Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Đất Phương Nam I - Cộng Đồng Những Cư Dân Bản Địa Trên Đất Nam Kỳ Xưa


Tổng Quan Về Những Cộng Đồng Cư Dân Cổ Tại Nam Kỳ: 

Người Việt chỉ mới có mặt trên vùng đất Nam Kỳ khoảng trên 300 năm nay mà thôi, và theo các di chỉ khảo cổ khai quật được thì vùng đất mà ngày nay chúng ta gọi là Nam Kỳ, Nam Phần hay Đất Phương Nam đã từng có những cộng đồng cư dân bản địa sinh sống từ mấy ngàn năm trước. Đất Nam Kỳ trước đây trực thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII; sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt thì nó trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Kể từ thế kỷ thứ IX trở về sau nầy, vùng đất nầy có tên là Thủy Chân Lạp. Như vậy rõ ràng trước khi người Việt đến đây, vùng đất nầy đã có nhiều cộng đồng cư dân bản địa. Những cộng đồng cư dân cổ nầy đã cư ngụ tại vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ trước khi cha anh chúng ta đến đây hàng ngàn năm, và có lẽ họ đã ở đây trước những người Phù Nam lâu lắm. Đây là bản địa của các bộ tộc Mạ, Châu Ru, Stiêng, Cơ Ho, và Tà Mun, vân vân.

Khoảng từ 4 đến 5 ngàn năm trước, trong khi miền Bắc xuất hiện văn hóa Đông Sơn, miền Trung xuất hiện văn hóa Sa Huỳnh, bên Thái Lan xuất hiện văn hóa Bản Chiềng, thì ở vùng đồng bằng Nam Phần cũng xuất hiện một loại văn hóa mà bây giờ các nhà khảo cổ gọi là văn hóa ‘Đồng Nai’. Chính những cộng đồng cư dân cổ nhất trên vùng đất nầy là chủ nhân ông của nền văn hóa Đồng Nai nầy. Thành thật mà nói, chắc hẳn văn hóa Đồng Nai phải có sức sống mãnh liệt lắm mới có thể tồn tại và phát triển hàng ngàn năm trước thời Phù Nam, để rồi sau đó nó được tiếp nối bởi văn hóa Óc Eo, cũng rực rỡ không kém. Vào khoảng ba ngàn năm trước tây lịch, một số bộ tộc Nam Á và Nam Đảo đã đến vùng Đồng Nai khai phá vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Đồng Bằng Miền Đông(1).

Họ đã xây dựng nên các khu cư dân lớn trong vùng như Đồng Nai, Hàng Gòn, Dầu Giây, Sông Bé, Suối Chồn ở Xuân Lộc, Gò Dưa ở Tân Phú, Long Thành, Vàm Cỏ, và nhất là những vùng ven hai bên bờ sông Đồng Nai, vân vân. Thật vậy, theo kết quả của những di chỉ khảo cổ thì cư dân cổ tại các vùng nầy đã để lại rất nhiều chứng tích của nền văn hóa Đồng Nai. Rõ ràng trước khi người Việt Nam mở cõi về phương Nam, trên vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ đã từng có những nền văn hóa rực rỡ. Ngay cả trước khi người Phù Nam từ các vùng Nam đảo đến đây để thành lập vương quốc Phù Nam, tại đây cũng đã có cư dân cổ. Theo các nhà khảo cổ học, những di chỉ của nền văn hóa Đồng Nai đã được tìm thấy rải rác khắp các tỉnh miền Đông, mà ngôi cổ mộ ‘Hàng Gòn’ là một thí dụ điển hình; trong khi những di chỉ của nền văn hóa Tiền Óc Eo cũng đã được tìm thấy tại vùng Giồng Phệt. Nhiều nhất là những di chỉ của nền văn hóa Óc Eo (Phù Nam) đã được tìm thấy tại một hải cảng cổ mang tên Óc Eo.

Sau khi người Phù Nam bị triệt tiêu vào khoảng thế kỷ thứ VII, mặc dầu Chân Lạp trở thành chủ nhân ông của vùng đất nầy, nhưng di chỉ về văn minh Angkor chỉ được tìm thấy trên vùng Lục Chân Lạp mà thôi. Trước khi các chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam, nhiều lưu dân Việt Nam đã phiêu lưu đến vùng đất nầy tự khai hoang tìm sinh lộ. Tính đến nay, người Việt đã có mặt trên vùng đất nầy khoảng trên dưới 4 thế kỷ, nhưng họ cũng tạo cho vùng đất nầy một nền văn hóa mang tính đặc thù của riêng nó. Tuy không khác xa lắm với nền văn hóa cổ truyền, nhưng cũng không còn hoàn toàn giống với nền văn hóa Thăng Long hay Phú Xuân nữa. Sự khác biệt giữa nền văn hóa truyền thống Việt Nam và văn hóa Nam Kỳ chủ yếu phát sinh từ những hội nhập và thẩm thấu các nền văn hóa Champa và bản địa vùng Thủy Chân Lạp khi người Việt đang lần bước về phương Nam.

Những cư dân cổ ở đây đã xây dựng nên những cộng đồng lớn ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều nầy đã được chứng minh bởi những khai quật khảo cổ với những loại hình vật dụng bằng đá và gốm sứ của những vật dụng đã được cư dân văn hóa Đồng Nai sử dụng trong các hoạt động nông nghiệp, săn bắn và hái lượm trong sinh hoạt hàng ngày. Riêng trong vùng phía bắc đồng bằng miền Đông người ta tìm thấy những loại hình di chỉ ‘công trình đất hình tròn’, nơi cư trú của cư dân văn hóa Đồng Nai. Đây là một loại hình cư trú khá đặc biệt mà cư dân cổ vùng Đồng Nai làm nơi cư trú đã được tìm thấy nhiều nơi trong vùng. Thường thì trên mỗi ngọn đồi thoai thoải, cư dân cổ xây dựng một hệ thống hai lớp tường đất đắp cao có hào sâu chính giữa, lớp tường bên ngoài thường cao hơn lớp tường bên trong(2).

Rõ ràng đây là một công trình giống như thành lũy để bảo vệ và che chắn nơi cư trú. Hầu như đa số những di chỉ tìm thấy của nền văn hóa nầy đều có truyền thống kỹ thuật đồ đá và gốm sứ trong việc chế tạo ra mọi vật dụng cho sinh hoạt thường ngày của họ. Vì cuộc sống của họ phải lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên họ thường tìm những nơi có sông hồ để lập nên nơi cư trú tập thể. Ngoại trừ một số bộ tộc sống trên những vùng đồi núi thấp của miền Đông Nam Phần, đa số cư dân thuộc văn hóa Đồng Nai đều tập trung tại các vùng sông nước. Họ luôn gắn bó với dòng sông và bến nước vì chính dòng sông đã cho họ chẳng những nguồn nước trong sinh hoạt, mà còn cho họ lương thực và phương tiện di chuyển nữa. Thời đó cư dân dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai và sông Bé đã sớm phát triển để trở thành vùng dân cư có kinh tế trù phú nhất trong vùng.
Tuy nhiên, khoảng những năm cuối trước tây lịch một số bộ tộc khác từ Nam Á và Nam Đảo đến đây và đã tạo ra những xáo trộn chính trị trong vùng để rồi cuối cùng đến đầu thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch thì vùng đất nầy hình thành một vương quốc mang tên Phù Nam. Vương quốc nầy phát triển đến cực thịnh vào khoảng thế kỷ thứ IV, nhưng rồi đến thế kỷ thứ bảy nó lại suy tàn, và toàn thể vùng đất Nam Kỳ lại rơi vào tay của vương quốc Chân Lạp. Riêng về phần lịch sử cư dân vùng đất Nam Kỳ thời kỳ vương quốc Phù Nam cho tới bây giờ hãy còn rất mù mờ không những đối với thế giới, mà còn ngay cả với các lân quốc trong vùng Đông Nam Á nữa. Theo các thư tịch cổ của Trung Hoa, vương quốc thì Phù Nam hay còn gọi là ‘Diệu Nghiêm Quốc’ xuất hiện khoảng đầu thiên niên kỷ Tây lịch và tồn tại khoảng trên dưới bảy thế kỷ. Các nhà khảo cổ đã và đang tiếp tục khai quật các di chỉ rải rác khắp vùng Nam Kỳ từ di chỉ Gò Chùa, Gò Tháp, Gò Rộc Chanh, Gò Sao, Gò Cây Thị, và Cạnh Đền, vân vân. Tuy công việc chưa hoàn tất, nhưng qua những kết quả gặt hái được từ những mẫu đất nung, những mảnh gốm sứ, và rất nhiều di vật khác có thể giúp chúng ta có những nhận định tương đối ít mù mờ hơn về hình ảnh của cộng đồng cư dân cổ thời vương quốc Phù Nam. Theo tài liệu khai quật khảo cổ thì tại vùng Óc Eo(3), dưới chân núi Ba Thê, vào những thế kỷ thứ II và thứ III có nhiều ngôi đền bằng gạch bên cạnh những khu nhà sàn liền nhau trên một khu đất rộng lớn. Điều nầy trùng hợp với những khai quật khảo cổ tại đây vào những thập niên 1930s và 1940s. Căn cứ vào những bông tai, nhẫn, cà rá, và chuỗi hột đào được, người ta đoán những khu nhà sàn nầy có lẽ là những khu buôn bán sầm uất của người Phù Nam. Điều nầy cũng trùng hợp với những ghi chép từ phía Ấn Độ là vào những thế kỷ từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ VII, rất nhiều thương gia Ấn Độ đến khu cư dân mà bây giờ chúng ta gọi là Đồng Bằng Sông Cửu Long để mua bán. 

Sự Phát Triển Của Các Bộ Tộc Bản Địa Ở Nam Kỳ Trước Thời Vương Quốc Phù Nam:

Từ khi được định hình cho đến ngày nay, miền Đông Nam Kỳ luôn là vùng đất của những cánh rừng già đất đỏ; trong khi miền Tây luôn là khu trũng thấp cho mãi đến khoảng ba mươi thế kỷ trước tây lịch thì sông Cửu Long mới bồi đắp và tạo hình cho nó có dáng vẻ giống như ngày nay. Như vậy phải nói địa bàn cư trú chính của những bộ tộc cư dân cổ trên miền đất Nam Kỳ xưa phải là miền Đông Nam Kỳ. Như trên đã nói, nhưng cư dân cổ đầu tiên trên vùng đất nầy là những người Nam Á và Nam Đảo(4), có nguồn gốc Indonesien, có tiếng nói thuộc ngữ hệ Môn-Khmer cổ đại. Họ đã dong buồm đến định cư ven hai bên bờ sông của những vùng đất cao cách đây khoảng trên dưới ba ngàn năm trước tây lịch. Tuy nhiên, theo kết quả khai quật khảo cổ của những di chỉ săn bắn và hái lượm bằng đá tìm thấy rải rác khắp nơi chứng tỏ khi mới đến đây những cư dân cổ nầy không định cư hẳn tại một vùng, mà họ là những bộ tộc du mục chia làm hai nhóm: săn bắn và hái lượm. Thời đó họ luôn di chuyển trên khắp địa bàn miền Đông Nam Kỳ để săn bắn và hái lượm. Tuy nhiên, sau đó cả hai nhóm săn bắn và hái lượm dần dần định hình những khu vực định cư riêng biệt cho chính bộ tộc mình. Có lẽ ngay từ khoảng ba bốn ngàn năm trước đây, khi nền nông nghiệp nguyên thủy bắt đầu xuất hiện, nghĩa là sau khi con người đã phát hiện ra cây lúa và đã biết đến chăn nuôi một số gia súc và bắt đầu thành hình những khu cộng đồng cư dân cố định, từ đó xuất hiện những cuộc xung đột giữa những bộ tộc cổ để xác định quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong địa bàn quản lý của bộ tộc mình. Có thể hồi đó những cư dân bản địa đầu tiên tại đây là tổ tiên của người Mnông ngày nay và người Stiêng ở trong khu vực săn bắn ở các vùng cao nguyên Nam Trung Phần, vì cả hai giống người Mnông ngày nay và người Stiêng đều có tiếng nói gần giống nhau, có ngữ âm và ngữ điệu rất gần nhau, và mãi cho đến ngày nay họ vẫn còn chung sống trong một buôn làng mà không phân biệt Mnông hay Stiêng. Trong khi đó, người Mạ và người Châu Ro ở trong khu vực hái lượm từ phía đông sông Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu lại có tiếng nói hoàn toàn khác biệt với người Mnông và Stiêng. 

Cộng Đồng Người Stiêng Ở Miền Đông Nam Kỳ: 



Như trên đã nói, có lẽ tổ tiên người Mnông ngày nay cũng là tổ tiên của người Stiêng(5) ở trong khu vực săn bắn trên vùng cao nguyên Nam Trung Phần. Hai bộ tộc nầy đều thuộc giống người thuộc ngữ hệ Môn-Khmer, có tiếng nói ngữ âm và ngữ điệu gần giống nhau, có chế độ gia đình giống nhau. Theo thống kê của bộ Thông Tin VNCH năm 1958 về người Mnông tại các vùng Nam cao nguyên Trung Phần và Biên Hòa có khoảng trên 67.000 người. Trong khi người Stiêng tại các vùng Nam cao nguyên Trung Phần, Lâm Đồng, Biên Hòa và Tây Ninh gồm khoảng trên 50.000 người. Người Stiêng có thân hình khỏe mạnh, cao lớn, mũi cao, chân mày rộng, sọ tròn, hốc mắt không sâu, tóc hơi quăn, da ngăm đen, nhanh nhẹn, thích sự náo động và săn bắn. Họ ở trong vùng rừng núi có nhiều hoang thú nên tổ tiên của họ đã sớm phát triển những kỹ thuật săn bắn các loại thú lớn, cũng như truyền lại cho những thế hệ sau nầy những loại chất độc có thể vật chết con mồi rất nhanh. Thường thì nhóm người Stiêng đi rừng săn bắn đều được trang bị với những khí cụ như chà gạt(6), dao nhọn(7), rìu(8), và cuốc(9). Mãi đến ngày nay tại nhiều nơi ở vùng Tây Nguyên hai bộ tộc Mnông và Stiêng vẫn còn chung sống trong một buôn làng mà không hề phân biệt Mnông hay Stiêng. Sở dĩ có sự phân biệt do bởi về sau nầy trong quá trình di chuyển về phía Nam, một bộ phận của người Mnông đã đi về phía đông nam để săn bắn và bẫy thú ở những vùng rừng rậm có đầm lầy dọc theo phía tây sông Bé, phía tây bắc sông Đồng Nai, và quanh vùng núi Bà Đen. Bộ phận nầy đã tiếp xúc và gần gủi với người Khmer trong vùng và đã tự hình thành một nhóm tộc người khác có tên là Stiêng. Sau đó một bộ phận của nhóm người Stiêng nầy lại di chuyển đến khu vực trũng của vùng Bình Long-Phước Long ngày nay, nơi có những vùng đất bưng biền và đầm lầy, khai phá thành ruộng rẫy, mà ngày nay người ta gọi là Stiêng Bu-dek(10). Đến cuối thế kỷ thứ XIX khi thực dân Pháp bắt đầu phát triển những đồn điền cao su ở miền đông Nam Phần, vì không thích ứng được với sự thay đổi của hệ sinh thái nên người Stiêng đã phải rút sau vào rừng hay đi về phía cao nguyên Nam Trung Phần. Đây là biến cố khiến cho dân số của bộ tộc Stiêng bị giảm đi rất nhanh vì họ đã quen với những khu rừng già nhiệt đới trên vùng đất đỏ với sông rạch và nước nôi đầy đủ, nay lại phải rút sâu vào những vùng đất xám nơi có rất ít sông ngòi và nguồn nước thật là khan hiếm. Bên cạnh đó, trong những khu rừng nầy có rất ít thú nhỏ cho họ săn bắn mà ngược lại, họ bị thú dữ như cọp, beo, gấu, và voi uy hiếp trong sinh hoạt hằng ngày. Đối với người Stiêng, việc săn bắn được xem là quan trọng trong việc tìm kiếm thực phẩm vì họ không có thói quen chăn nuôi trâu bò hay những thứ gia cầm khác. Chính vì vậy mà người Stiêng rất thành thạo về săn bắt và câu cá. Tuy nhiên, việc săn bắn của họ rất bấp bênh vì họ hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh thiên nhiên. Đến mùa mưa, họ thường tổ chức những cuộc đi săn cá trên những dòng suối.

Cộng đồng người Stiêng trong vùng An Lộc 

Đối với các buôn làng người Stiêng, quyền lợi sở hữu tập thể là một quyền lợi tối cao. Đất sở hữu tập thể bao gồm đất cất nhà ở, đất rẫy, đất luân canh(11), đất cấm(12), sông, suối, rừng và lâm thổ sản từ rừng núi(13). Trong xã hội người Stiêng, ít khi người ta nói đến quyền sở hữu gia đình, mà người ta thường nói đến quyền sở hữu dòng họ, thí dụ như một dòng họ sở hữu một cái nhà dài, chiêng, ché rượu, vòng vàng trang sức, thóc lúa, đậu, ngô, khoai, cũng như tất cả súc vật như trâu bò, heo, gà, vịt, vân vân, và một khu đất ven suối để canh tác cho riêng dòng họ mình. Tất cả mọi người trong gia đình nhỏ đều ở chung với những gia đình nhỏ khác trong một khu nhà dài của dòng họ. Đó là những ngôi nhà dài truyền thống, trong đó có vài gia đình nhỏ hay một gia đình lớn với nhiều thế hệ cùng nhau sinh sống. Thường thì những ngôi nhà nầy có hai cửa lớn ở hai đầu nhà và lẫm lúa ở dưới sàn nhà, hai mái thường phủ xuống chỉ còn cách mặt đất chừng 4 tấc mà thôi. Nhà dài khoảng từ 30 đến 40 mét nếu có khoảng ba bốn gia đình chung sống; nếu có khoảng năm hoặc sáu gia đình thì ngôi nhà sẽ dài từ 50 đến 60 mét. Đất đai của dòng họ thường được buôn làng chia theo nhân số lao động; tuy nhiên, bất cứ dòng họ nào bỏ đất hoang thì đất ấy sẽ bị buôn làng lấy lại để chia cho dòng họ khác. Như vậy, đối với người Stiêng, gia đình và dòng họ không thể tự quyền chuyển nhượng tài sản đất đai mà phải do vị đứng đầu làng (Tom Bon) thay mặt làng để chuyển nhượng, và sự sang nhượng có thể thực hiện bằng cách trao đổi tôi tớ, còng chiêng, ché đựng rượu, trâu bò hay tiền bạc. Điểm đặc biệt trong quyền chuyển nhượng đất đai của người Stiêng là họ không thể nhượng đất cho người ngoài làng. Người Stiêng rất xem trọng nghi lễ chuyển nhượng, chính vì vậy mà mọi người trong làng đều phải đến để chứng giám cho sự chuyển nhượng nầy. Người Stiêng có tập tục ‘cà răng căng tai’, thường thì họ cà răng tới nướu và căng tai tới tận vai. Không phải ai cũng được ‘cà răng căng tai’, mà chỉ có những giai cấp quí tộc mới được cái vinh dự nầy, vì nó là dấu chỉ được sự kính trọng của các giai cấp khác. Ngoài ra, người Stiêng còn có tập tục đeo đủ thứ vòng bạc, đồng và xâm mình. Về cách ăn mặc, đàn ông người Stiêng thường đóng ‘khố’ và đàn bà có khi cũng đóng khố, có khi thì họ lại vận sà rông như kiểu người Khmer, nhưng phần trên để trần, nhưng đến mùa lạnh họ thường quấn mền trùm khắp cả thân người. Cũng như xã hội người Việt, người Stiêng cũng có kẻ giàu người nghèo, có những gia đình quá nghèo nên con cái đến tuổi trưởng thành vẫn không có quần áo để mặc. Thỉnh thoảng có những gia đình có con trai đến tuổi lấy vợ, nhưng vì quá nghèo nên phải đem bán bớt con mình để lấy tiền về cưới vợ cho con trai. Chính vì vậy mà tệ nạn buôn bán nô lệ trong xã hội người Stiêng vẫn còn tới ngày nay. Đối người người Stiêng, nợ của cha mẹ đời nầy không trả hết thì con cái phải tiếp tục làm nô lệ để trả tiếp. 

Đàn ông Stiêng đóng khố và ở trần 

Kỳ thật tình trạng buôn bán nô lệ không chỉ xãy ra trong xã hội người Stiêng, mà nó xãy ra trong hầu hết các buôn làng cư dân bản địa thiểu số như Mạ, Cơ Ho, và Châu Ro, vân vân. Về mặt tín ngưỡng, người Stiêng tin tưởng vào các vị thần sông, thần núi, thần, thần rừng, thần đất, vân vân. Nhưng kể từ khi tiếp xúc nhiều với người Khmer, người Stiêng cũng thờ ‘Néak Tà’, có thể xem là vị ‘Thổ Thần’ của người Việt. Vào mùa mưa, người chủ gia đình thường mang lễ vật tới miễu thờ ông Tà và cử hành lễ lạc tại đây, vì họ tin rằng làm như vậy ‘Ông Tà’ sẽ vừa lòng và ban cho họ một năm sống trong sự an bình và thịnh vượng. Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, thì miền Nam lại bị lâm vào chiến tranh triền miên trong suốt từ năm 1960 đến năm 1975. Những khu rừng nơi người Stiêng cư trú bị chiến tranh tàn phá. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa phải tiếp trợ cho họ về mọi mặt từ nhà ở đến lương thực. Đến năm 1970, cuộc sống của người Stiêng ở miền đông Nam Phần đã tương đối ổn định về mặt vật chất; tuy nhiên, cuộc sống tinh thần của họ vẫn bị xáo trộn khi họ bị tách rời ra khỏi vùng môi sinh thiên nhiên. Sau năm 1975, chiến tranh chấm dứt, đa số người Stiêng đã tản cư ra thành thị đều hồi cư trở về khu sinh thái thiên nhiên trước đây. 

Cộng Đồng Người Mạ Ở Miền Đông Nam Kỳ: 



Người Mạ là một trong những bộ tộc bản địa lớn ở miền nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Phần với tổng số khoảng trên 25.000 người(14). Tuy ở miền đông Nam Phần có những nhóm cư dân bản địa với dân số rất ít, nhưng họ là những cộng đồng có chung một tên gọi, ngôn ngữ, văn hóa, và ý thức chung về bộ tộc của mình. Hiện nay người Mạ Krung ở miền Đông Nam Phần sống dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai và vùng Định Quán. Người Mạ có tầm vóc không cao, màu da ngăm đen, tóc thẳng, mũi không cao, thuộc nhân chủng Nam Á. Đặc điểm của người Mạ là rất hiền lành và hiếu khách gần giống như những người Việt thuở còn đi khẩn hoang vậy. Sau khi vương quốc Phù Nam thành hình vào thế kỷ thứ nhất sau tây lịch, những người Mạ trong vùng trực thuộc vương quốc Phù Nam bỏ chạy về vùng cao nguyên phía đông bắc để thành lập tiểu quốc “Che Mạ”. Về sau, vương quốc Phù Nam tiếp tục lấn lướt họ nên họ đã rút sâu lên miền Tây Nguyên, nhưng vẫn giữ nguyên trạng nếp sống của tổ tiên mình và trở thành bộ tộc Mạ mà chúng ta biết đến ngày nay. Sau đó vài thế kỷ, cũng như người Châu Ro, người Mạ di chuyển từ cao nguyên Bảo Lộc xuống các vùng bên phía đông nam lưu vực sông Đồng Nai và tiếp xúc với người Khmer và người Chăm(15) để thành hình hai nhóm bộ tộc có tên là “Mạ Krung” và “Châu Ro”. Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta vẫn thấy sự gần gũi giữa người Mạ và người Châu Ro về các mặt văn hóa, ngôn ngữ, sinh hoạt xã hội, vân vân. Ngày nay người Mạ cư trú trong một địa bàn khá rộng trên lưu vực sông Đồng Nai, từ cao nguyên Nam Trung Phần đến miền Đông Nam Phần(16). Đối với người Mạ, việc khai khẩn đất mới là cần thiết trong việc trồng lúa, vì họ cho rằng lúa chỉ tốt có một mùa sau khi khai khẩn, đến mùa thứ nhì thì đất ấy đã bị xem như cằn cỗi và chỉ được dùng để trồng các thứ hoa màu phụ như bắp, khoai, bầu, bí, dưa, vân vân. Tuy nhiên, người Mạ rất kỵ việc khai phá những khu rừng nguyên sinh vì họ coi những khu rừng nầy là thiêng liêng, và họ cho rằng nếu ai làm việc nầy sẽ mắc tội rất nặng với ông trời. Về nông nghiệp, ngoài việc trồng lúa và bắp ra, người Mạ còn trồng đủ thứ hoa màu phụ như các loại đậu, bầu bí, và các loại rau củ trên những bãi đất bồi ven theo bờ sông gần nơi họ cư trú. Bên cạnh đó, trong vườn nhà người Mạ còn trồng đủ thứ cây trái khác như cây mít, đu đủ, mía, bông vải, thuốc lá, vân vân, để cung cấp cho nhu cầu hằng ngày của gia đình. Riêng người Mạ cư trú ở miền Đông Nam Phần thì được gọi là Mạ Krung. Ngoài ra, còn có một số sống trên vùng Phước Long. Đặc điểm của người Mạ Krung ở miền Đông Nam Phần là họ vẫn còn giữ lấy truyền thống làm thuyền độc mộc để di chuyển trên các sông suối(17), hoặc để bắt cá tôm. Người Mạ còn dùng thuyền độc mộc để hái rau và bắt các loại cua, sò, ốc, hến và hái rau ven bờ sông. Người Mạ vẫn còn dùng lao và tên ná để săn bắt thú rừng và xem đây là một trong những sinh hoạt chính trong việc cung cấp thực phẩm hằng ngày cho gia đình. Bên cạnh những sinh hoạt săn bắt thú rừng và tôm cá ra, người Mạ còn chăn nuôi trâu bò và gia súc như heo, gà, vịt, dê, vân vân. Thường thì người Mạ chỉ nuôi trâu bò để dùng vào việc tế lễ thần linh mà thôi. Thỉnh thoảng lại có một vài gia đình người Mạ còn nuôi cả ngựa và voi để dùng vào việc vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó phải kể đến kỹ xảo về thủ công nghệ và việc dệt vải của người Mạ. Mà thật vậy, người Mạ rất khéo tay trong việc đan giỏ và dệt vải. Vào thế kỷ trước, người Mạ thường sống trong những ngôi làng kế cận nhau với những căn nhà dài truyền thống. Dân chúng trong làng thường có liên hệ huyết thống với nhau hoặc là những gia đình đã liên minh với nhau từ bao đời nay với mục đích bảo tồn nòi giống. Đối với người Mạ, ông chủ làng kiêm chủ rừng là người rất quan trọng vì họ luôn tuân thủ quyết định của người nầy. Bên cạnh đó, chủ làng còn chỉ định một người lo về việc sử dụng rừng núi và một người khác chuyên lo việc khuyến nông đối với dân làng. Cũng như các bộ tộc khác, dĩ nhiên là có sự cách biệt giữa giàu và nghèo, nhưng tuyệt nhiên không có sự bóc lột, mà người trong bộ tộc chỉ làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Thường thì mỗi gia đình đều có lẫm lúa riêng, nhưng những lúc thiếu hụt gia đình nầy có thể đến những nhà dư giã để lấy lúa gạo khi cần mà không bị coi như là vay hay mượn; tuy nhiên, tập tục nầy hầu như không còn thấy nữa. Người Mạ theo truyền thống phụ hệ và nhiều thế hệ thường sống chung trong một nhà dài, nhưng ngày nay truyền thống ấy cũng ít thấy, mà đa số chỉ là những gia đình nhỏ giữa vợ chồng và con cái mà thôi. Về tín ngưỡng, niềm tin của người Mạ có liên hệ trực tiếp với nghề nông, mỗi khi đốt rừng bụi để canh tác, họ thường làm lễ dâng lên ‘Thần Lửa’; và vào lúc gieo mạ họ thường làm lễ tạ ơn ‘Mẹ Lúa’. Những huyền thoại về tín ngưỡng của người Mạ luôn gắn liền với đất, sông, núi, rừng, vân vân. Đặc biệt nhất là trong các nghi lễ của người Mạ họ đều đánh còng chiêng và thổi kèn trúc. Ngày nay ở một số nơi người ta vẫn còn thấy người Mạ làm trâu để tế lễ thần linh. Thường thì trong cộng đồng người Mạ không có sự phân biệt giữa Mạ cao nguyên hay Mạ Krung, nhưng chỉ khi có ai hỏi thì họ mới nói rõ mình thuộc hệ người Mạ nào mà thôi. Như trên đã nói, từ xa xưa tổ tiên người Mạ đã sinh sống dọc theo bờ sông Đồng Nai và khai phá những khu đồi thấp ở Định Quán. Mặc dầu vẫn tiếp tục đời sống săn bắt và hái lượm như tổ tiên, nhưng đồng thời họ cũng biến những vùng gần hồ Trị An, phía tây nam của Định Quán, thành những khu đồng ruộng lớn để canh tác lúa vào mùa mưa và làm rẫy vào mùa khô. Sau khi những lưu dân người Việt đầu tiên đến đây, người Mạ đã rút sâu vào những vùng đồi thấp phía bắc Định Quán, nhưng đến khi chánh phủ Ngô Đình Diệm quyết định đưa người Nùng ở những vùng cao Bắc Phần đến định cư trong vùng Định Quán, thì người Mạ lại phải rút sâu vào rừng núi phía nam Lâm Đồng, thuộc cao nguyên Nam Trung Phần. Chính vì phải ngày càng rút sâu vào rừng mà mức sống của người Mạ rất thấp so với người Châu Ro và người Stiêng, là những người có may mắn được sống gần các trục lộ giao thông lớn ở miền Đông. Hiện có khoảng trên 3.000 người Mạ Krung sống tập trung tại các xã Phú Hiệp, Phú Bình, và Tà Lai, thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai bây giờ. Số người Mạ còn lại đều sống rải rác trong vùng phía nam cao nguyên Trung Phần. 

Người Mạ săn bắn bằng ná trong vùng Định Quán. 

Cộng Đồng Người Châu Ro Ở Miền Đông Nam Kỳ: Đúng tên là Chrau-Jro(18). Theo thống kê của chánh phủ VNCH năm 1958 về người Châu Ro tại các vùng quanh Biên Hòa gồm khoảng trên 15.000 người. Không có tài liệu lịch sử chính xác về sự di chuyển địa bàn cư trú của người Châu Ro trong địa bàn phía nam Tây Nguyên và phía bắc miền Đông Nam Phần; tuy nhiên, theo thiển ý có lẽ tổ tiên của người Châu Ro đã cư trú trong vùng đông Nam Bộ trước thời Phù Nam, khi người Phù Nam lập quốc thì người Châu Ro phải rút sâu lên phía nam Tây Nguyên. Sau khi Phù Nam bị tiêu diệt thì người Châu Ro lại di chuyển trở xuống vùng đất mà ngày trước tổ tiên họ đã từng cư trú, đó là vùng Bà Rịa, Long Khánh và Đồng Nai. Như trên đã nói, người Mạ và người Châu Ro là những bộ tộc cư dân bản địa ở trong khu vực hái lượm từ phía đông sông Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Có người cho rằng người Châu Ro là một phần của cộng đồng người Mạ chịu ảnh hưởng văn hóa Champa và Raglai. Nhưng trên thực tế, người Châu Ro có những đặc điểm gần gũi với người Stiêng hơn về các mặt tiếng nói(19), cấu trúc xã hội, nhất là cấu trúc dòng họ thường hướng về người mẹ. Khoảng vài thế trước đây, người Châu Ro tính dòng họ theo phía mẹ, nhưng hiện nay họ lại chuyển dần theo họ cha, có lẽ ảnh hưởng từ sự tiếp xúc và gần gũi hơn với người Kinh(20). Thường thì mỗi dòng họ hùng cứ một khu vực riêng, nên hễ nói đến họ nào là người Châu Ro biết ngay người đó ở đâu. Cũng như người Việt, người Châu Ro không kết hôn với những người có họ hàng gần với mình, nhưng có lẽ người Châu Ro còn khe khắc hơn ở chỗ chỉ được lấy người ngoài hoặc nếu là bà con thì phải cách 5 đời. 

Người Châu Ro ở Phước Long ngày nay 




Về quyền sở hữu đất đai canh tác, cũng giống như người Stiêng, ranh giới giữa các làng người Châu Ro được phân định bởi con sông, con suối, hay cánh rừng, vân vân, người của làng nầy không có quyền đến làng khác để canh tác. Tuy nhiên, người Châu Ro khác người Stiêng ở chỗ vì đất rộng nên mọi người trong làng đều có thể tự mình khai thác và canh tác chứ không cần đến người chủ làng phân chia. Và về việc sang nhượng thì người Châu Ro lại có quyền bán những đất mình đang canh tác cho người khác(21).
Người Châu Ro có thể có quyền sở hữu cá thể trên ruộng trồng lúa, nhưng những đám rẫy vẫn là tài sản của chung. Đối với những thanh niên trai tráng trong làng, họ có thể tự do phát rẫy gần nơi mình ở để làm rẫy mà không cần phải xin phép chủ làng. Thường thì vùng người Châu Ro cư trú là vùng đất xám, có màu trắng bạc nên cằn cỗi hơn vùng đất đỏ, chính vì vậy mà sau khi phát rẫy chừng hai ba năm là họ phải đi tìm một miếng đất khác để làm đất luân canh. Thường thì hai năm đầu họ trồng lúa ở giữa trung tâm đám ruộng; kế đó là họ trồng bầu, bí, dưa, củ sắn, và đủ các loại đậu; và phía ngoài cùng thì họ trồng những dây leo làm như hàng rào, nhưng đây là những dây leo có thể ăn hay làm thuốc được. Chu kỳ canh tác được bắt đầu bằng nghi thức cầu khẩn ‘Thần Lúa’ vào khoảng tháng 3 âm lịch; từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch thì họ trồng bắp; từ tháng tư đến tháng mười là trồng lúa. Những nông cụ hay vật dụng làm ruộng rẫy của người Châu Ro thường là dao, búa, cây đào đất, cuốc, lưỡi hái, và những lưỡi cày rất thô sơ. Đến thời đệ nhất Cộng Hòa, chánh quyền khuyến khích định canh(22).
Ngày nay người Châu Ro thường sống từng gia đình nhỏ chứ không còn sống tập trung trong một nhà dài lớn như trước đây nữa, nên từng gia đình có thể sở hữu vườn rừng, vườn nhà, cũng như những nông cụ hay vật dụng trong gia đình. Về mặt tín ngưỡng, người Châu Ro sùng bái thiên nhiên. Họ tin nơi các vị thần Sấm, thần Sét, thần Sông, thần Núi, thần Bến Nước, thần Đất, vân vân. Họ cũng tin rằng các thiện thần và ác thần chi phối trực tiếp đời sống con người, nên khi làm bất cứ chuyện gì họ cũng tìm sự trợ giúp của thần linh. Người Châu Ro xem ông ‘Tom Bri’(23) là người chủ làng, có quyền lực tối cao trong làng về mọi mặt. Tuy nhiên, trong việc xử kiện hằng ngày, ‘Tom Bri’ của người Châu Ro không phải là người có quyết định tối hậu như ‘Tom Bri’ của người Stiêng, mà mọi xử kiện đều phải dựa vào tập quán với sự chứng kiến của thầy Chang(24).
Địa bàn sinh sống của người Châu Ro kéo dài từ cao nguyên Bảo Lộc xuống các vùng đông nam của sông Đồng Nai đến tận bờ biển Bà Rịa-Vũng Tàu(25) ngày nay. Tuy nhiên, vùng đất Xuân Lộc ngày nay đã từng là một địa bàn cư trú lâu đời của người Châu Ro. Người Châu Ro thích ở những nơi bưng thấp với những đám ruộng hẹp, nhưng lại có những con suối lớn. Người Châu Ro có vóc dáng nhỏ hơn người Stiêng, đầu dài, và tóc thẳng chứ không quăn, da không đen lắm. Họ thích cư trú tại các vùng đồi núi thấp chứ không thích ở những vùng núi cao của dãy Trường Sơn. Kỹ thuật làm rẫy của người Châu Ro khá tiến bộ. Người Châu Ro cũng có tục lệ chôn người chết, mở cửa mả, và cúng cơm cho người chết đến 100 ngày giống như người Việt.
Sau đó mỗi năm cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch, họ có tục thăm viếng mồ mả người chết. Theo Bộ Thông Tin của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1970, đa số người Châu Ro đều nói rất thông thạo tiếng Việt, và khó lòng có thể phân biệt được người Việt với người Châu Ro nếu cả hai cùng cư trú tại thành thị. Vấn đề khó khăn để xác định nguồn gốc bộ tộc là ở chỗ ngay những bộ tộc thiểu số nầy cũng không biết rõ mình thuộc nhóm bộ tộc nào, nên có lúc họ nói mình thuộc bộ tộc nầy mà cũng có lúc họ lại cho mình thuộc một bộ tộc khác, như trường hợp của một nhóm người Stiêng từ vùng phía tây sông Bé lại tiếp tục di chuyển đến khu vực trũng của vùng Bình Long-Phước Long ngày nay, nơi có những vùng đất bưng biền và đầm lầy, khai phá thành ruộng rẫy, mà ngày nay người ta gọi là Stiêng Bu-dek(26).
Nhóm người nầy là những người Stiêng chánh gốc, nhưng có lúc họ lại tự nhận mình là Stiêng mà cũng có lúc họ lại cho mình là người Châu Ro. Môi trường sinh hoạt của người Châu Ro ở trong vùng không cao không thấp, mà lại không có hệ thống dẫn thủy nhập điền, thêm vào đó đất lại xốp và khô, nên về canh nông chỉ thích hợp cho việc trồng lúa khô, vì thế họ hoàn toàn lệ thuộc vào nước mưa trong việc canh tác. Tuy nhiên, cũng có một vài nơi người Châu Ro cũng khai thác ruộng sâu với nhiều sình lầy. Tại các nơi đó họ thường cho trâu dẵm cho nhuyễn đất trước khi gieo mạ theo lối làm lúa nước cổ điển. Khi đi rừng thì người Châu Ro thường trang bị liềm mốc(27) và lưỡi hái(28).
Về dụng cụ canh tác, đi đâu đến đâu có người Châu Ro người ta cũng thấy người Châu Ro thường vác trên vai một cây cuốc. Mà thật vậy, có người đặt tên cho nông nghiệp của người Châu Ro là ‘nông nghiệp dùng cuốc’, vì tất cả những công việc trong canh tác đều cần đến cây cuốc như đào xới đất, chen đất gieo hạt, đào đất lấy củ, vân vân. Tuy nhiên, ở những nơi gần với cộng đồng người Kinh, người Châu Ro cũng phát triển những loại cày do người kéo, đây cũng chỉ là một dạng xới đất bằng cách ghép nhiều lưỡi cuốc vào với nhau mà thành. Về sản xuất nông phẩm, bên cạnh việc trồng lúa và bắp, củ sắn, rau quả, người Châu Ro còn trồng thêm trên rẫy của mình đủ các loại đậu làm lương thực hằng ngày. Bên cạnh việc trồng trọt, người Châu Ro cũng có chăn nuôi một ít gia súc và gia cầm, nhưng không đủ cung ứng cho thức ăn hằng ngày, nên họ còn đi săn bắn và câu cá ở những cánh rừng hay con suối lân cận. Về nhà cửa, người Châu Ro thường cư trú trong những khu rừng lá và rừng thấp nên họ dùng các loại lá buông, lá cọ, cũng như tre và mây làm nguyên liệu cất nhà và làm vách, cũng như bàn, ghế, giường, tủ và những đồ gia dụng khác trong nhà. Cuối thế kỷ thứ XIX, sau khi thực dân Pháp đã lập xong những đồn điền cao su ở vùng Đồng Nai, người Châu Ro bị dồn về núi Chứa Chan và rừng núi tỉnh Bà Rịa. Theo thống kê của chánh quyền thực dân Nam Kỳ vào năm 1912, tại vùng núi Chứa Chan có 12 xã của người Châu Ro, và tại tỉnh Bà Rịa có khoảng 21 xã. Ngoài việc canh tác lúa nước và làm rẫy, người Châu Ro còn có tay nghề thủ công rất cao về đan lát và mây tre, đa số những chiếc ghế mây đưa lên Sài Gòn bán vào thập niên 1970 đều là sản phẩm của người Châu Ro. Bên cạnh đó phải kể đến nghề làm mộc của người Châu Ro cũng đã phát triển đến trình độ cao. Ngày nay, một số người Châu Ro đã định cư hẳn ở thành thị và hòa nhập với cuộc sống của đại đa số người Kinh. 

Cộng Đồng Người Tà Mun Ở Miền Đông Nam Kỳ:


Hiện nay ở vùng Bình Long và Tây Ninh còn một tộc người bản địa khoảng trên dưới 1.500 người, đó là tộc người Tà Mun. Tưởng cũng nên nhắc lại là tộc người bản địa Tà Mun không có tên trong danh mục của 54 dân tộc Việt Nam. Vậy thì bộ tộc Tà Mun là bộ tộc có nguồn gốc từ đâu và họ có liên hệ gì tới các bộ tộc khác? Vì người Tà Mun có nhiều đặc điểm nhân thể, xã hội và đời sống gần giống như người Stiêng ở Bình Long và người Châu Ro ở Đồng Nai nên có nhiều ý kiến cho rằng người Tà Mun là một nhóm hỗn hợp của người Stiêng và người Châu Ro sống chung đụng với nhau. Nhưng theo quyển “Những Dân Tộc Thiểu Số Ở Việt Nam”, bộ tộc người Tà Mun không có tên trong số 54 dân tộc thiểu số, mà lại được xếp trong nhóm Stiêng(26). Bên cạnh đó, theo các bô lão người Tà Mun thì ba bộ tộc Stiêng, Châu Ro và Tà Mun hoàn toàn khác biệt nhau. Theo Văn Hóa & Cư Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long(29), từ sau năm 1930, một nhóm dân tộc thiểu số duy nhất theo đạo Cao Đài và Hội thánh Tây Ninh gọi họ là Tà Mun. Có thuyết giải thích Tà Mun là địa danh, cũng có người giải thích rằng Hội thánh Tây Ninh gọi nhóm nầy là người Miên, có tục lệ thờ ‘Niết Tà’, nên gọi họ là Tà Miên, nhưng Hội thánh kỵ húy chữ Miên nên gọi trại lại là Tà Mun. Trên đây chỉ là những lối giải thích khác nhau về nguồn gốc của tộc người Tà Mun mà thôi. Riêng tại vùng cao nguyên và miền đông Nam Phần, người Stiêng sinh sống ở các vùng Bù Đăng và Bù Đốp, còn người Tà Mun sống ở vùng Sóc Năm. Về sau nầy do hoàn cảnh chiến tranh, người Tà Mun di chuyển đến làm rẫy trong vùng Ninh Thạnh, trong thị xã Tây Ninh và Suối Đá(30). Sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, một số người Tà Mun di chuyển về phía bắc của núi Bà Đen, thuộc hai xã Tân Bình và Thạnh Tân, thuộc thị xã Tây Ninh; một số khác đi xa hơn về phía bắc trong những khu rừng thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Theo các bô lão người Tà Mun thì dầu có sống cộng cư với các bộ tộc Stiêng và Châu Ro rất lâu, nhưng tộc người Tà Mun hoàn toàn khác biệt với hai bộ tộc vừa kể trên. Người Tà Mun chịu ảnh hưởng rất lớn với nền văn hóa Khmer, và ngay cái tên Tà Mun cũng được đọc trại ra từ tiếng Khmer “Khmun”, là tên gọi của một trong những vị thần bảo hộ của dân tộc Khmer. Điểm đặc sắc của văn hóa Tà Mun là những bài hát nghi lễ, hát ru và những làn điệu dân ca, mang âm hưởng Khmer như lễ cột chỉ, lễ dâng trầu cau ra mắt, vân vân. Bên cạnh đó thì phong tục cưới chồng của người Tà Mun cũng rất đặc biệt, vì nó không giống như các lễ cưới theo mẫu hệ của người thiểu số khác, mà ông mai bên nhà trai phải qua bên nhà gái dạm hỏi trước. Sau khi hai bên đã đồng ý thì nhà gái mới đứng ra tổ chức lễ rước chú rể. Ngoài ra, ngày trước người Tà Mun còn nhiều nghi lễ khác như lễ ‘cầu mưa’, lễ ‘gieo hạt’, lễ ‘cúng cơm mới’, lễ ‘bỏ mả’, và Tết cổ truyền, vân vân. Tết cổ truyền của người Tà Mun thường rơi vào cuối tháng tám đầu tháng chín, vì đây là mùa mà các giống lúa trên rẫy(31) chín tới. Sau mùa thu hoạch là mùa rước nước và lễ cúng cơm mới trong dịp Tết cổ truyền, đây cũng là dịp để người Tà Mun cúng bái thần linh đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong dịp Tết cổ truyền người Tà Mun cũng mặc đồ mới, và cùng đóng góp lúa gạo, gà vịt, heo với làng để làng tổ chức cúng cơm mới và cúng ông bà vào đêm cuối tháng tám, sau đó họ đi chúc thọ lẫn nhau, rồi cùng nhau nhảy múa và ca hát suốt đêm(32). Tuy nhiên, ngày nay do chánh sách đô thị hóa và bởi sinh kế hằng ngày mà đa số người Tà Mun phải sống hòa nhập với cộng đồng người Việt, nên họ đã bỏ đi rất nhiều những tập tục cổ truyền. 

Cộng Đồng Người Cơ Ho Ở Miền Đông Nam Kỳ:



Khi những lưu dân Việt Nam lần đầu tiên đặt chân đến vùng Mô Xoài của miền Đông Nam Phần, có lẽ họ đã chạm trán ngay với một tộc người bản địa đông nhất trong khu vực, đó là tộc người Cơ Ho. Không biết hồi đó dân số người Cơ Ho là bao nhiêu, nhưng theo thống kê của bộ Thông Tin VNCH năm 1958 hiện còn khoảng trên 90.000 người Cơ Ho tại các vùng Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, và các vùng Đất Đỏ và Xuyên Mộc, giáp ranh với Bình Thuận. Người Cơ Ho là giống người thuộc ngữ hệ Môn-Khmer. Sau những cuộc chạm trán với văn hóa Việt, tộc người Cơ Ho(33) đã rút lần lên Tây Nguyên và các vùng ven biển từ Bình Thuận trở ra đến Khánh Hòa. Cũng như người Stiêng, đàn ông người Cơ Ho thường đóng ‘khố’ và đàn bà có khi cũng đóng khố, có khi thì họ lại vận sà rông như kiểu người Khmer, nhưng phần trên để trần, nhưng đến mùa lạnh họ thường quấn mền trùm khắp cả thân người. Đối với người Cơ Ho, việc khai khẩn đất mới là cần thiết trong việc trồng lúa, vì họ cho rằng lúa chỉ tốt có hai mùa sau khi khai khẩn, đến mùa thứ ba thì đất ấy đã bị xem như cằn cỗi, nên họ bỏ đi tìm đất khác, đến mười năm sau mới trở lại khai thác vùng đất mà họ đã bỏ hoang nầy. Bên cạnh việc trồng lúa, người Cơ Ho còn trồng các thứ hoa màu phụ như bắp, đậu, dưa, bầu, bí, bông vải và thuốc lá. Cũng giống như các vườn nhà người Việt ở Nam Kỳ, chung quanh vườn nhà của người Cơ Ho, họ trồng đủ thứ các loại cây ăn trái như đu đủ, xoài, mít, khóm, và chuối, vân vân. Không như các bộ tộc Stiêng, Mạ và Châu Ro, trình độ làm gốm sứ của người Cơ Ho đã đạt đến kỹ thuật cao hơn nhiều. Họ biết cách trộn đất, nắn, phơi và nung gốm gần giống như kỹ thuật của người Việt Nam. Mãi đến ngày nay, người Cơ Ho vẫn còn theo chế độ mẫu hệ. Khi người con gái đến tuổi lập gia đình tìm được một chàng trai mà mình muốn cưới, cô gái sẽ cho cha mẹ mình biết, sau đó cha mẹ mới tìm sự ưng thuận của người anh trai của mẹ. Người cậu nầy có toàn quyền trong việc quyết định có nên tiến hành hôn lễ hay không. Về vấn đề tang lễ, cũng như người Việt, thường thì người Cơ Ho quàn người chết tại nhà vài bữa, sau đó mới di chuyển lên rừng để chôn cất, thường thì người Cơ Ho chôn cất người thân trong cùng một khu nhà mồ. Có điều lạ là trong sáu năm sau khi chôn người chết, người Cơ Ho không bao giờ thăm viếng mồ mả của người ấy. Về mặt tín ngưỡng, người Cơ Ho tin tưởng vào ‘Ông Trời’ và họ cũng tin tưởng nơi các vị thần sông, thần núi, thần, thần rừng, thần đất, vân vân, mà họ gọi là ‘Dàng’. Dưới thời Pháp thuộc, nhiều người Cơ Ho đã bỏ hẳn tín ngưỡng bản địa để theo đạo Cơ Đốc. Chính vì vậy mà vào đầu thế kỷ thứ XX, người Pháp đã La Tinh hóa chữ viết của tiếng Cơ Ho và in ấn thật nhiều Thánh kinh nhằm Cơ Đốc hóa toàn bộ người Cơ Ho giữa các vùng Lâm Đồng và Ninh Thuận. 

Cư Dân Phù Nam Cổ:

 Ngay từ đầu thế kỷ thứ nhất vương quốc khi vương quốc Phù Nam thành hình, một số cư dân bản địa không chịu khuất phục nên đã rút sâu vào các vùng rừng núi Tây Nguyên, số còn lại tiếp tục sinh sống tại các vùng thuộc miền đông Nam Phần ngày nay và hòa nhập với cư dân Phù Nam. Ngày nay sử liệu về vương quốc và cư dân Phù Nam hãy còn rất mù mờ, nhưng có lẽ họ cũng thuộc giống người Nam Á, có ngữ hệ Môn-Khmer cũng gần giống như các bộ tộc bản địa ở miền đông Nam Phần hay người Khmer vậy. Theo các thư tịch cổ của Trung Hoa thì các sứ thần Trung Hoa đã tỏ ra khinh khi người Phù Nam khi họ cho rằng dân Phù Nam là một dân tộc man di, da đen, xấu xí, tóc quăn, đa số đều ở truồng và đi chân không. Sau khi sứ thần Trung Quốc than phiền với vua Phù Nam thì nhà vua liền ra lệnh cho tất cả thần dân phải quấn vải vào thân mỗi khi có sứ thần nước khác đến. Các nhà cổ sử cho rằng có lẽ đây là tiền thân của chiếc xà rông mà các dân tộc Thái Lan, Mã Lai, Cao Miên và Lào thường mặc ngày nay. Tuy nhiên, những điều nầy ngược lại với những báo cáo của các thương nhân ngoại quốc. Họ ghi lại rằng giới quí tộc Phù Nam ăn mặc màu mè sặc sỡ với vô số đồ trang sức làm bằng ngọc ngà châu báu. Chính Khương Thái đã ghi lại như sau: “Vị vua đầu tiên của Phù Nam, có lẽ là một người thuộc dòng dõi quý tộc ở Ấn Độ hay là một Tăng lữ Bà La Môn, tên là Hỗn Điền (Kaundinya). Cũng theo Khương Thái thì vương quốc Phù Nam có nhiều đô thị, có tường cao bao quanh và bên trong có nhà ở. Người Phù Nam có nước da màu đen, tóc quăn, xấu xí và sống khỏa thân. Nếp sống của họ rất đơn giản nhưng trong xã hội của họ không có trộm cắp. Đa số làm nghề nông theo lối cổ xưa. Họ rất khéo chạm trổ trên đá và trên gỗ. Trong cung đình, đa số chén dĩa đều làm bằng vàng, bạc, trân châu. Trong khi đó đồ dùng của thường dân thì đa phần được làm bằng đất nung. Tại kinh đô, có văn khố và thư viện lớn với rất nhiều sách vở bằng chữ Phạn. Họ dùng chữ viết gần giống như loại chữ viết của các dân tộc ở vùng Trung Á, có nguồn gốc từ chữ Phạn của Ấn Độ. Ngay từ những năm đầu Tây lịch, người Phù Nam đã biết dùng chữ viết trong công việc hành chánh và thương mãi rồi. Họ chiêm ngưỡng và sùng bái các tượng Thần làm bằng đồng, chạm hình người 2 mặt 4 tay, hoặc 4 mặt 8 tay. Về nghi thức ma chay, gia đình nào có người chết thì những người đàn ông trong gia đình đều cạo hết râu tóc. Thường thì họ thủy táng người chết, hoặc hỏa táng. Một số cư dân khác tại các vùng ngập nước thì theo phương cách ‘điểu táng’. Ông Khương Thái đã ghi nhận là cư dân trong vùng không sử dụng nước giếng, mà họ thường đào những cái ao lớn cho cả xóm xài chung. Tục lệ đào những cái ao lớn cho cả sóc ngày nay vẫn còn tại một số địa phương như Trà Vinh, Sóc Trăng hay Tri Tôn (Châu Đốc). Theo truyền thuyết thì chính Khương Thái là người đã thuyết phục nhà vua Phạm Tần (Fan-Tsan) ra sắc luật bắt buộc mọi người phải mặc quần áo. Từ đó dân chúng lấy tấm vải quấn tròn quanh người, giống như họ quấn xà rông (sarong) ngày nay. Theo thư tịch cổ đời nhà Lương, người Phù Nam rất thích dùng voi trong mọi công tác vận chuyển, có lẽ thời bấy giờ vùng nầy rất nhiều voi, nên chẳng những nhà vua và triều thần dùng voi, mà hầu như cung nữ và những thương gia tại kinh đô đều sử dụng voi làm phương tiện đi lại. Đa số cư dân Phù Nam theo đạo Bà La Môn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều di vật khai quật được cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo trên vương quốc nầy không phải là nhỏ. Tưởng cũng nên nhắc lại, thời kỳ vương quốc Phù Nam đang cường thịnh, tức là vào khoảng thế kỷ thứ III sau Tây lịch, thì Phật giáo tại phương Đông chưa phát triển mạnh. Phật giáo chỉ phát triển mạnh tại đây vào cuối thế kỷ thứ sáu, nghĩa là lúc vương quốc Phù Nam suy tàn. Chính vì vậy mà bản sắc văn hóa Phù Nam đượm nét Bà La Môn hơn là Phật giáo. Ngày nay không có sử liệu nào nói về sự tồn tại của các bộ tộc người Phù Nam mà người Khmer đã thừa nhận rằng họ chính là hậu duệ của người Phù Nam; tuy nhiên, sự thừa nhận nầy có phần mâu thuẫn với những sử liệu nói về phiên quốc Kambuja tiêu diệt vương quốc Phù Nam để giành lấy quyền thống trị tại vương quốc nầy(34). Như vậy theo thiển ý, có lẽ sau khi vương quốc Phù Nam bị phiên quốc Kambuja tiêu diệt, cư dân của họ đã sơ tán đi khắp nơi, một số dong buồm đi đến các đảo ở phía Nam, một số khác bỏ vùng đất Nam Bộ để chạy lánh nạn trên vùng Tây Nguyên, số còn lại tiếp tục ở lại và sống hòa nhập với người Kambuja để trở thành người Khmer ngày nay. 

Chú Thích: 
 (1) Thuở ấy đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là vùng đất đang được bồi đắp và hãy còn chìm ngập trong biển nước cạn mênh mông. (2) Thường thì lớp tường bên ngoài có độ cao trung bình từ 1,5 đến 2 mét, và cao hơn lòng hào khoảng 3 đến 4 mét, chiều rộng từ 20 đến 30 mét, hào không sâu lắm nhưng có bề rộng. Mỗi công trình thường có hai cổng, một quay về hướng Bắc và một quay về hướng Nam, mỗi cổng rộng khoảng từ 30 đến 50 mét. (3) Theo các tài liệu khảo cổ thì Óc Eo chẳng những là một hải cảng quan trọng, mà còn là khu cư dân lớn và quan trọng nhất của vương quốc Phù Nam nữa. Quanh khu Óc Eo có những cánh đồng, nhất là khu vực từ chân núi Ba Thê đến bờ sông Hậu Giang, và dân chúng ở đây đã biết cách đào kinh dẫn thủy nhập điền, qua không ảnh chụp được người ta tìm thấy cả một hệ thống kinh đào thẳng tắp theo hướng Đông Bắc-Tây Nam chạy từ Óc Eo đến tận vùng Banam, nghĩa là đem nước trũng phèn từ những cánh đồng ngập mặn chảy thẳng ra vịnh Thái Lan. Có lẽ ngày đó dân Phù Nam chỉ làm lúa sạ, nghĩa là chỉ dọn đất rồi sạ lúa, cây lúa lớn lên theo con nước lũ, rồi đến mùa nước rút là họ gặt hái. Có người cho rằng việc cư dân cổ của vương quốc Phù Nam biết làm ruộng lúa sạ tại vùng nầy hồi thế kỷ thứ nhất là vô lý, nhưng họ quên rằng các dân tộc tại vùng Đông Á, từ Trung Hoa, xuống Việt Nam, Chăm Pa, kể cả Phù Nam, vân vân, đã biết làm ruộng lúa nước từ lâu lắm rồi. Dầu thế nào đi nữa thì những thư tịch cổ của Trung Hoa cũng cho chúng ta một khái niệm sơ lược về cộng đồng cư dân cổ của vương quốc Phù Nam. Từ ngày thành lập đến khi tàn lụn vương quốc nầy đã truyền được 13 đời vua. Qua đến những thế kỷ thứ II và thứ III thì vương quốc Phù Nam đã phát triển mạnh mẽ và hoàn chỉnh một triều đại lớn, đó là triều đại Sri Mara (Sư Man), trị vì vương quốc nầy trong khoảng từ năm 225 đến 230 sau Tây lịch. Đây cũng là thời kỳ hưng thịnh nhất của dân tộc Phù Nam, vị vua nầy đã chinh phục các lân quốc và mở rộng lãnh thổ của Phù Nam. Chỉ trong vòng 5 năm (225-230) mà vua Sri Mara đã cho đóng nhiều chiến thuyền để vượt biển đánh chiếm các nước nhỏ ngoài hải đảo. Đến năm 230 sau Tây lịch thì biên cương của vương quốc Phù Nam đã trải rộng từ đồng bằng sông Cửu Long đến tận Ménam về phía Tây, và về phía Nam và Đông Nam xuống tận đến các hải đảo thuộc Nam Dương và Mã Lai ngày nay, về phía tây bắc lên đến Trung Lào, về phía đông bắc kiểm soát các trục lộ giao thông đến tận vùng Khánh Hòa. Nghĩa là 300 năm sau ngày lập quốc vương quốc nầy đã hoàn chỉnh hệ thống hành chánh và thương mãi, đã có một hạm đội chiến thuyền và quân lực hùng mạnh. Thời nầy vương quốc nầy đã chinh phục được hầu hết các nước quanh vùng, từ Mã Lai, Thái Lan, Cao Miên, Nam Lào và Nam Miến Điện. Từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ VI, coi như vương quốc Phù Nam đã kiểm soát hoàn toàn đường hàng hải của các thương thuyền đi từ Trung Hoa qua Ấn Đô và Âu châu. (4) Mãi đến nay người ta vẫn chưa biết được hình dạng của những cư dân cổ thời đó, tuy nhiên, căn cứ theo những chiếc sọ khai quật được ở Cà Mau vào năm 1958, họ là những người Indonesien, mà theo các nhà nhân chủng học thì họ thuộc loại hình nhân chủng Mông Cổ phương Nam, có sọ với độ lớn trung bình, mặt rộng, trán trợt, xương chân mày rộng, gò má cao, hốc mắt sâu. Người ta đã tìm thấy những khuôn đúc đồng ở miền Đông Nam Kỳ cũng như những dụng cụ bằng đồng loại lớn dùng để đốn cây, săn bắn và làm vũ khí chống lại với hoang thú, cũng như những vật dụng săn bắn và hái lượm khác có niên đại khoảng hai hoặc ba ngàn năm trước tây lịch, nghĩa là khi nghề đúc đồng đã xuất hiện tại đây vào thời điểm đó. (5) Theo Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, và Nguyễn Văn Diệu trong “Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Ở Việt Nam”, NXB Giáo Dục 1997, tr. 77, người Stiêng còn được gọi là Mọi Stiêng, Tà-Mun, hay Xa Điêng. Hiện còn khoảng 50.000 người sinh sống tại các vùng Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng và Đắc Lắc. 
(6) Chà gạt là một loại công cụ rất tiện lợi trong việc chặt những cây nhỏ như tre, nứa hay lồ ồ. Người Stiêng còn dùng chà gạt để chống lại thú dữ và đánh nhau giữa các bộ lạc. Ngoài ra, người Stiêng còn dùng chà gạt để đào củ hay đào những gốc cây nhỏ. Người Stiêng xem cây chà gạt như là biểu tượng uy dũng của những chàng trai. (7) Người Stiêng dùng dao nhọn để vót chông, tên, làm cạm bẫy, mổ xẻ thịt rừng, gọt củ hay rạch vỏ cây lấy nhựa hoặc vỏ. (8) Rìu là một loại búa được người Stiêng dùng để đốn cây lớn để làm nhà. (9) Cuốc được dùng để xới đất và làm cỏ rẫy. (10) Tên gọi người Stiêng ở vùng trũng thấp. (11) Thường thì người Stiêng khai phá đất mới và chỉ làm ruộng rẫy trong vòng vài năm. Chính vì vậy mà mới có tên đất luân canh. Đất luân canh là đất dự trữ sau khi những đất rẫy đang canh tác bị khô cằn thì buôn làng người Stiêng sẽ di chuyển đến vùng đất mới, để cho những đám rẫy cũ được nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian nào đó rồi mới quay trở lại canh tác. Thường thì mùa đầu tiên họ trồng lúa, đến mùa thứ nhì thì họ cũng trồng lúa, nhưng lại trồng thêm mè, bắp, dưa, bí, bầu, và các thứ đậu. Người Stiêng thường bỏ luôn những đám ruộng rẫy đã được họ canh tác trên mười năm. (12) Đất cấm là những cánh rừng đầu nguồn và những cánh rừng thiêng để làm nghĩa địa cho bộ tộc, thường nằm về hướng đông bắc của buôn làng. Người Stiêng cấm ngặt không cho bất cứ ai khai phá những khu rừng nầy. Họ tin rằng nếu để cho những khu rừng thiêng nầy bị khai phá thì dân làng sẽ bị các thần linh trừng phạt nặng nề. Tuy nhiên, về mặt môi sinh mà nói, dầu người Stiêng không tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhưng về mặt nầy họ rất tiến bộ, vì họ biết cách cân bằng và giữ cho hệ sinh thái khi họ bảo vệ những khu rừng đầu nguồn nầy. (13) Người Stiêng tin rằng không ai được quyền sở hữu cho riêng mình những khúc sông, suối, rừng hay lâm thổ sản, như mật ong và cây rừng, mà chúng là tài sản chung của buôn làng. Bất cứ người nào trong buôn làng đều có quyền khai thác và sử dụng, nhưng phải bảo vệ những thứ ấy như bảo vệ tài sản của chính mình. Chính vì vậy mà người Stiêng chia đều với nhau tất cả những thứ kiếm được trong rừng. (14) Người Mạ còn được gọi là Chô Mạ, Châu Mạ hay Mọi Mạ. Theo thống kê của bộ Thông Tin VNCH năm 1958 hiện còn khoảng 25.000 người tại các vùng Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) và Lâm Đồng. Theo Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, và Nguyễn Văn Diệu trong “Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Ở Việt Nam”, NXB Giáo Dục 1997, tr. 13, dân tộc Mạ với dân số khoảng 25.435 người, tập trung ở Lâm Đồng và Đồng Nai. Tuy có nhiều nhóm địa phương, nhưng đây là một cộng đồng thống nhất, có một tên gọi chung, một ngôn ngữ chung và một ý thức chung về tộc người. (15) Theo các bô lão người Mạ, trước thế kỷ thứ XVII, khi tiểu quốc Che Mạ vẫn còn, và chưa có sự tiếp xúc nhiều với người Chăm cũng như vùng những người Mnông tiếp xúc với người Khmer thì chưa có môi trường sinh hoạt của nhóm người Stiêng và Châu Ro. (16) Về phía thượng nguồn sông Đồng Nai người Mạ gọi là Đak-Đơng, tiếng Mạ có nghĩa là ‘Sông Cái’, còn cao nguyên Bảo Lộc cũng được họ gọi là cao nguyên Mạ. (17) Thường thì họ đốn cây sao cổ thụ rồi khoét rỗng ruột để làm thuyền độc mộc. (18) Người Châu Ro còn được gọi là Chu Ru, hay Chơ Ru. Chrau có nghĩa là người và Jro là danh xưng của bộ tộc, thí dụ như Chrau Tơchau có nghĩa là người Châu Ro ở làng Quảng Giao. Hiện còn khoảng 15.000 người đang sinh sống trong vùng Đồng Nai. (19) Tuy nhiên, số lượng từ trong tiếng Châu Ro có nhiều từ vựng Khmer hơn. (20) Thời nhà Nguyễn, các vua chúa đầu triều Nguyễn đã ban cho người Châu Ro những họ thông dụng như Thổ, Tống, Điểu, Lý, Lâm, Văn, Sang, Hoàng, Đào, vân vân. (21) Tuy nhiên, trên thực tế việc mua bán đất đai đối với người Châu Ro rất ít khi xãy ra. (22) Canh tác cố định tại một chỗ để dễ bề kiểm soát cư dân trong thời kỳ chiến tranh. (23) Trong khi đối với người Mạ ‘Tom Bri’ chỉ là người làm chủ rừng. (24) Đối với người Châu Ro, thầy ‘Chang’ là người nắm quyền lực tối cao về thần quyền trong làng. Dưới thầy Chang có ‘Bà Bóng’ là người thực hiện tất cả mọi nghi lễ tín ngưỡng trong làng. Bà Bóng còn lên đồng để phát ngôn những lời phán quyết của thần linh do thầy Chang mời về để chỉ bảo dân làng những việc nên làm và không nên làm. Có thể tục múa bóng của người Nam Kỳ xuất phát từ những thao tác múa bóng của ‘Bà Bóng’ người Châu Ro. (25) Đầu thế kỷ thứ XX, vùng cư trú của người Châu Ro tập trung ở phía bắc vùng Bà Rịa và phía bắc vùng Xuyên Mộc, đến phía bắc núi Thị Vải. Đó là hai tổng Cơ Trạch và Nhơn Xuyên dưới thời nhà Nguyễn. Theo Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, và Nguyễn Văn Diệu trong “Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Ở Việt Nam”, NXB Giáo Dục 1997, tr. 14, người Châu Ro với dân số khoảng 15.002 người, phân bố trên các vùng Bà Rịa và Long Khánh. Ngôn ngữ của họ gần gũi với tiếng nói của người Stiêng, Mạ, nhưng số từ ngữ Khmer pha lẫn nhiều trong tiếng Châu Ro. Ngoài ra, cũng còn một số khá đông người Châu Ro sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày nay. (26) Theo quyển “Ethnic Minorities in Vietnam” của Đặng Nghiêm Vạn, Chu Thái Sơn và Lưu Hùng, NXB Thế Giới, 2000, tr. 271. (27) Liềm mốc là một trong những dụng cụ được dùng trong việc gặt hái lúa nước có thân dài ở những cánh đồng nước sâu. (28) Lưỡi hái là một trong những dụng cụ được dùng trong việc gặt hái lúa nước có thân ngắn ở những cánh đồng cạn. (29) Văn Hóa & Cư Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long, Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm và Mạc Đường, NXB Khoa Học Xã Hội, Sài Gòn, 1990, tr. 214-215. (30) Vùng Suối Đá nằm về phía tây nam của thị trấn Dương Minh Châu ngày nay. (31) Hai giống lúa rẫy nổi tiếng của người Tà Mun là T’rô và Sau-sơ-ra ngày nay gần như tuyệt chủng. Người Tà Mun thường gieo những loại lúa nầy từ đầu mùa mưa, đến cuối tháng 8 âm lịch thì lúa chín. Khi lúa vừa chín rộ, người Tà Mun mang gùi ra rẫy để tướt hạt chứ không để chín quá lúa sẽ rụng hết. Người Tà Mun không giã gạo liền mà họ đem lúa đi luộc rồi đem phơi lại cho khô, sau đó mới giã thành gạo, nhưng nồi cơm lúa mới của họ rất ngon. (32) Trong lễ cúng cơm mới, thì sáng sớm ngày cuối tháng tám, mọi người đều tập trung tại nhà già làng, cùng mang theo những cánh hoa tươi đến để kết thành một cây hoa trái thật lớn với màu sắc sặc sỡ chuẩn bị cho lễ rước bóng bằng cách cùng nhau khiêng cây hoa trái đến cây cổ thụ lớn nhất trong làng để cúng kiến, vì người tà Mun tin rằng ông bà sau khi qua đời thường ẩn trú tại những cây cổ thụ. Sau khi già làng đã cúng kiến thì họ bắt đầu nhảy múa ca hát cho đến sáng hôm sau. (33) Theo quyển “Ethnic Minorities in Vietnam” của Đặng Nghiêm Vạn, Chu Thái Sơn và Lưu Hùng, NXB Thế Giới, 2000, tr. 270, năm 2000, người Cơ Ho còn khoảng 92 ngàn người sống rải rác trong các vùng Lầm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Trong khi đó, theo Toan Ánh & Cửu Long Giang trong “Cao Nguyên Miền Thượng”, Quyển Hạ, Sài Gòn, 1974, tr. 395-396, Cơ Ho là danh từ dùng để chỉ chung tất cả các sắc tộc sinh sống ở vùng Tuyên Đức, Lâm Đồng, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Tuy, Bắc Long Khánh và miền đông Quảng Đức. Họ có chung một thứ tiếng, và có nhiều điểm giống nhau về phong tục tập quán. Theo thống kê thời Pháp, người Cơ Ho có chừng 100.000, nhưng theo thống kê năm 1967 chỉ còn khoảng chừng 64.770 người mà thôi. Thành phần gồm khoảng 26.070 người Mạ sinh sống trong các tỉnh Lâm Đồng và Long Khánh; người Sré có chừng 21.778 người sinh sống trong các vùng Lâm Đồng, Bình Tuy, Ninh Thuận và Khánh Hòa; người Cil khoảng 10.479 người, sinh sống ở Tuyên Đức; người Lat khoảng 1.271 người, sinh sống ở Đà Lạt; người Tring có chừng 4.145 người, sinh sống trong vùng Ninh Thuận và Khánh Hòa; người Nop có chừng 981 người ở Lâm Đồng; và người Talai và Queyon có chừng vài trăm người ở vùng Lâm Đồng. (34) Về cả hai mặt tình và lý mà nói, không cớ gì con cháu lại đi tiêu diệt tổ tiên của chính mình.


Nhấp vào Links:

1/ Cựu Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm Giới Thiệu Vể Tác Giả Người Long Hồ
2/ Đất Phương Nam (Tập I) - Lời Đầu Sách
3/ Đất Phương Nam - Đôi Nét Về Tác Giả Người Long Hồ & Mục Lục
4/ Đất Phương Nam - Công Nghiệp Của Các Chúa Nguyễn Đối Với Vùng Đất Nam Kỳ
5/ Đất Phương Nam - Theo Dòng Thời Gian
6/ Đất Phương Nam - Tiến Trình Nam Tiến
7/ Đất Phương Nam I - Thu Phục Champa
8/ Đất Phương Nam I - Thu Phục Thủy Chân Lạp
9/ Đất Phương Nam I - Cộng Đồng Những Cư Dân Bản Địa Trên Đất Nam Kỳ Xưa
10/ Đất Phương Nam I - Vùng Đất Cochinchine Và Công Nữ Ngọc Vạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét