Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

Tháng Chín Mùa Thu

The tree of Live by TASIRUPEKAhARO
Ở Hai Đầu Nỗi Nhớ

Tháng chín. Tháng của rỉ rả mưa đêm, của lả chả cánh phượng và hiu hiu mùa chuyển.
Tháng chín. Tháng của líu ríu chim sẻ rủ nhau bỏ đi và xôn xao học trò rủ rê trở lại.
Tháng chín ... khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc...
Tháng chín bây giờ, xứ lạ đã thành quen và tháng chín hồi đó, rất quen mà như chừng đã lạ.
Tháng chín ở một thành phố nhỏ, giữa miền Nam nắng cháy mưa lầy, nơi tôi đã sống lụy như tình nhân và tấm tức bỏ đi như người bị ruồng rẫy.
Tháng chín ở đó với không biết bao nhiêu là kỷ niệm của những mùa thu giả tưởng. Lá thư tình ngây ngô viết vội cuối tháng sáu khi trường học sắp đóngcửa và cô bạn mắt-nai-tóc-thề sắp sửa hành lý về quê. Trời nắng rực sửa soạn vào hè mà quýnh quáng quơ vội quơ vàng phong vị mùa thu vào trang giấy học trò để tả tình tả oán về nỗi nhớ-thương-học-lóm của chim xa-bầy-thương-cây nhớ-cội. Cũng chẳng nhớ rồi lá thơ nhét trong tập sách cho mượn có nhận được hồi âm ? Mà điều có cần đâu. Cái thuở bạ đâu thích đó, có biết vân mồng gì đâu cái-gọi-là-tình-yêu.

Ôi những mùa-thu-giả-bộ ở cái tỉnh nhỏ êm đềm, sớm chiều như ngái ngủ. Thời tiết chuyển mùa mơ hồ như có như không. Nắng rồi mưa, mưa rồi nắng. Vậy mà lòng con trai mới lớn cứ phiêu bồng như lãng tử chạy đuổi theo mùa màng cho được. Thật ra có gì khác lạ đâu ở bên ngoài lòng người. Nhiều lắm là chút khang khác giữa cái nóng hừng hực và cái nóng hâm hấp, màu xanh rì của tàng lá xum xuê và màu xanh thoang thoáng của chùm lá non mới trổ. Vậy mà mỗi lượt nghe ai đó cất giọng rầu rĩ thu-đi-cho-lá-vàng rơi ... là bụng dạ lại cứ nao nao ... làm như nghe được cả tiếng chân thu đang chuyển dịch sẽ sàng. Chỉ tại cái lòng quá mơ mộng. Hay tại vì nhịp mùa có chuyển cũng chuyển từ trong tâm tưởng. Trời đất thay đổi rất vô tình. Tại mình tiếp tay với trời đất cho nên mùa màng mới có chuyện. Xứ sở đâu có bốn mùa vẫn cứ cố bày ra cho được. Trời miền Nam quanh năm suốt tháng nắng nướng dòn da mà cái đầu thì cứ mê muội bày đặt đủ thứ tứ thời tám tiết. Hết xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi đến anh vẫn thấy em ngồi đây tóc ngắn mà mùa thu dài lắm ở chung quanh ... Mình lợi dụng trời đất vào tình riêng riết rồi lậm lúc nào không hay. Đến nỗi hễ nghe xuân tới là cứ rậm rật hy vọng mà nghe tin thu về thì lại đâm ra buồn ngẩn buồn ngơ, buồn tới lơ ngơ cả ngày.

Truy cho ra nguyên ủy, chắc cũng đã xa lăm lắm, đâu từ đời Đường đời Tống bên Tàu, có thể gần hơn một chút thì Lamartine với Chateaubriand bên Tây. Gần hơn chút nữa thì cũng cỡ những năm 20 khi bà Tương Phố viết Giọt lệ thu buồn đến ngất ngư làm cái đám sanh sau đẻ muộn lỡ học phải rồi cũng đâm ra sầu thu đến chảy nước mắt, từ đó. Ai biểu.

Vài chục năm sau, ở một thành phố nằm trên vĩ độ 45 bắc, đột nhiên giữa một buổi chiều cuối tháng chín, tôi thấy mùa thu thật sự trở lại. Đúng ra chắc cũng đã rục rịch từ nhiều ngày trước mà không ai hay, từ bên kia dãy núi chắn ngang phía bắc thành phố. Ở đó rừng núi mênh mông, cây lá mênh mông, mặc tình cho trời đất xun xoe làm dáng. Ở đó, trên những chỏm núi ngất ngưởng cao đã thấy quầng thâm những ngụm mây xám. Và ở đó, chắc cây lá cũng đã len lén đổi màu từ khi mặt trời cứ bỏ đi ngủ sớm. Ở dưới này, giữa lòng phố, ngày đã ngắn lại đâu từ giữa tháng, mỗi ngày một chút. Và gió cũng đã đổi hướng, mỗi lúc một lạnh. Lòng người ta bén nhạy còn hơn đài khí tượng, đánh hơi mùa từ khi máy móc chưa kịp tính toán xong.

Vậy đó, một buổi chiều cuối tháng chín, tôi bỗng thấy mùa thu trở lại. Mặc dù mùa hè còn nấn níu chưa chịu bỏ đi.

Bắt đầu là một cơn gió lạ. Cũng không biết từ đâu thổi tới. Chỉ biết khi tôi thấy thì nó đã ra tới giữa lòng đường. Lúc đó đâu khoảng giờ cơm chiều nên lòng đường trống trơn, duổi dài như một cánh tay buông xuôi sau khi đã vật vã mệt nhoài với mớ xe cộ hối hả qua lại lúc nãy, khi tan sở. Mặt đường xám ngắt, lì lì giữa hai hàng cây im sững. Cơn gió lách tới bất ngờ, qượn qua qượn lại một chút rồi bốc thẳng lên, mang theo nhúm bụi mờ và một chiếc lá vàng nằm sẵn đó tự hồi nào, thổi ngược vào lề thả lá bay vất vưởng một đổi rồi bỏ mặc chiếc lá khô nằm chết bên cạnh về tường nứt nẻ. Cơn gió bỏ đi để lại chút gay gay lạnh trên cánh tay trần của người khách bộ hành vừa trờ tới. Một chút động đậy thôi trong một giờ chiều rất tịnh, bỗng nhiên làm quậy lên lao xao một cái gì rất lạ. Một cái gì rất mơ hồ, nhẹ hửng, chẳng đâu ra đâu vậy mà như đủ sức khều dậy giữa lòng người một ý niệm, hay đúng hơn, một ấn tượng ... Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu.

Vậy rồi đâm ra buồn ngang buồn ngửa, buồn ngất trên vai áo theo kiểu của thi sĩ du tử họ Lê.

Mà buồn cái gì ? Mùa thu ở vùng đông bắc Mỹ châu này rồi sẽ đẹp gần chết mà buồn nỗi gì. Trời hanh nắng, gió hiu hiu lạnh, khoác hờ chiếc áo dạ đen bỏ hở hàng nút, kéo cao cổ áo phủ ót, một tay đút túi, một tay quơ quơ hốt nắm sương la đà, thả cho đôi chân lang thang, rồi học đòi Hồ Dzếnh nhớ nhà châm điếu thuốc khói huyền bay lên cây là hết sẩy. Nhất là ngay lúc đó, trời đất đang rục rịch chuyển mình. Lá xanh không còn xanh nữa. Ngàn lá, triệu lá, triệu triệu chiếc lá như có hẹn tự bao giờ rủ nhau thay sắc. Xanh vàng tím đỏ rồi xanh xanh vàng vàng tim tím đo đỏ. Rồi nâu, rồi nâu nâu. Rồi cả những sắc màu pha trộn không gọi được tên lao xao dưới nắng thu trong như hổ phách. Dẫu có loạn thị cách mấy cũng phải chịu là đẹp. Vậy tại sao lại còn đòi buồn đòi tủi !?

Ờ ... thì đẹp. Mà điều cái đẹp là cái bây giờ, ở đây. Còn cái buồn là cái hồi đó, còn vận đến chừng này, trong tâm tưởng.

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu, ai khóc ai than hờ ...

Đố ai đã từng nghe Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong một lần mà không thấy bùi ngùi tới xót ruột. Nhất là ở cái thời mới lớn. Lạ lắm. Tình buồn, nếu có là của riêng người nhạc sĩ. Ông sống cái mùa thu của ông ở đâu tận ngoài bắc xa mù mà rồi qua mấy nốt nhạc ông xô ùa cái mùa thu chưa từng đó vào lòng đám trẻ mới lớn ở miền Nam cái một. Từ đó, ở miền Nam có một mùa thu.


Rồi suốt dọc theo thời tiền chiến, cái mốt mới gọi là lãng mạn theo ông Tây đổ dập sang, cuốn theo không biết bao nhiêu là hồn thi văn nhân nhạc sĩ kèm theo đó là cái mớ độc giả khán thính giả bị “lây lan”. Khỏi nói lãng mạn với mùa thu là một cặp bài trùng anh-đâu-em-đó. Đã lãng mạn thì chạy đâu cũng không khỏi mùa thu.

Đoàn Chuẩn-Từ Linh. Lá đổ muôn chiều. Thu đi cho lá vàng rơi. Lá rơi cho đám cưới về. Ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt ... Cưới hồi nào không cưới đợi ngay tới cái lúc thu-đi-cho-lá-vàng-rơi rồi hè nhau bỏ bến cũ ôm tình sang thuyền khác. Cứ như vậy đó hỏi làm sao mùa thu không tạo ra những cõi-lòng-mít-ướt.

Rồi dọc theo cái thời tập tành làm người lớn, chập chững chân trong chân ngoài con đường tình ái hẵn là không biết bao nhiêu mùa thu nữa lãng đãng theo mấy nốt nhạc làm phông cho chàng trẻ tuổi thả trái tim mình ba chìm bảy nổi theo mấy dòng tóc mây thu. Dĩ nhiên là chắc chìm nhiều hơn nổi cho nên rốt lại cứ nghe tới thu là đâm ra rầu miết.

Đến khi Phạm Duy đem nhạc phổ thơ Adieu * của Apollinaire thì ôi thôi chắc mẻm thu ơi thu sao mà buồn lắm vậy. Ta ngắt đi một cùm hoa thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi ... Mùa thu đã chết ...

Adieu của Apollinaire vỏn vẹn có năm câu, nhắc đến chuyện chết của mùa thu một lần. Rồi báo động chuyện người ta sẽ không còn gặp nhau trên mặt đất này nữa mới là hệ lụy. Nhưng rồi khi phổ nhạc, chắc do điều kiện hoà âm phối khí gì đó tôi mù tịt, bài nhạc phổ thơ cứ kêu rêu làm như mùa thu chết đi chết lại tới năm lần ... bởi vậy mà nghe tới nghe lui, phòng trà quán nhạc tiệm kem vũ trường nào cũng in hệt một lời cáo phó của mùa thu ... Mùa thu đã chết ...ngon ơ. Chết thì buồn là cái chắc.

Thêm nữa, hồi đó, những năm sáu mươi bảy mươi, mấy ông nhạc sĩ tài hoa của chúng ta hẵn cũng rất lậm mùa thu. Chuyện gì không biết, mà hể nhắc tới tình lở tình trễ tình phụ tình hờn ... là thẳng tay kéo mùa thu vào cho được. Làm như thất tình vào mùa thu thì rõ chắc là thất tình, không có cải chối gì được. Nghe thử một bài cũng rất thịnh hành hồi đó coi. Y chang. Biệt xứ hồi nào hổng biết, mà khi trở lại phố xưa tìm về dĩ vãng là chàng nhớ lại chuyện dang dở của mình : nàng đi lấy chồng cũng vào một ngày mùa thu. Điệp khúc ** nhắc rằng ... thu đến thu đi cho lá vàng nhẹ rơi, em theo bước về nhà ai ... Cũng lại mùa ... thu ! Thu buồn thu khổ thu sầu thu tủi thu hờn thu hận ... trăm chuyện đổ đầu thu. Ngay cả có khi đã bỏ nước ra đi, lang thang tuốt đâu bên Paris long lánh ánh sáng mà cũng không thoát khỏi cái mùa thu ảm đạm này.

Phạm Trọng Cầu. Em ra đi mùa thu. Mùa thu không trở lại. Em ra đi mùa thu. Sương mù giăng âm u. .. Ngày em đi nghe chơi vơi não nề qua vườn Luxembourg ...
Thiệt là chạy-trời-không-khỏi-nắng ... thu!

Mà đâu chỉ vậy thôi. Nhạc đã vậy, còn văn thơ thì khỏi nói. Trong một chục bài văn thu với thơ thu thì đã có tới chín mươi chín phần trăm nói về thu buồn thu khổ thu sầu thu tủi thu hờn thu hận ... thu nước mắt ngắn nước mắt dài ... ( đến nỗi mới nghe tới hơi thu là đã ngửi ngay ra mùi ẩm mốc, dầu rằng thiếu chi ngày thu khô ráo )

Hãy nghe bà Tương Phố ở cái thời mà tâm sự đàn bà còn giấu kín hơn cả giấu hột xoàn cũng đã đem thu ra than van thảm thiết ... về với anh mùa thu, tiễn đưa anh mùa thu, mất anh cũng lại mùa thu, cho nên mỗi năm cứ đến độ thu sang thì em lại bồi hồi nhớ trước tưởng xưa mà lòng thu một tấm cũng ngây ngất sầu ... thì đến đá tảng khi đụng tới mùa thu cũng phải rã rời nói chi trái tim con trai mới lớn mềm còn hơn mấy sợi bún thiu.

Tới ông Tản Đà, thì thu thiệt tình là buồn đến hết nói. Trận gió thu phong rụng lá hồng. Lá rơi tường bắc lá sang đông. Hồng bay mấy lá năm hồ hết. Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không. Đâu mà toàn là chuyện trắc trở với lại phòng không chiếc bóng. Nghe mà nhảo cả người.

Rồi Nguyễn Bính giang hồ rất mực, ra bắc vào nam như cơm bữa mà lại cũng chọn cho được ngay mùa thu để thất tình. Tôi về gom hết ba thu lại. Đốt hết cho cô khỏi thẹn lời.

Thậm chí ngay cái hồi chưa có chữ viết, chỉ mới bịa chuyện bằng môi miếng kể cho con nít nghe cho ... vui mà rồi cũng hổng ̣được vui trọn. Tại vậy mà mới nứt mắt ra là ngốn không biết bao nhiêu chuyện tình có oan gia với mùa thu. Mở đầu là câu chuyện của anh chàng chăn trâu Ngưu Lang với cô nàng dệt vải Chức Nữ. Yêu chi mà yêu khổ. Yêu chi mà một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày chỉ cho gặp nhau có mỗi một lần. Mà rồi còn phải cậy nhờ bầy chim ô thước nối cánh bắt cầu cho qua sông Ngân tái ngộ. Đêm mùng bảy tháng bảy. Khóc mừng hay khóc tủi mà lụt lội trần gian.

Gió xa xôi vẫn về
Mưa giăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời ...
... Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu ***
.....................................
Mà thôi, tàm tạm vậy đi, chớ mà lục cho hết trong mớ văn thơ năm châu bốn biển hổng chừng có gom hết ba cái khăn tay khăn tắm khăn quàng trong nhà cũng không đủ lau khô hết mấy hàng nước mắt.

Kể ra thì cũng oan ức cho cái mùa thứ ba của trời đất. Mùa nào không lấy cứ đè mùa thu ra mà gán ép cho bao nhiêu là oái oăm oan trái thất bát ái tình. Hổng phụ tình thì cũng tình phụ. Hổng dở dang thì cũng dang dở. Bộ yêu nhau rồi phụ nhau vào mùa xuân không được sao ? Hay mùa hè ? Hay mùa đông ? Mà cũng kỳ thiệt. Thiên hạ yêu nhau hồi nào đâu không biết mà hể tới lúc chia tay rẻ rúng rẫy ruồng em về lấy chồng anh đi hỏi vợ là cứ kéo cho được mùa thu ra làm cảnh và làm chứng. Cả cái cô Thúy Kiều và ông thương gia Thúc Sinh cũng cùng một điệu. Người lên ngựa kẻ chia bào. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Riết rồi ai nấy cứ khăng khăng là mùa thu thì phải buồn, cho dẫu tôi-buồn-không-biết-vì-sao-tôi-buồn, mùa thu là phải nhớ, dẫu là nhớ vơ nhớ vẩn hay là nhớ có nơi có chỗ, nhớ độc chiếc hay là nhớ song phương, nhớ tam giác hay ngũ lục giác gì cũng được. Miễn là có buồn, có nhớ cho ra điệu ... thu sầu. Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ ... (****)

Bởi vậy, dẫu đâu có ai xúi biểu, mà rồi dù muốn hay không, thì ở đây, nơi mùa thu được coi là lộng lẫy nhất trần gian, khách tha hương cứ cảm thấy ... sao á, có cái gì như nghèn nghẹn, có chút gì như quá đáng mà lại như thiêu thiếu, thiếu chút thân quen. Xứ người, mùa thu chín rộ đẹp toàn bích như một thứ hạnh phúc thừa thải càng làm thắc thỏm lòng khi nhớ về cái chỗ đã bỏ đi sao mà chắt chiu toàn khổ hạnh. Làm như rốt lại, vài ba mươi năm rồi vẫn nguyên hình ... khách lạ ! Ăn ở nơi đất người mà vui buồn thì cứ vui buồn tận ở quê xưa!

Bởi vậy mà nên nỗi. Giữa khi trời đất trổ vàng hực hở thì lòng người bỗng chùng xuống, tối mịt những kỷ niệm. Mà kỷ niệm thì không vui. Kỷ niệm chỉ có buồn thôi vì kỷ niệm là cái đã mất. Giống như mùa thu chỉ để buồn thôi vì mùa thu chỉ là sự gắng gượng làm vui của trời đất khi sắp lịm vào cơn mê thiếp, khi âm phong sắp sửa trở mình thổi trắng cõi nhân gian ...

Dẫu vậy, nói ra cũng kỳ. Ở đậu xứ người mà không chịu vui với người. Người ta tung hô sự huyền diệu của thiên nhiên. Người ta đưa nhau lên núi, đưa nhau vào rừng, dắt nhau đi trên những lối mòn đã mất dấu dưới mấy lớp lá thay mùa, phủi cho nhau chiếc lá đỏ bám đầu vai, gở cho nhau chiếc lá tím vướng tóc, mời nhau nếm chút ngọt ngào của rượu nho đã ủ kín từ cuối mùa thu trước ... Cả một hoạt cảnh vừa thơ mộng vừa tình tứ vừa hoạt náo vừa êm đềm cứ diển ra hằng ngày suốt một mùa thu năm này qua năm khác.. Người ta rủ nhau đàn ca múa hát từ đồi cao đến phố thấp. Và lê la lề đường tới đêm hôm khuya khoắc như muốn kéo dài thêm khúc hoan ca của cây lá. Người ta thay nhau tổ chức hết lễ lá đến lễ màu. Vậy mà sao giữa lòng mình chỉ có mỗi một lễ duy nhất. Lễ nhớ. Mà hể nhớ thì buồn. Mà đã buồn thì lại nhớ. Tại cái mùa thu đó, nó gợi nhớ. Hay tại mình, mình không chịu quên.


Không dưng mà lại nhớ đến một câu trong bài tùy bút của Đinh Hùng viết đâu đã vài ba mươi năm trước về một mùa thu trở lại. Lâu quá đã quên gần hết. - Ờ mà sao lại không quên luôn. Lại nhớ chi loáng thoáng, vài ba hàng, đôi mươi chữ để cứ khượi lại những vết tích đã mờ ... Nắng ở đây vẫn là nắng ấm ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi đem lòng về để gặp lại mùa thu thương nhớ cũ ...

Ờ linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Năm nảo năm nao. Mà có cần và có thể xác định một thời điểm chính xác trong cái chuổi nhớ thương dằng dặc đó. Năm nào mà chẳng được. Khi đã là quá khứ thì ngày tháng cũng mù sương. Trí nhớ chập chùng. Kỷ niệm thì trùng điệp. Nhưng vẫn có đó. Đôi khi lộn đầu lộn đuôi. Nhưng có cần không một thời biểu rõ ràng cho mớ hình sương bóng khói.

Mùa thu. Mùa của năm học bắt đầu. Những buổi tựu trường. Tiếng trống giục giã. Áo trắng quần xanh. Tóc rẽ bảy ba. Sách vở, viết mực, hàng chữ nắn nót. Rồi phấn trắng bảng đen, thi cử, ly cà phê đen trắng mắt, lá thư tình thứ nhất.
Mùa thu. Mùa của tụ năm tụ bảy. Của góc phố đứng đường. Của hơi thuốc lá tập tành. Của lê la quán xá.
Mùa thu. Mùa của trăng đêm hò hẹn. Của giận hờn. Của xin lỗi. Của vụn dại dễ thương. Của lầm lỡ.. cố ý.
Mùa thu. Mùa của đưa người qua bên kia bờ Mỹ Thuận, trở ngược về nhớ Tống Biệt hành của Thâm Tâm. Đưa người ta không đưa qua sông...
Mùa thu. Mùa của chia tay giữa đường khi trời đông bắc mới sang thu. Gió sớm lung lay mấy sợi nắng mai làm biển lá đổi màu, lung linh như tranh tân ấn tượng của George Seurat. Sót một nụ hôn từ biệt làm đường xa thêm vạn dặm. Quanh co rừng núi sông hồ, đèo mây dốc đá, phố xá ngái ngủ và làng mạc còn thiêm thiếp, con đường lạc giữa sương thu, tôi về chạy giữa mùa thu lạc người.
Mùa thu. Mùa của sinh ly tử biệt. Của cửa sông đen ngòm. Của ngọn đuốc lập lòe. Của bỏ cha bỏ mẹ, bỏ bầy bỏ bạn, bỏ nước bỏ quê.
Mùa thu. Mùa của điêu tàn. Của nát tan. Của khúc ruột đứt lìa. Của ngón tay vuột mất.

Ôi mùa thu thương khó từ trong tâm thức. Có nhớ có thương năm nay thì cũng chỉ là nối tiếp cái thói quen thương nhớ từ năm kia năm kìa. Mà sao cứ nhớ thương hoài vậy. Rồi không chừng lại nhớ tiếp luôn tới năm sau, năm sau nữa. Bộ khoảng giữa của hai đầu thương nhớ nó nhủn nhẳn nhùn nhằn như cao su vậy sao mà kéo dài tới chừng nào cũng được.

Bộ chỉ có trí nhớ là đức tính cần thiết và dai dẳng đến vậy sao?
Còn đến chừng nào thì lãng quên sẽ là đức tính cần thiết hơn nữa?

Cao Vị khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét