Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Bước Chân

Cộc..cộc..cộc..
         Thầy Đoàn ngưng giảng bài, nhìn ra, thầy Hiệu Trưởng đang trước cửa lớp.
- Các Em chờ Thầy một lát.
         Thầy bước ra cửa:
- Có gì không gì anh Bằng?
- Không gì quan trọng, chỉ muốn báo cho các em học sinh một chuyện.
- Vậy à, mời anh.
         Hướng về học sinh, thầy Đoàn nói:
-Chúng ta tạm ngưng, Thầy Hiệu Trưởng có chuyện thông báo với Các Em.
         Quay sang thầy Bằng:
- Mời thầy Hiệu Trưởng.
         Thầy Bằng bước vào lớp, tất cả học sinh đứng lên chào.
- Chào các em, các em ngồi xuống, Thầy đến báo với các em một tin, bắt đầu từ hôm nay, Cô Phương sẽ thay Thầy Vân hướng dẫn lớp 8A, lớp 9 các em sẽ do Thầy Đoàn hướng dẫn. Thầy hy vọng các em sẽ không thất vọng dưới sự hướng dẫn của Thầy Đoàn. 
         Thôi, Các em tiếp tục học. Chào Các em
         Lớp vang lên tiếng reo, có em im lặng. Nhóm thì mừng nhưng cũng có những em buồn.
         Sau khi bắt tay thầy Bằng, thầy Đoàn bước vào lớp:
- Các em đừng buồn, tuy cô Phương không còn hướng dẫn, nhưng vẫn tiếp tục dạy Các em. Bây giờ chúng ta tiếp tục bài học. Vào giờ học sau Thầy Trò mình có chuyện cần thảo luận.
.............................. .............................. .............................. ........................

- Hôm nay các em học đến đây thôi, 15 phút còn lại chúng ta sẽ bàn một chuyện rất mới với các em cũng như với trường chúng ta.
- Chuyện gì mới vậy Thầy? - Thầy nói mau đi Thầy...
-Các Em im lặng đi, Thầy nói ngay đây.
         Hiện nay trường dự định làm Đặc San, lớp được giao thực hiện là lớp các em, và Thầy có trách nhiệm hướng dẫn các em từ khởi sự cho đến khi hoàn thành.
- Làm Đặc San khó hông Thầy?
- Chúng em sẽ làm gì? 
- Bài vở ai viết Thầy? 
- Mướn ai in thầy?....
         Rất nhiều câu hỏi được các em đưa ra.
- Được rồi, thầy sẽ giải thích từ từ cho các em. Khi muốn làm một quyển đặc san, trước hết chúng ta đặt tên và xác định chủ đề cho quyển đặc san. Từ đó chúng ta sẽ sáng tác văn, thơ, truyện ngắn, truyện vui, các bài sưu tầm, câu đố ...theo chủ đề đó.
          Điều quan trọng là chính các em sẽ thực hiện từ hình thức đến nội dung quyển Đặc san này. Thầy và tất cả Thầy Cô trong trường sẽ giúp đỡ các em trong việc chỉnh sửa bài viết và chỉ dẫn các em tập in ấn. Nói tóm lại, quyển đặc san này là của các em, do chính tay các em làm nên.
- Nhưng tụi em không biết gì cả 
- Phải bắt đầu từ đâu 
- Sẽ phải viết những gì?
 .....
- Chuyện này Thầy sẽ sắp xếp và hướng dẫn các em làm theo trình tự như sau:
  
1- Chủ Đề
2- Đặt tên tờ đặc san
3- Nội dung bài viết 
4- In ấn và hoàn thành

-  Chúng em có cần hùn tiền không Thầy?
- Không, các em không phải đóng tiền. Tất cả chi phí Nhà Trường sẽ xuất quỹ cho chúng ta, bây giờ chúng ta bắt đầu, 
      1-  Trước hết, thầy nói về chủ đề.
         Đây là trường học, Chúng ta là học sinh, đương nhiên đây là chủ đề chính.
       2- Đặt tên cho tờ Đặc San
          Tên tờ đặc san cũng dựa vào chủ đề, nhưng mang ý nghĩa rộng và sâu hơn chỉ cần không đi quá xa chủ đề là được.
           Chúng ta sẽ đặt tên cho tờ đặc san này, các em cứ đề nghị lên, nhưng khi đề nghị một cái tên các em phải nêu rõ ý nghĩ cũng như lý do chọn tên đó, sau cùng cả lớp sẽ biểu quyết chọn tên nào.
          Bây giờ các em suy nghĩ và đề nghị.
.............................. .............................. .............................. ..................

- Thưa thầy, em đề nghị tên là "Mực Tím" vì mực tím cũng tượng trưng cho tuổi học trò.
- Thưa Thầy, em thấy không đúng vì hiện nay đâu có ai viết bằng mực tím đâu, chỉ viết toàn là mực xanh và viết nguyên tử không hà (thời đó những cây viết BIC ngòi bút bằng những viên đạn tròn nhỏ bút bi được gọi như thế).
- Các em đề cử thêm đi chúng ta còn chọn lại nữa mà
- Thưa thầy, em đề nghị lấy tên "Hoa Phượng", vì loài hoa này gắn liền với tuổi học trò.
- Em phản đối vì hoa Phượng là nói đến mùa hè còn bây giờ đã qua mùa hè rồi.
.............................. .............................. .............................. ...........................

- Các em còn đề cử thêm không?  bây giờ Thầy cũng đề cử một tên
- Tên gì Thầy?
- Thầy đề cử tên : "Những bước đi"
- Có ý nghĩa gì vậy Thầy?...
- Thầy sẽ giải thích sau. Bây giờ để các em dễ dàng trong việc lựa chọn cái tên cho quyển đặc san của mình,Thầy sẽ giải thích từng cái tên.
         Trước hết Thầy nói về "Mực tím".
- Đúng là ngày nay không còn sử dụng mực tím. Vào cái tuổi của thầy, ở những năm học Tiểu học, ngoại trừ lớp Năm tức lớp Một ngày nay, phải viết bằng viết chì, tất cả học sinh các lớp trên khi đi học đều mang theo bình mực tím và những cây viết có ngòi hình lá tre nên thường được gọi là "viết lá tre", mỗi khi viết sẽ chấm vào bình mực, khi viết hết mực trong ngòi tiếp tục chấm mực tiếp...
         Sau giờ tan học, nếu để ý, sẽ thấy hầu hết các em nhỏ tay dính đầy mực tím. Có những em mực tím lem cả áo quần.
         Giờ nhớ lại những cảnh hồn nhiên ngây thơ ấy, thầy cảm thấy bồi hồi luyến nhớ.......

- Bây giờ mà trở lại như thế, chắc một ngày thay không biết bao nhiêu là cái áo,
-Còn bị đòn nứt đít nữa...
- Lúc đó Thầy và các bạn có chơi trò tạt mực vào nhau không Thầy? - Chắc vui lắm.
- Ở đó mà vui. Thế nào cũng bị đòn, về nhà còn bị Ba  Má khẻ roi vô đít nữa phải hông Thầy?
- Đúng vậy, Thầy vẫn không quên giọng nghiêm khắc của Ba, những lời khuyên dỗ yếm âu của Má sau những buổi tan trường.
         Nhưng cũng may là sau đó có những bình mực không đổ rất tiện cho các em học trò Tiểu Học.
- Thầy kể nghe hay và dễ thương quá....
- Thầy còn nhớ một đoạn bài thơ "Màu mực tím" của nhà thơ Kiên Giang, giờ đọc cho các em nghe

            Màu Mực Tím
Mực tím phai rồi anh vẫn nhớ
Mùa hoa điệp nở, mộng ngày xanh
                                                        KG

Tôi đã tương tư màu mực tím
Từng ngày mới viết chữ A, B
Cong queo dòng bút tình thơ dại
Chữ nghĩa đẹp trong nét vụng về
Mỗi lần trái mồng tơi chín
Anh hái làm mực tím
Tặng cô bạn nữa ve bầu
Cô đem mực tím nhuộm màu áo thơ
Từ ngày nhuộm áo màu tim tím
Bè bạn gặp em ở cổng trường
Thường gọi : Này cô em áo tím
Cho anh nhểu mực viết văn chương

.............................. .....
- Rất tiếc là Thầy chỉ nhớ có bấy nhiêu thôi.
-Thật là thơ mộng và hay quá hén Thầy.

          Tiếp theo Thầy nói về "Hoa Phượng"
           Phượng Vỹ theo nghĩa Hán Việt là đuôi chim phượng hoàng, do những nhánh lá non xoè giống đuôi phượng. Trước đây ở Việt Nam mình không có Cây Phượng.Theo Thầy biết Phượng Vỹ gốc ở Phi Châu. Khi Pháp sang xâm chiếm nước ta, họ đem giống Phượng trồng suốt từ Nam ra Bắc. Hoa phượng không chỉ có màu đỏ, Phượng còn có màu Vàng, có nơi gọi là Điệp (thời bấy giờ ở VN chưa có phượng tím và phượng trắng)
           Như các em thấy, hoa phượng chỉ nở vào lúc các em nghĩ hè. Khi những cành phượng bắt đầu nở nhưng bông hoa đỏ rực, chúng ta biết ngay mùa hè đang đến, niên học sắp hết, giây phút chia tay cũng cận kề. Không biết bao nhà thơ đã thi vị hoá hoa phượng,đồng hoá hoa phượng với tuổi học trò và còn gọi hoa phượng là hoa học trò. Nói đến đây Thầy nhớ đến bài thơ thật hay và buồn của nhà thơ Xuân Diệu :


"Phượng mười năm"  

Phượng trong sáng nảy hồng trên một cõi 
Như muôn đàn cùng gảy dưới mái cao 
Ánh sáng trùm trong không gian vòi vọi 
Tấc lòng hè kiều diễm hoá ly tao 

Biển bướm đỏ rào rào trong gió mát 
Lá non xanh như suối chảy trên trời 
Phượng, phượng hỡi, cớ sao mà man mác 
Mỗi mùa hè run rẩy dưới triều môi 

Xanh đã ngủ ở dưới trời yên tĩnh; 
Đỏ còn ngân trong tiếng nói dịu dàng; 
Ta mơ màng thấy gió đang sóng sánh, 
Trống sân trường văng vẳng đánh - mười năm. 

Mười năm phượng, phượng huy hoàng vẫn phượng 
Áo trắng trong ngày tháng phất phơ soi 
Ta cùng mình như cành cây riết quấn 
Vương lòng nhau ràng rịt biết bao đời 

Phượng mười năm.... hiu hắt gió mười năm 
Yêu mười năm.... nhớ muôn thuở.... mười năm
                

- Thầy đọc bài thơ nghe hay quá 
- Sau này khi nào dư giờ, Thầy ngâm thơ cho tụi em nghe nghen Thầy.
- Nghe các em khen thầy nhớ lại khi còn học lớp Đệ Tam ( lớp 10 bây giờ), giáo sư Lạc, Thầy của Thầy. Thầy Lạc ngâm thơ rất hay, những bài thơ Thầy ngâm đều là những bài thơ rất nổi tiếng như Màu tím hoa sim, Đôi mắt người Sơn Tây, Hổ nhớ rừng...chính thầy cũng ảnh hưởng phần nào nơi Thầy Lạc.
- Vậy mai mốt Thầy ngâm những bài đó cho chúng em nghe đi Thầy..
- Được rồi, giờ chúng ta tiếp tục.
         Bây giờ thầy giải thích về "Những bước đi"
          Loài người chúng ta thoát khỏi kiếp thú, khởi sự với cách di chuyển bằng hai chi dưới mà ta gọi là chân. Khi đứng vững được trên đôi chân, chập chửng với bước đầu tiên là một việc khó khăn phải gắng gượng cho khỏi ngã. Khi đã bước được bước đầu tiên, những bước sau dễ dàng hơn. Từ khi con người di chuyển nhanh nhẹn trên đôi chân của mình, sự tiến hoá càng phát triển rất nhanh.
         Trở lại đặc san của chúng ta, đây là quyển đặc san đầu tiên của trường này, giống như bước chân đầu tiên của loài người. Chính các em là những học sinh tạo nên bước đầu tiên, để rồi sau đó các lớp đàn em sẽ tiếp nối bước thứ hai, thứ ba...và cứ thế những bước đi sẽ tiếp tục mãi.
         Đó là ý và cũng là mong ước của Thầy khi đề nghị lấy tên " Những bước đi".
   .............................. .............................
- Thầy đã giải nghĩa rõ về ý của ba tên được đề nghị, bây giờ các em suy nghĩ và chúng ta biểu quyết bằng cách bỏ thăm kín cho công bằng.
.............................. .............................. .........
        
          Sau khi kiểm phiếu, tên được chọn cho quyển Đặc San là "Những Bước Đi".

- Tiếp tục,Thầy nói về vấn đề thứ ba
         3- Nội dung bài viết 
- Các em sẽ viết về đề tài học đường, về học sinh, về con đường phía trước, những mơ ước ở tương lai. Nói chung, các em sẽ viết về những suy tư, những cảm nhận về tuổi học trò của các em.
         Các em có thể viết bất cứ thể loại nào, văn xuôi như hồi ký, truyện ngắn, chuyện kể, ký sự, tự sự ...văn vần như thơ Lục Bát, Song thất Lục bát, Thơ Mới...hay sưu tầm những mẫu tin về khoa học văn chương, chuyện vui cười....
         Tóm lại ,các em thích thể loại nào thì viết nấy, 
         Các em có hiểu chưa? hay còn thắc mắc gì? 
          Nên nhớ, tất cả các em đều phải viết, mỗi em ít nhất là một bài.
- Thưa Thầy nhưng mà tụi em không quen viết, làm sao mà viết đây?
- Khởi đầu bao giờ cũng khó, nhưng quan trọng là ý tưởng, cứ coi như các em đang viết một bài luận văn mà đề tài do chính các em tự đặt ra. Theo kinh nghiệm của Thầy, các em cứ mạnh dạn viết rồi ý tưởng sẽ tuôn tràn ra trang giấy, từ từ các em sẽ quen và viết dễ dàng. Các em đừng ngại rằng mình viết dỡ, đã có các Thầy Cô sẽ sửa bài cho các em trước khi in.
          Hãy mạnh dạn lên, những gì người làm được thì các em cũng làm được. Trong khi sáng tác viết bài, các em cần hỏi gì, cứ đến gặp thầy, thầy sẵn sàng chỉ dẩn.
         Các bài viết xong, các em sẽ giao cho Út Trưởng ban văn nghệ và báo chí của lớp. 
         Sao, các em còn thắc mắc gì không? nếu không, chúng ta tiếp tục phần cuối cùng.
         4- In ấn và đóng cuốn.
- Trong việc in ấn này, chúng ta sẽ sử dụng phương pháp in lụa thủ công, chúng ta sẽ in tại trường. Việc này Thầy khá rành.
          Chúng ta sẽ mướn đóng những khung gỗ chữ nhật kích thước 30 cm x 40 cm,sau đó căng loại vải KT 2000 hay KT 4000 lên khung.
          Về bản in Thầy sẽ hướng dẫn các em viết bài hay vẽ trên các tờ giấy sáp Stencils hoặc đánh máy để làm bản in, qua các công đoạn đó,Thầy sẽ hướng dẩn các em cách in.
          Sau khi tất cả đã được in xong, chúng ta sẽ tự đóng cuốn, để cho quyển đặc san được đẹp, mình sẽ mang ra Cà Mau mướn cắt cho ngay ngắn. Thế là các em đã tự tay hoàn thành quyển đặc của các em, cũng là quyển đầu tiên của trường.
         Tuy nhiên, để mọi việc trôi chảy, các em phải hoà đồng với nhau, những xích mích, những bất đồng, hiềm khích trước đây phải dẹp bỏ, cùng chung sức một lòng để hoàn thành Đặc San này, tạo nên một tiền đề tốt cho trường và các lớp đàn em.
          Việc này các Em đồng ý với thầy không?
- Đồng ý 
- Hoan hô Thầy 
- Chúng em luôn nghe lời dạy của thầy.
- Chúng em sẽ hoàn thành Đặc San của chúng em, quyển đặc san đầu tiên của Trường
.............................. .............................. ...................

Cả không khí hào hứng, vui tươi, sôi động đang đến với cái lớp nổi tiếng phá phách và chia rẽ nhất trường.

 Huỳnh Hữu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét