Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Giọt Mưa Thu


Ảnh Chụp & Thơ: NCKhải, 
Thơ Cảm Tác: Khánh Hà, Kim Phượng, Kim Oanh
Thơ Tranh: Kim Oanh
***
Giọt Mưa Thu

Mưa ngoài trời giọt nhỏ trong tim
Biền biệt bao thu dõi mắt tìm
Cánh trắng trinh nguyên đành lỗi hẹn
Mưa ngoài trời giọt nhỏ trong tim

Kim Phượng
***
Cám ơn giọt mưa trời
Cho em nhan sắc mới
Trắng muốt và tinh khôi
Em hớp hồn tôi rồi!

Khánh Hà
***
Ngậm ngùi tiếng khóc nỉ non
Kiếp hoa ngậm đắng vẫn còn hương trinh
Mưa thu rỉ rả gọi tình
Trăng ngà soi bóng hồn linh ẩn chờ

Kim Oanh

Đêm Biết Người Về


Đêm biết người về say với lá
Nến tàn chưa đủ ấm hơi sương
Cây nghiêng muốn níu tay người lại
Sợ bóng vàng Nga ngã dọc đường

Đâu phải người về như chiến trận
Mất còn ai biết một lần đi
Chén rượu khinh đời đêm nguyệt lạc
Còn vương cát bụi thuở xuân thì

Người về vạt áo bên đồi biếc
Nói rất âm thầm với cỏ cây
Muốn chép tặng người câu tứ tuyệt
Trang thơ còn đọng mãnh trăng gầy

Đêm biết người về tan khúc hát
Một bóng thềm xiêu lạnh đất trời
Ai hát nghêu ngao bài vọng cổ
Đêm tàn, ghe chiếu lạnh người ơi...

Lâm Hảo Khôi

Tình Anh


Mùa đông đất khách lạnh không em
Lất phất trắng rơi tuyết phủ rèm
Bên song có nhớ tình anh đã
Hay vẫn lững lờ vẫn mong manh

Anh chờ bấc đến chờ sương lạnh
Để ướp tình kia theo gió đông
Để chẳng còn nghe tim thổn thức
Chỉ nghe cay đắng ngập nơi lòng

Hai khung trời lạnh tắm trăng đêm
Rơi rớt tình anh gục xuống thềm
Rỉ rả mưa phùn đan giấc mộng
Mơ tìm bến cũ chốn hư không...


Quên Đi

Nhớ Về Vĩnh Long

Giáo sư  Nguyễn Thanh Liêm
Tôi là người sinh trưởng ở vùng Mỹ Tho – Bến Tre, lớn lên đi làm việc ở Sài Gòn. Nhưng tôi cũng có cơ hội đến Vĩnh Long hai lần: lần thứ nhất vào khoảng năm 1959 khi tôi được trường (Petrus Ký) cử đi học khóa Nhân Vị ở một nhà thờ ở Vĩnh Long, và lần thứ nhì vào khoảng năm 1973 khi tôi đi thăm viếng các sở học chánh và trường Trung Tiểu Học thuộc các tỉnh Miền Tây Nam Phần. Bây giờ, sau hơn ba mươi năm xa cách, khi nhắc lại Vĩnh Long tôi vẫn còn một số hình ảnh đẹp đẽ của tỉnh này. Ðẹp nhất là con người Vĩnh Long, những người bạn rất thân, những bạn đồng nghiệp, những học sinh cũ, v v . . .Cái đẹp kế đó là Bắc Mỹ Thuận và con đường Vĩnh Long – Cần Thơ với con sông nho nhỏ chảy dọc theo đường. Cùng với những hình ảnh đẹp đó còn có những cái rất đáng ghi nhớ mà tôi đã có dịp đọc trong sách báo về đất Vĩnh Long, vùng địa linh nhân kiệt, Thủ Ðô đầu tiên của Miền Tây Nam Phần này. Còn nhớ. . .
    
Chợ Mỹ Tho - Trước 1975
  Trong khi Sài Gòn Gia Ðịnh và các tỉnh Miền Ðông Nam Phần đã thuộc về Việt Nam từ giữa thế kỷ XVII thì Vĩnh Long vẫn còn là vùng đất hoang vu của một ít người Khmer sinh sống rải rác, thưa thớt. Phải vào gần cuối thế kỷ này mới có một số người Việt và người Hoa (Minh Hương) vào đây khai phá, trồng trọt, sinh sống. Làng xã thành hình và phát triển nhanh theo nhịp độ bành trướng về Phương Nam của người Ðàng Trong và chính quyền của triều đình Nhà Nguyễn hồi đầu thế kỷ XVIII. Năm 1732 lưu dân người Việt bị quân Miên tấn công. Chúa Nguyễn là Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu cử Trương Phúc Vĩnh đem quân vào dẹp yên. Vua Chân Lạp là Nặc Tha nhường Me Sa (Mỹ Tho) và Long Hồ cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn lấy đất Long Hồ lập thành châu Ðịnh Viễn (Vĩnh Long) và đặt dinh Long Hồ. Lỵ sở lúc này đặt tại Cái Bè, Mỹ Tho. Ðất Long Hồ (Vĩnh Long) chánh thức có mặt trong lãnh thổ Việt Nam kể từ đó.

Chợ Sa Đéc
      Năm 1753 lại có binh biến do người Chân Lạp hậu thuẫn bởi quân Xiêm sang đánh phá, chúa Nguyễn Phúc Khoát sai Nguyễn Cư Trinh làm tham mưu đem quân năm dinh (3 dinh trong Nam là Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ, và 2 dinh ngoài Trung là Bình Khương và Bình Thuận) sang đánh Chân Lạp. Vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thua trận bèn dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (Gò Công và Tân An) để cầu hòa. Sau khi bình định xong, Nguyễn Cư Trinh dời dinh Long Hồ qua xứ Tầm Bào tức là tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ. Vào thời đó, Long Hồ dinh giử vai trò vô cùng quan trọng đối với việc bảo vệ và phát triển Miền Tây Nam Phần. Về quân sự, Long Hồ dinh bao gồm ba đạo (xem như ba khu chiến thuật) được thiết lập để bảo vệ Tiền và Hậu Giang. Ba đạo này là Tân Châu Ðạo (ở Cù Lao Giêng, Tiền Giang), Châu Ðốc Ðạo, và Ðông Khẩu Ðạo ở Sa Ðéc. Cùng với ba đạo của dinh Long Hồ còn có hai đạo của Hà Tiên Trấn do Mạc Thiên Tứ cai quản để phối hợp chống giử cả Miền Tây nước Việt. Hai đạo (khu chiến thuật) của Hà Tiên Trấn là Kiên Giang Ðạo (vùng Rạch Giá) và Long Xuyên Ðạo (vùng Cà Mau, An Xuyên ngày nay). Về hành chánh thì tất cả năm đạo kể trên đều thuộc Long Hồ dinh và Vĩnh Long từ thuở đó được xem như là đầu não của cả Miền Tây Nam Phần cũng như Cần Thơ sau này vậy. Tây Ðô hồi đó là Vĩnh Long mà những di tích lịch sử, cũng như những anh hùng liệt sĩ, những tài năng của vùng địa linh nhân kiệt này còn sống mãi trong lòng người dân Nam Việt.

Chợ Vĩnh Long
      Từ thời Pháp thuộc sang đệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa, Bến Tre, Trà Vinh, Sa Ðéc, Cần Thơ lần lượt tách ra làm thành tỉnh mới, Vĩnh Long chỉ còn lại phần đất nằm giữa Tiền Giang và Hậu Giang, tiếp giáp với các tỉnh Tiền Giang (Ðịnh Tường) ở phía Bắc, Ðồng Tháp (Kiến Tường) ở phía Tây, Cần Thơ (Phong Dinh) ở phía Nam, và Trà Vinh (Vĩnh Bình) ở phía Ðông, với diện tích 1, 478 cây số vuông và khoảng 1, 023, 400 dân số (theo thống kê năm 2002). Vĩnh Long nằm giữa hai bến đò nổi tiếng hồi xưa quen gọi là Bắc Mỹ Thuận và Bắc Cần Thơ. Ðây là vùng đất phù sa màu mở rất thích hợp với lúa nước và các loại cây ăn trái, nhất là loại cây trái vùng nhiệt đới nổi tiếng như sầu riêng, măng cụt, chơm chơm, bòn bon, ổi, xoài, mận, dâu, sa bô chê, vú sửa, v v . . .Cái Mơn là nơi nổi tiếng về ươn cây mà các tỉnh lân cận thường đến đây mua về trồng. Ðây cũng là đất của nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng của Miền Nam từ Nguyễn Cư Trinh, Tống Phước Hiệp, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản, Petrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Thông đến các chính trị gia gần đây như Trần Văn Hương, Nguyễn Văn Lộc, v v . . .Nhiều di tích lịch sử như thành xưa (Thành Long Hồ), đồn xưa Ðồn Cổ Chiên), lăng mộ (Lăng Hà Tiên, Mộ ba vị công thần triều Nguyễn), những nơi có liên hệ đến Gia Long, những chùa đền, miếu cổ như Chùa Di Ðà, Miếu Quốc Công, Văn Thánh Miếu, làm cho Vĩnh Long có nhiều nét văn hóa lịch sử đáng kể. Các hoạt động nghệ thuật, tôn giáo, giáo dục có nhiều nét độc đáo nói lên địa vị của một tỉnh thủ đô một thời nào.

Ông Tống Phước Hiệp
     Một trong những công thần triều Nguyễn từng làm Lưu Thủ tại Long Hồ dinh thuở mới thành lập là Tống Phước Hiệp. Ông là cháu Quận Công Tống Phúc Trị, người huyện Tổng Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ðời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, Tống Phước Hiệp được cử làm Lưu Thủ dinh Long Hồ. Ông vô cùng tận tụy với chức vụ, hết sức lo lắng mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng, làm cho công cuộc trị an được vạn phần tốt đẹp. Ông đã từng đem quân cứu viện giúp Mạc Thiên Tứ đánh đuổi quân Xiêm trong nhiều trận chiến, gây tổn thất nặng nề cho quân Xiêm, đem lại bình yên cho nhân dân. Ông bị bệnh, và từ trần năm 1776, để lại bao nhiêu thương tiếc trong lòng người dân Long Hồ. Ông được triều đình truy tặng Hữu Phủ Quốc Công, sắc chỉ lập miếu thờ tại dinh Long Hồ. Ngài đã qui thần nhưng oai linh hiển hách, dân chúng đất Vĩnh Long rất tin tưởng nơi Ngài. Sống làm tướng, thác làm thần , từ trước tới nay người dân luôn thờ phụng Ngài, nơi đền thờ Ngài lúc nào cũng khói hương nghi ngút.. Ngày vía Tổng Quốc Công được tổ chức long trọng hằng năm vào mùng 2 và mùng 3 tháng 6 âm lịch, có rước hát bộ xây chầu. Tên Ngài đã được dùng làm tên trường Trung Học tỉnh lỵ Vĩnh Long, một trường trung học to lớn, rất nổi tiếng ở Miền Tây cũng như trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ hay trường Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên. Ở Mỹ (Nam Cali fornia) hội Ái Hữu Tống Phước Hiệp đã được thành lập từ mấy năm nay, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Ðào Khánh Thọ và giáo sư Võ Thị Ngọc Dung (hai vị đều là cựu giáo sư và cựu hiệu trưởng của trường), qui tụ được nhiều người cựu học sinh, có tài đức, có thiện chí, và có sự nghiệp đáng kể.
Ông Phan Thanh Giản
     Một danh nhân đáng thương, đáng kính nhất của đất Vĩnh Long là cụ Phan Thanh Giản. Tên chữ là Tinh Bá và Ðạm, hiệu là Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên, cụ là vị Tiến Sĩ đầu tiên của Miền Nam. Tổ tiên cụ là người Trung Hoa, cuối đời nhà Minh mới sang Việt Nam, trước ở Bình Ðịnh, sau này thân sinh của cụ vào Ðịnh Tường rồi qua làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Bến Tre sinh sống. Cụ Phan sinh năm 1796. Thân sinh là người giỏi chữ nho, đến Vĩnh Long làm thư lại cho Nam triều, thường tải lương thực về Huế. Mẹ mất sớm, cha bị vu cáo phải ở tù, Phan Thanh Giản phải sống bần hàn, nhưng rất chăm chỉ học tập, được hàng xóm sẵn sàng giúp đở. Năm 1825 Phan Thanh Giản đậu kỳ thi Hương ở Gia Ðịnh và năm sau , 1826, đi thi Hội đậu luôn Tiến Sĩ ở Huế. Ðậu xong cụ được bổ nhiệm Hàn Lâm viện biên tu, làm việc tại Huế. Sau đó đổi ra Quảng Bình, rồi về Quảng Nam dẹp loạn. Lại về Kinh làm ở Bộ Hình, rồi làm Phó Sứ sang Trung Hoa. Cụ được triều đình ngợi khen về tài ngoại giao, được cử giử chức Kinh Lược Sứ ở Trấn Tây (Cao Miên) rồi Bố Chánh Quảng Nam. Ðược vua tin cậy bổ Ðô Sát Viện Ngự Sử, sung chức Cơ Mật Viện Ðại Thần. Năm 1861 sau khi Gia Ðịnh và ba tỉnh Miền Ðông mất vào tay Pháp, triều đình sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Nam thương thuyết. Năm 1863 cụ Phan lại được triều đình Huế cử hướng dẫn phái đoàn hơn 50 người, với Petrus Ký làm thông ngôn, lên đường sang Pháp thương thuyết để chuộc lại ba tỉnh  Miền Ðông. Sau hơn hai tháng lênh đênh trên mặt bể, phái đoàn đã đến Pháp và được vua Napoléon III của Pháp đón tiếp trọng thể. Cuộc thương nghị bất thành nhưng phái đoàn Việt Nam cũng có cơ hội được chứng kiến cảnh tiến bộ, phồn thịnh của xã hội Tây phương lúc bấy giờ. Trở về Việt Nam cụ Phan được cử vào trấn nhậm Miền Tây để giữ ba tỉnh còn lại. Nhưng không bao lâu các tỉnh này cũng bị người Pháp chiếm nốt trước sự bất lực của triều đình Việt Nam, và nhất là trước cái đau vô cùng của Kinh Lược Phan Thanh Giản. Không giữ thành được cho triều đình và đất nước quê hương cụ Phan uống thuốc độc (á phiện với giấm thanh) tự tử. Cụ mất ngày mùng 5 tháng 7, năm 1867. Linh cửu được đưa về làng Bảo Thạnh, Bến Tre. Các quan Nam và Pháp tới thăm ai cũng ngậm ngùi mến tiếc. Tên tuổi của cụ còn sống mãi với non sông nhất là trong lòng người dân Nam Việt . Tên cụ được dùng làm tên trường Trung Học lớn ở Tây Ðô : trường Trung Học Phan Thanh Giản. Hiện nay hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản-Ðoàn Thị Ðiểm đã được thành lập ở các nơi trên khắp thế giới, qui tụ nhiều cựu học sinh, nhân tài của đất nước.

Ông Trương Vĩnh Ký
     Một nhà bác học lừng danh của Việt Nam hồi hạ bán thế kỷ XIX cũng là người con của đất Vĩnh Long. Ðó là Petrus Trương Vĩnh Ký mà tên người đã được dùng làm tên cho trường Trung Học lớn vào bậc nhất và cũng nổi tiếng vào bậc nhất ở Miền Nam : trường Petrus Trương Vĩnh Ký. Trường nằm ngay tại Thủ Ðô Sài Gòn. Nhà bác học Petrus Ký sinh năm 1837 tại Cái Mơn, làng Vĩnh Thạnh, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (bây giờ thuộc tỉnh Bến Tre). Ông là người Việt đầu tiên biết rất nhiều tiếng ngoại quốc, nhất là các thứ tiếng Âu Tây phương, và cũng là người Việt Nam đầu tiên có kiến thức sâu rộng về văn minh học thuật Tây phương. Ông là người khai đường mở lối cho câu văn xuôi, cho nền văn chương chữ Quốc Ngữ và nền học thuật mới ở Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên làm báo ở nước mình. Ông được chọn làm nhà bác học hạng thứ XVII trên thề giới. Ông mất năm 1898, thọ 61 tuổi, để lại cho đời một công trình văn hóa lớn lao bằng chữ Quốc Ngữ, và một nền học thuật mới dung hòa trí thức với đạo đức, tổng hợp khoa học kỷ thuật Tây phương với luân lý đạo đức Á Ðông. (xem bài Petrus Ký: Người Con Của Ðất Vĩnh Long trong đặc san này). Trên thế giới hiện giờ có nhiều hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký như Hội Petrus Ký Bắc Cali, Hội Petrus Ký Nam Cali, Hội Petrus Ký Âu Châu, Hội Petrus Ký Úc Châu, v v . . .qui tụ rất nhiều giáo sư, nhân viên, cựu học sinh và thân hữu. . .

Ông Nguyễn Thông
     Vĩnh Long còn nhiều danh nhân nữa nhưng khuông khổ của bài này không cho phép ghi ra hết, xin hẹn vào những dịp khác. Bên cạnh các danh nhân, Vĩnh Long có nhiều di tích lịch sử đáng nói. Một trong những di tích đó là Văn Thánh Miếu, xem như một trong những di tích lịch sử xưa nhất của đất Vĩnh Long. Miếu được thành hình do công của Ðề Học Nguyễn Thông, người đã đứng ra xây cất để thờ Ðức Khổng Tử và các bậc hiền triết. Khởi công từ năm 1864, Văn Miếu được hoàn tất vào năm 1866, bao gồm: (1) một chánh điện thờ Ðức Khổng Tử, với hai bên Tả Ban và Hữu Ban thờ Tứ Phối và Thập Triết, (2) hai miếu nhỏ hai bên gọi là Tả Vu và Hữu Vu, thờ thất thập nhị hiền, và (3) Văn Xương Các trước Văn Thánh Miếu, trên lầu thờ Văn Xương Ðế Quân, dưới lầu thờ Võ Trường Toản và cụ Phan Thanh Giản. Phía ngoài có đôi liễn:
“Hoàng phong xử sĩ thanh cao lão,
Tự hiệu thư sinh tiết liệt thần”

     Câu trên nói về Võ Trường Toản là một cụ già thanh cao, không chịu ra làm quan, ở ẩn dạy học, được vua Gia Long cho là “Sùng Ðức Xử Sĩ.” Câu dưới nói về cụ Phan Thanh Giản, một bề tôi tiết liệt, nhưng khi gần chết dặn người sau chỉ ghi câu “lão thư sinh” (học trò già) mà thôi. Lús sinh tiền, khi làm Kinh Lược Vĩnh Long, cụ Phan thường cùng Ðề Học Nguyễn Thông nhóm họp các văn nhân thi sĩ tại Văn Thánh Miếu, đọc sách, làm văn. Thượng Thư Bộ Học Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục) đời vua Duy Tân, có viếng Văn Thánh Miếu, và nhân đó có đề đôi liễn:
“Xuân Thu hà đẳng càn khôn, đạo tại ngũ kinh song nhật nguyệt,
Thù Tứ biệt thành võ trụ, đồ qua lục tỉnh nhất cung tường.”
(Ðời Xuân Thu trời đất bậc nào, đạo ở năm kinh đôi nhật nguyệt,
Sông Thù, Tứ cõi bờ riêng đó đường qua sáu tỉnh một cung tường)




Sông Cổ Chiên
       Có những giai thoại gắn liền với những địa danh đặc biệt nổi tiếng ở Vĩnh Long xưa như sông Cổ Chiên chẳng hạn. Sông Cổ Chiên ở Vĩnh Long là nơi từng xãy ra nhiều trận hải chiến lịch sử giữa quân ta và quân Xiêm, quân ta và quân Chân Lạp, và giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Không biết bao nhiêu binh sĩ đã phải bỏ mình nơi đây, vì vậy mà từ xưa thường hiển hiện nhiều điều quái dị. Có những ma quỉ hiện về làm cho ghe thuyền qua lại vùng này hết sức kinh dị. Có người bảo đó là oan hồn các chiến sĩ trận vong, uất hận vì bị thảm tử trong các trận ác chiến chưa được siêu sinh. Vậy phải lập đàn cầu siêu cho các vong linh để cho vùng này được yên ổn. Dân chúng nghe theo, lập đàn cầu siêu cho các oan hồn. Từ đó yên ổn, không còn bóng hình ma quái nữa. Nhưng cũng  từ đó lại sinh ra những tiếng động lạ lùng như vang lên từ dưới đáy sông, nghe kỷ thì như tiếng chuông, tiếng trống vang dội ầm ĩ. Nhiều người lắng nghe và cùng có cảm giác như tiếng trống giục, tiếng chiêng khua trong những trận thủy chiến hải hùng. Từ đó người ta gọi sông này là sông Cổ Chiên là vì vậy. Cổ là trống, Chiên có lẽ là Chiêng, tức là tiếng chiêng, tiếng trống vang dầy. Một giai thoại khác cũng rất đặc biệt, có liên hệ tới danh xưng Long Hồ. Ở Vĩnh Long có một nơi mà Tiền Giang và Hậu Giang cùng mấy sông khác tiếp nối nhau làm cho nước xoáy vòng và người địa phương ở đây đặt tên chổ đó là Hồi Oa, tức là nơi Nước Xoáy. Người ta kể là hồi năm 1787 dân chúng ở Hồi Oa xôn xao về tin Thánh Giá (Nguyễn Ánh) sẽ ngự đến đây và như vậy chắc chốn này không tránh được nạn đao binh (giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh). Ít lâu sau Nguyễn Ánh đến thật, và nhà vua đã chiêu dụ được nhiều người trong vùng, gây nhiều cảm tình trong dân chúng, được mọi người hết lòng phò giúp. Nguyễn Ánh cho xây đắp thành đất ở đây hai bên có lập đồn phòng thủ. Binh Tây Sơn nhiều lần tiến đánh nhưng không thắng nổi đành phải rút quân. Nguyễn Ánh xem đây là đất hưng vượng bèn cho đổi tên Hồi Oa thành ra Long Hưng. Các vùng gần đó đều đổi tên có chữ Long đứng đầu như Long Ẩn, Long Thắng, Long Hậu, v v . . . Con sông Long Hồ trước kia mang tên Chân Lạp là Tầm Vồ cũng theo xu hướng chung đó mà đổi là sông Long Hồ. Ðêm đêm người ta còn nghe các cô gái chèo ghe ngâm:
     “Tầm Vồ rày đã đóng đô,
      Xin quan đổi lại Long Hồ cho xinh”.

Trà Ôn
     Vĩnh Long có cù lao (hay Cồn) Tân Phong, thuộc quận Chợ Lách, rất nổi tiếng về sản xuất ốc gạo. Cồn Tân Phong nằm giữa dòng sông, dài khoảng 3 km, ngang chừng 1,5 km. Ở đây ốc gạo sản sinh nhiều và nhanh, chỉ 3 tháng là ăn được. Mùa ốc gạo là từ tháng 3 đến tháng 6, đặc biệt trong tháng 5 là ốc ngon nhất. Ðồng bào Tân Phong thường bắt ốc gạo ban đêm để sáng hôm sau bán ở chợ Cái Bè, Mỹ Tho. Muốn bắt ốc gạo người ta phải lặn xuống đáy sông (ở những nơi sông không sâu), cào ốc vào rổ rồi chuyển cho tốp người khác đem lên bờ. Phần đông là phụ nữ làm các công việc vận chuyển trên bờ. Ở những nơi sâu người ta phải dùng vợt bằng giây gai lặn xuống xúc ốc lên đổ ngay lên ghe đậu gần bên. Ngày xưa khi chưa có cầu, mỗi lần qua Bắc Mỹ Thuận người ta thường thấy nhiều người bán ốc gạo. Ðó là ốc gạo sản xuất ở Cù Lao Tân Phong. Cũng ở Bắc Mỹ Thuận du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn độc đáo cũng như những thứ trái cây đặc biệt của vùng : các loại chim nướng thơm ngon, ổi xá lị to tướng mát rượi. Ngày nay Bắc Mỹ Thuận không còn. Chổ này bây giờ là một cây cầu rất hiện đại giúp việc lưu thông từ Miền Ðông qua Miền Tây (hay ngược lại) hết sức dễ dàng tiện lợi. Nhưng những người của các thế hệ lớn tuổi hơn, có những hiểu biết về Bắc Mỹ Thuận, chắc không khỏi ngậm ngùi luyến tiếc một số kỷ niệm vui buồn nào đó về bến đò Mỹ Thuận của năm xưa.
Chợ Tam Bình thời Pháp thuộc
       Một nhà tu người Vĩnh Long có bài thơ về tỉnh Vĩnh Long và 7 quận của tỉnh này (quận Châu Thành, quận Bình Minh, quận Tam Bình, quận Chợ Lách, quận Trà Ôn, quận Vũng Liêm, và quận Minh Ðức) trong khi nhà sư đi vân du các nơi. Người viết xin phép trích dẫn những đoạn diễn tả độc đáo về vùng địa lý này để kết luận cho bài viết Nhớ Về Vĩnh Long này.

Vĩnh Long cảnh đẹp người xinh,
Quyện lòng du khách gợi tình nước non!


(Quận Châu Thành)

Có ai về đến Vĩnh Long
Cho tôi nhắn gởi đôi dòng nhớ thương!
Nhớ Long Hồ, nắng hai sương
Nhớ thuyền đủng đỉnh ngược đường Cổ Chiên.

Thương cụ Phan lấy bút nghiên,
Chống quân xăm lược, đoạt miền Ðông Nam.
Thêm vào đấy những danh lam,
Tân kỳ, cổ kính, lòng làm sao quên?

Miếu Tổng Quốc Công hương ngút tỏa,
Tám lăm (85) lá sắc miếu công thần
Ngàn năm “Văn Thánh” trơ sương tuyết
Di Lặc tươi cười rạng ý dân. . . .

(Quận Bình Minh)
Ba Càn phát xuất nhiều tôm cá
Chim chuột, bắp dưa, bưởi, mận, cam
Du khách thương hồ hay ngoại quốc
Về rồi vẫn nhớ món chim ram.

Sông Hậu hai bờ cây trái thanh,
Nối liền chiếc Bắc đượm tình duyên
Phần đông tín ngưởng theo tôn giáo
Hoa Việt thêm vào Việt gốc Miên. . . .

(Quận Tam Bình)
Tam Bình giáp với Trà Vinh
Sống về ruộng rẫy, dân tình hiền lương. . .

(Quận Chợ Lách)
Quận Chợ Lách nhiều vườn cây ăn trái
Giáp Cái Mơn, Kinh Xáng một con đò. . .
Tân Phong ốc gạo nhiều như gạo
Tựa thế Ba Càn có ốc cao.

(Quận Trà Ôn)
Nước ngọt quanh năm, nhiều Cá Cháy
Sùng Nho, sùng Ðạo, sống hiền lương
Có Lăng Thống Chế tên Ðiều Bác
Phò hộ dân cư được cát tường. . .

(Quận Vũng Liêm)
Ðất có phì nhiêu cây trái ngọt
Nửa phần làm ruộng, nửa làm vườn. . .

(Quận Minh Ðức)
Sinh hoạt đủ ngành người tấp nập
Chuyên về ruộng rẫy, sống quân bình
Những cô thôn nữ bên dòng nước
Mơ bóng tình quân, hưởng thái bình.

Vĩnh Long tiền ruộng, bạc sông
Mái chèo khoan nhặt, bóng hồng thướt tha
Nụ cười chào khách gần xa
Hẹn ngày trỗi hát bài ca thanh bình.

(Lưu niệm ngày dừng chân nơi 7 quận Vĩnh Long - Thượng Tọa Giác Huệ)

Tỉnh Vĩnh Long không ảnh 1967
Nguyễn Thanh Liêm (LTS: Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm sinh trưởng tại quận Bình Ðại, Mỹ Tho – sau này là quận Hàm Long, tỉnh Kiến Hòa. Tốt nghiệp Cao Ðẳng Sư Phạm, có bằng Cử Nhân Giáo Khoa Việt Hán, và bằng Ph.D. về Nghiên Cứu và Lượng Giá Giáo Dục, Giáo sư từng làm hiệu trưởng trường Trịnh Hoài Ðức, Bình Dương và trường Petrus Ký, Sài Gòn. Giáo sư cũng là Thứ Trưởng Bô Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Giáo sư hiện là Chủ Tịch của tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation và Trưởng Ban Biên Tập của hai tập san Ðồng Nai Cửu Long và Tiền Giang Hậu Giang. Giáo sư là cố vấn của Viện Việt Học, cố vấn đặc biệt của hội Ái Hữu Petrus Ký, cố vấn của hội đồng hương Vĩnh Long, cố vấn của hội Nguyển Ðình Chiểu – Lê Ngọc Hân, và của một số các hội đoàn khác.)

Nguyễn Thanh Liêm

Sưu tầm từ trang nhà Quốc Gia Hành Chánh

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Hoa Học Trò


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Sa Hành Đoản Ca - Cao Bá Quát



Sa Hành Đoản Ca
Cao Bá Quát (1808 - 1855)

Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khước.
Nhật nhập hành vị dĩ
Khách tử lệ giao lạc
Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông
Đăng sơn thiệp thuỷ oán hà cùng
Cổ lai danh lợi nhân
Bôn tẩu lộ đồ trung
Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu
Tỉnh giả thường thiểu tuý giả đồng
Trường sa, trường sa nại cừ hà
Thản lộ mang mang uý lộ đa
Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca
Bắc Sơn chi bắc sơn vạn điệp
Nam Sơn chi nam ba vạn cấp
Quân hồ vi hồ sa thượng lập

Ngươi Sao Còn Đứng Trên Đồi Cát?  
PKT 12/04/2015

Đồi cát, lại đồi cát
Mỗi bước, tới như lui
Hết ngày, đi chưa đến 
Nước mắt nào rơi rơi 
Không học phép tiên, vừa đi vừa ngủ 
Lội suối trèo non, thật lao đao 
Xưa nạy, đường danh lợi,
Ngược xuôi, trời hành sao?
Trước quán bên đường, gió thoảng hơi rượu 
Nào mấy người tỉnh, mà ta không say 
Đồi cát, đồi cát, gối mòn, chân mỏi 
Đường dài mịt mùng, hung hiểm nào hay 

Xin nghe ta ca bài hát đường cùng 
Bắc Sơn, về bắc, núi vạn dẫy
Nam Sơn, đi nam, sóng muôn trùng 
Hỏi chi người còn đứng trên đồi cát?


Chú Thích:
1 - Sa hành đoản ca = Một khúc ca ngắn nói về người đi trên sa mạc.
2 - Tiên gia mỹ thụy ông = Một tiên ông có phép thuật vừa đi vừa ngủ, không mệt.
3 - Cùng đồ ca = Một khúc ca đường cùng, không còn đường nào để đi.
4 - Bắc Sơn, Nam Sơn, tên 2 ngọn núi đâu đó, một ở miền Bắc, một ở miền Nam, chỉ nơi lánh đời của các bậc "trí giả sinh bất phùng thời"(!) .

Lời Thêm: Đường Cùng. Bắc Sơn, ngược bắc,núi muôn trùng. Nam Sơn, xuôi nam, biển sóng dữ. Con đường cát dài trước mắt, đi hoài không tới. Ngược hay xuôi thảy đều khó. Trách nhau chi tội quán rượu bên đường. "Lập công bất thành / học bất tựu / thiếu tráng hữu cơ thần hề / tọa thị bách niên thân thế khu âm dương / Phủ chướng cuồng ca /vấn tư thế / mang mang thiên địa / an đắc tri nhất tri kỷ hề / thí lai đối chước hữu dư thương ".( Nam Phương Ca Khúc - Nguyễn Bá Trác (?) - 1881 - 1945 ).Chức nghiệp không tròn / Học hành dang dở / Tuổi trẻ một thời / Ngồi nhìn trăm năm thân thế tháng ngày trôi / Vỗ tay cuồng hát nghêu ngao / Hỏi cõi đời này / Đất trời mang mang / Nào ai tri kỷ / Cùng ta chén cạn chén đầy ? 


Phạm Khắc Trí
12/04/2015

Vùng Đất Thân Thương


Bài Thơ Xướng

    Vùng Đất Thân Thương
 (Viết về Đồng Bằng sông Cửu Long )

Mảnh đất phì nhiêu thế hợp long
Ruộng nương màu mỡ nước xuôi dòng
Mùa dâng đợt lũ tràn tôm cá
Sông tặng phù sa trải cánh đồng
Lảnh lót tiếng hò câu gọi bạn
Mênh mang điệu lý giọng ru lòng
Hiền hoà cuộc sống vùng châu thổ
Hạnh phúc tình yêu mãi thắm hồng.

Phương Hà
***
Các Bài Thơ Họa:
Miền Nam Mến Yêu

Hòn Ngọc Viễn Đông kế Cửu Long,
Phù sa sông nước chảy theo dòng.
Thiên thời sung túc tôm nhiều cá,
Địa lợi cò bay thẳng cánh đồng...
Lục tỉnh ca dao câu vọng cổ,
Một vùng châu thổ chứa chan lòng !
Trai thanh gái lịch không đâu sánh,
Cuộc sống an vui đẹp má hồng...

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 11 năm 2015
***
Vĩnh Long Mến Yêu

Thơ ấu năm dài , đất Vĩnh Long 
Êm đềm thành phố đứng soi dòng 
Cổ Chiên (1) lặng lẽ , tình sông nước 
Cây trái sum sê , lúa cá đồng 
Mộc mạc lưng đen , trai dễ tính 
Hây hây má thắm gái chung lòng 
Lấy gì đổi được thời son trẻ?
Tôi nhớ, tôi thương những bóng hồng 

Mailoc
(1) Cổ  Chiên là một nhánh của Cửu long
***
Quê Tôi Vĩnh Long

Mầu mỡ Miền Tây với Cửu Long
Quê tôi đất Vĩnh giữa hai dòng
Nước ngọt góp phần cây trĩu quả
Phù sa thêm sức lúa xanh đồng
Lương dân đôn hậu tình rộng mở
Lữ khách nhàn du ấm cả lòng
Truyền thống bao năm miền đất học
Tương lai tươi sáng một màu hồng

Quên Đi
***
Thế Thời...

Cửu Long chung mẹ với Thăng Long
Nối kết tình thân thảy một dòng
Nghĩ tới là mê câu vọng cổ
Mơ về càng khoái cảnh nương đồng
Cò bay thẳng cánh xa tầm mắt
Lúa trữ đầy kho thỏa tấm lòng
Đây thuở thanh bình thôi mãi nhớ
Bây giờ khó nói-đã phai hồng…


Thái Huy,12-01-15

***
Miền Nam Vùng Đất Cửu Long

Dãi đất Miền Nam có Cửu Long
Đổ ra chín nhánh bởi hai dòng
Tiền Giang vựa lúa nuôi dân song
Sông Hậu phù sa dưỡng ruộng đồng
Điệu lý câu hò  nghe mát dạ
Hoài lang dạ cổ khiến mê lòng
Mưa hòa gió thuận cây đầy trái
Tình nghĩa làng thôn thắm sắc hồng

Song Quang
***  
Vùng Đất Thân Thương
(Viết về Đồng Bằng sông Cửu Long)

Miền quê mảnh đất thế giao long
Tự đỉnh trời cao đổ hợp dòng
Nước lũ phù sa nuôi bản địa
Con người hạt lúa chuyển hương đồng
Màu xanh lá cỏ đời ươm lệ
Cuộc sống gian nan tiếng xé lòng
Vị trí nghèo nàn vùng thấp trũng
Ơi dân xứ Cửu mộng tô hồng!!!


Nguyễn Đắc Thắng
2015120
***
Đồng Bằng Sông Cửu

Người xưa nói phục hổ tàng long
Tiền hậu về nam rẽ lắm dòng
Nước bạc tuôn tràn nên chín cửa
Hạt vàng canh tác trãi hai đồng
Thất sơn huyền bí truyền linh khí
Gò Tháp cường kiên giữ tất lòng
Mộc mạc chân thành luôn hiếu khách
Ai đi chẳng nhớ bếp than hồng.

Cao Linh Tử
2/12/2015
***
Cần Thơ Yêu Dấu  
 
Cần Thơ hữu ngạn đất tiềm long,
Sông nước phù sa đỏ một dòng.
Gạo giả chày ba vang khắp xóm,
Câu hò một dạo ngập đầy đồng
Chiếc xuồng ba lá dằm khua nước,
Vọng cổ sáu câu ấm cỏi lòng.
Ai đến ai đi ai nhớ mãi ...
Tây Đô muôn thuở nắng tươi hồng! 
 
Đỗ Chiêu Đức

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Con Đường Lá Biếc



Thơ Cảm Tác & Thơ Tranh: Kim Oanh
Nhạc & Tiếng Hát:Phạm Anh Dũng



Hồn Thơ Hoa Bướm


Ta hoá bướm rong chơi miền quá khứ
Tuổi dương trần sông nước cuốn trôi mau
Mảnh vườn xưa hoa cỏ cũng thay mầu
Ân ái cũ đã xây thành cổ mộ

Nhớ về đâu, âm ba nào rất nhỏ
Chợt lên trong một thoáng u trầm
Con dế mèn quen trổi khúc ăn năn
Trời xứ lạ cũng chiều mưa sáng nắng

Nơi đáy mắt có mây sầu nguyệt lạnh
Ta phiêu du đôi cánh mộng thiên đường
Bến bờ xa nơi ấy có quê hương
Thời bé dại hồn ta như sóng biển

Mây thuở đó cũng xanh mầu ước hẹn
Ta giơ tay hái vội nụ tầm xuân
Tình đi qua tình ở lại một lần
Ta dệt mộng, tưởng thuyền say bến đỗ

Trả lại ta những huy hoàng buổi đó
Nắng Biên Hoà ve vuốt mắt môi ai
Chiều quân khu con nước lớn dâng đầy
Ta soải cánh cho giòng sông chảy xiết

Hoa mộng đó một đời ta nuối tiếc
Những con đường xanh biếc dấu yêu đương
Rồi cơn mưa khi chiều xuống khu vườn
Từng hạt nhỏ rơi trên thềm đá cũ

Ta chợt khóc một chiều thu bỗng nhớ
Có mùa xuân trên những ngón tay ai
Có sầu tư trong khoé mắt đong đầy
Ta nhặt lá cho hồn thơ hoá bướm

Ôi mắt biếc của một thời tuổi mộng
Ta say mê trong nỗi nhớ trong đời
Ta căng buồm đợi gió lớn ra khơi
Trời biển lặng mà hồn ta bão táp

Sao vội hết những ngày xưa diễm tuyệt
Thôi còn chi con sáo đã sang bờ
Ta ngồi đây ôm bong tối bơ vơ
Xa cách mãi mà đời chia mấy ngã

Đôi cánh ướt, ta quay về đất lạ
Biển còn xanh mây trắng vẫn bay hoài
Ta với người hai đứa vẫn đôi nơi
Lời hẹn ước xin một lần trả lại

Thụy Khanh
4/10/82
(Trích trong Thi Tập Buồn Xưa Bây Giờ - Anh Vân chuyển)

Thân Tâm An Lạc


Xuân về lời chúc rất an nhiên
Tự tại lòng ta, xóa muộn phiền
Để có từng ngày vui cuộc sống
Thân tâm an lạc sẽ bình yên

Mỗi ngày thức dậy đón bình minh
Hạnh phúc nhận ra rất hữu tình
Ta có những gì đang nắm giữ
Còn hơn bao kẻ sống điêu linh

Mắt còn thấy được đóa hoa tươi
Tai vẫn còn nghe những tiếng cười
Chân bước mỗi ngày thăm bạn hữu
Hàn huyên trò chuyện với bao người

Thân tâm an lạc vốn hoài mong
Tiếng kệ lời kinh luôn giữ lòng
Bát Nhã, Đại Bi hằng chú tụng
Ấy là tâm đạo mở khai thông

Quê người bất chợt kết qua thơ
Chúc bạn mỗi ngày đạt ước mơ
Hạnh phúc, niềm vui đầy cuộc sống
Bạn bè, thi phú quyện đường tơ

Hoàng Dũng

11 Lợi Ích Của Việc Dùng Nước Ấm


Nước ấm thật quá tuyệt vời
Giảm cân hữu hiệu, rạng ngời tóc mây
Ngăn ngừa lão hóa đến hay
Thông tắc mũi họng giảm ngày bụng đau
Giải độc cơ thể rất mau
Ngăn mụn trứng cá, ngừa gầu phát sinh
Nước ấm thật quá tài tình
Lưu thông khí huyết, thần kinh vững bền
Làm cho tiêu hóa tốt lên
Sáng làm một cốc là trên tuyệt vời!

Ngày nay chúng ta thường có thói quen uống nước đá, nước mát, hoặc các loại nước giải khát, thay vì một cốc nước được đun sôi và để ấm. Điều này vô tình đã khiến cơ thể lãng phí đi những tác dụng rất tích cực của thói quen đơn giản này.

Hầu hết mọi người thường chọn uống cà phê, trà vào buổi sáng. Tuy nhiên, theo chuyên gia Ayurvedic thì việc làm đó đang làm hại chính bạn.

Chuyên gia cũng khuyên rằng, nên uống một cốc nước ấm sau khi thức dậy vào buổi sớm, điều này rất có lợi cho sức khẻo, giúp giảm cân và giảm đau.


Sau đây là những lợi ích tuyệt vời từ nước ấm:

1/Giảm cân

Nếu bạn muốn giảm cân thông qua chế độ ăn uống, bạn có thể uống một ít nước ấm để vào buối sáng, sau khi thức dậy. Nước ấm sẽ làm nhiệt độ trong cơ thể tăng lên, giúp tăng cường trao đổi chất. Thêm vào đó, nước ấm hầu như không có calo, có thể ngăn chặn những cơn đói và hỗ trợ thúc đẩy nhanh quá trình giảm cân.

2/Giải độc cơ thể

Uống nước ấm vào buổi sáng sẽ giúp làm sạch cơ thể. Chất độc trong cơ thể sẽ được bài tiết qua nước tiểu và mồ hôi. Có thể thêm một chút nước cốt chanh và mật ong vào nước ấm để có hiệu quả tốt hơn.

3/Hỗ trợ tiêu hóa

Uống nước ấm trong bữa ăn có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn. Nước ấm cũng giúp tăng cường tiêu hóa và giúp duy trì chất điện phân và khoáng chất trong cơ thể. Hơn nữa, uống nước ấm khi đang đói cũng giúp cải thiện nhu động ruột và tình trạng táo bón.

4/Ngăn ngừa lão hóa sớm

Ngoài tác dụng thanh lọc cơ thể, nước ấm còn làm tăng tính đàn hồi của làn da và khả năng tái tạo da. Chính vì thế, uống nước ấm có thể làm giảm các dấu hiệu lão hóa như : khô da, da không đều màu và nép nhăn.

5/Giảm ho và các triệu chứng cảm lạnh

Uống nước ấm là cách tự nhiên, hiệu quả, không tốn kém để chữa cảm lạnh, ho, đau họng. Nước ấm sẽ làm tiêu đờm, giảm cảm giác đau rát họng, giúp hô hấp tốt hơn. Nước ấm cũng có tác dụng chống nghẹt mũi. Khi chúng ta uống nước ấm, mũi sẽ hít phải hơi nước ấm, điều này giúp phòng chống và giảm cảm giác khó chịu khi nghẹt mũi.

6/Giảm đau

Nhiệt từ nước ấm sẽ giúp làm dịu cơ bắp, tăng cường lưu thông máu và giúp thư giãn. Vì vậy khi bị chuột rút hay co thắt cơ, chỉ cần áp túi nước nóng lên chỗ bị đau sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Từ xa xưa, đây cũng là một phương pháp thường xuyên được áp dụng để giảm đau do chuột rút, giảm sưng, đau bụng kinh, đau đầu.

7/Cân bằng điện giải trong cơ thể

Sau khi tập luyện, uống một chút nước ấm sẽ giúp bổ sung vitamin và khoáng chất cho có thể bằng cách duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể. Nước ấm cũng giúp tiếp tục đốt cháy calo sau khi ngừng tập luyện, thúc đẩy nhanh quá trình giảm cân.

8/Ngủ ngon

Uống một chút nước ấm trước khi ăn tối hoặc trước khi đi ngủ không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn giúp thư giãn thần kinh. Thêm vào đó, uống nước ấm vào buổi tối còn làm giảm cảm giác thèm ăn lúc nửa đêm và giúp tinh thần sảng khoái vào buổi sáng hôm sau.

9/Tăng cường lưu thông máu

Khi bạn uống một cốc nước ấm, các độc tố có trong máu sẽ được loại bỏ khỏi cơ thể qua nước tiểu. Điều này giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể và làm giảm nguy cơ biến chứng về sức khỏekhác nhau do sự tồn tại chất độc trong máu.

10/Chống nhiễm trùng da

Ngoài tác dụng trẻ hóa tế bào da, uống nước ấm hằng ngày còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về da. Uống ít nhất 8 cốc nước ấm mỗi ngày có thể giảm trứng cá và giúp ích trong quá trình điều trị. Nước ấm sẽ làm thoáng các lỗ chân lông và loại bỏ các độc tố tích tụ trên da. Ngoài ra, nó cũng là một loại kem dưỡng ẩm tự nhiên giúp da không bị khô, nứt nẻ.

11/Giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nước

Uống nước ấm sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nước, vì nước đã được đun sôi sẽ giết chết các loại vi khuẩn.

Trần Ngọc sưu tầm

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Chuyện Ba Mùa Mưa - Nhạc: Minh Kỳ - Tiếng Hát: Thế Hùng



Nhạc: Minh Kỳ 
Tiếng Hát: Thế Hùng 
(Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long)

Những Tà Áo Tung Bay


Bài Thơ Xướng:
Những Tà Áo Tung Bay


Phất phơ rợp mát quãng đường dài
Cuốn hút tia nhìn ngây của ai
Đàn bướm rộn ràng trong nắng sớm
Ngàn hoa lay động giữa men say
Diụ dàng mềm mại thân hình sóng
Trong vắt ngây thơ ánh mắt nai
Cơn gió xôn xao như vẫy gọi
Những tà áo lụa thướt tha bay..

Phương Hà
20/11/2015 
***
Các Bài Thơ Hoạ:
Tà Áo Trắng


Xe đạp song song giữa nắng chiều,
Thướt tha trong gió nhẹ hiu hiu.
Phất phơ áo trắng bay theo gió,
Xao xuyến lòng anh tuổi chớm yêu!
***
Theo gió phất phơ vạt áo dài,
Thướt tha xao xuyến cỏi lòng ai.
Nắng chiều nghiêng trắng lòng ngơ ngẩn,
Gió nhẹ ửng hồng má tựa say.
Tóc rối tung bay theo nhịp bước,
Mắt huyền ngơ ngác sánh dường nai.
Năm mươi năm lẻ lòng canh cánh,
Hình bóng chập chờn áo trắng bay!

Đỗ Chiêu Đức
***
Tà Áo Bay


Áo lụa em mang vạt đổ dài
Như đang vẫy gọi,đón mời ai
Cổng trường mở rộng càng tha thướt
Vành nón chao nghiêng thật đắm say
Những ước cùng thương theo gót ngọc
Rồi mơ lại mộng bám chân nai
Để rồi hụt hững vì thời thế
Cánh phượng ngày xưa đã vút bay.

Thái Huy
11-20-15
***
Mùa Thu Đất Khách

Bao thu lạnh lẽo tháng năm dài 
Đất khách sầu về đọng mắt ai 
Tê tái tuổi vàng mơ ước cạn 
Chập chờn quê cũ lắng hồn say 
Đồng hoang lau lách bâng khuâng nhạn 
Thung lũng rừng chiều réo rắt nai 
Cánh hạc lững lờ theo gió cuốn 
Nghìn đời mây trắng vẫn còn bay!

Mailoc
Cali 11-20-15
***
Áo Lụa Hà Đông

Viễn xứ thời gian lặng lẽ dài,
Quê hương vạn dặm nhớ thương ai.
Đêm thu lạnh lẽo đầu đen bạc,
Ngày nắng âm u rượu trắng say.
Tri kỷ còn đâu người cố cựu,
Rừng phong lá đổ vắng hưu nai.
Nâu sồng ai mặc lo kinh kệ,
Áo lụa Hà đông chẳng thấy bay...

Mai Xuân Thanh
***
Áo Trắng Trên Sân Trường


Áo trắng bên đường tha thướt bay
Chừng như dáng phượng vẫn không dài
Sân trường rộn chuyển bàn chân nghịch
Tiếng nói cười vang cảnh sắc say
Tinh khiết hồn thanh phơi bóng nắng
Trong veo ánh mắt mở đàn nai
Thời gian lắng đọng nhiều tâm cảm
Bụi phấn về chiều vương tóc ai?

Nguyễn Đắc Thắng
20151120
***
Lưu Luyến

Tiếng vạc trong đêm tiếng thở dài
Lòng buồn vời vợi tỏ cùng ai
Một thời tuổi trẻ nhiều mơ ước
Cái thuở nghiệp thầy nặng đắm say
Viên phấn thướt tha trên mặt bảng
Học trò ngơ ngát tựa đàn nai
Nhưng rồi trăng khuyết mòn năm tháng
Nhuộm lá thêm sầu giận gió bay.

Quên Đi
***
Áo Trắng Người xưa


Hình bóng người em áo trắng dài
Thuở còn cắp sách....đắm hồn ai!
Đôi tà tha thướt theo chiều gió
Nhịp bước khoan thai khiến đắm say
Chiếc nón nghiêng che làn nắng nhạt
Mắt huyền lay láy ngỡ như nai
Giờ đây cách trở mà luôn nhớ
Áo trắng ngày xưa.....vạt vẫn bay??

Song Quang

Nhớ Ai Vầng Nguyệt Buồn Thu



Trăng sáng tìm... ai năm canh vằng vặc?
Ta sống còn... sao sáu khắc chẳng yên?
Thui thủi lạnh, ngày đơn thân chiếc bóng,
Lầm lũi buồn, đêm độc ẩm say men.
Thơ thẩn hoài, quê hương đâu lạc nẽo!
Hồn dại khờ, nhìn biển nhớ trăm miền...

Mai Xuân Thanh 
Họa thơ " Nhớ " - vhp. Hải ân
Ngày 10 tháng 10 năm 2015

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Tiếng Xưa

Bản nhạc này rất xưa, từ khoảng giữa thế kỷ trước, nó sống mãi đến nay trong lòng mọi người.
Giai điệu chậm nhẹ nhàng rất hay, nhiều người lớn tuổi yêu nhạc đều biết.

Nhạc Phẩm: Tiếng Xưa
Sáng Tác: Dương Thiệu Tước
Trình Bày: Tô Thị Thu Cúc
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Vườn Thơ Thẩn Độc Cô Ẩm Tửu - Thơ Vui

Vào một chiều đông, tiết trời Việt Nam ảm đạm …
Cao Linh Tử chợt buồn, thấy bóng mình trên vách, gầy tiệc


Độc Cô Ẩm Tửu

Độc cô tửu chước hà tri khách? 
Chợt thấy bóng mình trên tấm vách 
Nâng cốc ta mời chú cụng chơi 
Cạch!

Cao Linh Tử
***
Đắc Thắng đang ghé qua, hưởng ứng ngay



Bất chợt nghe buồn nên nổi hứng
Một thằng đem rượu khoe mồi "ứng"
Thằng kia cộng "hưởng" để ngồi chung
Xứng!

Đắc Thắng
***
Cao Linh Tử cảm hứng, tâm sự tiếp

Độc cô tửu hứng chiều đông xuống 
Cũng chỉ hai ly đầy cụng uống 
Không mồi Đắc Thắng với Cao Linh 
Tưởng!

Cao Linh Tử
***
Quên Đi ở xa, nghe tin ấm ức, ghẹo Song Kim cho đở tức


Không mồi phá Song Kim buồn bực
Đưa mắt nhìn bụng càng ấm ức
Nhị Đức thấy càng lớn tiếng cười
Tức!...

Quên Đi
***
Thấy chưa áp phê, nên ghé nhà (Facebook) Cao Linh Tử xả stress

Hết phá mồi
Không mồi phá Quên Đi buồn bực
Mắt liếc nhìn bụng thêm ấm ức
Cao, Thắng thấy càng lớn tiếng cười
Tức!...

Cao Linh Tử
***
Đắc Thắng mời anh Quên Đi nhập cuộc

Sư huynh ngồi xuống đi 
Ngồi xuống đi mà cho hết tức 
Ly này để giải cơn buồn bực 
Ly này phá thế "Độc Cô Ba" 
Ực !!!

Đắc Thắng
***
Đúng là Cao và Thắng muốn rù quến đây mà

Chẳng mồi chỉ có rượu
Cao Thắng thiệt xôm tụ
Hữu Đức thấy hơi run
Dụ!

Quên Đi
***
Song Quang thấy 3 ông bạn bàn luận nhau việc "nhậu" làm Song Quang "Ấm ức" lắm, nên:



Song Quang đang ở phương trời xa
Nghe rủ nhậu :lòng dzui hết sức
Muốn về tham gia cho đở bực
Phi cơ không chịu chở về nhà
Ức!!!

Song Quang
***
Mai Xuân Thanh xin tham gia chung vui với Vườn Thơ Thẩn cùng các bạn thân mến

Ừ Thì Độc Cô Ẩm Tửu
Thấy vui tí rượu có sao đâu!
Nâng chén đưa hơi nhẹ gánh sầu.
Thôi hết lo âu ta có bạn,
Tương thân chia sớt bớt buồn rầu!
Cạn!

Mai Xuân Thanh***
Hi..hi….. đúng là anh Thắng “Dụ “ hay nhe. Dụ đến anh Song Quang cũng “Ấm Ức” và Kim Oanh thì không mồi cũng "Cạch", đi nhậu chực …hi…hi….
Chị Phương Hà ơi, chị hứa đãi em nước dừa phải không? hi..hi...



Cạch! không rượu vậy mình kèm mứt
Tưởng Xứng… Thì ra có kẻ tức
Ai rượu đi... mình uống nước dừa...
Chực!!!

Kim Oanh
***
Lỡ vô Độc Ẩm Tửu
Mà không biết uống rượu
Xin thế bằng nước dừa
Ực cả trái say sưa
Nữa!!!

Phương Hà
***
Xời ơi! Dân phá mồi ...mà chỉ uống nước dừa thôi sao hỡ chị Phương Hà và Kim Oanh?
Để Kim Phượng tính cho...


Dân phá mồi ta chếnh choáng men
Cạn ly nước lạnh đến say mèm
Phen này vét sạch cho mà biết...
Xực!

Kim Phượng

Pluie( Hélène Dorion) - Mưa


Pluie 

Il pleut. J'entends le bruit égal des eaux ;
Le feuillage, humble et que nul vent ne berce,
Se penche et brille en pleurant sous l'averse ;
Le deuil de l'air afflige les oiseaux.

La bourbe monte et trouble la fontaine,
Et le sentier montre à nu ses cailloux.
Le sable fume, embaume et devient roux ;
L'onde à grands flots le sillonne et l'entraîne.

Tout l'horizon n'est qu'un blême rideau ;
La vitre tinte et ruisselle de gouttes ;
Sur le pavé sonore et bleu des routes
Il saute et luit des étincelles d'eau.

Le long d'un mur, un chien morne à leur piste,
Trottent, mouillés, de grands boeufs en retard ;
La terre est boue et le ciel est brouillard ;
L'homme s'ennuie : oh ! que la pluie est triste!

Hélène Dorion
***
Mưa

Tôi nghe tí tách mưa rơi
Nhịp nhàng trên lá lặng yên trên cành
Lá quằn giọt mưa long lanh
Bầu trời ảm đạm, đàn chim não nề!

Nước bùn khuấy động nước hồ ( Fontaine )
Đường mòn trơ trọi, thấy hòn sỏi con
Sóng nước cuồn cuộn xoáy mòn
Cát đỏ bốc hơi bay mùi thơm ngát

Chân mây màu buồn man mác!
Cửa kính vang động từng hạt mưa rơi
Nước mưa nổi bọt khắp nơi
Trên thềm, đường lộ tiếng rơi nổ dòn

Chú khuyển chạy theo lối mòn
Đàn bò về muộn thân còn ướt mưa
Đất nổi bùn, trời mờ sương
Người ta than thở mưa sao não nề !

Nguyễn Minh Châu TĐ3 Soibien - Phỏng dịch. 


Đông Lạnh Chanh


Đông lạnh chanh, bạn sẽ không phải đến bệnh viện vì ung thư
Chanh là một loại trái cây phổ biến, bạn sẽ bất gặp chúng ở bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống như ẩm-thực,làm đẹp,chữa bệnh… Chanh chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe và toàn bộ cơ thể.

Khoa học đã chứng minh rằng chanh có một loạt các công dụng bao gồm: giải độc cơ thể bằng cách kích thích chức năng gan thận hoạt động, tăng cường hệ thống miễn dịch và làm giảm tác động của các gốc tự do, do đó, ngăn ngừa sự phát triển của các căn bệnh khác nhau.

Chanh có tác dụng tuyệt với tới mọi lĩnh vực đời sống.
Tuy nhiên, rất nhiều người không biết rằng hầu hết các dinh dưỡng, chất chống oxy hóa tập trung ở vỏ chanh, phần bạn hay vứt đi.
Theo nghiên cứu gần đây, các hợp chất chống oxy hóa và các loại tinh dầu trong vỏ chanh đủ cao để chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Tại sao chanh đông lạnh lại phòng ung thư?
Nghiên cứu đã phát hiện, trong một trái chanh có khoảng 22 chất chống ung thư, bao gồm: limonene, citrus pectin, glycosides flavonnol, vitamin C...
Bạn nên biết rằng, nước ép chanh có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng khi nói đến tác dụng điều trị, ngăn ngừa ung thư phải đề cập đến vỏ chanh. Các đặc tính chống ung thư có được là do hợp chất limonoids chứa trong vỏ chanh.
Theo hơn 20 nghiên cứu về chủ đề này, hợp chất này đặc biệt có lợi với căn bệnh ung thư vú và nó hiệu quả gấp 10.000 lần so với adriamycin, loại thuốc được sử dụng trên toàn thế giới để hóa trị liệu chống ung thư. Tuy nhiên, không giống như adriamycin, limonoids không phá hủy các tế bào khỏe mạnh, do đó, hoàn toàn an toàn.

Bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng limonoids có tác dụng tích cực trong điều trị các các loại ung thư như:
- Ung thư đại trực tràng.
- Ung thư tuyến tụy.
- Ung thư tuyến tiền liệt.
- Ung thư gan.
- Bệnh bạch cầu.

Chanh đông lạnh phòng đến 50% các loại ung thư.
Theo tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Úc (CSIRO), cả một trái chanh có thể phòng chống các loại ung thư lên đến 50%.

Tổ chức này khuyên rằng, hãy tiêu thụ ít nhất 150gr vỏ cam chanh mỗi tuần để phòng chống ung thư, việc đông lạnh sẽ giúp vỏ chanh giữ nguyên các chất chống oxy hóa và tinh dầu bên trong và quan trọng hơn là bạn dễ dàng sử dụng.

Công thức đông lạnh chanh

Hầu hết các khuyến cáo cho rằng để điều trị và ngăn ngừa ung thư hiệu quả bạn chỉ cần sử dụng chanh thường xuyên, bao gồm cả vỏ. Do đó, cách tốt nhất đó chính là cho cả trái chanh vào trong ngăn đá tủ lạnh.

Bước 1: Rửa sơ bề mặt chanh bằng nước sạch hoặc hỗn hợp có pha nước với một ít baking soda hoặc giấm táo, bạn có thể tìm mua baking soda tại các tiệm làm bánh, giấm táo ở siêu thị trên toàn quốc.
Bước 2: Sau đó nhanh chóng cho chanh vào trong ngăn đá tủ lạnh.
Bước 3: Cuối cùng, khi chanh đã đông đá bạn đã có thể sử dụng chúng.
Bước 4: Chanh đông lạnh dùng rây cà thành bột cả vỏ và thêm vào các món ăn hoặc thức uống hằng ngày như sinh tố, salad hoặc bất kỳ loại món ăn nào bạn thích.


Mỗi tuần nên sử dụng 150gr chanh đông lạnh để phòng ung thư.
Mỗi tuần, theo khuyến cáo nên tiêu thụ 150gr vỏ cam chanh đông lạnh theo cách trên, tuy nhiên, bạn có thể sử dụng nhiều hơn cũng không sao.
Mặc dù không có tác dụng ngay lập tức nhưng chúng tôi đảm bảo rằng phương pháp này giúp bạn phòng triệt để các loại ung thư kể trên.

Vậy còn chờ gì nữa, hãy đông lạnh quả chanh trong tủ đá nhà bạn ngay hôm nay nhé.

Vạn Phúc (Theo Healthy Food House)
Trần Ngọc sưu tầm