Tôi quen với vợ chồng anh Quang từ rất lâu, lúc tôi đưa con gái đi học Kindergarten gặp anh chị cũng đưa con gái út đi học lớp 5 cùng trường, rồi nhận ra là đồng hương, bắt chuyện . Thấy tôi sôi nổi thích hoạt động, anh chị đề cử tôi cùng vào Ban Chấp Hành Hội Người Việt Edmonton. Ông xã tôi bận rộn với tiệm thuốc Tây nên được... tha, nhưng luôn luôn ủng hộ tinh thần hoặc thời gian mỗi khi chúng tôi túi bụi với những chương trình sinh hoạt của cộng đồng.
Hơn nhau mười mấy tuổi, nên anh chị coi vợ chồng tôi như em trai em gái trong nhà. Chúng tôi hợp nhau ở tính tình dĩ hòa vi quý, tinh thần chống Cộng, sinh hoạt cộng đồng, và nói chuyện hài hước, thoải mái, đặc biệt là tâm hồn văn nghệ, văn thơ, báo chí.
Chuyện tình của anh chị cũng rất lãng mạn, rất văn nghệ. Nghe kể lại, thuở đó đầu thập niên 80s anh làm MC thiện nguyện trong cộng đồng còn thưa thớt người Việt, chị và mấy cô em gái tham gia tiết mục biểu diễn đàn tranh trong các chương trình văn nghệ do Hội Người Việt tổ chức. Lúc ấy, con gái rất có giá, chị xinh đẹp, biết bao nhiêu chàng trai vây quanh, nhưng cuối cùng chị chọn anh vì anh có tài lẻ là đờn ca, hơn hẳn mấy người khác. Ngày đám cưới, anh bước lên sân khấu, ôm đàn, rất lãng tử, hát tặng cô dâu bài Bên Kia Sông của Nguyễn Đức Quang với ánh nhìn say đắm:
Này người yêu, người yêu anh ơi!
Bên kia sông là ánh mặt trời
Bên kia đồi, cỏ hoa đan lối
......
Này người yêu anh hỡi!
Yêu nhau mình đưa nhau tới
Bước nhẹ - và nói êm xuôi
Nói cho vừa mình anh nghe thôi!
Mỗi lần nhóm chúng tôi tụ tập sân sau nhà anh chị, bên đống lửa bập bùng đêm hè, anh lại ca bài này, rồi nói chuyện văn nghệ, thời sự, sách báo... đến nửa đêm mới chia tay nhà ai nấy về . Anh thường nói:
- Ngoài tình yêu Thiên Chúa, yêu quê hương, đất nước, cha mẹ anh chị em con cháu, thì bây giờ tôi còn có hai tình yêu lớn, đó là bà xã tôi và sách báo.
Tủ sách nhà anh, dưới basement, tuy không lớn, nhưng được trình bày rất mỹ thuật, gọn gàng. Nhiều lúc tôi đứng ngắm sách, anh bảo:
- Phía dưới này là sách tôi có thể tặng nếu cô muốn cuốn nào thì cứ lấy. Còn phần trên đây là không cô nhé, sách quý của tôi đấy, cô chỉ được mượn thôi.
Thời gian trôi qua mau, hai đứa con gái của anh chị lấy chồng, đám cưới đều do tôi làm MC. Một đứa theo chồng về Vancouver, một đứa thì qua bên Toronto, còn lại anh chị về hưu, quanh quẩn bên nhau hưởng thú vui điền viên, nghe nhạc, đọc sách, tụ tập bạn bè. Thỉnh thoảng anh chị đi du lịch đó đây, thăm gia đình hai con gái và các cháu ngoại.
Rồi chị qua đời vì bệnh tim, bỏ lại anh thui thủi một mình, nhưng vốn là người lạc quan vui vẻ, anh mau chóng ổn định tinh thần, tiếp tục cuộc sống tuổi già với những niềm vui hàng ngày trong căn nhà bé nhỏ.
Sau khi mãn tang chị một thời gian, anh gọi điện thoại cho tôi:
- Cô Loan ơi, tôi có một chuyện quan trọng muốn nhờ cô giúp, mong cô đừng từ chối.
Tôi cười, trêu anh:
- Chắc anh tính nhờ em mai mối một cô một bà nào đó, đúng không nà?
- Ôi giào, tôi còn “xí quách” nữa đâu mà đi thêm bước nữa, cô tha cho tôi đi! Tôi sẽ dọn về Toronto ở với vợ chồng đứa con gái út cô ơi. Tụi nó kêu mấy năm nay, bây giờ tôi mới đồng ý.
- Thật ư? Edmonton và tụi em sẽ rất nhớ anh đấy, nhưng anh đã quyết định đúng, tuổi già nên sống gần con cháu. Vậy chuyện quan trọng anh tính nhờ em là chuyện gì?
Bấy giờ anh ấy mới tâm sự:
- Chẳng giấu gì cô, lần này tôi đi qua Toronto là để sống đoạn cuối cuộc đời, mấy lần trước con gái và thằng rể qua đây đã phụ mang một mớ đồ của tôi qua bển, kỳ này tôi chỉ mang vài cái va ly. Tôi còn hai thùng sách, một thùng là gần trăm số báo Làng Văn tôi gìn giữ bao lâu, một thùng là những cuốn sách tôi yêu quý. Tôi chỉ biết cậy nhờ cô giữ, hay nói thẳng ra là tôi tặng cô.
- Nhưng ...
- Khoan! Cô để tôi nói hết nhé. Thùng báo Làng Văn cô xem bạn bè ai thích thì cho, còn không thì cô có thể đem ra thùng rác “recycle” để họ đem đi giùm tôi. Còn thùng sách, có những cuốn nào thích thì giữ lại, tôi tin là cô sẽ thích, ví dụ như 4 cuốn Hồi Ký Phạm Duy do chính tác giả ký tên tặng khi ông qua Edmonton trình bày Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, rồi Hồi Ký Lý Tống, và nhiều sách giá trị khác, những cuốn thân hữu ra mắt sách mà tôi mua ủng hộ, có lời đề tặng và chữ ký tác giả, sau đó những cuốn còn lại cô có thể tặng bạn bè ...
- Anh ơi, thùng Làng Văn thì em đồng ý nếu anh muốn để lại, còn thùng sách quý kia, anh có thể đóng thùng đem theo lên máy bay, chỉ trả thêm chút tiền.
- Cô ơi, tuổi tôi đã gần 80, nay mai ở nhà con cháu, dễ gì có chỗ thoải mái cho mình làm tủ sách? Hơn nữa, tuổi già bệnh hoạn có thể ập đến bất cứ lúc nào, tấm thân tôi còn không giữ nổi, nói chi giữ sách? Tôi chỉ mang theo khoảng chục cuốn có nhiều kỷ niệm. Mà bây giờ biểu tôi đem mớ sách còn lại đi “recycle” hoặc đem đốt bỏ, vứt bỏ thì thật tình tôi không nỡ, đau lòng tôi lắm cô ơi!
- Ủa Ủa!!! Cho em được ngắt lời anh nhe? Anh biết đau lòng khi bỏ sách, rồi anh đẩy qua cho em, bộ anh nghĩ em là gỗ đá, không có trái tim, hổng biết đau lòng sao!
Anh cười xòa:
- Ý tôi không phải vậy, mà vì cô trẻ hơn tôi nhiều tuổi, nhà cô lại rộng thênh thang, nên tôi xin cô nhận lời, coi như tôi năn nỉ cô. Tình yêu đời tôi là bà xã đã ra đi, nay còn lại tình yêu sách báo, tôi không thể giữ chúng được nữa, cô hiểu cho tôi không?
Dĩ nhiên là tôi hiểu lắm, ngậm ngùi cho anh và cho những cuốn sách quý anh từng gìn giữ, bây giờ đành phải buông xuôi, và gửi gắm chúng cho tôi, thì cớ gì tôi lại từ chối?
Anh đã nói thế thì tôi vâng lời cho anh an tâm đi nghỉ dưỡng tuổi già. Buổi tối hôm đó, anh chạy xe mang đến 2 thùng sách, báo. Hai anh em đứng tán dóc chút đỉnh, tôi chúc anh lên đường bình an mạnh khỏe rồi chia tay.
Với thùng Làng Văn, tôi mở ra liếc sơ qua, mấy chục cuốn xếp ngay ngắn, còn khá mới. Hồi tôi đến trại tị nạn Thailand, bà chị dâu đã đặt báo Làng Văn cho tôi, mỗi tháng đều đặn báo đến trại. Khi qua định cư Canada, tôi tiếp tục đặt Làng Văn một thời gian nữa mới thôi. Bây giờ nhìn thùng Làng Văn này, tôi tự hỏi đã có bao giờ anh ấy mở ra xem lại chúng chưa? Bởi tôi cũng đang giữ một số cuốn DVDs ca nhạc của Trung Tâm Asia và Trung Tâm Thúy Nga, những chủ đề đặc sắc như nhạc Phạm Duy, Lam Phương, Nhật Trường, Hoàng Thi Thơ ...với ý định để dành sau này xem lại, nhưng thực tế là bao nhiêu năm qua chúng vẫn nằm trên kệ sách mà tôi chưa hề có dịp xem lần thứ hai. Hiện tại và tương lai còn bao nhiêu việc chưa xong, nhiều cuốn sách chưa đọc, nhiều bài viết chưa hoàn chỉnh, thời gian đâu mà trở về quá khứ xem lại những cuốn DVDs ấy? Mỗi lần vào lau bụi, quét dọn kệ sách, nhìn đống DVDs này, đúng là “bỏ thương vương tội”, tôi thấy mình thiệt có lỗi.
Trên lầu nhà tôi, ngoài ba phòng ngủ, còn có một phòng xem tivi, kế bên đó còn một góc phòng có kệ sách cùng bàn làm việc của ông xã. Còn một góc phòng khác, nhỏ bé, nằm khuất kế bên phòng giặt đồ, là nơi có tủ sách, albums, vài thùng sách báo, là thế giới riêng của tôi. Tuy nhiên, hàng ngày đi qua đi lại cái “cõi riêng” này, tôi ngại phải dừng chân ghé vào nhẩn nha, chỉ khi nào cần vào lấy cuốn sách nào đó, hoặc đến ngày hút bụi, lau chùi, bởi tôi biết, trăm lần như một, hễ tôi ghé vào, ngồi xuống, là y như rằng tôi sẽ bị chôn chân tại nơi này, để rồi tâm tư tôi lãng đãng bởi những miền ký ức, rồi bâng khuâng suốt cả ngày.
Thuở ấy, chưa có youtube, facebook, ebooks, googles nên nhu cầu đọc sách báo là khao khát nồng cháy của người mê sách. Hồi mới qua Canada định cư, tôi tìm đến các thư viện trong thành phố, vào kệ sách Tiếng Việt, mỗi tuần khuân về vài cuốn, đọc say sưa, một hai tuần sau lại đổi truyện khác, chỉ trong vòng vài tháng tôi đọc hết các sách truyện Việt trong thư viện. May mắn là bạn bè tôi còn lại bên Việt Nam chịu khó gửi sách cho tôi theo những người về thăm nhà, cộng thêm những lần tôi qua California vào tiệm sách Tự Lực nổi tiếng khu Bolsa, nên dần dà tôi cũng có được một kệ sách với đủ thể loại và tác giả bốn phương.
Thôi thì nhà tôi còn rộng, tôi quyết định để thùng Làng Văn của anh Quang nơi garage, rồi sau này hạ hồi phân giải. Đó là tâm huyết, là trí tuệ của bao nhiêu người trong từng số báo, tôi không nỡ đem ra ngoài rác tái chế một thùng báo như thế. Riêng thùng sách, tôi đem lên trên lầu, ngay kế kệ sách trong “cõi riêng tư” của tôi.
Ngày nay, người ta có thể tìm bất cứ “đầu sách” nào trên mạng, đó là chưa kể các youtube đọc truyện, các ebooks ... nên chẳng còn nhiều người còn thú đam mê cầm cuốn sách, mân mê mở từng trang, thơm mùi giấy mới (hoặc giấy cũ) để rồi chầm chậm bước vào thế giới văn chương đầy quyến rũ. Giờ mà đem sách đi tặng có khi còn bị cho là... “không bình thường”, nên tôi sẽ giữ lại, coi như kỷ niệm mối thâm tình của chúng tôi và vợ chồng anh Quang.
Và tôi cũng vậy, những bận rộn đời thường, youtube, facebook, emails, sinh hoạt nhà thờ, cộng đồng, tôi không còn nhiều thời gian thảnh thơi như trước đây thả hồn theo từng con chữ của những cuốn sách mình yêu thích. Cho nên “cõi riêng” của tôi giống như... viện bảo tàng kỷ niệm, mỗi ngày đi qua, liếc một cái, đôi khi dâng lên chút áy náy, rồi lại nhủ lòng, các “bạn” hãy đợi đấy... chờ tôi về hưu!
.......................................
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình.
Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ. Mỗi cuốn sách là một kỷ niệm, trang đầu tiên có chữ ký của tôi và ngày tháng năm, nơi chốn, nếu đó là sách tôi mua. Nếu là sách của bạn bè tặng, hoặc của các tác giả thân hữu thì cũng có chữ ký và lời đề tặng trang trọng, ấm áp.
Thú thật, một số cuốn sách trong kệ sách này, tôi vẫn đọc chưa xong, còn dở dang, thậm chí có vài cuốn chưa hề đọc (là những cuốn tác giả trẻ bên Việt Nam mà bạn bè gửi qua). Phần vì tôi còn đi làm, lo chuyện cơm nước nhà cửa, thỉnh thoảng còn viết lách Văn Thơ cho vui nên thực sự không có thời gian rộng rãi. Tôi đã thề hứa (ôi, “biết bao lần em đã hứa”, Vũ nhạc sĩ rành tui quá chừng!), khi về hưu, sẽ đọc tất cả những cuốn sách tôi còn “nợ”.
Cũng như từng cuốn sách là một trời kỷ niệm, thì từng cuốn album, từng tấm hình, cũng chất chứa một trời thương nhớ.
Này đây, vài cuốn albums của thời hiện tại nằm trên kệ sách, còn ở trong cái thùng carton là một đống albums khác. Albums của thời xa xưa khi còn ở Việt Nam tôi đã chụp với bạn bè trong các chuyến đi chơi thời đi học, đi làm, chụp với gia đình người thân trong các dịp lễ Tết. Khi đi vượt biên tôi chẳng mang theo tấm hình nào, nhưng suốt mấy chục năm qua, mỗi lần tôi qua Mỹ đến nhà anh chị em ruột, mỗi nhà tôi “xin” lại được vài tấm, gom lại cũng đủ một cuốn album.
Còn album của bốn năm tôi sống ở trại tị nạn Thailand, rồi các albums đám cưới của tôi, rồi hình ảnh các con từ khi chúng mới ra đời, theo thời gian lớn lên, các events như sinh nhật, ra trường, những lần gia đình đi du lịch qua Mỹ ... Cũng may là ngày nay, chúng ta đã biết save hình ảnh albums trên máy computer, USBs, chớ không thì chắc phải cần thêm vài cái thùng nữa mới chứa hết.
Tôi lại nhẹ nhàng mở từng cuốn album với tất cả bồi hồi hoài niệm. Tôi có thói quen ghi chú phía sau mỗi tấm hình, có khi viết cả tâm sự kín cả tấm hình, nhưng ít nhất các tấm hình luôn luôn có hai thông tin quan trọng, là ngày tháng năm và nơi chốn chụp tấm hình ấy. Trí nhớ tôi còn dẻo dai lắm, hầu như nhìn tấm hình nào tôi cũng đoán được thời gian và bối cảnh. Tuy vậy, đôi lúc tôi không thể nhớ chính xác, liền lấy tấm hình ra, lật phía sau, đọc những dòng chữ xa xưa của chính mình, bần thần , mỉm cười, suy tư, sao thời gian trôi nhanh quá . Chiếc áo này tôi mặc cho con gái tại tiệc thôi nôi đây mà, tôi còn nhớ rõ, mua ở tiệm GAP, mình vải mềm dịu đong đưa khi con bé chập chững bước đi trên sàn nhà. Kìa là nông trại ngoại ô, chúng tôi đi fieldtrip mừng sinh nhật con trai khi còn tiểu học, hôm ấy trời nắng chang chang, cả nhà dừng lại nơi chiếc xe truck giữa xa lộ mua những giỏ trái cây của farmers mới hái, và cả một chục bắp tươi đem về nấu chè.
Lần lượt từng cuốn album được lật qua, nâng niu, từng kỷ niệm sống lại, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, để rồi ngẩn ngơ chép miệng, mới ngày nào!
Bên ngoài trời đã về chiều, tôi đã ngồi trong phòng sách này gần hai giờ đồng hồ rồi ư, mà vẫn chẳng sắp xếp dọn dẹp được gì. Tôi liền phone cho ông xã, nhờ chàng trên đường đi làm về ghé mua vài món về ăn tối, với lý do hôm nay tôi “không được khỏe”.
Tôi đứng dậy, bước ra khỏi “cõi riêng” của mình với những cảm xúc không thể gọi tên.
Thế đấy, chúng tôi dọn đến căn nhà này cũng đã chục năm, thùng sách anh Quang “tặng” cũng vài năm rồi, trong khi mọi thứ trong nhà đã gọn gàng ổn định, thì nơi “cõi riêng” này, với những cuốn albums và những cuốn sách (chúng có linh hồn cả đấy), vẫn còn lộn xộn, ngổn ngang, như cõi lòng tơ vò và tâm tư đầy vơi của tôi vậy.
Edmonton, Tháng 9/2024
Kim Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét