Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Bí Ẩn Của Cái Chết

"Chết là một phần tự nhiên của sự sống, mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu không sớm thì muộn. Theo tôi thì có hai cách để xử với cái chết trong khi ta còn sống. Hoặc là ta tảng lờ nó, hoặc là ta chạm trán với viễn ảnh cái chết của chính mình, và bằng cách tư duy sáng suốt về nó, ta cố giảm thiểu những khổ đau mà cái chết có thể mang lại. Tuy nhiên, trong cả hai cách, không cách nào chúng ta có thể thực thụ chinh phục được sự chết.". Đó là lời bình phẩm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về sách "Tạng Thư Sống Chết", nguyên tác Anh ngữ "The Tibetan Book Of Living And Dying" của hòa thượng Sogyal Rinpoche.

Ai lại không chạm trán với cái chết vào một lúc nào đó? Hôm nay tôi lại nhận được sách cũng nói về cái chết, sách do một nhà văn Việt Nam viết. Đó là "Bí Ẩn Của Cái Chết", mà tác giả là nhà văn Thinh Quang. 

Nhìn vào hình bìa sách Bí Ẩn Của Cái Chết ta thấy ngay có chút gì nhá nhem kinh dị vì họa sĩ vẽ hình con ma và lưỡi đao, một dấu ấn biểu tượng cho tử thần bên mạng sống. Vậy nội dung sách của tác giả Thinh Quang là gì? và tại sao ông cho ra tác phẩm biên khảo này? Tôi nghĩ suy nhiều câu hỏi lắm, nhưng thôi xin phép quý bạn cho tôi tiết kiệm chữ nghĩa xin thưa ngay vào những gì tôi sẽ trình bày về Bí Ẩn Của Cái Chết và tác giả Thinh Quang (TQ), một nhà văn lão thành vốn tốt bụng, rộng lượng với tôi, chính ông đã dang tay đón tôi vào vườn hoa chữ nghĩa. Ngày xưa tôi đi ban toán, hết học luật sang kinh tế, rồi chạy nạn sang xứ Mỹ theo ngành điện tử như tình thế của những năm nước Mỹ khống chế lãnh vực điện tử khắp hoàn cầu. Khi đầu óc bận rộn với kỹ thuật thì tâm trí mệt mỏi, tôi tìm quên lãng vào sách báo, nhất là báo Việt ngữ. Vì sinh sống tại vùng Nam Cali nên báo chí ê hề đọc cả ngày, đọc hoài không hết chữ. Nhà văn Thinh Quang (TQ) trong những năm 1987 đến 1995, ông làm chủ bút tờ Viễn Xứ do nhà văn Phong Vũ làm chủ nhiệm. Ông tìm kiếm những cây bút trẻ để khuyến khích và nâng đỡ trao đổi ý tưởng khi viết văn. Có những dịp tôi và nhà văn Dương Viết Điền xuống vùng Monterey Park thăm ông, vì ông lớn tuổi không lái xe được, chúng tôi gặp nhau tại quán cơm Pháp Victory hay các quán Phở bàn bạc về văn, thơ và các số báo phát hành. Ông kể chúng tôi nghe nhiều chuyện xưa như vào năm 1942, 3 nhà thơ lớn Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Mộng Đài rủ ông ra sông Vực tại Thu Xã, Quảng Ngãi, chèo ghe trong đêm trăng rằm chiếu sáng lấp lánh, ông bỗng cảm hứng ra bài thơ "Hoa Thơ", ba nhà thơ đàn anh khen hay và đề nghị sửa ít chữ cho hoàn mỹ. Sau đó tờ Đông Pháp tại Hà Nội đăng và ông nhận được nhiều thơ khen tặng để rồi từ 1942 nhà văn Thinh Quang đã bước vào làng văn thơ Việt Nam. Nhạc sĩ Dương Viết Điền sau này phổ nhạc bài "Hoa Thơ " mà tôi nghe anh ca trong một dịp kỷ niệm họp ban biên tập tờ Viễn Xứ. Lời nhạc của bài "Hoa Thơ": 



"Nhấp nhô dòng sông VựcBuổi sáng dậy tình Xuân
Mái chèo tung ngọc ướt
Sao rớt nhẹ xuôi dòng
Nghe nước rào róc rách
Là tiếng nhạc chiều thơ
Tre cong mình xỏa tóc
Nhìn bóng rũ sông cười
Nghe như tình thiếu nữ
Vừa chớm nụ đôi mươi
Nghe như hồn lãng tử
Trôi dạt giữa dòng đời
Sông nằm treo bãi cát
Mình nạm hạt trân châu
Mây lặng lờ phiêu bạt
Điểm điểm giọt mưa ngâu
Xuân chiều nghe bỡ ngỡ
Thuyền lặng ngắm mây mờ
Bên kia trời Thiên Ấn
Khuất sau lũy tre xanh
Bên đây trời Long Phụng
Ẩn hiện khóm mây vàng
Phượng mào lông sắc tía
Điểm điểm cánh mơ giăng
Nhìn ra ngoài biển cả
Sóng nước dậy tung tăng
Hương thơ chừ bốc khói
Đẹp tợ mộng thiên thai
Xuân tràn lên biển ái
Nhạc vàng quyện mây say
Ngự thuyền nơi sông Vực
Cúi hái mãnh trăng mờ
Mơ cảnh Động Đình Hồ
Đôi ta chừ Lý Bạch
Vỗ tay cười khanh khách
Cầm bút trổ hoa thơ.
(Thinh Quang, sông Vực, 1942)




Nhà văn TQ từng làm giáo sư dạy các môn Việt văn và Pháp văn. Ông trải qua một quãng đời thật dài trong ngành báo chí, ông cộng tác viết bài cho nhiều báo Việt ngữ, cũng như giữ chức chủ bút trong rất nhiều tờ báo từ trước và sau 1975, tôi nhớ là Tin Điển, Tin Mới, Tin Sớm, Trường Sơn, Dân Luận, Hồn Việt, Trắng Đen, Viễn Xứ, Tri Thức, Đại Chúng, tuần báo New York Times (tiếng Việt). Ông có những chuyện dài đượm màu sắc quê huơng, hay miền quê có hương đồng gió nội mà tôi đọc trên các báo như: Mưa Bên Này, Nắng Bên Kia, Như Loài Hoa Dại hay Như Hạt Sương Mai. Ông cũng viết nhiều văn chương biên khảo, và cho xuất bản các sách như:
- Văn Hóa Đông Phương (Biên Khảo, năm 1943) 
- Chú Mẻng (Chuyện Dài, năm 1944) 
- Nắng Thôn Đoài (Chuyện Dài, 1983) 
- Hỏa Thiêu Thiên Đàng (Tiểu Thuyết Phóng Sư, 1986) 
- Hy Mã Lạp Sơn (Biên Khảo, năm 1987) 
- Con Rắn Lửa Huyền Bí Trong Nền Triết Học Đông Phương (Biên Khảo năm 1988) 
- Bí Ẩn Của Cái Chết (Biên Khảo, 2005) 
*** 
Phần hai của bài viết tôi xin điểm qua vài nét tiêu biểu của tác phẩm "Bí Ẩn Của Cái Chết". Tôi có lý do riêng tôi thích nó, dù là tính cách riêng tư, cá nhân hay tôn giáo hay trách nhiệm của một bản thể trong xã hội, cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào, và bất cứ từ nơi đâu…Trang 14 của sách, TQ mô tả những dòng cảm giác trước cái chết thì người ta chợt nghĩ gì. Hình như người ta có khuynh hướng dựa vào niềm tin tôn giáo để an ủi mặt tâm linh. Điều này đúng với cá nhân tôi. Hãy đọc những dòng văn trong sách TQ về phút cuối khi lâm chung: 

"Chết" - quả hãi hùng đến cực điểm - chẳng có lời nào làm xóa nhòa hay chứng minh cho nó. Tuy vậy người ta vẫn nói đến sự kiện hiện hữu của mình ở giữa không gian và luôn cả thời gian cùng khoảng cách nhau giữa con người với con người. Khoảng cách không rõ cái vỏ tạm thời được mượn đó còn bao xa nữa thì sẽ đến phiên mình sẽ được vùi sâu dưới lòng huyệt lạnh, bao xa nữa thì cái thây ma này sẽ xa rời vĩnh viễn cái cõi đời này?! Cái khoảng cách đó biểu trưng cho sự lo âu khác biệt của mỗi người chúng ta hoặc tự chọn lấy bóng đêm làm sự an ủi cho mình hay chọn lấy niềm tin ở một trong các tôn giáo hiện hữu giữa trên thế gian để dẫn độ mình đến chốn Thiên Đường hay miền Cực Lạc..." 

Tôi nhớ lại cái cảm giác sợ hãi lần đầu tiên tôi bị chứng bệnh tai biến mạch máu não. Nhìn đồng hồ trên tường trong phòng làm việc của tôi chỉ 6:30 chiều tối mùa đông vào dịp lễ cô hồn Halloween, tôi cảm thấy tức ngực, tay chân bên trái có cảm giác tê rần rần như kiến bò, mắt hoa, tai ù, miệng tôi chỉ ú ớ kêu cứu. Buổi chiều vào ngày thứ năm Halloween các cô thư ký, nhân viên phòng về hết, cả khu hành chánh rộng lớn nghe trong hiu quạnh, lặng lẽ, và xung quanh tôi sao im lìm buồn bã, yên tỉnh như khu nhà ma, người tổng giám đốc tài chánh, sếp trực tiếp của tôi nghe được tiếng la thất thanh cầu cứu của tôi, ông vội chạy qua văn phòng tôi, huhu… ông thấy tôi té ngã xuống sàn nhà từ bao giờ, tôi mệt mỏi liếc nhìn ông như một vị cứu tinh. Ông CFO này đã gần 70 cổ lai hi, người ốm yếu chẳng giúp tôi nổi vì tôi to con hơn ông. Vả lại vì lần đầu tiên ông đối diện với tình huống như thế này, tôi biết ông luống cuống mất bình tỉnh thấy rõ khi cầu cứu đến một đồng minh khác, ông gọi ngay ông CEO sang vấn kế sau khi gọi ambulance, tôi nhìn hai ông già sếp tôi mỗi lúc càng mờ hơn, hai ông trao đổi ý kiến xem tôi bị chứng bệnh gì. Cá nhân tôi lần đầu bị chứng tai biến mạch máu nên chẳng có kinh nghiệm, rồi tôi cũng hoang mang và mỗi lúc tôi linh cảm mình sắp chết vì sức đuối. Khi các mạch máu li ti trên vùng não bộ phải bị vỡ ra, tim bơm nhồi làm tràn máu vào các vùng trên bán não, tôi bắt đầu rơi vào cơn hôn mê, mắt tôi nhắm nghiền lại, cơ thể run rẩy co quắp lại trong đau đớn. Tôi có cảm tưởng mình sắp chết, vì dưỡng khí thiếu trên óc làm cho óc tắt lịm từ từ, tôi yếu ớt và rồi tôi hôn mê thiếp đi. 

Trước cơn nguy khốn con người dựa vào niềm tin vô hình nào đó, tôi nhớ lại rằng mỗi đêm tôi thắp nhang khấn vái Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Bà Quan Âm tại nhà tôi, vì đó là nhu cầu tâm linh mà tôi vẫn quen nương tựa hay bám víu vào khi gặp khổ nạn chúng sinh, và trong phút lâm nguy khi té ngã đó trước khi choáng váng té ngã, tôi niệm kinh cho tâm tôi bình tỉnh hơn. Khi bệnh nhân cầu cứu các đấng tối cao thì không có nghĩa là mê tín, mà nó chỉ là nhu cầu của bản ngã tâm linh, nhu cầu tâm lý được cứu rỗi mà thôi. Trang 15, Thinh Quang dùng lý luận của Léon Denis trong tác phẩm “Sau cái chết” (Apres La Mort) là nhu cầu tâm linh thuộc phần linh hồn, còn cơ thể là phần xác, thể xác khi chết đi chỉ trở về với cát bụi. Trên thế gian này tất cả vật thể chịu sự chi phối của một nguyên tắc bất biến của vũ trụ bao la, những bản thể vật chất cuối cùng đều chịu sự tan rã, mục rửa để biến thể khi vào lòng đất. Tuy nhiên các tôn giáo đồng ý với nhau phần tâm linh như linh hồn hay hương linh vẫn lãng vãng trong thế giới siêu hình, mà người sống hay các thân nhân còn hiện hữu muốn cầu xin cho người ra đi sớm về cõi phúc của cõi Thiên Đường hay miền Cực Lạc mà Thinh Quang đề cập phần trên. 

