Đầu Thu nhóm Câu Lạc Bộ văn Học Nghệ Thuật Paris họp mặt, những áng văn thơ và nhạc quyện nhau thành bản giao hưởng Thu. Những khuôn mặt như Phương Du, Quỳnh Liên, Lê Mộng Nguyên, Phạm Đình Liên,Từ Trì, Trịnh Khải, Đỗ Bình, Trần Văn Cảnh, Phan Khắc Tường, Nguyễn Bá Linh, Nguyễn Lương Thận, Nguyễn Thanh; Từ Lan Hương, Mây Thu, Bạch Sương, Cao Lan Hương, Minh Cầm, Thúy Hằng, Tuyết Mai.v.v...
Đỗ Bình, Phương Du, Quỳnh Liên đọc thơ, Lê Mộng Nguyên, Phạm Đình Liên cho nghe những sáng tác mới...
Paris vào cuối thu tiết trời se se lạnh những chiếc lá vàng rơi bay trong gió như đàn bướm lượn.Ở một góc trời thuộc ngoại ô Paris trong căn nhà của anh chị BS Phạm Đăng Thiện & Minh Châu đã hội nhnững tâm hồn nghệ sĩ tìm đến nhau tạo thành một khoảnh không gian nhỏ để hơ ấm tình tha hương với những khuôn mặt: nhạc sĩ Jules Tâm bicannou, nhạc sĩ Đào Tuấn Ngọc, nhạc sĩ Hồng Anh, nhạc sĩ Văn Tấn Phước, nhạc sĩ Hoàng Hoa đến từ Ý, nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu, nhạc sĩ Linh Chi.v.v... Tiếng thơ, tiếng dương cầm và tiếng hát hòa nhau làm thổn thức tình quê hương. Bài thơ Xuân Muộn của tôi đưọc anh Đào Tuấn Ngọc phổ cách nay 22 năm được trình bày ở hội trường Quốc Tế Paris do chính tác giả đệm dương cầm và Phạm Đăng trình bày.
Xuân Muộn
Em thường hỏi mùa xuân sao chẳng đến?
Ta ngại ngùng khơi động đáy niềm đau.
Trời vào thu Paris nắng lên màu,
Như lấp lánh cả Sài Gòn trìu mến.
Em muốn hỏi mùa xuân sao chớm lạnh?
Ta vội vàng thay chiếc áo mùa đông.
Nhìn sông Seine nghe sóng vỗ trong lòng.
Theo dòng nước chảy về miền cô quạnh.
Em vẫn hỏi mùa xuân sao quá chậm?
Ta gục đầu xin xám hối thời gian.
Trời Đông Âu hoa đã hết muộn màng.
Vo nắm tuyết biết xuân về hừng sáng..
Chiều nay trong căn phòng ấm cúng này ca khúc phổ thơ lại đưọc tiếng hát vút cao của Ngọc Ánh phu nhân của Đào Tuấn Ngọc trình bày, và tiếng dương cầm vẫn là Đào Tuấn Ngọc. Một bất ngờ kế tiếp, bài thơ Khách Quê của tôi do anh Phạm Đăng phổ vào tháng 9 năm nay và chiều nay được chính tác giả đệm dương cầm và trình bày ca khúc làm xao xuyến những kỷ niệm về khung trời Đà Lạt vì có một thời những người hiện diện ghi dấu chân trên miền cao nguyên xứ lạnh.
Cao Nguyên Xứ Lạ
Ta về nghe núi rừng than thở!
Liễu rũ bên hồ dáng xác xơ...
Chiều xuống sương mù giăng bóng nước,
Dốc buồn, nắng nhạt, gót bơ vơ!
Có phải xa lâu nên phố lạ?
Mà sao người cũ lại ơ hờ!
Giang tay ôm mối sầu quê mẹ
Phố nhỏ năm xưa đã hững hờ!
Bài thơ khác: Bên Em Chiều Mơ, do Văn Tấn Phước phổ và trình bày.
Bên Em Chiều Mơ
Ta ngắt hoa cài mái tóc em,
Tìm dư hương cũ thuở êm đềm.
Gọi mùa xuân đến ôi xa quá!
Vạt nắng hanh chiều theo gió lên.
Ta thích xuân về trong mắt em,
Ngăn ngày tháng úa rụng bên thềm,
Cho ta dừng bước chân luân lạc,
Trả gánh phong trần bên dáng em.
Ta muốn tìm quên trong mắt em,
Ru đời say đắm nụ môi mềm,
Buông suôi dĩ vãng thành mây khói,
Mặc ánh sao trời đua bóng đêm!
Ta cố tìm vui trong ý thơ,
Nhặt sầu quăng xuống đáy mong chờ,
Bỏ rơi ảo mộng vào quên lãng,
Rồi tự ôm tim khóc chiều mơ.
Tôi rất vui được những món quà tinh thần chia sẻ những cảm xúc nghệ thuật của bằng hữu. Về nhà mở PC lại được nghe một nhạc phẩm mới của mình bài Em Còn Trong Thơ tôi viết, được ca sĩ Hồng Liên trình bày, người mà tôi chưa bao giờ được gặp mặt! Tiếng hát đượm chất buồn xa vắng hòa giai điệu thêm chất thơ.
Đỗ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét