Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Thơ Tranh: Mắt Em Trong


Thơ: Lê Kim Thành
Thơ Tranh: Kim Oanh

Lòng Mẹ




Tơ trời ai để lọt qua rây
Từng sợi vây quanh dáng mẹ gầy
Khắc khoải hằng đêm nhìn góc bếp

Thẫn thờ mỗi buổi ngóng chân mây
Thương chồng nguyện ước chưa tròn vẹn
Xót cháu nồi cơm chẳng được đầy
Sinh kế lo toan, con tứ tán
Bao giờ mới đủ mặt về đây?!

Phương Hà
( Mùa Vu Lan 2015 )

***
Mẹ Ơi!

Lá biếc trời thanh nắng sớm rây
Mẹ thêm tàn tạ sức hao gầy
Mẹ thân cò trắng dầm sương tuyết
Mẹ,mẹ bồ nông hứng gió mây
Mẹ đức khiên nhu luôn tỏa sáng
Mẹ lòng quảng đại mãi đong đầy
Mẹ nay đã khuất,thương xa Mẹ
Mẹ thứ tha con bất hiếu đây!

Thái Huy
8-30-15

Tự Giác


Ngàn năm chôn xác chẳng chôn râu
Tây độ Lưu Sa cát đỏ ngầu
Sắc tức thị không từng thấy đó
Vô vô minh tận đã thiền đâu
Ngũ thời bát giáo còn chưa thuộc
Lục tặc tam bành mãi chấp câu
Cũng rắp tầm sư cầu Pháp Phật
Hiềm vì biển ái lở càng sâu!

Cao Linh Tử

Một Bài Haiku Của Matsuo Basho

Matsuo Basho (1644 - 1694): là một Thiền Sư người Nhật ,nổi tiếng về các bài Haiku , một loại thơ không có tựa đề , mỗi bài gồm 3 câu, thông thường câu 1 có 5 âm, câu 2 có 7 âm, và câu 3 có 5 âm. Sau đây là 1 trong số các bài nổi tiếng của Thiền sư, hậu thế đã tốn nhiều giấy mực luận bàn, một phần bị hấp dẫn bởi hình thức trình bày cô đọng, về một nội dung xúc tích, khó hiểu được hết ý nghĩa tiềm ẩn.


Bài Haiku Bằng Tiếng Nhật - Matsuo Basho (1644 - 1694)

Furu ike ya
Kawazu tobikomu
Mizu no oto
Dịch Nghĩa : Furu = xưa , cũ , ike = ao , kawazu = con ếch , tobikomu = nhảy vào , mizu = nước , oto = tiếng động. Còn "ya" và "no" ở đây được hiểu như là 2 liên tự. (Nguồn Internet )
Tạm Dịch:
Ao xưa
Con ếch nhảy vào
Tiếng động của nước âm vang

Bài Haiku Bằng Tiếng Việt
1/
Ao xưa mặt nước lặng
Vô tình ếch đâu bỗng nhảy vào
Tiếng xuân nào lao xao

2/
Ao xưa mặt nước lặng
Ếch đâu bỗng nhảy vào
Tiếng động nào lao xao
Buồn!
3/
Ao xưa mặt nước lặng
Ếch đâu bỗng nhảy vào
Tiếng động nào lao xao
Vui!
Lời Thêm: Tiếng động của một con ếch nhảy xuống ao xưa, như thể đã khơi dậy một dĩ vãng, tưởng như đã quên, mà thực ra, vẫn còn nằm yên đâu đó trong tiềm thức. Tiếng xuân nào lao xao, của đất trời một năm bốn mùa thay đổi hay của lòng người xa xứ, vốn đã ê chề vì mưa gió, một cảm giác êm đềm của tuổi thanh xuân, dù chỉ là trong một khoảnh khắc? PKT 08/21/2015

Phạm Khắc Trí
***
Các Bài Dịch Khác

1/
Đừng khuấy động
Hãy để mặt hồ êm ả giữa hoang sơ
Ếch vô tình rời bờ..
.
2/
Làm thân ếch tự chủ
Tuỳ ý nên không khuấy động nước hồ thu
Sướng.

Quên Đi
***
1/
Lặng lờ nước ao xưa,
Ếch mô sao vọt đại gương trong
Vang lên tiếng động lòng.

2/
Ao xưa nước trong veo
Ếch đâu vọt lẹ nghe cái vèo
Xao đọng lòng bỗng thấy vui theo

Mai Xuân Thanh
Ngày 21 tháng 08 năm 2015
***
Nơi chốn xưa ấy
Ếch vùng vẫy mặt ao
Làn nước lao xao động


Kim Phượng
***
1/

Và cả tui đây nữa
Lang thang đất khách đã nhiều năm

Đang mơ một chỗ nằm.

2/
Sương rơi và lá rụng
Ngơ ngẩn ta nhìn theo gió cuốn
Về đâu một kiếp người ?

Thái Huy
***
Mưa chiều ngập sân sau
Đêm tĩnh mịch ễnh ươn gợi nhớ

Trái mù u chợt tắt!

Cao Linh Tử
***
Sau cơn mưa chiều,
Chạng vạng ểnh ương kêu,
Cây bần lặp lòe đom đóm chiếu!...

Đỗ Chiêu Đức
***
Ao xưa nước bình yên
Con ếch nhảy vào làm xao động
Cho ếch đi trước đã! 


Nguyễn Đắc Thắng
20150824
***
Ao xưa khuấy đọng
Âm thừa dĩ vãng xáo lòng người xa
Ếnh nhởn nha rời bờ


Kim Oanh

***
Giọt sương rơi
Hồ gợn sóng
Thuyền lay động
Trôi 

Phương Hà
***
Mặt nước ao lặng lẻ
Bổng đâu thấy lao xao
Ếch con đã nhảy vào
Khuấy động hồn biết bao!
Vui hay buồn nói sao??


Song Quang

Bí Ẩn Của Cái Chết

"Chết là một phần tự nhiên của sự sống, mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu không sớm thì muộn. Theo tôi thì có hai cách để xử với cái chết trong khi ta còn sống. Hoặc là ta tảng lờ nó, hoặc là ta chạm trán với viễn ảnh cái chết của chính mình, và bằng cách tư duy sáng suốt về nó, ta cố giảm thiểu những khổ đau mà cái chết có thể mang lại. Tuy nhiên, trong cả hai cách, không cách nào chúng ta có thể thực thụ chinh phục được sự chết.". Đó là lời bình phẩm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về sách "Tạng Thư Sống Chết", nguyên tác Anh ngữ "The Tibetan Book Of Living And Dying" của hòa thượng Sogyal Rinpoche.

Ai lại không chạm trán với cái chết vào một lúc nào đó? Hôm nay tôi lại nhận được sách cũng nói về cái chết, sách do một nhà văn Việt Nam viết. Đó là "Bí Ẩn Của Cái Chết", mà tác giả là nhà văn Thinh Quang. 

Nhìn vào hình bìa sách Bí Ẩn Của Cái Chết ta thấy ngay có chút gì nhá nhem kinh dị vì họa sĩ vẽ hình con ma và lưỡi đao, một dấu ấn biểu tượng cho tử thần bên mạng sống. Vậy nội dung sách của tác giả Thinh Quang là gì? và tại sao ông cho ra tác phẩm biên khảo này? Tôi nghĩ suy nhiều câu hỏi lắm, nhưng thôi xin phép quý bạn cho tôi tiết kiệm chữ nghĩa xin thưa ngay vào những gì tôi sẽ trình bày về Bí Ẩn Của Cái Chết và tác giả Thinh Quang (TQ), một nhà văn lão thành vốn tốt bụng, rộng lượng với tôi, chính ông đã dang tay đón tôi vào vườn hoa chữ nghĩa. Ngày xưa tôi đi ban toán, hết học luật sang kinh tế, rồi chạy nạn sang xứ Mỹ theo ngành điện tử như tình thế của những năm nước Mỹ khống chế lãnh vực điện tử khắp hoàn cầu. Khi đầu óc bận rộn với kỹ thuật thì tâm trí mệt mỏi, tôi tìm quên lãng vào sách báo, nhất là báo Việt ngữ. Vì sinh sống tại vùng Nam Cali nên báo chí ê hề đọc cả ngày, đọc hoài không hết chữ. Nhà văn Thinh Quang (TQ) trong những năm 1987 đến 1995, ông làm chủ bút tờ Viễn Xứ do nhà văn Phong Vũ làm chủ nhiệm. Ông tìm kiếm những cây bút trẻ để khuyến khích và nâng đỡ trao đổi ý tưởng khi viết văn. Có những dịp tôi và nhà văn Dương Viết Điền xuống vùng Monterey Park thăm ông, vì ông lớn tuổi không lái xe được, chúng tôi gặp nhau tại quán cơm Pháp Victory hay các quán Phở bàn bạc về văn, thơ và các số báo phát hành. Ông kể chúng tôi nghe nhiều chuyện xưa như vào năm 1942, 3 nhà thơ lớn Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Mộng Đài rủ ông ra sông Vực tại Thu Xã, Quảng Ngãi, chèo ghe trong đêm trăng rằm chiếu sáng lấp lánh, ông bỗng cảm hứng ra bài thơ "Hoa Thơ", ba nhà thơ đàn anh khen hay và đề nghị sửa ít chữ cho hoàn mỹ. Sau đó tờ Đông Pháp tại Hà Nội đăng và ông nhận được nhiều thơ khen tặng để rồi từ 1942 nhà văn Thinh Quang đã bước vào làng văn thơ Việt Nam. Nhạc sĩ Dương Viết Điền sau này phổ nhạc bài "Hoa Thơ " mà tôi nghe anh ca trong một dịp kỷ niệm họp ban biên tập tờ Viễn Xứ. Lời nhạc của bài "Hoa Thơ": 



"Nhấp nhô dòng sông VựcBuổi sáng dậy tình Xuân
Mái chèo tung ngọc ướt
Sao rớt nhẹ xuôi dòng
Nghe nước rào róc rách
Là tiếng nhạc chiều thơ
Tre cong mình xỏa tóc
Nhìn bóng rũ sông cười
Nghe như tình thiếu nữ
Vừa chớm nụ đôi mươi
Nghe như hồn lãng tử
Trôi dạt giữa dòng đời
Sông nằm treo bãi cát
Mình nạm hạt trân châu
Mây lặng lờ phiêu bạt
Điểm điểm giọt mưa ngâu
Xuân chiều nghe bỡ ngỡ
Thuyền lặng ngắm mây mờ
Bên kia trời Thiên Ấn
Khuất sau lũy tre xanh
Bên đây trời Long Phụng
Ẩn hiện khóm mây vàng
Phượng mào lông sắc tía
Điểm điểm cánh mơ giăng
Nhìn ra ngoài biển cả
Sóng nước dậy tung tăng
Hương thơ chừ bốc khói
Đẹp tợ mộng thiên thai
Xuân tràn lên biển ái
Nhạc vàng quyện mây say
Ngự thuyền nơi sông Vực
Cúi hái mãnh trăng mờ
Mơ cảnh Động Đình Hồ
Đôi ta chừ Lý Bạch
Vỗ tay cười khanh khách
Cầm bút trổ hoa thơ.
(Thinh Quang, sông Vực, 1942)




Nhà văn TQ từng làm giáo sư dạy các môn Việt văn và Pháp văn. Ông trải qua một quãng đời thật dài trong ngành báo chí, ông cộng tác viết bài cho nhiều báo Việt ngữ, cũng như giữ chức chủ bút trong rất nhiều tờ báo từ trước và sau 1975, tôi nhớ là Tin Điển, Tin Mới, Tin Sớm, Trường Sơn, Dân Luận, Hồn Việt, Trắng Đen, Viễn Xứ, Tri Thức, Đại Chúng, tuần báo New York Times (tiếng Việt). Ông có những chuyện dài đượm màu sắc quê huơng, hay miền quê có hương đồng gió nội mà tôi đọc trên các báo như: Mưa Bên Này, Nắng Bên Kia, Như Loài Hoa Dại hay Như Hạt Sương Mai. Ông cũng viết nhiều văn chương biên khảo, và cho xuất bản các sách như:
- Văn Hóa Đông Phương (Biên Khảo, năm 1943) 
- Chú Mẻng (Chuyện Dài, năm 1944) 
- Nắng Thôn Đoài (Chuyện Dài, 1983) 
- Hỏa Thiêu Thiên Đàng (Tiểu Thuyết Phóng Sư, 1986) 
- Hy Mã Lạp Sơn (Biên Khảo, năm 1987) 
- Con Rắn Lửa Huyền Bí Trong Nền Triết Học Đông Phương (Biên Khảo năm 1988) 
- Bí Ẩn Của Cái Chết (Biên Khảo, 2005) 
*** 
Phần hai của bài viết tôi xin điểm qua vài nét tiêu biểu của tác phẩm "Bí Ẩn Của Cái Chết". Tôi có lý do riêng tôi thích nó, dù là tính cách riêng tư, cá nhân hay tôn giáo hay trách nhiệm của một bản thể trong xã hội, cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào, và bất cứ từ nơi đâu…Trang 14 của sách, TQ mô tả những dòng cảm giác trước cái chết thì người ta chợt nghĩ gì. Hình như người ta có khuynh hướng dựa vào niềm tin tôn giáo để an ủi mặt tâm linh. Điều này đúng với cá nhân tôi. Hãy đọc những dòng văn trong sách TQ về phút cuối khi lâm chung: 

"Chết" - quả hãi hùng đến cực điểm - chẳng có lời nào làm xóa nhòa hay chứng minh cho nó. Tuy vậy người ta vẫn nói đến sự kiện hiện hữu của mình ở giữa không gian và luôn cả thời gian cùng khoảng cách nhau giữa con người với con người. Khoảng cách không rõ cái vỏ tạm thời được mượn đó còn bao xa nữa thì sẽ đến phiên mình sẽ được vùi sâu dưới lòng huyệt lạnh, bao xa nữa thì cái thây ma này sẽ xa rời vĩnh viễn cái cõi đời này?! Cái khoảng cách đó biểu trưng cho sự lo âu khác biệt của mỗi người chúng ta hoặc tự chọn lấy bóng đêm làm sự an ủi cho mình hay chọn lấy niềm tin ở một trong các tôn giáo hiện hữu giữa trên thế gian để dẫn độ mình đến chốn Thiên Đường hay miền Cực Lạc..." 

Tôi nhớ lại cái cảm giác sợ hãi lần đầu tiên tôi bị chứng bệnh tai biến mạch máu não. Nhìn đồng hồ trên tường trong phòng làm việc của tôi chỉ 6:30 chiều tối mùa đông vào dịp lễ cô hồn Halloween, tôi cảm thấy tức ngực, tay chân bên trái có cảm giác tê rần rần như kiến bò, mắt hoa, tai ù, miệng tôi chỉ ú ớ kêu cứu. Buổi chiều vào ngày thứ năm Halloween các cô thư ký, nhân viên phòng về hết, cả khu hành chánh rộng lớn nghe trong hiu quạnh, lặng lẽ, và xung quanh tôi sao im lìm buồn bã, yên tỉnh như khu nhà ma, người tổng giám đốc tài chánh, sếp trực tiếp của tôi nghe được tiếng la thất thanh cầu cứu của tôi, ông vội chạy qua văn phòng tôi, huhu… ông thấy tôi té ngã xuống sàn nhà từ bao giờ, tôi mệt mỏi liếc nhìn ông như một vị cứu tinh. Ông CFO này đã gần 70 cổ lai hi, người ốm yếu chẳng giúp tôi nổi vì tôi to con hơn ông. Vả lại vì lần đầu tiên ông đối diện với tình huống như thế này, tôi biết ông luống cuống mất bình tỉnh thấy rõ khi cầu cứu đến một đồng minh khác, ông gọi ngay ông CEO sang vấn kế sau khi gọi ambulance, tôi nhìn hai ông già sếp tôi mỗi lúc càng mờ hơn, hai ông trao đổi ý kiến xem tôi bị chứng bệnh gì. Cá nhân tôi lần đầu bị chứng tai biến mạch máu nên chẳng có kinh nghiệm, rồi tôi cũng hoang mang và mỗi lúc tôi linh cảm mình sắp chết vì sức đuối. Khi các mạch máu li ti trên vùng não bộ phải bị vỡ ra, tim bơm nhồi làm tràn máu vào các vùng trên bán não, tôi bắt đầu rơi vào cơn hôn mê, mắt tôi nhắm nghiền lại, cơ thể run rẩy co quắp lại trong đau đớn. Tôi có cảm tưởng mình sắp chết, vì dưỡng khí thiếu trên óc làm cho óc tắt lịm từ từ, tôi yếu ớt và rồi tôi hôn mê thiếp đi. 

Trước cơn nguy khốn con người dựa vào niềm tin vô hình nào đó, tôi nhớ lại rằng mỗi đêm tôi thắp nhang khấn vái Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Bà Quan Âm tại nhà tôi, vì đó là nhu cầu tâm linh mà tôi vẫn quen nương tựa hay bám víu vào khi gặp khổ nạn chúng sinh, và trong phút lâm nguy khi té ngã đó trước khi choáng váng té ngã, tôi niệm kinh cho tâm tôi bình tỉnh hơn. Khi bệnh nhân cầu cứu các đấng tối cao thì không có nghĩa là mê tín, mà nó chỉ là nhu cầu của bản ngã tâm linh, nhu cầu tâm lý được cứu rỗi mà thôi. Trang 15, Thinh Quang dùng lý luận của Léon Denis trong tác phẩm “Sau cái chết” (Apres La Mort) là nhu cầu tâm linh thuộc phần linh hồn, còn cơ thể là phần xác, thể xác khi chết đi chỉ trở về với cát bụi. Trên thế gian này tất cả vật thể chịu sự chi phối của một nguyên tắc bất biến của vũ trụ bao la, những bản thể vật chất cuối cùng đều chịu sự tan rã, mục rửa để biến thể khi vào lòng đất. Tuy nhiên các tôn giáo đồng ý với nhau phần tâm linh như linh hồn hay hương linh vẫn lãng vãng trong thế giới siêu hình, mà người sống hay các thân nhân còn hiện hữu muốn cầu xin cho người ra đi sớm về cõi phúc của cõi Thiên Đường hay miền Cực Lạc mà Thinh Quang đề cập phần trên. 

Chương kế tiếp khi Thinh Quang bàn luận về cái thế giới huyền bí của mộng và thực trong bí ẩn của thế giới của cõi chết vốn siêu hình trong quan niệm của người Đông Phương. Tiến sĩ người Anh quốc W.Ỵ Evans Wentz năm 1927 sau khi sang Tây Tạng tìm hiểu những huyền thoại bí ẩn của người Phương Đông trở về, ông viết cuốn sách "Tạng Thư Về Cái Chết" (Tibetan Book of The Dead), xuất bản bởi đại học Oxford. Ông nghiên cứu những trạng thái theo ý nghĩ thần thoại của người dân sinh sống vùng núi Hy Mã Lạp Sơn, đối với cái chết có 3 giai đoạn quan trọng, gồm trước khi chết, phút lâm chung ngắn ngủi trước khi xa lìa trần thế, và sau khi chết. Theo quan điểm biên khảo hay phân tích có tính cách lý luận, người đi tìm sự thật họ dùng bút pháp tìm hiểu cặn kẽ tới nơi tới chốn, để rồi đề tài Huyền Bí Đông Phương được xem là một môn học cấp đại học. Trong ba giai đoạn như đã nói, phút lâm chung rất quan trọng vì đó là khoảng khắc sát na khi linh hồn lìa thể xác. Có thể rằng ta thấy kẻ hấp hối than khóc, hối tiếc hay có những cử động lưu luyến là vì họ vẫn bám víu lấy cõi nhân thế, họ chưa biết đi về đâu trong sự lạc lỏng của thế giới bên kia, trong khi thân nhân họ trong sự thương yêu muốn giữ chân họ lại hay là cầu xin cho họ được an bình ở nơi chốn thánh thiện nhất. Các thiền sư Tây Tạng trong ý niệm chết là giải thoát nợ chúng sinh, nên họ suy luận cái chết của con người không ở ngoại vi của thể xác, mà nó nằm bên trong của vị thế thiêng liêng cao quý nhất để con người được về cõi vi diệu của thế giới bên kia. 

Trong giới nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng thường biết đến một danh sư về Phật học, nhất là chủ đề sự giải thoát của bản ngã hay sự sống và chết qua quyển hồng thư "Tạng Thư Sống Chết", do thiền sư Sogyal Rinpoche viết. Thiền sư Rinpoche được ngài Đạt ma Jamyang Khyentse Chökyi Lodrö nuôi dạy, truyền bá kinh kệ, lý thuyết Phật học. Do kiến thức uyên thâm hấp thụ từ một trong các vị cao tăng danh tiếng trong hàng giáo phẩm Phật giáo Tây Tạng, các đại học lớn của Anh Mỹ từ Oxford, Cambridge đến Havard hay Yale rất trọng vọng ngài. Những năm đầu thập niên 70 ngài theo học tại Cambride, sau khi hoàn tất xong nhiều văn bằng cao học, ngài thường được mời làm giảng sư trong các chủ đề chuyên môn về Phật học. Cuốn sách ngài viết đã nói trên được dịch ra 29 ngôn ngữ khác nhau, được truyền bá ở 56 quốc gia trên thế giới như một tài liệu diễn giảng và tham luận biên khảo. Nhà văn TQ dùng ý tưởng của thiền sư Sogyal Rinpoche trong các trang 26 và 27. 

Sau cái chết chúng ta đi về đâu? 
Đây là câu hỏi rất hay, rất chí lý. Sống gởi trần tục, thác về nơi mô (?). Người quá cố được người ở lại lo cho nơi an táng đẹp đẽ tại những nghĩa trang êm ấm hay tẩm liệm trong bộ cỗ quan lộng lẫy, đắt tiền kia mà. Đức Khổng Phu Tử ngôn là "tử giả biệt luận" vì chết là hết, hết những ràng buộc, hết những suy tư hay những khổ đau, ưu phiền. Câu nói trên vô cùng hữu lý vì cứu cánh của sự sống là sự chết như sách của học giả Rinpoche đề cập để mọi bản thể quay về với cát bụi trần gian. Như vậy xác thân ta trở về với cát bụi. Trang 29 sách TQ nói về sự Thiện Ác khi chúng ta còn sống để liên hệ về phần an ủi cho tâm linh. Do vậy khi hữu sinh, con người luôn luôn khuyến khích làm điều lành, tránh điều dữ, phải chăng đó là cứu cánh của giá trị chân thiện mỹ cho tâm hồn? 

Quan điểm triết học về nỗi sợ hãi về cái chết: 
Trang 75 hay trang 92 và 93, Thinh Quang dùng sự tham luận lý thuyết của triết gia Arthur Schopenhauer. Triết gia này vốn có những tác phẩm tiêu biểu về đề tài liên quan ít nhiều về cái chết, ba tác phẩm của ông khá nổi tiếng là: "Sống xa hoa trong hiện hữu" (On the Vanity of Existence), "Thế giới khổ đau" (On the Sufferings of the World) và "Tự Vẫn" (On Suicide). Schopenhauer cho là ngày nào mà chúng ta muốn sống trong kiếp hiện tại, thì ta không nên bận tâm làm gì về cái hiện tại của sự hiện hữu của mình chi nữa. Hãy thản nhiên quên đi nỗi lo sợ về cái chết để tâm được bình an. Ông cũng biện luận bằng câu nói của triết gia Socrates là: "Chết chính là nỗi ưu tư không ngừng nghỉ của con người". Thế nên con người cứ mãi bị ám ảnh bởi cái chết. Mặt khác khi trình bày về nỗi lo sợ cái chết của con người, tôi tham luận bài biên khảo của giáo sư Jerry S. Piven dạy tại NYU (New York University), chuyên khoa Phân Tâm Học về Cái Chết, Tôn giáo và Tâm linh. Tiến sĩ Piven diễn giảng tại nhiều nơi về đề tài "Lo âu về nỗi chết, Phân tâm học và Tiến trình tạo ảo giác" (Death anxiety, psychoanalysis and creating illusions), ông dùng sách của Ernest Becker về "Ý Nghĩa của Sinh và Tử" (The Birth and Death of Meaning) đưa ra quan điểm của nhà phân tâm học Sigmund Freud. Trong khi triết gia J.J. Rousseau lập luận con người từ thơ ấu vốn tốt hoàn mỹ, nhưng rồi xã hội làm hủy hoại đi đức tính ban đầu, mà bên Đông Phương Đức Khổng Tử có cùng ý nghĩ: "Nhân chi sơ tính bản thiện". Freud theo tiến trình tương đồng khi lập luận thuở ban sơ con người vô tư chẳng biết gì, theo tiến trình cuộc sống con người trải qua những khổ đau, những ganh tỵ, những đua chen, những tội lỗi xấu xa, những đầy đọa xâm nhập tâm tư. Những nỗi ám ảnh bởi chết chóc của người xung quanh làm ta khiếp sợ, chính vì bản ngã ích kỷ sợ sệt cái đau khổ từ nỗi chết chóc, và tạo ra tâm lý khiến con người không muốn đối diện với chết chóc. Sự sợ hãi cái chết như triết gia Nietzsche phân tích nó chỉ là sự trở về từ ý nghĩ cũ, kinh nghiệm hiểu biết cũ chôn sâu trong tiềm thức. Đó là quan niệm sợ hãi vị kỷ (egoism), khi tâm lý vị kỷ lên cao hơn thì là siêu vị kỷ (super-egoism). 

Ta không sợ lưỡi hái của Tử thần: 
Khía cạnh thứ hai mà sách Thinh Quang đề cập đến nơi trang 20, có những người đối diện với tử thần trong tâm trạng chấp nhận sự kiện khi xảy ra cho họ. TQ viết:"Chết ư?Chẳng có gì đáng sợ.Nó chỉ là một hình thức chuyển tiếp từ sự sống này sang sự sống khác.Chỉ có sự trốn sống mới đáng sợ.Cái chết chỉ là một hư từ để phản nghĩa cho cái sống." 

Với lập luận không sợ tử thần khi con người chấp nhận đối diện thì xứ Phù Tang cho ta nhiều trường hợp để dẫn chứng ví dụ. Trang 96 bàn luận về vấn đề cách chết. Chết như thế nào là chết. Chết do bệnh tật hay thiên nhiên là ngoài ý muốn, chết do tự tử mà báo chí, truyền thông vẫn loan tin mỗi ngày. Những cái chết do sắp đặt, do dự mưu và do ý nguyện của cá nhân. Lý tưởng đấu tranh cho sự sinh tồn hay biểu tượng cho gương hy sinh trong lịch sử cho ta thấy có các nhóm Thermapolyae của quân đội Hy Lạp, nhóm Kamikaze hay các Samurai của xứ Phù Tang hay Jihad của các xứ Hồi giáo. 

Tại Nhật Bản, người ta viết sách dạy con người cách thức tự tử, số thanh thiếu niên tự tử gia tăng, cái chết do tự nguyện, tự ý tạo mối lo âu cho xã hội, lắm khi có những bí ẩn của những cái chết trẻ măng nghe như hoang đường. Chết là một phong trào của tuổi trẻ, chết vì thử cách dạy tự vẫn, hay chết vì tử thần sai khiến... Theo cơ quan WHO số người tự tử mãi gia tăng, cao nhất các xứ ở vùng Baltic cạnh Địa Trung Hải trung bình cứ 100,000 thì có 40 người tự tử, cho đến năm 2020 thì WHO tiên đoán số người tự tử trên toàn thế giới sẽ là 1.5 triệu nhân mạng. Tuy vậy, khi bàn về những lý do để người ta dễ dàng hy sinh mạng mình cũng vì có những ám ảnh bởi mẫu người hùng, phát sinh do sự cuồng nhiệt mà người ta sẵn lòng chết vì yêu, chết vì tôn giáo, chết vì lý tưởng cá nhân. Hiện trong cuộc sống vấn đề tự sát trên thế giới xảy ra do áp lực đời sống, ý kiến cá nhân, ví dụ người ta ôm bom để tự hủy hoại mình và người khác, hay thống kê cho biết tại các xứ Nhật, Trung Quốc và Đài Loan nhiều thanh niên nam nữ tự vẫn vì không hài lòng với cuộc sống xung quanh. 

Tiếp theo phần mạn bàn về xứ Phù Tang kiêu hùng và lạ lùng thì nước Nhật vốn nổi tiếng qua các gương can đảm của các phi đội Thần Phong Kamikaze hay các kiếm sĩ đạo chết cho danh dự và lý tưởng quốc gia. Cái lý tưởng Hagakure chết cho danh dự qua phong cách tự tử lao phi cơ vào mục tiêu của đối phương của những anh hùng Kamikaze hay các kiếm sĩ Samurai tự rạch bụng chính mình để giữ thể diện của đấng nam nhi. Điều chắc chắn họ biết cái chết sẽ đến đấy chứ, nhưng họ không mảy may sợ sệt.
  
Võ Phiến viết về cái Chết:
Nhà văn lão thành Võ Phiến viết bài tham luận "Cái Chết Như Một Phát Biểu", ông cho biết những nguyên do của cái chết tại xứ của các con cháu Thái Dương Thần Nữ Nhật Bản là: 
"Kinh doanh thua lỗ: tự tử. Đánh giặc thất trận: tự tử. Yêu nhau gặp trục trặc, người Nhật cũng chết nhiều, và chết đúng phép tắc. Hiệp sĩ tự sát bằng phép mổ bụng; tình nhân muốn chết đúng cung cách phải tự buộc mình thật chặt từng cặp, rồi cùng nhảy xuống nước. Phép ấy gọi là sinju. 

Doanh nhân, quân nhân, tình nhân tự huỷ mình, đối với những cái chết ấy chúng ta dẫu sao cũng ở ngoại cuộc. Đến như về cái tự tử của các văn nhân thì chúng ta không khỏi lấy làm nghĩ ngợi. 

Văn nhân Nhật Bản cũng tự tử nhiều. Nhân cái chết gây chấn động lớn của Yukio Mishima độ nào, một tác giả có liệt kê danh sách mười nhà văn Nhật tên tuổi đã quyên sinh từ đầu thế kỷ. Vả lại chỉ hơn một năm sau Mishima, vị đàn anh lỗi lạc là Kawabata cũng tự ý ra đi luôn, gây tiếc thương khắp hoàn cầu..." 

Và Võ Phiến nói về sự huyền bí của những cái chết như: 
"Thất bại, khổ đau, không phải là yếu tố gây nên những cái chết này. Vậy có một sức huyền bí nào ở chính họ thu hút họ về cái chết chẳng có một sức thu hút khó hiểu như thế, tác động ở Nhật mạnh hơn ở mọi nơi khác chẳng đố ai dám vỗ ngực giải đáp! Chỉ biết trong một số trường hợp dường như có thể nhận thấy những dấu hiệu mơ hồ... Dân tộc Nhật, họ chết lấy thì nhiều, và cái tuyên bố của họ thật phong phú, trong nội dung cũng như trong hình thức. Để phản đối họ dùng cái chết; để bày tỏ sự tán thưởng, họ cũng chọn chết! Vì nội dung phức tạp nên trong phô diễn cần lắm dạng thức cho thích hợp. Hoặc một dàn dựng lâm ly tình cảm cho giai nhân tài tử, hoặc một cảnh hùng tráng xứng với đoàn hiệp sĩ quyết tâm, hoặc dáng cách ung dung thư thái khi thi sĩ đi vào cảnh thần tiên tuyệt mỹ.." 

Võ Phiến dùng ý kiến của triết gia Albert Camus vốn hậu thuẫn khi đề cao cái chết do tự vẫn: 
"Albert Camus đặt nặng chuyện tự tử. Ông bảo: “Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm trọng: đó là tự tử và cho rằng cuộc đời đáng sống hay không đáng sống, ấy là giải đáp cái thắc mắc căn bản của triết học” (Huyền thoại Sisyphe). Camus có vẽ chuyện ra không có lớn lối quá đáng không? Thường thường khi tự tử mấy ai suy nghĩ về giá trị của cuộc sống, mấy ai chú tâm vào vấn đề cuộc đời có đáng sống hay không đáng sống?Thật tình mà nói, phần lớn các vụ tự tử chẳng qua là để bày tỏ một sự tuyệt vọng, một phẫn uất, một giận hờn, phản đối, oán trách, thù hận v.v... Kẻ tự tử không hơi đâu đánh giá cuộc sống. Nói chung, vấn đề đặt ra không phải “Cuộc sống có đáng sống không”, mà là “Cuộc sống của tôi có đáng sống không, có đáng công tiếp tục không”. Đây không phải là một thắc mắc triết lý. Hẹp hơn nhiều. Ngay cả cái phát biểu của người Nhật — bất cứ là doanh nhân, quân nhân hay văn nhân — cũng không là một giải đáp triết học..." 


Trong bài bình luận của giáo sư luật khoa George Bachrach dạy tại trường luật khoa Boston được đăng trên báo Boston Globe, bài viết mang tiêu đề "Chết trong nhân phẩm" (Death with dignity) ông biện minh cho việc làm của vị bác sĩ Tử thần, Dr. Jack Kervoikian, khi tiếp tay trợ giúp đưa những bệnh nhân khổ đau của ông sớm về bên kia thế giới. Hậu quả ông bị luật pháp kết án tội sát nhân và tống giam ông vào tù. GS Bachrach nói, khi nền y khoa tiến bộ giúp con người sống lâu hơn, nhưng sống lâu đến 80 hay 90 để làm gì khi có những bệnh nhân thân xác có đó, nhưng tâm hồn không còn minh mẫn, sáng suốt làm chủ lấy mình thì chỉ là khổ nạn hay thân xác chịu nỗi khổ đau bệnh hoạn trầm kha thì bác sĩ Kervoikian làm đúng khi cho bệnh nhân của ông chọn giải pháp ra đi trong danh dự, trong nhân phẩm và theo ý nguyện của họ. Ví dụ khác tôi đọc trong sách TQ, đề cập vụ án xã hội rất thương tâm nhưng nhiều nhiêu khê như mới gần đây, tháng 2, 2005 dư luận Hoa Kỳ đã xôn xao về trường hợp cô Terry Schiavo nên hay không nên cho cô ra đi. Schiavo bị hư hại chức năng của não bộ trong hơn 13 năm được nuôi qua ống truyền thức ăn đặt nơi bụng. Cô nằm liệt giường và mất hết sinh khí của một cuộc sống bình thường, nhưng cô không đủ năng lực sức khỏe và cũng như trí tuệ sáng suốt để nói cho mọi người chung quanh rằng cô muốn sống như vậy hay không để thân nhân khỏi phải tranh cãi vì cô ngoài tòa án. Cũng như tôi có người bạn trai từ Singapore sang Mỹ lập nghiệp, rồi anh bị chứng bướu não gây cho anh bị hôn mê quá lâu ngày, cuộc sống của gia đình vợ con khổ sở, mệt mỏi, bảo hiểm từ chối gia hạn, người vợ tuyệt vọng đành cho anh ra đi. Hậu quả là gia đình chồng bay sang Mỹ nặng nhẹ là chị giết chồng. Tôi có cảm giác như vụ Schiavo thứ hai. Với những ai chẳng may đã bị chứng tai biến mạch máu não hay bướu óc hay một hình thức não bị hư hao, ý nghĩ cá nhân tôi khá rõ ràng, tôi thích quan điểm công bằng trong cuộc sống, khi thời điểm đến hãy chấp nhận sự thật, hãy tự giải thoát cho bản ngã, hầu tránh khổ lụy trầm luân. Tôi nói với gia đình và bạn bè thân tôi muốn ra đi trong danh dự, tôi đồng ý với quan điểm của GS Bachrach về cái chết bảo toàn nhân cách, không phiền hà, phiền lụy người khác. Nếu sống thì phải biết thưởng ngoạn cuộc đời thì mới đáng sống, ngược lại khi tâm hồn không còn làm chủ thể xác hay thể xác quá yếu đuối cho tâm hồn được sống và sinh hoạt bình thường thì vị bác sĩ Tử thần có lý do biện hộ cho ông. Cuối cùng vẫn là khi ta chờ Thần Chết nơi ngõ cụt, khi xác thân trong phiền não, đọa đầy, cứ mãi khốn khổ hay sầu não huhu thì viễn ảnh cuộc đời chỉ là màn đêm buông xuống của sự tịch liêu. Đơn cử trường hợp tổng thống Reagan thật tội nghiệp, tôi mến văn ông viết cũng như óc khôi hài rất duyên dáng, ý nhị của ông. Nhưng những năm tháng cuối đời, ông không nhận diện được chính mình, khi ta đánh mất cái ta chỉ là sự tội nghiệp, đáng thương. Với tôi trong phút giây đó sự danh dự cho bản thân là hay hơn cả. 

Có một lần tôi cùng hai nhà văn Thinh Quang và Dương Viết Điền dùng cơm trưa tại tiệm ăn Victory, nơi chúng rất thích gặp nhau vì tiệm bán cơm Tây, anh Dương Viết Điền nói đùa là cả ba chúng tôi đều là 3 cây bút có lẽ không xa ánh hoàng hôn của cuộc đời, tôi phát lên cười đề nghị rằng hễ ai đi trước thì người còn lại sẽ khóc tiễn đưa bằng ngòi bút hay bằng thơ văn, anh Điền ngâm 2 câu thơ của thi sĩ Thâm Tâm qua bài "Tống Biệt Hành": 
"Đưa người ta không đưa sang sông,
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?"
Chú Thinh Quang mỉm cười hòa đồng, tôi biết ông ở tuổi đời hơn bát thập tuần đã mệt mỏi rồi. Những ngày trẻ trung của lứa tuổi 20 khi mới vào Sài Gòn tập sự làm báo với sự nâng đỡ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, ông hăng say làm việc, viết lách ngày đêm. Nhờ những tháng ngày xa xưa đó, ông biết cuộc đời của nhà thơ Hàn Mặc Tử trong những lúc hai ông gặp nhau, ông nói rằng Hàn Mặc Tử dù nổi danh, nhưng tánh tình thường nhún nhường, chính chú  Thinh Quang cung cấp cho tôi những dữ kiện khi viết bài về Hàn Mặc Tử. Khi ông cho tôi biết ông đang viết cuốn biên khảo về cái chết, tôi nhăn mặt nói với ông sao chọn đề tài buồn bã và rợn tóc gáy quá. Ông bảo ai tránh được cửa ải này. Hơn nữa đây là đề tài tự nhiên, mang nhiều triết lý sống, cũng chết, hiện nay nhiều đại học có các môn chủ đề về cái chết giảng dạy cho sinh viên.


Kết Thúc hay Ra Đi Trong Danh Dự: 

Thực vậy, đọc sách Thinh Quang viết về cái chết trong quan điểm biên khảo, ông trình bày các lập luận cho người đọc có nhiều cái nhìn khác nhau và từ đó tự lấy kết luận cho chính mình. Trong vòng lẩn quẩn của tiến trình "sinh, bệnh, lão, tử" thì mấy ai cãi lại được số mạng, và mấy ai cưỡng lại thần chết khi mà thần đến viếng ta, mà trang 65 và trang 156 trong sách Bí Ẩn Của Cái Chết đã bàn nhiều về điểm này rồi. Nếu biết cái Chết sẽ đến, thì tại sao ta không thử tìm hiểu rằng ta sẽ nghĩ gì và đối phó ra sao khi Tử Thần chìa tay bắt xã giao và trao ta vé one-way ra đi trong danh dự cuối đời. Bằng những lời lẽ này, tôi xin kết thúc bài viết về sách Bí Ẩn Của Cái Chết, mà tác giả là nhà văn Thinh Quang. 

Việt Hải, Los Angeles

Tú Châu Báo Bản Thiền Viện Hương Tăng Văn Trưởng Lão Phương Trượng - Tô Đông Pha (1037 - 1101)


Tú Châu Báo Bản Thiền Viện Hương Tăng Văn Trưởng Lão Phương Trượng
Tô Đông Pha (1037 - 1101)


Vạn lý gia sơn nhất mộng trung
Ngô âm tiệm dĩ biến nhi đồng
Mỗi phùng Thục Tẩu đàm chung nhật
Tiện giác Nga Mi thúy tảo không
Sư dĩ vong ngôn chân hữu đạo
Ngã trừ sưu cú bách vô công
Minh niên thái dược Thiên Thai khứ
Cánh dục đề thi mãn Triết Đông
Tô Đông Pha (1037 - 1101)
***
Dịch Xuôi: Bài Thơ Làm Ở Túc Châu Nói Về Lần Viếng Thăm Văn Trưởng Lão

Quê nhà xa cách vạn dặm chỉ còn gặp được trong mộng
Giọng nói của ta bây giờ đã dần thay đối trở lại như trẻ con
Mỗi lần gặp Văn Trưởng Lão, bạn cùng quê, là suốt ngày đàm đạo không chán
Để thấy lại được với nhau cả một vùng trời trong xanh ở quê nhà hồi nhỏ
Lần này ,nhà sư đã vô ngôn không lời , hẳn là sư đã tìm được đạo
Còn ta vẫn không có chuyện gì khác ngoài chuyện tìm chữ làm thơ thôi
Sang năm lại đi hái cây cỏ làm thuốc ở núi Thiên Thai
Và lại làm thơ đề ở khắp nơi trong vùng Triết Đông này ,để làm gì nhỉ?

Chú Thích:
1- Thục tẩu, cụ già đất Thục, chỉ Văn Trưởng Lão
2- Nga My, tên núi ở Tứ Xuyên. Ớ đây, chỉ vùng quê của tác giả và nhà sư
3- Thiên Thai, tên núi ở Triết Giang. Chuyện kể,đời Hán, 2 chàng Lưu Nguyễn gặp tiên ở đây.
4- Triết Đông, thuộc Triết Giang.

Đôi Bạn Đạo Và Thơ

Vạn dặm xa nhà, ôm nỗi nhớ
Giọng nay trở lại tuổi ngu ngơ.
Mỗi lần cửa phật, quên ngày tối
Bao lượt am mây, rũ tánh khờ.
Sư đã không lời, vui với Đạo
Tôi còn tìm chữ, viết nên Thơ.
Thiên Thai hái thuốc chờ người đến
Rồi lại "đề thi", lại... thẫn thờ.


Phụ Chú: "Đề thi" là viết thơ trên tường , trên cây, trên đá , trên chỗ nào có thể viết được, để ghi lại đôi lời tâm sự cho đời sau, hay cho ai cũng được. "Thơ đã viết ra rồi / Còn hỏi để chi nữa / Đã một đời mây nổi / Gió thổi là bay thôi". PKT 08/17/2015

Phạm Khắc Trí

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Mẹ - Quách Beam - Đàn & Hát Nguyễn Đức Tri Ân

Mùa Vu Lan
Tiếng hát dâng mẹ thay tiếng lòng



Nhạc: Quách Beem
Đàn & Hát: Nguyễn Đức Tri Ân

Vu Lan Nhớ Mẹ


Còn hai năm – là 20 năm
Mẹ xa con về miền đất lạ
Kể từ đó con quên tiếng Má
Dù ngàn năm Mẹ ở thật gần.

Nhớ khi ra trường về Hậu Nghĩa
Từ quê - Mẹ lặn lội lên thăm
Chuyến xe chiều Đức Hòa - Đức Huệ
Mẹ ôm con lặng lẽ khóc thầm.

Kể từ lúc về Tân Phú Thượng
Chia tay người em gái tóc xanh
Là lần cuối thơm lên mi ướt
Em cắt duyên nên nợ không thành.

Năm 67 đổi ra miền Trung
Con xa nhà muôn trùng từ đó
Muốn thăm Mẹ hành trình gian khổ
Như Biển Hồ sóng vỗ mông lung.

Đến 75, xuôi tay - thất trận
Quay trở về phụng dưỡng Mẹ già
Cũng là lúc tập trung đi… học
Nửa người nửa ngợm chẳng nhìn ra.

Xa Mẹ gần 20 năm chẳn
Tháng bảy ngày xưa Mẹ cười dòn
Ngắm da mồi tóc tai đã bạc
Khóc Mẹ hoài - ai khóc cho con ?!

Con thấy mệt bỡi van tim hở
Chờ giấc ngủ khuya đón Mẹ về
Con mừng lắm tràn trề mừng rỡ
Bên rặng dừa chẻ bóng sông quê…

Dương Hồng Thủy
(28/08/2015 – 15/7 âl Ất Mùi)
* Chúng tôi xin được :” cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc, các nạn nhân bị tai nạn, thiên tai và chiến tranh được siêu thăng, tịnh độ”.

Thơ Tranh: Vu Lan Nhớ Mẹ



Thơ: Song Quang
Thơ Tranh: Kim Oanh

Một Điều Ước


Một bông Hồng cho con
Bông Hồng màu trắng
Vẫn tươi nguyên
Vẫn nồng nàn hương thắm
Lại đượm buồn là bởi tại vì đâu ?!

Tháng bảy về
mưa rơi mãi...rơi mau
Mùa Lễ hội
Mùa tình yêu dâng Mẹ.

Vu Lan đến
Gió dịu dàng bay nhẹ
Trời_Đất thăng hoa ngan ngát trầm hương

Nhìn người vui
Con lại thấy sầu vương
Nhớ Mẹ lắm
Mẹ yêu ơi !
Nhớ lắm.

Cài lên ngực một đóa Hồng trinh trắng
Là tình yêu con dâng Mẹ ngàn đời
Dù đã xa - xa tận phương trời
Mẹ vẫn sống trong tim con mãi mãi.

Một điều ước
Con luôn thầm van vái
Mong Mẹ hiền trở lại "để đời vui" !


Tú_Yên

Thương Nhớ Mẹ - Thơ Quách Như Nguyệt - Nhạc& Hòa Âm Đặng Vương Quân


Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc và hòa âm: Đặng Vương Quân
Ca sĩ: Tâm Thư

Vu Lan Ơn Mẹ


Ơn mẹ bao la biển Thái Bình,
Sinh con vượt cạn khổ riêng mình.
Bao nhiêu sức khỏe trong bầu sửa,
Đầy ắp niềm thương ở đất tình...
Âu yếm nâng niu như trứng mỏng,
Cưng chìu bế ẳm tựa an ninh!
Tương lai xán lạn, công lao đó,
Sánh được sông dài bể rộng thinh!

Mai Xuân Thanh

Ngày 23 tháng 08 năm 2015

* Đại Lễ Vu Lan gắn đóa hồng,
Tấm lòng hiếu thảo mẹ hay không!
Tâm tư canh cánh mong đền đáp,
Nghĩa trọng bâng khuâng trải tấc lòng...

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Hoài Niệm - Thơ & Diễn Ngâm Thy Cúc


 

Thơ & Diễn Ngâm:Thy Cúc 
(Cựu Học Sinh Trường Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long)

Tình Mẹ


Tình yêu của Mẹ thấm dường bao!
Thương nhớ thâu đêm ngấn lệ trào
Mẫu tử thiêng liêng ơn dưỡng dục
Tình thâm cao cả nghĩa người trao
Vòng tay âu yếm nồng nàn ấm
Ánh mắt hiền từ thấy chẳng nao
Như biển làm sao vơi cạn nước
Tựa non luôn tỏa giữa trời cao

Song Quang

Vu Lan Nghĩ Về Mẹ



Chỉ đến khi chạm đến đáy nỗi buồn
Mới chợt cảm một mơ hồ vị ngọt
Mới chợt hiểu những ngày qua thiếu sót
Tình cảm mẹ hiền ngọt lịm yêu thương.

Chỉ đến khi chạm đến đáy chán chường
Mới chợt ngấm từng lời ru tiếng hát
Mới chợt nhớ thèm những dòng nước mát
Mẹ thường ngày tắm gội lúc còn thơ.

Chỉ đến khi chạm đến đáy bơ phờ
Mới da diết nhớ vòng tay của mẹ
Mới nghe ấm nồng từng hơi thở khẽ
Nuôi vóc hình con trẻ vạn lo toan.

Chỉ đến khi chạm đến đáy nguy nàn
Mới cảm nhận thiêng liêng dòng sửa ấm
Mới biết được mẹ không hề xao lãng
Suốt cuộc đời luôn bảo vệ cho con.

Nguyễn Đắc Thắng
20150827

Nồi Cá Bóng Kho Tiêu - Thơ Anh Tú - Hương Chiều Diễn Ngâm



Thơ: Anh Tú   
Diễn Ngâm: Hương Chiều 

Thương Mẹ


Thương sao lúc má về già
Người hay đau nhức thật là quá thương
Đêm dài khó ngủ là thường
Cơm canh cố nuốt mà dường chẳng trôi...
Bạc phai mái tóc đen rồi
Da nhăn thêm chấm đồi mồi, nốt son
Một đời chăm sóc chồng con
Mặc cho sức yếu, lực mòn chẳng than...
Mẹ là Phật tại trần gian
Con được cuộc sống ơn mang của người
Mẹ dạy ăn uống, nói cười
Đi ngay, đứng thẳng... làm người hiếu ngoan...
Tình mẹ tựa ánh hào quang
Soi con tìm thấy thiên đàng giữa khơi
Tình thương của mẹ tuyệt vời
Nâng con vững bước dù đời khó khăn...
Đời mẹ thiếu thốn, nhọc nhằn
Mong con sung sướng người hằng ước mong
Tình mẹ biển rộng mênh mông
Nguyện mẹ thanh thản, vui trong cảnh Trời...

Phượng Trắng
Winnipeg,

Câu Đối: Nghĩ Tình Cố Hương


Lời: Vương Văn Ký
Trình Bày: Kim Oanh

Mùi Hương Của Mẹ


Khi con vừa mới chào đời
Mùi hương mẹ ngấm vào môi hồng hào
Ngấm vào cuống rốn cái nhau
Ngấm vào tiếng khóc con chào thế gian

Bàn tay mẹ nựng hân hoan
Thịt da con ngấm vô vàn yêu thương
Ngấm vào hơi ấm chiếu giường
Ngát thơm giọt sữa nuôi con mỗi ngày

Mùi hương mẹ ngấm tràn đầy
Vào lời ru ngọt tã thay ân cần
Vào khi con ốm khóc nhăn
Từng đêm thao thức sương dầm âu lo

Ngấm vào trong tuổi ấu thơ
Thả con diều biếc qua bờ rong chơi
Bát cơm manh áo dưỡng nuôi
Ngấm công ơn mẹ ngấm mùi thanh cao

Mùi hương như sóng dạt dào
Như làn gió mát lao xao mặt hồ
Mùi hương trìu mến thơm tho
Vương trên cặp sách học trò con mang

Khi con khôn lớn mơ màng
Yêu ai, mở lối thiên đàng tình yêu
Mùi hương mẹ vẫn nuông chiều
Ngân lời chúc phúc dắt dìu lứa đôi

Một mai mẹ sẽ về trời
Mùi hương lẫn giữa sương rơi nấm mồ
Ru dài những tiếng ầu ơ
Ru con thơ ấu đến giờ còn ru

Trầm Vân

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Nhớ Mẹ - Lời Đỗ Trọng Huề - Nhạc Lê Minh Đảo



Thơ cảm tác: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Nặng Gánh Đời Ba


Cả đời ba dông ruổi
Tất tả kiếp ngược xuôi
Giọt mồ hôi tuôn rơi
Chắc thêm lớp da Người
Để đàn con thơ dại
Được ấm áo no cơm...
Nước mắt ba từng chảy
Trong ê chề nhẫn nhục
Cho cả nhà hạnh phúc...
Máu ba bao lần đổ
Đổi lấy sự an lành
Trong loạn lạc chiến tranh...
...và chúng con đã lớn.
Những gánh nặng Ba ơi
Công ơn tựa biển trời
Chúng con khó thể quên
Nay mùa vu lan đến
Ngậm ngùi ngồi nhớ ba
Nén nhang với lòng thành
Từ cõi trên vô định
Ba mãi mãi an bình...

Quên Đi

Thơ Tranh: Vu Lan Nhớ MẸ

Kính dâng MẸ thay nén hương lòng


Thơ & Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Ân

Công Cha Nghĩa Mẹ


Dạt dào tựa sóng Thái Bình,
Bao la lòng mẹ như tình đại dương.
Ngọt ngào luôn tựa suối nguồn,
Vi vu an ủi gió luồn bên tai.
Vỗ về âu yếm đêm ngày,
Dịu dàng tựa ánh trăng ngoài trời cao.

Cha thì nghiêm cẩn biết bao,
Những lời nghiêm huấn con nào dám sai. *
Làm người Hiếu Nghĩa hòa hai,
Kính trên Nhường dưới Thảo Ngay mới đành.
Lập thân chữ Tín chữ Thành,
Chữ Liêm chữ Sĩ chữ Danh sau cùng !

Lời cha ghi tạc hung trung, **
Tình mẹ luôn vẫn thắm trong lòng này.
Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Sanh thành dưỡng dục mấy ai sánh bằng ?
Kinh Thi sách có dạy rằng :
Hạo thiên võng cực, ví bằng trời cao.
Ai ai phụ mẫu cù lao ! ***


Đỗ Chiêu Đức
CHÚ THÍCH:
* NGHIÊM HUẤN: Lời dạy của cha. Trong Truyện Kiều tả lúc Thúc Ông bắt Thúc Sinh phải bỏ cô Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết :
Thấy lời NGHIÊM HUẤN rành rành,
Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu ...
** HUNG TRUNG : là Trong lồng ngực, là trong cỏi lòng.
*** 《詩‧小雅‧蓼莪》 : Bài LẠO NGA, chương TIỂU NHÃ trong KINH THI
蓼蓼者莪,匪莪伊蒿。哀哀父母,生我劬勞。...
Lạo lạo giả nga, Phi nga y cao . Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao. Có nghĩa : Cha mẹ mong ta xanh tốt như rau nga ( giống như rau ngỗ của ta ), nhưng ta lại giống như rau cao ( giống như rau đắng của ta. Ý muốn nói là không giống được như cha mẹ mong mõi ). Thương thay cha mẹ ta, sanh ra ta thật là vất vả khó nhọc.

父兮生我,母兮鞠我。拊我畜我,長我育我。顧我復我,出入腹我。欲報之德,昊天罔極。
Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã. Phũ ngã xúc ngã, Trưởng ngã dục ngã. Cố ngã phục ngã, xuất nhập phúc ngã. Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực . Có nghĩa :
Cha sanh ra ta, mẹ thì mang nặng ta, vuốt ve ta nâng niu ta, nuôi ta khôn lớn. Chăm sóc chiếu cố ta, ra vào bồng ẵm ta . Muốn báo cái ơn đức đó của cha mẹ. thì như trời cao lồng lộng vô cùng tận. ( Ý chỉ không báo nổi ơn của cha mẹ đâu ).

Vu Lan Nỗi Nhớ…


Tháng bảy về
Không gian yên ắng nhẹ nhàng và hình như phảng phất đâu đây là mùi trầm hương thoang thoảng.
Các cổng chùa rộng mở. 
Mọi người tất bật, xôn xao để chuẩn bị bước vào Lễ hội Vu Lan: Mùa báo hiếu

Bao nhiêu năm đã qua đi, sự cuốn hút của cuộc sống đời thường cũng không thể nào làm tôi khuây khỏa nỗi nhớ đau đáu về hình bóng Mẹ già đã khuất xa biền biệt. 
Những kỷ niệm của một thời như bức tranh chấm phá, dù lẫn lộn trong biết bao bộn bề của xã hội mà vẫn vượt lên, lấn át tất cả những gam màu.

Thời gian thì chẳng đợi chờ. Đời người dường như rất ngắn ngủi !
Khi tôi cảm nhận được những gì trân quí trong tình yêu bao la của Mẹ, thì Người đã ra đi vĩnh viễn không về. 
Những giọt nước mắt ngày tang lễ cũng không âm ỉ bằng nỗi nhớ nhung da diết trong những năm tháng sau nầy. 
Từng lời nói yêu thương như đọng mãi trong tim. 
Những cử chỉ dịu dàng như luôn hiển hiện trong từng giấc mơ muộn mằn về sáng. 

Những ngày thơ bé, Mẹ đã nâng niu trìu mến, chăm chút cho tôi từng miếng ăn, thức uống. Vất vả, nhọc nhằn khi tôi bệnh đau vì trái gió, trở trời. Đêm lại từng đêm, thức canh cho con thơ được yên tròn giấc ngủ mà không hề quản ngại gian lao, mệt mỏi.

Tôi dần lớn thì Mẹ dần già yếu. Mái tóc đen mượt ngày nào đã lấm tấm điểm sương. Gương mặt phúc hậu hiền lành cũng hằn những nếp nhăn, đánh dấu sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, đã cướp đi của Mẹ tất cả những mộng mơ của một thời thiếu nữ. Bàn tay mềm mại thuở xưa, chai sần vì công cuộc mưu sinh vẫn không ngừng chăm bẳm, dắt dìu tôi vượt qua bao chông gai trong những bước chập chửng vào đời.
Trong tình thương bao la, mênh mông của Mẹ, tôi đã lớn lên một cách vững vàng thì Mẹ tôi cũng khô cằn đi vì những lam lũ giữa cuộc sống đời thường đầy chông gai, gian khó. 
Làm sao có thể nói hết những nhọc nhằn mà Mẹ tôi đã phải trải qua để nuôi tôi khôn lớn. 
Như dòng thác từ trên cao đổ xuống. 
Như mặt biển tràn đầy những lúc triều lên. 
Như bầu trời cao xa thăm thẳm sẵn sàng bao trùm tất cả. 

Tháng bảy...
Chuông chùa ngân nga vang vọng. 
Tiếng kinh cầu siêu trầm bổng cứ theo gió lan tỏa khắp nơi nơi. 
Cả đất trời như cũng tơ vương để lòng người cứ dậy lên những nỗi niềm khó tả. 
Trong các gia đình, những người con cố tận dụng mọi thời gian để quan tâm, chăm sóc cha mẹ nhiều hơn. Thể hiện tình yêu cao quí, thuần khiết luôn dành cho đấng sinh thành mà hàng ngày đã phải khuất chìm vì cơm ăn, áo mặc.

Với tôi tất cả chỉ còn là nỗi nhớ...
Nỗi nhớ âm thầm, ngỡ đã nhạt nhòa theo năm tháng, nào ngờ cứ mãi nằm yên ở một góc tâm hồn rồi đầy lại đầy thêm theo từng quãng đường qua.

Trong những tất bật của biết bao công việc, tôi như vẫn còn nhìn thấy ánh mắt Mẹ cuời khi dõi theo từng bước tôi đi. Nhớ bàn tay gầy guộc vẫn luôn đở đần, nâng tôi đứng lên mỗi khi tôi không may vấp ngã.

Nhớ những ngày tôi đi học xa. Cứ đúng cuối tháng thì Mẹ lại lên thăm. Tay xách, nách mang nào quà, nào bánh. Nhìn ánh mắt thèm thuồng của bạn bè, tôi ngất ngây hãnh diện vì tình thương nồng nàn, dịu ngọt mà Mẹ đã dành trọn cho mình. 

Giờ thì tất cả đã xa...xa vời vợi! 
Để mỗi độ Vu Lan về, tôi chỉ còn biết ngẩn ngơ tiếc nuối một khoảng trời ăm ắp yêu thương của những ngày còn có Mẹ.

Trời hanh nắng...
Lá Thu vàng...
Người người lũ lượt hội chùa thành tâm lễ Phật cầu siêu sinh tịnh độ hay phúc lành cho Mẹ, cho Cha.
Riêng tôi, âm thầm giữa những xôn xao của ngày rằm tháng bảy, ray rức với những ý nghĩ, với những tâm tình chẳng thể nào quên.

Tú_Yên
(Ngày Rằm tháng bảy)

Hương Trầm Ngủ Yên




Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Mùa Vu Lan


Đại Lễ Vu Lan, nhớ rằm tháng Bảy,
Cầu nguyện ơn trên Bồ Tát Phật đàng.
Khói nhang bay, ngút tỏa khắp trần gian.
Cúng Thất Tổ Cữu Huyền an Lạc Cảnh

Được siêu thăng, bụi trần ai, xa lánh,
Phò hộ cho : con cháu học tinh thông.
Mẹ ốm buồn đêm ngóng đợi ngày trông.
Đứt từng đoạn , ruột gan hằng mong nhớ,

Héo hon gầy, chạy thuốc thang mới đỡ,
Băng núi non, trùng điệp gánh thăm con.
Rừng lá thẵm dặm ngàn vượt lên non.
Lội suối đèo qua đổi đời bước ngoặt,

Thấy mặt con mình sao mà lạ hoắc,
Xót xa khổ, thắc mắc chẳng ra chi
Ngậm đắng nuốt cay sớm muộn phải đi...
Lòng mẹ bao la đong đầy nước mắt,

Được trở về, thấy tay chân tím ngắt,
Thân tàn ma dại phí tuổi thanh niên
Gia đình tan cám cảnh quá ưu phiền!
Mẹ già yếu, đưa nhau kinh tế mới...

Mất toi công, đợi chờ, nay chới với!
May đoàn tụ lo xuất cảnh Hát Ô.
Mới sống còn, suông sẻ tụng Nam Mô.
A -Di - Đà, niệm Phật người nhân đạo,

Vu Lan này, Lễ Bông Hồng cài áo.
Đọc câu kinh, cùng chuông mõ cả nhà.
Có cơ may, mừng bão lãnh mẹ qua..
Ơn Phật Mẫu, con ăn chay hiếu thảo...

Mai Xuân Thanh
Ngày 15 tháng 08 năm 2015

Mùa Vu Lan, tặng Mẹ bó Hoa Hồng,
Mẹ có biết rằng... Con Thương Mẹ ...không!

*** Bài thơ cảm động lắm Xuân Thanh
Hiếu tử dù sao cũng phúc lành
Vận đỏ đến rồi qua hoạn nạn
Mừng thay còn mẹ chúc an lành!

Cao Linh Tử

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Lục Bát Cho Người Quét Lá - Thơ & Diễn Ngâm Hương Chiều



Thơ & Diễn Ngâm: Hương Chiều
Trình Bày: Khúc Giang

Chuyện Tình Hoa Biển


Sóng muôn trùng tới chàng xa bến
Thủy thủ đoàn trai tráng ra khơi
Chí hùng khí can cường sinh tử
Nợ núi sông vai nặng đáp lời

Lầm lủi đêm đại dương gào thét
Hải lý ngàn hoa biển nhấp nhô
Ngày nắng quái mù sương lạnh giá
Thả hồn tìm sưởi ấm con tim

Vì sao sáng mắt nàng soi lối
Dẫn đưa đường xuôi ngược bão giông
Ánh bạc vây còn vang vọng tiếng
"Chuyện đôi mình nhớ nhé đừng quên!"

Nước xanh lơ chập chờn khua ảnh
Bóng dáng người em gái phương xa
Tàu lắc lư thơ tình viết vội
Hẹn nhau cùng dạo phố đan tay

Gió mùa Đông Bắc cơn kinh hãi
Lòng đại dương ôm ấp người thương
Đau xót lắm u tình biển hát
Kỷ niệm buồn tan nát lòng đau


Kim Phượng

Biển Nhớ.. Thuyền Xa...


Biển nhớ thương ai biển hát gào??
Đêm ngày vọng tiếng vỗ lao xao!
Gió đưa buồm kéo thuyền xa bến
Sóng thét gầm đưa cát tách bờ
Chạnh xót người đi vì lẽ sống
Ngùi trông kẻ ở phải rời nhau
Nơi phương trời ấy hoài mơ ước
Một buổi đoàn viên biển gặp thuyền

Song Quang
***
Thuyền Xa...


Biển nhớ thuyển xa biển thét gào
Đá sầu hòa vọng dáng xanh xao
Sóng cùng tâm sự vùi lở bến
Dấu chân đi.. đến.. cát xa bờ
Bơ vơ biển khóc cho kiếp sống
Rêu phủ vết mòn mất dấu nhau
Hải âu hiểu rõ niềm ao ước
Chuyển hướng thuyền về thỏa khát khao.

Kim Oanh

Cô Đơn Trên Biển


Một mình biển vắng lúc chiều buông
Nghiêng bóng dừa xanh tóc xoã buồn
Lãng đãng mây hồng theo gió thổi
Nhấp nhô sóng bạc đón triều dâng
Rì rầm biển hát lời tha thiết
Ẩn khuất nhạn bay cánh chập chờn
Lữ khách lặng buồn trong nỗi nhớ
Quay đi lầm lũi giữa cô đơn.

Phương Hà

Gió ( Dòng Thơ Cù Lét)


(Tặng Đỗ Hữu Tài những dòng thơ"cùlét")

Gió.....

Gió đưa Văn Đỗ Hữu Tài
Cuốn theo chiều Gió lan dài Úc Châu

Kim Phượng
***
Gió đưa thủy thủ quay về
Long Hồ gặp mái tóc thề Vĩnh Long

Đỗ Hữu Tài
***
Gió đưa hương nhớ bềnh bồng
Mây trời bãng lãng xao lòng người xa
Góc trời viễn xứ Virginia
Chiều buồn trĩu giọt mưa sa xuống đời

Yên Dạ Thảo
***
Gió đưa Hương tóc hoa lài
Làm lòng anh Đỗ Hữu Tài tương tư..
Cái miệng thì nói dường như...
Nhưng hồn thì đã khư khư chết rồi...

Kim Oanh
***
Tương tư tôi giấu trên đời
Nhờ cơn Gió thổi bồi hồi nhớ ai
Sao người khui chuyện phôi phai
Hương tan, tóc rối cánh mai nhạt màu

Đỗ Hữu Tài
***
Nhạt màu năm tháng phôi phai
Hương mùa khép lại thương ai lỡ làng
Đêm về gõ cửa tim nàng
Gió vào thỏ thẻ muộn màng ước mơ
Giăng tình ghép chữ thành thơ
Ru tròn giấc mộng kết tơ nồng nàn

Kim Oanh
***
Muộn màng đâu biết muộn màng
Lòng này nhớ mãi dáng nàng mỏng manh
Như mùa Xuân có chim Oanh*
Say sưa hót dưới nắng hanh một chiều
Gió rung cành lá mỹ miều
Nghiêng nghiêng hoa nở yêu kiều cành Mai*
Như chờ hạ đến ngang vai
Cho chùm Phượng đỏ theo ai cuối trời*

Đỗ Hữu Tài

*Đỗ Hữu Tài bắn 1 mũi tên trúng 3 con nhạn(Phượng, Mai, Oanh) nha...hi..hi...   

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Anh Yêu Em, Vầng Trăng Sáng Tươi - Thơ Như Nguyệt - Phổ Nhạc Nguyễn Hữu Tân


Thơ: Như Nguyệt
Phổ Nhạc: Nguyễn Hữu Tân
Hòa Âm: Đặng Vương Quân
Ca sĩ: Tâm Thư

Dòng Kỷ Niệm


Ta đã đến tận vùng sâu đất nước
Trên con đò nho nhỏ đến U Minh
Con sông Trẹm một sáng sớm cựa mình
Giòng nước đỏ (*) hân hoan chào bạn mới

Trong lạ lẫm vùng sâu đầy chất phát
Rời con đò ngơ ngát mắt nhìn quanh
Dưới hàng cây cho bóng mát an lành
Từng bước chậm hỏi đường tìm nhiệm sở...

Kinh Chắc Băng trước trường hiền êm ả
Mỗi chiều về ta lặng thả hồn mơ
Những bóng mây in đáy nước lững lờ
Lòng vui với đời bảng đen phấn trắng

Hàng phượng vỹ hôm nay như choàng tỉnh
Xanh lá mừng cô giáo mới đến trường
Dáng rụt rè nhỏ nhắn tóc thề buông
Ta chợt thấy tim có gì vương vướng

Em xuất hiện tất cả dường thay đổi
Ta mơ màng như rung động lần đầu
Vào lớp dạy hồn mãi gởi đâu đâu
Thật bực bội nhưng êm đềm khôn xiết

Em nào biết mỗi ngày ta đến sớm
Ngắm nhìn em từ cửa sổ văn phòng
Tà áo xanh lượn vờn trong nắng sáng
Giữa cõi đời thực ảo khác chi nhau

Duyên đã đến và nợ rồi cũng đến
Hai đứa mình bền chặt chẳng hề xa
Giòng Chắc Băng vẫn hiền hoà xuôi chảy
Nước tươi hồng sông Trẹm khắc tình ta...

Mấy mươi năm biển dâu nhiều thống khoái
Tháng ngày vui đã rớt lại bên đường
Nhưng tủi buồn hận chán lẫn đau thương
Không thể cắt chữ tào khang bền vững.
                                         Quên Đi
(*) Nước sông Trèm Trẹm có màu đỏ như trà do nhận nước từ rừng U Minh đổ ra.



Thuyền Và Biển




Cảm tác Chuyện Tình Trên Biển của Phương Hà

Bao năm thuyền biển ấm tình nồng
Duyên thắm dung hòa giữa khoảng không
Lòng biển bình yên thuyền cảm khích
Bóng thuyền lẫn khuất biển hoài mong
Mưa giông rơi phủ thân thuyền gội
Bão tố quay cuồng dáng biển trông
Nắng sớm lung linh thuyền rẽ sóng
Êm đềm biển hát điệu say nồng!

Say nồng biển hát với thời gian
Bổng chuốc thương đau tận núi ngàn
Biển nhận vào lòng bao đổ nát
Thuyền mang thấu kiếp những ly tan
Biển gầm dậy sóng làn căm uất
Thuyền chất đầy khoan nỗi oán tràn
Từng cặp tình nhân trong tuyệt vọng
Nương nhờ bóng biển vượt không gian!

Không gian mắt biển dõi theo thuyền
Nguy khốn chất chồng mối thiện duyên
Bãi cát còn ghi lưu thệ ước
Tự do thôi thúc gội ưu phiền
Cuộc đời chiến bại cam thân bạc
Khí phách ngang tàng tạo mảnh riêng
Một thuở ra đi đầy bất hạnh
Nghìn thu khắc tạc bóng con thuyền!

Nguyễn Đắc Thắng
20150820

Hạ Nhật Nam Đình Hoài Tân Đại - Mạnh Hạo Nhiên

Ớ chỗ tôi, vùng Plano Texas, mấy ngày này, nhiệt độ ban ngày trung bình trên dưới 100 độ F. Tôi chuyển dịch lại bài này để chia sẻ vói mọi người thân quí, đôi chút thừa lương xưa, có lẽ bây giờ đã không còn có nữa. PKT 08/12/2015


Hạ Nhật Nam Đình Hoài Tân Đại - Mạnh Hạo Nhiên(689 - 740)

Sơn quang hốt tây lạc
Trì nguyệt tiệm đông thướng
Tán phát thừa tịch lương
Khai hiên ngoạ nhàn sưởng
Hà phong tống hương khí
Trúc lộ trích thanh hưởng
Dục thủ minh cầm đàn
Hận vô tri âm thưởng
Cảm thử hoài cố nhân
Trung tiêu lao mộng tưởng

Dịch Xuôi: Ngày Hè Ở Nam Đình Nhớ Tân Đại

Nắng chiều vương trên núi tây
Trăng nhô dần ngoài ao đông
Xõa tóc hứng khí trời trong lành
Mở cửa ra ngoài hiên nằm thảnh thơi
Hương sen gió lùa thơm mát
Mơ hồ nghe sương trúc rơi
Cao hứng muốn đàn vài khúc
Lại tiếc không người tri âm
Chạnh lòng nhớ đến cố nhân
Chỉ tội nửa khuya hồn mộng


Phạm Khắc Trí
08/12/2015
***
Ngày Hè Nhớ Bạn

Nắng chiều vương trên núi
Trăng mọc treo ngoài ao.
Tóc xõa thả trời mát,
Hiên nằm chân gác cao.
Hương sen trong gió thoảng
Trúc lả động sương đào
Hứng dục đàn vài khúc
Tri âm đâu biết nào.
Chạnh lòng nhớ bạn cũ
Tội mộng khuya thôi sao?

Phụ Chú: Mạnh Hạo Nhiên, cùng thời với Lý Bạch, Vương Duy, và Đỗ Phủ, được ca tụng là một tài thơ phẩm cách thanh tao. Thi Tiên Lý Bạch có làm một bài thơ Tặng Mạnh Hạo Nhiên để bày tỏ lòng mến mộ.
***
Tặng Mạnh Hạo Nhiên - Lý Bạch (701 - 762)

Ngô ái Mạnh phu tử,
Phong lưu thiên hạ văn.
Hồng nhan khí hiên miện,
Bạch thủ ngoạ tùng vân.
Tuý nguyệt tần trung thánh,
Mê hoa bất sự quân.
Cao sơn an khả ngưỡng,
Đồ thử ấp thanh phân.


Tạm Dịch : Tặng Thầy Mạnh

Ta quí mến thày Mạnh
Nổi tiếng thiên hạ phong lưu
Lúc trẻ, coi nhẹ xe mũ quan trường
Về già , bạn cùng mây trôi, thông reo
Cùng trăng sáng một cuộc say túy lúy
Vui với cỏ hoa quên mọi việc đời
Lừng lững như cao sơn khả kính, ai nấy đều ngưỡng mộ
Danh tiếng trong sạch bấy nhiêu đó, khiến lòng này thật bái phục

Phạm Khắc Trí
***
Chiều Hè Nhớ Bạn

(1)
Phút chốc mặt trời ngã hướng Tây
Nơi Đông trăng mọc tự ao đầy
Thong dong tóc xoả trời đêm mát
Nhàn nhã hiên ngoài thưởng gió mây
Thoang thoảng hương sen cơn gió tới
Êm êm cành trúc tiếng sương rây
Nâng đàn muốn họa cùng mây gió
Ai thưởng? bạn lòng chẳng có đây!
Cảm hoài người cũ phương trời vắng
Giữa đêm mộng tưởng lúc vui vầy 


Mailoc phỏng dịch

(2)
Mặt trời bỗng ngã tây
Trăng lên tự ao đầy
Xoả tóc hóng gió mát
Hiên nằm thưởng trời mây
Gió đưa hương sen thoảng
Khóm trúc tiếng sương rây
Nâng đàn muốn dạo khúc
Tri âm chẳng nơi nầy
Cảm hoài bạn cũ vắng
Giữa đêm mộng tưởng xây 


Mailoc
Cali 8-13- 15
***
Hoài Nhớ Cố Nhân

Hoàng hôn bỗng ngã về Tây
Nơi Đông trăng mọc soi đầy ao xưa
Xõa tóc hóng mát song thưa
Thong dong mây gió đong đưa hiên ngoài
Hương sen thơm tựa bờ vai
Sương reo lá trúc lung lay ảo mờ
Thiết tha mong rãy khúc thơ
Tri âm cách mặt đành lơi ngón đàn
Cố nhân hoài thương xa vắng

Dệt mộng xum vầy trầm lắng đêm thâu

Kim Oanh
***
Ngày Hè Nơi Nam Đình nhớ Tân Đại

Mặt trời chợt ngả non tây
Phương đông trăng hiện chiếu ngay mặt hồ
Đêm về xoã tóc hong khô
Ngoài sân thoáng mát cửa ô rộng mời
Hương sen thoang thoảng đưa hơi
Sương trên cành trúc giọt rơi êm đềm
Nâng đàn muốn khảy bên thềm
Tri âm chẳng thấy càng thêm chạnh lòng
Để giờ vắng bạn hoài mong
Chập chờn giấc tối vùi trong mộng chờ

Quên Đi
***
Bản tiếng Hán cổ của bàì thơ:
Hạ Nhật Nam Đình Hoài Tân Đại



B. Bản dịch Lục Bát:
Ngày Hè Nhớ Tân Đại Ở Nam Đình

Nắng chiều rơi rụng trời tây,
Trăng dần ló dạng cuối ngày non đông.
Chiều tàn xõa tóc gió hong,
Nương theo hơi mát ta nằm thảnh thơi.
Hương sen tỏa ngát khí trời,
Nhẹ nhàng lá trúc sương rơi mơ hồ.
Ôm cầm toan gãy khúc thơ,
Tri âm ai đó đôi bờ nên thôi!
Cố nhân cách trở xa rồi,
Nhớ nhau đêm vắng bồi hồi niềm tây!

Đỗ Chiêu Đức
***
Một Mối Cảm Hoài

Nhanh quá chiều buông xế núi Tây,
Phương Đông bóng nguyệt lặn ao đầy.
Đêm về gội tóc hong dài mát,
Trăng tỏ ngoài song gió lộng mây.
Thơm ngát mùi sen thoang thoảng lại,
Hương nồng khóm trúc giọt sương rây.
Anh đàn tấu khúc hòa êm ái,
Em hiểu giùm cho hãy tới đây.
Bâng khuâng nhớ bạn nơi nào nhỉ!
Mộng ước tương tư đặng hợp vầy

Mai Xuân Thanh
Ngày 14 tháng 08 năm 2015
***
Ngày Hè Nơi Nam Đình nhớ Tân Đại

Nắng chiều vàng vọt non tây
Ao đông soi bóng trăng gầy lung linh
Trời trong xõa tóc lặng nhìn
Hiên ngoài hong mát chỉ mình riêng ta
Sen đưa hương thoảng bay xa
Gió lay cành trúc sương đà giọt rơi
Tay nâng phím nắn vội lơi
Tri âm biền biệt đàn mời gọi ai
Cố nhân đâu nữa cảm hoài
Thực hay đêm mộng lạ thay chập chờn

Kim Phượng