Chương kế tiếp khi Thinh Quang bàn luận về cái thế giới huyền bí của mộng và thực trong bí ẩn của thế giới của cõi chết vốn siêu hình trong quan niệm của người Đông Phương. Tiến sĩ người Anh quốc W.Ỵ Evans Wentz năm 1927 sau khi sang Tây Tạng tìm hiểu những huyền thoại bí ẩn của người Phương Đông trở về, ông viết cuốn sách "Tạng Thư Về Cái Chết" (Tibetan Book of The Dead), xuất bản bởi đại học Oxford. Ông nghiên cứu những trạng thái theo ý nghĩ thần thoại của người dân sinh sống vùng núi Hy Mã Lạp Sơn, đối với cái chết có 3 giai đoạn quan trọng, gồm trước khi chết, phút lâm chung ngắn ngủi trước khi xa lìa trần thế, và sau khi chết. Theo quan điểm biên khảo hay phân tích có tính cách lý luận, người đi tìm sự thật họ dùng bút pháp tìm hiểu cặn kẽ tới nơi tới chốn, để rồi đề tài Huyền Bí Đông Phương được xem là một môn học cấp đại học. Trong ba giai đoạn như đã nói, phút lâm chung rất quan trọng vì đó là khoảng khắc sát na khi linh hồn lìa thể xác. Có thể rằng ta thấy kẻ hấp hối than khóc, hối tiếc hay có những cử động lưu luyến là vì họ vẫn bám víu lấy cõi nhân thế, họ chưa biết đi về đâu trong sự lạc lỏng của thế giới bên kia, trong khi thân nhân họ trong sự thương yêu muốn giữ chân họ lại hay là cầu xin cho họ được an bình ở nơi chốn thánh thiện nhất. Các thiền sư Tây Tạng trong ý niệm chết là giải thoát nợ chúng sinh, nên họ suy luận cái chết của con người không ở ngoại vi của thể xác, mà nó nằm bên trong của vị thế thiêng liêng cao quý nhất để con người được về cõi vi diệu của thế giới bên kia. 

Trong giới nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng thường biết đến một danh sư về Phật học, nhất là chủ đề sự giải thoát của bản ngã hay sự sống và chết qua quyển hồng thư "Tạng Thư Sống Chết", do thiền sư Sogyal Rinpoche viết. Thiền sư Rinpoche được ngài Đạt ma Jamyang Khyentse Chökyi Lodrö nuôi dạy, truyền bá kinh kệ, lý thuyết Phật học. Do kiến thức uyên thâm hấp thụ từ một trong các vị cao tăng danh tiếng trong hàng giáo phẩm Phật giáo Tây Tạng, các đại học lớn của Anh Mỹ từ Oxford, Cambridge đến Havard hay Yale rất trọng vọng ngài. Những năm đầu thập niên 70 ngài theo học tại Cambride, sau khi hoàn tất xong nhiều văn bằng cao học, ngài thường được mời làm giảng sư trong các chủ đề chuyên môn về Phật học. Cuốn sách ngài viết đã nói trên được dịch ra 29 ngôn ngữ khác nhau, được truyền bá ở 56 quốc gia trên thế giới như một tài liệu diễn giảng và tham luận biên khảo. Nhà văn TQ dùng ý tưởng của thiền sư Sogyal Rinpoche trong các trang 26 và 27. 

Sau cái chết chúng ta đi về đâu? 
Đây là câu hỏi rất hay, rất chí lý. Sống gởi trần tục, thác về nơi mô (?). Người quá cố được người ở lại lo cho nơi an táng đẹp đẽ tại những nghĩa trang êm ấm hay tẩm liệm trong bộ cỗ quan lộng lẫy, đắt tiền kia mà. Đức Khổng Phu Tử ngôn là "tử giả biệt luận" vì chết là hết, hết những ràng buộc, hết những suy tư hay những khổ đau, ưu phiền. Câu nói trên vô cùng hữu lý vì cứu cánh của sự sống là sự chết như sách của học giả Rinpoche đề cập để mọi bản thể quay về với cát bụi trần gian. Như vậy xác thân ta trở về với cát bụi. Trang 29 sách TQ nói về sự Thiện Ác khi chúng ta còn sống để liên hệ về phần an ủi cho tâm linh. Do vậy khi hữu sinh, con người luôn luôn khuyến khích làm điều lành, tránh điều dữ, phải chăng đó là cứu cánh của giá trị chân thiện mỹ cho tâm hồn? 

Quan điểm triết học về nỗi sợ hãi về cái chết: 
Trang 75 hay trang 92 và 93, Thinh Quang dùng sự tham luận lý thuyết của triết gia Arthur Schopenhauer. Triết gia này vốn có những tác phẩm tiêu biểu về đề tài liên quan ít nhiều về cái chết, ba tác phẩm của ông khá nổi tiếng là: "Sống xa hoa trong hiện hữu" (On the Vanity of Existence), "Thế giới khổ đau" (On the Sufferings of the World) và "Tự Vẫn" (On Suicide). Schopenhauer cho là ngày nào mà chúng ta muốn sống trong kiếp hiện tại, thì ta không nên bận tâm làm gì về cái hiện tại của sự hiện hữu của mình chi nữa. Hãy thản nhiên quên đi nỗi lo sợ về cái chết để tâm được bình an. Ông cũng biện luận bằng câu nói của triết gia Socrates là: "Chết chính là nỗi ưu tư không ngừng nghỉ của con người". Thế nên con người cứ mãi bị ám ảnh bởi cái chết. Mặt khác khi trình bày về nỗi lo sợ cái chết của con người, tôi tham luận bài biên khảo của giáo sư Jerry S. Piven dạy tại NYU (New York University), chuyên khoa Phân Tâm Học về Cái Chết, Tôn giáo và Tâm linh. Tiến sĩ Piven diễn giảng tại nhiều nơi về đề tài "Lo âu về nỗi chết, Phân tâm học và Tiến trình tạo ảo giác" (Death anxiety, psychoanalysis and creating illusions), ông dùng sách của Ernest Becker về "Ý Nghĩa của Sinh và Tử" (The Birth and Death of Meaning) đưa ra quan điểm của nhà phân tâm học Sigmund Freud. Trong khi triết gia J.J. Rousseau lập luận con người từ thơ ấu vốn tốt hoàn mỹ, nhưng rồi xã hội làm hủy hoại đi đức tính ban đầu, mà bên Đông Phương Đức Khổng Tử có cùng ý nghĩ: "Nhân chi sơ tính bản thiện". Freud theo tiến trình tương đồng khi lập luận thuở ban sơ con người vô tư chẳng biết gì, theo tiến trình cuộc sống con người trải qua những khổ đau, những ganh tỵ, những đua chen, những tội lỗi xấu xa, những đầy đọa xâm nhập tâm tư. Những nỗi ám ảnh bởi chết chóc của người xung quanh làm ta khiếp sợ, chính vì bản ngã ích kỷ sợ sệt cái đau khổ từ nỗi chết chóc, và tạo ra tâm lý khiến con người không muốn đối diện với chết chóc. Sự sợ hãi cái chết như triết gia Nietzsche phân tích nó chỉ là sự trở về từ ý nghĩ cũ, kinh nghiệm hiểu biết cũ chôn sâu trong tiềm thức. Đó là quan niệm sợ hãi vị kỷ (egoism), khi tâm lý vị kỷ lên cao hơn thì là siêu vị kỷ (super-egoism). 

Ta không sợ lưỡi hái của Tử thần: 
Khía cạnh thứ hai mà sách Thinh Quang đề cập đến nơi trang 20, có những người đối diện với tử thần trong tâm trạng chấp nhận sự kiện khi xảy ra cho họ. TQ viết:"Chết ư?Chẳng có gì đáng sợ.Nó chỉ là một hình thức chuyển tiếp từ sự sống này sang sự sống khác.Chỉ có sự trốn sống mới đáng sợ.Cái chết chỉ là một hư từ để phản nghĩa cho cái sống." 

Với lập luận không sợ tử thần khi con người chấp nhận đối diện thì xứ Phù Tang cho ta nhiều trường hợp để dẫn chứng ví dụ. Trang 96 bàn luận về vấn đề cách chết. Chết như thế nào là chết. Chết do bệnh tật hay thiên nhiên là ngoài ý muốn, chết do tự tử mà báo chí, truyền thông vẫn loan tin mỗi ngày. Những cái chết do sắp đặt, do dự mưu và do ý nguyện của cá nhân. Lý tưởng đấu tranh cho sự sinh tồn hay biểu tượng cho gương hy sinh trong lịch sử cho ta thấy có các nhóm Thermapolyae của quân đội Hy Lạp, nhóm Kamikaze hay các Samurai của xứ Phù Tang hay Jihad của các xứ Hồi giáo. 

Tại Nhật Bản, người ta viết sách dạy con người cách thức tự tử, số thanh thiếu niên tự tử gia tăng, cái chết do tự nguyện, tự ý tạo mối lo âu cho xã hội, lắm khi có những bí ẩn của những cái chết trẻ măng nghe như hoang đường. Chết là một phong trào của tuổi trẻ, chết vì thử cách dạy tự vẫn, hay chết vì tử thần sai khiến... Theo cơ quan WHO số người tự tử mãi gia tăng, cao nhất các xứ ở vùng Baltic cạnh Địa Trung Hải trung bình cứ 100,000 thì có 40 người tự tử, cho đến năm 2020 thì WHO tiên đoán số người tự tử trên toàn thế giới sẽ là 1.5 triệu nhân mạng. Tuy vậy, khi bàn về những lý do để người ta dễ dàng hy sinh mạng mình cũng vì có những ám ảnh bởi mẫu người hùng, phát sinh do sự cuồng nhiệt mà người ta sẵn lòng chết vì yêu, chết vì tôn giáo, chết vì lý tưởng cá nhân. Hiện trong cuộc sống vấn đề tự sát trên thế giới xảy ra do áp lực đời sống, ý kiến cá nhân, ví dụ người ta ôm bom để tự hủy hoại mình và người khác, hay thống kê cho biết tại các xứ Nhật, Trung Quốc và Đài Loan nhiều thanh niên nam nữ tự vẫn vì không hài lòng với cuộc sống xung quanh. 

Tiếp theo phần mạn bàn về xứ Phù Tang kiêu hùng và lạ lùng thì nước Nhật vốn nổi tiếng qua các gương can đảm của các phi đội Thần Phong Kamikaze hay các kiếm sĩ đạo chết cho danh dự và lý tưởng quốc gia. Cái lý tưởng Hagakure chết cho danh dự qua phong cách tự tử lao phi cơ vào mục tiêu của đối phương của những anh hùng Kamikaze hay các kiếm sĩ Samurai tự rạch bụng chính mình để giữ thể diện của đấng nam nhi. Điều chắc chắn họ biết cái chết sẽ đến đấy chứ, nhưng họ không mảy may sợ sệt.
  
Võ Phiến viết về cái Chết:
Nhà văn lão thành Võ Phiến viết bài tham luận "Cái Chết Như Một Phát Biểu", ông cho biết những nguyên do của cái chết tại xứ của các con cháu Thái Dương Thần Nữ Nhật Bản là: 
"Kinh doanh thua lỗ: tự tử. Đánh giặc thất trận: tự tử. Yêu nhau gặp trục trặc, người Nhật cũng chết nhiều, và chết đúng phép tắc. Hiệp sĩ tự sát bằng phép mổ bụng; tình nhân muốn chết đúng cung cách phải tự buộc mình thật chặt từng cặp, rồi cùng nhảy xuống nước. Phép ấy gọi là sinju. 

Doanh nhân, quân nhân, tình nhân tự huỷ mình, đối với những cái chết ấy chúng ta dẫu sao cũng ở ngoại cuộc. Đến như về cái tự tử của các văn nhân thì chúng ta không khỏi lấy làm nghĩ ngợi. 

Văn nhân Nhật Bản cũng tự tử nhiều. Nhân cái chết gây chấn động lớn của Yukio Mishima độ nào, một tác giả có liệt kê danh sách mười nhà văn Nhật tên tuổi đã quyên sinh từ đầu thế kỷ. Vả lại chỉ hơn một năm sau Mishima, vị đàn anh lỗi lạc là Kawabata cũng tự ý ra đi luôn, gây tiếc thương khắp hoàn cầu..." 

Và Võ Phiến nói về sự huyền bí của những cái chết như: 
"Thất bại, khổ đau, không phải là yếu tố gây nên những cái chết này. Vậy có một sức huyền bí nào ở chính họ thu hút họ về cái chết chẳng có một sức thu hút khó hiểu như thế, tác động ở Nhật mạnh hơn ở mọi nơi khác chẳng đố ai dám vỗ ngực giải đáp! Chỉ biết trong một số trường hợp dường như có thể nhận thấy những dấu hiệu mơ hồ... Dân tộc Nhật, họ chết lấy thì nhiều, và cái tuyên bố của họ thật phong phú, trong nội dung cũng như trong hình thức. Để phản đối họ dùng cái chết; để bày tỏ sự tán thưởng, họ cũng chọn chết! Vì nội dung phức tạp nên trong phô diễn cần lắm dạng thức cho thích hợp. Hoặc một dàn dựng lâm ly tình cảm cho giai nhân tài tử, hoặc một cảnh hùng tráng xứng với đoàn hiệp sĩ quyết tâm, hoặc dáng cách ung dung thư thái khi thi sĩ đi vào cảnh thần tiên tuyệt mỹ.." 

Võ Phiến dùng ý kiến của triết gia Albert Camus vốn hậu thuẫn khi đề cao cái chết do tự vẫn: 
"Albert Camus đặt nặng chuyện tự tử. Ông bảo: “Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm trọng: đó là tự tử và cho rằng cuộc đời đáng sống hay không đáng sống, ấy là giải đáp cái thắc mắc căn bản của triết học” (Huyền thoại Sisyphe). Camus có vẽ chuyện ra không có lớn lối quá đáng không? Thường thường khi tự tử mấy ai suy nghĩ về giá trị của cuộc sống, mấy ai chú tâm vào vấn đề cuộc đời có đáng sống hay không đáng sống?Thật tình mà nói, phần lớn các vụ tự tử chẳng qua là để bày tỏ một sự tuyệt vọng, một phẫn uất, một giận hờn, phản đối, oán trách, thù hận v.v... Kẻ tự tử không hơi đâu đánh giá cuộc sống. Nói chung, vấn đề đặt ra không phải “Cuộc sống có đáng sống không”, mà là “Cuộc sống của tôi có đáng sống không, có đáng công tiếp tục không”. Đây không phải là một thắc mắc triết lý. Hẹp hơn nhiều. Ngay cả cái phát biểu của người Nhật — bất cứ là doanh nhân, quân nhân hay văn nhân — cũng không là một giải đáp triết học..." 


Trong bài bình luận của giáo sư luật khoa George Bachrach dạy tại trường luật khoa Boston được đăng trên báo Boston Globe, bài viết mang tiêu đề "Chết trong nhân phẩm" (Death with dignity) ông biện minh cho việc làm của vị bác sĩ Tử thần, Dr. Jack Kervoikian, khi tiếp tay trợ giúp đưa những bệnh nhân khổ đau của ông sớm về bên kia thế giới. Hậu quả ông bị luật pháp kết án tội sát nhân và tống giam ông vào tù. GS Bachrach nói, khi nền y khoa tiến bộ giúp con người sống lâu hơn, nhưng sống lâu đến 80 hay 90 để làm gì khi có những bệnh nhân thân xác có đó, nhưng tâm hồn không còn minh mẫn, sáng suốt làm chủ lấy mình thì chỉ là khổ nạn hay thân xác chịu nỗi khổ đau bệnh hoạn trầm kha thì bác sĩ Kervoikian làm đúng khi cho bệnh nhân của ông chọn giải pháp ra đi trong danh dự, trong nhân phẩm và theo ý nguyện của họ. Ví dụ khác tôi đọc trong sách TQ, đề cập vụ án xã hội rất thương tâm nhưng nhiều nhiêu khê như mới gần đây, tháng 2, 2005 dư luận Hoa Kỳ đã xôn xao về trường hợp cô Terry Schiavo nên hay không nên cho cô ra đi. Schiavo bị hư hại chức năng của não bộ trong hơn 13 năm được nuôi qua ống truyền thức ăn đặt nơi bụng. Cô nằm liệt giường và mất hết sinh khí của một cuộc sống bình thường, nhưng cô không đủ năng lực sức khỏe và cũng như trí tuệ sáng suốt để nói cho mọi người chung quanh rằng cô muốn sống như vậy hay không để thân nhân khỏi phải tranh cãi vì cô ngoài tòa án. Cũng như tôi có người bạn trai từ Singapore sang Mỹ lập nghiệp, rồi anh bị chứng bướu não gây cho anh bị hôn mê quá lâu ngày, cuộc sống của gia đình vợ con khổ sở, mệt mỏi, bảo hiểm từ chối gia hạn, người vợ tuyệt vọng đành cho anh ra đi. Hậu quả là gia đình chồng bay sang Mỹ nặng nhẹ là chị giết chồng. Tôi có cảm giác như vụ Schiavo thứ hai. Với những ai chẳng may đã bị chứng tai biến mạch máu não hay bướu óc hay một hình thức não bị hư hao, ý nghĩ cá nhân tôi khá rõ ràng, tôi thích quan điểm công bằng trong cuộc sống, khi thời điểm đến hãy chấp nhận sự thật, hãy tự giải thoát cho bản ngã, hầu tránh khổ lụy trầm luân. Tôi nói với gia đình và bạn bè thân tôi muốn ra đi trong danh dự, tôi đồng ý với quan điểm của GS Bachrach về cái chết bảo toàn nhân cách, không phiền hà, phiền lụy người khác. Nếu sống thì phải biết thưởng ngoạn cuộc đời thì mới đáng sống, ngược lại khi tâm hồn không còn làm chủ thể xác hay thể xác quá yếu đuối cho tâm hồn được sống và sinh hoạt bình thường thì vị bác sĩ Tử thần có lý do biện hộ cho ông. Cuối cùng vẫn là khi ta chờ Thần Chết nơi ngõ cụt, khi xác thân trong phiền não, đọa đầy, cứ mãi khốn khổ hay sầu não huhu thì viễn ảnh cuộc đời chỉ là màn đêm buông xuống của sự tịch liêu. Đơn cử trường hợp tổng thống Reagan thật tội nghiệp, tôi mến văn ông viết cũng như óc khôi hài rất duyên dáng, ý nhị của ông. Nhưng những năm tháng cuối đời, ông không nhận diện được chính mình, khi ta đánh mất cái ta chỉ là sự tội nghiệp, đáng thương. Với tôi trong phút giây đó sự danh dự cho bản thân là hay hơn cả. 

Có một lần tôi cùng hai nhà văn Thinh Quang và Dương Viết Điền dùng cơm trưa tại tiệm ăn Victory, nơi chúng rất thích gặp nhau vì tiệm bán cơm Tây, anh Dương Viết Điền nói đùa là cả ba chúng tôi đều là 3 cây bút có lẽ không xa ánh hoàng hôn của cuộc đời, tôi phát lên cười đề nghị rằng hễ ai đi trước thì người còn lại sẽ khóc tiễn đưa bằng ngòi bút hay bằng thơ văn, anh Điền ngâm 2 câu thơ của thi sĩ Thâm Tâm qua bài "Tống Biệt Hành": 
"Đưa người ta không đưa sang sông,
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?"
Chú Thinh Quang mỉm cười hòa đồng, tôi biết ông ở tuổi đời hơn bát thập tuần đã mệt mỏi rồi. Những ngày trẻ trung của lứa tuổi 20 khi mới vào Sài Gòn tập sự làm báo với sự nâng đỡ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, ông hăng say làm việc, viết lách ngày đêm. Nhờ những tháng ngày xa xưa đó, ông biết cuộc đời của nhà thơ Hàn Mặc Tử trong những lúc hai ông gặp nhau, ông nói rằng Hàn Mặc Tử dù nổi danh, nhưng tánh tình thường nhún nhường, chính chú  Thinh Quang cung cấp cho tôi những dữ kiện khi viết bài về Hàn Mặc Tử. Khi ông cho tôi biết ông đang viết cuốn biên khảo về cái chết, tôi nhăn mặt nói với ông sao chọn đề tài buồn bã và rợn tóc gáy quá. Ông bảo ai tránh được cửa ải này. Hơn nữa đây là đề tài tự nhiên, mang nhiều triết lý sống, cũng chết, hiện nay nhiều đại học có các môn chủ đề về cái chết giảng dạy cho sinh viên.


Kết Thúc hay Ra Đi Trong Danh Dự: 

Thực vậy, đọc sách Thinh Quang viết về cái chết trong quan điểm biên khảo, ông trình bày các lập luận cho người đọc có nhiều cái nhìn khác nhau và từ đó tự lấy kết luận cho chính mình. Trong vòng lẩn quẩn của tiến trình "sinh, bệnh, lão, tử" thì mấy ai cãi lại được số mạng, và mấy ai cưỡng lại thần chết khi mà thần đến viếng ta, mà trang 65 và trang 156 trong sách Bí Ẩn Của Cái Chết đã bàn nhiều về điểm này rồi. Nếu biết cái Chết sẽ đến, thì tại sao ta không thử tìm hiểu rằng ta sẽ nghĩ gì và đối phó ra sao khi Tử Thần chìa tay bắt xã giao và trao ta vé one-way ra đi trong danh dự cuối đời. Bằng những lời lẽ này, tôi xin kết thúc bài viết về sách Bí Ẩn Của Cái Chết, mà tác giả là nhà văn Thinh Quang. 

Việt Hải, Los Angeles

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét