi thì chỉ thấy một đám người trùm đầu trùm cổ chạy tán lọan như một bầy dơi đen thui không biết thằng nào là thằng nào để mà bắt. Ngòai ra còn có những tệ nạn khác như beggers (người ăn xin) ngồi nhan nhản đầy đường hoặc homeless trú ngụ dưới gầm cầu hay những tầng hầm đậu xe. Té ra Paris, thủ đô ánh sáng có những cái lạ là vậy. Khi về kể lại, thằng em xúi tôi năm tới bà đi một chuyến đi cho biết đó biết đây và biết khổ với người ta chớ không thôi bà tưởng đi du lịch là sướng lắm sao.
Chuyện thằng em nói mãi còn hòai. Nhưng phàm cái gì nói nhiều quá thì người ta đâm chán, không còn hứng thú để nghe, nhứt là nói mãi về một nhân vật, và nhứt là nhân vật đó rất tầm thường, chỉ biết hưởng nhàn, sống lè phè, sống cho mình, không có lý tưởng hòai bão gì cao cả, hay ho đáng ca tụng. Nhưng nghĩ cho cùng, ở đời có ai mà không muốn sống cho mình. Không sống được cho mình có lẽ là do số phận đẩy đưa, hòan cảnh xui khiến nên buộc lòng phải chịu, chớ nào ai muốn thế. Cũng vì vậy đời mới có câu “Hòan cảnh tạo anh hùng” và “Nếu phải đường đời bằng phẳng hết. Anh hùng hào kiệt có hơn ai.”
Nhưng nếu số thằng em tôi nhờ phước cha mẹ, làm một kẻ tầm thường, sống bình thường mà lúc nào cũng nhàn nhã thảnh thơi, làm đủ ăn đủ sống là được rồi chớ không cần phải bon chen chạy theo cho bằng người này hoặc hơn người nọ người kia thì tôi cũng cầu mong cho nó sẽ được như vậy mãi. Còn cái phúc nào hơn là có đươc peace of mind trong đời. Tôi nghĩ vậy không biết có đúng không…? Tùy nhân sinh quan của mỗi người.
Người Phương Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét