Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Bố Tôi


1.

       Tuần trước, chúng tôi đã có cơ hội kể cho quý vị nghe 1 câu chuyện thật riệng tư, đó là chuyện về mẹ tôi, người đã từ giã cõi trần này vào đêm vọng lễ giáng sinh. Nói chuyện về 1 người đàn bà có chồng mà không nói đến ‘phân nửa còn lại’ thì có lẽ cũng có vài thiếu xót, nên xin 1 lần nưã, mượn những khoảng khắc sáng thứ bảy này để nói về ‘phân nửa kia’, đó là bố tôi.

       Năm nay bố tôi đã 86 tuổi. Ông không bao giờ ngờ rằng người đàn bà kết duyên chồng vợ với mình 54 năm trước, trẻ hơn mình 1 con giáp lại ra đi trước mình. Năm 80 tuổi, bố tôi nói: “Mọi sự ở trần gian bố giao cho mấy mẹ con, lo sao thì lo; còn bố, bố chỉ lo suy nghĩ về chuyện đời sau”.

       Người ta bảo ‘sống gửi thác về”. Lẽ sống chết trong đời sống con người phải chăng là thế. Trong 4 cái khổ theo nhà Phật là ‘Sinh Lão Bịnh Tử’ thì bố tôi đã trải qua được ba cái rồi, chỉ còn cái khổ cuối cùng thì ông đang chiêm niệm để chờ ngày bước tới. Ấy thế mà trong những ngày chơi vơi cuả tuổi già, Thiên Chuá lại cất đi cái xương sườn cụt cuả bố tôi để ông vốn chao đảo với cuộc đời, nay lại càng chao đảo thêm.
       Thánh vịnh 89, câu 10 ghi nhận như sau:

“Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ
Cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”


2.
       Cái khổ nhất cuả tuổi già là sự cô đơn. Bố tôi từ trước đến nay dường như chỉ có 1 người chính để tâm sự, để nâng đỡ, để nhờ vả. Người đó là mẹ tôi. Trước đây mẹ tôi hay phàn nàn là bố không để cho mẹ ngủ qua đêm. Bởi vì mẹ tôi có thói quen ngủ sớm. Mới 9 giờ thì gà đã lên chuồng. Còn bố tôi thì mãi 10g30 tối mới ngủ. Mắt đã loà thì làm sao coi TV, đọc sách; nghe radio thì tai nghễnh ngãng phải mở thật to; thành ra mẹ tôi vẫn thường hay chiều bố ráng thức để nghe bố tỉ tê chuyện cuộc đời.

       Không hiểu có phải vì thế hay chăng mà mẹ tôi trở thành phát ngôn viên cho bố. Điều gì bố muốn anh em trong nhà làm thì đều nói cho mẹ, rồi mẹ nói với anh em. Thế cho nên khi mẹ tôi chết, dường như trong gia đình mất đi hẳn cái gạch nối giưã bố và mọi người trong gia đình.
Trước đây, tôi vẫn chờ đến 8 giờ tối để nói chuyện với mẹ vì sau 8 giờ tối gọi Optus free. Thực ra, nhiều khi chuyện cũng chẳng có gì, lắm khi chỉ là 1 chuyện tầm phào nào đó nhưng có lẽ chỉ để nghe được tiếng cuả nhau, biết rằng mẹ khoẻ, bố khoẻ mà yên tâm.

       Đã biết bao nhiêu lần tôi muốn tung hê tất cả mọi sự để trở về Adelaide sống, ấy thế mà cũng đã lê lết ở đất Melbourne này hơn 15 năm. May mà Trời cho bố mẹ tôi khoẻ mạnh, không mang 1 chứng bịnh gì gọi là nghiêm trọng nên 1 năm đôi lần gặp nhau xem ra cũng yên tâm 1 phần nào.
Có 1 tâm nguyện cuả mẹ mà tôi chưa toại nguyện là việc mẹ tôi muốn về lại quê hương thăm gia đình và bạn bè mà trong gia đình chẳng có ai đi cùng. Mấy năm trước khi bố tôi còn khoẻ mạnh thì cả hai người đã đi từ bắc ra nam trong 1 chuyến đi gọi là ‘dối già’ và giã biệt mọi người cùng 1 nhóm bạn già.
       Bố tôi nay không đủ sức đi đâu nữa mà mẹ tôi, vốn là chân chạy vẫn còn muốn về nhưng ngại về 1 mình. Đã mấy lần rủ mà chúng tôi cứ khất lần. Mẹ tôi gạ gẫm: “Mẹ chỉ cần đưá nào cùng đi, đến được Saigon thì chả cần nữa, muốn đi đâu thì đi”. Bà vẫn ngại chuyến đi xa lỡ có trục trặc gì thì không biết ứng phó ra sao.

       Chuyến đi ấy đã chẳng bao giờ xảy ra dù rằng đã thấp thỏm hẹn hò với bà bác bên Mỹ, hay với bạn bè ở những nơi xa xôi để cùng về gặp nhau nơi quê hương. 3.
Người xưa bảo rằng: “Hãy để kẻ chết lo cho kẻ chết, còn kẻ sống hãy lo cho kẻ sống”. Đám tang cho mẹ xong, điều làm bản thân chúng tôi lo nhiều nhất là cuộc sống cuả bố tôi từ đây. Căn nhà tổ mà bố mẹ tôi sinh sống từ trước đến nay, bây giờ 1 mình ông cụ không thể ở. Có cho 1 đưá cháu đến ở với ông thì cũng không xong vì vẫn phải lo cơm nước cho cả hai ông cháu. Thế nên đành phải bán nhà và bố tôi nay là kẻ không nhà, đi lưu vong thay phiên đến nhà 4 đưá em còn ở lại Adelaide mỗi đưá 1 tháng. Ông cụ nhất định không chịu lên Melbourne chơi vì muốn mỗi ngày có dịp ra mộ thăm.

       Sáng thứ hai khi chúng tôi lái xe trở về Melbourne. Cả gia đình giã biệt căn nhà tổ, đưa bố tôi đến ở nhà đưá em, trên đường ghé thăm mộ, ông cụ đứng lặng thinh rồi quỳ xuống đầu mộ kể kể như bao lần đã kể lể cho mẹ tôi nghe mỗi tối. Ngày hôm ấy, khi đến nhà đưá em, ông cụ âm thầm lặng lẽ vào phòng dành cho mình, và ở luôn trong ấy không chịu ra ăn uống gì cả, suốt ngày chỉ ngồi nhìn bức hình cuả mẹ tôi mà thẫn thờ cầu nguyện, làm cho đưá em phải gọi tất cả những anh em còn ở Adelaide đến nhà dỗ dành ông cụ. Rủ ra mộ thăm thì mới xem ra nguôi ngoai đôi chút.
Có lẽ mấy tuần trước đây, dù thiếu mẹ, nhưng ngày nào tất cả các con cái đều quây quần chung quanh ăn uống đọc kinh mỗi tối. Nay mỗi người 1 phương hẹn nhau 100 ngày mới trở lại gặp nhau, làm cho ông cụ bỗng dưng thấy như hụt hẫng.

      Bố ơi,
      Nếu bố có nghe đài sáng hôm nay thì hãy can đảm lên nhé. Hành trình làm người phải chăng chỉ như đi đến 1 điểm hẹn để sống gửi thác về. Thiên Chuá ban cho con người 1 thân xác như chiếc áo bọc bao phủ phần hồn để sống để thở trong cõi đời này. Rồi cũng có lúc cái áo đó cũ kỹ đi, mục nát đi.
       Con người như 1 giọt nước tình thương đi lang thang, đến cuộc đời để học hỏi và có để lại chăng chỉ là chút ít tình thương rải rác nào đó rồi trở về cùng Thiên Chuá là cha tình thương, là biển đại dương cuả yêu thương. Giọt nước lang thang đó nhập vào đại dương tình thương để làm thành 1 gạch nối giưã trời và đất, giưã đời này và đời sau.
Để từ nay, chúng ta tin rằng trên thiên quốc, sẽ có 1 người trong gia đình phù hộ cho chúng ta là những người còn phải đi cho trọn kiếp lầm than làm người cuả mình.

4.
       Chuyện xưa kể rằng khi Huệ Tử thắc mắc tại sao Trang Tử lại vỗ trống mà hát khi vợ mình qua đời thì Trang Tử đáp:

Lúc nàng mới chết, tôi làm sao không khỏi buồn rầu.
Nhưng xét đầu tiên cả nàng vốn không sinh
Không những không sinh mà vốn không hình
Không những không hình mà vốn không khí
Lộn xộn trong cõi hoảng hốt,
biến mà có khí,
khí biến mà có hình,
hình biến mà có sinh;
nay lại biến mà chết:

những việc ấy có khác gì sự đi lại cuả bốn muà, xuân hạ thu đông ?
Người đã nằm yên trong ngôi nhà lớn, mà tôi lại đi theo khóc lóc,
như vậy tự thấy mình không thông hiểu mệnh, cho nên tôi không khóc”
Chúng ta sinh ra trần truồng, rồi lại trần truồng mà trở về lòng đất; chúng ta vốn từ cõi vô hình mà đến, rồi lại trở về cõi vô hình. Trang Tử vả các đệ tử cuả ông phải chăng đã hiểu được ý nghiã cuả thế giới vô thường, cho nên ‘cỡi trên sự biến hoá cuả lục khí, để dong chơi trong cõi vô cùng”.


       Bản thân chúng tôi đã đi tham dự nhiều đám ma, nhưng chưa bao giờ có cái cảm nhận vưà đau xót vưà lạ thường như khi đi đám ma cuả mẹ mình. Phải chăng trước đây, khi đi đám ma là đi đám ma cuả ai đó, 1 người dù thân quen nhưng cũng không thể có cái cảm giác như xé ruột xé gan.
Nói như 1 chia sẻ cuả 1 nữ thính giả gửi đến thì những giọt nước mắt không chảy ra ngoài thì nó lại chảy vào tim, làm cho nhức nhối và đau đớn bội phần hơn nưã. Những cuộc chia ly, dù biết ‘sinh hữu hạn, tử vô kỳ’ và chẳng có ai trên đời này đưcợ trường sinh bất tử, rằng cha mẹ già rồi sẽ qua đời, nhưng khi điều ấy xảy đến, chúng ta lại dường như không thể chấp nhận được nó.
Thế cho nên, có những thoáng chợt khi kỷ niệm cũ ào đến, nước mắt ưá ra, chính lúc đó mới bật khóc trong lặng lẽ mà than rằng “má ơi, sao má bỏ con má ra đi”.

5.
       Ngày xưa ở Việt Nam, gia đình chúng tôi theo thói thượng cuả người Hà Nội gọi cha mẹ mình là ‘cậu mợ’. Khi khôn lớn bố tôi bảo, người kinh đô lạ kỳ, chọn hai người xa họ nhất là cậu mợ để bảo con cái dùng gọi cha mẹ mình, thôi từ nay phải gọi lại cho chính danh. Ấy thế mà không hiểu sao trong khi người ta thường gọi ‘bố mẹ’ hay ‘ba má’ thì anh em chúng tôi lại nửa nam nưả bắc mà gọi là ‘bố má’.
       Bài điếu văn đọc trong thánh lễ an táng trước khi tiễn mẹ tôi ra lòng đất, đoạn cuối ghi nhận như sau:
       Chúng con nào có bao giờ ngờ rằng ngày hôm nay má ra đi, bỏ bố, bỏ các con bỏ các cháu ở lại cõi đời này. Còn biết bao nhiêu chuyện ngổn ngang trong lòng con muốn hỏi má, nay biết hỏi ai.
Từ trước đến giờ lúc nào má cũng là cột trụ cuả gia đình mình, chuyện lớn chuyện nhỏ đều từ tay má lo liệu. Những lúc anh em không đồng ý kiến, má là người kết hợp cho tình gia đình vẹn toàn.

       Má là chỗ nương tựa từ tinh thần đến vật chất cho chúng con. Không biết có phải vì thế mà má đã ôm trọn những lo âu vào lòng âm thầm chịu đựng. Bao nhiêu lần cuộc đời làm cho má đau khổ, lắm khi má muốn tâm sự, thế mà chúng con lại vô tình không biết đến để chia sẻ cùng má.

       Bố vẫn bảo, má họ VŨ, nên đã đem mưa hồng ân trên trời đến để tưới cho cây LÊ nhà mình tốt tươi. Cây LÊ ấy ngày hôm nay không còn được má chăm sóc dưới thế này nữa, nhưng với Đức Tin cuả người công giáo, chúng con luôn khẩn nài Thiên Chuá là cha tình yêu tha thứ những lỗi lầm nếu có cuả má ở trần thế. Chúng con tin rằng trên cõi trời cao, má sẽ vẫn phù trợ cho mọi người trong gia đình để các con, các cháu cũng sống sao cho nên người như sự trông mong dưỡng dục sinh thành cuả bố má.
       Con có nói ngàn lời cũng không đủ cho hết những điều muốn nói. Giã biệt má yêu thương cuả chúng con.
        Thân phận con người là bụi tro, đến từ bụi tro và trở về bụi tro, hôm nay chúng con xin tiễn đưa má trở về lòng đất.

       Má ơi,
       Má cuả con ơi, má có nghe tiếng con không ?

Minh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét