Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Mơ Thành Học Sinh Tống Phước Hiệp

     

     Vào thập niên 60s học sinh tiểu học ở các tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình và Sa Đéc chắc ai cũng như tôi, đều mơ thành học sinh Tống Phước Hiệp (thuở đó còn mang tên Nguyễn Thông). Tại sao tôi mơ thành học sinh Tống Phước Hiệp? Dễ hiểu thôi, thứ nhứt là nhà tôi quá nghèo, cha mẹ tôi phải tần tảo vất vả lắm mới nuôi nổi anh em chúng tôi thì lấy tiền đâu ra để cho tôi học trường tư; thứ nhì thuở ấy khắp 3 tỉnh chỉ duy có một trường trung học có từ lớp đệ thất đến đệ nhất, đó là trường Tống Phước Hiệp và thanh thiếu niên nghèo cở tuổi tôi trong ba tỉnh này chỉ có một con đường lựa chọn duy nhứt là phải đậu vào Tống Phước Hiệp để còn được tiếp tục đi học. 

     Ngày đó học sinh tiểu học chúng tôi, sau khi học xong bậc tiểu học là phải chuẩn bị thi tuyển vào lớp đệ thất, tức là lớp 6 bây giờ. Hễ ai đậu thì tiếp tục học trường công, còn ai rớt mà nhà có tiền thì theo trường tư hoặc bán công, nhưng nếu nhà không tiền thì hoặc ở nhà tiếp tục học thi cho năm sau, hoặc khăn gói ra đồng phụ giúp cha mẹ. Bây giờ hồi tưởng lại những kỷ niệm một thời những thí sinh tí hon chúng tôi phải lều chõng đi thi, mình thấy nó vui vui làm sao ấy. Hồi đó thi tuyển vào đệ thất trọn ngày nên những đứa nhà gần như chúng tôi thì buổi trưa chạy ù về nhà ăn cơm, rồi trở lại trường thi tiếp; còn những đứa ở xa như ở các quận lên thì thường có cha mẹ đi theo, lúc con vào thi thì cha mẹ ngồi ngoài quán nước gần đó hay những gốc cây sao ven đường, đợi các con thi xong buổi sáng rồi cùng ăn trưa với các con và tiếp tục đợi buổi chiều để rước con về.  

     Tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nghèo lắm, nghèo da diết, lại sống trong một khu xóm toàn là dân lao động tay chân, nên ít có gia đình nào có ý hướng muốn cho con cái học hành đi lên. Thường thì ai được học tới khi biết đọc biết viết hoặc cùng lắm là hết tiểu học đều cũng ở nhà phụ cha mẹ trong kế sinh nhai. Gia đình tôi thì khác, lúc nào ba mẹ tôi cũng tranh cãi với nhau về vấn đề cho con ăn học. Mẹ tôi thì một mực phải cho con ăn học để có chữ có nghĩa với đời dù thân mẹ có ra sao mẹ cũng cam, vì theo mẹ, giáo dục không những chỉ được dùng để giáo hóa con người hay là bực thang thăng tiến trên đường đời, mà trường học còn là bức chắn không làm cho thanh thiếu niên hư hỏng khi bước chân vào trường đời, khiến cho họ có khả năng sống một đời đáng sống hơn. Còn ba tôi thì ngược lại, ba tôi thực tế trong vấn đề sanh kế trước mắt hơn nên ba thường nói: “học để sau này làm ông cống ông nghè gì đó mà học?” Cứ thế mà tôi phải sống vằng vặt trong hai ý hướng đối nghịch giữa ba và mẹ. Tuy nhiên, thuở đó ba tôi thường không có ở nhà nên mọi chuyện về học hay nghỉ của anh em chúng tôi đều do mẹ quyết định. Thế là anh em chúng tôi vẫn được tiếp tục đi học trong sự đùm bọc của mẹ. 

Năm tôi học lớp nhì cũng là năm ba tôi trở về sống với mẹ con chúng tôi. Từ lúc ba về lúc nào ba cũng có ý định bắt ép tôi phải ở nhà để ra tiệm phụ làm thợ mộc với ba, nhưng lần nào cũng vậy, mẹ và ba tôi đều cãi nhau một trận quyết liệt, rồi tôi vẫn được mẹ cho tiếp tục đi học. Năm tôi chuẩn bị thi đệ thất, không biết ba vô tình hay cố ý, trước ngày thi có một ngày ba kêu tôi và em Minh lại để ba hớt tóc cho. Mẹ nói: “Tự thuở giờ tôi có thấy mình hớt tóc đâu mà đòi hớt tóc cho tụi nó?” Ba nói: “Nhà không tiền nên tôi mua tông đơ về hớt cho sắp nhỏ cho đở tốn kém.” Tôi cũng lại cho ba hớt, ba loanh quanh một hồi rốt cuộc cái đầu của hai anh em tôi trọc lóc. Tôi ứa nước mắt, hôm sau mắc cở quá nên không chịu đi thi, dù mẹ có năn nỉ thế mấy tôi cũng không đi. Mẹ tôi khóc hết nước mắt và hết lòng năn nỉ tôi nhưng tôi vẫn không chịu đi ra ngoài vì mắc cở. 
Ba nói: “Thây kệ nó, nó không đi thi thì ở nhà ra tiệm phụ làm thợ mộc với tôi, chứ có gì đâu mà mình phải khóc!” Sáng hôm sau ba kêu tôi ra tiệm phụ làm với ba. Mẹ tôi òa lên khóc thật to: “Tôi biết mà, mình muốn cho con tôi sống trong ngu dốt để suốt đời chỉ đi làm cu li mà. Tôi nhứt định không cho nó đi đâu hết. Năm nay không thi thì năm tới thi. Tôi cho nó đi học, đi học hoài, tôi nuôi hoài.” Thấy mẹ khóc, tôi cảm thương cho mẹ quá. Từ đó tôi dặn lòng là phải cố gắng học cho thật giỏi cho mẹ vui. Tôi lại bên mẹ xin lỗi vì đã bỏ cuộc thi hôm qua. Mẹ tôi âu yếm nhìn tôi rồi nói: “Thôi hổng sao đâu con, trễ một năm cũng không hề hấn gì. Từ rày về sau con nhớ đừng bao giờ để cho ba con hớt tóc nữa nghe hôn!”  


     Năm sau tôi đi thi với quyết tâm không được quyền rớt, vì rớt là chắc chắn phải bị nghỉ học để đi làm phụ thợ mộc với ba. Ngày tôi đi thi, mẹ nhờ dì Sáu trông coi gánh hàng cho mẹ để mẹ đưa tôi đi thi và rước tôi về. Bây giờ nhớ lại cái ngày đi thi kỷ niệm năm đó tôi vẫn còn cảm thấy một niềm hạnh phúc trào dâng trong tâm hồn. Hôm trường đọc kết quả cuộc thi tuyển vào lớp đệ thất, tôi ra trễ và chui vào đám đông học trò cũng như các cha mẹ đang chờ nghe kết quả. Tôi đợi trường đọc đến hết danh sách mà cũng không nghe tên mình, tôi buồn bã trở về nhà chứ không đợi họ dán giấy lên tường. Buồn quá, tôi không muốn về nhà ngay nên tạt qua nhà ông bà ngoại ở góc đường Trương vĩnh Ký và Lý thường Kiệt, khi đến góc đường thì tôi gặp ngay bạn Nguyễn phước Anh, bạn kêu tôi và chúc mừng. Bạn nói: “Ê mừng ghê mậy, mầy đậu hạng 6 còn tao đậu hạng 5.” Đang buồn mà nghe bạn nói như vậy, tôi cứ tưởng là bạn muốn trêu chọc mình, nên tôi nói: “Thôi rớt rồi bạn ơi! Đừng có chọc tôi hoài! Bạn biết hôn, tôi mà rớt là kể như bị ba cho nghỉ học để ra tiệm làm phụ thợ mộc với ba chớ không được tiếp tục đi học đâu.” Bạn Phước Anh nói: “Ai nói bạn rớt, tôi nghe đọc tên bạn rõ ràng, tôi thứ 5, bạn thứ 6, ngay sau khi họ đọc tên tôi mà, không tin tôi với bạn trở ra xem giấy kết quả thì biết.” 
Thế là hai đứa chúng tôi cùng nhau đi lộn trở ra trường để xem giấy, nhưng ra đến nơi thì hai tờ giấy đầu, từ hạng nhứt đến hạng 50 đã bị xé mất. Bạn an ủi và bảo về, bạn nói: “nhứt định bạn đậu với tôi mà, tôi nghe hổng có trật đâu. Nếu không tin thì bạn cứ đi hỏi mấy ông thầy coi!” Trời đất ơi, mình làm gì có quen với ông thầy nào mà biểu đi hỏi. Hồi đó thấy mấy ông thầy là sợ muốn gần chết, thiếu điều muốn chạy trốn, thì làm gì có gan mà đi hỏi? Vừa về đến nhà, mong sao cho gặp mẹ để thủ thỉ với mẹ, nhưng lại không gặp mẹ mà gặp ngay ba, tự thuở giờ lúc nào ba cũng là khắc tinh của tôi, nên khi ba hỏi: “Sao mậy, đậu rớt?” Tôi giật bắn người lên và lập bập: “Con không nghe tên mình vì con ra trễ, nhưng nghe bạn Phước Anh nói con đậu hạng kế bạn.” Ba liền hỏi tiếp: “Nói thiệt cho tao nghe đi, để tao tính cho. Rớt cũng không sao, ba không đánh đâu. Hễ đậu thì đi học tiếp, còn rớt thì ra làm phụ thợ mộc với ba chớ có gì đâu!” Tôi nói với ba: “Con nói thiệt, con không nghe tên vì ra trễ, nhưng bạn Phước Anh cả quyết là con đậu.” 
Hôm sau trời vừa tờ mờ sáng là ba biểu thức dậy ra tiệm phụ mộc với ba. Mẹ vì đi bán về khuya quá nên tôi chưa có dịp nói chuyện với mẹ. Khi ba biểu đi làm với ba thì tôi cố tình nói lớn cho mẹ nghe, ý mong cầu cứu mẹ: “Hôm nay con phải đi trả sách cho bạn bè, vì cả năm nay ở nhà nên chỉ mượn sách và bây giờ phải trả lại cho họ.” Ba nói: “Thi rớt thì phải đi làm, sách chừng nào trả cũng được.” Mẹ nghe cuộc nói chuyện giữa ba và tôi nên mẹ lồm cồm ngồi dậy, hỏi tôi về kết quả thi cử. Tôi cũng thuật lại cho mẹ y như tôi thuật cho ba. Mẹ tôi nói: “Con nó vừa mới thi xong, ví dầu nó có rớt cũng phải cho nó nghỉ vài ngày, chứ làm gì mà bắt phải đi làm liền, con người chứ đâu phải con trâu.” Nói xong mẹ xoay qua tôi: “Con cứ ở nhà, chuyện hỏi lại kết quả để mẹ lo. Mẹ sẽ qua nhờ thầy Sanh bên trường Thiềng Đức dọ hỏi dùm.” Thú thiệt về sau này khi tôi đã học và hiểu được về khoa tâm lý, tôi mới cảm thương ba tôi hơn, chứ không giận hờn oán trách. Tội nghiệp, ba tôi từ nhỏ đã sống trong môi trường như vậy, lại nữa nhà ông nội có tiền nên chuyện học hành đối với ba không quan trọng bằng chuyện kiếm ra tiền. Chính vì vậy mà chuyện học hành của tôi hầu như lúc nào cũng là đề tài cho ba mẹ cãi nhau. 

Tuần sau, mẹ nhờ thầy Sanh dọ hỏi dùm và thầy cho biết thằng nhỏ đậu hạng 6, y như lời của bạn Phước Anh. Như vậy kể từ đó tôi đi học chẳng những khỏi phải đóng tiền, mà mỗi năm còn được học bỗng của trường cho nữa. Thuở đó những ai đậu hạng cao, hình như từ hạng nhứt đến hạng 20 thì được học bỗng toàn phần, mỗi năm 1.800 đồng, từ hạng 21 đến hạng 50 thì được học bỗng bán phần, mỗi năm được 900 đồng. Tôi biết tôi chỉ là một trong rất nhiều học sinh của ba tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình và Sa Đéc mơ làm học sinh Tống Phước Hiệp, mà cũng có rất nhiều người khác cũng mơ như chúng tôi, nhưng chẳng bao giờ thực hiện được giấc mơ của mình vì thuở đó thi đệ thất vào trường công là thi tuyển, chứ không phải chỉ đủ điểm là đậu. Ngoài ra, thi đệ thất hồi đó, ngoài sức học của mình ra, phải nói cuộc thi này còn là một canh bạc may ruổi cho rất nhiều người. Có khi có người học rất giỏi mà hôm đi thi lại bị cảm mạo nóng sốt là cũng kể như rồi. Mỗi năm chỉ có một lần, nên biết bao thư sinh lứa tuổi tôi phải lở khóc lở cười vì phải hoặc ở nhà phụ làm thợ mộc với ba, hay phải xếp bút nghiêng lo việc đồng áng. Bây giờ đã hơn nửa đời nhìn lại, tôi thấy thương quá cả mẹ lẫn cha, thương quá thầy cô, thương quá ngôi trường đã cho tôi kiến thức và trí tuệ để làm một con người thật là người.  

     Thế là niên học 1962 tôi bắt đầu vào lớp đệ thất 5 của trường Tống Phước Hiệp, nhưng thuở đó có lẽ vì trường mới chưa có đủ lớp nên những lính mới chúng tôi còn phải học một năm ở trường cũ, mang tên Nguyễn Thông mà bấy giờ đã trở thành trường bán công. Lớp học tôi nằm bên phía đối diện với tiểu chủng viện Xuân Bích, được cách bởi con đường đầy cây me còng (loại có trái khi chín thì trở màu đen và tươm mật rất ngọt, khi ăn vào có thể bị say máu ngà). Tôi vẫn còn nhớ anh trưởng lớp tên Hậu, hơi lớn tuổi hơn chúng tôi, nhưng rất hiền và dễ thương. Về sau nghe nói anh đã hy sinh ở mặt trận vùng Chương Thiện. Đến năm đệ lục, anh em chúng tôi lại khăn gói dọn về trường lớn, nằm ngay trên đại lộ Gia Long, đối diện với sở công chánh, mà ngày đó người dân quen gọi là sở trường tiền. Tại trường mới, lớp của chúng tôi nằm ở tầng hai, ngay hai góc đường Pasteur và Hùng Vương, ngó xuống là thành lính truyền tin. 
Trường Tống Phước Hiệp tọa lạc trên một mảnh đất khá rộng, bao quanh bởi bốn con đường, mặt tiền hay phía bắc của trường là đại lộ Gia Long, phía đông là đường Pasteur, phía nam là đường Hùng Vương, tôi không còn nhớ phía tây là con đường tên gì, nhưng phía này giáp với khu phố của chợ Vĩnh Long. Đây là ngôi trường thiệt đẹp, trong sân trường được trồng nhiều cây phượng vỹ, nhứt là con đường từ cổng đi vào phòng khánh tiết, hai bên được viền bởi hai hàng phượng vỹ thật tuyệt, nhứt là những lúc sắp vào hè, những lúc chúng tôi sắp sửa xa nhau thì hai hàng phượng nở rộ đỏ thắm cả trường. Bây giờ ngồi đây, hơn nửa vòng trái đất xa quê, tôi thấy nhớ thương làm sao những năm tháng vụn dại của tuổi học trò năm xưa. 
Thời gian qua mau, sau đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, rồi đệ tứ, chúng tôi chuẩn bị thi trung học đệ nhất cấp thì được tin cuộc thi này được bộ Giáo Dục hủy bỏ, những ai thi đậu hai kỳ lục cá nguyệt ở trường sẽ được đương nhiên được cấp bằng trung học. Cuối năm đệ tứ, anh em lớp đệ thất 5 của chúng tôi phải chia tay vì trường sắp lớp đệ tam theo ban mà mình chọn, hoặc A (vạn vật), hoặc B (toán), hoặc C (văn chương), hoặc D (cổ ngữ). Ngày đó với tôi chỉ có ban B là thích hợp nhất, vì không có thì giờ học bài nên không dám theo ban vạn vật, không biết gì về văn chương thi phú nên ban văn chương cũng không dám ngó tới, còn cổ ngữ thì hầu như không có người theo. 
Những năm đầu trung học, vì nhà nghèo, phải phụ mẹ giữ em nên không có giờ học bài vì thế suốt ba năm thất lục ngũ, tôi học hành không giống ai hết, bắt đầu từ năm đệ tứ, tự nhiên tôi học vượt lên hầu hết các bạn trong lớp, nên tháng nào cũng được nhà trường cho vào đứng trong bảng danh dự và cuối năm ấy tôi được lãnh thưởng hạng danh dự, rồi đệ tam và đệ nhị năm nào tôi cũng được lãnh thưởng toàn trường. Tuy nhiên, năm thi tú tài I tôi chỉ đậu hạng bình vì không làm được một câu việt văn nào. Sau khi xong tú tài I, vì nước hay vì nhà mà tôi phải ra đi, lên đường chinh chiến, bỏ lại sau lưng tất cả những kỷ niệm êm đềm của một thời vàng son ngày đó. Cuộc đời tôi lúc đó cũng nổi trôi theo vận nước, chỉ là một đám mây mù trước mặt, nên tuổi chim non đã ngưng bặt tiếng hót khi chưa chớm bay được vào đời. Thời gian êm đềm đối với tôi như một chớp mắt, thoáng đó mà vật đổi sao dời, con người thay đổi và hoàn cảnh thay đổi. Tuổi trẻ nghèo nàn của tôi qua đi trong cơ hàn vất vả, không có lấy một ngày vui, nhưng những kỷ niệm lưu lại trong tôi là những gì tôi trân quí nhứt đời. Bây giờ dù tuổi trẻ tôi đã qua đi nhưng tâm hồn tôi vẫn như ngày nào, vẫn nhớ nước nhớ quê, nhớ trường xưa bạn cũ với chất ngất kỷ niệm một thời.     


     Dù tôi không được học hết trung học trong mái trường Tống Phước Hiệp thân yêu, nhưng với tôi, Tống Phước Hiệp lúc nào cũng là nơi thân thương đong đầy kỷ niệm của thời đi học. Nếu không có ngôi trường thân yêu ấy thì năm năm sau, không cách chi tôi có khả năng hoàn tất được hai chương trình đại học ban Anh văn và Việt Hán, và rồi trên bước đường lưu lạc nơi xứ người, cũng không có cách chi mà tôi tiến xa hơn được để thành công trên bước đường sự nghiệp. Tôi muốn nhân bài viết này để cảm ơn tất cả thầy cô và nhân viên của trường, từ thầy cô hiệu trưởng (thầy Đào khánh Thọ dạy Vạn vật và cô Võ thị Ngọc Dung dạy Sử địa), thầy Nhơn dạy Pháp văn (đã thất lộc), thầy Vỹ dạy toán (đã thất lộc), thầy Bai dạy Lý Hóa, thầy Nguyên dạy Lý Hóa, thầy Hiệp dạy Việt văn, thầy Bảo dạy Lý hóa, thầy Ngẫu dạy Công dân, thầy Côn dạy Pháp văn, cô Phi dạy Anh văn, thầy Nhã dạy Anh văn, hai thầy Diệp (một mắt kiếng và một móm) đều dạy Toán, thầy Quang dạy Toán, cô Ross (người Mỹ dạy Anh văn), thầy Vĩnh dạy vẽ, cô Từ tiểu Linh và cô Hượt dạy Việt văn. Còn nhiều thầy cô nữa mà tôi không còn nhớ được tên. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả nhân viên của trường từ chú y tá, bác lao công đến bác Năm đánh trống (đã thất lộc). Tôi cũng không quên tri ân những bằng hữu đã an ủi và khuyến tấn tôi trong thời hàn vi cơ cực như bạn Hữu An, Lai, Chí Hiếu, Đầy, Dương (đã thất lộc), Thới, Khánh, Hỷ, Dậu, Còn, Phước Anh và Công Danh, Việt Dũng, Hữu Dũng, Hoàng, Đen, Hội, Tấn, Ngọc Huệ, Ngọc Chúc, Tương Thục, Nhạn, Minh Lan và Minh Nga. Tất cả đã gói ghém, đã đong đầy trong tôi không biết bao nhiêu là kỷ niệm, tất cả là một phần đời, một phần kỷ niệm vô cùng tươi đẹp của tôi, mà cho mãi đến hôm nay lúc nào tôi cũng trân trọng mỗi khi chia sẻ những kỷ niệm này với bằng hữu.        
Ngưỡng cửa trung học là ngưỡng cửa mà ai trong chúng ta cũng đều có rất nhiều kỷ niệm. Hồi đó ai cũng ngán quý thầy quý cô, thấy mặt là sợ là ngán. Như năm học Vạn Vật với thầy Thọ, hồi đầu năm học, đứa nào đứa nấy đều ngán thầy vì mặt thầy rất nghiêm. Nhưng rồi thời gian trôi qua, mấy tuần lễ sau đó, riêng tôi tôi không sợ thầy mà tôi kính trọng vì thầy rất nguyên tắc đúng cách của một nhà mô phạm. Cô Dung thì dạy Sử, cô rất hiền, ít khi nào rầy la học trò; tuy nhiên, giờ Sử của cô là giờ cô bắt trả bài nhiều nhất, mà tôi thì ít khi nào thuộc bài sử địa, không phải vì làm biếng mà ngày ngày đi học về là bận giữ em tới tối, đến tối khi mấy em đã đi ngủ thì tới phiên mình cũng nhướng mắt hết lên, nên bài của cô tôi để nguyên trả lại cho cô chứ ít khi học. Hồi đó tôi thích nhứt là giờ toán của mấy thầy Diệp, thầy Quang, thầy Vỹ, và Lý Hóa của thầy Nguyên, thầy Bảo, thầy Bai... vì những giờ này, chỉ cần nghe mấy thầy giảng ở trường là có thể làm bài được nên khỏi phải học bài, rất thích hợp với hoàn cảnh không có giờ học bài của tôi thời đó. Tôi cũng thích giờ Việt Văn của thầy Hiệp, nhứt là những giờ thầy giảng về Kiều, rồi thầy Ngươn dạy Hán văn. Vào giờ học anh văn với cô Phi hồi đó mấy bạn học của tôi hình như ai cũng có biệt hiệu riêng, riêng tôi không hiểu vì sao mà tôi thoát được cái cảnh mang biệt hiệu. Như bạn Trần chí Hiếu, đọc mãi không ra chữ “picture” mà cứ đọc là phít-chờ, nên từ đó thành danh là “phít-chờ.” Bạn Đầy cũng vậy, đọc mãi không ra chữ “twentyone,” mà cứ đọc là tu-quen-ti-quanh, nên từ đó về sau hễ nói đến “tu-quen-ti-quanh” là biết ngay đến bạn Đầy.  Đầy bây giờ hiện là hiệu trưởng của một trường trung học ở Vĩnh Long. Năm trước tôi về thăm quê, có tìm thăm Đầy. Tôi nói với Đầy: “Trời đất ơi! Hiệu trưởng gì mà sáng say chiều xỉn như thế này ông địa ơi!” Đầy tâm sự: “Bạn ơi, bạn sớm chạy nên thân thể được nguyên vẹn, chứ bạn thấy tui hông, từ chết tới bị thương nên nhậu cho quên đời.”        
  

Sau khi bước qua ngưỡng cửa nửa đời người, bây giờ tôi mới thấy hình như không có kỷ niệm nào đẹp hơn những kỷ niệm thời trung học, tiểu học còn quá nhỏ nên chỉ nhớ lan man, đại học thì quá loãng nên thường thì mạnh ai nấy lo, chứ không khắn khít như thời trung học. Thời gian gần 40 năm kể từ ngày tôi rời xa mái trường xưa, thế mà tôi cứ tưởng như mới hôm nào, tất cả những kỷ niệm vẫn còn hiện ra rõ mồn một trong tôi chứ chẳng hề phôi phai tí nào cả. Bây giờ hễ mỗi lần tôi nghe ai nói đến ba chữ “Tống Phước Hiệp” là lòng tôi rộn lên một niềm vui khó tả. Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi nhỉ! Đã gần năm thập niên kể từ ngày tôi bước chân vào mái trường thân yêu ngày ấy, và cũng đã gần  bốn thập niên kể từ ngày tôi rời xa nó, nhưng sao kỷ niệm về trường Tống Phước Hiệp vẫn còn đong đầy trong tôi. Ngày ấy trường tôi là trường hổn hợp giữa nam và nữ, nên không chỉ khô khan với bộ đồng phục quần tây xanh áo sơ mi trắng, mà thoang thoáng đó đây là những tà áo dài trắng thướt tha của các nữ sinh. 
Nữ sinh Tống Phước Hiệp hiền lành và dễ thương, hiền lành và dễ thương như chính cái miền đất đã cưu mang họ: Vĩnh Long, Long Hồ, Long Thanh, Long Mỹ, Mỹ An, Phước Hậu, Phước Ngươn, Tân Ngãi, Trường An, Chợ Lách, Tân An Luông, Cái Nhum, Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn... Tưởng như đã quên vì đã hơn bốn chục năm xa trường rồi còn gì? 

Bốn chục năm tính ra nó còn dài hơn nửa đời người, hoặc giả nó còn dài hơn sinh mệnh của những thanh niên yêu nước thời tôi, lên đường vì tiếng gọi hồn thiêng sông núi để rồi hy sinh cho lý tưởng tự do ở cái tuổi đôi mươi. Bốn chục năm trôi qua mà tôi cứ tưởng như mới hôm nào, mới hôm nào cùng bạn bè rủ nhau trốn học để đi qua cù lao An Thành, hoặc đạp xe một vòng ngoại ô thành phố Vĩnh Long. Có khi chúng tôi đi từ cầu Thiềng Đức, dọc theo bờ sông Long Hồ đi vô Long Thanh, Long Mỹ, có khi chúng tôi đi ngã Cầu Lầu vô Văn Thánh, rồi đi cầu Ông Me, có khi chúng tôi đi lên cầu Lộ, rồi lên ngã ba Cần Thơ, qua cầu Vồng, rồi trở về bằng ngã phường ba qua cầu Công Xi Heo. Cũng có khi chúng tôi qua cầu Thiềng Đức đi xuống Mỹ An, đây là con đường đẹp nhứt với những ruộng lúa xanh rì hai bên đường, loáng thoáng bên trái chúng tôi là sông Cổ Chiên, nhưng hồi đó ít khi nào chúng tôi đi ngã này, vì ngã này kể ra mất an ninh hơn những ngã khác. Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm nên tôi ít khi dám làm bạn với ai, một phần vì mặc cảm, phần khác không có thì giờ đâu để mà kết bạn. Đi học về, vừa buông tập vở là phải giữ em và dọn dẹp nhà cửa, rồi còn phụ với mẹ để mẹ chuẩn bị cho buổi bán hôm sau. Tuy nhiên, tôi cũng có những người bạn trai cũng nghèo như tôi, đó là các bạn An và Lai  từ Cái Nhum lên học. Bạn Còn từ Cổ Cò qua, bạn Hiếu gia đình không giàu lắm, nhưng nhờ ít anh em nên Hiếu rất sướng. Bạn Hội, Khôi và Hoàng ở Long Thanh. Bạn Đầy, thì cha ở trong quân đội, còn bạn Dương ở vùng quê lên trọ học, nhưng bị tai nạn xe honda và qua đời năm đệ ngũ. Ngoài ra, tôi còn một số các bạn nối khố từ thời tiểu học ngay tại thị xã Vĩnh Long như các bạn Bê, Xê (đã thất lộc), bạn Khánh, Hỷ, Dậu, Thới, Lộc (Long Hưng)...  

     Trường Tống Phước Hiệp là nơi đã đưa tôi đến quen thân với hai người con gái, một tên H và một tên T, cả hai cũng là bạn rất thân trong thời trung học. Hai người này gia đình khá hơn gia đình tôi nhiều, nhưng hình như chúng tôi có duyên với nhau nên lúc nào họ cũng giúp đở và khuyến tấn tôi. H thì quê ở Tân An Luông, còn T thì sát cạnh nhà tôi. H lên trọ học gần xóm nên nhân một buổi tan trường, về cùng đường, xe đạp của nàng bị sút dây xên, tôi sửa dùm, thế là chúng tôi quen nhau từ năm 1964. Những ngày nghỉ học, tôi và H thường hay rủ nhau qua chơi cù lao An Thành, hoặc giả cùng đạp xe trên những con đường làng Long Hồ. Còn T là cô bạn láng giềng, nhà gần nhà tôi, nhưng lúc ấy nhà T lúc nào cũng cổng kín cao tường nên tôi ít khi có dịp được cùng T chuyện trò hay đi đâu chơi với nhau. Mẹ tôi có biết về những quan hệ này của tôi, mẹ không cản ngăn tôi kết bạn với ai, nhưng khi biết tôi quen thân với T và H, mẹ có khuyên: “Mẹ thấy T và H, đứa nào cũng thùy mị dễ thương, nhưng như con thấy đó, nhà mình nghèo không xứng với ai hết. Con còn nhỏ nên chưa biết về bức tường môn đăng hộ đối, nhưng con ơi chính bức tường ấy đã cướp mất đi biết bao nhiêu là mơ ước của tuổi thơ.” Tuy nhiên, về sau này, một lần ghe dầu cháy, cả T và H, đều chạy qua nhà tôi để lánh nạn lửa, lúc đó mẹ có dịp quan sát hai cô bạn gái của tôi thật lâu và thật nhiều, nên mẹ có nói: “Cả hai đứa H và T đều rất dễ thương. Nhà con H ở đâu thì mẹ không biết, nhưng nhà con T ở đây, con nhà tử tế, nên con trai xóm này ít ai dám dòm ngó, mà sao con của mẹ gan quá.” 
Ngày đó, trong gia đình, ngoài mẹ ra tôi rất thân với đứa em trai kế tên Minh, nhỏ hơn tôi hai tuổi, nhưng lúc nào Minh cũng tỏ ra có những ý kiến đứng đắn và chính xác trong mọi vấn đề. Tôi thường tâm sự và chia sẻ với Minh về tất cả mọi thứ, ngay cả những riêng tư tình cảm. Minh nhận xét rất khách quan và rất đúng về hai cô bạn gái rất thân của tôi, Minh nói: “Cả hai chị H và T, chị nào cũng rất dễ thương, nhưng chị H có vẻ kiêu kỳ hơn, còn chị T thì thùy mị và gần gủi hơn. Nếu là em thì em sẽ lựa chị T.” Tôi nói với em Minh là tôi, H và T chỉ là bạn thường thôi, chứ tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện lập gia đình với họ, vì gia cảnh khác biệt. Tôi rất mến họ vì họ làm bạn với tôi bằng tất cả sự chân thành của tình bạn, chứ không nghĩ gì đến sự cách biệt giàu nghèo.               

Về sau này, trước khi vào quân đội, tôi và H có nhiều chuyện bất đồng. Lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến  chuyện lập gia đình, vì thứ nhứt nhà nghèo mà tôi thì chưa có sự nghiệp gì trong tay và thứ hai là tôi sắp sửa sống đời lang bạt của kiếp chinh nhân, rày đây mai đó, sống chết không hạn kỳ thì làm gì dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. H thì không muốn thấy tôi đi lính, H nói: “Phải chi anh học dở hay học không nổi thì bỏ đi lính không ai cản, nhưng anh thấy đó, ở cái xứ Vĩnh Long này có mấy người đậu tú tài được hạng ưu hạng bình như anh? Thế mà anh lại quyết định bỏ đi. H sẽ giúp anh học tiếp, anh đừng đi.” Dù tôi cố giải thích cách mấy đi nữa, H cũng không chịu nghe, mà chỉ một mực nài nỉ tôi đừng đi lính. Tôi biết khả năng gia đình tôi, ba mẹ tôi lo cho con cái đến trung học là đã không còn hơi sức, lấy đâu khả năng lo cho tôi lên đại học, còn nhờ vả H, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận. Thế rồi tôi vào quân đội, cả T và H đều buồn, nhưng tôi không có khả năng lựa chọn là nên ở hay nên đi. Sau này cả H và T đều lên Sư Phạm, rồi năm 1970 H qua đời vì bệnh tim lúc tôi còn đang du học bên Mỹ. T tiếp tục xong Sư Phạm và ra dạy ở Chương Thiện năm 1971.  

     Đầu năm 1972, sau bao năm chinh chiến miền xa (tận vùng địa đầu hỏa tuyến) tôi bỗng nhớ đến bài hát vè quen thuộc về địa danh Vĩnh Long: “Đèn nào cao bằng đèn Cầu Lộ, gái nào ngộ bằng gái Cầu Lầu,” nên tôi đã xin phép về Vĩnh Long cưới vợ. Tôi và T thành hôn, dù sống trong khói lửa chiến tranh và tôi phải luôn xa nhà, nhưng chúng tôi rất tâm đầu ý hợp. Rồi chưa được bao lâu thì cơn đại hồng thủy đã úp lên đầu mọi người. Cùng chung số phận nghiệt ngã của bao nhiêu quân cán chánh miền Nam, tôi phải mang thân tù đày không biết có ngày ra, còn T thì mất việc nên phải bương chảy ngược xuôi trong suốt tám năm biệt xứ của tôi để vừa lo cho chồng, vừa nuôi dạy con cái. Thương quá người nữ sinh Tống Phước Hiệp, mới hăm bốn hăm lăm tuổi đầu đã phải chịu cảnh đọa đày theo vận nước nổi trôi, bỏ quên cuộc đời trẻ trung, quyết giữ một lòng trung trinh chung thủy với chồng. Ngày tôi ra tù chưa bao lâu thì tôi lại phải ra đi tìm lẽ sống, lại một lần nữa xa vợ xa con, xa cha xa mẹ để dấn thân vào con đường “thập tử nhứt sinh” trong khi vợ tôi đang có mang đứa con trai út của chúng tôi. Thật trớ trêu làm sao cho những cái bánh vẽ và những danh từ hoa mỹ mà người ta lợi dụng để xô đẩy cả một dân tộc vào hố thẳm của nghèo khổ cực cùng. Thật trớ trêu thay cho một cuộc đổi đời, từ ấm áo no cơm đến bần cùng cơ cực, từ ấm êm hạnh phúc đến tan tác, chia ly, tủi nhục và khổ đau! Ngày tôi đi tù, con trai lớn tôi mới có 18 tháng, và con gái tôi chỉ mới có 6 tháng. 

Đến ngày chúng tôi đoàn tụ với nhau trên đất Mỹ thì con trai lớn tôi đã 16 tuổi, con gái 15 tuổi và con trai út đã gần 5 tuổi. Thật trớ trêu quá cho thanh niên trong thời đại của chúng tôi.  Chúng tôi đã bắt đầu làm lại tất cả với hai bàn tay trắng trên mảnh đất tạm dung này. Giờ thì hai đứa con lớn chúng tôi đã trưởng thành và nên người, còn con trai  út của chúng tôi cũng đã lên năm thứ hai đại học. Nhìn các con tôi lớn lên trên miền đất tự do và thành tựu những mơ ước học hành, tôi cảm thấy hạnh phúc cho các con quá, vì chúng không phải trải qua những mơ ước tưởng chừng bình thường, nhưng lại hóa ra là “chỉ mành treo chuông” như tuổi thơ của chúng tôi.         

Thầy Hiệu Trưởng Đào Khánh Thọ

Cách đây hai năm chúng tôi có duyên mai gặp lại thầy cô hiệu trưởng và một số bạn hữu, chúng tôi đã co cụm quanh thầy cô hiệu trưởng để thành lập hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp. Dù không ai cùng lớp với ai ngày xưa, nhưng chúng tôi không cảm thấy chút nào xa lạ, chỉ một vài lần anh em chúng tôi quây quần bên thầy cô hiệu trưởng và các vị giáo sư khác trong những lần họp mặt là những kỷ niệm thân thương năm xưa cứ trào dâng và trào dâng khiến cho chúng tôi có cảm tưởng như đã quen nhau tự thuở nào. 
Từ đó đến nay sinh hoạt của anh em chúng tôi ở quận Cam và khắp nơi trên thế giới trở nên sinh động như được hồi sinh. Đọc lá thư hội trưởng trong Đặc San Xuân Giáp Thân 2004, Mái Trường Xưa của hội, tới đoạn ‘dù anh ở ngã Tư Long Hồ, hay chợ Trường An, dù ở Long Thanh, Long Mỹ hay Phước Hậu, Phước Ngươn, dù chị ở Bắc Mỹ Thuận hay Bắc Cổ Chiên, Bình Hòa Phước, dù em ở Cầu Kinh Cụt hay trong xóm Bún, thì chúng ta vẫn là dân một xứ, xứ Vĩnh Long, cùng học một trường, trường Tống Phước Hiệp” lòng tôi nghe rộn ràng nhớ nhung quá về xứ Vĩnh, nhớ về thầy cô và ngôi trường đã hun đúc cho tôi thành người. 
Bây giờ khi đã trải qua những ngã đường nắng mưa xuôi ngược, đã trải qua những cơn mưa dồn sóng vỗ của kiếp nhân sinh, khi đã trải qua không biết bao nhiêu là tang điền thương hải, khi tuổi càng gần với buổi xế chiều, thì những kỷ niệm thời đi học càng sống dậy, càng thắm đượm trong tâm hồn mình như những hành trang cho mình tiếp tục bước đi trong cuộc hành trình cho những ngày còn lại của đời người. Thật tình mà nói, ai trong chúng ta cũng đều có tấm lòng gắn bó với quê hương xứ sở, ai cũng có một nơi thân thương để trở về, trở về lại ngay cái chốn mà năm xưa mình đã ra đi, trở về với biết bao kỷ niệm chất chồng, buồn vui lẫn lộn, trở về dù biết rằng rất có thể sau cuộc đổi đời trớ trêu năm đó rất có thể họ đã xóa tan hết những kỷ niệm thân thương xưa, nhưng ai trong chúng ta cũng đều mong mỏi được một lần trở về. 

Thời gian qua đi nhanh quá, mới đây mà đã gần bốn mươi năm mình xa trường xa bạn, bốn mươi năm không dài nếu đem so với thời gian vô cùng vô tận của vũ trụ, nhưng bốn mươi năm không quá ngắn đối với một đời người. Bốn thập niên với biết bao thăng trầm thay đổi từ hoàn cảnh đến cuộc sống, nhưng thời gian ấy chưa đủ dài để làm phôi phai những kỷ niệm êm đềm về mái trường, về thầy xưa bạn cũ. Năm ngoái tôi có về thăm lại quê hương, thăm lại trường cũ, quê hương vẫn còn đây và trường cũ vẫn còn đó, nhưng buồn thay hầu hết thầy xưa bạn cũ đã tản mạn phương nào, hay vĩnh viễn ra đi trong cơn nổi trôi của vận nước. 
Con đường thẳng từ nhà tôi ra cầu Lầu rồi đến trường Tống Phước Hiệp vẫn còn đây, ngày trước nó mang tên Gia Long, bây giờ tôi không biết và tôi cũng không cần biết nó mang tên gì, nhưng với tôi, con đường Gia Long năm xưa vẫn hết sức thân thương, vì nó đã chuyên chở tôi đến trường trong suốt thời trung học. Ngày đó nhà nghèo, không có tiền mua xe đạp nên anh em chúng tôi đều đi bộ tới trường. Nhìn lại những góc phố thân quen lòng tôi bỗng bồi hồi một niềm cảm xúc, cổng trường vẫn là cái cổng ngày đó, nhưng người ta đã thay bảng đổi hiệu. Nhìn lại trường xưa, rồi nhìn những em học sinh tới lui trong trường với những khuôn mặt đầy khắc khoải lo âu, tôi thấy thương quá ngôi trường và thương quá cho tuổi thơ Việt Nam. Phải chăng các em khắc khoải lo âu cho ngày mai hay bất cứ ngày nào, khi cha mẹ các em không có tiền để đóng cho những khoản tiền mà nhà nước đã đặt ra là các em sẽ không còn cơ hội đến trường nữa? Phải chăng các em lo âu cho cái tương lai mù mịt không có ngày mai của các em trên cái xứ mà những kẻ chóp bu vênh váo tuyên bố rằng họ chỉ xem ‘trí thức như những cục phân không hơn không kém’ nên tiêu chuẩn lựa chọn không những chỉ riêng cho trường học, mà ở khắp nơi nơi chỉ đều dựa trên đảng tịch, hay các em lo rồi đây dù có ra trường mà cha mẹ không có đảng tịch hay không có khả năng lo được thủ tục “đầu tiên” cũng khó lòng mà vô đại học hay một trường chuyên môn nào được? Đó là chưa kể những em kém may mắn hơn, không có lấy một ngày cắp sách đến trường, mới lên năm lên bảy đã phải theo cha mẹ ra đồng gánh mạ, gánh phân, thì còn gì là tuổi trẻ, còn gì là tương lai? Đâu rồi tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng của nền giáo dục năm xưa? Đâu rồi những khuôn mặt nghiêm trang mà đáng kính của những bậc thầy đúng nghĩa của nó? Đâu rồi một thời vang bóng của ngôi trường nổi tiếng là nơi đào tạo nhân tài tương lai của đất nước? Tôi còn muốn hỏi nhiều lắm, nhưng tôi tự hỏi, hỏi chi nhiều khi mình chả có được lấy một câu nào trả lời gọi là thích đáng. 

Quê tôi tự thuở giờ vẫn nghèo, nhưng là cái nghèo bình an chứ không như cái nghèo bất ổn như bây giờ. Người dân Vĩnh Long hôm xưa luôn cần cù, luôn kiên nhẫn chịu đựng tai trời, ách nước, họa người. Người dân Vĩnh Long hôm nay  cũng vẫn nghèo, họ vẫn cần cù và kiên nhẫn chịu đựng những tai trời, ách nước, họa người, nhưng đâu rồi cuộc đời dung dị hồn nhiên của thuở nào? Ngày trước học trò chúng tôi xuất thân từ mọi tầng lớp xã hội, nghèo có mà giàu cũng có, đi học thì có đứa học giỏi mà cũng có đứa học dở, có đứa siêng năng chăm chỉ, nhưng cũng có đứa lười biếng hay cúp cua dạo phố, có đứa ngoan ngoản nhưng cũng có đứa hay phá phách thầy cô trong lớp, tuy nhiên, tâm hồn chúng tôi lúc nào cũng dung dị hồn nhiên, chứ không vật vả chán chường như các em hôm nay. Nhìn thấy một đám con nít ở lứa tuổi 12 hay 13, tay đứa nào cũng cặp một cặp vé số, miệng mồm há hốc, chạy theo khách kỳ kèo từng tờ giấy số. 
Khi đang đứng thẫn thờ trước cổng trường xưa, tôi kêu một em bán vé số lại, hỏi tuổi, hỏi tên, hỏi nhà, hỏi tại sao em không đi học, và hỏi nhiều thứ lắm? Em tự nhiên trả lời như không có chuyện gì: “Đi học rồi lấy gì ăn chú ơi! Phải lo miếng ăn trước đã.” Tôi đã kêu em lại mà cho tiền, nhưng không muốn lấy những tờ giấy số em trao. Tôi nói: “Thôi tiền này chú cho cháu, cháu hãy giữ lấy vé số mà bán cho người khác, chú không bao giờ muốn có cái may mắn lãnh được tiền của cái gọi là CHXHCN này đâu, vì chú biết tiền này là tiền mồ hôi nước mắt và máu xương của dân tộc chú.” Em bé nhìn tôi lạ lùng: “Chú khác nhiều người mà cháu gặp lắm, ở đây họ chỉ biết có tiền mà không cần biết xuất xứ của đồng tiền ấy từ đâu đến. Thôi cháu cám ơn chú và chúc chú gặp nhiều may mắn, nhưng nếu chú không lấy vé số thì cháu cũng không dám nhận tiền của chú đâu vì ba cháu dặn vậy.” Tôi tò mò hỏi tiếp: “Cha cháu làm gì, ở đâu mà không cho cháu đi học?” Em bé trả lời: “Cha cháu ở Cái Nhum, hiện đang bệnh hoạn vì hậu quả của những năm tháng khổ sai trong lao tù, nhưng vẫn phải cày ruộng mỗi ngày để nuôi mấy cháu. Cháu nghe ba kể lại thì ngày ba đi tù về, má trước của cháu bỏ ba, nên ba bước thêm bước nữa với má cháu, sanh ra ba anh em cháu thì má cháu bị bệnh mà qua đời. Thấy ba bệnh hoạn nên cháu không đành tiếp tục đi học, thế là cháu nghỉ học, lên tỉnh bán vé số gửi tiền về phụ ba nuôi hai đứa em nhỏ. Nghe nói hồi trước ba cháu cũng học trường này, nhưng là tên gì khác chứ không phải là Lưu văn Liệt như bây giờ đâu. Cháu cũng mơ được học trường này như ba cháu lắm, nhưng chắc không bao giờ được đâu chú ơi!” Nghe cháu bé nói xong, tôi xúc động và cảm thương quá cho tuổi trẻ Việt Nam, tôi vội móc hết số tiền còn lại trong túi ra mà trao cho cháu bé và nài nỉ cháu lấy, như trau hết tấm lòng của tôi cho dân tôi nước tôi. Trời hỡi! Còn bao nhiêu thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam nữa cũng với chỉ một giấc mơ đơn giản như giấc mơ năm nào của tôi! Trời hỡi! Xã hội hôm nay còn bao nhiêu nữa những con người bất hạnh mà phải âm thầm chịu đựng chứ không có miệng để nói ra hay để chia xẻ với người khác! Thôi, bây giờ có nói gì thì sự thể đã như vậy, nói nhiều chỉ thêm buồn, nói nhiều chỉ thêm tội nghiệp cho dân tôi nước tôi mà thôi. 



     Ngôi trường thân yêu năm xưa của tôi vẫn còn đây, nhưng giờ đã thay tên đổi họ. (...), từ tên Phước Hiệp nay đổi thành Lưu Văn Liệt gì đó. Những dãy lớp uy nghi ngày nào giờ tiêu điều xơ xác, gần như muốn sập. Học sinh thì vẫn tấp nập tới lui, nhưng những khuôn mặt hồn nhiên ngày nào đã biến đi đâu mất, nhường lại cho những gương mặt lo âu khoắc khoải. Tội nghiệp cho mấy em quá! Dù gì đi nữa thì tôi vẫn thấy trường tôi đẹp, đẹp ngay cả những bờ tường cũ mốc rêu phong, cái gì của trường tôi cũng đẹp, vì nó chính là một phần của cuộc đời tôi. Bây giờ muốn trách thì trách ai đây? Lẽ ra tôi phải ở lại nơi này, tôi phải phụng sự, phải chăm sóc nó như đã chăm sóc chính tôi và gia đình tôi vậy, vì nó chính là nơi bước vào của đàn hậu duệ của tôi kia mà. Lẽ ra tôi phải tưng tiu nó như tưng tiu đứa con thân yêu của chính mình, thế nhưng không phải riêng tôi mà cả một thế hệ của chúng tôi đã không làm được chuyện này. Giờ thì trách ai? Giờ đây sau bao nhiêu năm xa cách, tôi quay trở về đây để trực diện với nó, giờ đứng đây, đứng ngay trước cửa trường Tống Phước Hiệp mà họ không muốn cho mình vào nếu mình không biết điều phải quấy với họ. Cớ sự này là tại ai? Tại tôi và tại thế hệ của tôi, hay tại cơ trời hay tại số phận nhược tiểu? Dù là tại cái gì đi nữa, tôi nghĩ tự tôi, tôi phải đứng đây, đứng ngay trước cửa trường Tống Phước Hiệp thật lâu, đứng để nghe nó trách móc về sự tắc trách của mình và đứng để ngậm ngùi cho thân phận của mình và của dân tộc mình. Một dân tộc đã chịu quá nhiều tai trời, ách nước, lại thêm họa người. Tự thuở giờ, từ ngày còn lệ thuộc Bắc phương, đến độc lập, rồi chính những người cùng màu da, sắc tóc, chủng tộc với mình đã hô hào những cuộc chiến tranh, nhân danh những mục tiêu tốt đẹp, để rồi khi kết thúc thì chỉ có một số người trong dòng họ hay trong đảng phái là có đặc quyền đặc lợi, còn thì đa phần dân tôi vẫn sống trong cơ cực lầm than. Tôi đau xót ngậm ngùi chẳng những cho tôi hay thế hệ của tôi, mà cho cả thế hệ sau này và nhiều thế hệ kế tiếp. Ngày nào đây, dù nghèo nàn cơ cực như gia đình tôi mà con cái vẫn được cắp sách đến trường, tuổi thơ chúng tôi vẫn đầy ắp những mộng mơ của tuổi hoa niên, nhưng bây giờ thanh thiếu niên của thế hệ kế tiếp chúng tôi được gì ngoài những cái bánh vẽ, còn thì ngày ngày con trai phải cặp nách những cặp vé số để kiếm sống qua ngày, còn con gái lắm khi chưa đến tuổi dậy thì đã phải chen chúc vào các hang cùng ngỏ hẻm của những quán bia ôm, những hang động mãi dâm trá hình để bán thân nuôi miệng. Khu xóm lao động như khu xóm nhà tôi ngày xưa vẫn là một khu xóm ngạt ngào hương cam hương bưởi, bây giờ thì hởi ơi, nó đã biến thành một khu nhà ổ chuột, mạnh ai nấy cất, hễ có tiền đút lót là cứ cất. Tôi đứng ngay trước cổng trường Tống Phước Hiệp rất lâu, lâu lắm với những suy nghĩ miên man, cho đến khi có một đứa cháu chạy lại nắm tay kéo tôi về với thực tại. Tội nghiệp cho tôi, cho dân tôi nước tôi với dẫy đầy những vết sẹo hằn sâu để lại từ nhiều cuộc chiến chỉ để nhằm phục vụ cho tham vọng của một dòng họ hay một thiểu số bè phái vô tích sự. Càng nghĩ tôi càng thấy tội nghiệp quá cho số phận của dân tôi nước tôi, mang thân ra làm trâu cày ngựa kéo, quầng quật quanh năm mà vẫn chết đói, chết đói ngay trên vùng đất phì nhiêu mầu mỡ của quê hương. Trong khi nơi đất tạm dung, chỉ cần năng lực tầm thường, chưa hết sức của mình, mình cũng có đầy đủ những tiện nghi như dân bản xứ, họ có bà con thân tộc gì với mình đâu, thế mà họ vẫn dang rộng vòng tay ra chia sẻ với mình những gì họ có, trong khi đó nơi chôn nhao cắt rún của mình lại chối bỏ mình như 
chối bỏ một thứ hun hủi không bằng. Tôi miên man với những suy nghĩ, những thắc mắc không bao giờ có lời giải đáp “tại sao trên địa cầu này lại có những loại người nẩy sinh ra những tư tưởng hay những thứ ý thức hệ bệnh hoạn, chỉ muốn tiêu diệt người khác, chỉ muốn đè đầu cỡi cổ người khác, chỉ muốn người khác làm trâu cày ngựa cỡi cho mình đi lên?” 

     Trước khi từ giả ngôi trường Tống Phước Hiệp thân thương tôi còn quay lại luyến tiếc về một thời vàng son đã qua. Tôi tự nhủ: “Tống Phước Hiệp ơi, ta hứa sẽ có một ngày ta trở lại thăm mi, nhưng không phải trong hoàn cảnh trớ trêu như thế này. Ta sẽ trở lại và ta quyết giúp cho thanh thiếu niên hậu duệ của ta thực hiện được giấc mơ thành học sinh Tống Phước Hiệp đúng nghĩa của nó.” Thôi tạm biệt mi, Tống Phước Hiệp!!!  

Người Long Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét