Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Mùa Vu Lan Nói Chuyện Mâm Cơm Đôi Đũa.

      Tự ngàn xưa, không biết từ thuở nào, tổ tiên chúng ta đã ý thức việc thờ Trời. Chúng ta thấy các nhà ở thôn quê cũng như các tỉnh nhỏ, trước nhà thường có cái bàn ông Thiên. Ông Thiên là ông Trời. Mỗi đêm, thường là bà chủ nhà đốt vài nén hương, ra trước bàn Trời cầu nguyện cho cha mẹ, gia đình được bình yên, hưởng được nhiều lộc Trời:
           “Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,
             Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”
       Ngày xưa, Tồ tiên chúng ta đã biết kính sợ Trời, biết kêu cứu ông Trời mỗi khi hoạn nạn, giống như đứa trẻ mỗi lần gặp điều gì nguy hiểm thì gọi Cha.


        Theo Kinh Dịch, Trời nói về sự bắt đầu sinh ra, cho nên Âm ở trên Dương ở dưới. Ấy là cái nghĩa giao thái. Đất là nói về sự đã thành cho nên Dương ở trên, Âm ở dưới.
Các số lúc đầu chỉ là một âm, một dương. Tượng của Dương tròn, tượng của Âm vuông. Hình vẽ tròn, giống Trời, nghĩa là trời tròn mà xoay, bao bọc ngoài đất. Hình vẽ vuông giống đất, nghĩa là đất vuông mà đứng im, bị nhốt trong trời. Hình vẽ tròn là đạo Trời, có Âm có Dương. Hình vẽ vuông là đạo Đất, có cứng có mềm. 
Đạo Đất phải theo đạo Trời. Trời tròn, đất vuông.
Vì vậy khi đàn bà sắp sinh nở, người thân hay chúc phúc. “Chúc cho mẹ tròn con vuông.” Nhiều người cho câu chúc nầy lạ tai, vì không hiểu bốn chữ “mẹ tròn con vuông.” là gì? 
Đó là câu chúc hết sức tốt lành, là chúc cho mẹ con đều lành lặn, khoẻ mạnh, thuận theo ý muốn của Trời Đất.
        Chúng ta hãy đi vào chuyện mâm cơm. Tổ tiên chúng ta ngày xưa đã biết qua về Kinh Dịch nghĩ là Trời tròn, nên làm cái mâm hình tròn. Trên cái mâm được bày biện thức ăn, ý nghĩa của nó là các thức ăn trong mâm là lộc Trời ban cho. Có thể một số người đọc đến đây sẽ không đồng ý và nói rằng: “Chúng tôi phải làm việc đổ mồ hôi trên, mồ hôi dưới mới có tiền để nua thức ăn, thử không làm việc Trời nào mà cho?” 
Nói thế nghe cũng hợp lý nhưng nếu Trời không cho bạn được khoẻ mạnh thì sức đâu bạn làm việc để có thức ăn? 
Tổ tiên chúng ta biết được điều đó nên thường cầu Trời để có miếng ăn.
         “Lạy Trời mưa xuống
           Lấy nước tôi uống
           Lấy ruộng tôi cày
           Lấy đầy bát cơm
           Lấy rơm đun bếp.”

         Uống nước Trời, ăn hạt cơm Trời nhưng thử hỏi trong chúng ta có ai biết nói tiếng cám ơn Trời không? Và trong ngày, chúng ta dành bao nhiêu phút để cám ơn Trời đã giữ gìn chúng ta trong đôi tay bình yên của Ngài. Làm việc gì thất bại, chúng ta hay than Trời. Bị vợ đánh cho một bạt tay thì ôm đầu máu kêu Trời, nhưng những lúc vui vẻ, cơm no bò cỡi thì chẳng nhớ ông Trời ở đâu.
          Các bạn hãy làm thử xem.
        Trước khi ăn cơm, các bạn hãy nói câu: “Cám ơn Trời đã cho con một bữa cơm ngon.” hoặc những người lớn tuổi thử nói rằng: “Cám ơn Trời cho con khoẻ mạnh để ăn còn biết ngon.” Các bạn thử xem! Tôi nghĩ, không ai chê cười các bạn đâu. Đôi khi người ta còn nghĩ bạn không phải là một kẻ vô tình, biết sống xứng đáng với lượng bao dung của Trời Đất.

        Trở lại chuyện mâm cơm, nhìn mâm cơm, chúng ta thấy được trách nhiệm của người chồng cũng như người vợ trong gia đình. Chồng làm việc vất vả để có tiền mua thực phẩm, vợ ở nhà chế biến thực phẩm thành những món ăn ngon miệng cho cả gia đình cùng ăn vì vậy chúng ta hay nói “của chồng công vợ.” 
          Vợ chồng sống phải biết thương yêu nhau, có trách nhiệm với nhau, chia sẻ gánh nặng hay niềm vui nỗi buồn với nhau để hằng ngày vợ chồng con cái quây quần bên mâm cơm hưởng lộc Trời cho. Thật là hạnh phúc!  
          Trong gia đình tôi có lần thằng con trai sắp lập gia đình, hỏi:
“Ba dạy, muốn gia đình hạnh phúc thì vợ chồng phải biết nhường nhịn nhau. Thí dụ, chồng nóng thì vợ phải nguội, còn vợ nóng thì chồng nguội. Còn con vợ nóng hoài thì mình làm sao đây?
           “Thì con phải nguội hoài chớ sao?
             Thằng con còn trẻ, tính tình nóng nảy, phản đối:
           “Vậy đâu được ba?”
           “Sao không được. Ở nước Mỹ, nổi nóng, đánh đàn bà là cảnh sát còng tay cho.”
           Thằng con bất mãn, hỏi:
           “Thế không có giải pháp nào bảo vệ đàn ông sao?’’
           “Sao không? Chuá tạo cho con cặp giò để làm gì?”
           “Để chạy hả ba?”
           “Còn phải hỏi!”
            Từ đó thằng con bỏ ý định cưới vợ.
          Bây giờ chúng ta hãy bàn qua đôi đũa. Chúng ta thử nghĩ, nếu ngày xưa ông bà chúng ta dùng đũa chỉ có một chiếc thì việc lấy thức ăn vào chén không phải dễ và dùng một chiếc đũa đưa thức ăn vào miệng cũng khó vô cùng nên ông bà chúng ta phải dùng hai chiếc đũa, tức là đôi đũa để gắp thức ăn cho dễ.


          Đôi đũa cũng tượng trưng cho đôi vợ chồng. “Vợ chồng như đũa có đôi”. Đũa lúc nào cũng có đôi, thì vợ chồng lúc nào cũng như hình với bóng, sống thỉ chung với nhau cho đến lúc chết. Vợ chỉ biết có chồng và chồng khi ra đường gặp gái đẹp thì phải mau mau nhắm mắt lại đưa tay cho vợ dẫn đi thì gia đình mới được êm ấm.

         Qua bên Mỹ nầy chúng ta thấy bao nhiêu người đã già vẫn còn bước thêm bước nữa. Té lên té xuống cũng không tởn, té xong, lồm cồm ngồi dậy bước nữa.
Nhiều bà mồm miệng đã móm sọm, mấy ông nha sĩ thấy đã lắc đầu nhưng vẫn mò lên internet tìm bạn bốn phương, email qua lại tìm chồng cho đỡ cô đơn. Về với nhau rồi, đêm đêm chỉ còn biết nhìn nhau thở dài. “Than ơi! Thời oanh tạc nay còn đâu!” Mồm miệng móm sọm, muốn cạp cũng chẳng còn răng để cạp, có ráng cũng chẳng nên cơm cháo gì, cùng lắm đưa lưng ra gãi vần công cho đỡ ngứa, đỡ buồn. Nửa đêm thức giấc, quay qua bên cạnh, thấy một bà già đang nằm ngủ, dáng nằm như con tôm, mặt mũi nhăn nheo, miệng thở phì phò hôi hám, nước dãi trong miệng chảy ra. Hình ảnh trông chẳng đẹp mắt chút nào nhưng cũng tạm yên lòng ngủ tiếp. Còn nửa đêm thức giấc thấy mình trơ thân cụ trên chiếc giường rộng, đôi khi buồn quá không ngủ tiếp được.
         Nhà thơ Anh Vân đã từng than thở:
          “Ta sợ lắm những đêm dài trăn trở
            Đời vắng em giấc ngủ cũng đeo sầu.”
         Có lẽ vì hoàn cảnh:
        “Nàng ở Melbourne,
         Ta ở đây
          Xa nhau cách khoảng
         Trời mây chập chùng.” 
         Nên chàng mới có cảm hứng làm câu thơ trên.
         Hoàn cảnh nghe ra thật đáng ngậm ngùi. Yêu nhau nhưng chẳng được gần nhau, ai lại chẳng buồn. Với chàng thì:
          “Đêm nằm tơ tưởng bâng khuâng
           Chiêm bao thấy bậu, lâng lâng cõi lòng.”  
          Còn phần nàng:
         “Đêm nằm tơ tưởng, tưởng tơ,
           Chiêm bao thì thấy, dậy sờ thì không”
         Tội nghiệp thì thôi!
          Vì sợ buồn, sợ cô đơn nên mới có cảnh:
        “Bà già đi chợ Cầu Đông,
          Bói xem một quẻ, lấy chồng lợi chăng
         Ông thầy xem quẻ nói rằng
          Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn.”
       Răng chẳng còn thì húp cháo mà sống nhưng sống “cu ky” một mình quả tình buốn lắm nên những người goá vợ, mất chồng thường tìm đến với nhau cho đũa có đôi, cho đời sống bớt đi những khó khăn, buồn thảm. Trường hợp nầy gọi là góp gạo thổi cơm.

        Đàn bà rất quan trọng trong đời sống người đàn ông. Chúng ta thấy sự thành công hay thất bại trong gia đình phần lớn do người vợ biết khuyến khích và chia sẻ gánh nặng với chồng. Một nhà tư tưởng nào đã nói: “Sau lưng một ông chồng thất bại, tất có một bà vợ cà chớn.
         Các bạn muốn biết sự lợi hại của đàn bà ra sao không?
         Một ông bác sĩ dẫn ông Giám Đốc bịnh viện tâm thần đi thăm viếng bịnh nhân. Ông Giám Đốc chỉ một người đàn ông đang ngồi ủ rũ, hỏi:
         “Anh nầy tại sao điên?”
        “Thưa, bị vợ bỏ.”
         Ông Giám Đốc chỉ tay vào một bệnh nhân khác đang nhảy múa ở góc phòng, hỏi tiếp:
       “Còn anh kia, tại sao điên?”
        Vị bác sĩ đáp”
        “ Thưa, người vợ bỏ anh nầy và lấy anh kia.”
        Vì vậy khi chọn vợ, chúng ta hãy cầu xin ý Trời trước rồi hãy quyết định.
       Đũa chỉ có một chiếc, gắp thức ăn sẽ gặp khó khăn, trở ngại. Loài người sống một mình cũng sẽ gặp những khó khăn tương tự.
        Trong Kinh Thánh, sách Sáng Thế Ký có câu: “Giê-hô-va Đức Chuá Trời phán rằng: Loài người sống một mình thì không tốt, ta sẻ làm một kẻ giúp đỡ giống như nó.”(Sáng Thế Ký 2: 17)
         Đũa phải có đôi, loài người phải có vợ có chồng, đời sống sẽ dễ dàng hơn.
        Những gia đình thành công thường là gia đình có những cặp vợ chồng biết thương yêu nhau, đoàn kết nhau. Tránh cảnh, ông nói, ông nghe, bà nói, bà nghe. Ông bà cùng nói cho lối xóm nghe, thì trước sau gì cũng sập tiệm.
         Đôi đũa tốt phải có những yếu tố sau đây:
        1- Cùng tính chất:
        Nhà giàu ăn đũa ngà, trung lưu ăn đũa gỗ, gỗ mun, gỗ đước, nhà nghèo ăn đũa tre nhưng loại đũa nào cũng vậy, phải cùng một tính chất. Đũa ngà thì cả hai chiếc phải bằng ngà. Không ai dùng một chiếc đũa ngà, một chiếc đũa tre.
        a- Vợ chồng cũng thế, muốn sống hạnh phúc, vợ chồng cần có trình độ hiểu biết tương đương để dễ hiểu nhau, tránh cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Nếu gặp phải người vợ ít học thì vợ phải biết vâng lời chồng.
        b- Một thể chất khoẻ mạnh tương đương. Ông bà chúng ta có câu: “tốt mái hại trống.” hay “khoẻ trống hỏng mái.” Người đàn bà mạnh quá trong khi ông chồng yếu xìu, kim đồng hồ cứ chỉ sáu giờ mà đêm nào bà vợ cũng bán giấy ép, đòi ông chồng phải đóng thuế đầy đủ thì chỉ còn nước kêu ambulance chở ông chồng vào nhà thương hay ngược lại ông chồng khoẻ quá, bà vợ yếu quá thì bà vợ cũng sớm khăn gói vào nghĩa địa nằm dưỡng thương. 
         2- Ngay thẳng:
         Đôi đũa cả hai chiếc phải ngay thẳng thì việc gắp thức ăn mới dễ dàng. Đạo vợ chồng cũng vậy, sống phải ngay thẳng, thật thà với nhau thì tình vợ chồng mới bền bĩ. Sống mà đêm đêm vợ chồng phải chịu cảnh đồng sàng dị mộng thì còn nỗi khổ nào hơn.
         “Đêm nằm vuốt bụng thở dài
           Nhớ chồng thì ít, nhớ trai thì nhiều.”
        Lâm vào trường hợp nầy thì trước sau gì, đầu của ông chồng cũng mọc cả chục cái sừng, và cái cảnh “vợ nhà thương, chồng khám lớn” có thể sẽ xảy ra.
          3- Một đời sống tâm linh giống nhau.
          Vợ chồng cùng đời sống tâm linh thật khó có hạnh phúc nào bằng. Bằng không sẽ có chuyện tranh cãi: ‘Đạo ông là chính giáo, đạo bà là tà giáo hay ngược lại.
           Người viết bài nầy từng chứng kiến nhiều lần cảnh mỗi buổi tối, gia đình gồm vợ chồng con cái hiệp nhau cầu nguyện và cám ơn Trời đã đổ ơn phước xuống gia đình họ và giữ gìn họ trong đôi tay bình yên của Ngài. Thật là cảm động!
           Mùa Vu Lan nói lan man chuyện mâm cơm đôi đũa cho thấy tổ tiên chúng ta đã dạy con cháu phải biết ơn Trời, phải biết cầu nguyện ông Trời để có miếng ăn, để cả gia đình được sống bình an. 
           Ông Trời gần gũi với dân tộc của chúng ta lắm nhưng tiếc rằng tổ tiên chúng ta đã không đi xa hơn để biết ông Trời là ai. Vậy quý bạn đọc muốn biết Ông Trời là ai chăng?
          Xin thưa, đó là Đức Chuá Trời của chúng ta đó, Đấng đã tạo ra vũ trụ và loài người. Nếu quý vị nào đọc xong bài nầy và có ý muốn tốt, muốn tìm hiểu Đức Chuá Trời là ai, xin tìm đến bất cứ Hội Thánh Tin Lành nào, sẽ có người cung cấp tài liệu cho quý vị
          Muà Vu Lan, kẻ viết bài nầy xin kính chúc tất cả quý đồng hương ở hải ngoại hưởng được nhiều ơn phước Chúa.

Quách Tố Vương ( Anh Vân )
Mùa Vu Lan 2009


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét