Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Úc Du Kỳ Ngộ Người Long Hồ


Sau một chuyến bay dài từ Los Angeles đi Hongkong rồi Sydney mất trên 25 giờ bay của hãng Cathay Pacific, tôi đến Úc vào lúc nửa đêm ngày 31 tháng 10 năm 2005. 

Trong suốt thời gian lưu lại Úc Châu gần một tháng, tôi lần lượt viếng thăm hầu hết các tỉnh thành lớn của nước Úc từ Sydney, qua Melbourne, Aldelaide, Perth và Brisbane. Hầu như tại thành phố nào tôi cũng gặp được những người bạn rất thân thương, dù đã quen lâu hay chỉ mới biết nhau qua hình ảnh của Đặc San trường Trung Học Tống Phước Hiệp. Tại Sydney, tôi gặp lại một số học trò cũ đã trên 20 không gặp, bây giờ gặp lại đa số các em đã thành nhân chi mỹ, có gia đình và con cái đầy đàng. Khi mới đến Úc, tôi lưu lại Sydney khoảng 3 ngày, sau đó tôi lại đáp máy bay nội địa Virgin Blue đi Melbourne. 

Tôi đến Melbourne vào buổi sáng sớm, mà trời hè ở đây nóng nực và khó chịu hơn ở Mỹ nhiều. Ở Úc cũng như các xứ trong khối Liên Hiệp Thịnh Vượng Anh đều lái xe bên tay trái, nên cái gì cũng ngược lại với bên Mỹ. Đường sá ở đây tuy hẹp hơn bên Mỹ nhưng cách cách cấu trúc cũng giống. Về phần cây trái thì hầu như ở Việt Nam có thứ gì là bên Úc có thứ đó. Khi tới Melbourne, tôi được các em Kim Phượng, Kim Oanh, Kim Diệp và Kim Hữu, thuộc đại gia đình dòng họ Lê Kim của anh Lê Kim Thành (San Jose) đón và đưa về nhà, tay bắt mặt mừng thể như anh em ruột đi xa lâu ngày nay lại gặp nhau vậy. Đêm 4 tháng 11, mấy anh em chúng tôi thức gần trắng đêm, nói đủ thứ chuyện, chuyện nhà, chuyện đời, chuyện Hội Ái Hữu TPH, đến gần sáng mà vẫn chưa có ai muốn đi ngủ. 

Hình chụp trước nhà Kim Oanh trong buổi hội ngộ.Từ trái sang phải Kim Phượng, Kim Oanh, Ngọc-Em, Kim Diệp. 

Mãi suy tư về chuyến hội ngộ tuyệt vời này, dòng suy tưởng của tôi chợt trở về với những kỷ niệm của tôi và gia đình Lê Kim vào những cuối 1982 đầu 1983, khi tôi mới bước chân ra khỏi lao tù CS, để bước ra ngoài cái xã hội kỳ quặc nhất trần gian, cái xã hội của những người anh em phía bên kia, quyết không chừa cho chúng tôi một chút đất nào để sinh tồn. Lúc đó chính cô dượng Hai, hai vị tiền bối của dòng họ Lê Kim đã hết lòng an ủi và khuyến tấn tôi, nâng đỡ tôi về mặt tinh thần rất nhiều, nhờ đó mà tôi vượt qua được những khó khăn và sinh tồn cho đến ngày hôm nay. À thì ra anh em chúng tôi đã có duyên với nhau từ lâu lắm rồi! 

Kim Oanh và Kim Diệp mải mê nhắc về những kỷ niệm giữa hai gia đình Cô Hai (má của Kim Oanh) và Cô Sáu (má của bà xã tôi). Còn Kim Hữu thì nhắc lại những kỷ niệm vui buồn của em và Ban Giám Hiệu mới của trường Tống Phước Hiệp trong buổi giao thời khi người anh em phía bên kia vừa vào được miền Nam. Trong khi Kim Phượng cứ mãi thắc mắc, không biết có phải tôi đã từng ở cùng xóm hay không mà chưa bao giờ biết hay nghe nói đến tôi bao giờ, rồi đùng một cái ở đâu lù lù về cưới con Cô Sáu. Tôi mỉm cười nói: “Hồi đó anh em mình hổng biết nhau, bây giờ biết nhau lại cảm thấy thân thương hơn để bù lại nè!” Suốt cả đêm anh em chúng tôi thức trắng mà vẫn chưa thấy đủ để nói hết những gì mình muốn nói. Ôi tình cảm của cựu học sinh Tống Phước Hiệp sao mà dào dạt thế! Chúng tôi hiện vẫn đang ngồi chung với nhau đây, nhưng khi chạnh nghĩ đến ngày mai mình lại chia tay nhau, một cảm giác man mác buồn lan tỏa trong hồn. Rồi việc gì đến cũng đến, ngày 6 tháng 11, 2005 tôi rời Melbourne để đi Adelaide. Anh em chúng tôi chia tay trong lưu luyến. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng phải tới hồi chia tay. Chúng tôi hẹn nhau ngày tái ngộ, có thể là ngay trên đất nước Việt Nam thanh bình của mình. 

Chiếc bánh trĩu nặng nghĩa tình trong chuyến Úc Du Kỳ Ngộ 

Chiếc bánh thương yêu của các em gái Tống Phước Hiệp tại Úc Châu dành cho người anh đến từ Mỹ quốc, cùng từng học trường Tống Phước Hiệp nhưng chưa bao giờ biết mặt . 

Các món đồ ăn chay đặc biệt do thợ nấu Kim Oanh, cựu nữ sinh Tống Phước Hiệp thủ diễn. 
Kim Oanh, Kim Phượng, Ngọc Em, Kim Hữu, Kim Diệp

Anh em chúng tôi thân mật và gắn bó nhau như thể chúng tôi đã quen nhau tự thuở nào, hay như thể chúng tôi là anh em ruột thịt xa cách từ bấy lâu nay mới gặp lại nhau vậy. 

Người ngồi kế chót bên tay phải là anh Kim, rễ TPH, cũng gắn bó với chúng tôi như anh Châu, rễ TPH bên California vậy. 
Buổi sáng anh em chúng tôi ra phố Melbourne uống cà phê giống như sinh hoạt ngày nào ở Việt Nam vậy. 
Kim Phượng đang thắc mắc có thiệt phải chúng tôi đã từng ở cùng xóm hay không? Cũng như phỏng vấn về sự tình của Hội Ái Hữu CHS TPH bên Mỹ. 

Kim Hữu (CHS-Nguyễn Trường Tộ) đã xin phép nghỉ mấy ngày để đưa người anh chưa bao giờ biết mặt đi hết vùng biển Melbourne. 
Hình chụp tại Bờ biển Melbourne. Từ trái sang phải Kim Hữu, Kim Oanh, Ngọc-Em. Tất cả đều là CHS-TPH thuộc nhiều thế hệ khác nhau.

Mấy anh em chúng tôi chụp hình chia tay trước khi tôi rời Melbourne đi Adelaide. Sau khi rời Melbourne, tôi đáp phi cơ qua Adelaide và lưu lại nơi này khoảng một tuần lễ, nhưng tại đây không có ai quen thân. Sau đó ngày 15 tháng 11, tôi bay sang Perth. Tại Perth thì tôi gặp lại Lãng, là bạn học hồi mới lên trung học và hai vợ chồng Be-Phước là hai người bạn của em vợ tôi, nhưng lại rất thân với tôi sau những năm tôi ra khỏi lao tù CS(1983). Ở đây gia đình của Be tiếp rước tôi như người anh em ruột thịy đi xa mới về. Tại đây chúng tôi mới phát giác ra chị Phước (vợ của Be) cũng là một cựu học sinh Tống Phước Hiệp cùng đi trong Hướng Đạo với Kim Oanh thời còn đi học. Ôi trái đất này quả là tròn thiệt! Tôi lưu lại nhà của Be một tuần trước khi lên đường qua Brisbane. 

(Gia đình Be-Phước tại Perth—Chị Phước cũng là một CHS TPH 1972— Từ trái sang phải: chị Phước, cháu Thiện, cháu Di, Be, Ngọc-Em) 

Sau khi rời Perth qua Brisbane, tôi lại gặp được một người đàn em cùng xóm, tên Hùng (nhà ở trong Hàng Xoài Lùn, qua khỏi Văn Thánh Miếu). Anh em chúng tôi lại tay bắt mặt mừng trong mấy ngày tôi lưu lại đây. Quả là trái đất tròn! Sau đó tôi lên đường trở về lại Sydney để bắt đầu một chuyến du hành mới qua xứ Thiên Trúc (Ấn Độ).Những tháng ngày lưu lạc đã mòn mỏi đôi chân. Quê hương ngày trở về hãy còn xa xăm diệu vợi trong bóng mờ hoàng hôn. Tuy nhiên, nơi xứ lạ quê người này chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn tình người, tình thầy trò, tình bạn đồng học chung trường, dù có cách nhau đến cả thế hệ vẫn còn nồng ấm như truyền thống Việt Nam thân thương của chúng ta ngày nào. Một lần nữa, xin cảm ơn trường Tống Phước Hiệp đã tạo ra những thế hệ học sinh tài ba, xin cảm ơn thầy cô, xin cảm ơn các em CHS-TPH bên Úc Châu đã dành cho người anh chưa bao giờ biết mặt đến từ Mỹ một cuộc Úc Du Kỳ Ngộ tuyệt vời. Xin cảm ơn và hẹn ngày tái ngộ!!!   

Người Long Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét