Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Sau Khung Cửa


Nhà tôi ở ngoại ô thành phố Oslo, một vùng thiên nhiên bát ngát. Tôi chọn một con đường để đi dạo mỗi ngày, xuyên qua khu rừng thông tĩnh mịch. Rải rác hai bên đường là những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ. Mỗi lần đi dạo, tôi có cái thú nhìn ngắm nhà cửa hai bên đường rồi ước đoán gia chủ già hay trẻ. Nhưng muốn kiểm chứng mình đoán đúng hay sai cũng không phải dễ vì nhà nào cũng cửa đóng im lìm. Qua khung cửa kính có treo màn, thường chỉ thấy những chậu hoa bày trên bệ cửa, những ngọn đèn, ít khi thấy bóng người sinh hoạt trong đó. Thỉnh thoảng may mắn lắm mới nhìn được hình dạng gia chủ, mùa đông đang xúc tuyết trong sân hoặc mùa hè đang cắt cỏ hay phơi nắng trong vườn. Nguyên tắc ước đoán của tôi nhiều khi không sai mấy. Nhà nào vườn tược lơ thơ, thảm cỏ không xanh, bông hoa không tươi tốt, hàng rào cây không được cắt xén chu đáo là gia chủ còn trẻ, bận đi làm; giờ rảnh còn nhiều thú vui khác hơn là săn sóc vườn tược. Ngược lại nhà nào vườn tược được săn sóc tỉ mỉ, hoa cỏ xanh tươi là chủ nhân đã đến tuổi vui thú điền viên, không còn phải bận lo sinh kế. Có một ngôi nhà ở cuối con đường đi dạo, vườn tược tiêu điều, tôi chưa bao giờ nhìn thấy chủ nhân và ước đoán gia chủ hãy còn trẻ lắm.


Một hôm do công việc, tôi đến nhận chuông đúng ngôi nhà này. Nhận chuông rồi tự tiện bước vào nhà. Tôi đã được chỉ dẫn trước như vậy.
Phòng khách trong nhà thật rộng, trang hoàng đẹp đẽ và ngăn nắp đến lạnh lùng. Chiếc máy truyền hình để trong góc phòng đang mở. Một ông lão ngồi thu lu trong chiếc xe lăn ở giữa phòng, đang chăm chú xem một chương trình phim hoạt hoạ. Dưới chân ông, một con mèo mun to tướng, ghếch hai chân trước trên bệ xe, đang vểnh tai cùng xem truyền hình với ông. Tôi lên tiếng chào. Ông từ từ quay mặt ra nhìn rồi ú ớ câu gì trong cổ họng tôi không nghe được. Bàn tay ông đặt trên thành xe, run run nhấc lên rồi lại buông xuống. Có tiếng dép lẹp xẹp từ phòng bên cạnh. Một bà lão chậm chạp bước ra. Bà nheo mắt nhìn tôi, hỏi có phải tôi là người mới và đưa tay nhận mâm thức ăn tôi mang lại. Công việc của tôi là mang thức ăn từ nhà dưỡng lão đến để bà đút cho ông. Trông bà cũng không được khoẻ mạnh cho lắm, cử động rất chậm chạp. Theo nhà dưỡng lão cho biết, bà còn đủ khả năng tự chăm sóc cho mình. Việc chăm sóc cho ông, bà không làm được nhưng vẫn muốn giữ ông bên cạnh thay vì gởi vô nhà dưỡng lão. Có lẽ bà muốn làm cho ông một việc duy nhất mà bà còn có thể làm được là đút thức ăn cho ông. Những việc khác như tắm gội, thay quần áo, đưa ông đi tiểu tiện đều do nhân viên nhà dưỡng lão đến giúp.

Bà bắc cái ghế nhỏ ngồi xuống bên cạnh ông, đeo cho ông chiếc khăn ăn ở cổ rồi cầm đĩa khoai tây nghiền trân trọng đút cho ông từng muỗng. thỉnh thoảng bà đưa tay vuốt ngực cho ông. Đôi mắt bà lóng lánh những tia nhìn thương cảm. Bà vừa đút thức ăn cho ông vừa vui vẻ hỏi chuyện tôi và cho biết ông bị bệnh Parkinson từ hơn hai năm nay, tay chân run rẩy, nói năng lắp bắp nhưng đầu óc hãy còn tỉnh táo. Ông bà có hai con trai đã lập gia đình ở xa, cả năm mới về thăm nhà một lần, thường là vào dịp Giáng sinh. Nhà chỉ còn ông bà và một con mèo để làm bạn. Bà chỉ cho tôi những khung ảnh để trên kệ, ảnh đám cưới của ông bà, ảnh ông lúc còn trẻ, ảnh hai đứa con trai, con dâu và cháu của ông bà.
Trong lúc chờ ông ăn xong để lau mặt, lau tay, thay đồ cho ông, tôi đưa mắt nhìn quanh phòng. Tranh ảnh, bàn ghế, tủ kệ, mọi thứ đều quý giá, cổ kính, không biết đã nằm đây từ bao nhiêu năm. Chiếc đồng hồ quả lắc đóng khung gỗ đen bóng treo trên tường, hai cây kim không biết đã xoay bao nhiêu ngàn vòng. Ảnh đám cưới của ông bà, cô dâu thật xinh đẹp trong bộ trang phục thời xưa, tươi cười đứng nép bên chú rễ. Tôi khó lòng tìm lại nét xinh đẹp của người trong tấm ảnh trên khuôn mặt người đàn bà già nua đang ngồi kia. Và còn tấm ảnh người đàn ông cao lớn, dáng dấp như một lực sĩ, với cặp sky trong chân đang phơi phới bay từ một cao độ xuống cánh đồng tuyết. Làm sao tôi có thể hình dung được người đó chính là ông lão còm cõi đang ngồi run rẩy trên chiếc xe lăn, không nhấc nổi bàn tay của mình. Còn hai đứa bé trai xinh xắn trong tấm hình kia bây giờ ra sao, đang ở đâu, có nhớ lại một phần đời thơ ấu đã bỏ lại nơi này với hai chiếc bóng già nua đang dần dần mờ nhạt. Hai con chim khôn lớn đã lìa tổ cũ, đang ríu rít ở một tổ ấm nào khác. Gian phòng vắng vẻ này một thời đầy ắp tiếng cười, giọng nói trẻ thơ, một thời đầm ấm hạnh phúc của ông bà. Mỗi một đồ vật còn lại nơi đây đều mang một linh hồn.


Đã hơn hai năm qua, ngày ngày ông ngồi trên xe lăn trong gian phòng im vắng này, lắng nghe tiếng quả lắc đồng hồ mòn mõi đếm thời gian, mơ màng nhìn những tấm ảnh cũ, những đồ vật xưa. Thế giới bên ngoài chỉ còn là tiếng xe chạy mơ hồ, một đám mây bay hờ hững, một cánh chim vút qua, những chiếc lá đổi màu. Trừ những giờ phút ngắn ngủi người của nhà dưỡng lão đến đẩy xe cho ông đi dạo ngoài trời, thế giới của ông thu hẹp trong gian phòng này, làm bạn với chiếc máy truyền hình, với con mèo mun. May mà bên cạnh ông vẫn còn có người bạn đời, ngày ngày ân cần đút cho ông từng muỗng thức ăn và xã hội ông đang sống chăm lo cho ông chu đáo về vật chất. Rồi một ngày nào bà sẽ bỏ ông hay ông sẽ bỏ bà, đi trước. Chỉ còn lại một người, một mình, trong đời.

Người qua đường nhìn vào những ngôi nhà cửa đóng, có ai biết được bên trong đó có những mảnh đời đã khép, chỉ còn chút liên lạc lỏng lẽo với thế giới bên ngoài. Chỉ còn một khung cửa nhỏ để người bên trong, ngày lại ngày lặng lẽ nhìn trời đất và cuộc đời ngoài kia, cho đến một ngày khép mắt. Rất âm thầm. 
Tôi nhớ lại bà ngoại tôi khi còn sống, ở quê nhà. Bà sống với con cháu trong một gian nhà đơn sơ, không có những vật dụng, những bàn ghế đắt tiền như trong gian phòng này. Nhưng bên cạnh bà lúc nào cũng có con cháu quây quần. Trong tuổi già, bà vẫn được tham dự vào đời sống khi bà nhìn một đứa cháu lẩm đẩm bước đi, nghe nó bập bẹ những tiếng nói đầu tiên. Khi đau ốm bà dược con cháu chăm sóc bằng tình thương yêu ấm áp.

Dưới bầu trời lạnh giá của tháng mười hai, người ta tưng bừng chuẩn bị đón mừng Giáng sinh. Những cây thông trong thành phố được giăng đèn rực rỡ. Cửa sổ nhà nhà lấp lánh đèn sao. Người ta rộn rịp đi mua quà cho người thân, chuẩn bị những thức ăn truyền thống để gia đình vui vẻ cùng nhau. Trong không khí vui tươi của mọi người, tôi tha thiết cầu xin cho hai người con của ông bà, dù ở nơi xa xôi nào cũng trở về mừng Giáng sinh với ông bà, thắp lại niềm vui trong lòng ông bà một lần nữa. Biết đâu là lần sau cùng.

Khánh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét