Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Đất Phương Nam I - Thu Phục Thủy Chân Lạp



Tổng Quan Về Lịch Sử Chân Lạp: 

Vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ, Nam Phần, Nam Bộ, hay Đất Phương Nam... đã từng trực thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI sau Tây lịch. Từ sau thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ XVII, trên danh nghĩa, vùng đất nầy trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Trong thời kỳ Phù Nam hưng thịnh thì Chân Lạp chỉ là một phiên quốc của Phù Nam mà thôi. Có lẽ vì các vua chúa Phù Nam bóc lột quá hà khắc, nên một sắc tộc có tên Kambuja(1) tại vùng Korat(2) đã đứng lên quật khởi, rồi sau đó họ tràn xuống vùng Biển Hồ, đánh đuổi người Phù Nam để lập nên vương quốc Chenla vào thế kỷ thứ VI. 
Sau khi vương quốc Phù Nam tan rả, một số cư dân Phù Nam chạy sang tỵ nạn tại vùng Ménam(3) và Miến Điện, một số chạy lên vùng Tây Nguyên Việt Nam, và một số dong buồm chạy về các vùng Nam Đảo(4). Sau khi đánh tan quân Phù Nam, bộ tộc Kambuja đặt tên cho vương quốc mình là Chenla (Chân Lạp) và đóng đô tại vùng Angkor(5). 
Đến thế kỷ thứ VII, vương quốc Chân Lạp bị chia ra làm hai vùng: Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Vào hậu bán thế kỷ thứ VIII, Chân Lạp bị người Java(6) đánh chiếm, mãi đến năm 802, vua Jayavarman II mới đánh đuổi được người Java ra khỏi lãnh thổ và thu hồi nền độc lập. 
Kể từ đây, vương quốc Chân Lạp bắt đầu phát triển đến đỉnh cao rực rỡ nhất của nó. Trong khoảng từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XII, Chân Lạp đã phải đánh nhau triền miên với Champa, và nhiều lần Champa mang quân sang chiếm đóng kinh đô Angkor. Trong suốt thế kỷ thứ XII, cuộc chiến tranh giữa Champa và Chân Lạp kéo dài suốt một thế kỷ, kinh đô Angkor đã được làm đi làm lại nhiều lần vì bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, đến hậu bán thế kỷ thứ XII, đầu thế kỷ thứ XIII, dưới thời vua Jayavarman VII (1181-1201) là thời kỳ huy hoàng nhất của vương quốc nầy. Lúc đó Chân Lạp là một vương quốc hùng mạnh và rộng lớn nhất tại vùng Đông Nam châu Á. Về phía tây bắc, vương quốc nầy giáp với Miến Điện và Trung Hoa; về phía đông bắc, giáp với Nam Lào (vùng Paksé); về phía tây nam, giáp với Mã Lai; và về phía đông nam, vương quốc nầy bao trùm cả vùng phía Nam vương quốc Champa và Thủy Chân Lạp(7). 
Năm 1336, một người làm vườn Thượng Uyển tên Ta Chay đã nổi lên giết vua, rồi tự xưng làm vua. Đến năm 1340, Ta Chay mất, con trai là Nippean Bat lên ngôi (1340-1346). Lúc nầy, đất đai của vương quốc Chân Lạp đã bị mất dần vào tay của người Xiêm La và Lào. Đến năm 1351, sau khi người Xiêm tấn công dữ dội và tiến chiếm đế đô Angkor, Chân Lạp phải dời đô về Ayuthya. Mãi đến năm 1357 người Chân Lạp mới tái chiếm được Angkor Wat, nhưng nơi nầy đã bị chiến tranh tàn phá quá nhiều. 
Dưới thời vua Barom Râma (1363-1373), vương quốc Chân Lạp gửi sứ thần sang giao hảo với triều đình nhà Minh bên Trung Hoa, và Chân Lạp được yên ổn trong suốt 10 năm. 
Đến năm 1373, vua Xiêm là Ramusuen lại kéo quân sang đánh Angkor, và cuộc chiến tranh nầy kéo dài trong suốt nửa thế kỷ, nhưng cuối cùng Ramesuen chiếm được Angkor, bắt giết vua Chân lạp và giam giữ hơn 70 ngàn tù binh. Ramesuen phong cho con mình là Ento lên làm vua xứ Chân Lạp, nhưng ít lâu sau đó thì hoàng thân Chau Ponhea của Chân Lạp nổi lên giết chết Ento rồi lên ngôi vua. Sau khi Chau Ponhea mất, con là Ponhea Yat lên thay và trị vì Chân Lạp và tiếp tục chiến tranh với Xiêm La trong suốt 20 năm. 
Năm 1432, toàn bộ quân Xiêm đã bị đánh đuổi ra khỏi lãnh thổ của Chân Lạp, Ponhea Yat(8) tiếp tục cai trị Chân Lạp đến năm 1467. 
Năm 1434, vua Soryopor dời đô về Nam Vang (Phnom Penh) và xây dựng một hệ thống phòng thủ kiên cố hơn. Khi Soryopor qua đời, thì triều đình Chân Lạp hỗn loạn trong suốt 7 năm vì tranh giành ngôi vị. Đến năm 1474, Thommo Reachea (1474-1494), một hoàng thân thân Xiêm La đã được người Xiêm đưa lên làm vua sau khi hoàng thân nầy chịu nhường đứt hai tỉnh Korat và Chantaboun cho Xiêm La. Sau khi Thommo Reachea mất vào năm 1494, triều đình Chân lạp lại rơi vào cảnh hỗn loạn vì tranh chấp ngôi vị lần nữa. 
Năm 1505, hoàng thân Ang Chan I từ Vọng Các về lên ngôi vua, nhưng vị vua nầy lại không chịu thần phục Xiêm La, nên năm 1510, vua Xiêm lại xua quân chiếm tỉnh Siem Rệp, nhưng bị quân Chân Lạp đẩy lui. Sau đó Ang Chan I dời kinh đô về Lovek (La Bích). 
Năm 1560, vua Barom Reachea thu hồi được các tỉnh Korat và Chantaboun, nhưng đến năm 1583 quân Xiêm lại tiến chiếm các tỉnh Battambang, Pursat và Lovek, đốt phá hết cung điện của nhà vua, và bắt hoàng thân Soryopor đem về Vọng Các. Năm 1603, Soryopor được người Xiêm cho về nước, lên ngôi vua (1603-1618). Đây là vị vua thân và thần phục Xiêm La về mọi mặt chánh trị, kinh tế và văn hóa. Vua Soryopor bắt buộc triều thần Chân Lạp phải ăn mặc và áp dụng đúng theo nghi lễ của người Xiêm(9). 
Đến năm 1618, dưới áp lực của triều đình, vua Soryopor phải thoái vị và nhường ngôi cho con trai là Chey Chetta II. Kể từ vị vua nầy, triều đình xứ Chân Lạp bắt đầu có hai khuynh hướng, một là thân Xiêm và hai là nghiêng về phía xứ Đàng Trong của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới thời vua Chey Chetta II, triều đình Chân Lạp tỏ ý độc lập với Xiêm La khi họ dời đô về Oudong và bắt đầu liên lạc với chúa Nguyễn. 

Xứ Đàng Trong Mở Cõi Về Phương Nam: 


Trong phạm vi bài viết nầy, chúng tôi chỉ đề cập nhiều đến vùng Thủy Chân Lạp, tức là vùng mà ngày nay chạy dài từ phía Nam tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận xuống tận mũi Cà Mau, rồi bọc lên tận biên giới với Cao Miên tại vùng Hà Tiên. Đây là một vùng đất phì nhiêu, nằm trọn trong hệ thống bồi đắp phù sa của những con sông lớn như sông Cửu Long, sông Đồng Nai và Vàm Cỏ. Không phải đợi đến lúc thu phục xong Champa, các chúa Nguyễn mới nghĩ đến vùng Thủy Chân Lạp. Trước đó, ngay từ khi mới được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã quyết tâm xây dựng vùng phía Nam Hoành Sơn thành một hậu cứ hùng mạnh trong công cuộc tranh hùng với nhà Trịnh ở phương Bắc. Ngay sau khi được Trịnh Kiểm tâu lên vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã đem theo tất cả gia quyến và bộ hạ vào Nam. Đây có thể nói là đợt di cư đầu tiên vào phương Nam trong lịch sử Nam Tiến, xảy ra trong suốt khoảng thời gian từ năm 1558 đến năm 1570. 
Những người nầy tháp tùng theo Nguyễn Hoàng đi vào các vùng Thuận Hóa và Quảng Nam. Nguyễn Hoàng đã triệt để nghe theo lời cố vấn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ‘Hoành sơn nhất đái, Vạn đại dung thân’. Kể từ đó, Thuận Quảng đã trở thành giang sơn riêng của dòng họ Nguyễn, và cũng từ đó Đại Việt bị chia cắt làm hai đàng: Đàng Ngoài của vua Lê và chúa Trịnh; và Đàng Trong của chúa Nguyễn. Sau khi đã ổn định xong vùng Thuận Quảng và củng cố triều đình xứ Đàng Trong, các chúa nhà Nguyễn bắt đầu đẩy mạnh công cuộc khai hoang lập ấp, với chính sách ‘đồn điền’(10). Chính từ chính sách nầy mà ngay cả khi chưa hoàn toàn chinh phục vương quốc Champa, các chúa nhà Nguyễn đã bắt đầu công cuộc thu phục vùng đất Thủy Chân Lạp. Năm 1611, nhân vụ người Champa quấy phá vùng biên giới(11), chúa Nguyễn Hoàng sai tướng Văn Phong(12) đem quân vượt đèo Cù Mông đánh chiếm vùng phía Nam Sa Huỳnh, đặt làm phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa(13). 
Chúa Nguyễn Hoàng mất năm 1613, con trai là Nguyễn Phúc Nguyên lên nối ngôi chúa(14). Để xây dựng hậu cứ hùng mạnh chống lại với quân của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn đã vượt qua phần đất còn lại của Champa(15) để tiến về phương Nam. Kỳ thật, vùng đất Thủy Chân Lạp chỉ trực thuộc vương quốc Chân Lạp trên danh nghĩa, chứ trên thực tế không có bao nhiêu người Khmer cư ngụ trong vùng nầy, và Chân Lạp cũng chưa từng thành lập bộ máy hành chánh trên vùng đất nầy. Cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam được diễn tiến với nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan. Về mặt khách quan mà nói, vào cuối thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII, để xây dựng hậu cứ hùng mạnh chống lại với quân của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn đã phải tiến về phương Nam, vùng đất mang tên Thủy Chân Lạp. Nghĩa là do bởi sự phân tranh của hai dòng họ Trịnh và Nguyễn mà một chuỗi những biến cố đã cuối cùng biến toàn thể những vùng đất đã từng trực thuộc những vương quốc Champa và Chân Lạp trở thành một dãy giang sơn gấm vóc của Việt Nam. Về phương diện chủ quan mà nói, trong khi phía Việt Nam đang cần một hậu cứ hùng mạnh ở phương Nam thì về phía Chân Lạp từ năm 1434 đã bị quân Xiêm La xâm chiếm. Họ đã phải bỏ đế đô Angkor mà chạy về Phnom Penh. 

Sau đó năm 1528 lại chạy về La Bích (Lovek). Năm 1593, quân Xiêm lại triệt hạ luôn thành La Bích. Từ đó Chân Lạp lệ thuộc hoàn toàn vào Xiêm La, mọi sự phế lập trong triều đình Chân Lạp đều do Xiêm La quyết định. Tuy nhiên, từ sau cuộc hôn nhân giữa Miên vương Chey Chetta II và công nữ Ngọc Vạn vào năm 1620, sự việc đã hoàn toàn đổi chiều. Việc công nữ Ngọc Vạn theo chồng về Oudong có thể được xem như là một sự mở đầu cho những cuộc bành trướng lãnh thổ về phương Nam sau nầy của dân tộc Việt Nam. 

Bên cạnh đó, sự rối loạn một cách liên tục của triều đình Chân Lạp cũng góp phần không nhỏ cho cuộc Nam Tiến của người Việt Nam, vì cứ mỗi lần triều đình Chân Lạp có sự rối loạn là chắc chắn người Xiêm La sẽ can dự, rồi tiếp theo đó là các chúa Nguyễn đem quân đi chinh phạt Xiêm La. Cứ mỗi lần quân đội xứ Đàng Trong đánh bật quân Xiêm ra khỏi lãnh thổ Chân Lạp là mỗi lần quốc vương Chân Lạp lại đền ơn đáp nghĩa cho các chúa Nguyễn bằng cách dâng hiến những đất đai hoang vu của vùng Thủy Chân Lạp. Mỗi khi đất đai Thủy Chân Lạp rơi vào tay xứ Đàng Trong thì lập tức các chúa Nguyễn cử quan quân đến khai phá, rồi sau đó đưa lưu dân đến định cư, tiếp tục khai khẩn đất hoang và thiết lập bộ máy hành chánh. Do đó mà chỉ trong vòng không đầy 150 năm sau ngày công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu xứ Chân Lạp, toàn thể vùng Thủy Chân Lạp đã hoàn toàn trực thuộc lãnh thổ của xứ Đàng Trong. Đời Chúa Nguyễn Hoàng (1600-1613), đi về Thuận Hóa, mặc dầu trong suốt thời gian trị vì dưới thời chúa Tiên, quân đội xứ Đàng Trong chưa tiến hành mở cõi về phương Nam, nhưng chúa đã củng cố quân sự và bắt đầu công cuộc xây dựng đế nghiệp cho dòng họ Nguyễn về sau nầy. Sau khi mất, ông đã được triều Nguyễn truy tôn làm Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế. Đến đời Chúa Nguyễn Phước Nguyên (16131635), dự tính kế hoạch hòa hoãn với các lân quốc phương Nam như Chiêm Thành và Chân Lạp. Chúa Nguyễn Phước Nguyên cũng bắt đầu kế hoạch “Xâm chiếm không đổ máu” trên đất nước Chiêm Thành và Chân Lạp bằng cách cho lưu dân về khai khẩn và định cư tại các vùng xa xôi ở phương Nam như Prey Nokor, bây giờ là vùng Chợ Lớn. Năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên gả hai nàng công nữ là Ngọc Khoa cho vua Chiêm Pô Romê và Ngọc Vạn cho Miên vương là Chey Chetta II, mở đầu cho một dự tính “tầm ăn dâu” về lâu về dài cho cuộc Nam Tiến về sau này. Vua Chey Chetta II lên ngôi năm 1618 và cố gắng thoát ra khỏi sự kềm chế của người Xiêm La nên đã quyết định ngã hẳn về phía Việt Nam. Trước tiên Chey Chetta II dời đô về Oudong(16) và xin cưới công nữ Ngọc Vạn của xứ Đàng Trong. Năm 1621, quân Xiêm tấn công thủ đô Nam Vang, những người đi theo công chúa Ngọc Vạn đóng thuyền chiến giúp vua Chey Chetta II chống lại quân Xiêm. Đồng thời công nữ Ngọc Vạn đã cầu viện với chúa Sãi xin gửi quân sang cứu Nam Vang. Năm 1623, sau khi giúp Chân Lạp đánh thắng được quân Xiêm, một phái đoàn của triều đình Thuận Hóa đã đến Oudong, yêu cầu vua Chey Chetta II nhường lại khu dinh điền Mô XoàiBà Rịa, và lời yêu cầu nầy đã được vua Miên chấp thuận ngay. 
Ngay khi hai sở thu thuế tại Sài Gòn và Bến Nghé được thành lập, từng đoàn và từng đoàn người Việt đã đổ xô vào vùng đất Đồng Nai để khẩn hoang lập ấp. Đây là đợt thiên di về phương Nam lần thứ nhì của người Việt, sau đợt thiên di của chúa Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng. Đây cũng chính là bàn đạp đầu tiên của người Việt tiến xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thật tình mà nói, sự kiện chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đặt hai trạm thu thuế ở Sài Gòn và Bến Nghé không phải là sự kiện ngẫu nhiên, mà nó nằm trong sách lược ‘Nam Tiến’ có kế hoạch hẳn hòi của các chúa Nguyễn. Hai trạm thu thuế ở Sài Gòn và Bến Nghé vừa là cơ quan thu thuế, mà cũng vừa là đồn binh để phòng khi có việc là kéo quân lên Nam Vang tiếp trợ ngay. Sau khi đánh thắng quân Xiêm, vua Chey Chetta II đã bổ nhiệm nhiều quan quân trong đoàn tùy tùng của công nữ Ngọc Vạn vào những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Và cũng kể từ đó triều đình xứ Đàng Trong luôn sẵn sàng giúp đỡ và viện trợ cũng như can thiệp vào nội tình Chân Lạp. 
Lịch sử đã cho thấy cứ mỗi lần quân đội xứ Đàng Trong tiến lên cứu giúp Chân Lạp là mỗi lần triều đình xứ Đàng Trong được các quốc vương Chân Lạp đền đáp bằng một số đất đai, đa số là những hoang địa. Và cứ mỗi lần nhận được đất mới của Chân Lạp là từng đợt di dân mới được đưa đến để khai phá và thành lập bộ máy hành chánh trực thuộc xứ Đàng Trong. Sau năm 1623, theo lời kêu gọi và bảo trợ của hoàng hậu Sam Đát(17), nhiều lưu dân người Việt đã ồ ạt theo đường biển vào Nam lập nghiệp. Chính vì thế mà trong vòng chỉ vỏn vẹn 3 năm sau (1623), số lưu dân người Việt trên đất Thủy Chân Lạp đã lên đến 20 ngàn người. Chúa Sãi bèn sai người mang quốc thư cho con rể là Chey Chetta II, xin cho mượn đất Prey Nokor và Kas Krobey(18) để đặt trạm thâu thuế người Việt tại đây, và quan trọng hơn là xứ Đàng Trong có thể kịp thời tiếp trợ vương quốc Chân Lạp mỗi khi hữu sự. Lời yêu cầu nầy đã được vua Chân Lạp chuẩn thuận ngay lập tức. Ít lâu sau đó, các vùng Prei Nokor và Kas Krobey đã trở thành những khu thị tứ rất sầm uất. Quả đúng như vậy, đến năm 1624, quân Xiêm lại theo đường biển đổ bộ vào vùng duyên hải Chân Lạp, nhưng bị quân Chân Lạp(19) phản công dữ dội, nên quân Xiêm đành rút về nước. Chính vì vậy mà chỉ 5 năm sau sau ngày công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu xứ Chân Lạp, người Việt đã tràn ngập các vùng Thủy Chân Lạp giáp với vương quốc Champa như Mô Xoài, Srekatrey, Prei Nokor, và Kas Krobey(20). Các chúa nhà Nguyễn biết rằng dầu vùng đất Thủy Chân Lạp trên thực tế đã bị bỏ hoang từ hơn 10 thế kỷ, tính từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII, nhưng trên danh nghĩa, nó không phải là vùng đất vô chủ, mà nó trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Trước khi có lưu dân người Việt đến vùng nầy Sài Gòn và Bến Nghé ngày nay, chỉ có một ít người Khmer sống cộng cư với các cư dân bản địa như các bộ tộc Mạ, Stiêng, Chu Ru, Cơ Ho, vân vân. Họ sống thành từng sóc nhỏ, không có chánh quyền địa phương và hoàn toàn biệt lập với vương triều Chân Lạp tại Oudong. Và các chúa tiên triều nhà Nguyễn đã khôn khéo áp dụng sách lược ‘Lưu dân Đại Việt đi trước nhà nước Đại Việt theo sau’. Một khi các lưu dân đã khai hoang lập ấp và biến đất hoang thành đất thuộc, thì các chúa Nguyễn mới thiết lập bộ máy hành chánh nhằm vừa xác lập chủ quyền của Đại Việt, mà cũng vừa giúp ổn định trật tự trị an trong vùng. Riêng tại những vùng đất hoang dã không ai dám tới nầy, các chúa Nguyễn đã khôn khéo kêu gọi những nông dân cùng khổ của vùng Thuận Quảng đi tìm cuộc sống mới. Bên cạnh đó, các chúa cũng ra chỉ dụ ân xá cho những tù binh bắt được trong các cuộc chiến tranh với quân Trịnh, cũng như những và tù phạm trọng án được vào Nam khai hoang lập nghiệp, tạo cho mình cuộc sống mới. Tuy nhiên, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, trong suốt thời gian ngài tại vị, xứ Đàng Trong không thể tiến xa hơn nữa về phía Thủy Chân Lạp, vì vào năm 1627, chiến tranh giữa hai họ Trịnh Nguyễn bùng nổ tại vùng Bố Chính(21). 
Sau đó, vào năm 1629, Văn Phong(22) đã liên kết với người Champa, nổi lên chống lại chúa Nguyễn, nên chúa Nguyễn Phúc Nguyên phải cử Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh(23) đem quân vào ổn định. Bên cạnh đó, vùng đất miền Tây sông Hậu, tuy phù sa mầu mỡ, nhưng đã bị chìm trong hoang vu, có lẽ từ khi mới được thành hình đến nay(24), nên lưu dân Việt Nam cũng bị khựng lại tại bờ bắc sông Hậu một thời gian khá lâu(25). Về phía Chân Lạp, sau khi quốc vương Chey Chetta II băng hà vào năm 1628, triều đình Chân Lạp rối loạn với những cuộc tranh chấp ngôi báu từ năm 1628 đến năm 1642. Năm 1642, Nặc Ông Chân lên làm vua Chân Lạp. 
Năm 1658, hai hoàng thân Ang So và Ang Tan nổi lên đánh lại, nhưng thất bại, phải chạy sang cầu cứu với công nữ Ngọc Vạn, lúc nầy bà đang ở tại Prei Nokor. Công nữ Ngọc Vạn liền viết thư cho cháu là chúa Nguyễn Phúc Tần. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai phó tướng Nguyễn Phúc Yến, phó tướng của dinh Trấn Biên(26), đem 3.000 quân đi đánh và bắt Nặc Ong Chân tại vùng Mô Xoài-Bà Rịa, đem về giam tại Quảng Bình. Chúa Nguyễn phong cho Ang So làm vua Chân Lạp(27). Kể từ đó Chân Lạp lại xin thần phục chúa Nguyễn. Năm 1672, quốc vương Chân Lạp là Batom Reachea bị người con rể tên Chey Chetta III(28) giết chết, nhưng sau đó Chey Chetta III lại bị nhóm của vợ vua Batom Reachea hạ sát. 
Năm 1673, con trai lớn của vua Batom Reachea là Nặc Ông Đài (Ang Chey) lên ngôi, nhà vua cho xây đắp bờ lũy tại Nam Vang rồi tiến đánh Sài Gòn. Đến đầu năm 1674, chúa Nguyễn sai Cai Cơ Nguyễn Dương Lâm(29) làm thống binh, hợp với Nguyễn Diên Phái làm Tham mưu, và Văn Sùng làm Thị chiến, đem quân vào đánh Mô Xoài(30). Tháng 4 năm 1674, quân ta tiến đánh Gò Bích và Nam Vang, Nặc Ông Đài phải trốn vào rừng. Hoàng thân Ang Tan thì chết vì bệnh, nên chúa Nguyễn sai giao quyền cho Ang Nộn, tức Nặc Ông Nộn, đang ở tại Oudong. Tuy nhiên, em của Ông Đài là Ông Thu (Ang Saur) nổi lên đánh Ông Nộn chạy về Sài Gòn. Sau đó, Ông Thu thần phục chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn phong làm chánh vương tại Oudong (Long Úc), còn Ông Nộn thì làm nhị vương tại Sài Gòn. Trong khi triều đình Chân Lạp ngày càng rối loạn, chia năm xẻ bảy, nhóm nầy thân Xiêm, nhóm kia thân Việt... thì hai thế lực lớn của hai lân quốc Việt và Xiêm luôn tìm cách lấn sâu vào nội địa của Chân Lạp bằng mọi giá. 
Về phía Tây người Xiêm luôn đe dọa lãnh thổ phía tây Chân Lạp, còn về phía Nam thì người Việt cũng đang tìm cách đưa lưu dân của mình xuống đó khai khẩn đất hoang và định cư luôn tại đó. Trong lúc đó thì nhà Minh bên Trung Hoa bị nhà Mãn Thanh tiêu diệt, và di thần nhà Minh vì không phục người Mãn Thanh, nên đã dong buồm xuôi về phương Nam. Nghĩa là người Minh Hương xuất hiện vào giai đoạn thuận lợi nhất trên bước đường Nam Tiến của dân tộc Việt Nam. Khoảng năm 1680, các di thần nhà Minh là cựu tổng binh trấn thủ Long Môn(31) là Dương Ngạn Địch, và cựu tổng binh các châu Cao, Lôi, Liêm, thuộc tỉnh Quảng Đông là Trần Thượng Xuyên, đem 3.000 quân và 50 chiến thuyền ghé vào yết kiến chúa Nguyễn tại Phú Xuân. Chúa Nguyễn chính thức cho nhóm quan quân lưu vong nầy vào khai khẩn vùng đất Đồng Nai và Mỹ Tho. Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ, lên định cư ở Bàn Lân (Đồng Nai), còn Dương Ngạn Địch thì vào cửa Tiểu, đến định cư tại vùng Mỹ Tho bây giờ. 
Đến năm 1681, Mạc Cửu lại dong buồm từ Phúc Kiến đến đảo Koh Tral(32), sau đó ông tiếp tục đi vào nội địa xứ Chân Lạp và xin vua Chân Lạp cho khai phá các vùng Cần Bột và Mang Khảm(33). Mạc Cửu được quốc vương Chân Lạp phong chức Ốc Nha, được quyền khai phá một vùng đất rộng lớn trong vịnh Thái Lan. Lúc nầy các vùng đất nầy vẫn còn trực thuộc Chân Lạp. Thấy những người Minh Hương(34) nầy sống rất hòa đồng với nhị vương Nặc Nộn tại vùng Sài Gòn, đồng thời Nặc Nộn cũng biết cách kết thân và nhờ cậy họ; nên Nặc Thu đem lòng nghi kỵ, lo phòng thủ Long Úc (Oudong) và có ý muốn chống lại chúa Nguyễn. Nặc Nôn đã trình báo cho chúa Nguyễn tất cả những việc động binh của Nặc Thu, nên năm 1689, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Hào phối hợp với binh của Mai Vạn Long chuẩn bị chinh phạt Nặc Thu. Cuối cùng, Nặc Thu lại chịu thần phục triều đình xứ Đàng Trong như cũ. Năm 1693 quân chúa Nguyễn tiến đến Phan Thiết. Như vậy kể từ năm 1693, biên giới giữa Chiêm Thành và Chân Lạp ngày trước đã biến thành biên giới giữa xứ Đàng Trong và Chân Lạp. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn hữu Cảnh(35) làm Kinh Lược đất Thủy Chân Lạp và chia đất Đông Phố ra làm dinh huyện để tiện việc cai trị(36). Ông lấy đất Đông Phú để lập ra huyện Phước Long, Biên Hòa lập ra dinh Trấn Biên, và đặt Sài Gòn là huyện Tân Bình. Sau đó đặt ra 2 dinh là Trấn Biên và Trấn Phiên(37). 
Năm 1698 là mốc thời gian quan trọng nhất trong lịch sử Nam Tiến của xứ Đàng Trong. Năm đó quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên phần đất Nam Kỳ với đầy đủ những thủ tục hành chánh mà chưa có dân tộc nào đã làm trước đây, như đặt địa danh, kiểm tra dân số và thiết lập bộ máy hành chánh cho đến ngày nay. Năm Canh Dần 1700, Nguyễn Hữu Cảnh tiến chiếm Bích Đôi và Nam Vang và phá tan kế hoạch ‘độc lập’ với chúa Nguyễn của Nặc Thu. 
Năm 1705, chúa Nguyễn sai Nguyễn Cửu Vân đem quân qua Nam Vang giúp Nặc Yêm(38) chống lại thế lực của Nặc Thâm(39). Cuối cùng, Nặc Yêm được chúa Nguyễn đưa lên ngôi vua Chân Lạp. Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, nhưng vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên. 
Năm 1714, Nặc Thâm liên kết với quân Xiêm kéo về vây Nặc Yêm tại thành La Bích (Lovek), chúa Nguyễn phải sai Nguyễn Cửu Phú và Trần Thượng Xuyên đem quân đi đánh dẹp. Năm 1732, chúa Nguyễn cho thành lập Trấn Hà Tiên, nhưng vẫn để cho Mạc Cửu làm Tổng trấn. Phải thành thật mà nói, trong công cuộc Nam Tiến, công lao của những người Minh Hương không phải là nhỏ, đặc biệt là của dòng họ Mạc ở Hà Tiên. 
Cùng năm 1732, lưu dân Việt Nam tại Prei Nokor bị quân Chân Lạp tấn công, chúa Ninh Vương sai Trương Phúc Vĩnh đem quân vào phối hợp với quân của tướng Trần Đại Định để đánh dẹp. Sau đó chúa bắt buộc vua Miên là Nặc Ong Tha phải nhường Meso và Long Hor(40), để hợp thức hóa vì người Việt định cư tại hai vùng nầy từ lâu rồi. Chúa Nguyễn lấy đất Long Hồ lập thành châu Định Viễn, và đặt dinh Long Hồ, trong khi cho Mỹ Tho trực thuộc vùng dinh Phiên Trấn (Gia Định). Như vậy, tính đến năm 1732, lãnh thổ xứ Đàng Trong kéo dài từ Quảng Bình đến Long Hồ. 
Theo địa bạ hành chánh đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), xứ Đàng Trong được chia làm 12 dinh(41). Năm 1748, Nặc Thâm lại kéo quân Xiêm về đánh Nặc Tha để cướp ngôi, chúa Nguyễn phải sai tướng Nguyễn hữu Doãn đem quân đánh dẹp để đưa Nặc Tha trở lại ngôi vua. 
Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai hai tướng Nguyễn Thiện Chính và Nguyễn Cư Trinh vào dàn xếp. Sau đó Nguyễn Cư Trinh lãnh lệnh chúa Nguyễn ở lại tiếp tục khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới. Năm 1755, Nặc Ong Nguyên thua nên nhờ Mạc Thiên Tứ xin nạp hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp(42) để cầu hòa. 
Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam. Năm 1757, sau khi vua Nặc Nguyên bên Miên băng hà, triều đình Chân Lạp lại xảy ra nội biến. Một người chú họ của Nặc Nguyên là Nặc Nhuận, vì muốn lên ngôi vua nên đem dâng hai xứ Preah Trapeang và Bassac(43) dâng lên Chúa Nguyễn để xin cầu phong. Nay các vùng này thuộc tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Năm 1759, Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tích đưa về làm vua xứ Chân Lạp. Chúa Võ Vương sai Thiên Tích đưa Nặc Tôn về Nam Vang. Sau đó Nặc Tôn dâng thêm vùng Tầm Phong Long(44) cho xứ Đàng Trong. Đồng thời, để tạ ơn Mạc Thiên Tứ, Nặc Ong Tôn cũng nhường thêm các phủ Kampot, Kompong Som, miền nam vùng Treang, Bentey Méas, và Linh Quỳnh(45). Chúa cho sáp nhập 5 phủ nầy vào trấn Hà Tiên, và chia đất Tầm Phong Long ra làm các đạo Đông Khẩu(46), đạo Tân Châu ở Tiền Giang và đạo Châu Đốc ở Hậu Giang. Như vậy, tính đến năm 1757, toàn vùng Thủy Chân Lạp đã được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam. 
Tưởng cũng nên nhắc lại, về sau vua Tự Đức trả 5 phủ nầy lại cho Chân Lạp. Trong khi đó tại vùng Mang Khảm, Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên(47), Rạch Giá, Trấn Giang(48) và Trấn Di(49). 
Năm 1755, các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng lập ra thi xã, thắp sáng ngọn đuốc văn hiến nơi góc trời cực Nam của tổ quốc. Đến năm 1780 thì Mạc Thiên Tứ chính thức dâng đất Hà Tiên(50). Đến đây coi như cuộc Nam tiến đến chót mũi Cà Mau và Hà Tiên đã hoàn tất. Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam không phải là một diễn tiến tình cờ, mà là một diễn tiến tất yếu và có kế hoạch hẳn hòi, nhất là từ khi Nguyễn Hoàng vào dung thân trong Thuận Hóa theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với hai câu sấm nổi tiếng: “Hoành Sơn nhất đái Vạn đại dung thân.” Như vậy nếu nói về cuộc Nam Tiến mà không kể đến công lao của Chúa Nguyễn Hoàng và các chúa nối nghiệp của Ngài sau này quả là một thiếu sót lớn. Tuy nhiên, trong phạm vi hạn hẹp của quyển sách này, chúng tôi chỉ nói phớt qua về các Chúa mà chỉ nói nhiều về vùng đất tận cùng phía Nam của đất nước mà thôi. Sau khi Nguyễn Kim, Thái Tể nhà hậu Lê bị nhà Mạc đầu độc chết năm 1545, quyền bính rơi vào tay của con rể ông là Trịnh Kiểm. Và để củng cố quyền bính Trịnh Kiểm bất chấp mọi hành động, ngay cả việc sát hại em vợ của mình là Lãng Quận Công Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng thấy anh mình bị hãm hại, bèn cáo bệnh xin xuôi về phương Nam để lánh nạn và từ đó ông đã dựng nên cơ nghiệp cho dòng họ Nguyễn, cũng như góp phần không nhỏ trong công cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam. Sau khi cho người vào vấn kế với Trạng Trình, Nguyễn Hoàng nhờ chị mình là Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm cho về phương Nam làm Trấn Thủ Thuận Hóa. Một công hai việc, vừa rảnh tay vừa khỏi phải mang tiếng là sát hại thêm một người em vợ nữa nên Trịnh Kiểm bằng lòng ngay. Năm 1558, Nguyễn Hoàng từ giã chị mình để ra đi trấn thủ đất Thuận Hóa. 
Mặt ngoài thì Nguyễn Hoàng có vẻ hòa hiếu với Trịnh Kiểm, nhưng bên trong thì Chúa Nguyễn tìm cách thu phục lòng người ở phương Nam và âm thầm gầy dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn. Đời Chúa Nguyễn Hoàng (1600-1613), đi về Thuận Hóa, củng cố quân sự bắt đầu công cuộc xây dựng đế nghiệp cho dòng họ Nguyễn. Sau này triều Nguyễn truy tôn ông là Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế. 
Đến đời Chúa Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), dự tính kế hoạch hòa hoãn với các lân quốc phương Nam như Chiêm Thành và Chân Lạp. Chúa Nguyễn Phước Nguyên cũng bắt đầu kế hoạch “Xâm chiếm không đổ máu” trên đất nước Chiêm Thành và Chân Lạp bằng cách cho lưu dân về khai khẩn và định cư tại các vùng xa xôi ở phương Nam như vùng Prey Nokor, bây giờ là Sài Gòn. Năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên gả hai cô con gái của mình là công nữ là Ngọc Khoa cho vua Chiêm Pô Romê và Ngọc Vạn cho Miên vương là Chey Chetta II, mở đầu cho một dự tính “tầm ăn dâu” về lâu về dài cho cuộc Nam Tiến về sau này. 
Năm 1623, sau khi giúp Chân Lạp đánh thắng được quân Xiêm, một phái đoàn của triều đình Thuận Hóa đã đến Nam Vang, xin vua Chey Chetta II cho người Việt tự do vào cư ngụ trong Prey Nokor và lập cơ quan thu thuế, cũng như đặt đồn binh tại đây để phòng khi có việc là kéo quân lên Nam Vang tiếp trợ ngay. Chúa Sãi mất năm 1635. Về sau này được triều đình nhà Nguyễn truy tôn là Hy Tông Hiến Văn Hoàng đế. Đời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), vì phải chinh chiến với Bắc quân của chúa Trịnh nên suốt thời gian này chúa Nguyễn Phúc Lan không mở mang gì nhiều về phương Nam. Về sau triều đình nhà Nguyễn truy tôn ông là Thần tôn Hiến Chiêu Hoàng đế. Đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), tức Chúa Hiền Vương. Ông là người chăm lo việc nước, không chuộng việc yến tiệc vui chơi. 

Năm 1660, chúa Hiền Vương lập Barom Reachea làm Chánh Vương Chân Lạp, đóng đô ở Oudong. Và Ang Non làm Nhị Vương và đóng đô ở Prey Nokor, tức Sài Gòn ngày nay. Năm 1674, Nặc Ông Đài đưa quân Xiêm sang đánh Ang Non, phá các lũy Sài Gòn và Bích Đôi, nhưng nhờ chúa Nguyễn tiếp trợ nên Ong Đài và quân Xiêm thua chạy. Chúa Nguyễn đưa Ang Saur (Nặc Ông Thu) về Oudong lên ngôi lấy hiệu là Chey Chetta IV. Năm 1679, các cựu thần nhà Minh không phục nhà Thanh nên ào ạt chạy qua tỵ nạn bên Xứ Đàng Trong. Trần Thượng Xuyên được Chúa Hiền cho khẩn vùng đất Đồng Nai(51), và Dương Ngạn Địch được Chúa cho khẩn vùng đất Mỹ Tho. Từ đó các nơi này trở nên phồn thịnh, phố xá mọc lên, buôn bán hưng vượng. Thuyền buôn của nhiều xứ đến giao thương tấp nập. Đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (16871691), tức Chúa Nghĩa Vương. Chúa vẫn giữ kế hoạch lưu dân về phương Nam, nhưng không có gì đáng nói. Quan hệ với Chân Lạp vẫn tốt đẹp. Chúa chỉ ở ngôi có 4 năm rồi băng hà năm 1691. Đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). 
Đây là thời kỳ chiến tranh Trịnh Nguyễn tạm ngừng trên 30 năm, bờ cõi tạm yên ổn, nên chúa Nguyễn Phúc Chu có nhiều cơ hội mở đất về phương Nam hơn. 

Năm Giáp Thân (1692), khi vua Chiêm là Bà Tranh kéo sang nước ta cướp bóc, sau đó họp quân đắp lũy ở phủ Diên Ninh. Quan Trấn thủ dinh Bình Khang liệu chống không nổi phải báo về chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu bèn phong cho Lễ Tài Hầu Nguyễn Hữu Kỉnh lãnh chức Tổng binh (Thống binh) cùng với Tham Mưu Nguyễn đình Quang cất quân đi đánh dẹp. Tháng giêng năm Quý Dậu (1693), Nguyễn hữu Cảnh đánh bại và bắt được Bà Tranh và tướng Chiêm là Kế Bà Tử. Chúa cho đổi đất Chiêm Thành ra làm trấn Thuận Thành(52). Năm Đinh Sửu 1697, chúa cho lấy đất Phan Rang và Phan Rí trở về phía Tây đặt phủ Bình Thuận. Năm 1698, Thống Suất Nguyễn Hữu Lập tuyên bố chủ quyền đất đai xứ Đàng Trong tại hai huyện An Phúc và Hòa Đa thuộc vùng Gia Định. Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng Dinh Trấn Biên(53), lấy xứ Sài Gòn (Prey Nokor) làm huyện Tân Bình, dựng Dinh Phiên Trấn(54), lập xã Minh Hương... 
Kể từ đó người Hoa khắp nơi đi lại buôn bán với người Nam rất sầm uất. 

 Năm 1699, Chúa cho lưu dân đến khai thác vùng cù lao Ông Chưởng. Năm 1705, Nguyễn Cửu Vân mở vùng đất Vũng Gù Tầm Bôn và Lôi Lạp(42), nhưng chưa chính thức được Miên vương cho phép. Tháng 8 năm Mậu Tý 1708, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Mạc Cửu cùng Trương Cầu, Lý Xá mang lễ vật đến kinh đô gặp chúa Nguyễn xin dâng đất Hà Tiên. Mạc Cửu là người đầu tiên có công khai phá và phát triển phủ Sài Mạt của Chân Lạp, từ Chưng Rum, Linh Quỳnh, Cần Bột (Kampot), Sài Mạt, đến Hà Tiên chạy xuống Rạch Giá, xuống tận Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên và Chậu Đốc. Chúa phong cho Mạc Cửu làm Tổng Binh trấn Hà Tiên. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chú có ba biến cố quan trọng: thứ nhất là vào năm 1731, Nặc Tha dâng đất Tầm Bào (Long Hồ) và Mỹ Tho cho Trần Đại Định, lập nên Dinh Long Hồ; biến cố thứ nhì xảy ra vào năm 1735, sau khi Mạc Cửu qua đời, Chúa Phúc Chú phong cho con cả của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ tiếp tục làm Tổng Trấn Hà Tiên; và thứ ba là vào năm 1736, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp(42) để chuộc tội. Tưởng cũng nên nhắc lại, đây là thời kỳ cực thịnh của vùng Hà Tiên về cả quân sự, kinh tế, lẫn văn học. Về quân sự, Thiên Tứ cho tuyển mộ binh sĩ tinh nhuệ, đắp thành lũy kiên cố; về kinh tế thì mở phố chợ và hải cảng buôn bán với thuyền bè nước ngoài, về văn học mở Chiêu Anh Các, mà hiện vẫn còn quyển “Hà Tiên Thập Vịnh.” Như vậy chỉ trong vòng 5 năm dưới thời chúa Phúc Chú mà tướng quân Trần Đại Định đã giúp đưa cả một vùng đất bao la bạt ngàn về sáp nhập với Việt Nam, và Mạc Thiên Tứ đã giúp chúa Nguyễn một cách đắc lực trong việc phòng thủ về phía cực Nam. Chúa Nguyễn Phúc Chú mất năm 1738. 

 Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, vào năm 1739, quốc vương Cao Miên là Nặc Nguyên đem quân định tiến chiếm Hà Tiên (hồi nầy Hà Tiên đã trở nên một hải cảng phồn thịnh, nên cả Xiêm La lẫn Chân Lạp đều muốn thu phục về mình), nhưng chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã sai ông Nguyễn Cư Trinh sang đánh Chân Lạp, Nặc nguyên thua chạy và xin nộp hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp để cầu hòa (tức là hai vùng Tân An và Gò Công ngày nay). 
Năm 1757, sau khi vua Nặc Nguyên bên Miên băng hà, một người chú họ tên Nặc Nhuận, vì muốn lên ngôi vua nên đem dâng hai xứ Preah Trapeang và Bassac (ngày nay là vùng Trà Vinh và Sóc Trăng) dâng lên Chúa Nguyễn để xin cầu phong. Nay các vùng này thuộc tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Sau đó, vị vua kế vị của Chân Lạp là Nặc Tôn lại dâng thêm vùng Tầm Phong Long, ngày nay là các vùng Sa Đéc, Cao Lãnh, Long Xuyên, Châu Đốc và một phần của Rạch Giá. Lịch sử Nam tiến nhằm mở đất về phương Nam của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với kế hoạch khẩn hoang đã có từ thời các vua Đinh, Lê, Lý, Trần... Tuy nhiên, mãi đến đời các chúa Nguyễn thì kế hoạch ấy mới được thực thi một cách rõ nét vì từ trước khi các chúa nhà Nguyễn thiết lập những đơn vị hành chánh trên miền đất Nam Kỳ thì đã có sẵn cư dân người Việt xiêu tán đến đây chung sống với những người Mạ, Stiêng, Môn, Khmer... Không biết họ đến đây từ bao giờ, nhưng có lẽ họ đã đến đây từ lâu lắm. Ban đầu số dân xiêu tán chỉ gồm những người bị tù lưu đày biệt xứ hay những người quá nghèo khổ mà bỏ xứ ra đi, nhưng rồi đến đời các chúa nhà Nguyễn số dân xiêu tán ngày càng tăng vì sinh hoạt trên những vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... ngày càng khó khăn. Trong số những cư dân xiêu tán mới này người ta thấy có cả những người thợ thủ công nghệ có tay nghề khá cao, những quân nhân đem toàn bộ gia đình vào định cư ở những vùng đất mới, và ngay cả những nông dân không chịu nổi dưới ách áp bức của quan lại địa phương vùng Thuận Hóa. 

Theo dòng thời gian, họ đã tuần tự đi đến các vùng Mô Xoài-Bà Rịa, Bàu Lâm, Bến Gỗ, Bến Cá, cù lao Rùa, Tân Triều, cù lao Tân Chánh, rạch Lá Buông, Bến Nghé(55), Chùa Gò(56), Tân Định, Bà Chiểu, Gò Vấp, Hốc Môn, vân vân. Đây được xem như là cuộc thiên di thứ nhì của lưu dân Việt Nam trên đường Nam Tiến. Đến cuối thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII, sau khi đã có quá nhiều người đến định cư tại hai vùng Đồng Nai và Gia Định, người Việt lại tiếp tục tiến đến hai bên bờ sông Vàm Cỏ(57), và bờ bắc sông Tiền(58), vùng Rạch Gầm-Xoài Mút, cù lao Minh, cù lao Bảo(59), vùng dinh Long Hồ(60), vùng Đồng Tháp và khu Tứ Giác Long Xuyên(61), Cao Lãnh, Tân Châu(62), vùng bờ phía Nam sông Tiền như Cái Mơn, Cái Nhum, Sóc Sãi, Ba Vát, Bang Tra, Mõ Cày, Trà Vinh, Sóc Trăng, Ba Thắt, Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, vân vân. Đây là cuộc thiên di thứ ba của người Việt trên tiến trình Nam Tiến. Và tính đến cuối thế kỷ thứ XVIII, người Việt Nam coi như đã có mặt trên hầu hết các địa bàn của miền Nam. Sau nhiều thế kỷ trải qua nhiều triều đại, đến năm 1757, cuộc Nam Tiến coi như kết thúc, chủ quyền toàn vùng Nam Kỳ ngày nay hoàn toàn thuộc về xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Khoát mất năm 1765. 

Về sau này đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần thì triều đình nhà nguyễn đã quá bệ rạc. Ngoài biên cương thì cây cột trụ Nguyễn Cư Trinh cũng vừa qua đời năm 1767, ngoài ra không còn tướng giỏi, trong triều thì Trương Phúc Loan lộng quyền, gây nên cảnh sinh linh đồ thán và đưa đến cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn vào năm 1774. Nói về những sự kiện hiển nhiên về sự vong quốc của Champa và Thủy Chân Lạp, các sử gia ngoại quốc thường đề cập đến sự kiện xâm lăng và tiêu diệt từ phía Việt Nam. Tuy nhiên, theo thiển ý, lập luận như vậy e rằng có phần quá khích. Họ chỉ dựa trên lập luận rằng những phần đất nầy đã từng là của Champa và Chân Lạp, nếu không bằng vũ lực thì Việt Nam làm sao có thể chiếm được cả một dãy đất chạy dài từ Thuận Hóa vào đến tận Mũi Cà Mau? Nhưng tại sao lại có một số người muốn làm sai lệch sự thật lịch sử như vậy? Tất cả mọi chuyện đều xảy ra kể từ sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam, Cao Miên và Lào. 
Vì muốn gây chia rẽ giữa ba dân tộc chính trên bán đảo Đông Dương để dễ bề cai trị, nên thực dân Pháp đã tuyên truyền sai sự thật về những diễn biến lịch sử đã xảy ra tại vùng đất Thủy Chân Lạp. Bên cạnh đó, một số người Cao Miên quá khích, nhất là những người trong hoàng tộc Cao Miên, vì thiên kiến cũng như quá khích nên họ đã chẳng những cố tình hiểu sai sự thật, mà còn tuyên truyền sai sự thật trong quần chúng Cao Miên, khiến cho họ ngày càng căm thù người Việt. 
Nhiều sách sử Cao Miên như quyển ‘Chroniques Royale du Cambodge’ của Mak Phoen, xuất bản tại Paris vào năm 1981, và quyển ‘Le Cambodge entre le Siam et le VN de 1775 à 1860’ của Khin Sok, cũng xuất bản tại Paris vào năm 1991, mặc dầu không nói đến chuyện Việt Nam đánh chiếm đất Cao Miên, nhưng họ lại cho rằng Việt Nam đã lường gạt Cao Miên mà chiếm đất. Họ chỉ nói suông chứ không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào chứng minh được lập luận vô căn cứ của họ. Thiết nghĩ, những người Cao Miên quá khích nầy cần phải bình tâm nhìn lại lịch sử của toàn vùng, nhất là quá trình lịch sử của họ với xứ Xiêm La(63). Những người Cao Miên nầy nên thấy rằng vương quốc Xiêm La chưa có đến một lần thật tình với vương quốc Cao Miên. Trong quá trình lập quốc, vương quốc Xiêm La đã chiếm của vương quốc Cao Miên không biết bao nhiêu là đất đai mà kể. Cả một lãnh thổ rộng lớn của họ ngày nay, chỗ nào không phải là đất của Cao Miên và Miến Điện?
Bên cạnh đó, nếu nói về việc dâng hiến đất đai, thì không riêng gì Việt Nam được dâng đất, mà vương quốc Xiêm La cũng được Cao Miên tặng đất, và được tặng rất nhiều nữa là đằng khác. Thử quay về quá khứ của những thế kỷ trước thế kỷ thứ XIII, chúng ta sẽ thấy tất cả những tỉnh Chantaburi, Prachinburi, Xurin, Xixaket, vân vân của Thái Lan ngày nay, đã từng là đất của Cao Miên. Hãy còn một yếu tố khách quan nhưng không kém phần quan trọng trong việc chiếm hữu đất đai ở miền Nam của các chúa Nguyễn, đó là việc các di thần nhà Minh đã tự nguyện xin đến đây khai khẩn hoang địa rồi xin nội thuộc vào Việt Nam,nhứt là trường hợp của Mạc Cửu. Còn riêng về yếu tố ‘công pháp quốc tế’ thì những đất đai ở vùng Thủy Chân Lạp không hẳn là của Chân Lạp, vì kể từ sau khi vương quốc Phù Nam tan rã, Cao Miên chưa bao giờ kiểm soát hay đặt bộ máy chánh quyền tại vùng đất nầy. Như vậy, tại vùng đất Thủy Chân Lạp, vương quốc Cao Miên không hội đủ ba yếu tố chính: lãnh thổ, dân tộc, và chánh quyền. Khách quan mà nói, nếu nói về kế sách thu phục Champa và Thủy Chân Lạp của các chúa tiên triều nhà Nguyễn, chúng ta phải thành thực mà nói rằng các chúa không hề có kế hoạch tiêu diệt các dân tộc này. Từ khi lập quốc, Champa thường mang quân đi chinh phạt khắp nơi. Về phía Tây Nam, họ luôn gây chiến với các nước Chân Lạp, và Mã Lai. 

Về phía Đông Nam, họ luôn dong buồm chinh phạt các đảo quốc ở biển Nam. Chính những cuộc chinh phạt này đã làm cho Champa bị kiệt quệ về nhân lực và tài nguyên, vì họ phải tận dụng vàng bạc để mua sắm vũ khí cũng như nuôi quân. Và hầu như sau các cuộc chinh phạt họ đều bị các nước đối phương đánh trả lại và vì thế mà họ phải tốn một thời gian rất dài tái thiết đất nước của chính họ. Bên cạnh đó, những lần các vua Champa tự nguyện dâng đất. Nếu nhìn lại lịch sử giao thương giữa 2 nước Việt Champa chúng ta sẽ thấy, năm 1069 vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Champa là để ổn định biên giới phương Nam chứ không có ý định chiếm đất, vì vua tôi nhà Lý chỉ bắt vua Champa là Chế Củ về Thăng Long để trừng phạt thôi, chứ không ép người Chăm phải nhượng đất. Về sau, đến đời vua Chế Mân, nhà vua dâng đất một cách tự nguyện để đổi lấy nàng công chúa Huyền Trân. Đây không phải là kế sách của Đại Việt, vì vào thời đó có rất nhiều quan trong triều cực lực phản đối việc gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. 
Đến thời các chúa tiên triều nhà Nguyễn, các ngài luôn quan ngại đến sự quấy nhiễu của Champa do kinh nghiệm lịch sử qua bản chất hiếu chiến của quân đội Champa. Thêm vào đó, vào cuối thế kỷ thứ XVI khi vương quốc Champa đang đẩy mạnh việc giao thương với người Bồ Đào Nha làm cho mối quan ngại của xứ Đàng Trong ngày càng rõ rệt hơn, vì nếu không khéo các chúa Nguyễn sẽ phải “lưỡng bề thọ địch,” phía Bắc phải đối đầu với quân nhà Trịnh, còn phía Nam phải đối địch với vương quốc Chiêm Thành đang có mối giao hảo rất tốt với Bồ Đào Nha. Chính vì thế mà vào năm 1620, chúa Nguyễn phước Nguyên gả con gái thứ chín là công nữ Ngọc Vạn cho vua Miên, và liền sau đó năm 1631, chúa lại gả luôn công nữ Ngọc Khoa cho Chiêm vương là Pô Ro Mê, nhằm tạo sự yên ổn lâu dài cho vùng này. 
Có lẽ chính vì lý do này mà những năm sau đó, người ta không còn thấy người Champa giao hảo với người Bồ Đào Nha nữa. Như vậy, phải công tâm mà nói, người Champa không bị người Việt tiêu diệt, và người Việt cũng không chủ trương xóa sổ toàn bộ văn hóa của dân tộc Champa, bằng chứng là người Việt chưa bao giờ tàn phá những đền đài thánh tích của người Champa khi các vùng đất này thay ngôi đổi chủ. Dù dưới thời các chúa không có chánh sách ưu đãi người Champa, cũng không có chánh sách bạc đãi nào. 

Đến thời Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975), miền Nam đặc biệt dành nhiều ưu đãi cho người Champa hay các dân tộc thiểu số khác. Phải nói nguyên nhân đưa đến sự tan rã của vương quốc Champa nằm ngay trong nội bộ của các vương triều Champa, chứ không phải do bị Đại Việt đánh chiếm. Tuy nhiên, chính những mối chia rẽ và suy thoát trong nội bộ Champa đã làm cho cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam nhanh hơn và dễ dàng hơn. Đến khi Việt Nam bắt đầu tiến vào đất Thủy Chân Lạp thì các chúa tiền triều nhà Nguyễn cũng dùng một sách lược đã được áp dụng với Champa để rồi cuối cùng các vua Miên phải tuần tự cắt đi phần đất Thủy Chân Lạp giao cho Việt Nam. Kỳ thật, phần đất Thủy Chân Lạp không phải là bản địa của người Miên, mà là bản địa của vương quốc Phù Nam đã bị Cao Miên lấn chiếm hồi cuối thế kỷ thứ VI, nhưng vì cả một vùng đất bao la bạt ngàn này luôn bị chìm ngập dưới làn nước phù sa của sông Cửu Long, nên hầu như toàn vùng không có cư dân người Chân Lạp. Đến khi lưu dân Việt Nam tràn vào định cư tại đây thì một số người Chân Lạp mới theo chân các người Việt này mà định cư tại các giồng đất cao thuộc các tỉnh Trà Vinh, Sóc, Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá và Châu Đốc. Bên cạnh đó, trong quá trình dựng nước và giữ nước, cha anh chúng ta đã hy sinh quá nhiều xương máu mới để lại cho chúng ta một dãy giang sơn gấm vóc như ngày hôm nay. 
Tuy nhiên, trong tiến trình Nam tiến, dân tộc Việt Nam đã gặp rất nhiều thuận lợi trong việc thu phục Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp. Biên giới phương Nam thời kỳ nhà Ngô thu hồi nền độc lập là vùng núi non tỉnh Thanh Hóa, đến năm 1069, vua Lê Đại Hành đã thu phục các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình và phía Bắc Quảng Trị, đến năm 1306 Đại Việt làm chủ phần đất Quảng Nam và Quảng Ngãi, năm 1402 làm chủ Qui Nhơn, năm 1471 làm chủ Phú Yên, 1611 làm chủ Khánh Hòa, 1653 làm chủ Phan Rang, 1693 làm chủ Phan Thiết, và cuối cùng năm 1757, xác lập chủ quyền trên toàn cõi Nam Kỳ. 
Đặc biệt nhất là với chánh sách khôn khéo và mềm dẻo mà chỉ trong vòng chưa đầy một thế kỷ rưởi, các chúa tiền triều nhà Nguyễn đã thu phục toàn bộ đất Thủy Chân Lạp. Tóm lại, phải khách quan mà nói, trên bước đường Nam Tiến về miền đất hoang vu nầy, cha anh chúng ta đã phải đương đầu với quá nhiều thử thách từ đất đai đến thiên nhiên và sơn lam chướng khí. Vào thế kỷ thứ XVII, miền đất Thủy Chân Lạp hãy còn là một miền đất hoang vu, đầy muỗi mòng, rắn rít, hùm beo, và cá sấu...Trên từng tấc đất ngọn cỏ, cha anh chúng ta đã phải đương đầu với không biết bao nhiêu là bất trắc của đất đai và thiên nhiên. Người Việt Nam chúng ta đã phải can đảm lắm, phải sáng tạo lắm mới có thể vượt qua được những tình huống khắc nghiệt của thiên nhiên, để cuối cùng được sống đồng điệu với thiên nhiên, và đồng điệu ngay cả với dân chúng bản địa tại những vùng đất mới nầy. Chính nhờ vậy mà trong suốt cuộc Nam Tiến, dân tộc chúng ta luôn có sự kính trọng của cư dân bản địa, cũng như những dân tộc khác như Lào, Minh Hương, Champa, và Chân Lạp... Và cũng chính nhờ vậy mà trên dãy đất hình cong như chữ ‘S’ dài trên 2.000 cây số nầy mới có được một dân tộc gần như thuần nhứt, thuần nhứt ngoài sức tưởng tượng của mọi người, đến độ ngày nay nếu chúng ta đi đến những vùng đất đã từng mang tên Champa hay Thủy Chân Lạp, ngoài những ngôi tháp cổ của Champa hay Chân Lạp, người ta không thể không tin rằng đây không phải là vùng đất của Việt Nam. 
Tuy nhiên, để có được một dãy non sông gấm vóc như ngày hôm nay, cha anh chúng ta đã phải hy sinh biết bao nhiêu xương máu và mồ hôi nước mắt. Từng tấc đất, từng tấc núi, từng tấc sông, tấc biển... là từng tấc xương máu và mồ hôi nước mắt của tiền nhân. Có ai biết được cha anh chúng ta đã phải hy sinh biết bao nhiêu sinh mạng khi trao lại cho chúng ta một vùng đất phương Nam phồn thịnh? Chúng ta phải luôn nhớ như vậy, để thấy rằng tại vùng đất Thủy Chân Lạp nầy, cha anh chúng ta chưa hề xâm lăng và chiếm lãnh đất đai của Thủy Chân Lạp. Ngược lại, người Việt chúng ta đã đổ ra không biết bao nhiêu xương máu mà người Chân Lạp không dám đổ ra, người Việt chúng ta chỉ tiếp tục khai phá vùng đất mà Chân Lạp thừa hưởng của người Phù Nam nhưng chưa từng có kế hoạch khai phá và định cư, cũng như chưa từng xác lập chánh quyền trên vùng đất này. Thấy như vậy để biết được những hy sinh cao cả của tiền nhân. Thấy như vậy để những người hậu bối chúng ta phải luôn đặt quyền lợi của ‘Tổ Quốc Trên Hết’, trên tất cả mọi quyền lợi của gia đình hay đoàn thể. Ngày trước có tên bán nước Trần Ích Tắc sang Tàu cầu cứu, sẵn sàng dân đất dâng biển để được nắm quyền cai trị về mình; rồi sau nầy có Lê Chiêu Thống cũng lăm le rước ngoại bang về dày xéo quê hương. Dưới thời Tây Sơn hưng khởi, chỉ vì muốn nắm quyền cai trị cho dòng họ mình mà vào năm 1787 Nguyễn Ánh đã sẵn sàng đưa hoàng tử Cảnh làm con tin theo Bá Đa Lộc sang Pháp ký hiệp ước Versailles, dâng hải cảng Hội An và đảo Côn Sơn, cũng như cho Pháp nhiều quyền lợi về kinh tế để được sự trợ giúp về quân sự. Trong thời cận đại cũng không thiếu gì những đảng phái sẵn sàng dâng đất dâng biển cho giặc phương Bắc chỉ mong được chúng cho làm Thái Thú để tiếp tục đè đầu đè cổ chính dân tộc mình. Nói tóm lại, tất cả những hành động dâng đất dâng biển cho ngoại bang, dù chỉ là một tấc đất hay một ngọn cỏ của tiền nhân để lại, hay dù do bất cứ lý do gì, đều là những hành động bán nước không thể tha thứ được. Những người kế thừa chúng ta phải luôn thấy như vậy để chúng ta luôn có nhiệm vụ phải bảo vệ và phát triển từng tấc đất ngọn cây, không để mất đi tấc đất tấc biển nào vào tay bất cứ ai!

Người Long Hồ 
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 

Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

  Chú Thích: 
(1) Từ Kambuja có nghĩa là những đứa con của Kambu, tên của một thủ lãnh của bộ tộc nầy. Sau nầy người Pháp đã lấy tên nầy để gọi nước Chenla, tức Chân Lạp ngày trước. Theo Phan Huy Xu & Mai Phú Thanh trong “Địa Lý Đông Nam Á”, Hà Giang: NXB Giáo Dục, 1999, tr. 61, ngày nay Campuchia nằm ở tây nam bán đảo Đông Dương, giáp Thái Lan, Lào và vịnh Thái Lan. Campuchia có diện tích khoảng 181.000 cây số vuông. Trong đó đồng bằng chiếm ¾ và núi đồi chiếm ¼ diện tích toàn quốc. Dãy núi Dangrek dài khoảng 300 cây số chạy theo hướng tây-đông. Cư dân của Campuchia đa số là tộc người Khmer, một nhánh của người Indonésien. Vào thế kỷ thứ VI sau tây lịch, Bhavavarman I đem quân đánh và thu phục toàn bộ lãnh thổ của vương quốc Phù Nam. Đến thế kỷ thứ VIII Chân Lạp bị khủng hoảng và rối ren về chính trị nên bị người Java sang đánh chiếm, đến đầu thế kỷ thứ IX vua Jayavarman II giành được độc lập và thành lập vương triều Angkor rực rỡ với đỉnh cao là nền văn minh Angkor từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XV. Từ năm 1473 đến cuối thế kỷ thứ XVI, Campuchia bị người Xiêm La lấn chiếm toàn bộ khu vực sông Ménam và vùng cao nguyên Korat, khiến cho diện tích Campuchia bị thu nhỏ lại như ngày nay. Năm 1859 vương triều Norodom bắt đầu và năm 1863 Campuchia bị Pháp bảo hộ, mãi đến năm 1945 mới giành lại được độc lập. 
(2) Phía bắc Campuchia và Nam Lào ngày nay. 
(3) Ngày nay thuộc Thái Lan. 
(4) Thuộc Nam Dương ngày nay. 
(5) Theo Encyclopédie Encarta 2001, article sur le Cambodge, cả hai thành Angkor Wat và Angkor Thom đều nằm trong tỉnh Siemreap ngày nay. Trong số các đền đài trong tỉnh Siemreap còn xót lại thì Angkor Wat và Angkor Thom, được xây dựng vào thế kỷ thứ XII là vĩ đại nhất. Angkor Wat có chiều dài khoảng 1.000 mét, rộng khoảng 850 mét; tuy nhiên, diện tích tổng thể của toàn vùng lên đến khoảng 100km2. Năm 1431, người Xiêm kéo đến tàn phá cả vùng Angkor, vương triều phải dời về Phnom Penh vào năm 1434. Đến thế kỷ thứ XVI, kinh đô lại phải dời về Oudong, rồi sau đó mới thiên di trở lại Phnom Penh lần nữa vào năm 1866 dưới thời vua Norodom I. Từ khi người Chân Lạp rời bỏ vùng Angkor, đế đô nầy bị chìm ngập trong hoang vắng cho đến năm 1851, nó mới được một nhà côn trùng học người Pháp tên Mouhot phát hiện. Năm 1880, thực dân Pháp cho trùng tu lại đế đô nầy. 
(6) Người xứ Nam Dương ngày nay. 
(7) Lục Chân Lạp là địa phận của nước Cao Miên, Hạ Lào và Trung Lào ngày nay; và Thủy Chân Lạp là miền Nam Việt Nam ngày nay. 
(8) Ponhea Yat tức Soryopor (1432-1467), người kế thừa hợp pháp của Chân Lạp thời bấy giờ. 
(9) Tưởng cũng nên nhắc lại, nguồn gốc của người sáng lập nên triều đại Ayutthaya của Xiêm La; tuy nhiên, theo truyền thuyết kể lại thì có một vị vua tên Traitrung tại một vương quốc nhỏ thuộc một trong những bộ tộc Thái, nằm về phía Nam tỉnh Vân Nam, cảm thấy rất buồn nản vì tình trạng của một cô công chúa không chồng mà lại có con, vì lở ăn trái cà do Saen Pom, một tên làm vườn tưới bằng nước tiểu của hắn. Sau đó nhà vua quyết định tống khứ cô công chúa cùng con nàng đi theo tên Saen Pom ra khỏi kinh thành. Trời Đế Thích thấu hiểu nỗi khổ của ba người đang lang thang trong rừng thẳm, nên đã ban cho Saen Pom ba điều ước, và Saen Pom đã ước sao cho thân thể biến đi những mục cốc xấu xí, ước có được một vương quốc để trị vì, và ước được có một cái nôi bằng vàng cho đứa con của mình. Tất cả ba điều ước đều được Trời Đế Thích cho Saen Pom toại nguyện. Từ đó đứa bé được gọi là vị hoàng tử có chiếc nôi vàng, hay Chao-U-Thong. Từ đó Saen Pom trở thành vị vua đầu tiên, và ông đặt tên cho vương quốc mình là U-Thong, ngày nay nằm trong địa phận tỉnh Suphan Buri. Đến đời vua Phya U-Thong, một trận dịch hạch khiếp đảm đã khiến cho vương quốc U-Thong phải di chuyển xuống vùng Ayodhya hay Ayutthaya. Đây là chỗ hội tụ của ba dòng sông lớn: sông Chao Phya, sông Lop Buri, và sông Pasak, lại không xa bờ Ấn Độ Dương là mấy, nên vương quốc Ayutthaya phất lên từ đó. Sau ba năm chuẩn bị, vua Phya U-Thong đã lập nên kinh đô vào năm 1350 và đổi danh hiệu là Ramathibodi I. Chính vua Ramathibodi I là người đã mở mang bờ cõi khiến vương quốc Ayutthaya bao gồm cả xứ Sukhothai, miền Nam Miến Điện, bán đảo Mã Lai, xứ Chiang Mai và xứ Chenla, tức Chân Lạp. Vào thời kỳ nầy, tuy chính vương quốc Ayutthaya đã làm cho Angkor suy tàn, nhưng ảnh hưởng của Angkor lại rất mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày của nhân dân trong vương quốc Ayutthaya, nhất là quan niệm ‘Thiên Vương’, nghĩa là vừa là vua, mà cũng là một vị trời của nền văn hóa Angkor đã khiến cho vị quốc vương Thái Lan trở thành vị đứng đầu triều đình mà cũng đứng đầu giáo hội. Ngôn ngữ của Xiêm La cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi ngôn ngữ Khmer, chẳng những trong các nghi lễ tôn giáo hay triều đình, mà còn trong cuộc sống hàng ngày nữa. Chính vua Ramathibodi I là vị quốc vương đầu tiên đã thiết lập nên chế độ phân quyền tại vương quốc Xiêm La ra làm bốn phần: hoàng gia, nội vụ, tài chánh và nông nghiệp. Năm 1390, vua Ramesuen đánh chiếm Chiang Mai; sang năm 1393 lại tấn công thẳng vào Angkor. Tuy nhiên, mãi đến năm 1431, vua Boromaraja II mới xâm chiếm hoàn toàn đế đô Angkor của vương quốc Khmer. Cũng vào thời kỳ nầy, vương quốc Ayutthaya và Chiang Mai lại tách ra làm hai vương quốc với hai kinh đô khác biệt, nghĩa là vương quốc Xiêm La đang lâm vào cảnh nội chiến xảy ra trong suốt hai thế kỷ. Đến đời vua Boroma Trailokanath, hay còn gọi là vua Trailok, trị vì từ năm 1448 đến năm 1488. Chính vị vua nầy đã cải tổ toàn bộ nền hành chánh quân chủ của Xiêm La, và ảnh hưởng của sự cải tổ nầy vẫn kéo dài đến thế kỷ thứ XIX. Nhà vua đã tập trung quyền hành vào tay triều đình trung ương, qui định lại về sở hữu ruộng đất, bổng lộc cho quan quân, cũng như công việc lao động của thường dân. Trong đạo luật triều đình, tức Palace Laws, nhà vua đã ấn định lại thứ hạng của hoàng tộc và nhiệm vụ của quan lại. Đến năm 1511, vua Ramathibodi II đã cho phép người Bồ buôn bán trên đất Thái để đổi lấy súng đạn và nhiều loại vũ khí khác. Chính các quân nhân Bồ Đào Nha đã góp phần không nhỏ trong việc giúp vua Ramathibodi II đánh chiếm Chiang Mai. Trong khi Ayutthaya và Chiang Mai liên tục đánh nhau thì vua Tabinshweti của xứ Pegu, tức Miến Điện ngày nay, đã cất quân đánh vua Mahachakrapat của xứ Ayutthaya, nhưng nhờ lòng dũng cảm của hoàng hậu xứ nầy mà quân Miến Điện không chiếm được xứ Ayutthaya. Năm 1569, quân Miến lại tấn công vương quốc Ayutthaya, lúc nầy vua Mahachakrapat quyết định cầu viện đến sự giúp đỡ của người Bồ, nhưng cuối cùng vua Mahachakrapat cũng bị người Miến bắt giữ. Miến Điện cho phép phó vương Thamaraja tiếp tục cai trị xứ Ayutthaya như một chư hầu của Miến Điện. Đến năm 1584, con trai lớn của vua Mahachakrapat là Naresuen cùng với em trai là Ekatotsarot nổi lên đánh đuổi quân Miến ra khỏi bờ cõi và gianh lại độc lập cho vương quốc Ayutthaya. Năm 1590, Naresuen lên ngôi vua và phát triển kinh đô Ayutthaya đến chỗ cực thịnh. Năm 1605, em trai của Naresuen là Ekatotsarot lên ngôi vua, ông chăm lo phát triển kinh tế, nhất là trong việc giao thương với các quốc gia Tây phương. Đến năm 1610, vua Songtham lên ngôi, cũng tiếp tục chánh sách mở cửa của các vua Naresuen và Ekatotsarot. Đến năm 1655, người Nhật đã trợ giúp cho vị nhiếp chính là Prasat Thong soán ngôi vua Ekatotsarot, và triều đình mới nầy vẫn tiếp tục mở cửa buôn bán giao thương với các nước Tây phương. Tuy nhiên, sau khi con trai của vua Prasat Thong là Narai qua đời, các vị vua kế nghiệp đã chấm dứt chính sách mở cửa và Thái Lan rơi vào vị thế cô lập trong suốt 150 năm. Mãi đến năm 1782, tướng Chao Phya Chakri đứng lên đảo chánh, vua Taksin phải thoái vị trong cơn bệnh hoạn, và tướng Chao Phya Chakri lên ngôi lập nên triều đại Chakri, lấy niên hiệu là Ramathibodi mà sau nầy người Thái gọi là vua Rama I, nhà vua dời kinh đô xuống Bangkok cho tới ngày nay. 
(10) Cư dân trong các đồn điền nầy vừa là lính bảo vệ mà cũng vừa là nhân khẩu canh tác và sản xuất lúa gạo cho triều đình. 
(11) Vùng Sa Huỳnh ngày nay. 
(12) Không rõ họ, đang làm chủ sự đạo Quảng Nam. 
(13) Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, nxb Tân Việt, 1964, tr. 327. 
(14) Chúa Nguyễn Phúc Nguyên trị vì xứ Đàng Trong từ năm 1613 đến năm 1635. 
(15) Nghĩa là lúc đó lưu dân và quân đội xứ của Đàng Trong đã vượt qua các vùng đất từ Phan Thiết đến Biên Hòa để tiến thẳng về vùng Thủy Chân Lạp, tức Nam Kỳ ngày nay. 
(16) Trong tỉnh Kompong Luông của Campuchia ngày nay. 
(17) Tức công nữ Ngọc Vạn. (18) Tức vùng Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay.  (19) Lúc nầy quân Chân Lạp có sự trợ giúp của xứ Đàng Trong. 
(20) Ngày nay là các vùng Bà Rịa, Biên Hòa, Chợ Lớn và Sài Gòn. 
(21) Tức vùng Quảng Bình ngày nay. 
(22) Vị tướng mà chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã sai đi dẹp loạn hai năm trước đó. 
(23) Nguyễn Phúc Vinh, còn có tên là Nguyễn hữu Vinh, tên thật là Mạc Cảnh Vinh, con của Mạc Cảnh Huống, có vợ là con gái đầu lòng của chúa Sãi tên là Nguyễn Phúc Ngọc Liên, nên được đổi tên họ sang Nguyễn Phúc Vinh. 
(24) Có nghĩa là chưa từng được ai khai thác. 
(25) Cần Thơ chỉ mới được thật sự khai thác từ khi người Pháp chiếm toàn bộ Nam Kỳ vào sau năm 1867 mà thôi. 
(26) Thời bấy giờ dinh Trấn Biên là vùng Phú Yên ngày nay. 
(27) Batom Reachea, trị vì Chân Lạp từ năm 1660 đến năm1672. (28) Chey Chetta III vừa là cháu mà cũng vừa là rể của vua Batom Reachea. (29) Hồi nầy Cai Cơ Nguyễn Dương Lâm đang chỉ huy đạo Nha Trang, thuộc dinh Thái Khương. 
(30) Tức vùng Bà Rịa ngày nay. (31) Thuộc tỉnh Quảng Tây ngày nay. 
(32) Tên Khmer của đảo Phú Quốc ngày nay. 
(33) Vùng Kampot (thuộc Cao Miên) và Hà Tiên ngày nay. 
(34) Theo giáo sĩ Labbé, năm 1710, số người Minh Hương tại miền Nam đã lên tới trên 20.000, tập trung tại các vùng cù lao Phố và Đại Phố Mỹ Tho. 
(35) Có sách viết là Nguyễn Hữu Kỉnh hay Nguyễn Hữu Kính. 
(36) Nghĩa là kể từ năm 1698, vùng Biên Hòa và Gia Định đã chính thức được sáp nhập vào bản đồ Việt Nam, thiết lập thôn xã, và đặt quan cai trị. 
(37) Biên Hòa và Gia Định. 
(38) Nặc Yêm là con trai của Nặc Nộn. 
(39) Nặc Thâm là con trai của Nặc Thu. 
(40) Mỹ Tho và Long Hồ. 
(41) 12 dinh nầy bao gồm Chánh dinh (Phú Xuân), Cựu dinh (Ái Tử), Quảng Bình dinh, Vũ Xá dinh (Lưu Đồn), Bố Chính dinh, Quảng Nam dinh,, Phú Yên dinh, Bình Khang dinh, Bình Thuận dinh, Trấn Biên dinh, Phiên Trấn dinh, và Long Hồ dinh. 
 (42) Các vùng Tân An và Gò Công ngày nay. 
 (43) Ngày nay là các vùng Trà Vinh và Sóc Trăng. 
(44) Ngày nay là các vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, Sa Đéc, một phần của Cao Lãnh, và một phần của Rạch Giá. 
(45) Cần Bột, Hương Úc, Trực Sâm, Sài Mạt và Linh Quỳnh. 
(46) Vùng Sa Đéc ngày nay. 
(47) Vùng Cà Mau ngày nay. 
(48) Vùng Cần Thơ ngày nay. 
(49) Vùng Sóc Trăng và Bạc Liêu ngày nay. 
(50) Đất Hà Tiên thời bấy giờ bao gồm các vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ. 
(51) Biên Hòa ngày nay. 
(52) Tức vùng Bình Thuận ngày nay. 
(53) Các vùng Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Thủ Dầu Mộ, và Biên Hòa ngày nay. 
(54) Các vùng Tây Ninh, Hậu Nghịa, Gia Định và Tân An ngày nay. 
(55) Từ chợ Quái đến Gò Cây Mai. (56) Tức chùa Phụng Sơn ở Sài Gòn ngày nay. 
(57) Cuộc thiên di thứ nhất vào năm 1558 khi chúa Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng hành trình vào đất Thuận Hóa. (58) Các vùng Tân An, Gò Công và Mỹ Tho ngày nay. 
(59) Khoảng giữa Mỹ Tho và Bến Tre. 
(60) Dinh Long Hồ xưa là vùng đất mà bây giờ bao gồm cả một vùng đất rộng lớn bao gồm Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Bến Tre, Cần Thơ... 
(61) Nằm trong địa phận các tỉnh Đồng Tháp và An Giang ngày nay. 
(62) Vùng Tân Châu hồi nầy có tên là ‘Trường Bả Canh’, một trong chín điểm thu thuế lúa thóc của chúa Nguyễnở vùng đồng bằng sông Cửu Long. 
(63) Sau năm 1959, vương quốc Xiêm La được đổi tên thành vương quốc Thái Lan. 

Nhấp vào Links:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét